Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

TT & HĐ - 22/c

                                               Cổ Loa - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt 

 

                                   An Dương Vương và chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!                                                                                   Trong khinh khi may nhớ nước non                                                  Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử                                                     Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử                                                Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm                                Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng                                        Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách..."                                                     Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau                                       Cervantes (Tây Ban Nha) 

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."                                                                                                                                             Cicero (La Mã) 

Đừng chê cõi trần nhơ                                                                  Đừng khen cõi trần đẹp                                                                    Cõi trần là thản nhiên                                                                      Chỉ có đời nhơ, đẹp.”                                                                                                            Trần Hạnh Thu

 

CHƯƠNG XXII: TỔ TIÊN 

"Dù ai đi ngược về xuôi                                                                   Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"                                                                    Ca dao

"Noi gương tiên tổ truyền thống anh hùng muôn thuở thịnh  
 Nối nghiệp ông cha phát huy khí thế vạn đời vinh."
câu đối thờ gia tiên

“Ta có tai, mắt, ta nghe, ta trông; ta có tâm tư ta suy, ta nghĩ; đối với người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.”
Lương Khải Siêu
 
"Cuộc sống  phản bội lại tổ tiên là cuộc sống bấp bênh nhất, trơ tráo nhất. Nếu không muốn phản bội lại tổ tiên, thì trước hết, đừng làm nô lệ cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào khác, không tin theo bất kỳ thứ chủ nghĩa nào khác."                                                                                                                    Trần Hạnh Thu


 

 

(Tiếp theo)


                                                                          ***

Có thể thấy rằng sự lan tỏa xuống phương Nam của người Bách Việt là một quá trình tương đối liên tục, từng đợt trong một khoảng thời gian dài nhất định (có nguyên nhân lúc đầu là do sự bất ổn nội tại gây ra và về sau là lực lượng dân cư ở Trung Nguyên mà lúc này đã là dân tộc Hoa Hạ lấn át trở lại?)
Chuyện xưa kể lại rằng có một bộ tộc, tục gọi là Âu Việt, đã đến Bắc bộ từ lâu, lớn mạnh dần. Người đứng đầu bộ tộc đó được gọi là Thục Vương. Thục Vương nghe tin Vua Hùng (bộ tộc Lạc Việt) có người con gái đẹp tuyệt trần tên là Mỵ Nương, bèn sai người sang cầu hôn. Vua Hùng không thuận. Không lấy được Mỵ Nương, Thục Vương đem lòng căm hận từ đó, di chúc cho con cháu đời sau thế nào cũng phải diệt nước Văn Lang của Vua Hùng. Đến đời cháu có tên là Thục Phán, mấy lần đem quân sang đánh nước Văn Lang nhưng đều bị vua Hùng, nhờ có tướng sĩ giỏi, đánh bại. Vua Hùng nói: ta có sức thần, nước Thục không sợ hay sao? Từ đó đâm chủ quan, say sưa yến tiệc, sao nhãng việc binh bị. Bởi thế, khi Thục Phán lại bất ngờ tiến đánh lần nữa, vua Hùng trở tay không kịp, phải bỏ chạy rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Nước Văn Lang mất.
Thục Phán dẹp yên mọi bề, tự xưng là An Dương Vương, đặt lại tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú), đó là năm Giáp Thìn (257 TCN).
Sự thịnh suy là quá trình không tránh khỏi và triều đại các vua Hùng cũng không phải là ngoại lệ. Cuộc tranh hùng kể trên rất có thể trong thực tế là một cuộc nội chiến tranh quyền đoạt lợi.
Kết thúc thời Xuân Thu - Chiến Quốc, nước Tần thống nhất Trung Quốc và bắt đầu nhòm ngó xuống phương Nam. Năm 218 TCN, Doanh Chính (Tần Thủy Hoàng) huy động 50 vạn quân chia làm 5 đạo đi chinh phục Bách Việt, chiếm được một vùng rộng lớn (gồm Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay) rồi tiến đánh Lạc Việt. Trước sức mạnh ban đầu của giặc, nhân dân Lạc Việt bỏ trốn vào rừng sâu, làm vườn không nhà trống. Quân giặc chẳng mấy chốc lâm vào tình trạnh thiếu thốn lương thực, mệt mỏi chán nản vì không quen khí hậu. Lúc này dưới sự chỉ huy của Thục Phán, lực lượng Lạc Việt tạm phân tán thời kỳ đầu mới tập hợp lại và xuất trận. Trong một trận kịch chiến, tướng giặc là Đỗ Thư bị quân ta giết chết. Mất chủ tướng, quân Tần hỗn loạn tháo chạy về nước. Như vậy là sau khoảng 5 năm kháng chiến, quân dân Lạc Việt, dưới sự chỉ huy của Thục Phán - An Dương Vương đã giành thắng lợi và bước vào xây dựng nước Âu Lạc hùng mạnh, tồn tại đến năm 43 TCN…
Về vấn đề Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc vào năm 208 TCN và gắn liền với nó là mối tình bi thảm Mỵ Châu - Trọng Thủy, chúng ta tin theo kết quả khảo cứu của giáo sư tiến sĩ (và cũng là thiền sư) Lê Mạnh Thát, là không phải sự thực lịch sử. Giáo sư không những chỉ ra rằng ngay cả trong những tài liệu lịch sử chính thống nhất của Trung Quốc như “Sử ký” của Tư Mã Thiên và “Tiền Hán thư” cũng không có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương mà còn chỉ rõ ràng là cho đến hết thời Triệu Đà cùng cháu chắt ông ta làm vua Nam Việt bên Trung Quốc, nước ta vẫn đang có vua và đang là một nước độc lập. Hơn nữa đất đai nước Nam Việt của Triệu Đà  chỉ là địa phận tỉnh Quảng Đông, một phần tỉnh Hồ Nam và Quí Châu cũng như Quảng Tây ngày nay.
Nhưng vì sao nó vẫn tồn tại như một truyền thuyết lịch sử và lưu giữ dài lâu đến thế trong dân gian cùng với những “di tích” như giếng ngọc chẳng hạn? Theo thiển ý của chúng ta thì đó chỉ là một “phiên bản” đã bị bóp méo đi rất nhiều so với phiên bản đầu tiên và phiên bản đầu tiên ấy chính là truyền thuyết kể về sự kiện tranh hùng giữa Thục Phán và vua Hùng Vương mà chúng ta đã vừa trình bày.
Thế thì nói sao đây về Cổ Loa thành? Thành lũy Cổ Loa đã từng hiện hữu là một sự thực không thể chối cãi vì dấu vết của nó vẫn còn “rành rành” ra đó.
Để không mâu thuẫn với “thiển ý”, chúng ta phải đưa ra giả định rằng Cổ Loa thành, vì là một công trình với qui mô rất to lớn của nó đối với thời bấy giờ, nên không thể “ngày một ngày hai” mà hoàn thành được, nhất là trong điều kiện thiếu kinh nghiệm xây dựng trên nền đất yếu. Nó phải là thành quả được kiến tạo trong một thời gian tương đối lâu dài, tốn nhiều sức người sức của và vì vậy phải hiện hữu ngay trong thời đại các vua Hùng. Giả định đó là có cơ sở. Nếu đúng là năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng xua quân tràn xuống phương Nam để thôn tính Bách Việt thì sau bao nhiêu thời gian nữa, quân Tần mới đến được bờ cõi nước Âu Lạc? Thục Phán kháng chiến bao nhiêu năm mới đánh tan được quân Tần để giải phóng đất nước? Sử ghi: Triệu Đà huy động binh mã, bao phen toan chiếm lấy Âu Lạc nhưng đều thất bại. Cái “bao phen” ấy là bao nhiêu năm? Và sự kiện Triệu Đà chiếm được Âu Lạc vào năm 208 TCN cũng là đúng thì trong khoảng thời gian ngắn ngủi: 218 – 208 = 10 năm với bao nhiêu biến cố lớn lao xảy ra như vậy, Thục Phán xây thành lũy Cổ Loa vào lúc nào?
Chúng ta đều biết, theo truyền thuyết dân gian thì việc xây thành lúc đầu là rất gian nan, nhiều lần cứ xây là đổ, không ai biết làm sao. Sau nhờ thần Kim Qui hiện lên mách bảo, vua tôi thời ấy mới biết cách xây dựng tường thành. Theo những phát hiện khảo cổ thì vào thời ấy, tổ tiên chúng ta chưa có gạch nung. Bởi vậy thành Cổ Loa được xây dựng bằng đất có ngay tại địa phương theo kiểu đào đất khoét hào kết hợp đồng thời với dựng tường đắp lũy, mặt ngoài tường thành được tạo dốc đứng, mặt trong xoải ra. Người ta ước tính đất phải đào đắp là khoảng 2,2 triệu mét khối (m3). Ngày nay, khi xẻ dọc thành để nghiên cứu, người ta thấy rõ chân thành được chẹn, kè bởi một lớp đá tảng, hòn nhỏ có đường kính khoảng 15 cm, hòn lớn khoảng 60 cm… Với dân số của cả nước Âu Lạc không quá một triệu người thì Cổ Loa thành quả là một công trình xây dựng đồ sộ với khối lượng đào đắp khổng lồ, đòi hỏi một lực lượng nhân công đông đảo. Dấu tích còn lại ngày nay đã cho phép các nhà khoa học xác định được rằng: Cổ Loa thành gồm ba vòng thành khép kín gọi là thành Nội, thành Trung và thành Ngoài.
Thành Nội hình chữ nhật, chu vi 1650 m, cao khoảng 5 m, mặt thành rộng 6 - 12 m, chân rộng 20 - 30 m, chỉ có một cửa thành mở về phía Nam.
Thành Trung là một vòng thành khép kín, bao bọc phía ngoài thành Nội, dài 6500m. Mặt thành rộng trung bình10m, Thành Trung mở năm cửa. Điểm đáng chú ý là cửa Nam cũng là cửa chung của thành Trung và thành Ngoài (hai vòng thành nối liền nhau ở đây) và cửa Đông là một cửa đường thủy, mở lối cho một nhánh sông Hoàng chảy vào sát thành Nội.
Thành Ngoài cũng là một vòng cong khép kín, dài khoảng 8000 m. Những đoạn thành còn lại đến nay cao trung bình 3 - 4 m, chỗ cao nhất là 8m. Chân thành rộng khoảng 12 - 20 m. Ngoài cửa Nam là cửa chung với thành Trung, thành Ngoài còn có ba cửa nữa, trong đó cửa Đông là cửa Sông nối liền với Hoàng Giang.
Cả ba vòng thành đều có hào nối liền với nhau và thông với sông Hoàng, tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy rất tiện lợi. Ngoài ba vòng thành và hào khép kín còn có nhiều đoạn lũy và ụ đất nằm trong cấu trúc chung của Cổ Loa thành.
Về vị trí địa lý, Cổ Loa (thuộc Đông Anh Hà Nội ngày nay) nằm ở vùng đồng bằng giáp trung du, trên bờ bắc Hoàng Giang. Thưở ấy, Hoàng Giang là một con sông lớn nối liền sông Hồng với sông Cầu. Từ Cổ Loa, theo Hoàng Giang có thể ngược lên sông Hồng, sông Đà, sông Lô, lên tận vùng rừng núi phía bắc và tây bắc, hoặc theo sông Hồng, sông Đáy, có thể xuôi xuống vùng đồng bằng và ra biển. Hoặc cũng có thể theo Hoàng Giang qua sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, lên miền rừng núi đông bắc, lại theo Lục Đầu Giang, sông Thái Bình, sông Kinh Thầy tỏa rộng khắp vùng ven biển. Như vậy, chúng ta thấy rằng Cổ Loa thành nằm ở vị trí của một vùng có mạng lưới thủy văn dày đặc, lại ở giữa đồng bằng và chắc rằng vào thời đó nó vừa là đầu mối của hệ thống giao thông đường thủy, vừa là kinh đô của một nước, trung tâm của một nền kinh tế - văn hóa đang thịnh vượng và phát triển rực rỡ.
Cũng tại Cổ Loa thành, các nhà khảo cổ đó phát hiện hàng chục vạn mũi tên đồng được đúc theo kỹ thuật cổ xưa. Các mũi tên đó đã là những chứng tích cốt lõi của truyền thuyết về nỏ thần Liên Châu bắn một phát ra hàng loạt mũi tên vô cùng lợi hại …
Chỉ với những mô tả có tính chất sơ lược ở trên thôi, nếu chúng ta đứng trong bối cảnh của thời đại tiền sử ấy để quan sát, thì Cổ Loa quả là một công trình kiến trúc vô cùng đồ sộ, vô cùng hoành tráng, thể hiện sự đúc kết tuyệt vời về trí tuệ của dân tộc Lạc Việt - tổ tiên của chúng ta. Với những chất liệu xây dựng gồm đất kết hợp với đá tảng như thế, với qui mô to lớn như thế và vững vàng ở giữa vùng lụt lội như thế thì quả thật, Cổ Loa là một công trình vĩ đại đến mức huyền thoại, vừa mang nét đặc sắc, độc đáo của sáng tạo, vừa là thành quả kiến trúc có tính cộng đồng đầu tiên, xưa cổ nhất của dân tộc chúng ta. Có thể còn băn khoăn về tính kiệt tác nhưng không thể không công nhận đó là một cấu trúc kỳ vĩ không những của đất nước Văn Lang mà còn là của cả khu vực Đông Nam Á, thậm chí là của phạm vi rộng lớn hơn nữa, ở thời bấy giờ.
Một thành lũy to lớn và đòi hỏi nhiều công sức xây dựng như thế thì Thục Phán không thể tạo ra một sớm một chiều được. Phải tưởng tượng ra rằng Cổ Loa thành đã xuất hiện từ lâu trong thời đại các vua Hùng; là biểu hiện của một thời thịnh vượng, là công lao không phải của một đời mà là của nhiều đời tu bổ, bồi đắp. Chính nhờ có nó mà vua Hùng, trong một thời gian dài đã chống trả hữu hiệu những cuộc tấn công của Thục Phán. Cũng vì nó mà vua Hùng (đời cuối cùng!) đã mất cảnh giác, bị nội phản, để rồi bị lật đổ phải nhảy sông tự vẫn.
Đối với Cổ Loa, Thục Phán chỉ có thể là người tiếp quản nó, kiến tạo thêm cho nó hoàn chỉnh hơn về mặt quân sự - về chức năng phòng thủ. Có lẽ sau khi tu bổ lại thành quách Cổ Loa, Thục Phán - An Dương Vương đã chiêu tập những thợ mộc giỏi để đóng thêm hàng loạt chiến thuyền, tăng cường đội thủy binh bảo vệ vòng ngoài, biến Cổ Loa thành như một quân cảng (nhớ rằng thuật đi sông vượt bể vốn là sở trường của người Lạc Việt). Tuy nhiên điều lạ lùng là từ đó trở về sau, trong truyền sử đã không còn thấy nhắc đến ở bất cứ sự kiện hay biến cố nào của đất nước nữa về Cổ Loa thành, cứ như là nó đã hoàn thành sứ mạng của mình ngay từ khi triều đại vua Hùng kết thúc và cái chức năng quân sự là thành lũy phòng thủ đã mau chóng mất hết ý nghĩa trong thời đại An Dương Vương.
Với sự thể hiện ra như thành cao, hào sâu, với qui mô gồm chín lớp thành xoắn trôn ốc, với cách bố trí 18 ụ gò cao nhô hẳn ra chân lũy thì không thể không cho rằng mục đích xây thành Cổ Loa chủ yếu là để phòng thủ khi chiến tranh xảy ra, trước các cuộc tấn công của kẻ thù. Hình như các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đều nhìn Cổ Loa theo góc độ ấy. Tuy nhiên, biết đâu chừng thể hiện ấy của thành lũy Cổ Loa chỉ là hình thức hiện hữu ở giai đoạn sau cùng của nó, khi tình hình xã hội đã căng thẳng, buộc đời vua Hùng cuối cùng phải cải biến nó thành một pháo đài phòng thủ chống Thục Phán và Thục Phán đã hoàn thiện nó như một “tập đoàn cứ điểm” phòng ngự? Phải chăng nên nhìn Cổ Loa như một tồn tại trong suốt một quá trình nào đó của lịch sử, với biết bao nhiêu thăng trầm và nhiều hình thức hiện hữu tương đối khác biệt nhau tùy vào sự biến đổi về điều kiện và hoàn cảnh của mỗi giai đoạn lịch sử nhất định? Nếu thế, chúng ta có thể giả định rằng vì thởi điểm xuất hiện Cổ Loa thành nằm ở rất sâu của ngay thời sơ sử khi mà trong nghệ thuật quân sự sơ khai chưa có khái niệm về chiến tranh kiểu thành bang, thì mục đích đầu tiên của việc xây dựng Cổ Loa thành không mang một chút “hơi hám” nào về ý nghĩa quân sự.
Vậy thì ý định ban đầu của tổ tiên ta khi bắt tay vào tạo dựng Cổ Loa thành là gì, và vào khoảng giai đoạn nào trong thời kỳ dựng nước?
Để có thế trả lời đươc câu hỏi đó (tất nhiên là trong hoang tưởng thôi!), chúng ta sẽ cố tình đi lạc một chút (vì có quyền được lông bông mà!)
Trước hết chúng ta không đồng thuận với khẳng định cho rằng: thời điểm bắt đầu lịch sử văn minh của một quốc gia là lúc xuất hiện nhà nước đầu tiên. Bởi vì chúng ta không hiểu nổi một quốc gia mà không có nhà nước (kiểu gì cũng được!) thì tồn tại được bao nhiêu lâu, thậm chí là không biết nó có tồn tại được hay không nữa. Có thể là khi chưa có nhà nước, quốc gia vẫn “hiên ngang” tồn tại dưới danh nghĩa… đa quốc gia, và vì chưa có văn minh nên nó phải mông muội! Nó mông muội đến cỡ nào hay là đến cỡ hoàn toàn… vô văn hóa?!
Kết luận cuối cùng, không thể khác được, như sự hình thành nên mọi trung tâm văn minh khác, sự xuất hiện Cổ Loa là do nhu cầu phát triển xã hội đòi hỏi. Chắc rằng Cổ Loa thành thuở đầu tiên đã là trung tâm kinh tế và văn hóa của nước Văn Lang...

                                                  Di Sản Văn Hóa Cổ Loa Thành

(Còn tiếp)
--------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét