TT & HĐ - 23/h

                                        

                           CÁI ĐÊM HÔM ẤY ĐÊM GÌ ..... PHÙNG GIA LỘC 26/11/1983

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIII: NƯỚC NON

"Kẻ phản bội tổ quốc, đầu hàng ngoại bang, vừa không được sự tôn trọng của ngoại bang, vừa bị sự khinh miệt của đồng bào."
                                                                                              Aisopos (Hy Lạp)
  "Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng."  
                                                                                           Aleksandr Solzhenitsyn 
"Một khi nhà nước hình thành, không còn có anh hùng nữa. Họ chỉ xuất hiện trong những điều kiện không có văn minh."
                                                                                                            Hegel


“- Non cao đã biết hay chưa:
 Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
 Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề”

                                                               
                                                                           Tản Đà

 
 
 
 
(Tiếp theo)
 
                                                                                ***

Sau Giải Phóng, nước ta lại đổi tên: từ Việt Nam dân chủ cộng hòa, bỏ “dân chủ” đi, thay “xã hội chủ nghĩa” vào, đảo lại thành “Cộng hòa XHCN Việt Nam”, nghe dài hơn nhưng… trúc trắc hơn, thậm chí có phần khiên cưỡng hơn! Mà vì sao phải đổi tên? Xã hội theo định hướng "dân chủ, cộng hòa" không tốt bằng xã hội theo định hướng "XHCN" à!?
Trước những bài phát biểu hồ hởi lạc quan, trước những tuyên bố hùng hồn về triển vọng, ai cũng tin tưởng sắp ấm no hạnh phúc, sung sướng tới nơi. Thế rồi… mộng vỡ! Đói khổ, khó khăn, muộn phiền ập đến và ngày càng có phần trầm trọng. Đời sống Miền Bắc khó khăn hơn thời chiến tranh; đời sống Miền Nam khó khăn hơn thời trước Giải Phóng. Chẳng hiểu ra làm sao cả!
Nhà nước Việt Nam sau Giải Phóng vẫn còn hầu hết những con người ưu tú trong “Kháng chiến cứu nước”; vẫn một lòng một dạ phục vụ đất nước. Nhà nước ấy vẫn khẳng định: “là nhà nước của dân, phải do dân và vì dân”; đã thực hiện trọn vẹn những giáo huấn của Mác - Lê sau khi giành chính quyền: quốc hữu hóa, tịch thu, trưng thu các cơ sở vật chất của giai cấp tư sản; từng bước tiến hành cải tạo các quan hệ sản xuất cá thể của nông dân và thợ thủ công; duy trì hình thức sở hữu bao trùm toàn bộ nền kinh tế quốc dân là sở hữu toàn dân (sở hữu nhà nước) và sở hữu tập thể (hợp tác xã), tiến tới xóa bỏ triệt để mọi hình thức chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất - cơ sở của sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng,… đã thi thố nhiều biện pháp, nhiều quốc sách. Nhưng đâu vẫn hoàn đấy: vẫn ỳ ạch, vẫn trì trệ, vẫn là nghèo khổ. Không những thế, việc thực thi đường lối chiến lược nêu trên còn đẻ ra biết bao nhiêu phiền toái, tệ nạn gây chán nản thậm chí là phẫn uất trong lòng dân: nạn ngăn sông cấm chợ, nạn “mãi lộ”, nạn cường hào ác bá, nạn cửa quyền, nạn “trên bảo dưới không nghe”, nạn kiêu binh hỗn láo, ức hiếp dân lành… Ôi thôi, nhiều vô kể! Đó là chưa kể sự hy sinh xương máu, tốn công tốn của cho hai cuộc chiến tranh, một là cuộc tiến công tiêu diệt bè lũ Pôn Pốt, cứu dân tộc Căm Pu Chia khỏi nạn diệt chủng, hai là cuộc chiến đấu ác liệt, chống sự xâm lược của quân cộng sản thoái hóa "Tàu khựa", bảo vệ vững chắc biên giới phía bắc Tổ Quốc.
Nhà nước vò đầu bức tai và gần như bất lực, đau khổ vì nhân dân đói khổ, đời sống cực kỳ khó khăn trên dải đất “rừng vàng biển bạc” mà chiến tranh đã qua khá lâu rồi, mà trên dưới đều cùng một ước nguyện làm sao cho dân giàu nước mạnh.
Hòa bình rồi, chỉ có làm ăn để vượt qua đói khổ cũng không xong. Như thế không phải là quá dị thường ư?!
Rất may là dù hơi trễ nhưng vài con người ưu tú đã nhận thấy được vấn đề từ cuộc sống, từ sự “bất tuân” pháp luật, bất tuân "thượng lệnh" để làm điều có lợi cho dân cho nước, và đã mở đường cho cuộc đổi mới tư duy trong sự nghiệp phát triển kinh tế và xây dựng đất nước. Rõ ràng, trong điều kiện cấp bách phải ưu tiên lựa chọn giữa sự mách bảo sinh động của thực tế đời sống và sự dẫn dắt cứng ngắc lý thuyết của lý tưởng cách mạng nhằm sống còn thì phải chọn cách thứ nhất. Đó là hành động dũng cảm và vì nhân dân!
Dưới đây là những câu chuyện vừa bi vừa hài, cười ra nước mắt, nếu gọi rằng "chuyện thật như đùa", chuyện "vô lương, đểu giả" cũng đúng, mà gọi là chuyện phản động cũng đúng luôn về thời đoạn lạ lùng, quái dị ấy mà chúng ta rút ra từ cuốn “Đêm trước Đổi mới”, NXB Trẻ, năm 2006 và cả trực tiếp chứng kiến:
- Ở thành phố Hồ Chí Minh, ai sống thời đó vào năm 1979 đều biết: chàng trai nào đi ngoài phố mà “quần loe, tóc dài” thì coi chừng! Có một chuyện thế này: có lần, vào buổi sáng, đang đạp xe vội đến cơ quan làm việc, chợt “Toét, toét”, tiếng còi vang lên, tôi vội tấp xe vào lề không phải vì tiếng còi mà vì họng súng AK 47 của một chàng trai đeo băng đỏ trên cánh tay áo, mặt “kênh kênh”. Tôi hỏi “chuyện gì vậy?”. Thằng đó hất hàm “vô kia!”. Tôi chả hiểu gì, hết hồn hỏi lại “có chuyện gì vậy, anh?”. Nó quát “vô đó cắt tóc rồi mới được đi”. Bấy giờ tôi mới nhìn thấy một tấm bạt giăng, có hai tay hớt tóc đang làm việc thoăn thoắt. Đành phải cắt, được cái đầu không vừa ý tí nào mà còn phải trả tiền công nữa (bây giờ không còn nhớ là bao nhiêu), tức anh ách. Cái đám “hồng vệ binh” đó giờ chắc cũng thành “quan” cả rồi! Làm quan với đạo đức lưu manh được "dung tục" từ thời trai trẻ như thế, lâu ngày thành bản tính, có dễ thành "cướp ngày" sau này không?
- Suốt thời bao cấp, gạo “tiêu chuẩn” bao giờ cũng đầy bông cỏ và sạn. Bông cỏ lẫn với gạo không nhặt được hết còn đỡ, sạn mà không lược được ra hết thì đến nay “hàm răng chả còn” đúng theo nghĩa đen. Đến khi “bù giá vào lương”, “phải” ra chợ tự mua gạo ăn thì gạo mới trắng, hết bông cỏ và hết luôn cả sạn. Chả hiểu sao, đành thốt lên như anh nông dân nọ:"Có nhẽ đâu thế!".
- Hồi ký “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?” của Phùng Gia Lộc, Hội viên hội văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa, đăng trên báo Văn Nghệ cách nay (năm 2008) đã được 20 năm, đã gây xúc động mạnh mẽ trong nhân dân cả nước thời ấy và ngày nay mỗi khi đọc lại, trong lòng ta vẫn còn trào dâng nỗi tủi hờn, chua xót. Đó là câu chuyện “nửa đêm thuế thúc trống dồn…” truy thu thuế nông nghiệp ở một làng ven sông Chu, xã Phú Yên (Thọ Xuân, Thanh Hóa) trong một đêm mưa rét mùa đông năm 1983.


            Chân dung cố nhà văn Phùng Gia Lộc
Đọc Phùng Gia Lộc, không thể không ngỡ ngàng vì tin rằng sự kiện xảy ra tại gia đình anh trong “đêm hôm đó” chỉ có thể xuất hiện vào những năm trước Cách mạng tháng Tám, thời Pháp thuộc, được phản ánh rõ nét đây đó trong dòng văn học hiện thực phê phán, dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan…, ấy vậy mà nó vẫn “ngang nhiên” xuất hiện được sau Giải Phóng đến 8 năm, khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, tự do và dân chủ, trong một chế độ được cho là đúng đắn nhất, tiên tiến nhất và văn minh nhất thời đại! Thế mới lạ đời!
Ở đoạn kết của “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?”, Phùng Gia Lộc viết:
“Lê Trung Quang ơi! Anh có thể giấu cái bi kịch của gia đình anh, nhưng tôi không còn có thể che giấu nỗi đau của nhân dân bất hạnh. Dù sự tiết lộ này có làm mất cái chức huyện ủy viên của anh, thì tôi cũng thấy cứ phải nói ra.
Chuyện thật của nhà anh đây: lúc vay ăn còn nợ bảy tạ, con Lâm, thằng Sơn phải đi mò hến từng bữa, chị ấy nấu bánh đúc, đi các làng đổi lúa. Anh mà nói ra, người ta cho là anh bêu riếu. Việc thật ở nhà tôi đêm 26 tháng 11 năm 1983, người ngoài cuộc hẳn cho là mình bịa. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến, tôi cứ thảng thốt hỏi mình: “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?”.
Đúng là không thể biết được!
- Cuộc sống cứ thế trôi. Cây vẫn đơm hoa kết trái. Thầy cô cưới nhau trong cảnh mượn của người này chiếc áo trắng, của người kia chiếc cà vạt. Chén, đũa, ly, dĩa… tập hợp của nhau lại bày cho đủ mâm. Nói thế cho sang chứ khẩu phần mỗi người ăn cỗ cưới chỉ có một miếng chả giò, một miếng dưa hấu và một quả chôm chôm. Thầy Hàng ra sân trường nhặt một cành sứ vào trang trí, quét dọn sơ sơ để biến thành căn phòng… hạnh phúc. Nhưng chiếc giường quá ọp ẹp, chân gãy tự bao giờ. Một ông thầy bạn thân thầy Hàng vốn khéo tay được tín nhiệm giao chăm chút lại “tổ ấm” cho đôi uyên ương. Chiếc giường đến giờ chót đủ bốn chân. Chú rể cười: xem như xong cái căn bản nhất.
- Ông Thành kể: nối nghiệp gia đình theo nghề lái xe, đến năm 1973, ông Thành sắm được một chiếc xe ca trị giá 3,5 triệu đồng, tương đương hơn 100 lượng vàng thời đó. Đây là một tài sản lớn, nghề khác không dễ có được. Ông Thành được xem là nhà tư sản “nhỏ” và ông đã có thể mơ đến chuyện thành lập một hãng xe. Lúc ấy dân tài xế nói riêng, những nhà buôn, dịch vụ nói chung làm ăn khấm khá. Bến xe miền Tây khi đó có một số hãng xe lớn sở hữu hàng chục phương tiện đắt tiền như Hiệp Thành, Phi Long, Á Đông… không ngừng phát triển.
Nhưng sự phát triển đã dừng lại sau Giải Phóng với “sáng kiến” công tư hợp doanh. Tất cả mọi chiếc xe lớn nhỏ dù của ai cũng đều phải đem góp vào công ty. Giá xe do Nhà nước định mà trên thực tế chỉ tương đương với 1% giá thật. Đã vậy, công ty chỉ mua chịu trả dần, mỗi lần một ít. Có người đến khi không còn ở công ty, hoặc đã chết vẫn chưa được trả hết. Bán xe xong, ai biết lái xe thì được nhận làm công nhân của Công ty, lái theo chuyến, ăn lương theo qui định. Ai không biết lái xe thì coi như mất xe.
- Thiếu tiền, nhiều công ty, xí nghiệp trả lương bằng hiện vật. Đơn vị có cao su thì trả bằng cao su, đơn vị sản xuất mũ thì trả bằng mũ. Người lĩnh phải tốn công đem gạ bán cho người thân, quen; ra bán ở chợ “đen”; nhiều khi ế, chẳng ai mua, méo mặt.
- Chuyện này mới kỳ quặc. Năm 1979, một công ty khai thác than ở Thái Nguyên được giao chỉ tiêu khai thác 150.000 tấn than. Nhưng năm đó các công ty khách hàng không đủ nguyên liệu sản xuất, máy móc, dây chuyền hỏng hóc… nên hoạt động cầm chừng, không cần nhiều đến than. Sản phẩm của công ty than nọ cứ ngày một chất chồng trong bãi. Đến lúc kho bãi không thể chứa thì công việc khai thác cũng phải “phanh” dần. Đến khi chỉ còn hai tháng nữa là hết năm mà sản lượng chỉ tiêu chỉ mới đạt một nửa. Nếu không hoàn thành kế hoạch thì số phận chính trị của ban lãnh đạo công ty bị đe dọa; đồng lương cũng như danh hiệu thi đua của tất cả cán bộ và công nhân công ty bị ảnh hưởng. Không thể “bó tay”, ban lãnh đạo công ty bám công trường cùng anh em công nhân miệt mài khai thác bất kể ngày đêm, sương gió cho bằng được chỉ tiêu. Và chỉ tiêu rồi cũng được hoàn thành. Chỉ có điều bất thường là phải tốn hai lần công sức: vừa mất công khai thác vừa mất công đem đổ than đi. Đổ xuống vực, xuống suối, xuống hang… hay bất cứ đâu cũng được vì kho bãi không còn chỗ chứa!
Một số cán bộ lão thành quá bức xúc, lên tiếng: “Chúng tôi gắn bó với mỏ than từ thời Pháp. Bọn chúng là thực dân, chúng tôi là phu mỏ nhưng cũng chưa bao giờ chúng tôi làm một việc kinh khủng thế này!...”
- Ông Bùi Văn Long, nguyên tổng giám đốc Liên hiệp Dệt Việt Nam (tiền thân Tổng công ty Dệt may), vẫn ám ảnh những con số chỉ tiêu: Dệt Thành Công được giao chỉ tiêu sản xuất 3 triệu m2 vải / năm. Nhưng khi 1/3 dây chuyền đắp chiếu vì không phụ tùng thay thế, vốn lưu động Nhà Nước cấp không nổi ½ nhu cầu thì cái chỉ tiêu ấy vẫn giữ nguyên. Đến lúc công ty khắc phục được khó khăn, năng lực dư thừa, thị trường “cháy” hàng thì chỉ tiêu ấy cũng không thay đổi. Hai chữ “chỉ tiêu” trở thành “vòng kim cô” khủng khiếp trùm lên toàn bộ mọi hoạt động sản xuất.
 - Cuộc sống quá khốn khó, động lực sản xuất, tinh thần trách nhiệm ngày một tiêu hao, nhiều căn bệnh phát sinh ở hầu hết các nhà máy, xí nghiệp. Điển hình nhất là tệ ăn cắp. Ông Nguyễn Xuân Hà (nguyên giám đốc công ty dệt Thành Công) vẫn còn nhớ kỷ niệm buồn: năm 1982, khi ông chuyển sang làm giám đốc Công ty dệt Thắng Lợi, có 5000 công nhân, nhưng tệ nạn trộm cắp trong nhà máy quá mức khủng khiếp. Trong ba tháng thực hiện “bàn tay sạch”, nhà máy bắt được 15 kẻ gian trong đó có 5 đảng viên. Thậm chí cả bí thư chi bộ cũng lấy cắp mô tơ. Trộm cắp được lập thành băng nhóm trong cơ quan, liên kết bên ngoài và thực hiện bằng các thủ thuật rất tinh vi.
- Sau Giải Phóng vài năm thì xăng không đủ cấp cho xe chạy. Những xe chạy xăng thời đó nhiều loại hiện đại, máy móc tốt nhưng chẳng lẽ để đắp chiếu. Thế là một “cao trào” thời đó xuất hiện: biến đổi xe chạy xăng lùi lại… hàng trăm năm thành xe chạy than. Xe chạy than đến đâu là lửa, xỉ than rơi vãi ra đường đến đỏ và lửa từng làm cháy rừng khi đi qua rừng núi.
- Một chiếc xe tải lấm đầy bùn đất xịt khỏi đen chạy ầm ầm qua đường. Thùng xe bịt một tấm bạt lớn đập phần phật. Đi ngược với nó là đoàn xe công tác của cán bộ. Và lập tức ông cán bộ cho quay xe đuổi theo. Đến ngang chừng chiếc xe tải, ông rút súng ngắn chĩa lên trời bắn ba phát đạn đanh giòn rợn tóc gáy. Chiếc xe tải sợ hãi dừng lại. Người rượt đuổi là một ông phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, muốn kiểm tra hàng lậu. Thật là...phát xít!
Thật ra chiếc xe đó chẳng khác gì những chiếc xe tải khác. Nhưng thời đó mọi thứ hàng hóa không phải của ngành thương nghiệp nhà nước, mọi vật tư nguyên liệu không có chứng từ vận chuyển đều là hàng lậu và ngoài công an, thuế vụ, mọi cán bộ nhà nước “có uy” một chút đều có thể chặn hỏi, xét hàng lậu, tùy thích.
- Người dân Bến Tre thường đi xuồng xuống Cà Mau mua lúa. Mỗi chuyến đi cả trăm cây số nhưng cũng chỉ có thể mua một tạ trở xuống. Dọc tuyến đường độc đạo này có rất nhiêu trạm gác. Có lần một bà nông dân bị cán bộ phát hiện chở lúa. Cán bộ bê bao lúa lên thì bà ta ngất xỉu. “Họ uất ức quá, gia đình đói khổ, quần áo te tua, đi mấy ngày mới tới Cà Mau, cả tuần lễ mới mua được bì lúa. Cả nhà trông vào đó…”
- Đây là trường hợp điển hình của tệ nạn (thu) mua như cướp, bán như cho:
Năm 1978, giá thành 1 m2 vải caliot sản xuất tại xưởng của Công ty dệt Thành Công là 1,5 đồng nhưng phải bán cho Nhà nước với giá 1,2 đồng. Giá thành 1 m2 vải dệt theo kiểu Oxford hết 10 đồng nhưng chỉ được bán cho Nhà nước với giá 9 đồng. Giá của hai thứ vải trên nếu bán ở thị trường tự do thì cao gấp 10 - 12 lần. “Sau bao nhiêu ca lao động cật lực để vượt qua những khó khăn mà Nhà nước không thể hỗ trợ như máy hỏng, nguyên liệu, vốn… thiếu hụt, nhà máy mới cho ra được một lượng hàng ít ỏi. Thế nhưng, nhìn cảnh đóng hàng xuất cho nội thương với giá thấp hơn vốn bỏ ra, cán bộ công nhân rơi nước mắt…”.
- Còn đây là bán như ban phát ân sủng:
Ông Nguyễn Đình Kiên, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn (Thái Bình) kể: Nhà có con rể mới từ chiến trường về, bố vợ muốn mua tặng con một đôi dép nhựa và sắm thêm đôi chiếu cói. Ông đi bộ 18 km để đến cửa hàng mua bán huyện. Tới nơi, cô mậu dịch viên vừa cắm cúi thêu khăn vừa nói vọng lên: “Hết hàng!...”. “Vậy đôi này thì sao?”. Hỏi đến ba bốn lần, ông mới được cô ta gắt lên: “Mắt ông để đâu vậy? Không nhìn thấy bảng “hàng mẫu không bán” à?”. Về nhà, có người mách ông phải gặp kẻ môi giới và trả thêm tiền mới mua được. Chạy vạy mấy ngày, trả thêm gấp đôi tiền cùng rất nhiều lời cảm ơn, cảm tạ cuối cùng ông cũng mua được đôi dép và cặp chiếu cói (chắc cũng còn rẻ chán!).
- Mẹ con bà Đường (Hà Đông) hôm ấy dậy rất sớm, người đi chợ mua thức ăn, người đánh rửa ấm chén, quét nhà, người thắp hương, cắm hoa lên bàn thờ… Chiều ấy, sau năm năm đi công nhân cầu đường, ông Bái Văn Can, chồng bà, về thật. Đặt ba lô xuống, ông chia kẹo cho đàn con, đưa vợ nửa cân đường, một lọ mỡ, cuối cùng là tem gạo (suất ăn) của ông trong mấy ngày phép và tờ giấy chứng nhận “chiến sĩ thi đua”. Thấy chỉ có thế, bà Đường hỏi: “Bố mày còn gì đưa tôi cất cho?”. Ông Can móc ra hai cái mũ vải, nói: “Quà của mẹ nó đây!”. Giá trị của hai cái mũ vải là khoảng 1 tô phở/một chiếc. Bà Đường thất sắc ngồi phịch xuống, thốt lên cay đắng: “Trời ơi ông đi làm năm năm đằng đẵng mà chỉ mang về được hai cái mũ thôi à?”…
 Ông Can tâm sự: “70% thu nhập của một cán bộ hay công nhân là tem phiếu, 30% còn lại là lương. Thử hỏi, mỗi tháng tem gạo: 17 kg, thịt: 1,2 kg, đường: 0,75 kg thì tôi có thể để giành được gì… Còn lương, chao ôi nó ít ỏi kinh khủng! Mỗi tháng tôi được 50 đồng, nếu quá chân ra chợ với mấy ông bạn chỉ một hai bữa nhậu là hết”.
Đó là câu chuyện hơn 20 năm trước của ông Can. Còn sau đây là chuyện của chúng ta, cũng hơn 20 năm đã trôi qua rồi:
- Năm 1981, bản thân chúng ta có một chuyến đi bão táp. Ngày đó, chúng ta làm việc ở Công ty vật tư tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, được phân công áp tải hàng nhu yếu phẩm (bột ngọt, vải vóc…) ra Hà Nội trong một hợp đồng mua bán, trao đổi hàng vật tư nguyên liệu sắt thép “chậm luân chuyển” với miền Bắc (gọi là vật tư nguyên liệu chậm luân chuyển vì ngoài đó chẳng ai “xài” do chủng loại qui cách không phù hợp hoặc cũng do sản xuất trì trệ, thiếu sáng tạo, trong khi trong Nam lại là “hàng quí hiếm” đối với sản xuất tư nhân, nhất là khu vực Chợ Lớn dưới hình thức “giả vờ” tập thể gọi là “tổ hợp sản xuất”, không có cách nào lo được chỉ tiêu cung ứng). Từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội không đầy 2000 cây số mà sao quá “cơ khổ”. Cơ khổ vì bị nhừ xương bởi đường xá xấu tệ hại, vì khi xe vượt đèo (nhất là đèo Hải Vân) vào ban đêm phải leo lên mui xe canh chừng cướp, vì xe cứ hư đi hư lại ọc ạch phải nằm vạ vật dọc đường, vì những bữa cơm chủ xe bao một cách nhăn nhó đôi khi hằn học làm không dám ăn nhiều và cảm thấy tủi nhục. Nhưng cơ khổ nhất là mỗi lần xe qua trạm, bị hoạnh họe, hạch sách đủ điều về hóa đơn, chứng từ, rồi lục soát, khám xét, dọa nạt giam xe, rồi chờ đợi trong nỗi lo lắng. Có những lúc xe phải nằm trạm đến không dưới hai tiếng đồng hồ liền. Mà nào xe có phạm gì, hóa đơn chứng từ đầy đủ, minh bạch, ngoài ra còn tờ công lệnh có đóng dấu tròn to tướng của chính phủ nữa. May mà chở đồ khô, chứ chở đồ dễ hư, đợi đến khi được chúng nó cho đi thì… “thôi rồi!”. Sau này chúng ta mới biết, muốn đi nhanh thì cứ phải “chung chi”, nhưng đợt đó chủ xe chở “hàng nhà nước”, giá hơi “bèo” nên chủ xe chả tội tốn tiền (chỉ trừ khi gặp mấy “đồng chí” cảnh sát giao thông!). Mỗi trạm đều phải dừng đại loại như thế và có hằng hà sa số trạm như thế: trạm cố định, trạm đột xuất, trạm thuế vụ, trạm công an, trạm dân quân, trạm tỉnh, trạm xã… Chúng ta còn nhớ hồi ấy ở phía Nam, khét tiếng nhất là trạm Ngã Ba Dầu Dây và trạm Nam Mô - Lăng Cô. Cánh lái xe qua được hai trạm ấy là thở phào. Giờ nghĩ lại còn nổi da gà!
Đoàn xe chúng ta “thoát” được Ngã Ba Dầu Dây nhưng đã không thoát được Nam Mô - Lăng Cô. Ở đó họ vạch lá tìm sâu và cho rằng chứng từ, hóa đơn viết không hợp lệ, công lệnh chính phủ như tờ giấy lộn, chả ăn thua gì trước đám bặm trợn, lỳ lợm như sắt đá. Họ còn đòi dỡ hàng xuống. Chúng ta không chịu. Họ hăm dọa thì chúng ta nói: “Đây là hàng Nhà nước, chẳng phải của ông của cha gì chúng tôi. Mấy ông muốn dỡ thì cứ việc dỡ rồi bốc xếp trở lại, thế thôi!”! Thế là hàng không bị dỡ nhưng xe thì bị ách đó. Chúng ta đành đi bộ tìm điện thoại cách đó rất xa (không nhớ là mấy cây số nữa) để báo về Công ty. “Ngồi chơi xơi nước” gần hai ngày trời, đoàn xe mới được phép qua trạm. Mới đây, khi đi qua Dầu Giây, chúng ta có làm bài thơ cảm tác:

DẦU GIÂY

Khét tiếng  một thời "Trạm Dầu Giây"
Có lũ cướp ngày, "ngăn sông cấm chợ"
Thò lò mũi xanh, mà ngông nghênh hơn giặc
Gây ra biết bao  "Cái đêm hôm ấy... đêm gì!?"

     Sáng nay qua Dầu Giây

"Đổi mới" quét đi, vừa quét lại nữa rồi...
Xe bon bon giữa đất trời yên ả
Bỗng thấy vui, bật cười vang ha hả!...

     Chợt cứng họng, đờ môi...

Ừ nhỉ, đám rác ấy giờ này đâu rồi
Hạ cánh an cư hay còn trên... thượng giới?

     Nổi da gà, rùng mình, nhói lói...

Đến nay chúng ta vẫn còn điếc con ráy, không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng… nhớ đời! Hồi đó, vì tin yêu chế độ, chúng ta không dám chửi, còn bênh vực đến mức gàn rở thứ chủ nghĩa nói tưởng có tình nhưng làm lại hóa ra vô tình! Nhưng bây giờ, khi đã về già, thời gian ở đời không còn bao nhiêu nữa, chúng ta đã thành lũ chúa chửi bậy, và nếu cho chửi, chúng ta sẽ chửi "nghiêm trang" thế này về đám suy đồi: Đ. mẹ chúng mày!
(Còn tiếp)
----------------------------------------------------------------


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH