Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

NHÂN TÍNH 36

-Loài người tưởng mìmh khôn "ngoan" nhất, nhưng thật ra là khôn "hư" nhất!
-Loài người thường cho rằng thú tính xấu xa hơn nhân tính, nhưng thật ra là loài vô đạo đức nhất, vì độc ác nhất, thủ đoạn bẩn thỉu nhất, trả thù hèn hạ nhất, sống đồi bại nhất...!
-Nhân tính như tấm huân chương với hai mặt xấu xa nhất và tốt đẹp nhất của nó.
-Chỉ khi nhân tính chuyển biến thành đẹp đẽ hơn thú tính, thì lúc đó mới có xã hội cộng sản đích thực, loài người mới sống đại đồng được!...
-Nhưng đến bao giờ?



--------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)





GIAI NHÂN BẠC MỆNH

HOÀNG HẬU MARIE ANTOINETTE

Nước Pháp năm 1792. Cuộc cách mạng tư sản ba năm trước cùng với việc phá ngục Bastille (14-7-1789) như một tiếng sét nổ giữa không trung làm rúng động cả Âu châu và đẩy hoàng gia Pháp vào tuyệt lộ.

MARIE ANTOINETTE

Hoàng hậu Marie Antoinette (1755-1793) là công chúa nước Áo, tên là Maria Antonia Josepha Johana, nhưng được biết đến nhiều hơn với tên Marie Antoinette, thuộc dòng họ Habsburg. Nàng sinh ngày 2-11-1755 tại Vienne, thủ đô nước Áo, bị giết ngày 16-10-1793 tại Paris. Nàng là con gái út xinh đẹp của vua François Đệ nhất và Hoàng hậu Marie Thérèse. Nàng kết hôn với Thái tử Louis Auguste của dòng họ Bourbon, sau này trở thành vua Louis XVI của nước Pháp. Đám cưới được cử hành ngày 16-5-1770 tại nhà thờ hoàng gia trong cung điện Versailles, lúc ấy nàng mới 15 tuổi, nhỏ hơn chồng một tuổi.
Đây là một cuộc hôn nhân chính trị, hai dòng họ Bourbon và Habsburg muốn liên kết với nhau để tạo thêm sức mạnh cho hai nước Pháp và Áo.
Bốn năm sau (1774) khi vua Louis XV băng hà, Thái tử Louis Auguste lên ngôi tức là vua Louis XVI và nàng trở thành Hoàng hậu. Chỉ ít lâu sau lễ đăng quang, tháng 6 năm 1774, vua Louis XVI đã tặng nàng một tòa lâu đài mang tên Petit Trianon do vua Louis XV cho xây dựng trước đó trong khuôn viên điện Versailles để tặng người tình của mình. Chính tại nơi đây, Hoàng hậu đã tìm được nơi ẩn náu, nghỉ ngơi, thoát ra khỏi những phiền toái ở triều đình để sống một cuộc sống riêng tư, vui chơi với các bạn bè thân cận.
Lên làm Hoàng hậu lúc mới 19 tuổi (1774), nàng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống vương giả đầy kiểu cách tại Pháp. Nàng trở thành tâm điểm của những lời thị phi đàm tiếu trong cung điện Versailles. Để lấp đầy khoảng trống ấy, cũng như chồng, nàng lao vào các cuộc ăn chơi phù phiếm và hoang phí, được bao vây, phụ họa bởi bọn chơi bời phóng đãng do nữ công tước Yolande Polignac cầm đầu. Nàng thay vua phong chức tước cho bạn bè, bỏ qua những qui định của hoàng gia Pháp.
Nàng lãng phí khủng khiếp tiền của trong ngân khố: đổ đầy rượu Champagne là thứ rượu rất đắt tiền vào bồn tắm để tắm cho đẹp da, bỏ tiền tỷ đại tu cung điện Petit Trianon (hiện nay còn tồn tại), trang trí nội thất tuyệt hảo, xây nhà hát trong khuôn viên, lập điện thờ tình yêu trong vườn, xây dựng nhà nghỉ mát ở nông thôn theo kiểu Vienne (Áo). Vì thế dân chúng Pháp đặt cho nàng cái biệt danh “Bà Hoàng tiêu tiền”. Ngoài ra còn có tin đồn là nàng lén gửi một số tiền kếch sù về cho vua cha ở Vienne. Cứ thế, nàng buông thả trong cuộc sống xa hoa, đánh bạc, đi nhà hát, rong chơi thâu đêm ngoài đường phố, bất chấp dư luận. Nhiều người ghét nàng, gọi nàng là “con chó cái nước Áo” (Đây là một lối chơi chữ vì người phụ nữ Áo tiếng Pháp là Autrichienne, trong đó chữ Autriche là nước Áo, còn tiếp vĩ ngữ (suffixe) chienne nghĩa là con chó cái).

VUA LOUIS XVI

Vua Louis XVI (1754-1793) là cháu nội của vua Louis XV. Thân phụ ông, Thái tử Dauphin, đã qua đời năm 36 tuổi (1765), vì thế ngôi Thái tử truyền lại cho ông. Ông sinh ngày 23-8-1754 và lên đoạn đầu đài ngày 21-1-1793 tại Paris.
Louis XVI là ông vua hiền lành nhưng bất tài, bất lực, thời gian dành cho vui chơi, săn bắn, tiệc tùng nhiều hơn thời gian dành cho việc triều chính. Ông nuôi 1600 con ngựa, hàng ngàn chó săn và 1400 người chỉ để chăm sóc hai loài vật này, tốn kém không sao kể xiết. Ông phung phí của công vô tội vạ, dám lấy tiền tỷ từ công khố để làm đẹp lòng một quí bà. Vì thiếu quyết đoán, mọi việc triều chính ông đều hỏi ý kiến Hoàng hậu.
Khi rời khỏi nước Áo để sang Pháp làm dâu dòng họ Bourbon, Marie Antoinette hãy còn là một cô bé 15 tuổi với tính cách ngây thơ và bướng bỉnh. Trong khi đó, Thái tử không mặn mà gì với cô vợ trẻ con khiến nàng cũng chán chồng khi khám phá ra rằng đức lang quân chỉ là một đứa trẻ mới lớn, vì thế đời sống vợ chồng tẻ ngắt trong chốn cung đình. Nhiều đêm, Thái tử nằm bất động hoặc quay lưng lại vợ, vì thế đã nhiều năm nàng không sinh nở gì trong lúc vua Louis XV rất sốt ruột vì không có người kế vị sau này.
Với cách ăn chơi phung phí của hai vợ chồng Louis XVI, cộng thêm việc nước Pháp chi tiền giúp chiến tranh Hoa kỳ, ngân khố Pháp cạn kiệt mà không thu được thuế vì dân quá nghèo nên hoàng gia đâm ra túng bấn. Paris thiếu bánh mì, ngay cả bánh mì đen dân cũng không có mà ăn trong khi báo chí quả quyết tại Versailles có cả một kho bột. Nghe tin ấy, dân chúng nổi giận kéo nhau ra đường phố và la to :“Đã đến lúc phải cắt cổ con mẹ người Áo!”
Vì Marie Antoinette lấy chồng quá lâu mà không sinh nở gì nên mọi người đồn rằng vua Louis XVI vô sinh, nhưng các bác sĩ cho rằng ông bị bệnh phimosis, một căn bệnh sinh dục phải giải phẫu mới khỏi, nhưng ông cương quyết không chịu giải phẫu.
Mãi đến tám năm sau ngày cưới, Hoàng hậu mới sinh hạ được một công chúa và năm 1785 sinh hoàng tử Louis Charles. Cậu bé này được những người Pháp lưu vong ở nước ngoài và phe bảo hoàng tôn lên làm vua Louis XVII nhưng cậu đã chết một cách bí mật năm mười tuổi (1795), hai năm sau khi cha mẹ cậu lên đoạn đầu đài. Vì Hoàng hậu sinh con quá muộn nên dân chúng đồn đoán rằng Louis XVI không phải là cha chúng mà chính là bá tước Axel de Fersen (1755-1810), người tình của Hoàng hậu. Ông này là sĩ quan quân đội hoàng gia Thụy Điển, trẻ tuổi, đẹp trai, khỏe mạnh, bấy giờ đang ở Paris, thường hay ra vào điện Versailles và giao du thân mật với Hoàng hậu nên nàng bị nhiều tai tiếng về quan hệ bất chính với Fersen.
Cuộc cách mạng 1789 thành công nhưng hoàng gia vẫn tại vị tuy quyền hành đã giảm sút.và tình hình chính trị ngày càng tồi tệ. Nhà vua thấy bất an ở điện Versailles (1) nên cùng hoàng gia dọn về điện Tuileries ở Paris. Pháp thành lập Hội đồng lập hiến (1789-1791) rồi Quốc hội lập pháp (1791-1792) gồm 745 nghị sĩ. Vua Louis XVI ngang nhiên phủ quyết bản Tuyên ngôn nhân quyền là bằng chứng hùng hồn buộc ông vào tội chống lại nhân dân.
Thấy vương quyền của Pháp bị đe dọa, liên quân Áo, Phổ chuẩn bị tấn công. Quốc hội tuyên bố “Tổ quốc lâm nguy” và kêu gọi dân chúng đầu quân cứu nước. Tướng Phổ là Brunswick tuyên bố sẽ “trừng trị” dân Pháp nếu họ dám đụng đến hoàng gia và nếu Louis XVI còn bị làm nhục thì thủ đô Paris sẽ bị làm cỏ! Bản tuyên bố như đổ dầu vào lửa và phe cách mạng xem đây là bằng chứng sự phản quốc của Louis XVI. Thấy tình hình nguy cấp, nhà vua và vợ con cải trang làm thường dân tìm cách chạy trốn ra nước ngoài nhưng bị bắt tại Varennes (28-6-1791).
Ủy ban khởi nghĩa được thành lập. Ngày 10-8-1792 họ vũ trang chiếm điện Tuileries sau một trận huyết chiến với ngự lâm quân. Hoàng gia lánh nạn sang Quốc hội, nhờ Quốc hội che chở. Quốc hội biểu quyết đình chỉ nhiệm vụ của nhà vua. Vua và vương thất bị giam tại lâu đài Le Temple, mọi quyền hành lọt vào tay Ba Lê công xã.
Ngoài mặt trận, lúc đầu quân Pháp thua khắp nơi, nhưng khi liên quân Áo-Phổ tiến đến Valmy thì bị chặn lại (20-9-1792). Chiến thắng Valmy không chỉ cứu nước Pháp mà còn cứu cả nền cộng hòa. Cũng trong năm 1792 Quốc ước hội (La convention) được thành lập thay thế cho Quốc hội lập pháp, và tuyên bố hủy bỏ chế độ quân chủ, thành lập nền Cộng hòa (21-9-1792).
Sau khi tìm được những tài liệu bí mật của hoàng gia ở điện Tuileries, tòa án Quốc ước hội đem vua ra xét xử. Sau hơn một tháng thẩm vấn và nghị án, Louis XVI bị buộc tội phản quốc, bị kết án tử hình (với một phiếu chênh lệch) và bị đưa lên máy chém. ngày 21-1-1793.
“Hôm ấy trời mưa như trút nước. Ba ngàn lính vũ trang canh gác trên suốt chặng đường từ nhà giam đến quãng trường cách mạng Paris (2). Nhân dân thành phố đứng vây kín quãng trường. Louis XVI thất thểu xuống xe, bước từng bước một lên đoạn đầu đài. Khi lên hết cầu thang, ông đã nhanh nhẹn rảo bước rồi đứng im, đưa mắt nhìn tứ phía và bằng một giọng bình tĩnh, ông nói to cho mọi người nghe rõ:
“Hỡi quốc dân Pháp! Ta chết vì bị kết tội một cách vô lý. Nhưng ta sẵn lòng tha thứ những kẻ đã vu oan cho ta. Ta lại cầu Thượng đế để những giọt máu mà bàn tay các người sẽ làm chảy đây sẽ không bao giờ rơi xuống nước Pháp “ (3).
Louis XVI quì mọp trước mặt linh mục cầu nguyện lần cuối cùng. Vị linh mục, một tay làm dấu thánh giá, tay kia xoa đầu Louis, chậm rãi nói :“Con trai của thánh tông đồ Louis lên gặp Chúa đi!”. Những đao phủ lập tức trói tay Louis đưa lên đoạn đầu đài. Ba người chấp sự buộc ông vào tấm ván rồi mở máy chém. 10 giờ 16 phút, lưỡi dao rơi phập xuống và đầu lìa khỏi cổ. Năm ấy ông mới 39 tuổi.

CÁC PHIÊN XỬ MARIE ANTOINETTE

Về phần Hoàng hậu Marie Antoinette, nàng bị giam trong khám đường Le Temple cùng với con gái và bà chị chồng Elizabeth. Con trai của nàng đã bị tách ra để giam riêng. Ngày 1-8-1793 nàng bị chuyển qua khám đường Conciergerie và bị giam trong một căn phòng hẹp, có hai giám thị ngày đêm theo dõi. Tháng 9 năm 1793, tòa án cách mạng đưa Marie ra xét xử về tội phản quốc. Hoàng hậu bị cáo buộc giúp nhà vua chống lại tư tưởng tự do và tổ chức các cuộc trấn áp phong trào cách mạng của dân chúng, âm mưu gây ra cuộc nội chiến và nạn đói năm 1789, tổ chức cuộc chạy trốn ra nước ngoài. Hoàng hậu còn đóng vai trò một gián điệp, đã chuyển toàn bộ kế hoạch tác chiến của quân đội Pháp cho hoàng đế nước Áo khiến quân Pháp bại trận. Hoàng hậu còn bị buộc tội lấy tiền trong ngân khố chuyển về cho vua cha và phạm tội không chung thủy.
Đêm 3-9-1793, Hoàng hậu bị thẩm vấn, nhưng nàng trả lời thật khéo.
- Bà có quan tâm đến các thắng lợi của kẻ thù chúng ta?
- Tôi chỉ quan tâm đến các thắng lợi quân sự của xứ sở con trai tôi.
- Xứ sở con trai bà là xứ nào?
- Ông có thể nghi ngờ được sao? Con trai tôi là người Pháp.
- Con bà giờ đây chỉ là một dân thường. Bà đã tuyên bố từ bỏ các đặc quyền của con bà, có phải không?
Trả lời “phải” hoặc “không” đều nguy hiểm. Hoàng hậu đáp:
- Hạnh phúc của cả nước Pháp là điều cao quí nhất.
Lại một câu hỏi khó:
- Bà có thích tình trạng không còn vua chúa?
Hoàng hậu kêu lên:
- Miễn dân chúng Pháp hùng mạnh và hạnh phúc là điều chúng tôi mong muốn nhất.
Thêm một chất vấn:
- Bà có muốn dân chúng không còn bị kẻ khác đàn áp và những kẻ đàn áp dân chúng phải chịu số phận dành cho bạo chúa?
- Tôi chỉ trả lời cho con tôi và tôi. Tôi không được ủy quyền để trả lời thay cho những kẻ khác.
Viên công tố Fouquier-Tinville phải tấm tắc khen tài đối đáp của góa phụ Capet (tức Hoàng hậu). Ông không thấy một sơ hở nào có thể khai thác được bèn xếp hồ sơ lại.
Trong phòng giạm trời lạnh lắm, Hoàng hậu xin một chiếc mền nhưng bị từ chối.
Ngủ được hai tiếng thì cánh cửa mở đánh ầm một tiếng, Hoàng hậu lại bị lôi đi thẩm vấn. Lần này người thẩm vấn là Hermann. Ông ta đặt nhiều câu hỏi khó nhưng Hoàng hậu đều trả lời lưu loát.
Ngày 3 tháng 10 Quốc ước hội thúc giục tòa án phải xử ngay Hoàng hậu, không được chậm trễ. Fouquier cho biết tòa án sẵn sàng xử nhưng chưa có đủ bằng chứng buộc tội.
Ngày 11-10, một lục sự và hai thừa phát lại đến tận phòng giam thông báo bản cáo trạng buộc tội nàng. Ngày 14-10 nàng ra trước tòa án cách mạng do Hermann chủ tọa. Lần này nàng già hẳn đi, người gầy gò tiều tụy, nước da xanh mướt, mái tóc vàng óng mượt ngày nào nay đã bạc chẳng khác nào một bà già sáu mươi tuổi. Hai luật sư được chỉ định bào chữa cho bị cáo là Tronson du Coudray và Chauveau Lagarde. Công tố viên Fouquier đọc bản cáo trạng lần nữa. Nàng khoát tay bảo không cần vì nàng đã biết quá rõ rồi, nhưng Fouquier vẫn cứ đọc.
Hai luật sư tích cực bào chữa cho nàng, giọng điệu hùng hồn, lý luận sắc bén, bác bỏ tất cả các luận cứ của công tố viện khiến bồi thẩm đoàn và cử tọa phải mến phục. Lập tức Hermann gọi cảnh sát bắt hai luật sư ngay tại tòa (4).
Phiên xử diễn ra khá thuận lợi cho Hoàng hậu vì nàng bào chữa tài tình khôn khéo, lại thêm tài hùng biện của hai luật sư, nhưng viên thẩm phán hung dữ Hébert thấy nạn nhân sắp thoát khỏi nanh vuốt của mình đã phóng ra những lời buộc tội bẩn thỉu cho rằng nàng đã loạn luân với đứa con trai 8 tuổi của mình. Quá uất ức, nàng kêu lên :“Hỡi các bà mẹ! Các bà có tin nổi những lời vu cáo độc địa này không?”
Cuối cùng Hermann buộc tội: Marie Antoinette đã không ngừng sử dụng những thủ đoạn để phá hoại nền cộng hòa còn non trẻ, âm mưu liên kết với phe phản động trong nước và thông đồng với ngoại quốc cùng bọn quí tộc lưu vong mưu toan gây nội chiến, chống lại nền cộng hòa, như thế là phản quốc.
Marie Antoinette có tội chăng? Các lời buộc tội và các cuộc tranh luận chứng tỏ Hoàng hậu vô tội về mặt pháp lý. Lời khai của các nhân chứng không có gì vững vàng và thiếu bằng chứng. Nhưng Fouquier đã chuẩn bị sẵn máy chém. dành cho Hoàng hậu.
Đêm 15-10-1793 nàng lại bị lôi ra tòa. Công tố viên Fouquier dõng dạc đọc lời buộc tội và yêu cầu tòa tuyên án tử hình đối với bị cáo Marie Antoinette (5). Chánh án Hermann lên tiếng:
- Antoinette, bà có gì để khiếu nại về việc áp dụng luật pháp do công tố viên vừa nêu ra?
Quá mệt mỏi vì những đêm thẩm vấn, Hoàng hậu không còn sức để nói, chỉ khe khẽ lắc đầu. Hermann đứng lên:
- Theo lời buộc tội của công tố viên và theo điều 2 khoản 1 luật hình sự cách mạng, tòa tuyên án Marie Antoinette, góa phụ của Louis XVI, tử hình. Tất cả tài sản của tử tội sẽ được sung vào tài sản cộng hòa. Bản án sẽ được thi hành tại quãng trường cách mạng.
Về phòng giam, Hoàng hậu xin được giấy bút để viết một bức thư tuyệt mệnh cho bà chị chồng Elisabeth, một bức thư rất hay, rất cảm động, có thể nói là một bức thư để đời.
Sáng sớm ngày 16-10-1793, Hermann, hai thẩm phán và một lục sự vào khám Conciergerie. Ông ta bảo trống không:
- Hãy chú ý! Nghe lục sự đọc bản án!
Hoàng hậu lạnh lùng:
- Đọc làm gì vô ích. Ta đã biết quá rõ rồi.
Một thẩm phán nói:
- Dù sao cũng phải đọc cho bà nghe.
Lục sự đọc vừa dứt thì đao phủ Sanson (con) (6) bước vào. Hắn trói tay Hoàng hậu, bị bà phản đối nhưng Hermann lạnh lùng:
- Cứ làm nhiệm vụ.
Đao phủ bẻ quặt hai tay Hoàng hậu ra sau lưng, trói thật chặt. Hoàng hậu thở dài, ngước mắt nhìn trời nhưng cố gắng không để rơi nước mắt. Sanson bỏ chiếc mũ trên đầu tử tội, dùng kéo xởn mái tóc đã bạc rồi đội chiếc mũ lại. Bấy giờ đã gần 11 giờ.
Âm thầm, Hoàng hậu rời khỏi khám, nối gót các viên chức của tòa án, có đao phủ theo sau, tay nắm hai đầu dây cột tay tử tội. Đoàn người đi giữa hai hàng rào cảnh sát vũ trang. Hậu thế sẽ nhớ mãi hình ảnh một người đàn bà mặc áo đầm trắng tiến về đoạn đầu đài oai nghiêm như một vị Hoàng hậu. Đến cạnh chiếc xe ngựa không mui, nàng ngừng lại một chút rồi đặt chân trên chiếc thang nhỏ để bước lên xe, người thật thẳng, đầu cất cao, thái độ rất can đảm. Tu viện trưởng Girard bước lên xe, ngồi bên cạnh tử tội.
Một người lính chạy vội ra mở cổng rào. Đám đông dân chúng nín lặng nhìn theo kẻ mà hai mươi năm qua họ đã hoan hô cuồng nhiệt. Hoàng hậu buồn rầu quay lại nhìn lần cuối các tháp của khám đường Conciergerie. Ba vạn binh sĩ vũ trang rải dài trên khắp lộ trình. Tiếng la hét bắt đầu vang lên :“Xử tử con mụ Áo quốc!” Hoàng hậu dường như không nghe, không thấy, mặt lạnh như tiền, hoàn toàn vô cảm. Có một âm mưu cướp tù xa để giải cứu Hoàng hậu nhưng bất thành vì lính gác quá đông.Chiếc xe dừng lại trước đoạn đầu đài. Hoàng hậu nhanh nhẹn bước xuống. Nàng ngẩng mặt nhìn hai cây cột cao đỡ một tam giác nặng nề rồi vội vã leo lên thang, vô ý dẫm lên chân đao phủ. Nàng vội vàng xin lỗi:
- Xin ông tha lỗi, tôi không cố ý làm như vậy!
Linh mục rửa tội xong, viên đao phủ buộc nàng vào tấm ván, còn nghe nàng kêu lên:
- Con gái ơi! Các con ơi! Vĩnh biệt các con! Mẹ sắp đi gặp cha các con đây.
Sau cùng, lưỡi đao hạ xuống, một tiếng “phập” lạnh lẽo vang lên. Tên đao phủ nhặt chiếc đầu đầy máu me, nắm mớ tóc bạc còn sót lại đưa lên, đi một vòng quanh đoạn đầu đài trong tiếng vỗ tay của đám đông. Xác tử tội được chở tới nghĩa trang Madeleine. Đao phủ thấy không có quan tài, cũng không có huyệt mộ. Họ vội về nên ném xác xuống cỏ, chiếc đầu nằm giữa hai chân (7). Năm ấy nàng mới 38 tuổi.

_________________________________________________

(1) Điện này ở cách Paris 23km về phía đông nam.
(2) Nay là Place de la Concorde.
(3) Trích hồi ký của linh mục Edgeworth, linh mục đã rửa tội cho Louis XVI trên đoạn đầu đài.
(4) Bắt luật sư ngay tại tòa vì “tội biện hộ giỏi” ! Thật hiếm thấy.
(5) Hai năm sau (1795) đến lượt Fouquier lên máy chém.
(6) Tức Henri Sanson. Cha hắn là Charles Sanson, kẻ đã hành quyết Louis XVI, đã về hưu. Quả là nghề giết người cha truyền con nối!
(7) Theo André Castelot và Quang Vinh.

Bài Đọc Thêm

LÁ THƯ TUYỆT MỆNH CỦA
HOÀNG HẬU MARIE ANTOINETTE


Thư của Hoàng hậu Marie Antoinette
gửi cho chị chồng là bà Elisabeth

Chị Elisabeth thân mến
Tôi viết cho chị lần cuối, tôi vừa bị kết án tử hình. Đây không phải là cái chết nhục nhã dành cho những kẻ sát nhân, mà bản án ấy giúp tôi về với hoàng thượng, em của chị. Cũng như anh ấy, tôi vô tội. Tôi hy vọng mình đã tỏ ra cứng rắn như anh ấy trong những ngày cuối cùng. Tôi rất bình tĩnh vì lương tâm không cắn rứt. Tôi rất tiếc đã bỏ lại các con, chị thừa biết là tôi chỉ sống vì chúng nó và vì chị. Chị đã hy sinh tất cả để ở bên cạnh chúng tôi và bây giờ thì tôi bỏ chị lại trong một tình thế bi thảm.
Tôi được biết con gái tôi cũng sẽ bị tách rời khỏi chị. Tội nghiệp con bé! Tôi không dám viết cho nó. Nó sẽ không nhận thư của tôi. Tôi cũng không biết bức thư này có tới tay chị hay không.
Hãy nhận giùm hai đứa nhỏ và lời chúc lành của tôi. Tôi hy vọng sau này, khi lớn lên, chúng có thể sống chung với chị và được hưởng tình thương yêu chăm sóc của chị. Chúng sẽ hiểu là không lúc nào tôi ngừng dạy dỗ cho chúng hiểu căn bản của cuộc sống là làm tròn nghĩa vụ, tình thân ái và sự tin tưởng sẽ đem lại hạnh phúc cho chúng. Tôi mong con gái lớn của tôi sẽ thấy mình có bổn phận giúp đỡ em với những kinh nghiệm của mình, chúng nên hiểu rằng dù trong trường hợp nào chúng cũng sẽ có hạnh phúc nếu biết đoàn kết, thương yêu nhau. Chúng nên noi gương chúng tôi, trong bất hạnh, chúng tôi tìm an ủi nơi tình thương. Chúng ta hưởng hạnh phúc gấp đôi khi chia sẻ với một người bạn. Mà tìm đâu những người bạn thật thân ái, thật chân thành ngoài gia đình mình?
Mong sao con trai tôi nhớ mãi những lời sau cùng của cha nó mà tôi nhắc lại ở đây: nó không nên tìm cách trả thù cái chết của chúng tôi. Tôi biết thằng bé đó đã làm phiền chị rất nhiều, xin chị tha thứ, hãy nghĩ tới tuổi dại khờ của nó, tuổi mà người ta rất dễ buộc phải nói lên những điều người ta muốn, dù nó chẳng hiểu tí nào. Rồi một ngày nào đó, nó sẽ ý thức trọn vẹn lòng ưu ái của chị. Tôi cũng ký thác với chị vài cảm nghĩ. Tôi muốn viết ngay từ đầu vụ xử, nhưng người ta không cho, vả lại tình thế tiến triển quá nhanh nên không có thì giờ.
Tôi chết trong Thiên chúa giáo, trong tôn giáo ông cha mà lúc nào tôi cũng truyền bá vì không còn nguồn an ủi tinh thần nào khác (tôi không rõ có còn những linh mục trong khám hay không).Tôi xin chúa thứ lỗi cho tôi và mong rằng với lòng khoan dung, Ngài sẽ nhận những nguyện vọng cuối cùng như những nguyện vọng từ xưa, xin Ngài nhận linh hồn tôi. Tôi xin những người quen biết và nhất là chị, tha thứ cho các khổ sở mà tôi vô ý gây ra. Tôi cũng tha thứ những kẻ thù của tôi.
Viết thư này để vĩnh biệt các cô, dì và tất cả anh chị em. Còn bạn bè nữa. Tôi rất đau xót khi nghĩ rằng sẽ không bao giờ còn có thể gặp họ. Vào những giờ phút chót, tôi vẫn còn nhớ đến họ. Vĩnh biệt chị, cầu mong bức thư này đến tay chị. Xin nghĩ đến tôi mãi mãi nghe chị! Hôn chị và các con với tất cả tấm lòng. Chúa ơi! Thật đau xót mà rời xa vĩnh viễn. Vĩnh biệt! Vĩnh biệt! Giờ đây tôi phải lo các nghĩa vụ tâm linh. Có thể người ta sẽ phái đến một linh mục đã tuyên thệ nhưng tôi sẽ phản đối bằng cách chẳng nói một lời, tôi sẽ xem y như một kẻ hoàn toàn xa lạ.

(Theo André Castelot và Quang Vinh)


____________________________________

Bài này đã đăng trên tạp chí KIẾN THỨC NGÀY NAY số 732 ngày 10-12-2010 nhưng không có “Lá thư tuyệt mệnh”.
© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật ngày 11.01.2011 theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn .
. Trích đăng lại xin vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com .
Bí mật 'chết thảm' của mỹ nhân sủng ái nhất của vua chúa VN

12/03/2012


(ĐVO) Là những người đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nhưng kẻ tham vọng, người bị oan ức, rồi lại sợ họa Tây Thi... Vua chúa Việt Nam buộc lòng phải diệt trừ.

Dâm phụ Tống Thị bị chém và bêu đầu giữa chợ

Chính sử triều Nguyễn chỉ có vài dòng vắn tắt cho biết, Tống Thị là người đàn bà "chọc trời khuấy nước" trong lịch sử xứ Đàng trong nửa đầu thế kỷ XVII. Sách Đại Nam Thực lục tiền biên chép: "Tống Phước Thông (bấy giờ làm cai cơ) trốn về với họ Trịnh. Con gái đầu của Phước Thông là Tống Thị lấy hoàng tử Kỳ, sinh được ba con trai. Phước Thông mừng cho rằng, sau này được vinh hiển. Khi Kỳ mất, Phước Thông đại thất vọng, bèn dẫn gia quyến lẻn ra ngoài cửa Eo (nay là cửa biển Thuận An) trốn đi, duy có Tống Thị ở lại".

Giống những người đàn bà lừng danh trong lịch sử, Tống Thị hành động theo sức đẩy của hai tham vọng lớn: quyền lực và của cải. Bà có bí quyết "sát" quân vương độc nhất vô nhị. Một số tài liệu cho biết, "ngải yêu" của Thị là chuỗi hoa vòng ngọc liên châu. Vào năm Kỷ Mão (1639), Tống Thị đã dâng Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan thứ bùa đó. Chúa cầm lên ngửi thấy mùi hương thơm ngát, lòng dạ bắt đầu "phiêu phiêu". Thêm nữa, mỹ nhân sụp lạy dưới thềm, thưa trình về tình cảnh goá bụa thảm thiết, khiến chúa cho phép người đẹp được tự do vào ra vương phủ… Lòng say mê dâng cao qua những lần gặp gỡ và em chồng - chị dâu đi vào ái ân hoan lạc bất luận đêm ngày… Nhưng cuối cùng, do lời điều trần của Phạm Nội tán, Tống Thị bị thất sủng.
Picture
Ảnh minh họa.
Nhằm xoay chuyển tình thế, Tống Thị đã viết một mật thư kèm theo xâu chuỗi trăm hoa, nhờ người dâng lên tận tay Chúa Trịnh Tráng, để kích động bạo loạn, nếu cuộc Nam phạt thành công, bà xin về Đàng ngoài hầu hạ Chúa. Nào ngờ quân Trịnh Tráng thua lớn, Tống Thị vỡ mộng, chuyển qua "ve vãn" Nguyễn Phúc Trung và nghĩ là chỉ có ông ta mới lật đổ được cháu mình - Chúa Hiền. Thế là, với kỹ thuật ái ân “tía rụng hồng rơi”, dâm phụ đã chinh phục được lòng nịch ái, đắm say của một võ quan hung bạo và sau đó, xúi Trung đứng ra làm phản, bắt mối với Đàng ngoài.

"Việc bị bại và Trung bị giam xuống ngục, rồi chết. Còn Tống Thị, tang vật đã rõ ràng không thể chạy chữa gì nữa, bị chém và bêu đầu giữa chợ. Theo lệnh Chúa, tịch thu gia sản to lớn của Tống Thị phân phát cho quân, dân trong vùng", sách Đại Nam Thực lục tiền biên ghi.

Nàng Đào Thừa bị đầu độc... nhằm tránh họa Tây Thi

Là vị Chúa Nguyễn thứ 4 trong lịch sử Việt Nam, tại vị đến năm 1687, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần là người chăm lo chính sự, xa rời nữ sắc, yến tiệc và rất biết trọng dụng nhân tài. Thế nhưng, tương truyền, vào tháng 4 năm Nhâm Thìn (1652), giữa đám ca nhi trong phủ Chúa Nguyễn Phúc Tần, có một áng “đào kiểm” thanh quý, lộng lẫy mười phân vẹn mười! Nhan sắc ấy là nàng Đào Thừa – sinh trưởng ở đất Nghệ An, vừa nết na đúng mực trâm anh, cành vàng lá ngọc, lại thêm biệt tài đàn ngọt hát hay - đã nhanh chóng làm phai nhạt, lu mờ tất cả những vẻ thanh tân, tứ lệ của đám phi tần, từng dày công trau chuốt sắc tài… lôi kéo "tình cảm" của Chúa.

"Nhan sắc, tài hoa cùng với ma lực của sóng mắt khuynh thành, nàng Đào Thừa đã chinh phục được trái tim cứng rắn của Hiền Vương", sử sách chép.

Từ khi có Đào Thừa, Chúa lao vào cõi mịt mờ của đam mê sắc dục, bỏ bê quốc sách, đại sự... Nhiều triều thần đã mạnh dạn đứng ra can gián, thẳng thắn vạch rõ cái họa nữ sắc và khẩn cầu Chúa sớm rút lại tấc lòng sủng ái với người đẹp thì bị Hiền Vương giận mắng rằng: "Ta từng nằm gai nếm mật để bảo vệ cơ đồ, nay giống nòi đã vững vàng, trăm họ đã an lạc, há ta chẳng có quyền được cung dưỡng bằng cái vui thanh sắc, yến ẩm hay sao?"

Một hôm, nhân đọc sách Quốc ngữ, Hiền Vương rất chăm chú: “Vua nước Việt là Câu Tiễn đánh nhau với nước Ngô, bị thua. Được Phạm Lãi bày mưu, Câu Tiễn dùng kế mỹ nhân dâng người đẹp Tây Thi cho vua Ngô là Phù Sai. Phù Sai mê nàng Tây Thi quên cả quốc sự, thừa cơ Câu Tiễn đem quân đánh, quân nước Ngô đại bại. Sau khi thắng được Ngô, Phạm Lãi rước Tây Thi về dong chơi vùng Ngũ Hồ, rồi mới mất”. Lúc ấy, Hiền Vương giật mình, bàng hoàng: "Phải chăng nàng Thừa là Tây Thi của Chúa Trịnh đưa từ Nghệ An vào để mê hoặc ta?"

Sáng hôm sau, Chúa sai người đẹp sủng ái Đào Thừa mang đến tư thất của trung thần Nguyễn Cửu Kiều một bộ triều phục mới tinh… và rồi chẳng ai còn thấy nàng trở lại phủ Chúa. Sử sách viết: Chính nàng Thừa khi nhận lệnh, cũng không biết những gì đang diễn biến trong thâm tâm của Hiền Vương, nên càng không biết trong tay áo của bộ triều phục có thuốc độc và bức mật thư ủy thác cho Cửu Kiều "kết liễu đời nàng để tránh cho non nước xứ Đàng trong cái họa Tây Thi".

Phi Tống Thị Quyên bị xử dìm nước chết vì nghi án thông dâm với con ruột

Tống Thị Quyên là vợ yêu của Hoàng tử Cảnh - con trưởng của Vua Gia Long (được phong là Đông cung Nguyên soái quận công và là người sau này nhà vua chỉ định kế nghiệp) và là Nguyễn Phúc Mỹ Đường, Nguyễn Phúc Mỹ Thùy. Mẹ con bà hưởng phúc ấm chưa được bao lâu thì đại họa đã giáng lên đầu. Theo sách Hoàng hậu, hoàng phi Việt Nam, vài năm sau, Hoàng tử Cảnh lâm bệnh. Năm Tân Dậu (1801), lúc mới 21 tuổi, Nguyễn Phúc Cảnh mất vì bị bệnh đậu mùa, để lại một người vợ góa và 2 con côi. Lúc ấy, các vị đại thần đã tâu kiến Gia Long, xin nhà vua xuống chiếu lập Mỹ Đường, cháu dòng đích, làm người kế vị. Vua Gia Long đã nói: "Khi người ta chết đi mà còn để lại món nợ trên đời, thì chủ nợ chỉ tìm con, chứ đâu đòi cháu. Việc này ý ta đã quyết, các ngươi chẳng nên bàn tính thêm". Vậy là, Hoàng tử Đảm, em Nguyễn Phúc Cảnh, được nhà vua chọn nối ngôi. Khi Gia Long băng hà, Đảm tiếp quản triều đình, lấy hiệu là Minh Mạng.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện lược thuật: Năm Minh Mạng thứ 5 (tức năm 1824), có người bí mật tố cáo rằng Mỹ Đường thông dâm với mẹ là Tống Thị Quyên... Vua Minh Mạng đã rất giận dữ, lệnh: "Hành vi của chúng còn hơn chó lợn. Mụ đàn bà lăng loàn ấy, đáng phải bị dìm chết. Ngươi hãy thi hành ngay lệnh của ta. Còn Mỹ Đường, ta nể tình anh trai mà tha cho nó, nhưng từ nay, ta không muốn nhìn thấy nó nữa".

Theo một số tài liệu, để thực thi lệnh của nhà vua, Hoàng thái phi Tống Thị Quyên bị mấy tên lính canh áp giải dẫn đi trong bộ dạng tóc tai rũ rượi. Bà bị giam trong một phòng riêng, không bị xiềng xích, được ăn uống đầy đủ, có giường nệm tử tế, có nước tắm rửa và bô để đi đại tiểu tiện. Thế nhưng, bà hết sức đau khổ vì bị buộc tội thông dâm với con ruột. Bà không được bày tỏ kêu oan, mà chỉ có mỗi một việc phải thừa nhận tội lỗi của mình, để rồi sau đó, bị "xử" dìm nước cho chết.

Một số người cho rằng, Minh Mạng vu oan cho chị dâu và cháu để triệt hạ dòng trưởng, bảo đảm ngai vàng cho mình. Song điều này là không đúng vì ông lên ngôi đường đường chính chính theo lựa chọn của Hoàng đế Gia Long. Vả lại sau 5 năm ngồi trên ngai vàng, địa vị của ông đã quá vững trong khi những thế lực ủng hộ Mỹ Đường nối ngôi đã bị tiêu diệt. Tuy nhiên, đến nay, vụ án Mỹ Đường - Tống Thị Quyên vẫn có nhiều tranh cãi...

Vĩnh Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét