TT & HĐ - 23/i

                              Những người dám đi ngược với đường lối hợp tác hóa thời bao cấp

 
30 năm Đổi Mới kinh tế

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
 Trần Hạnh Thu
.

CHƯƠNG XXIII: NƯỚC NON

"Kẻ phản bội tổ quốc, đầu hàng ngoại bang, vừa không được sự tôn trọng của ngoại bang, vừa bị sự khinh miệt của đồng bào."
                                                                                              Aisopos (Hy Lạp)
  "Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi và thói xấu của nó và sám hối cho chúng."  
                                                                                           Aleksandr Solzhenitsyn 
"Một khi nhà nước hình thành, không còn có anh hùng nữa. Họ chỉ xuất hiện trong những điều kiện không có văn minh."
                                                                                                            Hegel


“- Non cao đã biết hay chưa:
 Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
 Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề”

                                                               
                                                                           Tản Đà

(Tiếp theo)


***
Với vài ba câu chuyện kể trên có lẽ cũng đã tạm thấy được thực trạng của thời trước Đổi Mới. Sự tồn tại của nó là một trái khoáy vô cùng khó chịu.
Biểu hiện của sự xâm lược là ăn cướp, vơ vét của cải của lãnh thổ bị xâm lược. Do đó bất cứ sự xâm lược nào cũng tàn bạo, ra sức áp bức bóc lột nhân dân bản địa. Tất cả những chiêu bài như bảo hộ, khai hóa… chỉ là lừa bịp, mị dân. Lịch sử nhân loại chỉ ra rằng: muốn yên ổn làm ăn sung túc thì trước hết phải chống xâm lược, giữ nước. Bài học đó được dân tộc ta thuộc từ rất sớm và qua hàng ngàn năm đã ngấm vào xương tủy, trở thành truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm.
Nếu đánh được ngoại xâm rồi mà đời sống vẫn cứ bị áp bức, khổ ải như khi còn ngoại xâm, thậm chí là khổ hơn thì đánh đuổi chúng để làm gì? Yêu nước không thôi, chưa đủ động lực chống ngoại xâm, mà còn phải có một hy vọng vào cuộc sống, vào ngày mai tươi sáng hơn!
Quần chúng tự giác đi theo một cuộc khởi nghĩa, tin theo một cuộc cách mạng không phải vì nhận thức của nó về tự nhiên đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý, mà vì quan niệm của nó được cho là phù hợp với ước nguyện của mình, vào Đức Huyền Diệu.
Nhân dân ta tin yêu chủ tịch Hồ Chí Minh và ngoan cường đi theo Đảng cộng sản qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ đến thắng lợi cuối cùng là vì lẽ đó. Sau Giải Phóng, ước nguyện của nhân dân là mau chóng được ấm no hạnh phúc và đó cũng không ngoài ý chí của Nhà nước XHCN: làm cho dân giàu, nước mạnh.
Ấy vậy mà lại xảy ra điều ngược với ước nguyện của nhân dân, trái với ý chí của Nhà nước. Không những thế, tình trạng “ngược ngạo” ấy còn bị kéo dài quá lâu, làm xói mòn lòng tin của toàn dân đến mức nghiêm trọng, bất mãn và phẫn uất nhồi trong xã hội ngày một tăng, không khí ngột ngạt đã bắt đầu lan tỏa trong cái vỏ chật hẹp đã căng cứng của cơ thể quản lý hành chính quan liêu bao cấp, tập trung cực đoan phi kinh tế thị trường. Sự căng thẳng ấy, theo lẽ tự nhiên, yêu cầu phải được giải quyết cấp bách, bằng cách nào đó cho êm xuôi, nếu không, cũng theo lẽ tự nhiên, nó sẽ… phát nổ.  
Thời đó nếu hỏi: "XHCN nghĩa là gì?", thì sẽ nhận được câu trả lời: "Xếp hàng cả ngày!".
Dù không nói ra thì cũng là tự nhiên, sự căng thẳng đến mức gay cấn của tình hình đã làm phân hóa tư duy nhận thức trong hàng ngũ lãnh đạo, làm xuất hiện những con người ưu tú mới, biết nghe và làm theo nguyện vọng của nhân dân, lấy mục đích dân giàu nước mạnh của chủ nghĩa xã hội chứ không phải là lý luận đã khô cứng, siêu hình kiểu kinh viện của nó về đường hướng thực hiện xã hội lý tưởng làm kim chỉ nam cho hàng động; đã khôn khéo, sáng tạo và dũng cảm vượt qua rào cản của cơ chế đã bộc lộ tính bảo thủ, cực đoan và cố chấp. Thuật ngữ “xé rào” ra đời và sự xé rào đã như những luồng gió mát làm giảm đi sự ngột ngạt, căng thẳng, báo hiệu một bước ngoặt lớn lao làm nức lòng nhân dân cả nước.
Đó là động lực sâu xa và vĩ đại của thời kỳ đổi mới!
Thật ra sau Giải Phóng, theo ông Võ Văn Kiệt, đã từng có ý kiến ở cấp cao muốn duy trì một nền kinh tế nhiều thành phần, sử dụng thị trường. Nhưng sau đó không lâu, xu hướng “tả khuynh” duy ý chí đã thắng thế dẫn đến cải tạo công thương nghiệp ồ ạt, cải tạo nông nghiệp vội vã, đưa dân đi kinh tế mới cưỡng bức. Đó là một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở thời điểm trước đổi mới. Khi nền kinh tế và đời sống nhân dân đi đến cùng cực thì những quan điểm giáo điều, “tả khuynh” mới bộc lộ rõ tính bất lực của nó.
Ngay từ đầu tháng 9/1975, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói trước đoàn đại biểu miền Nam ra Hà Nội, đại ý: “Các đồng chí ra đây là đi thăm chơi, nghe và thấy về làm có chọn lọc, đừng bắt chước miền Bắc làm rập khuôn hợp tác xã, dân kêu lắm”.
Thực chất của nền kinh tế tập trung, quản lý theo mệnh lệnh hành chính quan liêu bao cấp là phi kinh tế, “phớt lờ” tính hàng hóa của sản phẩm được sản xuất ra từ một nền sản xuất có tính hàng hóa, đã xuất hiện từ rất lâu một cách tự nhiên, đang tồn tại và bám rễ chặt trong xã hội đã (buộc phải) phân công lao động và chuyên môn hóa sản xuất, không dễ gì đảo ngược được.
Sản xuất tự cung tự cấp chỉ có thể tồn tại ở phạm vi nhỏ lẻ và cũng chỉ tương đối, hình thức, trong một xã hội mà trình độ sản xuất và cả cái gọi là trình độ tiêu dùng đã ở mức cao nhất định, khi mà số lượng dân cư đã đông đúc, phân bố tương đối đều khắp các vùng đất đai có thổ nhưỡng đặc thù. Do đó sản phẩm dùng làm hàng hóa để trao đổi, mua bán là một phát sinh tất yếu, có ý nghĩa sống còn. Và như thế, không thể “giải giáp” được nền sản xuất hàng hóa để trở lại lối sống công xã nguyên thủy (không tưởng) được, hoặc để đạt tới xã hội cộng sản chủ nghĩa (lý tưởng) được. Đã không thể thủ tiêu được sản xuất hàng hóa thì cũng không thể dẹp bỏ thị trường được dù có ngăn sông cấm chợ quyết liệt đến mấy, dù các trạm kiểm soát có dày đặc đến mấy, kể cả súng đạn. Cho nên hiện tượng “xé rào” tự phát đã xuất hiện ngay từ khi hình thành cơ chế bao cấp và cơ chế bao cấp ấy càng phong tỏa, siết chặt bao nhiêu thì càng xuất hiện nhiều “xé rào” bấy nhiêu, càng sinh ra lắm lũ ăn hối lộ, “cướp ngày” bấy nhiêu và như thế sẽ càng gây ra sự phẫn nộ, khinh khi trong dân chúng. Từ đó, không thể khác được, sẽ làm xuất hiện những cuộc “xé rào” được cho là ngoạn mục, vì lẽ tự nhiên phải thế, vì người lao động, trước hết là vì dân vì nước rồi sau đó mới đến chủ nghĩa xã hội. Sự phân hóa nhận thức ở tầng cao, trong lực lượng những con người ưu tú mà lý tưởng cao đẹp của họ đã thể hiện trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước là không thể bàn cãi, tất yếu phải nảy sinh để đi đến một lựa chọn thống nhất là thỏa hiệp: tự do làm ăn ở trong nước, mở rộng quan hệ giao thương trên trường quốc tế.
Làn sóng xé rào và đấu tranh tư tưởng để biến đổi tư duy “ở bên trên” ấy tỏ ra không kém phần gay cấn, quyết liệt, tuy nhiên lại cũng vô cùng tế nhị, vẫn trong tình “đồng chí”, nghĩa “đồng bào”, không tiếng “súng đạn”, không “đấm đá sứt tai gãy gọng”, không “đổ vỡ”, và đó chính là cái tuyệt vời nhất của thời “đêm trước Đổi Mới”. Đó là một biểu hiện cái “cả tình, vị nể” của con người Việt Nam, nhưng sâu hơn, khó thấy hơn, cũng chính là sự biểu hiện cái bản chất trong sáng, đẹp đẽ, thắm đượm nhân tình của Nhà nước vì dân nói chung và Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng dù có lúc đã hành động sai lầm. Dưới đây chúng ta sẽ kể vài cuộc xé rào được cho là điển hình “nòng cốt” của thực tiễn sinh động dẫn đến sự phá bỏ hàng rào cơ chế.
Cuối năm 1978, An Giang quyết định thành lập hợp tác xã Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành làm nhân tố điển hình để mở rộng phong trào hợp tác hóa. Ông Sáu Kiệt, nguyên chủ nhiệm HTX Hòa Bình Thạnh kể: vận động bà con vào HTX, công an còn phải đứng bên bờ yêu cầu nông dân phá hết rau để giao đất cho HTX. Ông Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên bộ trưởng nông nghiệp, từng chứng kiến cảnh hai vợ chồng có một con trâu. Chồng nghe vận động vào HTX, vợ thì không. Khi ra đồng, chồng đòi dắt trâu cày cho HTX, vợ giằng lại thừng để cày ruộng nhà. Chồng không thể chống nhiệm vụ HTX giao, đành phải trói vợ giữa đồng để cày xong mới thả vợ, trả trâu!
Thời trước, bà con xã Hòa Bình Thạnh đã đầu tư nhiều máy móc phục vụ sản xuất. Toàn xã 900 hộ dân có 70 cỗ máy cày, bừa, bơm, xới…, đến khi vào HTX đều được “công hữu hóa”. Hầu hết các chủ máy đều rất miễn cưỡng thi hành. Đối với họ đó là thứ tài sản lớn, chắt chiu nhiều năm mới có được, nay đưa vào HTX, thu nhập tính bằng công lao động, máy giao người khác như vậy coi như mất không. Thế là trước khi giao nộp, họ cố tình tháo bớt phụ tùng, có người chặt gần đứt cả xích, cưa cả trục máy. Số máy có thể hoạt động thì những chủ cũ không chịu điều khiển hoặc không được điều khiển nên giao cho chủ mới (thực ra cũng là người làm hưởng công). Chủ mới thường thiếu kỹ thuật hoặc thiếu tâm huyết (cha chung không ai khóc!) nên chẳng mấy chốc máy cũng đắp chiếu. Thế là sau một vụ, 100% đầu máy nông nghiệp của HTX nằm kho, hàng trăm hécta đất không làm kịp vụ phải bỏ hoang.
Ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên bí thư tỉnh ủy An Giang, nhớ rất rõ: lúc ấy, tỉnh gần như hoàn thành chỉ tiêu hợp tác hóa bằng các tập đoàn sản xuất và HTX. Nhưng đồng hành với việc này là 20.000 ha diện tích đất bỏ hoang (chiếm gần 10% tổng diện tích) vì lý do trên.
Ban đầu tỉnh xin Nhà nước kinh phí để mua máy mới và sửa chữa máy cũ vì an ninh lương thực bị đe dọa. Trung ương trả lời không có và chẳng biết lấy đâu ra ngân sách. HTX và tập đoàn thì việc đó còn hơn đánh đố vì cũng chẳng có tiền. Không còn cách nào khác, đành phải làm cái việc trái với ý chí công hữu hóa tư liệu sản xuất: bán lại cái “đống” máy hư hỏng đó cho dân. Tất nhiên là phải bán đúng giá mà trước đây phải thu mua (rất rẻ và chủ yếu là nợ trên giấy tờ) và phải bán cho đúng những chủ cũ và như thế, thực chất là trả lại cho họ. Nông dân mừng khỏi nói. Và không đầy nửa vụ, toàn bộ số máy đó được phục hồi, hoạt động trên khắp cánh đồng.
An Giang đã “xé rào” như vậy. Đây là phát súng đầu tiên mang tính quyết định trong chiến dịch giải thể HTX và tập đoàn nông nghiệp của tỉnh.
Những mũi đột phá như thế, đặc biệt là khoáng chui ở Vĩnh Phú, rồi ở Đoàn Xà, Đồ Sơn (Hải Phòng) đã đẩy đến điểm chín muồi cho sự ra đời chỉ thị 100 (tháng 1/1981). Văn bản chính thức này cho phép áp dụng “khoán 100” (khoán 3 khâu: cấy lúa, thăm bón, thu hoạch) trên cả nước, tiến tới khoán triệt để (khoán 10) giao đất cho dân, bỏ công điểm… sau năm 1986.
Một trong những yếu tố gây ức chế nhất cho nền kinh tế lúc đó là chính sách giá cả mà nổi cộm và có ảnh hưởng lớn nhất là giá thu mua lương thực.
Theo chuyên gia sử kinh tế Đặng Phong, một số cán bộ cốt cán của ủy ban vật giá khăng khăng bảo vệ cơ chế với lý lẽ: CNXH là phải ổn định giá chỉ đạo, cách duy nhất để đảm bảo kế hoạch hóa tập trung; những trục trặc hiện nay trên thị trường là do lãnh đạo địa phương chưa thông, chưa làm tốt, HTX còn nặng tư tưởng tư hữu… trong khi Bộ Nông nghiệp và Viện Kinh tế học có ý kiến ngược lại.
Có lần, tại diễn đàn Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, ông Trần Phương, viện trưởng Viện Kinh tế học, phát biểu: cơ chế thu mua này là mua như cướp, bán như cho; cách tính giá của Ủy ban vật giá là sai vì đã không tính đến điều kiện thị trường, sự bất cập trong cơ chế cung ứng vật tư của Nhà nước hay nhu cầu ngày càng tăng của nông dân…
Sự phản đối cơ chế thu mua này diễn ra ở cơ sở tuy âm thầm nhưng mạnh mẽ hơn nhiều. Làm việc với lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, một cán bộ Ủy ban vật giá “đố”: “Những người cộng sản chúng ta lấy lập trường của CNXH hay lập trường thị trường tự do để làm giá?”. Ông Bảy Phong, chủ tịch tỉnh Đồng Tháp lúc đó, trả lời: “Nếu nói phẩm chất người cộng sản thì chúng tôi không thua bất cứ ai. Khi chúng tôi lăn lộn đánh Mỹ thì các anh đang ở đâu, làm gì? Đánh Mỹ xong, chúng tôi đi theo CNXH. Nhưng CNXH gì mà mua không được, bán không được? Người nông dân có thể cho chúng tôi hàng trăm ngàn dạ lúa để đánh Mỹ. Nhưng bây giờ nói mua phải đúng là mua, nói bán phải đúng là bán. Cơ chế mua không được, bán không được trong khi lúa đang còn thì đó có là CNXH không?”.
Thực tiễn trả lời tất cả. Năm 1980, Nhà nước chuyển cho An Giang một lượng hàng tiêu dùng là săm lốp xe đạp, đường, sữa, xà phòng… tương ứng với nghĩa vụ An Giang phải thu mua và nộp về Trung ương là 100.000 tấn lúa. Nhiệm vụ này rất khó vì giá thu mua thấp hơn giá chợ 10 lần. Nông dân không muốn bán cho Nhà nước. Ngược lại, với lượng hàng Trung ương phân bổ, tỉnh cũng phải bán cho dân theo qui định với giá rất thấp nhưng giá ấy hàm chứa đủ thứ tiêu cực, bất công như: móc ngoặc, tham ô, cửa quyền, thất thoát, không đáp ứng đúng nhu cầu cần thiết và như vậy nông dân cũng chẳng hưởng lợi bao nhiêu từ lượng hàng đó.
Bài toán được giải quyết đơn giản không ngờ: tỉnh bán hàng theo giá chợ và lấy tiền đó mua lúa cũng theo giá chợ. Mạnh dạn thực hiện, năm đó An Giang mua được 160.000 tấn lúa, vượt chỉ tiêu 60.000 tấn mà vẫn còn thừa 10 triệu đồng… Nông dân, Nhà nước đều có lợi!
Đồng hành trong việc phá cơ chế giá là Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1978, sau chiến dịch cải tạo tư bản tư nhân, lập tức thành phố Hồ Chí Minh thiếu gạo - điều chưa từng có trong lịch sử miền Nam. “Hòn ngọc Viễn Đông” phải ăn độn với bo bo, khoai, sắn là điều khó mà tưởng tượng nổi.
Phải chấp hành chủ trương của Trung ương là tiến hành cải tạo, xóa bỏ thị trường tự do, nắm trọn khâu bán buôn. Làm như thế lại không huy động được lương thực và do đó xảy ra thiếu gạo. Chuyện thu mua lương thực ở đồng bằng Nam Bộ là chuyện của Trung ương, không phải việc của Thành phố. Thành phố không được phép trực tiếp mua gạo ở các tỉnh. Mà nếu có được mua thì với giá qui định “mua như cướp” cũng không thể mua được.
Từng đổ xương máu cho cuộc kháng chiến và sau đó lãnh đạo Thành phố, bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt có lẽ là người nhức nhối nhất vì là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước dân Thành phố. Ông tuyên bố: “Không thể để một người dân nào của Thành phố chết đói!”. Và ông đặt vấn đề: “Hiện nay, dự trữ gạo của Thành phố chỉ còn có vài ngày. Mình không thể để cho dân thiếu gạo được. Nhưng việc này với cơ chế hiện nay, không phải dễ giải quyết. Bộ Lương thực có trách nhiệm cung cấp gạo cho Thành phố nhưng chưa bao giờ cung cấp đủ và kịp thời. Sở lương thực thì không được phép mua với giá thỏa thuận. Dân đồng bằng sông Cửu Long có gạo nhưng không chịu bán nghĩa vụ cho Nhà nước vì họ bị thiệt. Trong khi đó dân Thành phố có tiền và sẵn sàng mua với giá thỏa thuận thì lại không được xuống mua và đưa ra khỏi tỉnh. Tại sao chúng ta không ráp hai mối này lại?”. Ban lãnh đạo Thành phố bàn bạc tới lui, rốt cuộc chỉ còn một cách duy nhất: xé rào cơ chế. Bà Ba Thi nói: “Làm cách này thì chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết là đi tù đó”. Ông Kiệt cười, với một câu để đời: “Nếu do việc này mà anh chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi”.
Thế là từng đoàn xe của Thành phố xuống đồng bằng sông Cửu Long mua lúa với giá 2,5 đồng/kg (tương đương 5 đồng/kg gạo). Gạo chở về thành phố bán theo giá kinh doanh (giá mua thực tế + chi phí xay xát + chi phí vận chuyển + thặng số thương nghiệp). Trong khi giá lúa do Ủy ban vật giá qui định, Bộ Chính Trị duyệt và Thủ Tướng ký là 0,52 đồng/kg. Giá bị “phá” đến những 5 lần!
Cái mốc “phá giá” này đã đẩy giá lúa khắp đồng bằng Nam Bộ lên 2,5 đồng/kg. Giá chỉ đạo bị vô hiệu hóa. Không bao lâu sau, mức giá đó lan ra cả nước. Sự đột phá trên của Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ cứu cái bao tử của người dân thành phố mà còn cứu nông dân cả nước khỏi cơ chế giá nghĩa vụ quá ư cực đoan, siêu hình.
Và sau đây là một câu chuyện nữa:
Sài Gòn sau giải phóng, giữa lúc tình hình sản xuất ngổn ngang thì hai vợ chồng chủ Hãng dệt Tài Thành (tức công ty Dệt Thành Công sau này) là Huỳnh Ngọc Thái và Đoàn Thị Mỹ đã hiến cho Nhà Nước toàn bộ cơ ngơi một nhà máy lớn nhất nhì ngành dệt may Thành phố lúc bấy giờ.
Ông Nguyễn Xuân Hà, vị giám đốc đầu tiên (sau Giải Phóng) của Dệt Thành Công, còn nhớ: xí nghiệp có hơn 100 cỗ máy, gần 20.000 cọc sợi và 300 công nhân lành nghề luôn cho ra đời mỗi năm 2,4 triệu m2 vải dệt kiểu Oxford - mặt hàng cao cấp nhất lúc đó. Thời gian đầu máy móc hoạt động bình thường nhưng đến cuối năm 1979 thì tình hình xấu dần. Dây chuyền máy móc, sau một thời gian hoạt động đã bắt đầu đòi hỏi phụ tùng thay thế, phải nhập khẩu từ Mỹ và Nhật - những nước tư bản mà “ta không chơi”. Nhưng khốn khổ nhất là kho nguyên liệu dự trữ của Tài Thành đã hết. 80% dây chuyền tạm ngưng sản xuất, không thể xoay sở được vì thiếu vốn. Về nguyên tắc, Nhà Nước cấp vốn theo kế hoạch từng năm, nhưng thực tế thì chưa năm nào Dệt Thành Công được cấp quá 20% nhu cầu. Nguồn thu nhập nhỏ nhoi nhất là vải vụn, tơ rối có thể làm găng tay, thú nhồi, mũ, túi… cũng phải nộp lại Nhà Nước. Công nhân không việc làm, đời sống ngày một quẫn bách. Ban lãnh đạo công ty liên hệ với các tỉnh Sông Bé, Đồng Nai đưa công nhân đi trồng trọt, chăn nuôi cải thiện đời sống. Nhưng cách giải quyết cho công nhân về làm nghề của nông dân rồi cũng chẳng đi tới đâu, sau hàng chục tháng vẫn như không.
Thực ra mấu chốt để giái quyết khó khăn, ách tắc của Dệt Thành Công là ngoại tệ, có ngoại tệ sẽ có phụ tùng và nguyên liệu. Nhà Nước không có ngoại tệ cấp cho doanh nghiệp. Vậy thì đào đâu ra? Thì ra qua lớp lớp tường ngăn, rào chắn, vẫn có những khe chảy ngoại tệ vào Việt Nam. Ban lãnh đạo Dệt Thành Công quyết định tiếp cận các nguồn này, gõ cửa các công ty: Du lịch Sài Gòn, Thủy sản Ramico, Cảng Sài Gòn, và giám đốc Nguyễn Xuân Hà bắt đầu “thuyết khách”: Tôi bán vải sợi cho anh để anh bán lại cho dân và mua cá; xuất khẩu thu ngoại tệ thì xin anh trả vốn cho tôi bằng ngoại tệ; với du lịch và cảng biển thì các anh cứ bày bán ở cửa hàng cho khách nước ngoài, tiền gốc trả tôi nhưng làm ơn trả bằng ngoại tệ… Các đối tác đều gật đầu “ôkê”. Vấn đề tiếp theo là phải có hàng. Muốn có hàng phải có nguyên liệu, muốn có nguyên liệu thì phải nhập, nhập phải có đôla... Rốt cuộc thì đầu tiên vẫn là phải có ngoại tệ rồi từ đó mới quay vòng để ra ngoại tệ! Muốn thế chỉ còn cách duy nhất là đi vay ngân hàng.
Ông Hà tìm gặp được giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (VCB) thành phố Hồ Chí Minh, lại trình bày và được ưng thuận. Tất nhiên vay 180.000 đôla thì phải làm phương án. Sau hai đêm, phương án ra đời: đúng 120.000 đôla mua 40 tấn sợi; còn lại mua hóa chất, phụ tùng, thuốc nhuộm; sau khi sản xuất sẽ cho ra 80.000 m2 vải; đem bán cho hải sản, cảng biển, du lịch thu ngoại tệ; số tiền này dư trả ngân hàng, nuôi ngân hàng, nuôi công nhân, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất, tích lũy và nộp ngân sách.
Theo qui định, phương án phải được bộ chủ quản duyệt. Thế nhưng nội dung của phương án này (tự mua nguyên liệu giá ngoài, tự sản xuất theo kế hoạch riêng, tự bán ra ngoài…) toàn là điều cấm kỵ. Phải tính tiếp! Lãnh đạo Bộ Công nghiệp nhẹ có nhân vật đổi mới, thoáng nhất là thứ trưởng Vũ Đại. Muốn thuyết phục được ông này thì phải gặp riêng và nhất định không phải ở bộ. Thế là đúng lúc thứ trưởng Vũ Đại vào Nam công tác, ông Hà đem phương án “động trời” ra… đệ trình. Cuối cuộc trao đổi, ông Đại hỏi: “Ừ, hay đấy! Nhưng tờ ký duyện phương án có sao không?”. “Anh phải ký ngay thì cái hay mới thành sự thật. Chứ đem ra bàn thì hỏng!”. Roẹt! Thứ trưởng ký! Chưa có dấu, nhưng ra Hà Nội lấy dấu không còn là vấn đề lớn nữa.
Bộ đã đồng ý. Dệt Thành Công bàn nhau: trong kho còn một ít hàng cầm cự, không bán cho nội thương (theo giá qui định) mà lén bán cho các công ty du lịch, thủy sản lấy ngoại tệ. Tháng 8-1980, họ âm thầm xuất lô hàng đầu tiên cho khách hàng mới. Thật bất ngờ, người ta tranh nhau mua, có người còn đặt tiền trước… Thấy thế, ông Hà nảy ra ý mới. Nếu theo đà này, 40 tấn sợi của phương án vay chỉ đủ dùng trong 6 tháng. Đằng nào cũng xin thì xin cho đủ. Lập tức ông hoãn ngày xin dấu, viết lại phương án. Phương án mới xin vay số tiền 1,7 triệu đô la, gấp chín lần phương án cũ. Không chỉ thế, ông Hà còn biến phương án mới, thành bản thuyết trình xin cho Dệt Thành Công thoát khỏi cơ chế chỉ tiêu để tự cân đối vốn, nguyên liệu, lương công nhân, được mở tài khoản tại Ngân hàng Ngoại thương, được giao dịch và trực tiếp xuất nhập khẩu, được khoán quĩ lương. Phương án này có tầm cỡ lớn hơn nhiều so với phương án cũ, đụng mạnh đến chủ trương chính sách Nhà nước, một mình thứ trưởng Vũ Đại không thể quyết. Dệt Thành Công phải ra Hà Nội thuyết trình. Thứ trưởng đồng ý tổ chức hội nghị.
Trong khi chuẩn bị ra Bắc, ông Hà nhận được một tin: có lô hàng 200 tấn sợi rẻ bất ngờ (500.000 đô la), chủ hàng muốn bán vì đang cần tiền. Không mua ngay e muộn. Nhưng tiền chưa có. Lẽ nào bỏ qua cơ hội ngàn năm có một? Ông Hà lại đến Ngân hàng Ngoại thương thành phố Hồ Chí Minh “tỷ tê”. Chưa có thủ tục mà xuất hẳn 500.000 đô la thì bị kỷ luật như chơi. Nhưng vị giám đốc Ngân hàng đã bắt chặt tay ông Hà: “Thôi được, dù phải hy sinh, chúng ta cũng vì sự nghiệp!”. Thế là nửa triệu đô la được xuất ra theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Số sợi đó được chuyển về kho công ty và ông Hà thêm vững tâm xách cặp ra sân bay đi “thuyết khách”.
Được tính trước, hội nghị tiến hành đúng thời điểm những nhân vật “nguyên tắc”… đi vắng. Ông Hà đọc phương án và bảo vệ. Thứ trưởng Vũ Đại chủ trì đồng thời đóng vai trò người hướng dẫn luận án. Sau bốn tiếng đồng hồ vã mồ hôi, ông Hà “vượt cạn” xong. Khi ông Đại đứng lên kết luận: “Đây là mô hình mới, rất tiến bộ nhưng chắc chắn có khó khăn. Các vụ có trách nhiệm giúp đỡ doanh nghiệp chứ quyết không được xỏ ngang, xỏ dọc!”. Liên hiệp Dệt được phép soạn hẳn một qui chế cho Dệt Thành Công.
200 tấn sợi trong kho ngày một lên giá. Sản phẩm bán ra theo giá mới. Riêng tiền chênh lệch đã đủ ăn cả năm. Có tiền công ty áp dụng phương thức khoán sản phẩm hợp lý. Không khí lao động hưng phấn cao độ. Tiền, hàng luân chuyển ra vào như nước. Cuối năm đó không những trả hết vốn vay, Dệt Thành Công còn lãi gần một triệu đô la, lương công nhân cao gấp 6 lần doanh nghiệp khác. Quan trọng hơn, Dệt Thành Công đã minh chứng cho một cơ chế kinh tế mới cực kỳ ngoạn mục.
Người luôn ủng hộ và theo dõi từng bước đột phá của Dệt Thành Công là bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh lúc đó - ông Võ Văn Kiệt.
(Còn tiếp)
---------------------------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH