HƯƠNG VỊ QUÊ HƯƠNG 60

(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Đắp mộ Cuộc tình
  
Cá Lóc Nướng Trui Quá Ngon Dễ Làm Ăn Nhậu Gì Cũng Bá Cháy 

Đêm Sài Gòn buông xuống, rủ hội bạn nhậu tới bến với món cá lóc nướng thơm “nhức nhối”

Đêm Sài Gòn tấp nập, nhộn nhịp mà không ra phố cùng với hội bạn để thưởng thức các món ăn thơm ngon thì quả là quá uổng phí. Một địa chỉ quán nhậu quá tuyệt dành cho bạn tham khảo cho những buổi hẹn nhậu tới bến là quán cá nóc nướng Tư Mập, quận Gò Vấp.
Quán nướng Tư Mập có địa chỉ tại số 33 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh là một quán chuyên về cá lóc nướng ngon “số dzách” ở đây luôn. Quán mở cửa từ 11h trưa đến 22h tối các ngày trong tuần, thông thường quán khá đông khách vào buổi tối. Những hôm Sài Gòn đổ mưa lất phất nhiều đám bạn rủ nhau đi nhậu, món cá lóc nướng thơm phức quả là một lựa chọn hợp lý.
Món cá lóc nướng vàng ruộm trở thành một món nhậu ngon "số dzách" (Nguồn: Foody)
Hàng ngày lượng cá ở đây được tiêu thụ khá nhiều, những con cá lóc tươi vẫn còn sống bơi khỏe được đưa về đây rửa với nước sạch, không mổ bụng mà được cắm que tre vào miệng nướng trực tiếp trên bếp than hồng. Người đầu bếp phải cực kỳ nhanh tay để trở đều các mặt của cá, đến khi chúng chín đều, lớp da ngoài cháy vàng ruộm, dậy mùi thơm sực nức ấy là lúc đã đạt thành phẩm.
Cá được nướng chín vàng đều trên bếp than hoa (Nguồn: Foody)
Cá lóc nướng là một món ăn dân dã, chế biến đơn giản nhưng không vì thế mà món ăn kém ngon ngược lại còn vô cùng hấp dẫn được thực khách Sài thành vô cùng ưa chuộng. Da cá nóc nướng vàng giòn, thịt cá ngọt chấm với nước mắm nêm thì hương vị quá đậm đà luôn.
Món ăn này nhất định phải kèm theo đủ loại rau sống thêm vài lát ớt để át mùi tanh của cá (Nguồn: Foody)
Cá chín được rải một lớp đậu phộng giã lên trên thêm rau răm tươi thái nhỏ lên trên. Khi ăn thực khách thường ăn kèm rau sống, chuối xanh thái lát, khế chua, đậu phộng rang, rau thơm cuộn cùng bánh tráng phơi sương rồi chấm cùng mắm nêm. Vị ngọt béo của cá, vị bùi ngậy của đậu phộng, chát nhẹ của chuối xanh, tươi mát của các loại rau sống,… Tổng hòa hương vị tạo nên một món ăn ngon, vô cùng hấp dẫn, thêm cút rượu đế nữa thì có mà nhậu tới bến, “say quắc cần câu”.
Nhậu với món này thì "tốn mồi" lắm (Nguồn: Foody)
Ngoài đặc sản là món cá lóc nướng thơm phức thì quán còn có món bò cuốn lá lốt nướng mùi vị kháhấp dẫn, thực khách nên thử thưởng thức.
Bò cuốn lá lốt nướng than hoa thơm phức (Nguồn: Foody)
Thanh Hương / Tin Nhanh Online

6 món chuẩn Nam bộ từ cá lóc

Ngoài nướng trui, loại cá thịt trắng, dai mềm này còn chuyển mình vào hàng loạt các món ngon khác như bánh canh, cháo, lẩu cá…
Cá lóc nướng trui
6 mon chuan Nam bo tu ca loc hinh anh 1
Ảnh: baixan
6 mon chuan Nam bo tu ca loc hinh anh 2
Ảnh: wordpress.com
Cá lóc nướng trui hay cá lóc chổng ngược là món ăn đặc trưng của Nam bộ. Món ăn này gắn với thời kỳ khẩn hoang vùng đất mới của người dân ở đây.
Cá lóc nướng trui có cách chế biến không thể đơn giản hơn. Cá lóc sau khi bắt dưới mương, ruộng dùng cây xiên dọc thân cá rồi thui trực tiếp trên lửa hay rơm. Khi thân cá phủ một lớp cháy đen cũng là lúc cá chín. Lấy cá ra khỏi xiên, cạo lớp vỏ đen sẽ hiện ra phần thịt cá trắng non thơm lừng. Cá lóc nướng trui dùng kèm các loại rau trong vườn, mắm nêm và bánh tráng mỏng.
Cá lóc hấp bầu
6 mon chuan Nam bo tu ca loc hinh anh 3
Ảnh: blogspot.com
Có cách ăn cuốn, chấm không khác cá lóc nướng trui nhưng công đoạn chế biến của cá lóc hấp bầu cầu kỳ và tốn thời gian hơn. Cá lóc sau khi làm sạch, ướp với gia vị khoảng 30 phút rồi hấp cách thủy. Khi cá chín tới, cho cá ra đĩa hình trái xoài, sắp bầu non giữ nguyên vỏ cắt khối xung quanh. Khi ăn, bật bếp cho cá nóng và bầu chín tới là dùng được.
Bún cá
6 mon chuan Nam bo tu ca loc hinh anh 4
Ảnh: Cuong85
Ở Nam bộ, có hàng loạt các món bún có sự tham gia của cá lóc, nổi bật nhất có thể kể đến bún kèn, bún cá Sóc Trăng, bún cá Châu Đốc, bún cá Trà Vinh, bún mắm, bún thái… Dù tên gọi khác nhau, cách chế biến khác nhau song trong tất cả các món bún, cá lóc đều có cách chế biến như nhau. Cụ thể, cá lóc sau khi làm sạch, luộc chín, bóc lấy phần thịt cá để riêng hay xào cùng với nghệ. Nước luộc cá gia giảm thêm nước hầm xương, gia vị thành nước dùng.
Bánh canh
6 mon chuan Nam bo tu ca loc hinh anh 5
Ảnh: Huỳnh Hằng
Ngoài những lát cá trắng phau, tươi ngọt, bánh canh cá lóc thu hút thực khách với nước dùng thanh ngọt, nấm rơm giòn mềm, cọng bánh to dai mịn, chén mắm nêm ẩn hiện những con cá cơm (mắm) chắc nụi, đậm vị kết đôi với rau đắng đất dân dã. Thanh mát, dễ ăn, dễ tiêu, bánh canh cá lóc có thể thưởng thức bất kỳ thời điểm nào trong ngày, bất kỳ mùa nào trong năm nhưng “đã” miệng nhất là những buổi sáng trời hơi se se lạnh.
Cháo cá lóc
6 mon chuan Nam bo tu ca loc hinh anh 6
Ảnh: Huỳnh Hằng
Cháo cá lóc có khá nhiều điểm cộng. Đầu tiên là độ thanh mát, tiếp đến là cái ngon khó cưỡng của một chuỗi các nguyên liệu như nấm rơm, thịt băm. Để đạt đến độ mềm, mịn, tơi nhuyễn nhất định, cháo không được nấu bằng gạo mà bằng nếp. Cách nấu cũng không phải cho trực tiếp nếp sống vào nước dùng mà rang chín vàng với ít tiêu, muối, sau đó mới cho vào nấu cùng nước hầm. Khác với các món cháo khác, cháo cá lóc Nam bộ dùng kèm rau đắng và tương bần khiến những lát cá tươi hơn, thơm hơn và đậm vị hơn.
Lẩu cháo cá
6 mon chuan Nam bo tu ca loc hinh anh 7
Ảnh: An Huỳnh
Có thể nói lẩu cháo cá là cách phát triển trên diện rộng của món cháo cá với các thành phần của món cháo được nhân lên nhiều lần thích hợp cho món ăn chung hơn là món một người ăn. Lẩu cháo cá lóc mê hoặc thực khách với vị thơm mềm, nóng hổi của nồi cháo nếp, đậu xanh, thịt viên, nấm rơm, cái ngọt béo của cá lóc, tươi ngọt của lâu xanh, béo đậm của trứng vịt lộn hay tươi ngon của trứng gà. Đặc biệt, món lẩu này không chỉ thích hợp làm món ăn chơi mà còn có thể dùng như món ăn bồi dưỡng sức khỏe.
Huỳnh Hằng

Về U Minh thưởng thức cá lóc nướng trui dân dã của Cà Mau

Có những kỷ niệm nhớ mãi không quên, có những món ăn một lần mà nhớ mãi; tôi đã từng có một kỷ niệm và một món ăn như thế. Nếu nói ra sẽ nhiều người cho rằng chẳng có gì đặc biệt vì món ăn đó quá bình dân, đã sớm nằm trong danh sách ẩm thực Cà Mau từ lâu lắm rồi. Song thực sự với tôi cái dấu ấn đặc biệt ấy quá sâu đậm: cá lóc nướng trui.
Nông dân U Minh ăn cá lóc nướng trui ngoài đồng
Nông dân U Minh ăn cá lóc nướng trui ngoài đồng
Năm ấy là khi tôi 9 tuổi, là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến miền Tây mà đặc biệt hơn vùng đất ấy lại là đất mũi Cà Mau. Cái thưở còn nhiều suy nghĩ viển vông, tưởng tượng đủ trò. Trong tôi, miền Tây đẹp lắm có kênh rạch chằng chịt, tôm cá đầy thuyền vì tôi vốn lớn lên tại miền Bắc. Nhưng ngay ngày đầu tiên tôi đã vỡ mộng vì muỗi, vì khẩu vị món ăn quá ngọt đến nỗi không dám ăn cái gì. Và rồi một điều bất ngờ xảy đến làm tôi thay đổi hoàn toàn tiêu cực. Tôi ra đồng bắt cua bắt cá cùng anh chị và thử cá lóc nướng trui.
Chuẩn bị cá lóc đồng để nướng trui
Chuẩn bị cá lóc đồng để nướng trui rơm
Quê tôi – miền Bắc ấy, người ta gọi cá lóc là cá quả và hay nấu canh, kho, hấp bia chứ chẳng nướng trui bao giờ. Nói chung, cách chế biến khá thanh cảnh cầu kỳ. Nhưng ở Cà Mau thì ngược lại, họ nói rằng nướng trui là ngon nhất, đảm bảo ngon ngọt. Con cá còn sống ngoe nguẩy mới bắt từ dưới mương lên, chỉ to bằng cổ tay thôi, không cần rửa sạch nhớt cạo vảy hay mổ ruột đã dùng que tre dài xuyên từ miệng tới đuôi rồi cắm thẳng xuống đất. Nhìn mấy anh chị làm mà mắt tròn xoe không hiểu, chỉ đến khi một đống rơm khô chất thành đống xung quanh mới biết nó sắp được thui sống.
Sau khi đốt tàn rơm những con cá dần lộ ra từ đống tro rơm
Thực ra, rơm hay lá cây để nướng cá đều ngon nhưng dùng rơm khô thì thịt cá chín đều hơn, thơm nữa. Chỉ khoảng 10 phút sau đó, con cá đã chín đen nóng hổi. Bậy giờ đến khâu thưởng thức thôi. Cá chín đen làm sao mà ăn nhưng cái gì nó cũng có cái lí của nó. Ông anh tôi cầm que dốc ngược cá rồi lấy tay lột lớp da xấu xí theo chiều dọc sống lưng, giữa lại lớp vảy của cá cũng là vì thế. Ôi mùi thơm phưng phức, lớp thịt vàng ươm xuất hiện làm cho ai ai cũng kích thích.
Bày biện cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui ăn cùng với các loại rau dân dã và nước mắm chua ngọt
Tuy ban đầu cho rằng món ăn không sạch, không chín nhưng miếng thịt đầu tiên đã khiến tôi xuýt xoa. Ngọt, thơm đúng chất chuẩn vị đồng quê – một hương vị không thể tìm được qua những công thức khác. Thực ra, lần đó tôi đã ăn hết cả một con và dùng tay không bốc một cách ngon lành. Nó đã làm tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ, làm tôi nhớ mãi lần đầu tiên ấy.
Nhậu lai rai cùng cá lóc nướng trui
Bợm nhậu thì không thể bỏ qua những món nhậu dân dã tuyệt vời này
Cá lóc nướng trui bây giờ được biến hóa nhiều kiểu: nào là nướng mía, nào là rắc đậu phộng mỡ hành, v.v để phục vụ cho những bữa cơm thiết đãi khách quý, những cuộc nhậu sang trọng. Nhưng có lẽ, cái cách cá lóc nướng trui bằng rơm ra, ăn bốc không cần gia vị mới là đúng kiểu miền Tây nhất. Bình dân nhưng giữ trọn tinh túy của thịt cá, cá tanh mà không tanh. Cũng phải lưu ý thêm một điều là chỉ có cá lóc đồng nướng trui mới đúng bài. Bởi vậy, không chỉ người dân vùng đồng bằng sông cửu long mới chuộng món ăn này mà còn xếp nó vào danh sách ẩm thực Cà Mau nhất định phải thử qua.
Hí hửng cùng cá lóc nướng trui
Đứa không nhậu vẫn được ăn chính là tôi - TUYỆT
Lần đầu tiên nhưng sâu đậm, lần đầu tiên nhưng khó quên; đó chính là cảm giác lần đầu được thưởng thức cá lóc nướng trui. Dù bây giờ có nhiều cơ hội thưởng thức món này tại nhiều nhà hàng ẩm thực Cà Mau nhưng vẫn chẳng thể sánh bằng con cá lóc đồng nướng trui năm ấy.

Chưa ăn đã thèm cá lóc nướng chấm mắm me ở An Giang

Thịt cá tươi ngon rưới mỡ hành hòa với vị chua chua ngọt ngọt của mắm me luôn níu chân khách du lịch.
Tiền thân chính là cá lóc nướng trui trứ danh của miền Tây Nam Bộ. Sau này, thay vì nướng cá dưới lửa rơm, người ta sử dụng bếp than cho nhanh. Cách chế biến siêu đơn giản. Cá chỉ việc làm sạch nhớt, không làm ruột, sau đó xiên một chiếc đũa (hoặc que tre), nướng trên bếp than hồng cho đến khi lớp vảy cháy xém là được. Tuy nhiên phải canh thật khéo vì nếu lửa quá to, cá chỉ cháy phần vảy còn thịt bị sống. Lửa nhỏ thì cá tanh.
Cá chín, đầu bếp xẻ một đường dọc xương sống, tách làm đôi. Rưới đầy mỡ hành và đậu phộng lên trên, không nêm nếm thêm gia vị khác để giữ vị. Nếu ghé An Giang mùa nước nổi, có khi thực khách được thưởng thức thịt cá lóc đồng săn chắc, rất ngọt. Còn lại phần lớn quán ăn ở đây bán cá lóc nuôi là chính. Tuy nhiên chất lượng cũng không kém nhờ tài chế biến của những "đầu bếp nông dân" thứ thiệt.
Điểm nhấn của món ăn chính là chén mắm me đậm nét miền Tây, chua ngọt vừa phải. Khi ăn, thực khách cuốn rau sống, dưa leo và bún trong bánh tráng mỏng hoặc lá cải cay, cho cá lên trên, cuộn lại rồi chấm mắm mới đúng điệu. Món này cũng thích hợp ăn với mắm đậu phộng chua ngọt, cho thêm tí ớt cay cay. Vị ngọt của thịt cá hòa với vị béo của mỡ hành, bùi bùi của đậu phộng khiến bạn nhớ mãi không thôi.
Không khó để kiếm món "ăn là ghiền" này ở An Giang. Khoảng 4 giờ chiều về đêm, nhiều xe bán cá nướng xếp dọc ven đường hoặc trong các nhà hàng ven sông. Thực khách vừa hóng gió, vừa thưởng thức đặc sản. Món ăn dân giã nên giá rất bình dân, chỉ khoảng 40.000 đồng/người là có một bữa no nê. Ngoài ra, đây còn là mồi nhậu ưa thích của cánh đàn ông và là món ngon đãi khách của người miền Tây.
Vi Yến

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH