TT & HĐ - 22/i
[Sử Ký Tư Mã Thiên] - Thái Sử Công Đề Tựa
PHẦN III: NGUỒN CỘI
" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách..."
Trần Hạnh Thu
"Lịch sử hoài
thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc
cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời
giáo huấn cho thế hệ sau."
Cervantes (Tây Ban Nha)
Cervantes (Tây Ban Nha)
"Lịch sử là bằng
chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là
thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
Cicero (La Mã)
Cicero (La Mã)
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.”
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.”
CHƯƠNG XXII: TỔ TIÊN
- "Dù ai đi ngược về xuôi
- Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"
- Ca dao
Nối nghiệp ông cha phát huy khí thế vạn đời vinh."
câu đối thờ gia tiên
“Ta
có tai, mắt, ta nghe, ta trông; ta có tâm tư ta suy, ta nghĩ; đối với
người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta
kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ
nhân.”
Trần Hạnh Thu
(Tiếp theo)
Đã
mấy lần uất ức quá, ông nghĩ đến việc tự vẫn. Nhưng ông thấy rằng nếu
chết đi thì chẳng ai khen mình là tử tiết mà thế tục sẽ bảo đó là vì xấu
hổ mà tự sát. Vả chăng, sự nghiệp chưa tròn, “Sử ký” còn dở dang, lời
dặn của cha còn đó. Ông gạt nước mắt, nói: “Người ta ai cũng có một lần
chết, có cái chết nặng như núi Thái Sơn, có cái chết nhẹ như lông hồng”
và cố gắng gượng sống.
Cái
ấn tượng sống nhục nhã, cô độc đeo đuổi ông cho đến khi chết. Mỗi khi
nghĩ đến cái nhục bị hình phạt, mồ hôi vẫn cứ đầm lưng ướt áo! Nhưng ông
không vì thế mà chán nản, trái lại, ông càng tìm thấy ý nghĩa của cuộc
sống. Ông thấy rõ hình phạt đó là thử thách đối với những “người trác
việt phi thường”. Ông càng thấy cần phải viết “cho hả điều căm giận”. Và
chính cái hình phạt nhục nhã ấy đã làm cho ông hiểu rõ cái mặt trái của
xã hội phong kiến và dũng cảm đứng về phía nhân dân. Ông trở thành nhà
sử gia vĩ đại của một nhân dân vĩ đại.
(…)
(…)
Hiện
nay, người ta vẫn chưa biết ông mất vào năm nào. Người ta chỉ biết ông
viết thư trả lời cho Nhâm An năm 53 tuổi (tức năm 93 TCN) và sau đó
không có những tài liệu gì về ông, theo Vương Quốc Duy trong “Thái sử
công hành niên khảo”, có lẽ ông mất năm 60 tuổi (tức năm 86 TCN), cùng
một năm với Vũ Đế.
(…)
“Sử Ký” là một tác phẩm đồ sộ, tất cả 52 vạn chữ, 130 thiên, gồm 5 phần: Bản kỷ, Biểu, Thư, Thế gia, Liệt truyện.
(…)
(…)
(…).
Mục đích của Bản kỷ là chép lại sự việc của những người, những nước có
tác dụng chi phối cả thiên hạ. Ngay ở đây, trong cách sắp đặt của ông,
cũng có những điều đời sau không dám nghĩ đến. Ông chép riêng lịch sử
nước Tần trước Tần Thủy Hoàng thành một Bản kỷ vì trong thời Chiến Quốc,
nước Tần là nước chi phối vận mệnh của tất cả các nước. Ông làm Bản kỷ Lữ Hậu mặc dù Lữ Hậu chỉ là thái hậu chứ không trị vì trên danh nghĩa,
trái lại ông không làm Bản kỷ Huệ Đế mặc dù trên danh nghĩa, Huệ Đế vẫn
là vua. Đó là vì Huệ Đế làm vua nhưng tất cả quyền hành đều nằm trong
tay Lữ Hậu. Đặt một người đàn bà lên địa vị “kỷ cương một nước” là điều
không một sử gia nào đời sau dám làm, táo bạo hơn, ông dành cho Hạng Vũ
những trang đẹp nhất mặc dù Hạng Vũ chưa hề làm đế, là kẻ thù của nhà Hán. Đó cũng là vì ông tôn trọng sự thực khách quan. Hạng Vũ tuy về danh
nghĩa không phải là người làm chủ các chư hầu đánh lại nhà Tần (đó là
địa vị của Nghĩa Đế) nhưng trong thực tế, người có công lớn nhất trong
việc tiêu diệt nhà Tần, người phong đất cho chư hầu, cai trị thiên hạ
trong 5 năm chính là Hạng Vũ (…).
Để
có cái nhìn đối chiếu các sự kiện hoặc căn cứ vào niên đại, hoặc căn cứ
vào sự tương quan đồng thời giữa các nước, Tư Mã Thiên lập ra 10 Biểu
(…).
Những
bản Biểu là những công trình khoa học rất quí, ghi chép năm, tháng,
biến cố, giúp cho các nhà sử học hiểu được vị trí của từng sự kiện và sự
tương quan của nó về thời gian cũng như về không gian với các sự kiện
khác, đặc biệt ở trong một nước mênh mông, lại phân tán như Trung Quốc
cổ.
Lịch
sử một nước chủ yếu là lịch sử của những thiết chế của nó. Tư Mã Thiên
nhận thấy điều đó nên viết 8 Thư dành cho 8 mặt. Điều này cũng biểu hiện
rằng ông có một kiến thức bách khoa. Phần này rất quí về mặt nghiên
cứu. Tác giả nêu rõ sự biến đổi, những cống hiến về lễ, nhạc, luật lệ,
việc làm lịch, thiên văn… qua các thời đại. Điều làm chúng ta hết sức
ngạc nhiên là ông có những biểu hiện chính xác về mọi mặt và ở đâu ông
cũng có những nhận xét tổng quát rất thấu đáo. Thiên “Phong thiện thư”
nói về những việc mê tín, cúng tế của vua chúa với một giọng châm biếm
chua chát. Thiên “Hà cư thư” nói về các con sông ở Trung Quốc. Thiên
“Bình chuẩn thư” nói về kinh tế. Những thiên này viết chính xác đến nỗi
người đời sau thường dựa vào đó để đính chính những sai sót trong các
sách cổ nói về những thiết chế xã hội. Chúng làm ta thấy tác giả có một
cái nhìn duy vật vào lịch sử và thấy tầm quan trọng của những sự kiện
kinh tế, khoa học, văn hóa đối với lịch sử một nước (…).
Phần
Thế gia bao gồm 30 thiên, chủ yếu nói đến lịch sử các chư hầu, chẳng
hạn các nước Tề, Lỗ, Triệu, Sở…; những người có địa vị lớn trong quí tộc
như các thái hậu, những người được phong một nước như Chu Công, Thiện
Công, và những người có công lớn như Trương Lương, Trần Bình…. Đáng chú ý
nhất là tác giả xếp vào Thế gia hai người thường dân không hề có một
tấc đất phong. Đó là Khổng Tử, một người có địa vị đặc biệt trong lịch
sử tư tưởng của Trung Quốc, và Trần Thiệp, anh hùng cố nông đã cầm đầu
cuộc nông dân khởi nghĩa đầu tiên của lịch sử dân tộc Hán. Cách nhìn như
vậy chứng tỏ một tầm mắt khác thường.
Danh
từ “Liệt truyện” là do chính tác giả đặt ra. Phần này gồm 70 thiên, bao
gồm những nhân vật khác nhau và những sự việc rất khác nhau. Đáng để ý
trước hết là phần liệt truyện dành cho những nước ở ngoài địa bàn Trung
Quốc mà ông là người đầu tiên đưa vào lịch sử với tính cách những bản
khái quát đứng đắn và khoa học (Nam Việt, Đông Việt, Triều Tiên, Tây Di,
Đại Uyển, Hung Nô). Cố nhiên, một phần liệt truyện là dành cho những
người tai mắt trong xã hội cũ như những danh tướng (Mông Điềm, Lý Quảng,
Vệ Thanh), những người làm quan to (Trương Thích Chi, Công Tôn Hoằng…).
Điều đáng chú ý ở đây là ông đã nhìn thấy vai trò to lớn của những con
người bình thường, thường không có chức tước gì nhưng có ảnh hưởng vô
cùng sâu rộng đối với cả dân tộc. Đó là những du hiệp, những thích
khách, trọng nghĩa khinh tài mà ông đã ghi lại trong những trang sôi nổi
(“Thích khách liệt truyện”, “Du hiệp liệt truyện”). Đó là những nhà tư
tưởng mà tác phẩm của ông đã ghi lại cuộc đời, hành trang và đánh giá
học thuyết (Lão Tử, Trang Tử, Tuân Khanh…). Đó là những nhà văn như
Khuất Nguyên, Tư Mã Tương Như mà ông nêu lên giá trị và nhận xét về nghệ
thuật. Đó là những thầy thuốc, thầy bói, thậm chí là những anh hề mà
trong con mắt của ông, lời nói có thể xếp vào Lục Kinh. Và cố nhiên, một
con người yêu nhân dân và sự thực như Tư Mã Thiên không thể nào quên
những tên sâu mọt, đàn áp bóc lột dân chúng, những bọn “Khốc lại” chỉ lo
a dua nhà vua, tàn sát dân lành, những bọn ngoại thích lộng quyền và vô
số những nhân vật ti tiện mà ông mạt sát bằng những lời phẫn nộ.
Thế
giới của Tư Mã Thiên bao la như vậy! Qui mô của tác phẩm làm ta ngợp,
bút lực của tác giả làm ta sợ. Đối với những người yêu văn học Trung
Quốc, tác phẩm đưa đến một cảm giác rất lạ. Ở đây có cái biến ảo của
“Nam Hoa Kinh”, có cái rạch ròi của “Hàn Phi Tử”, có cái hoa lệ của “Tả
truyện”, có cái nghiêm khắc của “Xuân Thu”. Nhưng còn một cái nữa mà văn
học từ Hán trở về trước (trừ Kinh Thi) không thấy có, đó là ý thức bám
chắc vào sự thực, không rời cuộc sống dù chỉ nửa bước (…).
Ấn
tượng ấy đến với chúng ta không phải ngẫu nhiên. Đó là vì “Sử ký” chính
là Tư Mã Thiên sống, và con người ấy sống với những tư tưởng lớn.
(…)
(…)
Có
thể nói Tư Mã Thiên là sử gia đầu tiên trên thế giới viết về lịch sử
của một nước. Trước đấy, ở Trung Quốc chỉ có những người viết lịch sử
một công quốc hay kể lại một vài biến cố quan trọng như “Xuân Thu thượng
thư”. Những bộ sử như “Lịch sử” của Hêrôđốt (490-425 TCN), “Lịch sử đấu
tranh ở Pôlôpône” của Tuy-xi-đút, trong văn học Hi Lạp hay “Chiến tranh
ở Gôlơ” của Xêda trong văn học La Mã, chẳng qua chỉ kể lại một trận
đánh hay một chiến dịch. Quyển
“Lịch sử La Mã” của Titút Livut (69-17 TCN), viết sau “Sử ký”, chỉ là
lịch sử một đô thị. “Sử ký” thì khác, nó là lịch sử của toàn bộ dân tộc
Trung Hoa kéo dài trên 3000 năm từ Hoàng Đế đến Vũ Đế và bao gồm một địa
bàn mênh mông (…).
Ông
cũng là người đầu tiên viết một quyển thông sử bao gồm mọi mặt của xã
hội. Ông chú ý đến tất cả, đọc tất cả, biết tất cả kiến thức của thời
đại (…).
Phương
pháp viết sử của ông cũng rất đáng chú ý. Tư Mã Thiên nói: “Tôi chỉ
thuật lại chuyện xưa, sắp đặt lại các câu chuyện trong đời chứ có phải
sáng tác đâu”. Câu nói này thể hiện đúng cái quan niệm của tác giả về
sử. Ngày nay chúng ta không nắm được tất cả những tài liệu mà ông đã
dùng, nhưng có một điều chắc chắn là ông không bao giờ sửa đổi tài liệu.
Những nhân vật thời Ân, Chu chính là những nhân vật của “Thượng Thư”,
những nhân vật thời Xuân Thu, Chiến Quốc là những nhân vật của “Xuân
Thu”, “Quốc Ngữ”, “Tả truyện”, “Chiến Quốc sách”. Lời nói của họ là lời
họ nói trong thực tế theo những tài liệu tin cậy nhất. Những bài văn bia
nhà Tần là do chính tay tác giả chép lại. Và ông đã để lại cho chúng ta
cả một kho tàng văn kiện vô giá, nào chế, biểu, nào văn bia, thư, phú,
bài hát, lời ca, cả những bài nghị luận dài, tất cả chiếm một phần ba
tác phẩm, trong số đó phần lớn còn sống đến ngày nay vì chúng gắn liền
với số phận của “Sử ký”. Đành rằng, đây đó, có những chi tiết sai lầm vì
tài liệu lúc bấy giờ số lớn là tài liệu truyền miệng. Nhưng nói chung,
ông hết sức nghiêm túc. Quan niệm viết sử này khác xa quan niệm những
nhà viết sử cổ Hi Lạp, La Mã. Các nhà viết sử cổ đại, trừ Tuy-xi-đit,
thường xem sử là một công trình nghệ thuật. Những nhân vật của họ đọc
những bài diễn văn rất hay, nhưng do họ sáng tác ra, những nhân vật ấy
tồn tại với tính cách những giả thiết tiêu biểu cho chính kiến của họ.
Chính vì vậy, sử học hiện đại không xem đó là những công trình khoa học,
không ai lấy đó làm cơ sở chính cho sự nghiên cứu La Mã, Hi Lạp cổ.
Trái lại “Sử ký” từ trước đến nay vẫn là uy tín lớn nhất của cổ sử Trung
Hoa. Bất kỳ ai muốn nghiên cứu bất kỳ phương diện nào của Trung Quốc cổ
cũng không thể coi thường nó. Trịnh Tiều nói: “Một trăm đời sau, các sử
quan không thể thay đổi cái phép tắc của ông, kẻ học giả không thể bỏ
quyển sách của ông” chính là vì vậy.
Tư
Mã Thiên là người cha của sử học Trung Hoa, nhưng là một người cha khó
bắt chước nhất. Đối với sử học Trung Quốc, ông là người duy nhất nói về
đương thời. Các sử gia về sau chỉ viết về một triều đại khi triều đại ấy
đã chấm dứt. Họ sợ hiện tại và lẩn tránh nó. Trái lại, Tư Mã Thiên đã
dành một nửa tác phẩm cho giai đoạn từ Hạng Vũ đến Vũ Đế, và việc càng
gần ông chép càng rõ. Ông để lại những trang vô cùng sinh động về Cấp
Ám, con người dám nói thẳng sự thực, không kiêng nể gì Vũ Đế. Ông kết
tội Lữ Hậu, nêu bản tính lưu manh của Cao Tổ, phơi bày một bức tranh đau
thương về xã hội trước mắt. Ông đau xót trước cái cảnh vua chúa mê tín
(Phong thiên thư), phung phí tài sản nhân dân (Bình chuẩn thư), ngoại
thích lộng hành (Ngụy Kỳ Vũ An Hầu liệt truyện), quan lại tàn ác (Khốc
lại liệt truyện), nhà nho cầu an, giả dối (Công Tôn Hoằng truyện, Thích
Tôn Thông truyện). Ông run sợ cho tương lai. Và chính ở đây người ta mới
hiểu hết cái tâm sự của ông, lòng yêu nước, yêu nhân dân cũng như sự
trung thực của một nhà khoa học.
Nhưng
quan trọng hơn hết, ông hiểu tác phẩm của ông là viết cho ai. Ông nói
quyển “Sử ký” viết cho “những người của nó”. Người của nó đây không phải
là một vị ân chủ, một mỹ nhân, mà là nhân dân vĩ đại và bất tử. Ông có ý
thức rõ về việc đó cho nên hai ngàn năm sau, đọc “Sử ký” ta thấy nó
sinh động, mãnh liệt vô cùng, đồng thời tràn ngập cái hào khí của chính
nghĩa. Nhìn vào quyển sách của ông, ta thấy hiện nên rõ rệt sự bất bình
đẳng trong xã hội, cảnh nghèo khổ của những nông dân mất hết đất đai, sự
giàu có phè phỡn của bọn phong kiến, con buôn lớn. Ta thấy bức tranh
hiện thực về xã hội mà bọn bồi bút phong kiến cố hết sức che đậy bằng
những danh từ trống rỗng. Cố Viêm Võ nói rất đúng: “Người xưa làm sử
không cần bàn luận, nhận xét mà cái ý của tác giả thấy ngay trong việc
trình bày thì chỉ có một mình Thái Sử Công (tức Tư Mã Thiên) làm được mà
thôi”. Cái khó ở đây không ở phương pháp mà ở con tim.
Cũng
vì Tư Mã Thiên không viết tác phẩm theo những khuôn khổ có sẵn về đạo
đức phong kiến nên những nhận xét của ông về lịch sử rất trác việt. Ông
luôn luôn lấy quyền lợi của nhân dân, lấy sự sống của họ để đánh giá
nhân vật lịch sử. Đặc biệt, khi viết lịch sử nhân vật nào, ông cũng nêu
rõ sự gắn bó của nhân vật với số phận của dân chúng. Ông thấy rõ Trần
Thiệp “tài năng ở dưới mức trung bình” nhưng đã làm được một việc oanh
liệt chỉ vì được dân chúng ủng hộ. Sự phân tích của ông về sự thành công
của Lưu Bang và sự thất bại của Hạng Vũ có một ý nghĩa to lớn. Dưới con
mắt của ông, Hạng Vũ là một con người phi thường, “tài năng và chí khí
hơn người”, “từ cận cổ đến nay chưa ai có được như thế”. Về tư cách cá
nhân mà nói, thì Lưu Bang kém Hạng Vũ về tất cả mọi mặt. Hạng Vũ là viên
tướng bách chiến bách thắng, quân chư hầu sợ Hạng Vũ đến nỗi “đi bằng
đầu gối, không ai dám ngẩng đầu lên nhìn”. Hạng vũ thương người và trọng
nghĩa. Trái lại Lưu Bang là một người “không lo làm ăn”, “tham tiền và
ham gái”, ngạo mạn, thô lỗ: “Thấy khách đội mũ nhà nho, Bài Công liền
giật lấy mũ đái vào trong”. Thế nhưng cuối cùng Lưu Bang lại lấy được
thiên hạ. Đó là vì Lưu Bang biết tự kiềm chế mình, lắng nghe theo lòng
dân, luôn luôn chú ý đến dân chúng cho nên dân chúng tin. Đúng như Hàn
Tín nói, Hạng Vũ chỉ có cái nhân của người đàn bà, cái dũng của kẻ thất
phu, tiếc tiền, tiếc đất, chỉ tin vào tài năng của cá nhân mình, nghi
ngờ tất cả; đã thế lại hiếu sát làm nhân dân thất vọng. Lưu Bang đã
thắng vì biết dựa vào dân, tận dụng tài năng của các tướng. Cách nhìn
nhận như vậy rất đúng và khoa học. Nó làm cho người ta nhớ đến tác phẩm
của Makiaven, ở đây, Tư Mã Thiên có thể sánh với những nhà sử gia lớn
nhất của thời cổ đại.
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------------------
------------------------------------------------------------------------
Nhận xét
Đăng nhận xét