Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2020

TT & HĐ - 22/f


                      

                                           Lịch sử thế giới tóm tắt trong 2 giờ Thuyết minh

 

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!                                                                                   Trong khinh khi may nhớ nước non                                                  Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử                                                     Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử                                                Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm                                Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng                                        Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách..."                                                     Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau                                       Cervantes (Tây Ban Nha) 

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."                                                                                                                                             Cicero (La Mã) 

Đừng chê cõi trần nhơ                                                                  Đừng khen cõi trần đẹp                                                                    Cõi trần là thản nhiên                                                                      Chỉ có đời nhơ, đẹp.”                                                                                                            Trần Hạnh Thu

 

CHƯƠNG XXII: TỔ TIÊN 

"Dù ai đi ngược về xuôi                                                                   Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba"                                                                    Ca dao

"Noi gương tiên tổ truyền thống anh hùng muôn thuở thịnh  
 Nối nghiệp ông cha phát huy khí thế vạn đời vinh."
câu đối thờ gia tiên

“Ta có tai, mắt, ta nghe, ta trông; ta có tâm tư ta suy, ta nghĩ; đối với người xưa có lúc ta thờ như thầy, có lúc ta kính như bạn, cũng có lúc ta kình địch không chịu, ta theo cái lý nhất quyết không làm tôi tớ cổ nhân.”
Lương Khải Siêu
 
"Cuộc sống  phản bội lại tổ tiên là cuộc sống bấp bênh nhất, trơ tráo nhất. Nếu không muốn phản bội lại tổ tiên, thì trước hết, đừng làm nô lệ cho bất kỳ kẻ ngoại xâm nào khác, không tin theo bất kỳ thứ chủ nghĩa nào khác."                                                                                                                    Trần Hạnh Thu

  

 


(Tiếp theo)


                                                                                     ***

Thế là chúng ta đứng nghe và vì ở xa, lại chỉ nghe được bập bõm lúc được lúc mất thế này:
“(…) Nói tới thiên tài Lê Quí Đôn, xưa nay, người ta hay nói tới tri thức bách khoa về nhiều mặt của ông, như: văn, sử, triết, thư tịch, nông nghiệp học… mà ít nói tới một tri thức có nhiều nét đặc sắc của ông là tri thức về quân sự. (…)
Trong “Bắc sử thông lục”, Lê Quí Đôn đã ghi lại cuộc đối thoại lý thú giữa ông với Đề học Quảng Tây là Chu Bội Liên trong dịp ông đi sứ Trung Quốc từ năm 1760 đến 1762. Trong cuộc đối thoại này, Đề học Quảng Tây có thổ lộ những băn khoăn của ông ta về thành quách của chúng ta. Chu Bội Liên hỏi: “Quí quốc nhiều người tài như thế nhưng tôi nghe các phủ huyện lại không xây dựng thành quách là tại cớ sao?”
Lê Quí Đôn trả lời: “Nước chúng tôi không phải là không đắp được thành quách. Song các trấn hiện nay chỉ có lũy đất. Điều đó theo tôi là có dụng ý”. Chu Bội Liên: “Dụng ý thế nào?”. Lê Quí Đôn: “Nay quí quốc thi hành chính sách hữu hảo, việc ban giao bình thường thì hai nước như một nhà… Nhưng trước đây, như thời Tống, Nguyên, Minh chẳng hạn, gặp lúc bọn biên thần tham công, tìm điều bịa đặt gây ra chuyện hằn thù nên can qua binh hỏa nổi lên. Nếu chúng tôi tụ họp trong một ngôi thành, như vậy có khác gì tự mình ngồi để cho kẻ khác vây bọc. Kế đó không phải kế hay. Chúng tôi cho rằng trăm họ đều là binh, thôn xóm đều là kho tàng, ở phân tán ra nhiều nơi, làm giặc muốn đánh cũng không biết đâu mà đánh, muốn cướp cũng không biết đâu mà cướp. Nhân đó, chúng tôi tìm chỗ kẻ địch sơ hở, dùng kỳ binh, phục binh mà chặn đánh lại, nên bảo vệ được đất nước”.
Xem như thế, trong quan niệm của Lê Quí Đôn, việc đất nước ta có ít những thành quách là có lý do của nó. Đó là vì từ rất xa xưa, từ trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, nhân dân ta đã rất ý thức được “trăm họ đều là binh”, “thôn xóm đều là kho tàng”. Đó chính là những thành quách rất linh hoạt cơ động, trải bao la giữa đất nước để bao bọc bảo vệ lực lượng của mình mỗi khi có giặc ngoại xâm. Nói một cách khác, theo quan niệm của Lê Quí Đôn, chính nhân dân (trăm họ) và thôn xóm, bản thân nó đã là một loại thành quách vô cùng tin cậy rồi. Hướng về với thành lũy là bản thân “trăm họ” và thôn xóm như thế, thực tế là Lê Quí Đôn đã dẫn chúng ta tới một khái niệm rộng hơn của ông về thành quách. Nếu so với loại thành có quách bao ngoài của Trung Quốc thì loại thành này rất khó trộn lẫn. Đó là loại thành quách mà Lê Quí Đôn gọi là “Trúc thành”. Trong mục “Khu vũ” của sách “Vân đài loại ngữ”, Lê Quí Đôn đã khảo về loại thành này. Ông viết: “Khoảng năm Đại Trung đời Đường (847-860), Vương Thức sang trấn thủ An Nam, trồng cọc tre gai làm trại bền được mấy mươi năm… ngoài lại đào hào, ngoài hào trồng tre nhọn, giặc không xông vào được”. Ông dẫn thêm: “Sách “Ngu hành chi” nói: “Gốc tre là loại trúc nhiều gai, Tân Châu ở Quảng Đông vốn không có, về đời Tống, quận thú là Hoàng Tề mới trồng thứ tre ấy vào, dê lợn không chui lọt qua được gọi là “Trúc thành”. Nghe nói ở ngoài thành, Giao Chỉ cũng có thứ tre ấy”.
Rõ ràng “Trúc thành” là một kiểu thành thiên nhiên lâu đời, lợi hại của nước ta. Từ những dẫn liệu đó, ta có thể hiểu vì sao xưa kia nước ta không quá chú trọng việc xây thành lũy như nhiều nước khác, vì sao từ rất sớm nền văn minh nước ta đã không phải là một nền văn minh thành bang (?) mà về cơ bản là một nền văn minh xóm làng, một kết cấu bền chặt giữa người với người, người với thiên nhiên trong làng xóm, không một thành lũy nào kiên cố bằng. Đặc điểm đó ngay từ thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên đã được thể hiện khá rõ trong con mắt của người nước ngoài khi quan sát nước ta: “Nước Nam Việt không phải là nơi ấp lý có thành quách, họ ở gần khe suối, giữa rừng tre” (thư Hoài Nam Vương gửi Hán Vũ trong “Bắc sử”).
Dù vậy, Lê Quí Đôn không phủ nhận vai trò của thành quách, mà ngược lại, bằng con mắt tinh tường và linh hoạt của một nhà bác học, trong một số tác phẩm của ông, đó đây, ta vẫn thấy ông khảo sát kỹ càng một vài thành quách mà theo ông đã phát huy được tác dụng trong chiến đấu. Chẳng hạn, trong “Phủ biên tại lục” khi nói về sự khai thiết khôi phục hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, ông vẫn thấy được thành Hóa Châu hiên ngang, vững vàng trước mỗi đợt tấn công vây đánh của Chiêm Thành. Người giữ thành là Lê Quyết còn bắt được tướng giặc, diệt được chiến thuyền, được nhà vua ban chiếu thư khen ngợi, phong là “Vạn lý trường thành” ở phương Nam
(…)
(…)
Qua những việc xây thành đắp lũy mà Lê Quí Đôn ghi lại trong một số tác phẩm của mình, chúng ta có thể thấy rằng: mặc dù nhìn chung ở nước ta, việc xây thành dựng lũy không đặt ra một cách cấp thiết, phổ biến; song, ở những nơi rừng núi như Mường Thanh hay những vùng phía Nam như Quảng Nam, Thuận Hóa, do phải phòng thủ thường xuyên với thù trong giặc ngoài, thành lũy vẫn mọc lên nhiều hơn. Những thành lũy này hoặc là do chống lại ngoại xâm ở nơi phên dậu của Tổ Quốc, hoặc do những cuộc nội chiến của các tập đoàn phong kiến nước ta trước đây. Dù thế nào thì những thành lũy này cũng phần lớn là được dựa vào những hình khe thế núi có sẵn mà gia công thêm. Các thành lũy đó thể hiện sự thông minh cần cù của nhân dân ta, hoặc những cá nhân nổi bật như Đào Duy Từ mà Lê Quí Đôn đã từng đề cao khi nói tới vùng chiến lũy do ông chủ trương xây lắp. Mặt khác, Lê Quí Đôn cũng đã nêu lên tính chất phi nghĩa của các thành cắt đất ngăn miền, do tập đoàn phong kiến Nguyễn chủ trương xây dựng (…). Nghiên cứu các tác phẩm của ông, ta thấy ông không bàn, quá ít bàn tới, hay bàn chưa sâu về các thành lũy nổi tiếng trong lịch sử nước ta như: thành Cổ Loa, thành Hoa Lư, thành Thăng Long, thành Đa Bang, thành Tây Đô (…)
Đi sâu vào thành lũy, Lê Quí Đôn còn chú trọng tới các loại vũ khí phòng thành và công thành…”
Câu chuyện đến đây đã không còn hấp dẫn chúng ta nữa, và sực nhớ đến công việc của mình, chúng ta rời “Lịch sử quân sự - số 15”, sang bên kia đường, đi về phía Công viên “Ngũ Hành”, vừa đi vừa nặng trĩu lòng những suy nghĩ về lịch sử.
Lịch sử là gì? Về đại thể, là sự lưu nhớ nói chung của xã hội về những sự kiện nổi trội đã từng xảy ra trong quá khứ. Có hai loại lịch sử. Lịch sử truyền khẩu là lịch sử hình thành khi con người chưa có chữ viết. Nội dung của nó chủ yếu có hình thức truyền thuyết, huyền thoại, thơ ca vần điệu...Lịch sử văn chương là lịch sử được lưu lại bằng văn tự khi con người đã có chữ viết. Nó là những ghi nhớ theo trình tự thời gian của những sự kiện, biến cố, quá trình vận động, chuyển hóa của xã hội, của vạn vật hiện tượng đã từng xảy ra, đã từng là hiện thực và đã là quá khứ, trong đó có thể có những bình luận, đánh giá của người chép sử. Tùy vào phạm vi, qui mô, lĩnh vực cần tìm hiểu, nghiên cứu mà có thể phân định lịch sử ra thành những bộ phận tương đối riêng biệt phục vụ cho nhận thức, như: lịch sử vũ trụ, lịch sử sự sống, lịch sử loài người, lịch sử quân sự, lịch sử một đất nước, của một dân tộc, hay cũng có thể là tiểu sử của một người v..v…
Bản thân “lịch sử” là một khái niệm và như mọi khái niệm khác, nó cũng có thời điểm xuất hiện, cũng vận động, biến đổi, chuyển hóa; là hiện hữu tất yếu, khách quan, bị lũng đoạn bởi từng quan niệm chủ quan qua từng thời đại nhận thức, và như vậy “lịch sử” cũng mang tính lịch sử, cũng là một lịch sử cần nghiên cứu, nhận thức và nhận thức lại qua từng thời đại, từng giai đoạn nhận thức xã hội.
Khái niệm “lịch sử” lần đầu tiên, có thể là đã xuất hiện ở Hy Lạp cổ đại, vào khoảng cuối thế kỷ VII và đầu thế kỷ VI TCN, nó mang hai nghĩa, nghĩa rộng: sự mô tả, nghĩa hẹp: câu chuyện kể về những gì xảy ra trong quá khứ.
Loài người khi chưa có ngôn ngữ thì lịch sử cũng chưa xuất hiện. Quá khứ là những gì đã từng xảy ra và tuyệt đối không bao giờ còn tồn tại nữa. Ở ngoài hồi ức, nó là Hư Vô. Khi nhớ đến nó, nó sống lại trong tâm tưởng và trở thành một tồn tại ảo, một hiện thực ảo. Tương lai cũng vậy, khi tưởng tượng tới nó, nó sống động như một hiện thực, nhưng là một hiện thực ảo. Điều khác nhau giữa quá khứ và tương lai là tương lai có khả năng xảy ra như một hiện thực đích thực...
Nhờ có ngôn ngữ mà ký ức được lưu truyền từ người này qua người kia, từ thế hệ trước đến thế hệ sau, trở thành những câu chuyện truyền miệng mù mờ về tính thời gian và mông lung về tính hiện thực. Tuy nhiên, sự vận động, biến đổi cũng như sự chuyển hóa có tính lặp lại, tuần hoàn của vạn vật hiện tượng trong thiên nhiên sẽ tất yếu làm cho loài người nhận thức được thời gian và ấn định được những mốc tương đối về thời gian xảy ra các sự kiện hay biến cố và mối quan hệ (nếu có) giữa chúng. Ngôn ngữ thời kỳ tiền sử có tính nghèo nàn, do đó mà có tính khái quát cao (hay đúng hơn là nên gọi tính đại khái, “nói ít hiểu nhiều”?). Truyền thuyết ra đời trên nền tảng ấy. Có thể nói rằng truyền thuyết là lịch sử không chắc chắn, còn lịch sử là truyền thuyết đã được xác minh (nhưng cũng chưa hẳn là sự thực hoặc chân lý!)…
Xuất hiện sau ngôn ngữ và trở thành bạn đồng hành tri kỷ với ngôn ngữ là chữ viết. Nhờ có chữ viết mà truyền thuyết được cố định để lưu truyền được  lâu hơn, đến tận ngày nay, và các biến cố, sự kiện, quá trình… đã từng xảy ra từ thời có chữ viết đến nay cũng được ghi chép, mô tả ngày một xác đáng, rõ ràng hơn. Không có chữ viết sẽ không có loài người hiện đại nhưng thực ra không thể không xuất hiện chữ viết trong tiến trình phát triển trí tuệ loài người vì đó là tiến hóa tất yếu cũng như lịch sử là sản phẩm đương nhiên của tư duy trừu tượng. Cũng do đó mà loài vật không có lịch sử và có thể nói lịch sử là thành quả lao động sáng tạo của con người, là sự hòa trộn giữa tính khách quan của tự nhiên và tính chủ quan của loài người!
Hiện thực đã từng xảy ra trong quá khứ là duy nhất và biên niên sử về nó (nếu không lầm lẫn) cũng là duy nhất. Tuy nhiên, những câu chuyện kể về nó có thể là đa dạng, phong phú bởi tính thể hiện đồng thời nhiều mặt của nó và cũng bởi sự chi phối chủ quan của “cái tôi” quan sát, cái tôi ghi chép cũng như cái tôi “lắng đọc, lắng nghe”. Nhưng rồi thời gian sẽ qua đi, di chứng cùng với sự nhận thức ngày một hợp lẽ tự nhiên hơn sẽ làm cho lịch sử trở nên xác đáng và gần với quá khứ nhất. Hậu thế có lẽ không khôn hơn nhưng nhờ có tiền bối mà thấy rõ quá khứ hơn tiền bối và rút ra được những bài học sâu sắc hơn tiền bối, để rồi trên cơ sở đó, lịch sử sẽ được viết lại xác đáng hơn.
Một trong những nhà sử học đầu tiên là Hê-ra-tê (người Mi-lê, Hi Lạp, khoảng năm 546 - 480 TCN) đã viết: “Tôi muốn kể ở đây những gì mà tôi cảm thấy là sự thực”. Sự thật ở ngoài cảm nhận chủ quan chỉ có thể là biên niên sử, nhưng khi đã qua cảm nhận thì khó mà bảo toàn được sự thực đích thực. Do đó mà nhà sử học, dù là nói thế cũng không đạt được ý định đó.
Tiếp sau, cũng thuộc lớp đầu tiên các nhà chép sử của Hy Lạp cổ đại là Hê-rô-đốt (490 - 425 TCN), đã trình bày trong tác phẩm của mình cuộc chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư, không chỉ mô tả các sự kiện, mà ông còn cố gắng đi sâu giải thích các hiện tượng. Tư duy sâu sắc, kỹ năng trình bày câu chuyện dưới dạng văn học tuyệt diệu đã đem lại cho ông danh hiệu cao quý “Người cha của lịch sử”.
Rồi đến Tuy-xi-dit (460 - 395 TCN), tác giả cuốn “Lịch sử đấu tranh Pô-lô-pô-ne”, tiến thêm một bước trong việc phát triển thể loại kể chuyện lịch sử, ông cho rằng cần phải loại bỏ việc nói tới số mệnh và sự can thiệp của thần linh để đảm bảo tính chính xác, chân thực của lịch sử qua những câu chuyện kể.
 
Herodotos
AGMA Hérodote.jpg
Tượng cẩm thạch Herodotos tại Bảo tàng Athene
Sinh Halikarnasseus, Caria, Tiểu Á
Mất Thurii, Calabria (Ý) hoặc Pella, Macedon
Herodotos xứ Halikarnasseus, còn gọi là Hérodote hay Hêrôđôt (tiếng Hy Lạp: Hρόδοτος Aλικαρνασσεύς Hēródotos Halikarnāsseús) là một nhà sử học người Hy Lạp sống ở thế kỷ 5 trước Công nguyên (khoảng 484 TCN - 425 TCN), ông được coi là "người cha của môn sử học" trong văn hóa phương Tây. Herodotos là nhà sử học đầu tiên sưu tầm tài liệu một cách có hệ thống, kiểm tra độ chính xác ở một mức độ nào đó và sắp xếp thành những thể truyện sống động và có cấu trúc tốt. Ông được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm Historiai (tiếng Hy Lạp: Iστορίαι), một tài liệu ghi chép những cuộc tra cứu của ông về nguồn gốc cuộc chiến tranh Ba Tư-Hy Lạp xảy ra vào giai đoạn từ 490 đến 479 TCN, và, rộng rãi hơn, về huyền sử, lịch sử hoặc phong tục của rất nhiều chủng tộc sinh sống trên ba châu Á, Âu, Phi - những châu lục mà ông đã đi du lịch.
Herodotus là một trong những nhà sử học vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông là tác giả đầu tiên đề cập đến lối sống, truyền thống văn hóa, thậm chí bộ máy thống trị và việc làm ăn kinh tế của tộc người Scythia - một dân tộc cư ngụ ở phía Bắc Hắc Hải, từ sông Danube cho đến sông Đông. Ông cũng đã góp phần lập lên danh sách bảy kỳ quan thế giới cổ đại qua những chuyến du lịch của ông. Một trong các kỳ quan này là lăng mộ của Mausolus đã được dựng lên tại Halikarnasseus, quê hương của ông, khoảng 70 năm sau khi ông qua đời. Bên cạnh danh tiếng, ông bị chỉ trích là "Ông tổ nói láo" vì ông ghi cả những câu chuyện cổ tích và truyền thuyết vào sử sách.
Đến thời Pô-li-bi (201-120 TCN), tác giả bộ “Thông sử” gần 40 tập, thì quan niệm về lịch sử đã được mở rộng hơn nữa. Pô-li-bi coi việc tìm hiểu và trình bày những nguyên nhân của các biến cố, hiện tượng là nhiệm vụ quan trọng nhất của lịch sử. Theo ông: “Bởi vì việc miêu tả đơn thuần những gì đã diễn ra cũng rất thú vị, nhưng nó không có tác dụng giáo dục. Việc nghiên cứu lịch sử chỉ bổ ích khi nào ta bổ sung những câu chuyện đó bằng việc trình bày các nguyên nhân của sự kiện”. Pô-li-bi coi lịch sử là “cô giáo của cuộc sống”.
Tóm lại, người Hy Lạp cổ đại đã dành cho lịch sử một vị trí quan trọng, họ cho rằng lịch sử giáo dục con người trên cơ sở những kinh nghiệm của quá khứ.
Sử học La Mã cổ đại kế tục truyền thống Hy Lạp, họ không những tiếp thu những thành tựu của người Hy Lạp trong lĩnh vực này, mà còn có những bước tiến đáng kể. Chẳng hạn họ đã xác định niên đại của các sự kiện và biến cố chính xác hơn, chú trọng nhiều hơn đến việc thể hiện những niên biểu. Một trong những nhà sử học La Mã nổi tiếng là Ta-xít (50-120 SCN).
Tương tự như triết học, trên cơ sở những quan niệm về lịch sử có tính cơ bản, mầm mống của thời Hy-La cổ đại, sử học phương Tây đã phát triển không ngừng cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, qua chặng đường dài không ít những thăng trầm.
Ở Châu Âu có một giai đoạn gọi là “đêm trường trung cổ” bởi sự thống trị hoàn toàn và khắc nghiệt của Giáo hội về mặt tư tưởng. Trong khi triết học biến tướng thành thứ triết học kinh viện - thần học, thì lịch sử trở thành “nô bộc của thần học”. Nhà viết sử niên biên thời đó, Óoc-đê-rich Vi-ta-li (1075-1148) đã nêu ra nhiệm vụ của một nhà sử học là: “Trong một công trình nghiên cứu lịch sử, mọi cái đều phải trình bày nhằm ca ngợi Đấng Sáng Thế là người cai quản mọi sự vật. Bởi vì Đấng Sáng Thế vĩnh hằng cho đến nay vẫn là người trực tiếp điều khiển lịch sử một cách diệu kỳ”. Và hầu như tất cả đều phải nghĩ và viết theo ý Chúa (!). Ngay cả nhà sử học có học vấn cao, nổi tiếng đương thời là Giáp-phơ-rê (người Anh, thế kỷ XVII), hay Ôt-tô (người Đức)… cũng phải bẻ cong ngòi bút, viết nhiều điều bịa đặt để lọt mắt Giáo hội. Tuy nhiên, cũng có những nhà sử học trung thực và can đảm, chỉ viết sự thực. Giô-han Xôn-xbơ-ri viết: “Nhà sử học dối trá sẽ chôn vùi cả danh tiếng lẫn tâm hồn bất tử của mình”. Dù đó chỉ là những chấm sáng cô đơn, lẻ loi trong cái bao la đen tối nhưng rất quan trọng. Nhà bác học kiêm nhà văn Pháp, Pi-e Bây-xin (thế kỷ XVI) chua chát viết: “Không có một sự bịp bợm nào lớn hơn điều có thể thực hiện được nhờ dựa vào các di tích lịch sử”. Còn nhà triết học Đề-các-tơ thì bi quan hơn nhiều: “Nói chung, các nhà sử học không bao giờ nói thật!”.
Lịch sử đã cho thấy rằng sự áp chế của Giáo hội dù có khốc liệt đến mấy chăng nữa thì trước sau gì, nhận thức về tự nhiên cũng như xã hội của loài người vẫn bứt phá để đi theo chiều “định mệnh” của nó, và bộ phận của nó - sử học cũng không ngoại lệ. Cuộc đấu tranh lâu dài giữa khoa học (trong đó có sử học) và Giáo hội với quyền lực to lớn của nó, mà thắng lợi cuối cùng đã thuộc về khoa học, đối với ngày nay đã là một minh chứng lịch sử, cái lịch sử mà Giáo hội là một nhân vật chính trong đó và vì thế nó không thể can thiệp được, không thể biện minh được. Chẳng hạn Lô-ren-xô Van-le (1407-1437) đã dùng phương pháp phân tích, so sánh các danh mục khác nhau về những tác phẩm của một tác giả và xác định được bản gốc ít sai sót nhất, để từ đó phát hiện ra những chỗ lầm lẫn hoặc thêm thắt. Nhờ thế, ông đã bóc trần sự dối trá của Giáo hoàng nhằm che đậy những khát vọng về quyền thế tục, về một tài liệu nói đến việc Giáo hoàng dường như là người thừa kế hợp pháp chính quyền của các hoàng đế La Mã vào năm 313 lại được biên soạn trong văn phòng của Giáo Hoàng - không sớm hơn thế kỷ thứ VIII (!), và ông đã gọi đó là những “Sự giả mạo thô bỉ và đần độn”.
Vào thế kỷ thứ XVIII, một nhà sử học Pháp viết: “Biết là hiểu các sự vật trong những nguyên lý của nó. Biết lịch sử là hiểu những con người hợp thành bản chất của lịch sử, là xét đoán hợp lý về những con người đó. Nghiên cứu lịch sử là nghiên cứu những động cơ, kiến giải ham thích của con người, để có thể đi sâu vào hành vi của họ, cuối cùng, là để hiểu được tất cả những hành động bất ngờ, những điều lầm lạc của họ. Tóm lại, có nghĩa là hiểu người khác để hiểu chính bản thân mình…”.
Như vậy, các nhà sử học đã dần đạt tới quan niệm chung về lịch sử (thực ra là quan niệm đã được Pô-li-bi khởi xướng, nhưng ở trình độ nhận thức sâu sắc hơn!), cho rằng: lịch sử không phải chỉ là sự kể lại những sự việc đã xảy ra, mà còn là sự giải thích và làm sáng tỏ ý nghĩa của các sự kiện ấy, trên cơ sở tri thức khoa học, chính xác và có chú ý tới các nhân tố ảnh hưởng khách quan. Tuy nhiên có một thực tế là vì có sự sai biệt trong nhìn nhận, trong quan sát và nhận thức mà sự giải thích về cùng một hiện tượng lịch sử nhiều khi không đồng thuận. Ph.Ănghen có nói: “Tư duy lý luận của mỗi thời đại, cũng có nghĩa là của cả thời đại chúng ta, là một sản phẩm lịch sử, được sử dụng trong những thời gian khác nhau, với nhiều hình thức khác nhau, và do đó cũng có nội dung rất khác nhau”.
Người ta cho rằng khoa học lịch sử, với tư cách là bộ phận của khoa học xã hội, có lẽ xuất hiện không sớm hơn thời điểm cuối thế kỷ XVIII hay đầu thế kỷ XIX.
Ngày nay, các nhà lý luận Mác - xít khẳng định rằng, thành tựu to lớn của chủ nghĩa Mác là phát hiện, và làm hình thành chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Sự ra đời của chủ nghĩa duy vật lịch sử có một ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển của khoa học lịch sử. Lần đầu tiên, lịch sử đã có được một cơ sở phương pháp luận thực sự khoa học. Nhờ chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử mà những nhược điểm, hạn chế của sử học trước chủ nghĩa Mác được khắc phục. Theo Lênin: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử lần đầu tiên đem lại khả năng nghiên cứu các điều kiện xã hội của cuộc sống quần chúng và sự thay đổi của những điều kiện ấy với một sự chính xác lịch sử tự nhiên”.
Mác và Ănghen cho rằng: toàn bộ thời kỳ lịch sử đã qua là sự phát sinh và diệt vong của các hình thái kinh tế xã hội. Chính đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội. Họ viết: “Theo quan điểm duy vật về lịch sử, nhân tố quyết định trong lịch sử, xét đến cùng, là sự sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực… Hoàn cảnh kinh tế là cơ sở, nhưng mọi yếu tố khác nhau của thượng tầng kiến trúc - những hình thái chính trị… những hình thái pháp luật, và ngay cả những phản ánh của tất cả những cuộc đấu tranh thực tế trong đầu óc những người tham gia đấu tranh như các lý luận chính trị, pháp lý, triết học, những quan điểm tôn giáo và sự phát triển sau này của những quan điểm đó thành hệ thống pháp lý, cũng đều ảnh hưởng đến quá trình của những cuộc đấu tranh lịch sử và trong nhiều trường hợp lại chiếm ưu thế trong việc quyết định hình thức của những cuộc đấu tranh đó”.
Tuy nhiên, ngay từ năm 1899, V.I.Lênin cũng đã đã nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm, trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải triệt để hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống”.
Quan niệm như vậy của chủ nghĩa Mác về lịch sử có đúng không? Vấn đề lớn quá, vượt qua khỏi sự dung nạp của bộ não chúng ta nên chúng ta không dám trả lời. Trong linh cảm, chúng ta nghĩ rằng triết học Mác là một trong vài triết học đứng gần chân lý hơn cả nhưng chưa phải là chân lý. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không đồng thuận với triết học Mác về nguồn gốc nhà nước. Theo quan niệm của triết học duy tồn thì nguyên nhân xuất hiện nhà nước là do yêu cầu về sự gắn kết và tồn tại đơn thuần xã hội, chứ không phải như V.Lê-nin viết: "Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được thì nhà nước xuất hiện.Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được". Hay như Ph.Ăng-ghen chỉ rõ: "chẳng qua chỉ là một bộ máy trấn áp của một giai cấp này đối với một giai cấp khác, điều đó, trong chế độ cộnh hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ vậy".
Lịch sử xã hội loài người cho đến nay, trước quan sát của chúng ta hôm nay có biểu hiện nổi trội là chiến tranh. Mà chiến tranh đâu phải là đấu tranh giai cấp vì đấu tranh giai cấp chỉ là một bộ phận của chiến tranh nói chung. Sự nảy sinh ra giàu - nghèo trong xã hội là một tất yếu khách quan nhưng giai cấp lại chỉ là khái niệm tương đối có tính qui ước. Có thể là thiển cận nhưng thú thực, chúng ta không làm sao phát hiện được tính giai cấp trong cuộc thư hùng vĩ đại thời Xuân Thu - Chiến Quốc, thậm chí là trong các cuộc thế chiến thời hiện đại. Nếu đúng như Lê-nin nói: “Lịch sử là những câu chuyện về đấu tranh giai cấp” thì e lịch sử… nghèo nàn quá, tàn nhẫn quá!
(Còn tiếp)
-------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét