Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

TT & HĐ III - 23/e

                                         Nguyễn Hữu Cảnh -- Người mở cõi Phương Nam

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIII: NƯỚC NON

"Kẻ phản bội tổ quốc, đầu hàng ngoại bang, vừa không được sự tôn trọng của ngoại bang, vừa bị sự khinh miệt của đồng bào."
                                                                                              Aisopos (Hy Lạp)
  "Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng."  
                                                                                           Aleksandr Solzhenitsyn 
"Một khi nhà nước hình thành, không còn có anh hùng nữa. Họ chỉ xuất hiện trong những điều kiện không có văn minh."
                                                                                                            Hegel


“- Non cao đã biết hay chưa:
 Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
 Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề”

                                                               
                                                                           Tản Đà 

 

 

(Tiếp theo)

***
Lan tỏa dân cư có thể là một qui luật trong quá trình tiến hóa - thích nghi của thế giới sinh vật. Nhờ có lan tỏa dân cư mà loài người ngày nay có mặt khắp nơi trên Trái Đất. Dân tộc Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Theo nhà văn Sơn Nam (“Văn minh miệt vườn hay đồng bằng sông Cửu Long, NXB An Tiên, năm 1970) thì từ thế kỷ XVII, các lưu dân người Việt đã lần lượt đến định cư và tiến hành khai khẩn ở bờ sông Vàm Cỏ Tây, bờ bắc sông Tiền và các cù lao nơi cửa sông Tiền. Ở ven Đồng Tháp Mười, ven khu tứ giác Long Xuyên, rải rác cũng có nhiều giồng đất phì nhiêu, ít bị ngập lụt, cũng đã được lưu dân đặt chân tới và trụ lại, khai khẩn một vài vuông “đất phước”, nổi tiếng nhất là vùng Tân Châu và Cao Lãnh. Những dải đất phù sa màu mỡ ven sông là vùng cư trú đông đúc của lưu dân Việt, thường được gọi là “miệt vườn”. “Trước kia, cư trú ở miệt vườn là loại hình cư trú hãy còn hoang vu, nghèo nàn. Mãi đến năm 1910 mới bắt đầu có người Việt đến sinh sống đông đảo” (sđd). Làng mạc Nam Bộ không như làng mạc Bắc Bộ là có lũy tre bao bọc (có lẽ do địa hình bằng phẳng, nước lũ không gây sói mòn đất mạnh mẽ như Bắc Bộ thời chưa có đê che chắn?).
Theo Lê Quí Đôn trong “Phủ biên tạp lục” thì: “Những người Việt đầu tiên đến định cư tại đồng bằng sông Cửu Long đều ở trên vùng cao (Đông Nam Bộ), sau đó tiến dần xuống những vùng đất thấp lúc đó đang còn nằm trong trạng thái đầm lầy, trừ những dải ven sông”.
 
 Lê Quý Đôn
 Statue of Le Quy Don cropped.png
Sinh năm 1726
Thái Bình
Mất năm 1784
Hà Nam (Nam Hà cũ)
Dưới đây là trích lược từ cuốn “Sài Gòn năm xưa”, NXB Tp.HCM, năm 1995, của học giả Vương Hồng Sển:
“Căn cứ theo tài liệu sách sử để lại, đại cương cuộc Nam tiến không ngừng của dân tộc Việt Nam gồm có những năm này, quan trọng nhứt:
- 939, tổ tiên Việt còn ở vùng Thanh Hóa, và nhờ có ông Ngô Quyền, cởi được ách Bắc thuộc, mở đầu cho Đinh, Lê, Lý, Trần về sau được tự chủ ở cõi Nam.
- 1069, xuống đến Quảng Bình, Quảng Trị.
- 1037, Nhà Trần gả Huyền Trân công chúa cho vua Chàm, mở rộng cõi bờ thêm hai châu Ô, Lý (Thừa Thiên).
- 1425, đến Thuận Hóa.
- 1471, đến Qui Nhơn.
- 1611, đến Phú Yên.
- 1653, đến Nha Trang.
- 1658, Cao Miên xin thuần phục chúa Nguyễn, nhìn nhận quyền của triều đình Huế.
- 1680, Nguyễn chúa cho bọn tàn binh nhà Minh khai khẩn hoang địa vùng Đồng Nai.
- 1693, đến Phan Thiết.
- 1698, đến Biên Hòa và Gia Định (Sài Gòn).
- 1708, Mạc Cửu dâng Hà Tiên cho chúa Nguyễn, Mạc được phong làm tổng binh đời đời vĩnh trấn Hà Tiên.
- 1755, Cao Miên quốc vương nhượng đất Tần Bôn và Lôi Lạp cho Võ Vương. Trong Nam, ông Nguyễn Cư Trinh với những kế hoạch khẩn hoang, dinh điền ở miền Nam. Vào cuối thế kỷ XVIII, tại Gia Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định, ba người cùng lập thị xã nâng cao đuốc văn hiến một thời.
- 1780, Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu) mất, không con nối hậu. Từ đây, đất Hà Tiên sát nhập cơ đồ Nguyễn chúa: cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, đến đây đã hoàn thành.
(…)
Về tổ chức đồn điền, xét ra đã có từ đời Hồng Đức (Lê Thánh Tôn). Từ ngày vua Lê Lợi đuổi được quân Tàu, thế nước rất mạnh, hiềm vì đất đai chật hẹp không đủ cho dân cày cấy nên Lê Thánh Tôn thi hành chính sách bành trướng vào Nam, lập kế đồn điền. Tổ chức này có hai phương lợi: một là trấn an biên thùy, hai là mở rộng bờ cõi một cách hòa bình. Nhơn thế, một chức quan được đặt ra, gọi quan Thu ngự Kinh lược sứ với nhiệm vụ chiêu tập những lưu dân (gồm những dân tình nguyện, những người phải tội lưu trú ngoài biên cương, hoặc những người bỏ làng để trốn lính và tránh sưu thuế…). Những người ấy được đưa đi khai khẩn đất hoang; và được quan Kinh lược giúp đỡ và ủng hộ. Họ lấn sang đất Chiêm Thành rồi sau này đất Thủy Chân Lạp và vẫn yên tâm mở rộng khu vực vì sẵn bên có quân đội bảo vệ an ninh.
Sau một hai đời thì những hạt mới được sung nhập lãnh thổ Việt. Lần lần, những lưu dân miền Bắc, miền Trung dùng phương pháp “tàm thực” ấy mà mở rộng đất đai bờ cõi Việt từ sông Cả đến tận mũi Cà Mau. Sự bành trướng này đến ngày chạm súng với Lang sa (thực dân Pháp) mới ngưng.
(…). Có một khoảng trên dưới một trăm năm, cần phải nhấn mạnh nhứt là khoảng từ năm 1658 đến năm 1759, tức đoạn tổ tiên ta chung đụng với người Căm Bốt (Campuchia) trên cõi Nam nầy. (…)
Lúc ấy đã có người Căm Bốt ở trên đất Nam nầy rồi. Nói chính đáng mà nghe, từ Huế, chúa Hiền Vương đã từng cắt quân đi chinh phục miền Nam. Quân ta cả thắng Chàm và sau những chiến công rực rỡ, dân Việt đã có dịp chen vai thích cánh sát với người Khơme, nơi những vùng biên giới cũ Chàm, kể từ năm 1658.
Một điều nên nhớ kỹ, là vào thời buổi ấy, dân thưa đất rộng, dân làm ăn không hết, việc đi khai khẩn đất hoang là thường sự và không hề sanh ra việc gì rắc rối. Tục thường ví “chím trời cá nước”, ai bắt được nấy nhờ.
Một điều khác cần nói rõ thêm là đất miền Nam của bán đảo Ấn Độ - Chi Na (Đông Dương) cũng không phải thiệt thọ “phần đất phụ ấm” của Phù Nam đã bị tiêu diệt từ thế kỷ thứ VII, lại mấy có sự đòi hỏi tranh tụng gì? Tha hồ lúc ấy ai khai phá được khoảng nào thì nấy làm chủ ăn hoa lợi. Và như đã nói “đất ở không hết”, tội gì tranh giành cho nhọc lòng lo, cho mệt xác.
(…)
(…)
Thời cổ đại, theo sử Trung Quốc ghi lại thì có giống người Phù Nam chiếm cứ sơ khởi cùng gọi Phù Nam. Đất Phù Nam sau đổi lại là Thủy Chân Lạp để phân biệt với đất Lục Chân Lạp. (Về danh từ “Phù Nam”, có đến hai thuyết khác nhau. Trong sử Tàu, gọi đó là đất Phù Nam, tức xứ Nam nổi phù. Đời thượng cổ, vùng đất này có lẽ quanh năm ngập lụt, không ai thấy được; đất chỉ lồi lên khỏi mặt nước cho ngó thấy vào mùa hạn, khi nước rút đi hết và trời dứt mưa. Nhà lão thành thông thái Pháp, ông G.Coedès lại cắt nghĩa: “Phù Nam” do tiếng Khơme “Phnom” đọc ra như vầy. Theo cố học giả Pháp Pierre Dupont, thì xứ Phù Nam gồm đất Nam Kỳ cũ (Thủy Chân Lạp), đất Cao Miên (Lục Chân Lạp) và một phần xứ Xiêm La, và Phù Nam là một nước có từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ V sau Gia-tô)”.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, xét về mặt lãnh thổ thì đến năm 1780, cuộc Nam tiến vĩ đại của dân tộc Việt coi như kết thúc, hình thù lãnh thổ và diện tích đất đai đã được xác định như ngày nay thấy. Tuy nhiên, sự lan tỏa dân cư từ Bắc xuống Nam đến đó vẫn chưa chấm dứt mà lúc nổi rộ, lúc âm ỉ, dưới hình thức này hay hình thức khác, quá trình thiên di vẫn tiếp tục đến tận ngày nay. Chẳng hạn hàng loạt người đi phu đồn điền thời Pháp thuộc, từng đợt dân cư nông thôn miền Bắc di chuyển vào Nam sinh cơ lập nghiệp trong phong trào đi “Kinh tế mới” ở những khoảng thời gian sau Giải Phóng (1975)…
Ngay từ buổi đặt chân đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhờ đã có kinh nghiệm sống ở đồng bằng Bắc Bộ, dân Việt đã mau chóng thích nghi với đời sống sông nước vùng này và cũng đã bắt tay vào công cuộc trị thủy từ sớm.
Một trong những biểu hiện thích nghi dễ thấy là việc sử dụng ghe xuồng làm phương tiện vận chuyển đi lại chủ yếu. Chính sự phong phú về sông ngòi mà người dân ở đây có thể ngồi trên ghe, thuyền đi khắp đồng bằng sông Cửu Long, qua các thành phố, thị trấn, làng mạc, miệt vườn, thậm chí là qua cả Cămpuchia mà không cần đặt chân lên bờ. Giao thông đường thủy trở thành nổi trội, có tầm quan trọng đặc biệt, có lúc, có nơi trở thành phương thức lưu thông chính của miền Tây và cả Nam Bộ. Xưa kia, các cư dân Đàng Ngoài cũng phần nhiều sử dụng đường thủy, mang cả ghe bầu vào đồng bằng sông Cửu Long để sinh sống. Họ lập thành làng xóm ở rìa những cù lao để tiện cho việc đi lại bằng đường thủy và cũng để thuận tiện cho việc dừng chân, trao đổi, mua bán sản phẩm. Thông thường, hàng quán xuất hiện ở nơi đổi con nước, ghe xuồng ghé lại nghỉ ngơi ăn uống để đợi con nước sau. Điều kiện đó đã làm xuất hiện nhiều gia đình, đời này qua đời khác lập nghiệp trên ghe, xuồng, làm giàu cũng nhờ ghe, xuồng và khi hợp lại thì thành những chợ nổi trên sông, những cụm dân cư trên bè, mảng hết sức độc đáo…
Tuy nhiên, có thể do tăng dân số (tăng tự nhiên, tăng do tiếp tục thiên di đến) và có thể là do cả chế độ tư hữu điền địa phong kiến mà sự phân bố dân cư buộc phải mở rộng ra khắp vùng châu thổ, đến cả những nơi khắc nghiệt hơn, ít hoặc không có sông, đất đai thì nhiễm phèn ngập mặn. Do đó mà công tác trị thủy được đề ra, phải đào kênh mương để dẫn thủy nhập điền và đồng thời để lưu thông. Quá trình này làm xuất hiện hình thức cư trú ven kênh (nhất là kênh cái), trên gò nổi như ốc đảo, giữa mênh mông nước, gọi là “ấp”.
Từ đời này qua đời khác, công việc trị thủy đã làm hình thành nên một mạng lưới kênh đào rộng khắp và chằng chịt không kém sông rạch tự nhiên. Những kênh đào qui mô do Nhà nước trung ương tổ chức thực hiện, hình thành từ cuối thế kỷ XVIII để phục vụ đời sống: tưới tiêu, giao thông và cả phòng vệ. Kênh đào tới đâu, làng mạc thôn xóm tiến theo tới đó. Nhờ có mạng lưới kênh đào mà nước ngọt từ sông Hậu về tới những vùng xa xôi tận Mũi Cà Mau. Nếu coi hệ thống đê điều ở đồng bằng Bắc Bộ với biểu tượng Cổ Loa thành là một thành tựu đáng tự hào của dân tộc Lạc Việt thì mạng lưới kênh đào ở đồng bằng Nam Bộ là một sáng tạo tuyệt vời của dân tộc ấy trong công cuộc trị thủy một miền sông nước có đặc điểm tương đối khác. Và đó cũng bộc lộ tính năng động sáng tạo trên cơ sở kế thừa của dân cư Nam Bộ trong việc chinh phục thiên nhiên.
Nhìn chung, sông ngòi kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long nhiều không kể siết, tạo thành mạng lưới tưới tiêu và giao thông thuận tiện, nối liền với các vùng trong và ngoài đồng bằng mà theo Trần Hoàng Kiêm thì gồm “2500 km sông rạch tự nhiên và 2500 km kênh rạch đào đắp; phần lớn kênh rạch được đào từ thế kỷ XIX; riêng ba năm đầu thế kỷ XX, nhân dân đã đào trên 15 triệu km3 đất kênh rạch”.
Để đối phó với nạn lũ lụt ngập sâu kéo dài, trong những năm cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã hình thành nên những kênh rạch mới, chẳng hạn như các tuyến kênh T4, T5 - Tuần Thống Nhất, T6. Đất đào mới cũng như đất nạo vét được đắp thành đường dọc theo kênh như con đê; đắp những nền cao tạo nên, những làng xóm mới “sống chung với lũ”; những cụm dân cư “mùa nước nổi” mênh mông như biển cả suốt 5 - 6 tháng… Đây là một kết quả của công cuộc trị thủy qui mô, mang lại hiệu quả to lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của cư dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của cả đất nước nói chung.
Nói đến công cuộc trị thủy ấy thì trước hết phải nói đến những con kênh đào thời chúa Nguyễn. Đoàn Xá, trên mạng internet có viết bài "Huyền thoại những dòng kênh trăm tuổi", nội dung như sau:
"Không phải những con đường, cây cầu hay toà đền đài kỳ vĩ, trong lịch sử hơn ba trăm tiến về phương Nam của người Việt, những dòng kênh đào ở vùng châu thổ rộng lớn Cửu Long Giang mới chính là những công trình có ý nghĩa nhất. Đến tận ngày nay, những dòng kênh trăm tuổi, do chính bàn tay con người tạo lên ấy vẫn đang là công trình giúp ích nhất cho người dân. Không chỉ giao thông, trị thuỷ mà những con kênh còn là mạch máu của đồng bằng châu thổ, kết nối những vùng đất với nhau. Để có được dòng kênh ấy, nhiều máu xương, công sức của tiền nhân đã đổ xuống.
Huyền thoại những dòng kênh trăm tuổi

Kênh Vĩnh Tế.

Dòng kênh mở cõi vùng biên

Là xứ sở chín dòng sông huyền thoại cùng vô vàn những kênh rạch tự nhiên nhưng thật lạ, trong lịch sử khai phá phương Nam, các kênh đào lại có vai trò quan trọng hơn, nhất là trong phân chia địa giới, lãnh thổ.Những con kênh mang tên Vĩnh Tế, Thoại Hà, Tháp Mười, Chợ Gạo… cho tới tận bây giờ vẫn là những tuyến đường giao thông cũng như trị thủy quan trọng của dải đất châu thổ rộng lớn này. Càng đặc biệt hơn, mặc dù tất thảy đều được đào bởi mục đích quân sự, là tấn công hay phòng thủ nhưng những dòng kênh ấy bây giờ chỉ đơn thuần là nơi người dân nương dựa mưu sinh. Chỉ những mái nhà ven kênh san sát nhau, lồng nuôi thủy sản kín mặt kênh cho tới các ghe vỏ lãi ngược xuôi hối hả là thứ còn sót lại đến nay. Bởi lẽ, không có điều gì bền lâu ở dải đất này nếu không gắn bó trực tiếp với cuộc sống người dân.

Có lần, đứng ở chùa Bồng Lai, nhìn dòng kênh Vĩnh Tế yên bình tấp nập ghe thuyền qua lại, xa xa là ngôi làng cổ Vĩnh Tế (nay là một phần của xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang), chúng tôi bất giác bồi hồi. Ba trăm năm trước, khi đây còn là vùng đất biên ải hoang vu cỏ mọc um tùm sình lầy không gì đi tới được. Quyết định đào một con kênh dài cả trăm cây số nối liền Châu Đốc và Hà Tiên, hai thủ phủ kinh tế lớn miền Tây thời đó của danh tướng Thoại Ngọc Hầu chính là quyết định thay đổi cả lịch sử. Nếu không có dòng kênh từng là nơi phân chia biên giới này, có lẽ tới tận bây giờ cũng không có những làng mạc, thị trấn, thành phố phồn thịnh đến vậy nơi biên ải xa xôi.

Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức thì khi đào con kênh Vĩnh Tế (kéo dài 3 đời vua là Gia Long, Thiệu Trị, Minh Mạng) đã có hàng ngàn phu dịch, lính đào bị chết. Nhưng điều đặc biệt, nguyên nhân của những cái chết ấy, họ chủ yếu bị chết do hổ, rắn, cá sấu cắn và ăn thịt. Nói vậy để thấy, lúc ra đời, vùng đất ven kênh Vĩnh Tế hoang dã đến nhường nào. Và khi hoàn thành, đây cũng là công trình hiếm hoi được khắc trên Cửu Đỉnh, báu vật trấn quốc triều Nguyễn ở Đại Nội, kinh thành Huế.

Đến ngày nay, người dân vào thăm khu cố đô Huế vẫn thấy bóng dáng của công trình này trên những chiếc đỉnh còn sót lại. Nhưng dòng kênh Vĩnh Tế không chỉ có tên tuổi ở chính sử mà còn gắn bó với vô vàn những câu chuyện dã sử của người dân vùng biên giới An Giang, Kiên Giang. Khi hoàn thành, để tưởng thưởng cho công lao danh tướng Thoại Ngọc Hầu, triều đình đã cho ông tự chọn tên dòng kênh.

Và ông lấy tên vợ mình là bà Châu Thị Vĩnh Tế để đặt cho dòng kênh này. Trong lăng Thoại Ngọc Hầu ở thành phố Châu Đốc, ngay bên bờ sông Hậu ngoài khu lăng thờ một trong những người có công lớn nhất trong việc mở cõi dải đất phương Nam đã là địa điểm du lịch tâm linh được hàng ngàn người ghé thăm với ngôi mộ Thoại Ngọc Hầu và bà Vĩnh Tế, còn có những mộ chủng vô danh. Nghe người dân trong vùng bảo, họ là những binh lính đã theo Thoại Ngọc Hầu đào kênh mở cõi, bỏ xác nơi hoang vắng nên ông đưa về an táng tại khu đất mà sau này, chính ông cũng nằm lại vĩnh viễn nơi đó.

Câu chuyện thuỷ chung sống chết bền chặt giữa người danh tướng và những tuỳ tùng của mình đến giờ vẫn được lưu truyền. Nhìn những ngôi mộ ấy, nhớ lại khoảnh khắc đứng bên cầu La Tha nhìn dòng kênh Vĩnh Tế thẳng tắp hun hút in hình mây trắng trời xanh trong một trưa vắng, bất giác bồi hồi. Cũng như tất cả những ai khác, mọi thứ rồi cũng mây trắng trời xanh!

Cũng liên quan đến Thoại Ngọc Hầu, một trong những người có nhiều công lao mở cõi ở miền Tây Nam Bộ nhất còn có kênh Thoại Hà, dòng kênh mang chính tên ông. Đặc biệt, đây là dòng kênh đào đầu tiên được con người tạo ra, nối liền vùng Rạch Giá và Hà Tiên ngày nay. Trước đó, người dân muốn đi từ Rạch Giá tới Hà Tiên hay ngược lại đều phải đi ra biển rồi lại vòng vào sông, rất bất tiện. Thoại Ngọc Hầu sau đó đã xin vua Gia Long cho đào con kênh nối hai thành trên.

Kênh được đào theo một con rạch nhỏ có trước nên rất nhanh, chỉ hơn một tháng đã hoàn thành, giúp cho việc trị thủy, giao thông, buôn bán…của người dân trong vùng rất thuận lợi. Khi hoàn thành công trình này, vua Gia Long cảm kích, đặt tên kênh là Thoại Hà, theo tên chữ của Thoại Ngọc Hầu, vào năm 1817. Công trình này cũng có lẽ cũng là lý do để  2 năm sau triền đình nhà Nguyễn khi đó quyết định giao cho Thoại Ngọc Hầu đào tiếp kênh Vĩnh Tế, một công trình có quy mô và ý nghĩa lớn hơn rất nhiều lần.

Huyền thoại những dòng kênh trăm tuổi - 1

Kênh Chợ Gạo.

Soi bóng tiền nhân

Về miền Tây, chúng tôi cố gắng đi thật chậm lại khi bắt gặp một dòng kênh sát ven đường. Đó chắc chắn là dòng kênh được tạo lên bởi bàn tay con người, dù có thể chưa biết tên, hay lịch sử hình thành của nó. Bởi những dòng sông, kênh tự nhiên thường có hình dạng uốn lượn, hầu như không bao giờ thẳng. Với hàng ngàn kênh rạch cùng những dòng sông lớn được tự nhiên ưu ái ban cho, nhưng chính những dòng kênh đào có chủ đích của con người mới thực sự làm thay đổi hệ thống đường thuỷ ở đây. Nhiều dòng kênh chỉ dài hơn chục cây số nhưng nó giúp cho thuỷ lộ thuận tiện đi tới cả trăm cây số. Chính những dòng kênh này đã giúp cho cha ông ta chinh phục và định cư bền lâu ở vùng châu thổ trũng thấp có điều kiện tự nhiên rất đặc trưng này. 

Trong suốt chiều dài lịch sử, những cuộc chiến tranh dù khốc liệt đến đâu cũng luôn ngắn ngủi so với quãng thời gian hòa bình của những vùng đất ấy. Đó là lý do có những dòng kênh sinh ra trong chiến tranh nhưng lại mang đến hoà bình. Hòa bình lâu dài.

Kênh Nguyễn Văn Tiếp (còn gọi là kênh Tháp Mười), một dòng kênh dài gần một trăm cây số, được bắt đầu đào dưới sự chỉ huy của một tướng dưới thời Tây Sơn trong hành trình tránh sự truy đuổi của quân chúa Nguyễn Ánh.

Tuy nhiên, lịch sử dòng kênh này lại gắn với nhiều với những chiến tích khẩn hoang vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn và một viên chỉ huy người Pháp. Để có hình hài như ngày hôm nay, những thế hệ đi trước đã mất hơn trăm năm để hoàn thành dòng kênh này.

Đây là kênh nối liền sông Vàm Cỏ Tây và sông Tiền, giúp cho giao thương cả một vùng rộng hàng ngàn cây số được thông suốt, thay vì phải đi vòng xuống phía hạ lưu gần biển rồi lại quay ngược lên. Ngày nay, không ai còn nhớ tới các cuộc truy đuổi của quan quân đối với quân Tây Sơn ở vùng Đồng Tháp Mười nhưng dòng kênh này  lại ngày ngày là nơi di chuyển của hàng trăm ghe thuyền, giúp lưu thông nông thuỷ sản dễ dàng.

Từng có thời gian dài cai quản vùng đất lục tỉnh Nam Kỳ nên không có gì lạ khi người Pháp cũng để lại dấu ấn với khá nhiều những dòng kênh đào quan trọng. Đầu tiên, đó chính là dòng kênh Chợ Gạo nối liền Sài Gòn và Mỹ Tho, thủ phủ lớn nhất miền Tây thế kỷ 19. Từ khi hình thành cho tới nay, đây là tuyến kênh vận tải quan trọng nhất của dải đất đồng bằng. Tất cả hàng hóa nông thủy sản ở Nam Bộ nếu đi đường thủy đều phải qua kênh này để lên Sài Gòn-Chợ Lớn và ngược lại, những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết thực khác cũng buộc phải đi theo chiều ngược lại. Với vùng đất mà thói quen di chuyển bằng ghe thuyền nhiều như Nam Bộ, những tuyến kênh như Chợ Gạo thực sự có vai trò không khác tuyến quốc lộ là bao.

Huyền thoại những dòng kênh trăm tuổi - 2

Từng có một thời gian dài tới hàng trăm năm, chính những dòng kênh mới là nơi thu hút các cụm dân cư của người dân Đồng bằng sông Cửu Long, chứ không phải những con đường. Và những nơi dòng kênh giao nhau, đan xen cũng là nơi xôm tụ, đông đúc cư dân nhất. Chợ nổi, văn hoá đặc trưng của miền sông nước cũng ra đời ở nơi mà thường có từ 2, 3 hay thậm chí 6, 7 dòng kênh giao nhau. Ngày nay, công thức trên dù không còn đúng do sự giao lưu văn hoá, biến đổi của thói quen sinh hoạt nhưng tập quán sinh sống, dựng nhà ven sông, kênh rạch vẫn ăn sâu vào suy nghĩ của người dân nơi đây. Hình ảnh những mái nhà san sát ven kênh vẫn là “đặc sản” của vùng châu thổ này."

  Sau đó phải nhắc tới một cái tên lừng lẫy của thời “đổi mới” là Võ Văn Kiệt (1922 - 2008). Nhưng vì đâu mà xuất hiện thuật ngữ “đổi mới” và trước thời kỳ đổi mới ấy là thời gì?
Ngày 31-8-1858, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Quan quân nhà Nguyễn, được nhân dân ủng hộ, đã tổ chức chống trả kịch liệt, nhưng trước ưu thế vược trội về vũ khí và phương tiện quân sự của giặc Pháp, họ cũng có phần nao núng. Dù vậy truyền thống quật khởi của dân tộc đã tạo ra một không khí kháng chiến ngày càng hừng hực ở khắp nơi. Ở đâu có giặc Pháp thì ở đó xuất hiện những đạo quân “ứng nghĩa” hoạt động sôi nổi, đêm ngày phục kích, quấy nhiễu, tiêu hao địch. Rất tiếc là triều đình Huế, một triều đình mà ngay từ ông vua đầu tiên đã mang tiếng là “cõng rắn cắn gà nhà”, không thấy được sức mạnh to lớn của truyền thống “toàn dân vi binh”, đã trở nên ngày một bạc nhược. Sự sợ hãi đã làm cho nó phòng thủ “cứng đờ”, chống đỡ thụ động, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác dẫn đến đầu hàng từng bước và chính thức quì gối đầu hàng hoàn toàn vào ngày 6-6-1884 bằng việc ký hiệp ước Pa-tơ-nốt (Patenôtre).
Chính sự bạc nhược đến tê liệt của triều đình Huế đã không những làm cho cao trào kháng chiến của nhân dân không có được một sự lãnh đạo tập trung để phối hợp hành động mà còn làm giảm đáng kể nhuệ khí cũng như gây cản trở rất lớn đến sự phát triển lực lượng của cuộc kháng chiến ấy bằng việc cắt đất dâng cho giặc Pháp và ra lệnh “bãi binh” hết sức phi lý. Ngay đương thời đó đã xuất hiện câu phán xét cay đắng và ai oán: “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” (Phan, Lâm bán nước, triều đình bỏ dân). Thực ra chính triều đình Huế mới là kẻ chủ mưu và cũng là tội đồ “mãi quốc, khí dân”. Phan, Lâm (Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp) chỉ là những người thừa sai, mắc vào cái vạ ấy. Phụng sự một triều đình như vậy mà những nhân cách lớn với quan niệm trung quân ái quốc theo Nho Giáo như Phan Thanh Giản, không trở thành bi kịch mới là chuyện lạ! Nhiều người đời nay cố biện minh cho Phan Thanh Giản nhưng theo chúng ta thì không cần thiết vì chính ông đã làm điều đó, đã tự thấy và tự chịu trách nhiệm bằng sự quyên sinh của mình.
Nói không ngoa, “mãi quốc khí dân” không phải là hành động nhất thời mà thường thấy trong suốt triều đại nhà Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại. Bản hiệp ước “Tương trợ tấn công và phòng thủ” ký tại Véc-xây (Versailles) ngày 28-11-1787 giữa chính phủ Pháp và Bá Đa Lộc (đại diện cho Nguyễn Ánh - Vua Gia Long sau này) có nội dung: vua Pháp sẽ giúp Nguyễn Ánh đánh lại phong trào Tây Sơn, khôi phục đất đai, sẽ gửi sang thường xuyên 4 tàu chiến, 1200 quân, 200 pháo binh, 250 lính Châu Phi cùng các loại quân khí, quân trang và trọng pháo; đáp lại, Nguyễn Ánh sẽ nhường cho Pháp chủ quyền và sở hữu tuyệt đối cảng Hội An ngay sau khi quân đội Pháp chiếm lại được cảng này; người Pháp sẽ được quyền sở hữu về quần đảo Côn Lôn… Rõ ràng, đây là bản hiệp ước giữa hai kẻ rắp tâm bán nước và âm mưu cướp nước, không thể nghĩ khác đi được.
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét