TT & HĐ - 22/g

                                         

Tư Mã Thiên - Bi Kịch Cuối Đời Của “Ông Tổ” Của Ngành Chép Sử Trung Hoa

 

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!                                                                                   Trong khinh khi may nhớ nước non                                                  Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử                                                     Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử                                                Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm                                Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng                                        Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách..."                                                     Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau                                       Cervantes (Tây Ban Nha) 

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."                                                                                                                                             Cicero (La Mã) 

Đừng chê cõi trần nhơ                                                                  Đừng khen cõi trần đẹp                                                                    Cõi trần là thản nhiên                                                                      Chỉ có đời nhơ, đẹp.”                                                                                                            Trần Hạnh Thu

 

CHƯƠNG XXII: TỔ TIÊN 

"Dù ai đi ngược về xuôi                                                                   Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"                                                                    Ca dao

"Noi gương tiên tổ truyền thống anh hùng muôn thuở thịnh  
 Nối nghiệp ông cha phát huy khí thế vạn đời vinh."
câu đối thờ gia tiên

“Ta có tai, mắt, ta nghe, ta trông; ta có tâm tư ta suy, ta nghĩ; đối với người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.”
Lương Khải Siêu
 
"Cuộc sống  phản bội lại tổ tiên là cuộc sống bấp bênh nhất, trơ tráo nhất. Nếu không muốn phản bội lại tổ tiên, thì trước hết, đừng làm nô lệ cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào khác, không tin theo bất kỳ thứ chủ nghĩa nào khác."                                                                                                                    Trần Hạnh Thu





(Tiếp theo)

***
Lịch sử là sự tái hiện một cách không (bao giờ) đầy đủ (những) hiện thực đã qua hay còn có thể gọi là thực tại đã chìm vào quá khứ, biến thành Hư Vô. Hiện thực đã qua, sau khi được tái hiện, trở thành một thực tại khách quan ảo, trước hết là của “cái tôi” quan sát, tìm hiểu, nhận thức và tạo dựng ra cái thực tại khách quan ảo ấy. Tùy thuộc vào trình độ nhận thức, tài năng cũng như quan niệm của (những) “cái tôi” viết sử mà hiện thực đã qua được tái hiện thành (những) thực tại khách quan ảo như thế này hoặc như thế kia, có thể nói bản thân lịch sử luôn mang hơi thở của thời đại tạo ra (hoặc tái tạo ra) nó. Có thể khoảng 1000 năm sau, hậu duệ sẽ nhìn lịch sử của ngày hôm nay theo một quan niệm khác. Theo quan niệm đó, cách mạng Việt Nam năm 1945 không phải là cuộc cách mạng vô sản mà chỉ là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đơn thuần và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê đã được thừa nhận như một phương tiện khích lệ tinh thần đắc lực có vai trò như đạo Phật ở giai đoạn đầu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ấy (?). Đến thời đại ấy, chủ nghĩa cộng sản cùng triết học Mác - Lê đã bị khẳng định là nhận thức lầm lạc về chân lý từ lâu (?). Quá trình đấu tranh giải phóng của đảng cộng sản Trung Quốc cũng đồng thời là quá trình huynh đệ tương tàn với Quốc dân Đảng và chuyển hóa hình thành một thế lực phát xít bành trướng mới!

Nguyên lý Tự Nhiên (tiêu đề Tự Nhiên), tùy thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh mà thể hiện ra dưới nhiều hình thức khác nhau trong thực tại. Những hình thức ấy được tạm gọi là (hay chính là) những nguyên lý cơ bản của tồn tại và vận động. Một trong những nguyên lý cơ bản đó là mọi tồn tại, trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, luôn vận động theo xu thế cân bằng nội tại (để duy trì tồn tại) và vì tồn tại phải vận động cho nên cũng luôn mất cân bằng nội tại. Chính nguyên lý này đã tạo ra bức tranh sinh sinh diệt diệt, biến hóa đến bất tuyệt của thế giới các sự vật - hiện tượng. Nếu trong thế giới tổng thể các sự vật - hiện tượng, nguyên lý ấy được tạm gọi là nguyên lý cạnh tranh tồn tại thì trong thế giới sinh vật, nó được biết đến với cái tên là Nguyên lý đấu tranh sinh tồn. Một trong những biểu hiện cơ bản của đấu tranh sinh tồn là quá trình tiến hóa để thích nghi ở mọi giống loài. Chủ động thích nghi là kết quả tất yếu của quá trình phát triển tiến hóa thích nghi, mà một trong những cách thức của nó là chủ động thích nghi bằng suy nghĩ, nghĩa là quan sát, đánh giá, lựa chọn phương án tối ưu để thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh luôn biến đổi của môi trường. Tư duy và nhận thức là kết quả tất yếu, nảy sinh một cách tự nhiên trên bước đường lâu dài và đầy gian truân của quá trình tiến hóa thích nghi.
Như vậy, có thể khẳng định rằng dù Tự Nhiên Tồn Tại không cần đến nhận thức nhưng tư duy nhận thức là nguyên tắc sống của con người. Để duy trì sự sống còn, con người không thể không quan sát, tìm hiểu để nhận biết Tự Nhiên mà biểu hiện cụ thể là nhận biết Thế giới khách quan.
Không có nhận thức nếu không có sự quan sát. Nhận thức không thể duy trì và phát triển được nếu không có sự lưu nhớ (bằng hồi ức, bằng truyền khẩu, bằng ghi chép), sự rút ra bài học từ quá khứ (kinh nghiệm). Nói cách khác, nhận thức là quá trình quan sát thực tại để tìm hiểu tự nhiên trên cơ sở những bài học của quá khứ (nhận thức của quá khứ), của lịch sử.
Do đòi hỏi của đời sống thực tiễn và cũng đồng thời là đòi hỏi phải phát triển nhận thức mà ngôn ngữ và chữ viết ra đời để ghi nhớ, lưu truyền những kết quả quan sát, những nhận định, những hiểu biết của trước đó, của đương thời, phát sinh ngày một nhiều, cho nhau và lẽ đương nhiên là cho cả hậu thế. Mầm mống của lịch sử đã có ngay từ buổi bình minh của loài người!
Tóm lại, lịch sử (về xã hội loài người) là sự tái hiện lại quá khứ, là sự mô tả lại các sự vật hiện tượng nổi trội từng hiện hữu trong quá khứ cùng với sự vận động, biến đổi của chúng trong mối quan hệ tác động qua lại giữa chúng, một cách chính yếu, tiêu biểu, điển hình, nghĩa là mô tả toàn cục quá trình tồn tại của cái quá khứ ấy, vô tình hay cố ý theo nhãn quan, theo trình độ nhận thức của cái tôi làm công việc tái hiện. Xét cho đến cùng thì lịch sử là kết quả quan sát và nhận thức hiện thực đã qua của nhà viết sử.
Nói đến nhận thức thì có nghĩa là nhận thức tự nhiên hay còn gọi là nhận thức thế giới khách quan. Chỉ có thể nhận thức được thế giới khách quan trên cơ sở đã nhận thức những nhận thức (tri thức) về thế giới khách quan của quá khứ.
Vì những nhận định, giải thích, đánh giá,… trong lịch sử là biểu hiện trình độ nhận thức của thời đại tạo dựng ra lịch sử ấy cho nên chúng chưa hẳn đã xác đáng (nhất là lại còn tùy thuộc vào quan niệm thị phi của cái tôi chép sử), cho nên nhận thức quá khứ thông qua lịch sử là quá trình đầy cạm bẫy. Vì thế quá trình thẩm định lại lịch sử, nhận thức lại những nhận thức có sẵn trong lịch sử và thậm chí viết lại lịch sử là một đòi hỏi thực tế…
Nếu lịch sử là được biểu hiện như thế thì những hình thức như biên niên, biên khảo, ghi chép khảo cổ… đều chỉ là  bộ phận hợp thành của lịch sử, có tính lịch sử, làm tư liệu cho lịch sử. Sử liệu là sự phản ánh hiện thực lịch sử đã nhuốm màu thị phi.
Có câu chuyện thế này: tại một hội nghị của các nhà tâm lý học ở Ghết-tin-ghen, người ta đã thử dựng lên một màn kịch. Trong lúc hội nghị đang làm việc, có người mặc quần áo của anh hề chạy vào phòng, một người khác tay cầm súng lục đuổi theo, cuộc xung đột xảy ra và người cầm súng đã bắn. Sự việc diễn ra trong vòng hai mươi giây. Người ta đề nghị những người có mặt tường thuật lại. Kết quả là các bản tường thuật đầy rẫy những sai sót, có cả những điều xuyên tạc, bịa đặt. Cũng cần lưu ý rằng đại biểu của hội nghị đó là những nhà chuyên môn về quan sát và ghi chép. Vậy mà họ đã không miêu tả chính xác sự việc. Xem thế đủ biết việc tái hiện và trình bày lại các biến cố không phải là việc đơn giản, dễ dàng.
Phải chăng là không thể xây dựng được một lịch sử vừa khách quan, vừa lột tả được xác đáng cái tinh thần của các sự kiện, biến cố trong quá khứ, sát thực so với quá khứ?
Chúng ta biết rằng xã hội loài người nói chung hay xã hội của một khu vực dân cư nói riêng, thực chất cũng là bộ phận của tự nhiên, do đó sự vận động, chuyển hóa, biến đổi của nó cũng phải tuân theo những nguyên lý chung của tự nhiên. Nhưng sự tồn tại tư duy trong xã hội đã làm cho nó có những tính chất đặc thù, nên những nguyên lý ấy cũng biểu hiện ra như những nguyên lý đặc thù mà chỉ ở xã hội loài người mới có. Điều đó giải thích vì sao mà trước con người quan sát, thiên nhiên hiện ra hồn nhiên biết bao nhiêu, trong khi trước cái tôi chép sử, hiện thực xã hội hiện ra lại đẫm màu thị phi đến thế. Con mắt Lão Tử đã thấy xã hội có hai biểu hiện: Đạo Tự Nhiên và Đức Huyền Diệu.
Như chúng ta đã nói Đạo Tự Nhiên ấy chính là Nguyên lý Tự Nhiên và Đức Huyền Diệu chính là quan niệm đúng sai của Đại chúng (trăm họ) được loài người đúc rút thành hầu như chân lý từ hoạt động mưu sinh nhằm sống còn. Chúng trở thành cơ sở nền tảng cho những nhận thức đúng, chính nghĩa. Nghĩa là muốn nhận thức xã hội đúng, trước hết phải lý luận dựa trên cơ sở này. Chúng ta cho rằng ở bất cứ thời đại nào, để quan sát và đánh giá xác đáng, quá khứ, nghĩa là tái hiện được đến mức độ rất giống với cái “vốn dĩ thế”; cả về mặt hiện tượng lẫn bản chất của một hiện thực đã qua, thì “cái tôi chép sử” phải vừa tài năng, vừa đức độ, thấm nhuần được cái Đạo lý của Tự Nhiên và cái Đức tính của Huyền Diệu, lấy chúng làm cơ sở, nền tảng để phân biệt thị phi, từ đó mà lựa chọn, nhận diện ra chân lý, vạch ra được nguyên nhân sinh diệt của mọi sự vật - hiện tượng cũng như mọi sự thành bại của các mưu đồ đã từng hiện diện, “tung hoành” trong xã hội loài người. Hai yếu tố đó, Đạo và Đức, ở mỗi thời đại, do tính riêng của thời đại chi phối mà có thể có những sắc thái khác nhau nhưng cái tinh thần cốt lõi của chúng là bất biến. Chẳng hạn nói: đối với mọi chế độ đều phải lấy dân làm gốc, thì đó là một chân lý bất biến, dù một chế độ nào đó có thừa nhận nó hay “hiểu” được nó hay không. Muốn phán đoán được tương lai thì trước hết phải hiểu hiện tại, muốn hiểu được hiện tại thì trước hết phải thuộc những bài học đích đáng rút ra từ quá khứ. Nhưng muốn có được những bài học đích đáng rút ra từ quá khứ, thì chỉ có cách duy nhất là nghiên cứu lịch sử. Nghiên cứu lịch sử là quá trình nhận thức và nhận thức lại những đúng sai của các quá trình biến đổi đã qua, đã thuộc về quá khứ, để từ đó rút ra chân lý, rút ra những bài học lịch sử. Quá trình đó thực chất là một bộ phận trong toàn bộ quá trình nhận thức Tự Nhiên Tồn Tại của loài người…
Tài năng và đức độ là hai mặt có thể phân biệt tương đối với nhau được. Hồ Chí Minh nói: “Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, là nhờ ở tính phân biệt được ấy. Nhưng khi xét kỹ hơn, trên cơ sở của Đạo và Đức thì tài năng và đức độ là hai mặt đan xen nhau, có mối quan hệ khăng khít, keo sơn, không thể tách biệt được của một sự hoàn thiện: không thể là toàn tài nếu không có đức và trái lại không thể là toàn đức nếu không có tài; một khi chỉ có tài thôi thì chưa gọi là tài, một khi chỉ có đức thôi thì chưa gọi là đức. Người có thực tài là người biết tôn vinh đức, người có chân đức là người biết trọng dụng tài năng (để làm điều nhân đức). Thi hào Nguyễn Du đã viết rất hay về “tài”:
                              “Có tài mà cậy chi tài
                              Chữ tài đi với chữ tai một vần”…
Hay ông bà ta đã nói rất thâm thúy về “đức”: “Có đức mặc sức mà ăn”.
Ước mơ có từ ngàn xưa cho đến ngày nay của con người (và cũng có thể là mục đích phấn đấu của nhiều cuộc đời chân chính) là sự toàn thiện - toàn năng. Ước mơ ấy là cháy bỏng, thể hiện ra thành những câu chuyện thần thánh, bụt tiên và hiển hiện trong tất cả các truyền thuyết lịch sử.
Như vậy, một cái tôi chép sử lý tưởng phải là con người toàn thiện - toàn năng, phải là người hội đủ: Thiên lý nhãn, Thuận phong nhĩ và Vạn linh tâm, được tích hợp lại trước hết nhờ vào việc ôn cố tri tân. Nhưng làm sao biết được như thế nào là toàn thiện - toàn năng? Chỉ có thể nhờ vào lịch sử!
Trong lịch sử loài người đã từng có nhiều nhà sử học (dù là nghiệp dư!) có tài năng và đức độ lỗi lạc. Nhờ có họ, nhiều sự kiện, biến cố, nhân vật của quá khứ được minh oan (hoặc bị vạch trần chân tướng), lịch sử ngày một đúng với sự thực hơn, sáng tỏ hơn. Họ đã để lại cho hậu thế nhiều thiên sử bất hủ, nhiều trang anh hùng ca sáng ngời tính nhân văn và biết bao nhiêu câu chuyện thấm thía về nhân tình thế thái, làm cho biết bao nhiêu thế hệ say mê với đầy đủ những bi hài, hỉ nộ ái ố. Qua đó, người đời sau đã nhận thức được nhiều điều về triết học, đã rút ra được nhiều bài học về luân thường đạo lý, về ý nghĩa của cuộc đời. Và cũng chính vì lẽ đó mà nhiều công trình lịch sử cũng đồng thời là tác phẩm văn học, những áng văn chương kiệt tác của nhân loại.
Một trong những người chép sử như vậy là Tư Mã Thiên, một trong những tác phẩm như vậy là “Sử Ký” của ông.
Chúng ta đã từng được nghe nhiều người kể về thân thế và sự nghiệp cũng như tác phẩm “Sử ký” của Tư Mã Thiên, nhưng có lẽ, cách kể của Nhữ Thành (trong lời giới thiệu về cuốn “Sử ký” do chính ông dịch, NXB Văn học, năm 1988) làm chúng ta “khoan khoái” nhất, và chúng ta cố nhớ lại, dù không trọn vẹn:
“Đối với văn hóa thế giới, quyển “Sử ký” của Tư Mã Thiên chiếm một địa vị đặc biệt. Nó là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất của thế giới. Nhưng một điều còn làm chúng ta ngạc nhiên hơn là công trình khoa học lớn lao ấy đồng thời lại là một trong những tác phẩm văn học ưu tú của nhân loại (…).
“Sử ký” là cả một thế giới. Nó làm thỏa mãn tất cả mọi người. Người nghiên cứu sử tìm thấy ở đấy một kho tài liệu vô giá, chính xác, với một giá trị tổng hợp rất cao. Nhà nghiên cứu tư tưởng tìm thấy qua “Sử ký” “một trong những tư tưởng vĩ đại nhất của thời cổ đại” (đánh giá của “Bách khoa toàn thư Xô - Viết”, mục “Sử ký”). Người bình thường tìm thấy vô số những hình tượng điển hình, những câu chuyện hấp dẫn, những con người đầy sức sống mãnh liệt. Họ thấy quá khứ sống lại. Và không phải chỉ có thế. Người nghiên cứu văn học còn tìm thấy ở đây một tâm hồn, một tâm sự đau xót đầy sức mạnh của thơ trữ tình, “một tập “Ly tao” không vần” như lời đánh giá của Lỗ Tấn (đại văn hào người Trung Quốc).
(Còn tiếp)
-------------------------------------------------------------

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

TT&HĐ I - 9/d

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH