Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

TT & HĐ - 23/f

                                                            Chúa tiên Nguyễn Hoàng


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIII: NƯỚC NON

"Kẻ phản bội tổ quốc, đầu hàng ngoại bang, vừa không được sự tôn trọng của ngoại bang, vừa bị sự khinh miệt của đồng bào."
                                                                                              Aisopos (Hy Lạp)
  "Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng."  
                                                                                           Aleksandr Solzhenitsyn 
"Một khi nhà nước hình thành, không còn có anh hùng nữa. Họ chỉ xuất hiện trong những điều kiện không có văn minh."
                                                                                                            Hegel


“- Non cao đã biết hay chưa:
 Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
 Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề”

                                                               
                                                                           Tản Đà


(Tiếp theo)

Còn về cái sự “khí dân” của triều Nguyễn thì ôi thôi, được thể hiện dày đặc trong các tài liệu sử. Sau đây là những trích đoạn từ “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884”, tác giả Nguyễn Phan Quang và Võ Xuân Đàn, NXB thành phố HCM, năm 2005:
“Ngay dưới triều Gia Long, khi các quan phủ, huyện bị nhân dân thưa kiện, nhà vua nói: “Phủ huyện có trách nhiệm trị dân, nếu mới bị dân kiện, chưa biết sự tình nặng nhẹ ra sao mà đã đưa ra giam chấp nhục nhã thì làm sao mà tiêu biểu, xướng xuất được nhân dân”, hoặc: “Quan là cha mẹ dân, làm nhục phủ huyện thì làm gì còn uy tín nhà quan”.
(…)
(…) Ngay từ năm 1804, giáo sĩ Ây-ô (Eyot) viết trong một bức thư: “Thuế khóa cực kỳ nặng nề”. (…) Một giáo sĩ khác là Ghê-ra (Guerard) cho biết thêm: “Gia Long bóp nặn dân chúng bằng đủ mọi cách, mọi sự bất công và lộng hành làm người ta rên xiết hơn cả thời Tây Sơn, thuế khóa và lao dịch thì tăng lên gấp ba”.
(…)
(…)
Ngay khi Gia Long mới lên ngôi, hàng chục vạn nông dân, thợ thủ công và binh lính bị lôi cuốn vào việc xây dựng lâu đài, cung điện, thành lũy, lăng tẩm(…)
(…)
Một người Pháp là Bô-ren (Borel) đến nước ta năm 1818 viết: “Nhà vua sử dụng tất cả nhân lực vào việc xây thành lũy…”. (…) Tác giả Giôn Oai-tơ nhận xét thêm: “Riêng việc xây bờ thành đã tốn kém những khoản tiền khổng lồ và làm thiệt hàng ngàn nhân mạng vì phải khổ dịch liên tục”.
Trong cùng một năm 1819, ngoài 9000 dân phu đang đào con sông Bảo Định (kênh đào) dài 14 dặm, Gia Long huy động hơn 10.000 dân phu người Việt và Khơ-me (Khmer) đào đắp con sông từ Châu Đốc thông với Hà Tiên, gọi là sông Vĩnh Tế. Theo sự mô tả của Giôn Oai-tơ, sông Vĩnh Tế dài 23 dặm Anh, sâu khoảng 3m80, rộng 26m, đào xuyên qua rừng rậm, chân núi đá và đầm lầy: “26.000 dân phu thay phiên nhau làm việc suốt ngày đêm trên công trường kỳ lạ này; 7000 đã chết vì nặng nhọc và bệnh tật”.
(…)
Cho mãi đến giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đã thực sự nổ súng xâm lược nước ta, triều Nguyễn vẫn tiếp tục việc xây dựng các lăng tẩm nguy nga ở ngoại vi thành phố Huế, tiêu biểu là việc xây “Vạn niên cơ” (Khiêm Lăng), tái diễn một thảm họa lao dịch:
“Vạn niên là vạn niên nào
Thành xây xương lính, hào đào máu dân”
Khi mới lên ngôi, Minh Mạng nhiều lần tỏ lòng “yêu dân” bằng lời lẽ thống thiết: “Trẫm nghĩ rằng trời đã vì dân mà đặt ra vua thì kẻ làm vua phải coi dân như con…, chưa rét đã lo cho mặc, chưa đói đã lo cho ăn, há lại đợi khóc oe oe đòi bú mới cho con ăn ư? Trẫm từ khi lên ngôi, không ngày nào không lo cho dân cư đông đúc, được mùa”. Nhưng trong thực tế, Minh Mạng vẫn tiếp tục chế độ lao dịch của thời Gia Long. Một loạt thành lũy từ Nam chí Bắc được sửa đắp hoặc xây dựng thêm.
Riêng việc xây đắp thành Huế, Minh Mạng ra lệnh phải hoàn thành khẩn trương: “Ta nghĩ đi nghĩ lại mãi, có nhọc một lần rồi được nhàn rỗi lâu bền… Hết thảy công trình xây dựng kinh thành đều sửa sang xây đắp lại cho mới. Từ tiền công đến vật liệu trước sau đã chi đến hơn trăm ngàn vạn, số tiền thật không hạn lượng được.” (Thực Lục)
Tình trạng lao dịch dưới triều Thiệu Trị và Tự Đức cũng không kém phần khủng khiếp. Năm 1841 khởi công xây dựng lăng Minh Mạng, cung điện, đường vào lăng, lầu các, thuyền xe, voi, ngựa, các đồ dùng của tiên đế không thiếu thứ gì. Dân các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, Bắc Ninh vận chuyển vật liệu về kinh, chủ yếu là khuân vác bằng đường bộ, đi hàng tháng mới tới nơi. Dân phu bị ốm ngày càng nhiều, khi mới phát chỉ có 50, 60 người chết, rồi đến 400, 500 người, rồi lên đến hơn 3000 người.” (Thực Lục)
(…)
(…)
Thời Tự Đức, việc xây đồn lũy ở các địa phương càng nhiều hơn các triều vua trước. Năm 1856, dân 60 xã thôn ở Sơn Tây kêu: “Việc đắp đồn lũy, đài… quá nặng, khó gánh vác nổi”. Tự Đức mắng: “Thói dân điêu ngoa, không trừng trị lũ ấy thì bao giờ cho hết được.” (Thực Lục). Trong dân gian có câu ca:
“Từ ngày Tự Đức lên ngôi
Cơm chẳng đầy nồi, trẻ khóc như ri
Bao giờ Tự Đức chết đi
Thiên hạ bình thì mới dễ làm ăn”.
Hậu quả tai hại nhất của chế độ lao dịch dưới triều Nguyễn là sự hủy hoại sức dân, đúng như nhận xét của Bơ-ren (Borel): “Nhà vua trong khi nghĩ rằng sự cơ cực sẽ giam hãm nhân dân trong cảnh tôi mọi và đời sống nhọc nhằn đặc biệt thích hợp với chế độ chuyên chế và có như vậy thì mới bảo đảm được trị an, đã phá hoại một tiềm lực của đất nước và kìm hãm mọi khả năng phát triển của nông nghiệp”.
(…)
(…)
Tô thuế, lao dịch, binh dịch, hạn hán, lụt lội, đê vỡ… dẫn đến tình trạng mất mùa, đói kém, dịch bệnh liên miên, cứ dăm bảy năm lại diễn ra một nạn đói hay một nạn dịch lớn làm thiệt hàng chục vạn nhân mạng. Riêng thời Gia Long đã xảy ra 6 lần đói lớn trong cả nước (những năm 1803, 1804, 1810, 1811, 1814, 1816). Từ đầu đời Minh Mạng đến khoảng giữa thế kỷ XIX có 10 trận đói lớn: năm 1824 ở Thanh Nghệ và đồng bằng Bắc Bộ, năm 1827 ở  khắp các tỉnh châu thổ sông Hồng, năm 1835 ở Quảng Trị, năm 1840 ở khắp các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, năm 1841 ở Thanh Hóa và Quảng Ngãi, năm 1844 ở khắp các tỉnh Nam Bộ, năm 1848 ở Hà Tĩnh, năm 1854 ở Bắc Ninh, Sơn Tây, các năm 1856, 1857 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ liên tiếp bị bão lụt, kéo dài sang năm 1858.
Về nạn đói năm 1858, sử triều Nguyễn chép: “Dân lưu tán ở các tỉnh Bắc Kỳ nhiều người chết, có người bán mình, bán con, dân kiếm ăn ở Hà Nội có hơn 3 vạn người”. Trong thư đề ngày 2-4-1858, giáo sĩ Retord cho biết thêm: “Dân nghèo bán những mảnh ruộng của mình cho nhà giàu với giá rất hạ, hoặc vay vài đấu gạo và hứa sẽ trả gấp 4 lần trong mùa gặt tới, thành thử số thóc sắp thu hoạch chỉ đủ trả các món nợ, và họ sẽ lại rơi ngay lập tức vào một vụ đói mới. Khi tôi đang viết những dòng này, hầu như không còn tìm đâu ra gạo để vay mượn nữa, dù với những điều kiện nặng nề như vậy”.
(…)
(…)
Những lần đói kém, tai dịch, triều đình nhà Nguyễn tìm cách xoa dịu nỗi thống khổ, phẫn uất của nhân dân bằng cách mở kho thóc phát chẩn. Trên thực tế, phát chẩn là dịp tốt để quan lại thừa hành tham ô đục khoét, trong lúc nhân dân vẫn chết đói hàng vạn.
Nói về tình hình phát chẩn năm 1858, vẫn giám mục Retord viết: “Nhà vua đã mở nhiều vựa lúa trong 3, 4 tỉnh để phát chẩn cho dân chúng. Trong mỗi tỉnh có từ 15 đến 20 vựa lúa luôn đầy ắp, đủ biết số thóc lúa được chứa trữ nhiều biết bao. Nhưng việc bố thí đã thực hiện quá sớm, hỗn độn và bất lương: bắt đầu từ tháng 11, 12 và hiện nay khi nạn đói lên đến cực điểm thì các vựa lúa đã trống rỗng. Thêm nữa, khi phát chẩn, dân chúng chen lấn nhau đến nỗi nhiều người bị xéo đạp và 9/10 số người đi lĩnh chẩn phải trở về tay không, mặc dầu phải chờ đợi rất lâu và đói lả khi về đến nhà. Sau hết, khi các quan chức trích gạo trong kho nhà nước để phát chẩn cho dân nghèo, cũng không quên trích một phần để làm giàu cho bản thân họ, và sự tham ô này hoàn tất công việc phung phí”.
Đoạn thư trên đây của Retord cũng phù hợp với bản tâu về tình hình ở Thanh Hóa trong một nạn đói dưới triều Minh Mạng: Lê Đăng Doanh được sai đến Thanh Hóa phát chẩn, “bọn Doanh đến nơi, dân đói đến lãnh chẩn ngày càng nhiều, có người chưa đến nơi đã chết, có nơi tranh nhau sang đó chết đuối đến 600 người, có người phơi nắng dầm sương ngồi chờ mà chết.” (Thực lục)
(…)
(…)
Đời sống cơ cực thê thảm xô đẩy hàng vạn gia đình nghèo khó phải bỏ quê hương làng mạc đi lưu vong ở thời Nguyễn trở thành hiện tượng phổ biến, thường xuyên, không riêng ở Bắc Bộ và Trung Bộ mà cả ở Nam Bộ. Miền Gia Định đồng bằng phì nhiêu, đất rộng dân thưa mà năm 1854 có đến 20.000 dân phiêu tán.
(…)
Cảnh đói khát lưu vong thê thảm cũng được phản ánh sinh động và chua chát trong một bài vè thời Tự Đức:
                              “ Cơm thì chẳng có
                              Rau cháo cũng không
                              Đất trắng xóa ngoài đồng
                              Nhà giàu niêm kín cổng
                              Còn một bộ xương sống
                              Vơ vất đi ăn mày
                              Ngồi xó chợ lùm cây
                              Quạ kêu vang bốn phía
                              Xác đầy nghĩa địa
                              Thây thối bên cầu
                              Trời ảm đạm u sầu
                              Cảnh hoang tàn đói rét…
                              … Sẵn bút đây ta tả
                              Để giữ lại vài câu
                              Cho ngàn vạn năm sau
                              Biết cảnh tình cơ cực
                              Là cái thời Tự Đức…”
(…)
(…)
Nạn lưu vong là tai họa thê thảm nhất đối với người nông dân dưới triều Nguyễn. Một số không ít đã chết dần mòn vì bệnh tật, đói rét, như Nguyễn Du phản ánh trong một bài văn tế:
                              “Cũng có kẻ nằm cầu gối đất
                              Dõi theo ngày hành khất ngược xuôi
                              Thương thay cùng một kiếp người
                            Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”.         
Chỉ với ít ỏi từng đó dẫn liệu đã đủ để khẳng định sự khí dân có “truyền thống” của triều đình nhà Nguyễn chưa? Theo chúng ta thì không cần phải trả lời câu hỏi này nữa!
Lại sẽ là một chuyện lạ nếu giữa sống dở chết dở như thế mà nông dân không nổi dậy “như rươi” chống lại triều đình Huế. Cũng trong cuốn sách nói trên viết:
“Trên thực tế nông dân lưu vong đã trở thành đội quân chủ lực trong các cuộc đấu tranh của nhân dân ngày một quyết liệt suốt nửa đầu thế kỷ XIX và còn tiếp diễn trong nửa sau của thế kỷ đó.
(…)
(…)
(…) Chu Thiên dựa vào “Thực lục” sơ bộ thống kê 70 cuộc nổi dậy ở thời Gia Long, hơn 230 cuộc nổi dậy ở thời Minh Mạng, hơn 50 cuộc nổi dậy trong 7 năm ngắn ngủi của triều Thiệu Trị và khoảng 40 cuộc nổi dậy ở thời Tự Đức (tính đến năm 1869). Phan Đại Doãn trong một báo cáo khoa học cho biết: “Theo sự ghi chép của sử nhà Nguyễn (Thực lục) thì từ Gia Long năm đầu (1802) đến Tự Đức năm cuối (1883) có hơn 350 cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, trong đó, thời Tự Đức là nhiều nhất. Cụ thể hơn: trong 17 năm đời Gia Long đã có 90 cuộc đấu tranh khắp mọi miền đất nước. Đời Minh Mạng là đời thịnh trị nhất của nhà Nguyễn cũng có trên 230 cuộc, trong đó năm nhiều nhất (1833) có 37 cuộc và ít nhất (1838) có 4 cuộc. Đời Thiệu Trị, chỉ trong 7 năm cũng có 58 cuộc đấu tranh”.
(…)
(…)
Phong trào đấu tranh của nông dân và nhân dân các dân tộc chống triều Nguyễn liên tục, quyết liệt trong hơn 50 năm, xét cho cùng là nhằm chống lại sự hủy hoại tiềm lực dân tộc của nhà nước quân chủ chuyên chế. “Con giun xéo lắm cũng quằn”, nhân dân và các tầng lớp bị trị không thể cam chịu chết dần mòn vì đói rét, bệnh tật, đã vùng lên tìm lối thoát cho sự sống của bản thân mình, cũng tức là đấu tranh cho sự tồn tại của xã hội, của cả dân tộc, vì bảo vệ sự sinh tồn của nông dân là bảo vệ thực lực của dân tộc”.
Đức Huyền Diệu thực chất là quan niệm truyền đời của đại chúng về thị phi, là ước vọng của toàn dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy mà hành động phù hợp với Đức Huyền Diệu cũng có nghĩa là hợp lòng dân, là chính nghĩa, là nhân đạo. Để cho nông dân cầm vũ khí nổi dậy là điều bất thường. Bất thường hơn nữa là sự nổi dậy ấy trở thành phong trào rộng khắp và kéo dài trong suốt quá trình tồn tại của nhà Nguyễn. Nói ra như thế để thấy triều đình Huế đã làm cho lòng dân ly tán đến cỡ nào và đã chà đạp lên Đức Huyền Diệu một cách tàn bạo và đê hèn như thế nào!
Rất rõ ràng là quan niệm về quần chúng của các vua triều Nguyễn là hoàn toàn sai lầm, dẫn đến mù quáng, thiển cận trong việc đề ra những quốc sách, trong việc bảo tồn độc lập dân tộc cũng như phát triển đất nước gắn liền với sinh mạng chính trị và quyền lợi của chính dòng họ nhà Nguyễn: về đối nội thì chỉ lo đàn áp, đề phòng nổi dậy, vắt kiệt sức dân vào những mục đích xa hoa ích kỷ, phi quốc kế dân sinh, mà không biết khoan dung an dưỡng sức dân để tạo thế sâu rễ bền gốc; về đối ngoại thì một phần bị ám ảnh bởi “món nợ đất đai” mà Gia Long đã hứa với người Pháp (hiệp ước Véc-xây, năm 1787), một phần theo chính sách cổ hủ của nhà Thanh (Trung Quốc) mà “đóng cửa” kín mít, không mạnh dạn bang giao, mở rộng thương mại với các nước nhằm kích thích sản xuất trong nước phát triển, tiếp thu khoa học kỹ thuật từ bên ngoài.
Tất cả những điều đó đã đưa triều đình Huế đến một khúc ngoặt bi kịch: buộc phải chấm dứt tồn tại như một chính thể có thực quyền lãnh thổ vào ngày 6-6-1884 bởi hiệp ước Patơnốt (mà thực ra là sớm hơn, vào ngày 25-8-1883 bởi hiệp ước Harmand), để nhục nhã biến thành chính quyền bù nhìn làm tay sai cho kẻ xâm lược.
Đó cũng là bi kịch lớn trong sự nghiệp giữ nước và cứu nước đầy chất bi hùng mà bền bỉ phi thường của dân tộc Việt.: vua có thể bán nước bỏ dân, còn nhân dân thì không cần thứ vua ấy, vẫn tiếp tục kháng chiến đến cùng để giành lại bờ cõi mà tổ tiên, ông cha để lại cho chính họ chứ không phải cho bất cứ thứ vua nào, bất cứ loại triều đình nào!
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét