Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

CHUYỆN ÍT BIẾT 9

(ĐC sưu tầm trên NET)

Những hội chợ "ác mộng" trong lịch sử nhân loại

00:00:00 06/05/2015

Hội chợ người, rút thăm trúng thưởng để có được em bé... là những hội chợ ám ảnh trong lịch sử.

Nói tới hội chợ, chúng ta thường sẽ nghĩ tới những gian hàng buôn bán cùng nhiều trò chơi đầy ắp tiếng cười. Thế nhưng đôi khi có những hội chợ lại trở thành cơn ác mộng ám ảnh con người mãi mãi về sau. Dưới đây là một trong những hội chợ như vậy trong lịch sử.

1. Hội chợ… người

Gần giống hội chợ Alaska-Yukon-Pacific, hội chợ quốc tế về thuộc địa (Exposition Coloniale Internationale) đã được tổ chức tại Paris vào năm 1931 với mục đích “khoa trương” cho toàn thế giới về thành quả cuộc chiến tranh mở rộng thuộc địa của Pháp. 

Tại đây có các “vườn thú người” với những lời lẽ quảng cáo rất vô nhân đạo như "Chủng tộc hoang dã tồn tại duy nhất tại các thuộc địa của Pháp. Chủng tộc người siêu kỳ lạ, siêu dị thường siêu tàn bạo. Mức tiến hóa thấp nhất của loài người..." được trưng bày khắp nơi.

Sự phân biệt chủng tộc tới mức man rợ khiến cho các hội chợ kiểu này được các nhà sử học thời bấy giờ gọi là những cơn ác mộng của nhân loại. 


Để mua vui và hút tiền từ khách tham quan, người Pháp đưa những người da màu tại thuộc địa tới đây nhốt trong các lồng và cũi cùng với các loài động vật khác như trong sở thú. 

Xung quanh là khán giả tới chiêm ngưỡng và bàn tán. Nhiều người còn ném đá và lấy gậy chọc như thể đó là một “loài thú lạ” mới được phát hiện. Nhưng phải đến vài tháng sau đó, tháng 11/1931, hội chợ mới bị dẹp bỏ bởi sự lên án mạnh mẽ của một số ít cư dân trong cộng đồng.

2. Rút thăm trúng thưởng để có được… em bé

Vào năm 1909, hội chợ quốc tế Alaska-Yukon-Pacific đã được tổ chức tại thành phố cảng Seattle, Hoa Kỳ. Có nhiều thứ được trưng bày tại hội chợ nhằm kỷ niệm 10 năm thành lập đoàn người đào vàng Klondike này và trong đó có cả con người. 

Theo đó, một nhóm người Eskimo đã được mang tới đây để “trưng bày” như một giống người tối cổ. 50 người Igorot cũng được "tặng" cho một khoảnh đất với vài túp lều cỏ để mua vui trong mấy ngày hội chợ. Còn khách tham quan thì sẽ phải bỏ ra chút tiền để được vào chiêm ngưỡng.

Mỗi người đến tham gia hội chợ sẽ được phát một phiếu để tham gia rút thăm trúng thưởng. Và điều đáng kinh ngạc là phần thưởng cho người chiến thắng là một đứa bé sơ sinh. 


Theo thời báo Seattle, em bé một tháng tuổi này có tên Ernest đã bị bố mẹ bỏ rơi và đã trở thành “tài sản” của Trung tâm bảo trợ xã hội Washington.

Tại hội chợ năm đó, một người đã trúng giải thưởng này. Tuy nhiên, không ai biết số phận của đứa bé đó đã trôi về đâu cho đến tận bây giờ. 

3. Đốt hội chợ vì trận đấu bò

Thay vì không khí nhộn nhịp vui vẻ thường thấy, hội chợ Louisiana Purchase diễn ra vào năm 1904 tại Bang Missouri, Mỹ lại mang một không gian đau buồn bởi chỉ vừa mới diễn ra được một tuần nhưng mọi thứ đã bị thiêu rụi. Thậm chí đã có án mạng xảy ra tại hội chợ.

Tại hội chợ này, người ta đã tổ chức một trận đấu bò. Tuy rằng việc tổ chức đấu bò trong hội chợ là bất hợp pháp nhưng chủ hội chợ vẫn khá thành công với hàng ngàn vé được bán ra.

Thống đốc bang Missouri - Alexander Monroe Dockery đã phải dùng vũ lực để ngăn trận đấu diễn ra và tuyên bố những ai vi phạm sẽ bị bắt giữ. Tuy nhiên, chỉ mới diễn ra được một hai trận, do chia chác không đều, trận đấu bò đã nhanh chóng biến thành “xới vật” của các phần tử manh động. 


Họ xúi giục đám đông ném đá vào các sỹ quan và châm lửa đốt cháy mọi thứ. Ác mộng vẫn chưa chấm dứt, không lâu sau đó, án mạng xảy ra khi những người quản lý trận đấu bị các dũng sỹ đấu bò sát hại trong một vụ tranh chấp về tiền lương.

4. Hội chợ đẫm máu

Những người dân Mỹ ngày nay vẫn kể về hội chợ Quốc tế Columbian như một câu chuyện kinh dị. Được tổ chức vào ngày 01 tháng 5 năm 1893 tại bang Chicago, đây là hội chợ quốc tế đầu tiên bày bán kẹo cao su, kem lúa mì và các sản phẩm công nghệ mang tính cách mạng như máy rửa bát và bóng đèn huỳnh quang. Nhưng hội chợ cũng để lại nhiều ám ảnh bởi những vụ giết người man rợ khó hiểu.

Tiến sỹ Henry Howard Holmes - có tiền sử bệnh tâm thần được cho là chủ mưu của vụ giết người hàng loạt tại hội chợ.

Ông đã xây một khách sạn 3 tầng ngụy trang một cái bẫy giết người tinh vi. Hàng chục người vào ở khách sạn này đã có số phận thảm khốc khi bị tra tấn đến chết. Không ai biết chuyện này cho tới khi hội chợ kết thúc.


Cùng lúc đó, vào ngày 28 tháng 10 năm 1893, chỉ 2 ngày trước lễ bế mạc, thị trưởng vừa đắc cử của bang Chicago - Carter Harrison đã bị ám sát bởi một người mất trí trong văn phòng. Cả thành phố bị sốc và ban tổ chức hội chợ đã phải cho hủy lễ bế mạc xa hoa thay vào đó là lễ tang của người lãnh đạo thành phố.

Nguồn: Cracked, Wikipedia
Theo Thanh Long / Trí Thức Trẻ

Người xưa "khoe khéo" mình thuộc dòng dõi quý tộc như thế nào

00:00:00 06/04/2015

    Đi guốc cao tới 50cm, da trắng bệch, cạo sạch lông mày... là những điểm dễ nhận thấy ở giới quý tộc xa xưa.

    Để phân biệt rõ nét với những tầng lớp khác, giới quý tộc thời xưa đã có những cách làm mình trở nên nổi bật, tỏa sáng hơn trong mắt người khác. Đó không chỉ đơn giản là khoác trên mình một bộ trang phục cầu kỳ, một chiếc mũ đội đúng kiểu... mà sự thật là họ nắm trong tay "bí kíp" giúp mình ấn tượng hơn thế.

    Những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết được lớp người thuộc về giới quý tộc thời xưa. 

    1. Giới thượng lưu là phải đeo những đôi hoa tai bằng vàng to, lóng lánh

    Từ khoảng năm 3000 TCN, khi vàng có thể được nung nóng chảy để dát mỏng và tạo hình, trang sức bằng vàng cũng ra đời. Từ đó, vàng luôn là kim loại được yêu thích nhất trong nghệ thuật tạo tác nữ trang tại Ai Cập vì màu sắc ấm áp, vẻ sáng bóng của nó.

    Tuy nhiên, ban đầu, người xưa xem việc bấm/ xỏ lỗ tai như một trong những hành động sửa đổi cơ thể đầu tiên trong lịch sử và lấy đó là mốc quan trọng phân biệt giữa người giàu có, quyền uy trong xã hội.

    Trang phục của tầng lớp thượng lưu thời Ai Cập cổ đại được chú trọng bởi chất liệu vải lanh thượng hạng cùng họa tiết hoa văn cầu kỳ, sắc nét. 

    Cùng với đó, họ đeo trên mình những đôi hoa tai bằng vàng lớn, cùng viên ngọc trai to và được chạm khắc tinh tế. Họ tin rằng trang sức chứa trong đó một sức mạnh thần bí, đem lại sự may mắn cho người đeo. Dường như, hoa tai bằng vàng càng lớn càng thể hiện sự sang trọng và quý tộc của thời này. 

    2. Quý tộc là sở hữu làn da "trắng sáng"

    Vào thế kỷ XVI, người ta cho rằng chỉ có những người sống trong giàu sang, thuộc hàng quý tộc mới có được làn da trắng còn những người ở tầng lớp thấp, lao động chân tay thì luôn có làn da đen, thiếu sức sống. 

    Chính vì vậy, làn da nhợt nhạt, trắng bệch được coi là biểu hiện của một người có sức khỏe tốt và sự quý phái. Nữ hoàng nước Anh - Elizabeth I nổi tiếng với nước da trắng bệch đã được coi là tiêu chuẩn cho vẻ đẹp thời bây giờ.

    Và để có được làn da trắng như ý, người xưa đã sử dụng một loại bột trắng là bột chì carbonat (thường dùng trong hội họa) hay thủy ngân để bôi lên mặt. 


    Ít ai ngờ, việc lạm dụng thủy ngân đã khiến cho tầng lớp quý tộc xưa mau chóng kết bạn với Tử thần. Bởi thủy ngân, chì là một chất cực hại cho cơ thể, chúng phá hủy hệ thần kinh người dùng, gây ra các cơn đau đầu, mất ngủ kéo dài... dần dẫn đến tử vong.

    3. Da không chỉ trắng mà trán càng rộng càng sang

    Không chỉ làm mọi cách cho làn da mình được trắng sáng, các phụ nữ quý tộc thời thế kỷ XIV - XVI còn tìm đủ phương pháp để mình có vầng trán cao, rộng hết mức có thể. Theo người xưa, vầng trán cao sẽ khiến họ trông sang trọng, quý phái và uyên bác hơn.

    Để có được vẻ đẹp này, tầng lớp quý tộc xưa đã nhổ bớt lông mày của mình, kéo hết tóc ra sau, lộ đường chân tóc để tăng phần quyến rũ.

    4. Quý tộc là phải đi guốc cao... 50cm

    Được phát minh từ thời kỳ Phục Hưng nhưng những đôi giày chopines chỉ thực sự nổi tiếng khi được các nhà quý tộc Ý thế kỷ XV - XVII lựa chọn và yêu thích.


    Cận cảnh một đôi chopines giúp tôn dáng, tăng chiều cao của giới quý tộc xưa.

    Với mục đích tôn dáng và giúp người dùng đạt chiều cao lý tưởng mà những đôi giày chopines được thiết kế cao dựng đứng khoảng 18cm. Đặc biệt hơn có những đôi cao tới 50cm. 

    Sở dĩ những đôi giày này có chiều cao "khủng" như vậy là bởi chúng sẽ giúp bộ váy thướt tha của quý bà xưa không bị lấm bẩn trên đường phố. 

    Những đôi giày chopines này hầu hết được làm từ gỗ, bao phủ ngoài bằng vải nhung hay tơ lụa. Kỳ công hơn, những đôi giày được trang trí bằng vải ren bạc, đinh bấm và sợi tua rua sang trọng. 

    Tuy nhiên thật đáng tiếc là hiếm khi những người quý tộc xưa để lộ đôi giày chopines mà luôn giấu chúng trong những bộ váy dài trùm chân.

    Nguồn: Demodecouture, Cracked

    Những quan niệm "ai cũng tưởng là đúng" về cướp biển thời xa xưa

    00:00:00 04/10/20

    Cướp biển không thích nuôi vẹt, cố ý chặt chân và giấu kho báu rất kém... là những bí mật không phải ai cũng biết.

    Nhắc tới cướp biển, người ta thường nghĩ ngay tới những hình ảnh man rợ hay các trận chiến đẫm máu trên biển để cướp bóc của cải. Trong suy nghĩ của phần đông chúng ta, cướp biển là những kẻ độc ác và máu lạnh, giết người không ghê tay. 

    Tuy nhiên, các quan niệm trên không hoàn toàn là sự thật. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, không ít sự thật về cướp biển đã bị che giấu hay nói quá lên bởi các thần thoại, phim ảnh, phương tiện truyền thông... Dưới đây là danh sách các lầm tưởng mà chúng ta thường gặp mỗi khi nhắc tới cướp biển.

    1. Cướp biển khát máu và thích giết người bằng nghi lễ "tấm ván"
    Đây có lẽ là điều đầu tiên hiện ra trong suy nghĩ mỗi người khi nghe cụm từ "cướp biển". Cụ thể, phần lớn chúng ta đều tin rằng, cướp biển thích tra tấn tâm lý của nạn nhân và lấy việc giết người làm thú tiêu khiển. 


    Tranh vẽ minh họa nghi lễ "tấm ván" nổi tiếng.
    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử đã khẳng định đây hoàn toàn chỉ là một lời đồn đoán. Theo những ghi chép quý hiếm còn sót lại, cướp biển không hứng thú với việc giết người. 

    Bởi với cướp biển, của cải, vàng bạc mới thật sự là điều chúng mong muốn. Thực tế ghi nhận, ngay cả vào thời kì hoàng kim của cướp biển (1690 - 1730), chỉ có vài lần nghi lễ này được tiến hành mà thôi.


    Tạo hình nghi lễ giết người có 1-0-2 của cướp biển trên màn ảnh.

    Về phần tin đồn trên, lí do chính khiến mọi người tin nó là sự thật bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết Đảo kho báu của Robert Louis Stevenson năm 1883 và vở kịch Peter Pan của J.M. Barrie năm 1904. Hai tác phẩm nổi tiếng này có nhắc tới nghi lễ "tấm ván", từ đó khiến tin đồn về chúng lan rộng ra khắp nơi và trở thành niềm tin phổ biến.

    2. Cướp biển khét tiếng thường nuôi vẹt trên vai

    Nếu là fan ruột của những bộ phim cướp biển thì hình ảnh những tên trùm hải tặc nuôi vẹt trên vai có lẽ đã ăn sâu vào suy nghĩ của bạn. Song, nếu vì thế mà cho rằng, cướp biển thích có thú cưng thì chắc chắn bạn đã nhầm. 

    Chẳng những không yêu thương động vật, cướp biển còn lợi dụng những con vật bé nhỏ này để kiếm chác của cải.

    Trong suốt thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII, cướp biển hoành hành trên khắp Đại Tây Dương để cướp bóc vơ vét của cải. Thiên đường của chúng là vùng biển Caribbean và Trung Mỹ - nơi có lượng lớn tàu bè hàng hóa qua lại. 

    Đồng thời, đây cũng là quê hương những loài vẹt đầy màu sắc. Mặt khác, giai đoạn này ở châu Âu, tầng lớp quý tộc (nhất là ở Pháp) đã khởi xướng trào lưu chơi thú cưng vừa độc, vừa lạ. 


    Vẹt và các loài động vật hiếm là đối tượng săn lùng của những tên cướp biển.
    Cũng vì lý do này mà những con vẹt ở Caribbean trở thành "mỏ vàng" đối với cướp biển. Theo những tài liệu còn sót lại tới nay, cướp biển thường xuyên săn lùng, bắt những con vẹt hay khỉ thật đẹp, đem về đất liền để buôn bán kiếm lời. Đặc biệt, chúng còn dùng những con vật này làm quà hối lộ cho các quý tộc nhằm thoát khỏi vòng tù tội. 


    Những con vẹt tuyệt đẹp sẽ trở thành món quà hối lộ tuyệt vời cho tầng lớp quý tộc châu Âu thời xưa.
    3. Cướp biển giỏi là phải... cụt chân

    Chúng ta có lẽ đã quá quen với hình ảnh những tên cướp biển chột mắt, cụt tay hoặc cụt chân trong các bộ phim nổi tiếng về đề tài này. Điều đó khiến không ít người đôi khi nghĩ rằng: cướp biển không bị thương mà chỉ cố tình giả trang và làm vậy cho "ngầu". 


    Liệu đây có đơn thuần là một kiểu thời trang độc đáo?

    Tuy nhiên, đó không phải là những tên hải tặc thật trong lịch sử bởi lẽ, cướp biển sợ cụt chân như sợ cái chết. Nguyên nhân là vì thời đó, y học chưa phát triển. 

    Đặc biệt, bạn sẽ không thể tìm thấy một bác sĩ giỏi lại gia nhập đội quân cướp bóc trên biển. Do đó, sau các trận chiến đấu, những tên cướp biển bị thương chi dưới sẽ phải cắt bỏ chân hoàn toàn. Và bác sĩ bất đắc dĩ chính là đầu bếp trên tàu.


    Những trận chiến không khoan nhượng khiến không ít cướp biển phải cưa bỏ chân.

    Với cách chữa trị tạm bợ này, hầu hết hải tặc đã bị cắt chân sẽ không còn sống được nữa vì mất máu hoặc vết thương nhiễm trùng. Một số trường hợp còn sống sót, họ cũng không thể tiếp tục làm cướp biển mà buộc phải giải nghệ vì không thể đủ sức tham gia các trận chiến như trước nữa.


    Ngay cả trên phim, những tên cướp biển khét tiếng nhất cũng không bao giờ... cụt chân.
    4. Cướp biển thường... giấu kho báu rất kỹ

    Ai cũng nghĩ rằng cướp biển nào cũng có thói quen giấu kho báu rồi vẽ bản đồ để sau này tìm lại. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là quan niệm "ảo" chỉ có trong thần thoại mà thôi.


    Những tấm bản đồ như thế này từng là mục tiêu săn đuổi của rất nhiều người.
    Kì thực, cướp biển là những kẻ hoang phí, thường xuyên đốt tiền cướp được vào rượu chè và cờ bạc. Họ hầu như không tích lũy được quá nhiều tiền để chôn thành kho báu.


    Thay vì tích trữ của cải, cướp biển thường tiêu xài hoang phí chúng tại các quán rượu và chơi cờ bạc.
    Thậm chí, trong lịch sử mới chỉ có ba trường hợp ghi chép về việc cướp biển chôn của cải. Đó là trường hợp của Francis Drake năm 1573, Roche Braziliano vào thế kỷ XVII và thuyền trưởng William Kidd năm 1699. 

    Đáng kể hơn, các kho báu này đều rất dễ được tìm ra mà chẳng cần tới bản đồ hay chỉ dẫn như trong các thần thoại. Điển hình như kho báu của thuyền trưởng Kidd được tìm ra bởi người Anh trên đảo Long và dùng làm bằng chứng kết tội hắn diễn ra ngay khi tên cướp biển còn sống.

    Những kho báu khổng lồ như thế này... có lẽ chỉ có ở trên phim mà thôi!

    (Nguồn: Today I Found Out, Mental Floss, Wikipedia)
    Theo Hoàng Mạnh / Mask Online

    Những trào lưu siêu hot nhưng nguy hiểm tính mạng trong lịch sử

    00:00:01 04/07/2015

    Nổi tiếng, thu hút nhiều người tham gia song những trào lưu này cũng ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm tới tính mạng con người.

    Không ít người trong chúng ta luôn thích chạy theo các trào lưu, xu hướng mới. Những trào lưu nào càng “hot” sẽ càng thu hút số lượng fan đông đảo. Nhưng việc được nhiều người hưởng ứng không đồng nghĩa trào lưu đó sẽ đem lại điều có ích hay tốt đẹp.

    Ngược lại, không ít các trào lưu nổi tiếng trong lịch sử có thể gây nguy hiểm thậm chí đe dọa tính mạng con người. Chúng ta hãy cùng xem qua một vài trào lưu tuy rất phổ biến nhưng lại ẩn chứa sự “chết chóc” dưới đây nhé!

    1. "Đập nát xương chân" để bó gót sen hồng

    Hơn 1.000 năm trước tại Trung Quốc, bó chân là tục lệ phổ biến của phụ nữ. Những người phụ nữ phải làm gãy xương bàn chân của họ và bó lại thật chặt để khiến bàn chân nhỏ lại. 

    Dáng đi yểu điệu và một đôi chân nhỏ nhắn thời đó được xem như là một nét nữ tính được nhiều cô gái làm theo. Tuy nhiên khoa học đã chứng minh tác hại khủng khiếp mà tục bó chân này gây ra. 

    Ước tính, cứ 10 phụ nữ thực hiện tục lệ này thì có một người bị chết vì nhiễm trùng máu, hoại tử, hay các bệnh khác. Những người còn sống cũng phải chịu chấn thương suốt phần đời còn lại. Họ gần như không thể làm được bất kỳ công việc nặng nào bởi mất khả năng đi đứng như người bình thường.

    2. Hít khí "gây cười" để giải trí

    Vào năm 1799, một trào lưu mới được phổ biến tại nước Anh. Những người còn trẻ tuổi nhưng có tính tình đa cảm sẽ được cho hít khí nitrous oxide (khí gây cười) tại các bữa tiệc như một loại thuốc để giải trí. 

    Tuy nhiên, đây không phải một loại khí hoàn toàn vô hại. Tiếp xúc ngắn hạn nitrous oxide gây giảm khả năng hoạt động thần kinh, nghe nhìn, các hành vi đòi hỏi sự khéo léo. Nếu tiếp xúc lâu dài có thể gây thiếu hụt vitamin B12, tê liệt và thậm chí tử vong.

    3. Mặc vải mỏng Muslin để quyến rũ

    Cuối thế kỷ XVIII, vải muslin được xem như sự lựa chọn của các quý cô thanh lịch. Nhưng loại vải này được thiết kế dành cho thời tiết nóng bức tại Ấn Độ, không phù hợp với thời tiết lạnh và ẩm ướt trong mùa đông của Châu Âu. 

    Vì thế, mốt chuộng quần áo may từ vải muslin đã dẫn đến sự lan tràn căn bệnh viêm phổi năm 1803 với biệt danh “bệnh dịch muslin”.

    4. Cổ áo nam giới càng khít càng "xinh"

    Mốt thời trang của các quý ông vào thế kỷ XIX là những chiếc cổ áo cao có thể tháo rời. Chúng còn được gọi với cái tên nghe khá lạ: “Sát thủ của những người cha”. 

    Cổ áo này có cấu trúc bao khít quanh cổ người đàn ông. Chúng cứng và khít tới nỗi có thể chặn sự lưu thông máu, gây áp-xe não hay thậm chí ngạt thở. 

    Năm 1912, một nạn nhân tiêu biểu của chiếc cổ áo này là William F. Dillon. Do mắc chứng khó tiêu nên cổ họng Dillon bị sưng lên nhẹ và chiếc cổ áo quá chật đã bóp nghẹt phần cổ khiến ông tử vong vì ngạt thở. 

    5. Mốt nhuộm xanh quần áo

    Đầu thế kỷ XIX, một trong những chất nhuộm màu được dùng phổ biến nhất có tên gọi “Scheele’s Green”. Đây là một chất có màu xanh lục đậm được dùng nhuộm hầu như tất cả mọi thứ từ váy áo, bít tất, tới tường nhà. 

    Nhưng đáng tiếc ít ai biết rằng, “Scheele’s Green” làm từ hợp chất đồng arsenite. Khi chất này bị ẩm hoặc mốc, phản ứng hóa học xảy ra sẽ giải phóng ra arsenic, hay còn gọi là thạch tín ở dạng khí, gây nhiễm độc cho những người tiếp xúc với chúng một cách từ từ.

    6. "Thử thách" cho xe lửa đối đầu nhau 

    Trong giai đoạn 1890 – 1980, người Mỹ rất chuộng những màn trình diễn cho xe lửa đâm nhau. Nội dung của màn biểu diễn này là sắp đặt sao cho hai đầu máy xe lửa tông thẳng vào nhau trên cùng một đường ray trước sự chứng kiến của đám đông khán giả.

    Tuy nhiên, trào lưu này chẳng hề vui vẻ mà thực ra vô cùng nguy hiểm. Năm 1896, tại Texas, một màn đâm xe lửa như vậy đã tạo nên thảm họa. Khi tông vào nhau ở tốc độ 72 km/h, nồi hơi ở hai xe lửa phát nổ, bắn các mảnh kim loại vào đám đông, giết chết hai người và khiến nhiều người bị thương.

    7. Dùng celluloid để làm đẹp

    Vào đầu thập niên 1900, celluloid được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, một trong số ứng dụng là làm chất liệu cho các món đồ trang điểm của phái nữ, ví dụ lược cài tóc. 

    Tuy nhiên, đây cũng là một chất rất dễ bắt lửa, từng gây nên nhiều vụ cháy nhà máy sản xuất cũng như thỉnh thoảng gây cháy tóc phụ nữ và trẻ em.

    8. Khiêu vũ marathon để đo sức chịu đựng

    Các buổi khiêu vũ marathon rất phổ biến tại Mỹ trong thời kỳ Tiền suy thoái những năm 1920. Những người tham gia trào lưu này sẽ khiêu vũ suốt hàng giờ, hàng ngày thậm chí hàng tuần như một bài kiểm tra sức chịu đựng. 

    Những buổi khiêu vũ như vậy ban đầu thu hút rất nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng gây ra nhiều cái chết thương tâm khi không ít người sẵn sàng nhảy và khiêu vũ cho tới khi kiệt sức. Cuối cùng, để bảo đảm sự an toàn cho người dân, nhiều bang ở Mỹ đã cấm các sự kiện có khiêu vũ marathon.

    Nguồn: Cracked, NYTimes, The Guardian, DailyBeast
    Theo Minh Khánh / Trí Thức Trẻ

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét