Thứ Năm, 12 tháng 11, 2020

TT & HĐ - 22/l


                                          

                                                       7 Kỳ Quan Thế Giới Cổ Đại

 

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


CHƯƠNG XXII: TỔ TIÊN 


"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"
                                                                    Ca dao

"Noi gương tiên tổ truyền thống anh hùng muôn thuở thịnh 
 Nối nghiệp ông cha phát huy khí thế vạn đời vinh."

                                                                                   câu đối thờ gia tiên


 

“Ta có tai, mắt, ta nghe, ta trông; ta có tâm tư ta suy, ta nghĩ; đối với người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.”

"Cuộc sống  phản bội lại tổ tiên là cuộc sống bấp bênh nhất, trơ tráo nhất. Nếu không muốn phản bội lại tổ tiên, thì trước hết, đừng làm nô lệ cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào khác, tin theo bất kỳ thứ chủ nghĩa nào khác."
                                                                                                                        Trần Hạnh Thu




(Tiếp theo)

***
Thế là chúng ta đã về tới thuở bình minh của Tổ quốc, đứng đâu đó ở vùng trung du Bắc Bộ, dưới một cơn mưa tầm tã. Nhờ “thủ” sẵn áo mưa nên chúng ta không cần phải lo lắng đến chiếc vé khứ hồi đang nằm sâu trong túi áo. Chỉ ngài ngại cái hoàn cảnh đơn độc giữa um tùm cây cỏ của miền trung du thời sơ sử mà nghe thông báo ở bến Vượt Thời Gian là rất thường xuyên xuất hiện các loài dã thú như cọp, beo, gấu, lợn lòi, bò tót… chưa kể trăn, rắn, rết…
Mưa tầm tã làm hạn chế tầm nhìn và trong cái tầm nhìn đã bị thu hẹp đáng kể ấy, chúng ta chẳng thấy một ai cả, chẳng thấy một cái gì cả ngoài thiên nhiên hoang dã. Trên là bầu trời mờ đục, bốn bề là mưa gió giăng màn, dưới loang loáng là nước, tràn nước lũ. Hình như chúng ta đã may mắn “đổ bộ” trên một triền đồi dù không cao lắm nhưng nước chưa lấn tới được. Biết đi đâu bây giờ trong lúc mưa tuôn nước đổ này? Chẳng đi đâu sất vì cũng chẳng biết đường nào mà đi. Dưới làn nước ngập kia ắt hẳn phải có những con đường mòn, nhưng làm sao xác định được chúng? Thôi, khôn ngoan nhất lúc này là chờ đợi vì vé khứ hồi còn có giá trị đến hết ngày mai. Ngày mai, chúng ta tha hồ mà “bôn ba” trong xứ sở này và đến lúc đó, chúng ta sẽ đi tìm tổ tiên để yết kiến cũng chưa muộn. Nghĩ đoạn, chúng ta tìm một cây cổ thụ để tạm lánh, và loay hoay, chúng ta thấy một cây to, có chạc ba để làm chỗ ngủ qua đêm rất tiện, tránh được hiểm nguy từ những loài thú đi săn mồi ban đêm. Quanh thân nó là chằng chịt dây leo có thể lợi dụng để làm thang lên rất tuyệt. Ý niệm về nhà sàn, nhà treo đã nảy sinh ra trong não người Đông Nam Á cổ đại như thế nào nhỉ?...
Nơi đến cuối cùng của con tàu tốc hành về Quá Khứ là trung tâm xứ sở Địa Đàng, nơi có ngọn Kim Tự Tháp mà đỉnh của nó quanh năm tuyết phủ trắng xóa, dưới ánh mặt trời lấp lánh như pha lê. Hành khách trên tàu hầu như đều đi tới đó, còn một số đi đến Ai Cập cổ đại, một số thì đến Ấn Độ thời kỳ văn minh Môhenjô Đarô - Harappa (khoảng thiên niên kỷ III đến II TCN), cũng có vài người ghé vùng hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử để tận mắt xem Ngu Công dời núi, chỉ có chúng ta là hành khách duy nhất muốn thăm thú chốn này. Trên bản đồ lịch sử cổ đại thế giới thì đây chỉ được thể hiện như một chấm rất nhỏ, ít người chú ý tới, cho nên nó cũng không có tên trong danh mục các điểm dừng của con tàu tốc hành mà chúng ta đi. Để đến được đây, chúng ta đã phải mua vé đi Đại Lục Mẫu và dùng một chiêu thức cũ rích nhưng cực kỳ hiệu quả mà chúng ta đã học được ở thời hiện đại: đút lót. Lúc đầu chúng ta chọn một viên ngọc kha khá trong hành trang để “kính biếu” cho ông trưởng tàu. Ông ta nhăn mặt cười khẩy: “Anh định chơi khăm tôi đấy à? Đây mà là ngọc thì toàn bộ sỏi đá, thậm chí là mảnh thủy tinh vỡ trên hành tinh này đều là ngọc hết. Thôi đi! Tàu không đỗ ở đó được đâu. Đó là nguyên tắc, ông đừng có mà giở trò!...”. Nói thế rồi ông trưởng tàu đáng kính bỏ đi, nhưng chúng ta có linh cảm là dù ở đâu, ánh mắt của ông ta cũng chốc chốc dõi theo chúng ta. Có một lần, ông ta đứng ở phía xa, thơ thẩn một mình và chúng ta đã không bỏ lỡ cơ hội; thoăn thoắt tiến đến gần khẩn cầu: “Thưa ngài, tôi biết là về nguyên tắc, tàu tốc hành không được đỗ ở đó, nhưng mong ngài thông cảm giúp tôi, cho tàu chạy chậm lại ở đó để tôi nhảy xuống, khi quay về cũng chạy chậm lại để tôi nhảy lên, được như thế là tôi đội ơn ngài. Xin ngài vui lòng nhận trước một nửa tấm chân tình của tôi”. Nói vừa xong câu đó thì đồng thời chúng ta cũng nhanh như chớp và khéo léo “thảy” một xấp tiền mới cáu cạnh lọt vào túi ông ta. Xấp tiền khá nặng, thế mà hình như ông trưởng tàu không cảm giác được. Ông ta lẳng lặng quay đi làm chúng ta chưng hửng. Tuy vậy chúng ta cũng kịp nói với theo: “Toàn Euro cả đấy!”. Và nụ cười thoáng qua trên khóe miệng của ông ta làm chúng ta yên lòng.
Chính vị trưởng tàu đã “đạp” chúng ta xuống triền đồi này. Cú đạp tuy hơi đau nhưng sung sướng!...
Leo lên tụt xuống vài ba lần rồi chúng ta cũng “chễm chệ” được trên chạc ba. Đây là nơi hội lại của ba nhánh lớn nằm theo phương gần ngang so với mặt đất, rất thuận tiện cho việc nằm ngồi nghỉ ngơi. Điều bất ngờ là phần mặt trên của cả ba nhánh cây khá vạm vỡ này, quanh vùng ba chạc đều nhẵn thín. Chắc rằng chỗ này đã là nơi “trú ngụ” quen thuộc của ai đó trước chúng ta, là “trạm quan sát” trong những cuộc săn bắt của họ…
Ở độ cao này gió có vẻ nhiều và mạnh hơn làm cho trận mưa tầm tã trở nên dạt dào, từng lúc, từng lúc tạt tới tấp vào mặt chúng ta. Lúc này, khi đã yên vị rồi, chẳng còn việc gì làm ngoài việc nhìn mưa và chờ đợi, chúng ta mới chợt nhận ra hương vị của nước mưa thời thượng cổ: thơm tho và dịu ngọt lạ lùng. Tuổi thơ sau những lần chạy nhảy nghịch đùa khắp đầu làng cuối xóm dưới trưa nắng chang chang, chúng ta lại uống ừng ực từng gáo nước mưa múc từ trong lu ra. Những gáo nước mát lịm và ngọt ngào ấy, sau bao nhiêu năm tháng cuộc đời, vẫn đậm đà trong trí nhớ. Ấy vậy mà thứ nước ngọt trời cho ấy vẫn không ngọt bằng thứ nước ngọt trời cho của thời hồng hoang. Đồ ăn thức uống được chế biến ra trong sự vỗ về của thứ nước như thế này chắc là tuyệt lắm. Ước gì được ăn một bữa cơm với tổ tiên! Lòng chúng ta bỗng thấy đói cồn cào…
Trời ngả về chiều rất nhanh. Cơn mưa dồn trút ào lên một đỗi nữa rồi đột ngột ngớt hẳn. Tiếng sấm rền từ đâu đó xa xôi vọng về nghe vang và thanh chứ không đục và trầm như tiếng sấm ở thế kỷ XXI, làm chúng ta có cảm giác không gian của thời này có vẻ rỗng rang hơn, khoáng đạt hơn của thời mà “công nghệ thông tin” đang trị vì…
Mưa đã tạnh và gió cũng chỉ còn thoang thoảng những làn mỏng. Tiếng sấm cũng tắt. Chúng ta tự dưng lọt thỏm trong cái yên ắng, tuyệt đối - thứ yên ắng thường thấy giữa hai cuộc chiến, nhưng chẳng gợn chút đe dọa nào mà trái lại, tạo nên một khoái cảm vừa yên lành, vừa lâng lâng hơi có chút rạo rực của một kẻ bươn chải kiếm sống ở những khu ồn ào nhốn nháo đô hội, có dịp trở về quê hương, đi trên bờ ruộng giữa cánh đồng lúa bao la, đã chớm vàng báo mùa chín tới, trong một chiều thu hiu gió, dưới bầu trời xanh cao thoáng đãng.
Nước cũng đã bắt đầu rút tuy hơi chậm. Tầm mắt của chúng ta đã vươn tới rất xa. Tịch, vẫn không phát hiện ra một bóng người nào. Vẫn chỉ thấy lênh láng là nước. Và cảnh sắc đó cứ gợi nhớ về Đồng Tháp Mười ở miền Nam mùa nước nổi. Phải chăng vùng châu thổ hạ lưu sông Mê Công cùng với khí tượng thủy văn đặc thù của nó đã là phong cảnh thường thấy của Trung du Bắc Bộ thời tiền sử, cách đó khoảng 4 - 5 năm ngàn năm về trước mà hôm nay chúng ta đang thấy tận mắt? Dù sao, có một điều mà chúng ta có thể khẳng định chắc chắn được đó là: trận mưa vừa rồi là trận mưa lớn nhất mà chúng ta thấy và cũng là trận mưa sạch nhất mà chúng ta được hưởng trong đời. Rất có thể chúng ta đến đây vào giai đoạn tàn dư của cuộc tranh hùng Sơn Tinh - Thủy Tinh, khi Sơn Tinh về cơ bản đã dành thắng lợi còn Thủy Tinh dù biết rằng đã thua nhưng vì sĩ diện vẫn cứ hậm hực, tìm đủ mọi cách quấy rối theo kiểu “còn nước còn tát”. Nếu đúng như thế thì chúng ta đến đây, sớm nhất cũng chỉ có thể là vào khoảng thời gian cuối đời vua Hùng thứ sáu trở về sau và không muộn hơn đời vua Hùng có ý định xây thành Cổ Loa (vì chúng ta căng mắt ra mà chẳng thấy thành đó ở đâu cả!!!)? Không, sự thực chưa hẳn đã là như vậy. Có thể sự thực là như thế này: chúng ta đã đến thời vua Hùng thứ sáu đang trị vì (như một tộc trưởng của bộ tộc đứng đầu liên minh các bộ lạc), nhưng lại “đổ bộ” ở đâu đó ngoài “bãi chiến trường” trung tâm cuộc tranh hùng Sơn Tinh - Thủy Tinh nên chỉ chứng kiến được trận đánh nhỏ lẻ, có  tính “râu ria” của cuộc tranh hùng ấy. Chính vì thế mà chúng ta cũng đã không quan sát thấy công cuộc xây dựng Cổ Loa thành đang được tiến hành ở vùng trung tâm…
Những ngôi sao đầu tiên đã xuất hiện lấp lánh trên nền trời đỏ sẫm, báo hiệu một đêm đầy sao. Móc một miếng lương khô được tổng hợp nhờ công nghệ cao, nhai trệu trạo cho đỡ đói lòng xong, chúng ta lấy ba lô hành trang làm gối, cởi áo mưa ra làm mền đắp và ngả lưng. Một ngày chộn rộn dù chẳng nên tích sự gì cũng đã làm chúng ta mệt rã rời và buồn ngủ ghê gớm. Kệ! Cứ ngủ một giấc cho no, lấy lại sức rồi mai tính!...
Một người, không biết từ đâu, tự dưng xuất hiện ở phía đàng chân chúng ta. Hơi sợ, chúng ta cố gắng không nhúc nhích thân mình, cố mở to mắt để nhìn cho rõ. Đó là một người đàn ông, không béo mà cũng không gầy, có lưỡng quyền hơi cao; mắt long lanh sáng quắc trên bộ mặt đỏ rực như có ánh sáng hào quang đâu đó từ phía dưới chiếu hắt lên, trông cao vợi và phi thực. Người đó ở trần, da thịt au màu đồng đỏ, gân cơ nổi cuộn, săn chắc. Hình như ông ta không thấy chúng ta, đầu cứ chầm chậm quay qua quay lại, mắt nhìn chăm chăm ra xa vời, lâu lâu lại lột từng mảng da trên người, giũ bỏ. Những mảnh da khi đã lột ra khỏi cái thân thể ấy bỗng trở nên mỏng tang như lụa, nhẹ nhàng rơi xuống, rã ra thành vô vàn những chấm sáng li ti, lấp lánh đủ màu sắc rồi tan biến vào bóng tối mênh mông. Việc lột da cứ tái đi diễn lại mãi. Tuy nhiên người đàn ông chẳng có tỏ vẻ gì là đau đớn khó chịu cả, nét mặt ông vô cảm. Hình như ông ta không nhận ra sự “có mặt” của chúng ta ở đây.
Một kẻ nằm im thít, căng thẳng nhìn kẻ kia lặng lẽ lột hết miếng da này đến miếng da khác với vẻ mặt mông lung và lạnh như tiền, hiện hữu trong một thứ ánh sáng dịu lạnh như lân tinh giữa đêm tối tĩnh mịch, tạo nên một cảnh tượng ma quái, liêu trai.
Cảm giác sợ sệt rồi cũng qua đi, nhường chỗ cho sự tò mò cố hữu. Tự dưng bị đặt vào tình trạng phải quan sát bất đắc dĩ như thế này giữa thời đại sâu xa thượng cổ nổi tiếng là uy linh huyền bí, kể cũng oái oăm, nhưng cũng có phần thi vị. Thật là khoan khoái khi nghĩ đến mai kia, ít nhất cũng có một câu chuyện kỳ thú về chuyến du hành này để kể cho đám con nít nghe, trước những đôi mắt tròn xoe và những cái miệng há hốc. Không hay hoài nghi như người lớn, chúng sẽ tin câu chuyện của chúng ta là có thật. Trẻ con chúa là cả tin vì chúng không tin nổi người lớn lại có thể lừa dối chúng!...
Chúng ta nhìn ngắm rồi cố đoán xem người đàn ông này cụ thể là ai trong cái đêm tối mông lung này, ở nơi hoang dã này và ở thời đại cổ xưa này. Khuôn mặt quắc thước cùng với hai tai khá dài gợi cho chúng ta nhớ về những pho tượng đầu người dãi dầu mưa nắng ở đảo Phục Sinh. Sự hiện hữu rất thực cùng với vóc dáng chẳng có gì là to lớn phi thường mà còn có vẻ dung dị của ông ta nói lên rằng ông ta chẳng phải là thần thánh gì. Nhưng nếu là người thường thì bằng cách nào ông ta lại thoắt hiện ra đây được, tại sao cứ phải lột da mãi như thế và lại chẳng hề hấn gì?...
Rốt cuộc, chúng ta vẫn chẳng biết người đàn ông này là ai, ở đây nhằm mục đích gì.
Tư thế nằm bất động khá lâu đã làm chúng ta rất mỏi, hai chân tê dại. Một cách nhẹ nhàng nhất có thể, chúng ta chầm chậm duỗi một chân ra. Ấy vậy mà hình như người đàn ông đã phát hiện được cử chỉ ấy bởi chúng ta thấy ông ta chầm chậm quay đầu lại, cúi mặt xuống và lần đầu tiên nhìn chằm chằm vào chúng ta. Hai luồng sáng rực từ mắt ông ta chiếu trực diện làm chúng ta có cảm giác rất chói mắt, cơ thể đột nhiên nóng ran, tim đập bình bịch đến tức ngực, ngộp thở. Có cái gì đó đè nặng lên toàn bộ cơ thể làm chúng ta không sao nhúc nhích được. Dù đã cố rướn người lên để thở, đã cố động đậy chân tay để vùng thoát khỏi tình trạng ngày một ngộp thở mà không được. Cuối cùng, khi đã ở tình trạng bấn loạn và tức tối tột độ, chúng ta vung được cánh tay trái ra khỏi ngực mình kèm theo một tiếng thét vô thức: “Ông là ai?”…
Chúng ta chồm dậy, thở hồng hộc. Thì ra đã nằm mơ! Trăng tròn vành vạnh ngay trên đỉnh của vòm trời bao la. Ánh sáng chan hòa của nó rọi xuống chỗ chúng ta, qua một cành lá đòng đưa nhờ gió, lúc mờ lu lúc vằng vặc. Ánh trăng rằm thời đại này tươi mát và trong lành làm sao! Ở thế kỷ XXI chẳng thể tìm đâu ra một đêm thanh ngần như thế này. Loài người, sau mấy ngàn năm khai phá và tạo dựng theo quan niệm của mình để thỏa lòng thèm muốn vô độ lượng cũng của chính mình đã làm cho cảnh sắc thiên nhiên của Trái Đất biến dạng ghê gớm theo hướng tích tụ ngày một nhiều những ưu phiền và phẫn nộ. Chúng ta luôn dương dương tự đắc nên chỉ thấy mặt phải mà không thấy được mặt trái của sự sáng tạo, chỉ thấy được biểu hiện của sự phát triển trong tiến trình lịch sử loài người mà chưa thấy được những cảnh báo về nguy cơ dẫn đến suy tàn của xã hội loài người. Biết bao nhiêu nền văn minh đã từng rực rỡ rồi trở nên điêu tàn chỉ vì sự phát triển thái quá và vô lối từ sự hiểu biết ngây ngô và phiến diện về Đạo và Đức, đã là những bài học rành rành nhưng chưa ai thuộc?! Tương lai loài người, khi Đất và Nước đã bị vắt kiệt cùng rồi, sẽ đi về đâu? Đi về đâu hỡi loài người bi tráng? Đi về đâu, ôi, xứ sở này? Và rồi nữa, đi về đâu hỡi Thăng Long ngàn năm văn vật, khi cứ phải cố nở to ra chỉ vì những sở thích mù quáng? Hà Nội đẹp vì cảnh vật. Bản sắc của thiên nhiên và con người đã đan quyện nhau trong suốt quá trình dài chung sống và từng bước thăng hoa theo nhịp điệu nội tại của bản thân nó, tương hợp với thời cuộc đất nước; trở thành một kiến tạo thống nhất, nổi bật những đường nét nhu mì và hòa hiếu chứ không phải là sự kiêu hãnh phô trương. Hà Nội là thủ đô của một nước nhỏ bé, nên khiêm nhường và chuộng hòa bình, đồng thời là biểu tượng gan góc của một dân tộc không đông nhưng biết cách sống còn trong suốt 4 - 5 ngàn năm vật lộn với thiên tai và chống giặc ngoại xâm. Hà Nội tuyệt vời bởi nó vốn dĩ là thế, không cần đến sự thổi phồng khiên cưỡng, sự lắp ghép kềnh càng giả tạo và bởi vẻ diêm dúa lòe loẹt nào! Trái Đất này là viên ngọc bích long lanh vô giá của Thái Dương Hệ đâu phải vì nó kềnh càng, vĩ đại, mà vì nó có trí tuệ!
Ông là ai hỡi người trong mộng? Ông là Kinh Dương Vương, là Lạc Long Quân, là vua Hùng, hay là hồn thiêng của tổ tiên chúng ta đó?! Ông là rồng thiêng, rắn linh, lột xác sống đời cho dân tộc Lạc Việt trường tồn, cho tổ quốc Việt Nam bất tử trong lịch sử loài người?!...
(Còn tiếp)
---------------------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét