TT & HĐ - 22/d

 

                                                  Lịch Sử Việt Nam Thời Hùng Vương 


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!                                                                                   Trong khinh khi may nhớ nước non                                                  Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử                                                     Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử                                                Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm                                Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng                                        Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách..."                                                     Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau                                       Cervantes (Tây Ban Nha) 

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."                                                                                                                                             Cicero (La Mã) 

Đừng chê cõi trần nhơ                                                                  Đừng khen cõi trần đẹp                                                                    Cõi trần là thản nhiên                                                                      Chỉ có đời nhơ, đẹp.”                                                                                                            Trần Hạnh Thu

 

CHƯƠNG XXII: TỔ TIÊN 

"Dù ai đi ngược về xuôi                                                                   Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"                                                                    Ca dao

"Noi gương tiên tổ truyền thống anh hùng muôn thuở thịnh  
 Nối nghiệp ông cha phát huy khí thế vạn đời vinh."
câu đối thờ gia tiên

“Ta có tai, mắt, ta nghe, ta trông; ta có tâm tư ta suy, ta nghĩ; đối với người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.”
Lương Khải Siêu
 
"Cuộc sống  phản bội lại tổ tiên là cuộc sống bấp bênh nhất, trơ tráo nhất. Nếu không muốn phản bội lại tổ tiên, thì trước hết, đừng làm nô lệ cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào khác, không tin theo bất kỳ thứ chủ nghĩa nào khác."                                                                                                                    Trần Hạnh Thu
 





(Tiếp theo)


                                                                           ***

“Văn hóa” và “văn minh” là hai khái niệm tương đối “lỏng lẻo” nói về biểu hiện “trình độ” sống, “trình độ” nhận thức nào đó trong một mối quan hệ so sánh trong qui ước, thỏa thuận nào đó. Một người có văn hóa là một người văn minh và ngược lại, một người được cho là văn minh thì phải có văn hóa? Một quốc gia văn minh đi xâm lược, đàn áp các dân tộc khác thì có văn hóa không và một dân tộc sống như một cộng đồng hòa hiếu, “vui thú điền viên”, khi có giặc xâm lăng thì đồng lòng theo một ngọn cờ đại nghĩa đứng lên đánh tan, xong rồi “ai về nhà nấy”, trong thời bình chả cần đến nhà nước kiểu tập quyền làm gì, thì có được gọi là văn minh không?
Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể tạm hiểu văn hóa như một khái niệm “chuyên môn” dùng để đánh giá trình độ đời sống và nhận thức cũng như phong tục tập quán về cuộc sống, về sự ứng xử với thiên nhiên được thể hiện ra qua những hoạt động tinh thần và tạo dựng trong lối sống, trong sinh hoạt, trong thơ ca nhạc họa và trong thành quả của lao động sáng tạo…, trong tình cảm yêu thương đồng loại theo quan niệm và qui ước của thời hiện tại. Khi đặt các nền văn hóa trong mối quan hệ so sánh thì nền văn hóa phát triển nổi trội hơn, được sử dụng những vật dụng phục vụ đời sống tiên tiến hơn được gọi là văn minh hơn. Khi nói đến một nền văn minh thì nên hiểu rằng nó có một nền văn hóa phát triển nổi trội, nổi bật so với những nền văn hóa xung quanh hoặc so với nền văn hóa nền tảng nói chung của đương thời. Nếu khái niệm văn hóa chỉ nói đến sự tiến bộ về mặt tinh thần thì khái niệm văn minh là nói chung về sự tiến bộ cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Và nếu chúng ta thỏa thuận được với nhau như vậy thì văn minh chẳng có liên quan gì tới nhà nước cả, hoặc chính nhà nước là con đẻ của sự phát triển văn hóa - xã hội của loài người và chỉ thế thôi.
Từ sự hiểu những khái niệm “văn hóa”, “văn minh” và “nhà nước” một cách máy móc, cực đoan (và như thế có nghĩa là chỉ mới thấy chứ chưa biết nhưng cứ tưởng rằng biết!?)  nên đã có không ít người nằng nặc đòi phải “tôn trọng lịch sử khách quan”, đòi xét lại thời điểm lập quốc Việt Nam. Họ lập luận rằng trong thực tế, hầu hết các nước đầu tiên trên thế giới đều xuất hiện vào giai đoạn phát triển nhất của thời đại đồ đồng hoặc đầu thời đại đồ sắt. Do đó họ cho rằng quan niệm phổ biến xưa nay về thời điểm xuất hiện nhà nước đầu tiên ở nước ta (thời điểm lập quốc) cách nay khoảng 4000 năm đã không đúng vì nó trùng với niên đại của văn hóa Phùng Nguyên (đã được xác định bằng phương pháp cácbon phóng xạ (C14), khỏi cãi!). Mà văn hóa Phùng Nguyên là thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, vì khảo cổ cho thấy ngoài ít mẩu xỉ đồng ra, chưa hề tìm thấy bất kỳ công cụ bằng đồng nào (lạ thật nhỉ?!); công cụ bằng đá vẫn phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối; như thế xã hội văn hóa Phùng Nguyên vẫn còn ở hình thái Cộng sản nguyên thủy; và họ cho rằng không thể khẳng định trước đây 4000 năm, dân tộc ta đã bước vào thời đại văn minh, đã có nhà nước (chúng ta giữ nguyên cách dùng từ của họ!).
Cũng theo họ nói:
Các nhà sử học ngày càng thống nhất chung quan điểm khi cho rằng nhà nước đầu tiên trên đất nước ta chỉ có thể xuất hiện vào thời văn hóa Đông Sơn (tính đến năm 2007 là 2472 ± 100 năm). Quan điểm này được cộng đồng quốc tế thừa nhận (còn gì bằng nữa!), chẳng hạn, trong nhiều công trình lịch sử, xã hội học của các tác giả nước ngoài, đã dùng từ “văn minh” (civilization) thay vì “văn hóa” (culture) khi bàn về văn hóa Đông Sơn của Việt Nam. Do vậy, chỉ có thế dùng niên đại của văn hóa Đông Sơn làm giới hạn đầu cho thời kỳ lập quốc của dân tộc ta, cách đây chừng 25-27 thế kỷ. Nó cũng phù hợp với ghi chép của “Việt sử lược” - bộ sử khuyết danh nhưng có độ chính xác cao (???) – theo đó: “Đến thời Trang Vương nhà Chu (696 - 681 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô tại Phong Châu, phong tục thuần phác, chính sự dùng lối kết nút, truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”
Và cuối cùng là một phát hiện “chấn động” của họ:
Nếu cho rằng Kinh Dương Vương - ông nội của vua Hùng thứ nhất - lên ngôi vào đời Phục Hy bên Trung Quốc, cụ thể là năm 2879 TCN, còn Vua Hùng cuối cùng (đời thứ 18) chấm dứt sự trị vì của mình vào năm Chu Noãn Vương thứ 57 (tức năm 258 TCN), thì kể cả Lạc Long Quân nữa, vị chi là gồm 20 đời vua trị vì trong khoảng thời gian là 2879 – 258 = 2621 năm, nghĩa là mỗi ông vua trung bình trị vì được 131 năm. Kết luận rút ra từ kết quả tính toán này chỉ có thể là: phi lý, vua không thể có tuổi thọ của thần thánh!
Chúng ta hoàn toàn nhất trí với họ ở một điểm duy nhất, đó là phải đứng về phía khách quan, với cái tâm trong sáng nhất khi nhìn nhận lại lịch sử của dân tộc mình. Nhưng để thực hiện điều đó thật mới khó làm sao! Cái tôi của con người cứ luôn thò cái đuôi chủ quan của nó ra khuấy đảo, lũng đoạn cái ý chí muốn vươn tới sự quan sát và suy nghĩ khách quan thực sự. May lắm, chỉ có thể cố giữ cho được một cái tâm trong sáng mà thôi!
Khi họ nói truyền thuyết lịch sử chỉ mang tính lịch sử nhưng không phải thực tế lịch sử và cho rằng 4000 năm lịch sử của dân tộc chỉ là truyền thuyết thì sao họ lại có quyền coi các mốc thời gian xảy ra trong truyền thuyết là sự thực lịch sử để phản bác truyền thuyết đó không phải là sự thực được? Còn nếu họ chỉ công nhận những con số là sự thực thì sự kiện bà Âu Cơ đẻ ra 100 trứng nở thành 100 người con trai có phải là sự thực không?
Lịch sử của thời có chữ viết và thậm chí là của thời cận đại đôi khi còn nhiều chỗ mù mờ huống hồ là lịch sử của thời tối cổ. Thế thì trên cơ sở nào mà đặt cược niềm tin vào cuốn “Việt sử lược” khuyết danh, mà cho rằng nó có độ chính xác cao? Ngay bầy đàn ở loài động vật cũng có con đầu đàn, ngay bộ lạc cũng có người đứng đầu đầy quyền uy, thì tại sao không thể phá vỡ quan niệm cũ về liên minh các bộ lạc, về chế độ Cộng sản nguyên thủy mà cho rằng những hình thái xã hội ấy cũng có những người hoặc nhóm người đứng đầu và đó là hình thức nhà nước giản đơn (và thậm chí cũng là kiểu nhà nước mà tương lai con người sẽ lại đạt tới)?
Chúng ta nghĩ, đối với những thời chưa có ghi chép phổ biến thì tất cả các sách sử viết về chúng đều chỉ là sự chép lại theo truyền thuyết dân gian, hoặc truyền thuyết đã được ghi lại trước đó, những câu chuyện được các thế hệ trước lưu lại, đã bị méo mó ít nhiều bởi “cái tôi” của người ghi chép, hoặc méo mó hoàn toàn, thậm chí là đổi trắng thành đen theo ý chí ích kỷ, vô trách nhiệm của vua chúa đương thời. Tình cảm thông thường của các nhà chép sử, ai cũng vậy, luôn yêu thương dân tộc mình, luôn có lòng tự trọng dân tộc. Do đó khi viết về lịch sử dân tộc mình và dân tộc láng giềng thì dù nhiều dù ít, họ cũng có những thiên vị nhất định. Xưa nay, do các thư tịch cổ, những di tích lịch sử nói về thời kỳ các vua Hùng dựng nước đã hầu như không còn bởi dã tâm của những kẻ xâm lược và đô hộ nước ta một thời gian dài sau công nguyên, mà người ta khi nhìn nhận lại thời đại lịch sử ấy thường dựa vào các sách chép cổ sử của Trung Quốc. Điều đó là chẳng đặng đừng, tuy nhiên cần phải sáng suốt trong đối chứng và suy luận, điều gì tồn tại trong chính sử, chưa đủ cơ sở khẳng định hoặc phủ định mà chẳng có lợi gì cho niềm tự hào dân tộc thì nên loại bỏ trong khi chờ đợi bổ sung chứng liệu; điều gì đã phát hiện mười mươi là sự thực khách quan mà chưa được thể hiện trong chính sử thì dù có đụng chạm đến niềm tự hào dân tộc cũng phải bổ sung vào… Chẳng hạn! như truyền thuyết về Mỵ Châu - Trọng Thủy, trong khi đã phát lộ ra mối nghi ngờ rằng sử liệu của Trung Quốc đã không được xác đáng, đã có những bằng chứng đầu tiên về tính mơ hồ, phi thực của nó, và dù còn chưa có một tư liệu nào để bác bỏ dứt khoát được nó, thì hướng ưu tiên là loại bỏ nó ra khỏi chính sử (dù là dưới dạng truyền thuyết) và chờ đợi bổ sung cho đến khi có bằng chứng thực sự thuyết phục bác bỏ hay công nhận nó (vì cứ để đó mà chờ đợi qua có khi là mấy thế hệ và bắt con cháu phải học về một câu chuyện chẳng vinh quang gì, chưa chắc đã có thực, là mang lỗi với tổ tiên!)
Thiền sư Lê Mạnh Thát đã chiêm nghiệm lại lịch sử nước nhà trên tinh thần đó: ưu ái dân tộc mình nên đã bỏ công khảo cứu công phu để rút ra những đánh giá chính thức trên cơ sở xác thực, bất vụ lợi. Một người có tâm sáng ngời trước hết phải biết yêu thương dân tộc mình, nhưng như thế không có nghĩa là bôi son đánh phấn quá khứ của nó mà là làm sao cho quá khứ ấy hiện ra minh bạch với những đúng, những sai, những thăng, những trầm trong mối quan hệ tự nhiên với các dân tộc anh em khác, để mà rút ra được những bài học quí báu cho mọi người hôm nay và mai sau về cái vô nghĩa của những mưu đồ đoạt lợi cầu danh một cách thất đức, phi nhân trước chiều lăn tự nhiên của bánh xe lịch sử và sự trôi vô tình của trường cửu thời gian…
Đã có tài có tâm thì danh lợi tự đến, còn không, cố len lỏi, chen chân để kiếm một chút hư danh cằn cỗi cũng chẳng dễ dàng gì!
“Hốt hoảng” vài lời như thế thôi, và chúng ta tiếp tục đi trên con đường cô đơn của mình, suy tưởng về lịch sử để tung hứng những dã sử, làm phát lộ ra cái mà chúng ta muốn tìm trong bộ não hoang tưởng của mình: những chân lý mang màu sắc lịch sử. (Chân lý trong hoang đường? Thật là nực cười!)
(Còn tiếp)
--------------------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH