TT & HĐ - 23/n

                                          Vì sao Việt Nam Hình chữ S | Lịch sử Việt Nam


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIII: NƯỚC NON

"Kẻ phản bội tổ quốc, đầu hàng ngoại bang, vừa không được sự tôn trọng của ngoại bang, vừa bị sự khinh miệt của đồng bào."
                                                                                              Aisopos (Hy Lạp)
  "Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng."  
                                                                                           Aleksandr Solzhenitsyn 
"Một khi nhà nước hình thành, không còn có anh hùng nữa. Họ chỉ xuất hiện trong những điều kiện không có văn minh."
                                                                                                            Hegel


“- Non cao đã biết hay chưa:
 Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
 Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề”

                                                               
                                                                           Tản Đà


 

 

(Tiếp theo)


***
Còn một điều thú vị nữa về Võ Văn Kiệt. Đó là hình như nỗi niềm sông núi cũng có tình riêng, ưu ái gửi gắm vào một con người, như một điềm báo trước. Nhiều hành động của chúng ta, tưởng rằng là do thuần túy lý trí, nhưng đến một lúc nào đó, nghĩ lại và ngạc nhiên thấy rằng hình như còn có sự chỉ bảo của huyền bí tâm linh. Mới sinh ra, ông tên là Hòa. Chữ “Hòa” ấy, luận theo triết học phương Đông, mang một ý nghĩa rất rộng và nặng đến ngàn cân, chí ít nó cũng là cơ sở cho “Võ”, “Văn” trở nên “Kiệt” hiệt và khi xuất hiện thiên thời, địa lợi thì có ngay một nhân “Hòa”. Ông sinh ở đất rồng (Vĩnh Long), tên thứ của ông là Chín - tức cửu, hợp lại thành Cửu - Long: vùng đất trời mà ông sinh ra, “sống chết” với nó và lại trở về. Ông lấy bí danh là “Sáu Dân” vì chữ “Dân” đã vận vào con người ông hay do ai mách bảo? Sáu là “lục”, phải chăng Sáu Dân còn hàm nghĩa là “dân lục tỉnh”, tức dân Nam Bộ - tính cách “rặc” của ông? Hình như Phan Thanh Giản đã trở về thời đổi mới để chuộc lại cái lỗi lầm ngày xưa, khi ông này trót đặt “trung quân” lên trên “ái quốc”!
Trong đời chúng ta, cho đến nay, trên đất nước Việt Nam này, đã chứng kiến ba đám tang lớn của ba nhân vật khác nhau về nhiều mặt nhưng giống nhau ở một điểm duy nhất: nặng lòng với nước, vớI dân, với thân phận con người, đó là Hồ Chí Minh, Trịnh Công Sơn và Võ Văn Kiệt. Vì thế mà hóa ra, họ sống mãi trong lòng dân tộc Việt?!
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát lên như thế. Tất nhiên, nhìn ra xa vời, tất cả mọi sự kiện, mọi biến cố, mọi bàn luận, mọi đánh giá… của mọi thời rồi cũng có ngày hóa thành vô nghĩa lý, thành hư vô, tan biến vào Tự Nhiên Tồn Tại. Đó là một tất yếu. Tuy nhiên, trong đời sống, tình cảm con người không bao giờ muốn thế, dù có biết không thể vượt qua được lẽ Tự Nhiên, dù vẫn biết kiếp đời là hữu hạn thì cũng không nghĩ thế, vẫn không bạc nhược, lý trí vẫn mách bảo đời là có nghĩa, vẫn sống và hành động một cách tích cực với biết bao nhiêu toan tính thường nhật và ý đồ tạo dựng tương lai dù biết rõ bản thân có thể không được hưởng cái tương lai ấy.
Phù hợp với Đạo Tự Nhiên, con người có thể làm bất cứ điều gì mà mình muốn, thậm chí là tự sát. Nhưng phù hợp với Đức Huyền Diệu, con người không thể làm điều bất nhân bất nghĩa. Chính vì vậy mà “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” dù biết rằng  rồi cũng “để gió cuốn đi” mà thôi. Tầm sâu triết lý của câu hát đó, theo chúng ta hiểu, là như vậy. Dù Trịnh Công Sơn đã bị “gió cuốn đi” từ lâu nhưng tấm lòng ông vẫn ở lại, an ủi kiếp người và góp phần dạy dỗ hậu thế.
Khi một con người đã có “tấm lòng” thì không thể không yêu mình, yêu người; không thể thiếu tình thương con người và ở tầm rộng hơn, không thể không “cám cảnh” mà yêu thương cả dân chúng. Tình yêu thương con người sẽ hướng suy nghĩ và hành động về phía mục đích “vì con người”, và yêu dân cũng sẽ hướng đến “vì dân”.
Như thế, chúng ta thấy hành động vì dân là kết quả tất yếu của sự suy nghĩ và nhận thức phù hợp với Đức Huyền Diệu (cũng có nghĩa là phù hợp với ước nguyện của Đại Chúng!). Tuy nhiên đó không phải là nguyên nhân duy nhất. Nguyên nhân thứ hai dẫn đến hành động vì dân là: hiểu được ý nghĩa lớn lao, có tầm quyết định thành bại của thành ngữ: “Dân giàu nước mạnh” đến sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Trong thực tiễn, có những hành động tưởng là vì dân nhưng thực ra là hại dân; có thể chỉ vì một bộ phận thiểu số mà không phải vì Đại Chúng; có thể lúc này đúng là vì dân nhưng lúc khác (khi điều kiện, hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, trình độ xã hội đã phát triển lên mức độ nhất định…) lại không phải là vì dân nữa. Thế thì làm thế nào mà xét đoán, mà ước lượng, mà quyết đoán được mức độ, hiệu quả vì dân cũng như tính khả thi của một (hay những) hành động đang ở giai đoạn nằm trong ý đồ, như là một (những) kế hoạch, một quyết sách hay một dự án? Trả lời: dựa vào kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, dựa vào kiến thức tích lũy được từ lịch sử, dựa vào sự nhạy bén… Nhưng trước hết và trên hết, phải nhận thức được quan niệm “lấy dân làm gốc”, lấy đó làm cơ sở tư tưởng chủ đạo để nhận thức những vấn đề kinh tế - xã hội trong quá trình để ra quyết sách, dự án…, cả ở trong việc nhận định, dự đoán, đánh giá hậu quả và ở cả trong quá trình thực thi.
Có thể nói “lấy dân làm gốc” là nguyên tắc cốt lõi, nền tảng cơ bản trong việc “trị vì” đất nước lâu dài, vững chắc của một triền đại, một chế độ và đồng thời cũng là sự thể hiện đạo đức của “tôi sáng vua hiền”, của một nhà nước, kể cả nhà nước tự gắn nhãn mác: XHCN, của dân, do dân, vì dân. Bởi lẽ “lấy dân làm gốc” là chân lý, là thuận theo lẽ tự nhiên, hợp với Đức Huyền Diệu (lòng dân). Người xưa đã nói hết sức ngắn gọn và giản dị điều cốt lõi ấy trong hoạt động xã hội loài người: “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu!”. Có thể nói thêm, đó là cách thức tồn tại đạo đức nhất của một chế độ xã hội, cách sống đạo đức nhất của một cá nhân trên đời. Đạo đức ở đây cần hiểu: đạo là thuận theo ý trời, là hợp lý (ý Đảng phải theo ý trời!!!), đức ở đây là phải hợp lòng dân, thuận theo ý dân.
Nhưng tại sao lại như thế được? Một trong những đặc tính cơ bản nhất của Tự Nhiên Tồn Tại thể hiện ra trước một quan sát có tư duy nhận thức là sự phân định. Một trong những phân định cơ bản nhất là phân định giữa tồn tại và hiện hữu, giữa cái nền tảng và các hình thức phát sinh sự vật - hiện tượng. Có thể nói: trước nhận thức, Nguyên Lý Tự Nhiên tối thượng đã tạo ra phân định và sự phân định là một trong những động lực vận động, làm cho Nguyên Lý Tự Nhiên được bảo toàn. Rừng cây là một hiện hữu và nền tảng của nó là tập hợp của những cái cây. Tập hợp ấy có thể là không quan sát được nhưng biết rằng nó tồn tại, có thể hiểu tập hợp của những cái cây là toàn bộ số cây có trên trái đất và rừng là một tập hợp đặc thù (có mật độ dày hơn), trở nên nổi trội và nhờ thế mà hiện hữu. (Có một điều tế nhị có tính nguyên tắc muốn nói thêm ở đây là trong cùng một thời điểm quan sát, không thể thấy cả rừng và cây, khi thấy cây sẽ không thấy được rừng và khi thấy rừng thì sẽ không thấy cây. Câu nói: “Vừa thấy cây, vừa thấy rừng” là câu nói… hoang tưởng và chỉ nên hiểu rằng khi nhìn thấy cây một cách trực giác thì ngay lúc đó nếu có nhìn thấy rừng thì chỉ có thể là nhìn thấy bằng… hồi ức, hồi tưởng, suy tưởng và ngược lại!).
Tập hợp những con bò làm nên thế giới loài bò cũng như những đàn bò. Sự phân định tương đối làm cho thế giới loài bò trở thành nền tảng (có tính lặn) và những đàn bò cũng như những con bò đơn lẻ, cùng với sự hoạt động của chúng trở thành những sự vật - hiện tượng (có tính trội). Nếu không có những đơn vị là những con bò thì không thể tập hợp được để thành thế giới loài bò, cái nền tảng. Nhưng nếu không có nền tảng ấy thì cũng chẳng có đàn bò hay con bò đơn lẻ, cái hiện hữu. Có thể nói những sự vật - hiện tượng “bò” có được là nhờ có cái nền tảng “bò” và chúng cũng chính là những bộ phận của cái nền tảng.
Một cách tương tự có thể cho rằng xã hội loài người là nền tảng cho sự hiện hữu của các vùng dân cư tập trung, của các đoàn người du cư, của từng con người cá thể (và rằng, tập hợp toàn bộ con người cá thể, những đơn vị “người” nhỏ nhất, làm nên xã hội loài người!). Và cũng tương tự như vậy, xét riêng phương diện con người, thì dân chúng của một nước chính là nền tảng của sự hiện hữu các bộ phận dân cư (các cụm dân cư tập trung như làng xóm, thị xã, thành phố…), của các gia đình cũng như của từng cá nhân. Không có nền tảng đó thì không có những hiện hữu đó và đất nước đó (cũng xét trên phương diện con người) được coi là không tồn tại.
Chúng ta biết rằng chỉ riêng Nền Tảng Tuyệt Đối của Tự Nhiên Tồn Tại là vốn dĩ thế tồn tại, không từ sự tạo dựng nào nên bản thân nó cũng trở nên hằng cửu trước nhận thức. Còn bất cứ thứ nền tảng tương đối nào đều là do tạo dựng. Sự tồn tại tương đối của một nền tảng có được duy trì không, lâu hay mau là phụ thuộc vào sự tương tác của nó hay những bộ phận của nó với môi trường (sự tương tác lẫn nhau giữa các bộ phận của nền tảng, xét cho cùng, cũng là sự tương tác giữa thực thể và môi trường). Thế giới loài bò sẽ chấm dứt tồn tại, nếu không có sự tương tác với môi trường, nếu những đàn bò, những con bò không tích cực đi tìm thức ăn hoặc không được cho ăn, không có cái để ăn (chưa kể đến “húc lộn” nhau hay thiên tai, “người” họa). Không có miếng ăn thực sự là đáng sợ hơn “trời giáng”.
Chúng ta, trong chiều sâu suy tưởng có thể mường tượng, đất nước và quần chúng hợp thành tổ quốc. Không có đất nước thì không có tổ quốc. Đất nước bị xâm chiếm thì tổ quốc tiêu vong. Chúng ta chính là rừng cây và quần chúng chính là những cái gốc. Đất nước có màu mỡ sung sức thì gốc cây mới chắc khỏe và rừng cây mới chống được bão dông. Đất nước cằn cỗi thì gốc cây điêu tàn, rừng cây xơ xác: báo hiệu tổ quốc bên bờ diệt vong! 
Từ mường tượng đó, chúng ta mới hiểu vì sao phải giữ gìn đất nước, vì sao phải nâng niu dung dưỡng quần chúng, vì sao phải phụng sự tổ quốc. Để cái gốc đó chết đi thì là tổ quốc tiêu tan. Không chú ý vun xới nuôi dưỡng cái gốc ấy thì tổ quốc điêu tàn, khó lòng đứng vững được trước một sao động nhẹ chứ chưa cần nói đến bão táp. Do đó mới có thể nói, “lấy dân làm gốc”, xây dựng "dân giàu nước mạnh" là nguyên tắc cơ bản, là mục đích chính yếu phải tuân thủ của bất cứ chế độ nào, của bất cứ nhà nước nào nếu muốn tổ quốc trường tồn. 
Nhưng quần chúng nhân dân không phải là cái gốc cây thông thường, hoàn toàn thụ động. Đó là một gốc cổ thụ có tư duy, nhận thức được, biết quan niệm và có bản năng sinh tồn mãnh liệt. Nếu cho rằng thế giới loài bò, trước đói khát triền miên đe dọa sự tồn tại của nó, thì nó sẽ cố gắng tự chuyển biến mình một cách bản năng (sự tiến hóa thích nghi), nhưng không kém phần mạnh mẽ, thành thế giới của một loài mới, kế thừa loài bò. Đối với nền tảng là dân chúng thì có khác. Nền tảng này không còn nhận cách thức chậm chạp thích nghi là để cho môi trường cải tạo mình, mà trái lại, tích cực chủ động thích nghi bằng con đường ưu tiên là cải tạo môi trường. Khi bị đói khát cùng cực, bị đe dọa đến cùng cực sự tồn vong của nó, cái nền tảng quần chúng ấy, cái gốc của một nước ấy sẽ rùng rùng trở thành một lực lượng gan góc và vô địch (có thể nhai nuốt cả trời đất nếu đó là món ăn được!), đánh tan mọi áp bức, bất công, tạo nên một diện mạo mới cho đất nước. Thành tạo một rừng cây mới sinh động và đầy nhựa sống hơn, vươn chồi nảy lộc mạnh mẽ, đơm bông kết trái trên cái nền cũ mới được cải tạo đến kỳ hồi sinh…
Gút lại: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi thiên” là một chân lý của Tự Nhiên Tồn Tại, thể hiện ra một cách đặc thù trong xã hội loài người. Ai hiểu được chân lý đó, hành động phù hợp chân lý đó là người tài năng, biết nhìn xa trông rộng, có lòng nhân hậu và nếu có cơ may làm lãnh tụ thì sẽ là một lãnh tụ được toàn dân yêu mến, dù không cầu danh thì danh vẫn tự đến, để rồi lưu truyền đến mai hậu…
Ý nghĩa lớn lao của “lấy dân làm gốc” được ông cha ta nhận thức từ lâu và truyền dạy từ đời này sang đời khác để trở thành một quan niệm có tính truyền thống của dân tộc. Tình tiết thời vua Hùng có sứ giả đi khắp các làng quê kêu gọi người tài giỏi trong dân chúng ra đánh giặc Ân cứu nước, chiếu cầu hiền của vua Quang Trung, hay “lời kêu gọi kháng chiến” của Hồ Chí Minh là những thể hiện của cái tinh thần đó. Ngày xưa, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn từng nói: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước”. Nguyễn Trãi đã nói: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”. Câu nói này là của Cao Bá Quát: “Nhân nghĩa là cái đạo rộng lớn vô biên. Làm người có nghĩa, có nhân trước hết là giữ lòng thủy chung với thiên hạ”. Hồ Chí Minh cũng có câu nói, đại ý: “Không sợ đói nghèo, chỉ sợ không công bằng; không sợ khó khăn, chỉ sợ lòng dân không thuận”.
“Lấy dân làm gốc”, hiểu theo nghĩa mở rộng, bao trùm hơn là : “Gốc của xã hội loài người là loài người”. Nền tảng của mọi bộ phận dân cư là xã hội loài người và xã hội loài người lại đồng thời là tập hợp toàn bộ cá thể con người với những mối quan hệ nội tại giữa các bộ phận với nhau và giữa tập hợp ấy với môi trường (chứa nó và bản thân nó cũng là bộ phận của môi trường ấy). Có thể nói gọn lại: xã hội lấy loài người làm gốc. Do đó mà khái niệm “vì dân”, ở trường hợp này cũng được phát triển thành khái niệm khái quát hơn - khái niệm “vì nhân loại”.
Hoạt động vì nhân loại cũng chính là hoạt động hợp lý (Đạo Tự Nhiên), thuận tình (Đức Huyền Diệu). Ý nghĩa của hoạt động vì nhân loại cũng tương tự như ý nghĩa của hành động vì dân nhưng cao rộng hơn nhiều, và vì vậy mà gặp phải những khó khăn lớn hơn bội phần. Nó vừa phải đảm bảo quyền lợi riêng của mỗi quốc gia nhưng cũng vượt lên trên quyền lợi quốc gia để đảm bảo được cái ưu tiên, đó là quyền lợi chung của xã hội loài người, của cả loài người.
Kết luận cuối cùng mà chúng ta rút ra được ở đây và coi như nguyên lý cơ bản nhất, là nguyên nhân tối hậu của mọi hoạt động trong xã hội loài người là mục đích cuối cùng của mọi hoạt động sống của con người cũng như của cả loài người chính là vì cuộc sống, là vì sự sống còn, mà nói “toẹt” ra là vì miếng ăn cái mặc. Không có mặc thì có thể là khổ nhưng vẫn sống để hy vọng; còn không có ăn thì sẽ đói và chết. Đói khát đã là sự “quỉ ám” khủng khiếp suốt cuộc hành trình sống, đi kiếm ăn của loài người nói riêng và cả thế giới sinh vật nói chung. Do đó, một cách tự nhiên, kiếm ăn và cố gắng kiếm nhiều thức ăn cho đủ dùng và cho cả tích lũy là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động sống của loài người, rồi sau đó mới hướng đến cái mặc (được tượng trưng cho việc nâng cao thích nghi, phục vụ gián tiếp cho sự kiếm ăn, làm tăng giá trị cuộc sống… tạm gọi chung là cái tiêu dùng phi thực phẩm, phục vụ đời sống ngoài miếng ăn; sau này, trong nền sản xuất hàng hóa; hoạt động làm ra cái tiêu dùng ấy cũng chính là vì miếng ăn!). “Có thực mới vực được đạo”, ông bà chúng ta căn dặn thế!
Nói cách khác: con người được sinh ra là để sống (chứ không lẽ để chết (!?), dù biết rằng không thể thoát khỏi cái chết chờ chực ở cuối chặng đường đời?), muốn sống thì phải ăn, muốn ăn thì phải có cái mà ăn, không có cái ăn thì phải tìm cho ra cái ăn. Cho nên việc làm đầu tiên vừa có tính bản năng của loài vật, vừa mang tính ý chí của loài người là kiếm ăn rồi sau đó mới kiếm mặc và các việc làm khác trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ đời sống con người. Nhưng hoạt động sống ấy của con người nói riêng và của loài người nói chung, một khi không có tình yêu thương, ở ngoài phạm vi Đức Huyền Diệu, sẽ lập tức trở nên hỗn loạn, vô cảm “không chịu đựng nổi” bởi mức độ tàn phá, tận diệt ngày càng tăng, bởi mức độ bạo ngược, man rợ ngày một khủng khiếp của nó đối với môi trường thiên nhiên, đối với cỏ cây, muông thú và ghê rợn hơn cả là đối với ngay đồng loại, máu mủ, ruột rà. Loài người lúc đó tệ hơn nhiều so với loài vật, vì sự thèm khát và tham muốn của chúng đã vượt lên trên bản năng và trở nên vô độ, lý trí một cách ác quỉ! Con người lúc đó dã man hơn hẳn so với con vật, nó không bằng con vật vì nó là con quỉ: có tư duy sáng tạo và hoàn toàn vô cảm, nó thản nhiên xé xác người thân kẻ thuộc của nó  không vì mục đích gì, phi cả nhân tính lẫn thú tính!
Rất may, điều giả định trên chỉ là hoang tưởng! Lịch sử loài người đã chứng thực: hoạt động sống của loài người cũng như những cá thể của nó, dù đã phạm nhiều lầm lạc trong việc đối xử với môi trường thiên nhiên, dù đã gây ra không ít những đau thương, thống khổ trong nội bộ loài của nó thì cũng chưa bao giờ đạt đến trình độ toàn diện và triệt để ấy, nếu có chăng, chỉ là hiện tượng cá biệt, trong phạm vi nhỏ hẹp tuy vẫn đáng kể.
Người ta nói thế giới vô sinh là vô tình, vô cảm. Có khi là thế thật. Chúng ta không bàn luận về điều đó. Nhưng chắc rằng cội nguồn nguyên thủy và tự nhiên của thế giới hữu sinh cùng với tính hữu tình hữu cảm của nó là thuộc về thế giới ấy. Trong cái hữu tình hữu cảm ấy đã tiềm tàng ẩn chứa, biểu hiện một cách chưa định hình ở thế giới thực vật, một cách sơ khai mang tính mầm mống ở thế giới động vật (không phải người) của Tình yêu thương - Đức Huyền Diệu. Tình yêu thương - Đức Huyền Diệu, đồng thời cả những đặc tính tương phản với nó chính thức đâm chồi nảy lộc cùng với sự ra đời của loài người, được định hình trong quá trình phát triển đời sống xã hội và trở thành như sở hữu tự nhiên, riêng có, của riêng loài người. Có thể nói Tình yêu thương - Đức Huyền Diệu và sự nhẫn tâm - thất đức là hai mặt tương phản sẵn có một cách tự phát trong thuộc tính con người mà thuở ban đầu, con người chưa nhận thức được. Từ tự phát suy nghĩ đến tự giác ưu tư, nhận thức của con người về tự nhiên cũng như về thân phận ngày một sâu sắc, xác định được một cách có lý trí tính đúng - sai của hai thuộc tính tương phản ấy và đồng thời cũng làm phát sinh cuộc đấu tranh trường kỳ về mặt tư tưởng để xác định chân lý trong cái đa dạng, đa chiều, đa nhân cách của hoạt động thực tiễn (biểu hiện chuyển hóa giữa hai mặt tương phản của hệ lưỡng nghi?!).
Thực ra, Tình yêu thương - Đức Huyền Diệu chỉ là một nhãn mác sau này, gán cho một thuộc tính (mà cũng sau này) gọi là đức nhân. Nhưng có lẽ, cuộc đấu tranh tư tưởng về bản chất của “đức nhân” đã nảy sinh từ rất sâu trong tiền sử, và đến ngày nay vẫn còn chưa ngã ngũ. Phải chăng cuộc đấu tranh này cũng là sự biểu hiện của quá trình đang tiến hóa thích nghi về mặt trí não, về tinh thần của loài người? Nên chăng là lấy mức độ nhận thức sâu rộng về Tình yêu thương - Đức Huyền Diệu của một con người, của một thời đại, cùng với sự thể hiện đến đâu trong hoạt động thực tiễn, để đánh giá tính nhân văn của con người đó, trình độ văn minh của thời đại đó? Rất đáng ngờ về tính khả thi của dự định này, vì thế, phải cho rằng nền văn minh nhân loại ở thế kỷ XXI (vẫn âm vang tiếng bom đạn chết chóc ở khắp nơi, vẫn ngang nhiên phơi bày sự đói khổ tột cùng của nhân dân Châu Phi, trong khi nhiều nơi lương thực vẫn ú ụ nằm vô tâm trong các kho tàng! Trong khi một cầu thủ danh tiếng ở Châu Âu chẳng hạn, có mức lương tuần ngất ngưỡng, đủ để cho một “bộ xương” đói khát ở Châu Phi “phè phỡn” đến 2 năm trời!) chẳng hơn gì nền văn minh nhân loại thời cổ đại, cách nay mấy ngàn năm, thậm chí còn “ẹ” hơn!
Đến bao giờ thì Tình Yêu Thương - Đức Huyền Diệu mới ca khúc Khải hoàn? Có lẽ đến khi con người sinh ra đã sẵn đủ ăn, đủ mặc, hay... không bao giờ!? Khi mối quan hệ tương phản còn đó thì mặt nhẫn tâm - bất đức không thể mất đi được mà may ra chỉ có thể yếu đi, thu rút nhỏ lại. Giả sử rằng trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của thời đại nào đó trong tương lai, mối tương phản nói trên không còn lý do nào để tồn tại nữa thì lúc đó cả nhẫn tâm - bất đức và Tình Yêu Thương - Đức Huyền Diệu đều phải mất đi, và như thế, sẽ chẳng còn “vị” nào ở lại để mà “ca hát” nữa. Tuy nhiên, đó cũng lại là một suy nghĩ viễn vông. Đến một thời đoạn nào đó trong tương lai xa xăm, sự tiến hóa về trí não của nhân loại theo chiều tự nhiên là thích nghi để bảo tồn sự sống giống loài, đã đạt đến độ tâm lý ghê tởm sự nhẫn tâm - bất đức, ghê tởm chiến tranh, sự chém giết đày đọa nhau giữa nội bộ loài đến cùng tột, sẽ làm cho mặt tương phản đó chuyển hóa hoàn toàn sang mặt Tình Yêu Thương - Đức Huyền Diệu để tự mất đi. Thế nhưng một vế của hệ tương phản lưỡng nghi mất đi thì bản thân mối quan hệ tương phản cũng mất đi, và vế kia không thể tồn tại như một tương phản nữa, nó sẽ phải “lặn” đi và trở thành bản năng của trí não (và có thể là một mặt trong mối tương phản mới với một nhãn mác khác chứ không phải là Tình Yêu Thương - Đức Huyền Diệu nữa!). Đến lúc đó, còn đâu nữa khái niệm Tình Yêu Thương - Đức Huyền Diệu mà ca khúc Khải hoàn? Nhưng đời sống tinh thần của loài người sẽ đứng ra làm việc đó! Chắc như thế không? Không chắc mà cũng chắc!!!...
Trước áp lực của đà tăng dân số, của sự kích thích tiêu dùng thái quá, của sự công nghiệp hóa vô độ, đô thị - bê tông hóa tràn lan, đất đai trồng trọt cây lương thực bị thu hẹp đáng kể…, loài người đang chơi trò bấp bênh với tương lai của mình, đang khốn khổ vì sự giằng xé lương tâm đã lộ tính bi kịch trong vấn đề nhân đạo.
Khái niệm “vì nhân loại” là một khái niệm hết sức rộng lớn về không gian và thời gian, mang một ý nghĩa rất lớn lao đối với sự tồn vong của bản thân loài người. Vì thế mà hoạt động vì nhân loại cũng vô cùng khó khăn gian khổ. Nhận thức được đầy đủ về nó không thể là một sớm một chiều và sự chuyển hóa nhận thức đó thành hoạt động thực tiễn càng không phải là ngày một ngày hai. Đó là sự nghiệp lớn lao không phải của một người, một quốc gia mà phải là của các quốc gia, mang tính xã hội và khoa học toàn cầu!
Sự nghiệp “vì nhân loại” đòi hỏi phải có một cái nhìn vừa chi tiết vừa tổng thể, phải có một tầm nhìn chiến lược, sâu rộng, nghĩa là cũng đòi hỏi phải có “thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ và vạn linh tâm”. Bởi vì “vì nhân loại” là vì quyền lợi chung của loài người trong khi vẫn đảm bảo quyền lợi riêng của các quốc gia, là vì cuộc sống của loài người hôm nay nhưng đồng thời cũng vì cuộc sống của nhân loại mai sau; là vì một môi trường sinh thái lành mạnh, cung cấp dồi dào đầy đủ thức ăn, cái mặc nhưng không kiệt quệ, thiên nhiên vẫn được bảo tồn; là vì sự duy trì mức tiêu dùng tiết kiệm tối đa nhưng vẫn thỏa mãn ở mức hợp lý; là vì quyền được sống, được làm, được ăn, được mặc, được học hành, được hưởng thụ những thú vui một cách chính đáng, công bằng (không phải là bình đẳng kiểu “cào bằng”!) của tất cả các bộ phận dân cư, của tất cả các dân tộc, các quốc gia; của từng con người cụ thể đã “trót bị" sinh ra và sẽ "hân hạnh được" sinh ra trên cõi đời này…Một khi con người sinh ra vẫn phải "có làm mới có ăn" thì còn có điều để nói về nó!
(Hết Chương XXIII) 
--------------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH