TT & HĐ III - 23/d

                                 

 
LSVH VƯƠNG QUỐC PHÙ NAM CHÂN LẬP SƠ LƯỢC MỠ CÕI PHƯƠNG NAM

                                            

                     Di Tích khảo cổ Óc Eo | Vương quốc Phù Nam cổ 1.000-2.000 năm trước

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIII: NƯỚC NON

"Kẻ phản bội tổ quốc, đầu hàng ngoại bang, vừa không được sự tôn trọng của ngoại bang, vừa bị sự khinh miệt của đồng bào."
                                                                                              Aisopos (Hy Lạp)
  "Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng."  
                                                                                           Aleksandr Solzhenitsyn 
"Một khi nhà nước hình thành, không còn có anh hùng nữa. Họ chỉ xuất hiện trong những điều kiện không có văn minh."
                                                                                                            Hegel


“- Non cao đã biết hay chưa:
 Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
 Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề”

                                                               
                                                                           Tản Đà





(Tiếp theo) 

                  
                                                                               ***

Cư dân cuối thời đại đá mới trên đất nước ta trong quá trình lao động sáng tạo, chế tác công cụ, đã tìm được loại vật liệu mới là đồng. Những công cụ được chế tác từ đồng đã tác động mạnh mẽ đến sức sản xuất xã hội, làm biến chuyển tích cực đến cơ cấu xã hội nguyên thủy.
Các nhà khảo cổ học đã định hình được văn hóa Phùng Nguyên qua các di tích rõ ràng về hoạt động chế tác kim loại. Văn hóa Phùng Nguyên phân bố trong lưu vực sông Hồng với nhiều di chỉ thuộc các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Tây, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng. Công cụ và đồ trang sức của văn hóa Phùng Nguyên đều được mài nhẵn. Kỹ thuật cưa đá và tiện đá đã đạt đến độ tinh tế. Đáng chú ý là một số loại công cụ kích thước nhỏ, có lẽ không phải dùng để chặt mà dùng vào việc làm đồ xương, đồ gỗ, nạo khắc đồ gốm, có tác dụng như những con dao nhỏ.
Nền nông nghiệp trồng lúa của cư dân văn hóa Phùng Nguyên là điều không cần bàn cãi: đã tìm thấy gạo cháy ở di chỉ Đồng Đậu (Vĩnh Phú), tìm thấy phấn hoa của một loài lúa nước ở di chỉ Tràng Kênh (Hải Phòng).
Điều đáng lưu ý là ngay từ giai đoạn sớm nhất, trong văn hóa Phùng Nguyên đã xuất hiện đồng và thuật luyện kim. Tuy vậy, đồ đồng chưa lấn át được đồ đá với vai trò là công cụ sản xuất. Theo kết quả phân tích các bon phóng xạ (C14), người ta đoán định văn hóa Phùng Nguyên xuất hiện cách nay khoảng trên dưới 4000 năm.
Văn hóa Phùng Nguyên đóng vai trò quyết định trong quá trình hình thành nền văn minh sông Hồng. Đó là lực lượng tiên tiến đương thời, tạo nên những cơ sở vật chất và tinh thần đầu tiên cho thời kỳ Hùng Vương. Quá trình phát triển từ văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn qua các giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun ở lưu vực sông Hồng là liên tục. Điều này chứng tỏ văn hóa Phùng Nguyên không những là cội nguồn của văn hóa sông Hồng mà cư dân Phùng Nguyên cũng chính là cái lõi đầu tiên của dân tộc Việt. Thời kỳ này có thể công xã thị tộc mẫu quyền đã chuyển sang công xã phụ quyền và tiến lên thành Liên minh các bộ lạc.
Về phía Nam, trong lưu vực sông Đồng Nai, bước phát triển văn hóa tiếp nối sau giai đoạn Cầu Sắt là giai đoạn tương ứng với các di chỉ Bến Đò, Phước Tân, Hội Sơn, Ngãi Thắng… Các di chỉ này đánh dấu giai đoạn mở đầu của thời đại đồng thau, báo hiệu một bước phát triển rực rỡ của nghề luyện đồng ở trung tâm văn hóa miền Đông Nam Bộ.
Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ là hai vùng địa lý thuộc lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta sẽ “lược sử” lại một chút.
Tây Nguyên ngày nay gồm bốn tỉnh KonTum, Gia Lai, Đắc Lắc và Lâm Đồng với tổng diện tích là 56119 km2. Đặc trưng cơ bản của Tây Nguyên là những cao nguyên xếp tầng, nằm sau lưng vòng cánh cung gờ núi Trường Sơn Nam. Các cao nguyên này có độ cao khác nhau, từ 400 đến 1500m.
Đông Nam Bộ ở phía nam Tây Nguyên, tiếp giáp với hai tỉnh Đắc Lắc và Lâm Đồng. Đông Nam Bộ gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh; có diện tích khoảng 23.476 km2. Về địa hình, Đông Nam Bộ hầu như đối lập với Tây Nguyên, song vẫn là sự kéo dài nối tiếp của cao nguyên xuống phần phía nam. Nơi đây, kế tiếp Nam Tây Nguyên là các núi thấp và bình sơn nguyên đất đỏ badan trải rộng ở tỉnh Bình Phước, một phần ở Xuân Lộc (Đồng Nai) với độ cao trung bình là 200m, rồi chuyển dần sang các phù sa cổ, đất xám ở phía đông sông Sài Gòn và phía đông sông Đồng Nai (cao vài chục mét), để rồi hạ thấp dần xuống đồng bằng thung lũng vùng Tây Ninh và đồng bằng châu thổ Cần Giờ và Vũng Tàu (cao vài mét).
Có một nhịp cầu văn hóa cổ xưa nhất nối liền Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Đã có những dẫn liệu để xác định rằng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là nơi có vết tích hoạt động của cư dân hậu kỳ đá cũ, cách đây vài vạn năm.
Có thể muộn hơn một chút, trong bình tuyến sơ kỳ đá mới, trên cả hai vùng này cùng tồn tại công cụ ghè đẽo hai mặt hình bầu dục kiểu kỹ thuật Hòa Bình.
Mới đây ở Tân Lộc (Đắc Lắc) đã phát hiện di cốt động vật hóa thạch có vết chặt của con người ở độ sâu 9m dưới lớp đất đỏ badan, có niên đại cách nay chừng 50 - 60 vạn năm, ứng với hoạt động núi lửa cuối cùng ở vùng này (tương ứng với niên đại các hóa thạch Homoerectus, ở hang Thẩm Khuyến - Lạng Sơn). Người ta cho rằng dưới lớp đất đỏ badan rất dày ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ còn ẩn chứa những di sản văn hóa cổ xưa nhất của nhân loại(!)...
Bước vào giai đoạn hậu kỳ đá mới và sơ kỳ thời đồng thau, sự phát triển văn hóa không đều diễn ra khá rõ không chỉ giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ mà còn ngay cả trong mỗi vùng đó. Ở Tây Nguyên đã nảy nở các nhóm dân cư cổ khác nhau, cư trú trên các địa hình khác nhau, có đặc trưng văn hóa riêng và có mối giao lưu cởi mở. Trong khi đó, cùng bình tuyến này, ở Đông Nam Bộ tồn tại một loạt di tích cổ, song tính thống nhất hội tụ văn hóa hầu như không rõ ràng, chưa đủ cơ sở để xác lập các văn hóa khảo cổ thành nhóm văn hóa với sắc thái riêng (chí ít là chưa có sự nhất quán trong các nhà khảo cổ học). Có thể cho rằng con đường và khuynh hướng phát triển tiền - sơ sử Đông Nam Bộ không chỉ khác với Tây Nguyên mà còn khác với các vùng đất khác như Trung Bộ và Bắc Bộ Việt Nam.
Thế nhưng sự thống nhất văn hóa cho toàn khu vực Đông Nam Bộ mà đỉnh cao là văn hóa Óc Eo vẫn diễn ra tuy rất muộn vài thế kỷ sau công nguyên. Trong khi ở Bắc Bộ, từ các ngả đường của Tiền Đông Sơn tới văn hóa Đông Sơn diễn ra khá sớm vào thế kỷ IV-V TCN, hay ở Trung Bộ, sự hình thành văn hóa Sa Huỳnh trên cơ tầng các văn hóa Tiền Sa Huỳnh cũng chỉ muộn hơn Đông Sơn một chút.
Người ta đã nhận ra những ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa Đông Sơn với Đông Nam Bộ cũng như giữa Đông Sơn và Tây Nguyên nhưng là Đông Sơn muộn…
Nam Bộ ngày nay gồm hai vùng đất có nét riêng rõ rệt. Đông Nam Bộ, như đã nói, là vùng đồi thấp với những thềm phù sa cổ được nhìn nhận như diềm phía Nam của đai khối cao Tây Nguyên. Còn Tây Nam Bộ (tức đồng bằng sông Cửu Long), là vùng đất tiếp nối địa hình bán sơn địa ấy với một đồng bằng châu thổ phẳng và thấp, cao chừng chỉ từ 0,5 mét đến 1 mét, độ dốc rất nhỏ (1m/km). Đây là sản phẩm bồi tụ của sông MêKông (đoạn chảy trong lãnh thổ nước ta chia làm chín dòng chính, gọi là sông Cửu Long). Đây là con sông dài nhất, nhiều nước và nhiều phù sa nhất Đông Nam Á trên một khuôn vịnh nông kéo dài từ bồn địa Tông-lê-sáp (Cămpuchia) tới đồng bằng sông Tiền và sông Hậu. Việc bồi tụ này vẫn đang tiếp diễn để nới rộng, kéo dài những dải rừng sác mỗi năm mỗi lan ra ở Mũi Cà Mau, phần đất tận cùng của nước ta. Đất thấp và xốp của địa hình bằng phẳng cộng với thủy triều cao, sông nhiều nước nên đất thường bị xẻ vun bởi những chi lưu sông ngòi dày đặc. Có những nơi tuy là đất liền nhưng lại có thể hiểu là cù lao vì sông nước bao vây khắp phía, người ta ví như “bán đảo của bán đảo”.
Thật vậy, đồng bằng Cửu Long có ba phía đông, tây, nam đều giáp biển với chiều dài là 600 km. Cũng vì thế mà kiểu khí hậu bán đảo - nhiệt đới gió mùa thể hiện rất rõ ở vùng đất này. Hàng năm, lượng mưa ở đây biến động từ 1500 mm đến 2500 mm cho tương đương khoảng 150 tỷ m3. Lượng mưa cao nhất ở thời điểm tháng 8, tháng 9, có khi đạt đến 3145 mm. Tổng lượng nước chảy các sông trong năm khoảng 400 tỷ m3.
Vào mùa nước nổi, đồng bằng Cửu Long hầu hết bị ngập. Nước phù sa tràn về nhấn chìm 600.000 ha đất canh tác, kéo dài từ các bờ sông Tiền, sông Hậu đến tận bờ biển Rạch Giá - Kiên Giang. Mùa lũ, đồng bằng Cửu Long thường ngập 1,3 đến 1,4 triệu hecta, có nơi ngập đến 10m, kéo dài 3-4 tháng, thậm chí là 5-6 tháng.
Trong khi đó, đến mùa khô, nhiều nơi ở đồng bằng Cửu Long lại thiếu nước ngọt trầm trọng, nhất là ở mạn biển với hiện tượng xâm mặn. Có những cánh đồng không nước, nứt nẻ; có những vùng cây cối phải chịu cảnh khô héo…
Có thể nói đồng bằng sông Cửu Long với điều kiện tự nhiên như vậy vừa là ưu đãi vừa là thử thách đối với đời sống cư dân ở đó, nhất là khi sự lan tỏa dân cư cũng như sự phát triển dân số tại chỗ làm tổng số dân tăng lên đáng kể và ngày càng đông đúc.
Đồng bằng Bắc Bộ thời Lạc Long Quân - Hùng Vương phải chăng cũng có điều kiện tự nhiên như thế: sông ngòi chằng chịt, lúc nắng cháy da, lúc mưa thối đất, khi thì lũ lụt nước nổi mênh mang, khi thì hạn hán khô cằn đến nứt nẻ chân chim và thậm chí còn khắc nghiệt hơn thế nữa? Và con người, trong quá trình phát triển dân cư đã buộc phải quần tụ sinh sống ở đó. Để quần tụ định cư lâu dài được ở vùng sông nước như thế con người phải chuyển đổi lối sống để thích nghi, phải tích cực sáng tạo để đáp ứng cho sự phát triển trong điều kiện sống chung với hạn, lũ, bão và như lẽ của tự nhiên, đến một giai đoạn nhất định, con người sẽ phải đi đến một quyết định tích cực nhất, chủ động nhất có tính triệt để nhất, toàn diện nhất, đó là trị thủy, cải tạo thiên nhiên phục vụ đời sống con người…
Từ những tư liệu nói về thời kỳ biển tiến biển thoái; về quá trình và tiến độ bồi tụ của sông Mê Kông, chúng ta đoán rằng thời tiền sử, tương đương với cuộc lan tỏa dân cư giai đoạn Kinh Dương Vương, miền Tây Nam Bộ hầu hết vẫn còn chìm trong nước biển, với vài vùng là sình lầy ngập mặn.
Căn cứ vào các di chỉ khảo cổ đã phát hiện được thì trên đồng bằng sông Cửu Long từ xa xưa (ít nhất là khoảng thời gian trước - sau công nguyên), đã có sự hiện diện dân cư thuộc các cộng đồng cổ xưa như Phù Nam và sau là Thủy Chân Lạp. Vì nhiều lý do mà trước hết có thể là vì hoàn cảnh khí hậu thuở đó còn khắc nghiệt, mà cư dân trên địa bàn Tây Nam Bộ còn rất thưa thớt, thậm chí có thể coi Tây Nam Bộ là vùng đất hoang hóa và tình trạng này kéo dài hàng trăm năm. Khi người Việt, người Hoa… đặt chân đến khai phá vùng đất này, họ thấy có sự hiện diện của người Khơme, những hậu duệ của vương quốc Chân Lạp xưa kia, nhưng đó chỉ là những cụm dân cư phân tán, sống rải rác chủ yếu trên những giồng đất ven sông.
Địa hình lãnh thổ Việt Nam được mô tả gọn lại là: “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” (ba phần là núi, bốn phần là nước, chỉ còn một phần là đất ruộng). Phân chia tỷ lệ như thế chắc chỉ là định tính, không hẳn đúng theo định lượng. Đó chỉ là cách nói ví von (và rất hay) để làm nổi bật đặc điểm hàng đầu của địa lý Việt Nam là vùng sông nước; là đất nước của hai ngàn dòng chảy kể từ 10 km trở lên, của hàng trăm cửa sông đổ ra biển sau khi cắt xẻ địa hình thành từng thùy, từng giải hẹp của mấy châu thổ chi chít sông cả, sông con và kênh rạch, mà điển hình nhất là châu thổ đồng bằng sông Cửu Long với “chín con sông” phun nước ra biển Đông ào ạt ngày đêm.
Con người cổ đại, khi săn bắt hái lượm còn là phương thức kiếm ăn chính thì địa bàn cư trú của họ chủ yếu là rừng rú và những vùng “bán” vào rừng rú. Trồng trọt chăn nuôi xuất hiện làm cho địa bàn cư trú có khả năng mở rộng xuống những vùng khác mà chủ yếu là lưu vực hạ lưu và trung lưu của các dòng sông. Quá trình ấy sẽ dần đưa trồng trọt, chăn nuôi lên thành phương thức kiếm ăn chủ yếu của loài người thượng cổ và việc lan tỏa dân cư xuống các châu thổ, những đồng bằng, những vùng đất “trũng nước” là một quá trình tất yếu và sản xuất nông nghiệp ra đời cũng là hiển nhiên. Quá trình phân bố dân cư thời cổ trên lãnh thổ Việt Nam cũng không nằm ngoài qui luật ấy. Dân tộc Việt, khởi đầu quần cư vùng cao và trung du (khảo cổ cho thấy thời kỳ Kinh Dương Vương, trồng trọt và chăn nuôi đã đạt một trình độ nhất định), sau đó lan tỏa xuống đồng bằng - châu thổ; ở những vùng đắc địa, nơi dồn tụ những dòng nước phù sa màu mỡ. Sau khi đã hoàn thành cuộc “chinh phục” đồng bằng Bắc Bộ, người Lạc Việt tiếp tục cuộc lan tỏa dân cư xuống phương Nam, đến các vùng duyên hải miền Trung và cuối cùng là Nam Bộ.
Có thể mường tượng tương đối về cuộc lan tỏa dân cư xuống đồng bằng Bắc Bộ từ việc quan sát quá trình lan tỏa dân cư đã được sử sách ghi lại của người Việt xuống vùng đồng bằng Tây Nam Bộ, nơi như đã nói là vùng sông nước, “Sông rạch dọc ngang la liệt, đi trên sông ấy không phải người thổ dân thuộc đường thì ắt bị cùng đường, lộn rạch” (Trịnh Hoài Đức, “Gia định thành thông chí”), và:
                              “Không đi thì nhớ thì thương
                              Đi thì lại mắc cái mương cái cầu”
                                                                  (Ca dao Việt Nam)
(Còn tiếp)
----------------------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH