Thứ Tư, 11 tháng 11, 2020

TT & HĐ - 22/k

                                         

Sử Gia TƯ MÃ THIÊN – Ra Đi Sớm Trong Ngục Chỉ Vì Không Vừa Ý Vua HÁN VŨ ĐẾ

 

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


CHƯƠNG XXII: TỔ TIÊN 


"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"
                                                                    Ca dao

"Noi gương tiên tổ truyền thống anh hùng muôn thuở thịnh 
 Nối nghiệp ông cha phát huy khí thế vạn đời vinh."

                                                                                   câu đối thờ gia tiên


 

“Ta có tai, mắt, ta nghe, ta trông; ta có tâm tư ta suy, ta nghĩ; đối với người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.”

"Cuộc sống  phản bội lại tổ tiên là cuộc sống bấp bênh nhất, trơ tráo nhất. Nếu không muốn phản bội lại tổ tiên, thì trước hết, đừng làm nô lệ cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào khác, tin theo bất kỳ thứ chủ nghĩa nào khác."
                                                                                                                        Trần Hạnh Thu


 

 

 

(Tiếp theo)



Tư Mã Thiên đã để lại hàng ngàn nhân vật điển hình sống mãi trong văn học. Riêng về mặt này, ông có thể sánh với những nhà văn lớn nhất của nhân loại. Cả một nhân loại mênh mông hiện ra trước mắt chúng ta, đủ các thành phần, đủ các nghề nghiệp, đủ các tầng lớp. Hình ảnh những chàng nông dân như Trần Thiệp, Ngô Quảng, những người du thuyết như Tô Tần, Trương Nghi, Phạm Thư, những hiệp khách như Kinh kha, Nhiếp Chính, những anh hàng thịt như Chu Hợi, Cao Tiệm Ly, Hàn Tín, Lý Quảng, những công tử như Tín Lăng Quân, Mạnh Thường Quân, những bạo chúa như Tần Thủy Hoàng, Nhị Thế v..v…và vô số những hình ảnh khác là những hình ảnh bất tử. Những hình ảnh ấy đã du nhập vào kho tàng văn học, làm thành nhân vật của những truyền kỳ, thoại bản, hý khúc, kịch, thơ, lời nói và hành động của họ nhờ Tư Mã Thiên nêu lên đã thành tài sản của dân tộc. Đó là môt điều lạ. Nhưng điều lạ hơn là đời sau có thể tô điểm thêm bớt nhưng dường như khó lòng dùng năng lực hư cấu của mình để tạo nên một Kinh Kha, một Hàn Tín, hay một Hạng Vũ khác hẳn hình tượng Tư Mã Thiên đã tạo ra đã được nhân dân tiếp nhận toàn vẹn. Điều đó không phải là một hiện tượng thường thấy trong lịch sử văn học.
(…)
Khi miêu tả một nhân vật lịch sử, các sử gia thường chỉ xét họ trong những giờ phút họ đóng một vai trò lịch sử, họ chỉ xét nhân vật trong “tư thế lịch sử” của nó. Nhưng làm như thế tức là cắt xén nhân vật, biểu hiện nó một cách phiến diện và thậm chí có khi xuyên tạc vì trong những lúc cá nhân có ý thức về vai trò lịch sử của mình, họ thường đóng kịch. Tư Mã Thiên không làm như vậy. Ông không chỉ nắm Hàn Tín khi làm thượng tướng quân của Lưu Bang mà còn nắm Hàn Tín ngay từ khi ăn nhờ, chui qua háng người ta ở ngoài chợ. Nhờ sống trong nhân dân và đến tận nơi điều tra, nên ông thấy Trần Bình từ khi chia thịt, thấy Phàn Khoái từ khi bán thịt chó. Ông chú ý đến Trương Nghi từ khi anh chàng bị đánh gần chết, gãy hết cả răng, chú ý đến Lưu Bang ngay từ khi ăn quỵt tiền rượu. Tư Mã Thiên theo dõi một nhân vật và cốt tìm cho được cái bản chất của nó. Chính vì thế ông không bao giờ bỏ qua những cảnh thiếu thốn, nhục nhã mà nhân vật đã trải qua, vì ông biết bản chất con người thường lộ ra ở những lúc ấy. Đối với ông, nhân vật lịch sử vĩ đại đến đâu trước hết cũng là một người bình thường. Khổng Khâu trước khi được tôn sùng như một vị thánh cũng chỉ là một người mong muốn được làm quan, phiêu bạt đi tìm công danh, mấy lần suýt theo những kẻ mà ông gọi là loạn thần, tặc tử. Trong khi theo dõi nhân vật, ông không chạy theo sự kiện mà cốt tìm được cái quyết định tính cách của con người. Ông thấy tính cách con người do nhiều yếu tố quyết định. Có khi nó là một thiên hướng từ nhỏ. Nhân vật Trương Thang điển hình cho bọn quan lại tàn ác, lúc nhỏ giữ nhà để chuột ăn mất thịt bị cha đánh đòn. Thang bắt được chuột làm một bản án kết tội chuột. “Người cha xem thấy lời văn quả là một tay quan lại coi ngục sành sỏi, cả kinh”. Có khi nó là kết quả của nghề nghiệp, giáo dục. Lữ Bất Vi, một thương nhân giàu, thấy Tử Trương con vua Tần làm con tin ở Triệu thì nói: “Món hàng này có thể bán được đây”. Y xuất tiền bạc quảng cáo cho hàng và cuối cùng được lãi to: làm tể tướng nước Tần. Ông thấy cái điều làm một vĩ nhân khác con người tầm thường là ở chỗ họ có một hoài bão lớn ngay trong những cảnh ngộ cùng khốn nhất. Ông lắng nghe chàng cố nông Trần Thiệp đang cày bỗng dừng lại nói với các bạn cày: “Sau này phú quý chớ quên nhau”; ông chú ý đến cậu bé Hạng Vũ học kiếm chẳng thành nhưng đòi “học cách đánh lại vạn người”. Một khi tìm được tính cách của nhân vật, ông cố gắng tìm những câu nói điển hình và những hành động điển hình để làm cho hình tượng càng nổi bật (…). Chẳng hạn những nhân vật như Cáp Nhiếp, Phàn Ư Kỳ trong “Thích khách liệt truyện” nói không quá hai câu, nhưng đủ làm người ta thấy rõ cái phong thái trọng nghĩa khinh tài và lòng căm thù chồng chất của họ đối với nhà Tần (…).Để miêu tả thái độ ngạo mạn của Vũ Đế, chỉ cần một chi tiết: “Nhà vua có khi ngồi xổm ở bên giường để tiếp đại tướng quân Vệ Thanh”. Để miêu tả sự suồng sã của Lưu Bang, chỉ cần một chi tiết nhỏ: “Chu Xương có lần vào tâu, thấy Cao Tổ đang ngồi ôm gái, Xương chạy ra, Cao Tổ đuổi theo cưỡi lên cổ hỏi: Ta là vị vua như thế nào? Xương ngẩng đầu lên đáp: Bệ hạ là ông vua Kiệt, Trụ. Nhà vua liền cười ha hả”. Một chi tiết như vậy cũng đủ làm cho ngàn năm sau không ai có thể bênh vực cho Vũ Đế và Cao Tổ về việc quí trọng kẻ sĩ.
Một khi đã nêu lên tính cách chủ đạo của nhân vật, tác giả không bao giờ dừng lại để bàn bạc, trái lại ông trình bày dồn dập những sự việc điển hình tự bản thân nó đủ sức thuyết phục hùng hồn hơn mọi lý luận. Đó là then chốt của phương pháp tự sự của ông mà đời sau không ai bắt chước được. “Bản kỷ Hạng Vũ” chẳng hạn, viết với lối văn khô khan của biên niên sử. Ở đây chỉ có sự kiện và năm tháng. Nhưng vì biết rút từ sự kiện ra cái làm thành cá tính của Hạng Vũ và thời đại Hạng Vũ cho nên chính cái lối trình bày đơn giản khách quan này lại lôi cuốn người đọc hơn mọi thứ từ chương.
(…)
(…)
Chính cái phương pháp tự sự bậc thầy, công phu và chu đáo vô cùng đã làm cho nhân vật sống một cách trọn vẹn, hoàn toàn khách quan, không có sự can thiệp của tác giả, và cũng do đó, đời sau không thể nào thay đổi được. Sự thực vốn hùng hồn hơn lời nói và khi các sự thực đã xếp thành hệ thống nguy nga thì tự nó sẽ nói lên tiếng nói của chân lý.
Phải chăng vì thế mà tác giả vắng mặt? Không, tác giả luôn luôn có mặt. Hình ảnh của Tư Mã Thiên rất rõ ở từng trang, tâm sự của ông hiện lên như một tiếng đàn tuy rất khẽ nhưng rất rền trong bản hợp tấu vĩ đại. (…)
“Sử ký” là một tác phẩm khó nhưng rất hay. Nó làm cho người đọc say mê và giáo dục họ rất nhiều. Nhưng vì nội dung phong phú, cách diễn đạt kín đáo nên phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy hết cái hay của nó…”.
Câu chuyện kể của Nhữ Thành, được chúng ta nhớ lại hầu như… nguyên văn. Một bộ não hay quên mà nhớ được như thế, kể cũng có thể được gọi là siêu phàm! Người đời sau đọc lại cuốn sách dịch “Sử ký Tư Mã Thiên” rồi đối chiếu tài liệu, sẽ tấm tắc khen chúng ta; và rồi sau đó, không chóng thì chầy, chân tướng của chúng ta cũng sẽ lộ ra: đồ nói láo để cầu danh. Vì vậy, để trừ hậu họa, chúng ta xin nói rõ thêm rằng khi nói là "nhớ lại", có người nhìn thấy chúng ta tủm tỉm cười!...
Ối! Chúng ta đang ở đâu thế này? Chúng ta dừng chân, ngơ ngác nhìn ra xung quanh và dần nhớ lại mọi chuyện. Miên man với những vấn đề của lịch sử, hình như chúng ta đã đi “lố” quá xa cái đích mà chúng ta muốn đến. Và đúng thế thật, bên vệ đường, dưới một cái bảng panô quảng cáo, có vẽ hình một cô gái mặc “hai mảnh” đẹp tuyệt trần đang ở tư thế nhảy cẫng lên, với dòng chữ to đùng: “Tài trợ cho cuộc thi hoa hậu hoàn vũ là niềm tự hào”, là một bảng nhỏ hơn ghi dòng chữ: “Công viên Ngũ Hành - còn 7 đơn vị khoảng cách” và một mũi tên chỉ hướng ngược lại…
(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét