TT & HĐ - 23/l

                                                      TỪ ÂU LẠC ĐẾN ĐẠI NAM 

                               Di tích Mỹ Sơn


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIII: NƯỚC NON

"Kẻ phản bội tổ quốc, đầu hàng ngoại bang, vừa không được sự tôn trọng của ngoại bang, vừa bị sự khinh miệt của đồng bào."
                                                                                              Aisopos (Hy Lạp)
  "Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng."  
                                                                                           Aleksandr Solzhenitsyn 
"Một khi nhà nước hình thành, không còn có anh hùng nữa. Họ chỉ xuất hiện trong những điều kiện không có văn minh."
                                                                                                            Hegel


“- Non cao đã biết hay chưa:
 Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
 Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề”

                                                               
                                                                           Tản Đà

 

 

(Tiếp theo)

***
Nhiều người nhận định rằng Võ Văn Kiệt - Sáu Dân là một trong những người có đóng góp xuất sắc cho công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Ông xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực. Có thể nói ông xuất hiện ở đâu thì ở đó trào dâng không khí đổi mới. Võ Văn Kiệt thực sự là linh hồn và đồng thời cũng là vị tướng tài của công cuộc đổi mới trong cả nước.
Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh là Sáu Dân, sinh ngày 23-11-1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông bắt đầu tham gia Cách mạng vào năm 1938, liên tục trải qua hai cuộc kháng chiến cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975 với nhiều chức vụ khác nhau. Sau Giải Phóng, ông tiếp tục hoạt động trên những cương vị lãnh đạo từ thấp đến cao trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Năm 1976, ông làm phó bí thư rồi bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1981, ông được điều ra làm Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch Nhà nước. Tháng 2-1987 được Quốc Hội phê chuẩn chức đó đồng thời chức phó chủ tịch thường trực rồi phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng. Tháng 8-1991, ông được Quốc Hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng. Từ năm 1992-1997, ông làm Thủ tướng chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001, ông trở thành Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Chiến công của vị tướng tài ba thời tiền đổi mới và đổi mới ấy là rất nhiều, lịch sử dân tộc sẽ ghi công ông về những chiến công đó và đặc biệt là đối với những công trình có tầm chiến lược của một thời đại, phục vụ đắc lực cho quốc kế dân sinh, cải tạo mà không làm “đổ vỡ” môi trường sinh thái, như: đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam, Thủy điện Trị An, Khu công nghiệp hóa dầu Dung Quất, đường Hồ Chí Minh, hệ thống thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long… Dưới đây chúng ta sẽ kể về hai trong số những chiến công đó.
Chỉ với công trình xây dựng đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam thôi, tính cách và năng lực của Võ Văn Kiệt đã được khắc họa rõ nét: lắng nghe và trọng thị ý kiến mọi người, chín chắn trong suy ngẫm, sáng suốt khi nhận định, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm trước công việc, xử sự với con người một cách đầy nhân văn. Đó cũng chính là những phẩm chất quí báu cần có nhưng không dễ có đối với một nhà lãnh đạo.
Đối với hầu hết những công trình trọng điểm khác, Võ Văn Kiệt thường gặp những khó khăn, thách thức từ những ý kiến phản bác có khi rất gay gắt và thuộc về phía đa số. Trong hoàn cảnh như vậy mà ra quyết định trái ngược là không dễ chút nào.
Công trình này cũng vậy, ngay từ khi mới là dự án, đã có nhiều ý kiến phê phán nặng nề. Ông Vũ Ngọc Hải, nguyên bộ trưởng Bộ Năng Lượng, nhớ lại, kể:
“Có vị lãnh đạo nói làm đường dây là phiêu lưu, mạo hiểm, lấy tiền Nhà Nước để làm danh cho cá nhân. Có nhà khoa học còn chứng minh công trình sẽ thất bại, lỗ nặng.
Anh Sáu Dân rất lo khi một chuyên gia người Nhật cho là không thể làm đường dây 500 kV được do quá dài (tới 1500 km). Song anh Sáu kiên quyết lắm, bảo tôi: “Nếu thất bại, tôi sẽ từ chức, quyết không để bị cách chức”. Tôi trấn an: “Anh yên tâm, không thể thất bại. Tôi đã huy động chất xám trong và ngoài nước, hoàn toàn không lo thất bại về kỹ thuật”. Bởi chúng ta sẽ có cách làm khác. Tôi và các nhà khoa học đã tính rất kỹ, dù đường dây 1500 km nhưng sẽ có 4 trạm bù điện, nên điện vào đến cuối nguồn sẽ bằng chỉ số ở đầu nguồn…
Lúc đó rất khó khăn, Quốc hội đang bàn thì anh Sáu đã chọn ngày khởi công và bị phản ứng. Kể cả nhiều nhà khoa học cũng bảo rằng làm đường dây này là chuyện không tưởng, cầm chắc thất bại. Nhưng anh Sáu đã quyết định: trong 2 năm phải hoàn thành công trình.
Anh Sáu và các nhà khoa học đã tính toán kỹ. Đưa điện vào miền Nam có lợi hơn bán điện đi vì chúng ta đang thiếu điện. Thực tế đã chứng minh chúng ta hoàn toàn có thể đưa điện vào miền Nam mà không bị hao hụt. Đến nay, nhờ có đường dây 500 kV, chúng ta có thể đưa điện ngược trở ra khi miền Bắc thiếu điện và ngược lại. Bây giờ đã đủ cơ sở để chứng minh anh Sáu có tầm nhìn xa, đem lại lợi ích lớn cho đất nước…
Xuyên suốt ở anh Sáu là tính cách nhất quán, bản lĩnh mạnh mẽ, nghĩ đúng là làm và làm tới cùng. Trong nhiều quyết định, bên ủng hộ anh là thiểu số. Anh buồn bực, cô đơn nhưng ý chí của anh, tư tưởng của anh vẫn kiên định…”.
Ông Hải còn kể:
“Tôi hết sức bât ngờ. Thủ tướng vào thăm tôi tại trại giam. Ông mang đến 3 cái ly, loại ly uống sâm-banh (champage) và một chai sâm-banh thật ngon. Mở đầu, anh Sáu nói: “Cả tuần liền, tớ lo quá, không ngủ được”. Thấy tôi im lặng, anh nói tiếp: “Đêm qua tớ không ngủ được vì nhớ đến cậu. Vài giờ nữa đóng điện, cậu biết không?”. Tôi hỏi: “Nghe nói cấp trên không cho làm lễ khánh thành, phải không ạ?”. Anh Sáu bảo: “Thôi, phải chấp hành…”. Rồi anh rót rượu và nâng ly: “Chúng ta cùng chúc mừng cho hơn 20.000 anh hùng đã lao động tuyệt vời để có đường dây hôm nay”. Tôi xúc động, nước mắt cứ trào ra, chần chừ, cầm ly mãi. Anh Sáu giục: “Uống, tớ và cậu cùng mừng cho công trình của chúng ta thắng lợi”. Tôi đưa ly rượu lên miệng, ngước nhìn anh. Một con người, có cả trí - nhân - dũng - nghĩa đủ cả. Tôi không biết nói gì hơn trong giờ phút thiêng liêng ấy”.
Cho đến nay, vụ án Vũ Ngọc Hải, nguyên bộ trưởng Bộ Năng lượng, vẫn còn gây tranh cãi. Nhưng hồi đó, sự kiện Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào tận trại giam gắn huy hiệu ghi công cho một người tù và chúc rượu mừng, diễn ra trước giờ đóng điện đường dây 500 Kv Bắc - Nam thì thật là đặc biệt, chưa từng có tiền lệ. Hãy nghe ông Kiệt nói: “Tội anh Hải pháp luật xử, tôi không có ý kiến gì. Nhưng về công, anh là người thực hiện chủ trương rất tận tụy. Thành công của đường dây này có công sức rất lớn của anh ấy”.
Câu chuyện thứ hai là chiến công của Võ Văn Kiệt trong công cuộc trị thủy, cải tạo đồng bằng sông Cửu Long.
Sau Giải Phóng, đồng bằng sông Cửu Long, dù đã có hệ thống kinh mương nhân tạo thời trước, vẫn là vùng châu thổ còn nhiễm mặn nặng nề, năng suất lúa rất thấp, có nơi chưa đạt 1 tấn/hécta, hơn nữa mỗi năm chỉ cấy được một vụ. Thời đó, Nam bộ mang tiếng là vựa lúa của đất nước vậy mà có rất nhiều hộ đói, dân tình khốn khổ. Để đảm bảo được đầy đủ lương thực cho dân số tại chỗ cũng như của cả nước ngày một đông và đồng thời để đáp ứng được những đòi hỏi của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, thì yêu cầu phải cải tạo đồng bằng sông Cửu Long, trước sau gì cũng tất yếu được đặt ra. Càng về sau yêu cầu đó càng trở nên cấp bách.
Võ Văn Kiệt hiểu thấu tình hình đó và nhận thức được ý nghĩa lớn lao của công cuộc trị thủy, cải tạo và xây dựng mới một hệ thống thủy lợi có qui mô lớn hơn, hoàn chỉnh hơn. Vì thế, sau khi khảo sát, xâm nhập thực tế, lắng nghe, học hỏi, chắt lọc những ý kiến đa chiều của nông dân, của các nhà khoa học, các chuyên gia, cố vấn… ông quyết định “đổi mới” diện mạo đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1988, Võ Văn Kiệt khởi sự chương trình “Mười năm đầu tư khai thác vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên và ngọt hóa bán đảo Cà Mau”, và năm 1995 chính thức nói đến chương trình “Sống chung với lũ”.
Ban đầu, quyết sách này cũng đâu có thuận chèo, xuôi mái. Nhiều vị lãnh đạo và ngay cả một số nhà khoa học cho rằng nếu làm như thế, ông sẽ đụng vào, chọc phá tổ ong vò vẽ. Ý họ muốn nói không những ông làm chuyện không đâu vào đâu mà còn có phần nguy hiểm nữa. Các nhà khoa học Hà Lan cũng cho rằng không nên đụng chạm tới thiên nhiên. Nhiều bộ, ngành còn hoài nghi và e ngại khi cải tạo, mở rộng kênh Vĩnh Tế để xây dựng công trình kiểm soát lũ tràn thì mực nước kênh Vĩnh Tế sẽ tuột đi, làm mất thế ổn định đang có.
Là người được sinh ra, lớn lên trên vùng đất này; có thời gian dài hoạt động trong lòng dân xứ này; cùng dân lặn lội chiến đấu hy sinh vì mảnh đất quê hương, nên ông Võ Văn Kiệt - Sáu Dân hiểu rõ hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào khác về con người cũng như về điều kiện tự nhiên của vùng đất châu thổ này. Một con người được gọi là xuất chúng khi biết cân nhắc những đúng - sai của tư duy đương thời, từ đó phát hiện ra hướng đi chân lý, trên cơ sở đó quyết tâm thực hiện hoài bão mà lúc đầu có thể là “không giống ai” của mình. Ông Sáu Dân là người như vậy! Nhạy bén trong nhận định, ông đã thấy được tiềm năng to lớn của đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt hơn là có thể biến tiềm năng đó thành hiện thực cũng như ý nghĩa vô cùng lớn lao của công cuộc tạo dựng ấy.
Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Sinh Huy nhớ lại: “Có lẽ, ông Sáu là cán bộ cao cấp cá biệt, đã đến làm việc với hầu hết các huyện trong vùng Đồng Tháp Mười. Nhiều chuyến khảo sát, ngủ qua đêm ở Tháp Rùng Rình hoặc ở huyện mới thành lập như Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng, Vĩnh Hưng, Tân Hưng… Sống chung với lũ, kiểm soát lũ được ông Võ Văn Kiệt nói chính thức, đầu tiên tại hội nghị qui hoạch thủy lợi, phòng chống lũ ở Đồng Tháp Mười tổ chức ở Đồng Tháp năm 1995. Những điều ông Sáu phát biểu tại hội nghị này cho thấy những hiểu biết rất tinh tế của ông, người đứng đầu chính phủ, về một vấn đề chuyên sâu, ít người có được”.
Theo Lê Thành Chơn (trong kháng chiến chống Mỹ là sĩ quan không lưu thuộc binh chủng Phòng không - Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam; là tác giả cuốn “Anh hùng trên chín tầng mây” và khá nhiều tác phẩm khác) thì: “Kinh Vĩnh Tế là con kinh được đào sớm nhất trong lịch sử khai phá đồng bằng sông Cửu Long, bắt đầu từ mùa khô năm 1819 đến năm 1824 mới hoàn thành. Ngày 25-7-1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ thị “Lập kế hoạch cải tạo và mở rộng kinh Vĩnh Tế, xây dựng hệ thống công trình kiểm soát lũ tràn và sử dụng nước lũ vào việc cải tạo vùng đất Bắc Hà Tiên, nghiên cứu thoát lũ ra phía Tây”. Trong không đầy 30 tháng, 170 km kênh mương được đào và nạo vét với hơn 19 triệu mét khối đất, 17 cầu cống được xây lắp, một hệ thống các công trình thủy lợi phức tạp có qui mô lớn ra đời… Có thể nói kinh Vĩnh Tế và hệ thống công trình kiểm soát lũ lấy kinh Vĩnh Tế làm trung tâm là một công trình lịch sử nối hai thế hệ Thoại Ngọc Hầu và Võ Văn Kiệt, nhằm đem lại no ấm cho nông dân”.
Đến nay (năm 2008), hệ thống trục chính về thủy lợi và giao thông trong chương trình “Sống chung với lũ” đã giúp cho trên 10 triệu người dân đồng bằng có cuộc sống ổn định mỗi mùa nước nổi. Riêng với chương trình khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đã nâng số lượng lúa hàng hóa lên rất nhiều, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Vùng đất phèn vốn chỉ có tràm mọc lơ thơ nay là đồng lúa phì nhiêu. Chỉ tính riêng 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang đã làm ra trên 9 triệu tấn lương thực trong số 17,6 triệu tấn lúa hàng năm của đồng bằng Nam bộ. Công cuộc trị thủy lần này, còn góp phần đưa nước ta lên thành nước đứng thứ nhì thế giới (sau Thái Lan) về xuất khẩu lúa gạo và mặc nhiên đồng bằng sông Cửu Long cũng trở thành vựa lúa của thế giới.
Câu chuyện trị thủy mang tên Võ Văn Kiệt - Sáu Dân, xét trên phương diện lịch sử, là sự kế thừa và tiếp nối đầy sáng tạo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới về tự nhiên - xã hội của cuộc hành trình trị thủy vĩ đại của dân tộc ta mà sự khởi đầu đã nảy sinh một cách tự nhiên vào thuở khai mở tạo hình đất nước từ quá trình tương tác giữa ý chí sinh tồn của con người với điều kiện khí hậu nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít bất lợi ở vùng sông nước ngập lụt đan xen với khô hạn. Câu chuyện ấy sẽ còn lưu truyền mãi trong sử xanh dân tộc Việt, dù nó chưa phải là đoạn kết của cuộc hành trình vĩ đại ấy. Hồi đó, khi hay tin Võ Văn Kiệt mất, chúng ta có làm bài thơ truy tặng:

LỤC DÂN

Võ dũng lừng vang một thủ quân
Văn nhân nức tiếng khắp lục dân
Kiệt xuất đổi dời, xây, trị thủy
Hòa khí lan tràn chín tầng vân

Là con xứ sở Cửu Long điền
Là anh xung phong của thanh niên
Là bộc cúc cung vì đại chúng
Hồn nay an lạc Vĩnh Long viên...
Ngày nay, không ít người còn dị nghị với câu nói sau đây của Võ Văn Kiệt: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Theo chúng ta nghĩ thì đó là câu nói hay, phải là người có tấm lòng nhân hậu cao cả, thấm đẫm tình người, có lòng can đảm, mới nói được như vậy. Công lao to lớn của Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp đổi mới ở đất nước ta là không còn gì phải nghi ngờ nữa. Nhưng, như chúng ta từng nói, bất cứ một sự vật - hiện tượng nào cũng đều phải nằm trong nguyên lý nhân quả, phải được tạo dựng mới có. Vậy thì nguyên nhân nào làm xuất hiện một Võ Văn Kiệt xuất chúng như thế sau Giải Phóng? Người đời đã, đang và sẽ còn suy ngẫm, phân tích, lý giải về hiện tượng Võ Văn Kiệt.
Đúng như đại chúng hôm nay nhận định: Võ Văn Kiệt là một nhân vật yêu nước, thương dân, tài giỏi, có tầm nhìn xa trông rộng, và thức thời, dám nghĩ dám làm. Nhưng từ đâu ông Kiệt lại có được những phẩm chất cao quí đó? Bằng cách nào mà từ một cậu bé ít học, theo Cách mạng từ năm 16 tuổi, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền rồi chiến đấu liên tục trong hai cuộc đấu tranh vũ trang chống ngoại xâm long trời lở đất, dài đằng đẵng, bỗng vụt trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc nổi bật trong xây dựng kinh tế thời đổi mới và được nhân dân yêu mến như vậy? Một thần đồng có thể trở thành thiên tài nhưng không phải bất cứ thần đồng nào cũng trở thành lãnh tụ kiệt xuất. 
Trong lịch sử nhân loại, hầu như những con người kiệt xuất nhất lại không xuất phát từ thần đồng, hơn nữa, chưa hề thấy một thần đồng triết học nào. Tuy nhiên có thể có những ông vua, bà chúa, những kẻ nắm giữ quyền lực, dù được dạy dỗ “đến nơi đến chốn”, dù được đào tạo chính qui, bài bản, vẫn bị cho là vô học, đần độn, nhưng một vị chỉ huy tài năng thì không thể là ngu dốt được, và hơn nữa khi đã được đại chúng gắn cho hai từ “kiệt xuất” thì phải có nhãn quan mang tính thần đồng. Thần đồng có thể là thiên phú, là tự nhiên mà có và do vậy cũng không phải là hiện tượng phi tự nhiên. Nó vẫn nằm trong nguyên lý nhân quả, là bộc phát của một quá trình tiến hóa, chuyển hóa, tích tụ những yếu tố cần có đến độ chín muồi; là kết quả của quá trình dạy và học có thể quan sát được hoặc chưa quan sát được (vì xảy ra ở tầng nền tảng nào đó mà khoa học chưa “vươn tới” nổi)
Vậy thì, qua tư liệu lịch sử có được, có thể nói rằng phẩm chất của Võ Văn Kiệt thời đổi mới là kết quả của một tư chất thông minh sớm biết học hỏi và đã tích lũy kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn hoạt động cách mạng, từng trải qua nhiều biến cố thăng trầm của cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước, cho dân tộc. Thế nhưng lại một câu hỏi đặt ra là: “Cũng có nhiều con người có hoàn cảnh tham gia Cách mạng như Võ Văn Kiệt, cũng được tôi luyện trong chiến tranh, hơn thế nữa còn được học hành một cách chính qui, nắm rất vững lý luận của triết học Mác, hiểu sâu sắc Chủ nghĩa Cộng sản khoa học, thậm chí là những bậc lão thành đã dày dạn đấu tranh, đã không thấy ngay được cái mà Võ Văn Kiệt thấy, đã không được thời cuộc chọn là người hùng của công cuộc đổi mới? Như vậy, phải còn có những yếu tố khác nữa để làm nên hiện tượng Võ Văn Kiệt."
Có lẽ mấu chốt làm nên hiện tượng Võ văn kiệt là ở chỗ này: người đóng vai trò lãnh đạo phải có lòng dũng cảm và tài năng để trong thời khắc "ngàn cân treo sợi tóc" có những quyền biến, dám  đưa ra những quyết sách để cứu xã hội thoát khỏi hiểm nghèo, trước hết phải làm cho ý Đảng, lòng dân hòa hợp, đồng điệu, nhưng trong điều kiện nghiệt ngã, chỉ được chọn một giữa hai thứ ấy thì dứt khoát phải chọn lòng dân, bỏ ý Đảng, thậm chí bỏ Đảng vì mục đích cuối cùng của mọi hành động, thực chất đều là vì dân, vì lòng dân thường là nguyện vọng xã hội, mang tính khách quan và chân lý cao độ, còn ý Đảng thường chỉ  mang tính chủ quan, duy ý chí, dễ mắc sai lầm, và cũng vì ông bà ta đã dạy: "Quan nhất thời, dân vạn đại"!

(Còn tiếp)
--------------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH