TT & HĐ - 22/m


                           Top 10 Quái Vật Khiến Tổ Tiên Chúng Ta Phải Trốn Chui Trốn Lủi

 

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 

Trần Hạnh Thu
.


CHƯƠNG XXII: TỔ TIÊN 


"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"
                                                                    Ca dao

"Noi gương tiên tổ truyền thống anh hùng muôn thuở thịnh 
 Nối nghiệp ông cha phát huy khí thế vạn đời vinh."

                                                                                   câu đối thờ gia tiên


 

“Ta có tai, mắt, ta nghe, ta trông; ta có tâm tư ta suy, ta nghĩ; đối với người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.”

"Cuộc sống  phản bội lại tổ tiên là cuộc sống bấp bênh nhất, trơ tráo nhất. Nếu không muốn phản bội lại tổ tiên, thì trước hết, đừng làm nô lệ cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào khác, tin theo bất kỳ thứ chủ nghĩa nào khác."
                                                                                                                        Trần Hạnh Thu

 

 

(Tiếp theo)

***
Chẳng làm sao mà ngủ lại được nữa! Chúng ta ngồi đây, trên cái chạc ba cổ thụ này, nơi tổ tiên chúng ta đã từng trú ngụ, với bao nhiêu suy nghĩ cứ miên man nối đuôi nhau đổ về không ngớt. Chúng ta yêu đất nước này vì tổ tiên ông bà của chúng ta ở đây, vì chúng ta được chôn nhau cắt rốn tại đây, vui sống tại đây và vì thế mà chúng ta có quyền được ca ngợi nó, cũng như mọi người yêu quê hương họ và có quyền được ca ngợi đất nước họ. Tình yêu đó là chính đáng, là phù hợp với Đạo Lý và Đức Huyền Diệu!…
Trăng đã sà xuống và khuất lấp tự lúc nào. Cái tịch mịch của trời đất không còn nữa. Bóng tối đã nhạt nhòa bởi cái quầng sáng chớm hé ở chân trời phía đông. Mãi suy tư nên đến bây giờ chúng ta mới chú ý lắng nghe âm thanh của sự sống. Đó đây đã lác đác tiếng hót chào, gáy sáng của chim muông, tiếng voi kêu vang vọng, tiếng vượn hú lói chói, tiếng hổ gầm trầm hùng từ xa đâu đó khắp nơi vang vọng về hòa điệu báo hiệu một ngày mới, ráo hoảnh nhờ nắng và gió. Ấy vậy mà không phải vậy. Một ngày mới sáng trong mà chúng ta hy vọng đã không xuất hiện. Thiên nhiên đã không chiều theo ý chúng ta. Chẳng biết vì sao mà mây đen ùn ùn kéo về vần vũ trước sự bất lực của vầng sáng phương đông. Trời vừa mới hửng lên ngon trớn đã đột ngột u ám. Lại một cơn mưa như trút nữa đây! Qua một đêm, nước vẫn chưa kịp rút hết. Mặt đất vẫn còn loang lổ nước như một tấm da báo, đang khấp khởi đón bình minh, chợt trở nên ỉu xìu trước mối đe dọa bị nhấn chìm lần nữa. Thời tiết của thời đại này chuyển biến bất ngờ đến lạ lùng. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng chứng kiến được một thực trạng là ở đây nhiều nước quá. Từ vùng lưng chừng đồi này nhìn xuống, ra xa, thấy sông, hồ đan xen, không thể không làm nhà sàn, nhà treo, nhà thuyền được. 
Tổ tiên của chúng ta đã thích nghi được với khu vực tuy dồi dào về nguồn thức ăn nhờ thiên nhiên ưu đãi nhưng đồng thời muốn như thế phải chịu được cuộc sống chung đụng với sông nước đan giăng, với thường xuyên bão dông, thác lũ, lụt lội và hơn thế nữa, sau này, là nạn ngoại xâm từ phương Bắc. Quá trình thích nghi để sống còn và đi tìm hạnh phúc ấy của tổ tiên chúng ta đã để lại cho đời sau những trang sử đầu tiên hết sức chói lọi của thời kỳ khai hoang bờ cõi, đắp thành Tổ Quốc từ Đất và Nước, đó là: Huyền thoại về nguồn gốc con rồng cháu tiên từ một “đồng bào” - kết quả của mối tình thuận vợ thuận chồng Âu - Lạc; là bản anh hùng ca Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc cứu nước; là công cuộc trị thủy cam go được tạc lại thành biểu tượng truyền kỳ hào sảng Sơn Tinh - Thủy Tinh, từ sự xây dựng nhà cửa, thành quách trong vùng lụt lội đầy khó khăn gian khổ nhưng thành công mĩ mãn nhờ sự mách bảo của Thần Kim Qui…
Mây ùn về nhanh thế, tưởng sẽ phải nổi lên cuồn cuộn, nào ngờ nó dàn trải ra như một tấm nệm bông dày cộm phủ kín bầu trời. Kiểu này làm sao mà hình thành nên một cơn mưa như trút được? Thà cứ trút ào đi một cái rồi tạnh hoảnh chứ cứ tầm tã lúc nhặt lúc khoang như hôm qua thì… thương cho chúng ta quá! Tốn một mớ tiền hơi “bị” nhiều để về đây leo lên cây ngồi ngắm mưa rõ ràng là chả hiệu quả tí nào! Mặc lại áo mưa và thu xếp hành trang xong, chúng ta cứ lưỡng lự mãi, không biết có nên “chào tạm biệt” cái chạc ba này không nữa? Nếu trời chỉ âm u thôi mà không mưa, trong khi chúng ta ở lại đây thì sẽ bỏ lỡ cơ hội đi diện kiến tổ tiên để hỏi cho ra lẽ nhiều điều, nhất là sự tích về Cổ Loa thành. Nhưng nếu chúng ta đi về phía vùng loang lổ da báo ấy mà bị trời mưa như hôm qua thì chắc chắn là sẽ bị chìm ngỉm ngay khi nước dâng cao vì chúng ta… không biết bơi! (Nghĩ mà thẹn với tổ tiên!)…
Rồi thì mưa cũng bắt đầu lác đác và vì thế mà tình trạng lưỡng lự cũng chấm dứt. Chúng ta ngồi phịch trở lại, bước vào cuộc chờ đợi mới và thở dài ngao ngán!
Mưa lác đác rồi dần trở nên rả rích và lại tầm tã, tuy không bằng sự tầm tã của ngày hôm qua. Trời mát đến hơi lạnh. Thời tiết này hao hao với thời tiết của vùng Nam Bộ - Việt Nam thời hiện đại với một năm gồm hai mùa mưa, nắng và không qua mùa đông. Nghĩ ra, chúng ta thấy mình thật đáng trách: cắm đầu cắm cổ về đây mà không chịu xem ngày, chọn tháng để phải ngồi thu lu trên cây giữa mưa tuôn như thế này. Nguy cơ về một cuộc hành trình vô tích sự đã manh nha thành hiện thực. Chiều nay chúng ta đã phải theo tàu vượt thời gian trở về mất rồi!...
Mưa vẫn nhạt nhòa và nước ngày một lênh láng. Vùng này khá cao mà nhiều nước thế thì ở những vùng đồng bằng châu thổ còn nhiều nước đến cỡ nào nữa? Và vào những khoảng thời gian như thế này, con người tiền sử ngụ cư ở đó chắc là khó khăn lắm rồi chứ nói chi đến trồng trọt - chăn nuôi?
Có lẽ, chốn dung thân thuở ban đầu của vượn người là rừng rú, về sau, vượn người rồi đến người vượn đã chọn hang động làm nơi “thường trú”. Đó chính là những ngôi nhà thiên nhiên an toàn nhất để tránh thiên tai. Gọi là “thường trú” vì không phải và cũng không thể ngày nào cũng ở hang động. Cuộc sống lang thang kiếm ăn có khi là dài ngày đã không cho phép người tối cổ thực hiện được điều đó. Không những thế, sự phát triển dân số của giống loài buộc những bộ phận người phải sống tách rời ngày một xa rừng núi, phải tìm cách thích nghi với điều kiện sống mới. Quan sát thiên nhiên, học hỏi thiên nhiên và sáng tạo, dần dà con người đã bỏ lối sống hang động với kiếm ăn chủ yếu là săn bắt - hái lượm sang lối sống định cư ở đồng bằng với kiếm ăn chủ yếu bằng trồng trọt - chăn nuôi. Lúc đó, chắc là họ đã biết xếp đá, đắp đất, kết cây, đan lá… làm ra những cái “hang nhân tạo” để trú ngụ mà sau này được gọi là “nhà”…
Sự tưởng tượng làm chúng ta thấy vui vui: nếu công cuộc khai hoang thời nay chủ yếu là phá núi mở rừng, cải tạo đồi trọc thì thời xa xưa là tiến về đồng bằng và ra ven biển. Sự lan tỏa dân cư từ miền ngược xuống miền xuôi Bắc Bộ, bắt đầu là từ Lạc Long Quân, về mặt hình thức, có thể được hình dung ra từ cuộc lan tỏa dân cư từ Bắc vào Nam bắt đầu vào cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII. Đến đây, chúng ta chợt nhớ đến bài thơ nổi tiếng của tướng Huỳnh Văn Nghệ. Nó thế này:
                              “Ai ra ngoài Bắc ta theo với
                              Thăm lại non sông, giống Lạc Hồng
                              Từ độ mang gươm đi mở cõi
                              Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
                             
Sự lan tỏa dân cư bao giờ cũng có hướng ưu tiên (nghĩa là có lựa chọn) đến khu vực cho là “dễ sống” hơn. Do đó sự lan tỏa dân cư ở vùng này đồng thời cũng làm xuất hiện sự quần tụ dân cư ở vùng khác. Theo phỏng đoán, đã có một bộ phận dân cư mà biểu tượng là Kinh Dương Vương, tách ra từ cộng đồng Bách Việt, dần dần đến định cư tại các vùng cao và trung du Bắc Bộ, hòa hợp với dân bản địa mà hình thành nên người Lạc Việt. Sự quần cư mới hình thành và phát triển đến thời Lạc Long Quân thì xuất hiện nổi trội quá trình lan tỏa dân cư xuống những vùng thấp hơn, tìm cách sống thích nghi với sông nước chằng chịt, lũ lụt quanh năm. Quá trình thích nghi và thích nghi ngày một tốt hơn để sống còn và cải thiện đời sống tốt hơn ấy đã hoàn toàn tự nhiên đặt ra vấn đề cần giải quyết mang tính cốt lõi: trị thủy. Nếu trị thủy thành công thì vùng đồng bằng màu mỡ sẽ hứa hẹn những mùa lúa nước bội thu!...
Ôi, những con đê dọc theo những dòng sông miền Bắc, nơi chứng kiến biết bao nhiêu cuộc chia ly, tương phùng, biết bao nhiêu cuộc hò hẹn trai gái; nơi mà biết bao mồ hôi nước mắt con người đổ xuống để giữ gìn đồng lúa ruộng khoai, để bảo toàn cuộc sống làng xã, đã hình thành nên từ bao đời? Chúng ta không biết điều đó nhưng có lẽ chúng là kết quả của ý niệm nảy sinh từ thời kỳ đầu dựng nước và được bồi đắp liên tục qua từng thế hệ!...
Thui thủi trong mưa với những dòng suy tưởng mê man, đến đây, lòng chúng ta bỗng dưng bừng sáng: một hoang tưởng về Cổ Loa thành hiện lên, rõ mồn một. Vì là hoang tưởng nên không phải là sự thực lịch sử nhưng một câu chuyện không có thực đôi khi vẫn hàm chứa chân lý. Người ta nói ảo thuật là bịp bợm nhưng lại là sự bịp bợm có lý. Chúng ta nói thêm: một khi không phát hiện ra bất cứ xảo thuật nào đằng sau một trò ảo thuật thì đó phải là sự thật, chỉ có đức tin mới nói được nó là bịp bợm!
Tạm tin rằng Địa Đàng đã từng hiện hữu trên Trái Đất này và nền văn minh Địa Đàng đã tan biến vào đúng giai đoạn cực thịnh của nó. Tuy vậy, nền văn minh ấy đã kịp truyền bá phần nào ra khắp thế giới, trong đó có dải đất mà sau này là lãnh thổ Việt Nam. Trên dải đất này, con người nguyên thủy đã có mặt rất sớm ở rải rác các nơi. Ở đây, qua di tích khảo cổ có được cho đến nay, có thể thấy rằng trước thời Kinh Dương Vương, cũng đã từng xuất hiện những trung tâm văn hóa nổi trội (còn gọi là văn minh?) với qui mô và sức lan tỏa ở chừng mực nhất định (bị hạn chế bởi địa hình, bởi thiên tai thường gặp ở những miền duyên hải).
Cũng có thể thấy được, do đặc tính của lối sống man khai hồi đó đem lại mà sự chung cư còn mang nặng tính “mẫu tử”, huyết thống, bầy đàn; tính xã hội còn chưa bộc lộ hoặc đang manh nha, cho nên sự hiện diện của các vùng có con người sinh sống như là những lãnh thổ xác định còn chưa thành hình hoặc đã hình thành nhưng còn mờ nhạt, sơ khai, manh mún, theo cảm tính bản năng chứ chưa dựa trên một ý thức rõ ràng. Chính cuộc cách mạng trong trồng trọt (phát hiện ra cây lúa nước và lấy nó làm nguồn lương thực chủ yếu) cùng với quá trình phát triển và tương tác giữa các lực lượng dân cư của khu vực đã dần làm xuất hiện hình thái sống quần tụ dân cư đông đúc, định cư ổn định, lâu dài và từ đó mà cũng hình thành ý thức về cộng đồng xã hội, về chủ quyền lãnh thổ.
Không có gì đặc biệt, chưa kể đến những tác động từ môi trường thiên nhiên, với những nguyên nhân từ sự đan xen của các quá trình giao lưu, trao đổi văn hóa, từ sự lan tỏa và hội tụ dân cư… mà xảy ra hiện tượng có những trung tâm văn hóa (nền văn minh) chựng lại, thậm chí là thui tàn đi, đồng thời xuất hiện những trung tâm văn hóa mới, kế thừa và phát triển nổi trội trở thành nền văn minh. Có khả năng tại khu vực khoảng vùng Cực Nam Trung Quốc ngày nay đã từng xuất hiện và tồn tại một nền văn minh Bách Việt và ở thời gian phát triển nào đó, nó đã là một trung tâm lan tỏa dân cư. Quá trình lan tỏa dân cư của cộng đồng dân cư Bách Việt đã làm một bộ phận dân cư của nó dần tràn xuống xa hơn nữa về phương Nam, đến phần đất thuộc Bắc Việt Nam ngày nay, sinh cơ lập nghiệp, hòa hợp với dân cư bản địa để từ đó xuất hiện dân tộc Lạc Việt, thủy tổ của người Việt chúng ta. Từ đó, những yếu tố văn minh Bách Việt đã hòa quyện với văn minh bản thổ - một nền tảng văn minh lâu đời hơn, có tính cách cội nguồn của chính văn minh Bách Việt, đã làm hình thành nên một nền móng văn minh cho văn minh Văn Lang rực rỡ sau này.
Dựa vào các truyền thuyết lịch sử, chúng ta có thể hình dung ra quá trình khai mở và dựng nước của tổ tiên gồm ba giai đoạn; là:
- Thời kỳ Kinh Dương Vương: Đây là thời kỳ hình thành những cụm dân cư, sinh sống chủ yếu ở những vùng cao và trung du Bắc Bộ.
- Thời kỳ Lạc Long Quân (cũng như tên gọi Kinh Dương Vương), chúng ta coi Lạc Long Quân là tên gọi chung để chỉ một thời kỳ lịch sử). Đặc trưng của thời kỳ này là chế độ mẫu quyền (Âu Cơ) chuyển sang chế độ phụ quyền. Sự phát triển về mọi mặt của thời kỳ trước như mức sống, trình độ canh tác, dân số… đã làm cho thời kỳ này mang một đặc trưng nữa là quá trình di dân xuống định cư ở các vùng thấp trũng hơn, các vùng đồng bằng hạ lưu các con sông và ven biển, thích nghi với đời sống sông nước bằng những kỹ năng đầu tiên đã đúc kết được trước đó.
Có thể rằng khoảng cuối thời kỳ Lạc Long Quân, các bộ lạc đã hình thành từ lâu và cũng đã xảy ra các cuộc đấu tranh nhằm khuất phục nhau giữa các bộ lạc.
- Thời kỳ các vua Hùng: Vua Hùng đời thứ nhất nổi lên như người đứng đầu bộ lạc hùng mạnh nhất, đã thuần phục được tất cả các bộ lạc, thống nhất thành một khối gọi là liên minh các bộ lạc mà những người trưởng các bộ lạc đó, dưới trướng vua Hùng, được gọi là Lạc Tướng hoặc Lạc Hầu. Tất cả các khu vực lãnh thổ bộ lạc được liên kết lại thành một lãnh thổ duy nhất được đặt tên là Văn Lang - Tổ Quốc của mọi người Lạc Việt thuở đầu tiên, của mọi người Việt Nam ngày nay. (Cũng có thể là đời vua Hùng thứ nhất chỉ là người khởi xướng quá trình thống nhất các bộ lạc nhưng sự nghiệp chưa hoàn thành mà phải đợi đến đời vua Hùng thứ hai hay thứ ba. Nhưng nếu có thế thì ở đây, đối với chúng ta chẳng có gì quan trọng!).
Chúng ta tin rằng sau khi dựng nước và đặt tên nước là Văn Lang. Các vua Hùng cũng như cộng đồng dân cư Lạc Việt đã có được những điều kiện rất thuận lợi, những tiềm lực mới to lớn trong công cuộc lao động và sáng tạo để đưa đời sống vươn nhanh lên tầm cao mới cả về vật chất lẫn tinh thần.
Có thể nói sự lan tỏa dân cư và cùng với nó là sự giao hòa văn minh đã như một luồng sinh khí mới, tạo nên một sức sống mới và nửa sau thời kỳ Kinh Dương Vương đã xây dựng được những cơ sở vững chắc cho bước phát triển mạnh mẽ hơn ở thời Lạc Long Quân với quá trình mở rộng địa bàn dân cư ra đều khắp khu vực đồng thời với quá trình chuyển hóa hình thái kinh tế xã hội từ bộ tộc lên bộ lạc, tiền thân của nước Văn Lang và nhà nước cộng đồng các bộ lạc sau này - thời các vua Hùng.
Sau khi thu phục được các bộ lạc, thống nhất dân cư theo hình thức liên kết, liên minh các bộ lạc, định hình lãnh thổ chung (trên cơ sở tập hợp các vùng đất sở hữu riêng đã xác nhận của từng bộ lạc), lập nên nước Văn Lang, các vua Hùng ở những đời đầu, cùng cả dân tộc đưa đất nước tiến nhanh đến phú cường và đạt đến cực thịnh vào đời vua Hùng thứ sáu. Có thể đoán quá trình này có tính thần kỳ và thành quả của nó đã là nguyên nhân chủ yếu làm nên chiến thắng thần tốc của quân dân ta trước quân xâm lược nhà Ân, một đội quân cực mạnh thời bấy giờ. Ước chừng ba mươi mấy thế kỷ sau, quân dân ta đã lập lại chiến tích này chỉ bằng một trận quyết chiến chiến lược do hoàng đế Quang Trung, một thiên tài quân sự của nước ta chỉ huy, đại phá 30 vạn quân xâm lược nhà Thanh, vào xuân Kỷ Dậu (năm 1789).
Phải chăng hiện thực của thời kỳ đầu các vua Hùng dựng nước và giữ nước đã từng là như thế và đã được truyền kỳ bằng thiên anh hùng ca Phù Đổng Thiên Vương? Phù Đổng Thiên Vương chỉ có thể là con đẻ của một đất nước đầy tiềm lực, có thể chế nhà nước mang tính dân chủ cao độ, có một quốc sách trăm họ vi binh - toàn dân đánh giặc. Phù Đổng Thiên Vương chính là biểu tượng của một đội quân hùng hậu được huy động nhanh chóng từ quốc sách nói trên, được trang bị đầy đủ phương tiện chiến tranh như ngựa chiến, giáp sắt, roi sắt… và được nuôi nấng, cấp dưỡng kịp thời vể mọi mặt nhờ sự đóng góp, ủng hộ của toàn dân đã và đang sung sức. Hình tượng Phù Đổng Thiên Vương sau khi đại phá giặc Ân, cưỡi Long Mã bay về trời (xung thiên), thực ra cũng là nói đến cái quan niệm toàn dân vi binh: cái đội quân dân binh vô địch vì được toàn dân ủng hộ ấy, sau khi đánh tan quân xâm lược lại nhanh chóng giải tán “ai về nhà nấy” tiếp tục làm ăn sinh sống. Các đời sau đã phong cho anh hùng Phù Đổng đủ mọi danh xưng cao quí (Vương, Thánh, Thần) thực ra chính là tôn vinh Nhân Dân Vĩ Đại! Ngay từ trang đầu của lịch sử nước nhà, tổ tiên ta đã để lại bài học chí lý về giữ nước, đó là: muốn dành thắng lợi trong công cuộc trị thủy hoặc muốn chiến thắng quân xâm lược, thì phải phát động cho được sức người sức của của toàn dân tộc, phải thực hiện một cuộc chiến tranh nhân dân. Muốn thế, phải làm cho nước mạnh; nước mạnh là nhờ có sức dân mạnh, muốn có sức dân mạnh thì phải làm cho dân được sung túc, ấm no và đoàn kết thành một khối cùng chung ý chí, nghĩa là dân giàu và đoàn kết thì nước mạnh; muốn dân giàu và đoàn kết thì phải thực hiện dân chủ và tự do theo nguyện vọng và ý chí của toàn dân tộc; và để làm được như thế thì những thế lực điều hành đất nước phải tài năng, thấm nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc; trên cơ sở nhận thức rằng nhân dân là nền tảng, là nội dung và cũng chính là người chủ đích thực của đất nước, quyết định vận mệnh của đất nước. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, ông bà ta nói thế và rất đúng! “Bèo thì trôi đi, nước cũng trôi đi, chỉ còn dòng sông ở lại với… nước mới và bèo mới!”, chúng ta nói thế và đã không thêm được chút hay ho nào ở đây mà còn gây ra cái cảm giác… buồn tênh quá!)…
Sau khi đánh bại quân xâm lược nhà Ân, khắc phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, vua Hùng lại cùng dân chúng tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước còn dở dang của mình. Đất nước tiếp tục cường thịnh!
Ở những giai đoạn phát triển trước, từ khoảng cuối thời kỳ Lạc Long Quân, chuyển tiếp đến lúc này, đã xuất hiện những công việc trị thủy nhưng chỉ có tính nhỏ lẻ, cục bộ chứ chưa thành hệ thống. Có thể phỏng đoán rằng vào giai đoạn này, khi sự phát triển đã đạt đến mức độ mà mặt trái của nó làm nảy sinh ra những đòi hỏi mới, bức thiết về quốc kế dân sinh, thì để duy trì sự thịnh vượng và tiếp tục phát triển hơn nữa, cần phải tìm ra những biện pháp mới, những hoạch định mới, những cách thức và kỹ thuật mới trong trồng trọt chăn nuôi cũng như trong lao động - sản xuất nói chung, chẳng hạn như phân bố lại dân cư, tận dụng hiệu quả đất đai, khai hoang những vùng đất mới…
Đối với một khu vực mà sông ngòi chằng chịt, nước nổi mênh mang, năm nào cũng bão giông, lũ lụt như chúng ta “từng thấy” thì để ổn định dân cư ngày một đông về số lượng, cần phải có biện pháp gì? Chúng ta tin rằng nhiệm vụ được đặt ra đầu tiên trong tình hình mới ấy phải là trị thủy và trị thủy phải được nâng lên thành một quốc sách, thành một kế hoạch có tính qui mô, rộng khắp, có hệ thống.
Để sống chung được với nước, lũ, lụt lội thì phải tìm cách thích nghi theo chu kỳ biến động của chúng và tiến tới chế ngự được chúng để thích nghi là tiến trình tất yếu trong hoạt động sống của mọi cư dân vùng sông nước trên thế giới nói chung và của tổ tiên ta nói riêng.
Công việc thủy lợi đã có từ lâu, phát triển dần từ nhỏ lẻ, manh mún đến ngày một lớn, có tính tự giác và sự hợp tác. Đến giai đoạn đầu thời các vua Hùng, trước yêu cầu bức bách do mặt trái của sự phát triển xã hội đặt ra mà cách thức làm thủy lợi cho đến lúc đó không còn đủ sức đáp ứng cho đời sống của lực lượng dân cư nữa. Cần phải có một phương thức làm thủy lợi mới, chế ngự và điều tiết được nước ở qui mô rộng khắp, có tính hệ thống, thống nhất toàn vùng. Chúng ta tạm gọi phương thức làm thủy lợi mới ấy là “công cuộc trị thủy”. Công cuộc trị thủy là công tác thủy lợi được đặt ra ở tầm “quốc sách”, việc thực hiện có tính kế hoạch, triệt để nên cũng lâu dài và là sự nghiệp của toàn dân, thu hút vô vàn công sức.
Vì những lẽ nên trên mà chúng ta cho rằng một công cuộc trị thủy với qui mô to lớn và rộng khắp so với trước đó chỉ có thể được đặt ra vào thời các vua Hùng; khi trình độ nhận thức cũng như sự phát triển của nhân tài vật lực đã đạt đến độ chín muồi, thấy được tầm quan trọng cũng như khả năng thực hiện được một sự nghiệp như vậy.
Suy tư chồng chất suy tư, hoang tưởng kế tiếp hoang tưởng và đến đây, giữa cảnh mưa tuôn nước nổi này, một hoang tưởng mới lại ra đời.
Sự lan tỏa dân cư về vùng sông nước đồng bằng, nổi trội bắt đầu từ thời Lạc Long Quân, đến đầu thời các vua Hùng; đã tạo nên sự biến đổi về phân bố dân cư, làm trung tâm của sự quần cư cũng dịch chuyển theo hướng đó. Có thể là đến đời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đại thắng giặc Ân, trước tình hình phát triển mới của đất nước, vấn đề dời đô, vấn đề thiết lập một trung tâm kinh tế và văn hóa ở vùng châu thổ sông Hồng đã được đặt ra và đó chính là nguyên nhân của việc xây dựng Cổ Loa thành.
Nơi xây dựng Cổ Loa thành, trước đó chắc là vùng đất tương đối cao. Tuy nhiên cần phải bồi đắp nhân tạo cao hơn nữa để khắc phục hẳn tình trạng nước lụt. Hình dáng ban đầu của Cổ Loa thành có thể chỉ như một quả đồi có tre mọc xung quanh tạo nên bức lũy để chống sạt lở. Đó cũng chính là hình ảnh chung nhất của làng mạc Bắc Bộ Việt Nam sau này! Ôi, lũy tre làng, mấy ai còn thấy được cái công lao bất diệt của nó đối với dân tộc Việt! Nhưng hàng năm, tình trạng sạt lở vẫn cứ xảy ra do nước lũ xói mòn mạnh mẽ làm tốn rất nhiều công sức tu bổ. Tình hình ấy đòi hỏi phải có một phương kế khắc phục, tạo nên sự bền vững lâu dài cho Cổ Loa thành, khi mà nó đã là Trung tâm điều hành đất nước, có vai trò là kinh đô của nước Văn Lang. Phải chăng là từ kinh nghiệm được kế thừa từ quan sát, nhận thức thực tại, từ suy nghĩ sáng tạo mà tổ tiên chúng ta đã có ý tưởng qui hoạch bảo vệ Cổ Loa thành bằng cách be bờ, đắp đất, trồng tre tạo thành lúc đầu là một lươn đất, sau là nhiều lươn đất kế tiếp nhau bao quanh nhằm phòng chống lũ lụt từ xa? Đúng là như vậy vì sự hoang tưởng của chúng ta được xây dựng nên từ bài viết của Quang Khải trong tạp chí “Thế giới mới” số 807, năm 2008. Theo Quang Khải thì nước ta, vào khoảng vài ba thế kỷ trước và đầu công nguyên, đã có đê điều khoanh vùng. Ngay cả nhiều người Trung Hoa thời đó, đến nước ta đã chứng kiến cảnh tượng ấy mà thư tịch cổ của họ còn lưu lại. “Giao châu” chép: “Huyện Phong Châu đã có đê để đề phòng nước sông Long Môn (sông Đà)”. (Nguyễn Văn Siêu dẫn trong bản điều trần về đê viết ngày 20-10-1852, Tự Đức thứ 5). “Hán Thư quận huyện chí” chép: “Phía tây bắc quận Long Biên đã có đê để giữ nước sông”. Vào thế kỷ III trước Công Nguyên, trong nông nghiệp nước ta đã có công cụ bằng đồng, sắt và cày bừa bằng trâu, bò. Nhiều người cho rằng vùng Dâu (Thuận Thành - Bắc Ninh) còn dấu vết của cả một chuyên ngành trồng dâu, nuôi tằm tiền sử. Vào buổi đầu Công nguyên, quân xâm lược nhà Hán không thể đóng trụ sở của bộ máy đô hộ ở thành Luy Lâu (Dâu) được nếu không có đê bao bọc trong điều kiện tự nhiên của lũ sông Hồng và sông Thái Bình hàng năm nước ngập vài ba thước. Vào thế kỷ IX, Cao Biền (nhà Đường phong làm tiết độ sứ, quan đô hộ nước ta) đã huy động dân An Nam (tên nhà Đường đặt cho nước ta lúc đó) đắp đê bao quanh thành Đại La (Hà Nội ngày nay): đê dài 125 trượng 8 thước (khoảng 8500 m), cao 1 trượng 5 thước (khoảng 8m), chân đê rộng 2 trượng. Dấu vết của công trình vẫn còn lưu đến ngày nay. Thiên tai, hạn hán lũ lụt được ghi chép trong lịch sử nước ta sau khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Nhiều lần nước lũ tràn ngập cả kinh thành (năm Mậu Ngọ, 1078), tràn đến cửa Đại Hưng (năm Tân Sửu, 1121)… Năm 1077, nhà Lý đắp đê sông Như Nguyệt (sông Cầu), đê dài 64.380 bộ (khoảng 30 km). Hai mươi năm sau, theo sử chép, “năm Quí Mùi (1103) hiệu Long Phù Nguyên Hòa thứ 3, mùa xuân tháng giêng (nhà Lý) xuống chiếu cho trong và ngoài kinh thành đều đắp đê ngăn nước” (Việt sử lược). Sử còn chép: “Năm Mậu Tý (1108), niên hiệu Long Phù thứ 8, mùa xuân tháng 2, đắp đê gấp bội thời Bắc thuộc", theo Nguyễn Văn Siêu: “Nhân sinh đẻ ngày càng nhiều, làng mạc nhiều như sao sa, như quân cờ bày chứ không như ngày trước cứ tìm chỗ cao mà ở". Năm 1218 (Mậu Thân), Trần Thái Tông xuống chiếu đắp đê Đỉnh Nhĩ, “đắp suốt từ đầu nguồn cho đến của biển để giữ nước lụt tràn ngập”… Theo “Việt sử thông giám chương mục” thì “Năm Ất Mão (1255), vua sai Lưu Miễu bồi đắp đê sông ở xứ Thanh Hóa. Mùa hạ tháng 4, cho chọn các tân quan, làm Hà đê. Chánh, phó sứ ở các lộ khi nào rỗi việc đồng ruộng thì đốc thúc quân lính đắp đê để phòng lụt”. Vào thời ấy, chỉ riêng đê sông Hồng đã được mô tả: “Ở bên kia sông Phú Lương (sông Hồng) đều có đê ngăn nước. Một con đê chạy dài từ sông Việt Trì, sông Lô, sông Đại Lũng đến cửa Mạch, cửa Ninh Cơ thì dứt, mỗi bên đê cao 3 trượng, rộng 5 trượng” (theo “An Nam Chí nguyện”). Trong việc bồi trúc đê điều, nhà Trần huy động toàn dân tham gia, ngay cả sử còn kể rằng vào năm 1315, nước sông lên to, vua Trần Minh Tông thân chinh đi xem hộ đê. Lúc đó, quan ngự sử can: “Bệ hạ nên chăm sửa sang Đức Chính, đắp đê là việc nhỏ, đi xem làm gì?”. Quan Hành Khiển (tương đương Tể tướng) Trần Khắc Chung đáp lại: “Phàm dân gặp lũ lụt, người làm vua phải lo cấp cứu chứ sửa sang Đức Chính không gì to bằng việc ấy”. Nhà vua nghe lời Đức Chung. Từ năm Giáp Thân (1464), dưới triều Lê Thánh Tông, bắt đầu có công trình qui mô là đắp đê ngăn ngập mặn ở vùng biển, gọi là đê Hồng Đức. Điển hình là hai dải đê Hồng Đức vùng biển Ninh Bình: một dải từ phía Bắc Thần Phù đến bờ Nam cửa Cồn, phía ngoài có kè đá để chống sóng; một dải khác chạy từ xã Côi Trì, huyện Yên Mô đến xã Hồng Hải, huyện Yên Khánh. Đến triều Lê, bắt đầu việc đắp đê sông Tô Lịch, “đắp từ Cồn Trát đến Công Xuyên để trừ thủy họa”. Sông Tô Lịch xưa thông với sông Đáy, sông Đáy thông với sông Hồng. Phân tranh Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn liên miên làm cho công việc đê điều, trị thủy bị ngưng trệ. Quang Trung là ông vua trọng nông, đã ra kế hoạch đắp lại đê sông Nhị nhưng chưa kịp thực hiện. “Dĩ nông vi bản” (lấy nông nghiệp làm gốc) là một quốc sách đã được nhận biết từ lâu trong thời quân chủ. Một triều đại muốn tồn tại lâu dài không thể không quan tâm tới điều ấy. Năm 1803, Nguyễn Ánh vừa lên ngôi, quan lại Bắc Hà đã tâu: “Thế nước sông Nhị lên rất mạnh, đê Tả Hữu thuộc Tây Sơn, Kinh Bắc, Sơn Nam, thượng và hạ nhiều chỗ vỡ lở, xin cho dân sửa đắp ngay đề chống lụt mùa thu. Thủy đạo các trấn nhiều nơi ứng tắc, xin bệ hạ cho trấn thần tùy thế “khơi vét” (theo “Đại Nam thực lục chính biên”). Năm đó, Gia Long đã chuẩn cho đắp 7 đoạn đê mới trong các tỉnh nói trên, triều đình chi hết 80.100 quan tiền… Riêng thời Minh Mạng, đê mới được đắp ở Bắc hà nhiều hơn dưới bất cứ triều nào khác của nhà Nguyễn". Triều Minh Mạng cũng tiến hành nhiều biện pháp khơi sông thoát lũ, điển hình là sông Đuống được người phương Tây gọi là con sông đào lớn nhất xứ ta thời ấy…
Có thể nói, xuyên suốt quá trình tồn tại của dân tộc Việt cho đến tận ngày nay là hai công trình dựng nước và giữ nước đầy hy sinh gian khổ nhưng cũng thật chói lọi vẻ vang. Hệ thống đê điều đường xá có được hôm nay là thành quả của hàng ngàn thế hệ, được đắp nên từ công sức máu xương của hết đời này đến đời khác. Khởi đầu của công cuộc tạo dựng vĩ đại này đã được tiến hành ngay từ thời còn phôi thai của dân tộc Việt, còn trứng nước của giang sơn Việt, và đó là việc be bờ đắp lũy Cổ Loa. Cuộc sống đã nảy sinh yêu cầu phải chấp nhận sống chung với lũ lụt, phải định cư lâu dài được ở miền sông ngòi chằng chịt, nước nổi mênh mang hàng năm đã tự nhiên làm hình thành nên ý tưởng trong tổ tiên chúng ta về việc xây thành đắp lũy nhằm chế ngự, điều dẫn nước. Có lẽ công dụng nguyên thủy, thuở ban sơ của việc xây thành, lũy trên trái đất này của con người chỉ nhằm đấu tranh chống lại thiên nhiên hoang dã, chế ngự thiên tai, cụ thể hơn là nhằm trị thủy khi đã chuyển sang lối sống lấy trồng trọt chăn nuôi, lấy nông nghiệp làm phương thức sống chủ yếu…
Ý tưởng là một chuyện nhưng việc thực hiện ý tưởng lại là chuyện khác. Việc xây đắp một bờ đất bao quanh như vậy không phải là công việc của một ngày, cũng không phải là công việc của một năm mà có thể là vài năm hoặc thậm chí là nhiều năm. Và nếu chỉ là sự đào đắp đất đơn giản thì cứ qua mỗi mùa lũ lụt, công việc chưa kịp hoàn thành lại bị phá hỏng nhiều chỗ đến mức trầm trọng. Quả thực, thời gian đầu xây đắp Cổ Loa thành là rất khó khăn, ý tưởng qui hoạch có nguy cơ không thực hiện được nhưng rồi thần Kim Quy hiện lên mách bảo cho vua Hùng bí quyết để thành công.
Bí quyết đó là gì? Đồ rằng thần Kim Quy đã thì thầm đại khái thế này: tức nước thì vỡ bờ, lấy cứng làm giáp làm cốt để trụ vững, lấy mềm làm thịt làm thân để che chắn. Và vua Hùng đã hiểu ra được: phải kết hợp giữa đất và đá, đá xếp dưới làm móng như yếm rùa, đất đắp thành đê như thân rùa và đá đắp lên mặt đê như mai rùa rồi trồng tre như chân rùa để làm lũy, đi đôi với việc đó phải tạo thế thoát cho nước cường. Từ đó việc xây thành Cổ Loa tiến triển thuận lợi và có cấu trúc xoắn trôn ốc hết sức độc đáo.
Có thể là một sự khập khểnh nhưng cấu trúc ba vòng thành xoắn trôn ốc cứ gợi cho chúng ta man mác nhờ về thái cực; thần Kim Quy và Long Mã (con ngựa của Thánh Gióng!) cứ gợi nhớ đến Hà Đồ, Lạc Thư. Phải chăng quan niệm lưỡng phân lưỡng hợp đã có từ thời Lạc Long Quân và đến thời kỳ các vua Hùng ở những thời đầu tiên đã xuất hiện Hà Đồ, Lạc Thư kiểu như mô tả ở hình 27? Phải chăng chúng cũng đã từng là nguồn cảm hứng trong việc tạo nên vóc dáng Cổ Loa thành? Chẳng có một chút xíu bằng chứng nào! Hầu hết mọi thứ đã chìm nghỉm rất sâu trong đại dương thời gian và dù chúng ta đã “lặn” được đến độ sâu ấy thì cũng đành bất lực ngồi trên chạc ba, không phát hiện ra thứ gì cả vì… trời mưa tầm tã và nước nổi quá xá cỡ!
Dù sao đi nữa việc xây dựng Cổ Loa thành thuở ban đầu không nhằm vào mục đích quân sự mà chủ yếu chỉ là để chế ngự lũ lụt, phòng ngự cho Kinh đô. Đó chính là công trình trị thủy có qui mô lớn đầu tiên của dân tộc ta. Có thể cho rằng Cổ Loa thành là biểu tượng bi hùng của công cuộc trị thủy thời các vua Hùng ở những đời đầu. Các vua Hùng đời sau trên cơ sở đó đã bồi đắp, tu bổ, cải tạo để nó mang thêm chức năng thành lũy phòng thủ về mặt quân sự…
Chúng ta giật bắn mình khi sực nhớ đến thời điểm phải theo tàu vượt thời gian trở về với hiện tại thực. Vì mãi suy nghĩ nên không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua; vì trời mịt mờ quá nên cũng không biết vẫn còn là buổi sáng hay đã là buổi chiều. Chúng ta vội vàng lục túi để biết chắc là chiếc vé khứ hồi vẫn còn đó và điều quan trọng hơn là vẫn còn đó xấp tiền Euro mới cáu cạnh, cái một nửa còn lại mà chúng ta phải “kính biếu” khi gặp lại trưởng tàu. Rồi chúng ta tụt nhanh xuống đất, chạy thục mạng đến địa điểm đã hẹn trước. Thà cứ đến đó sớm rồi chờ đợi cho chắc ăn kẻo lỡ chuyến, ở lại đây thành tổ tiên của vợ con và bạn bè thì thật chẳng ra thể thống gì! Cầu trời không “đụng độ” phải lão hổ, báo, hay lão đười ươi, gấu… nào!
May mắn làm sao! Con tàu cũng vừa liệng xuống. Nó không dừng hẳn lại mà chỉ có một bàn tay thò ra túm lấy cổ áo của chúng ta kéo lên. Thật hú vía! Ông trưởng tàu dã không quên chúng ta! Tuy không thỏa mãn bao nhiêu nhưng cuộc hành trình đã kết thúc có hậu: chúng ta đã lên tàu trở về thế kỷ XXI!
(Hết Chương XXII)
------------------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH