Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

DU LỊCH KHÔNG TỐN TIỀN 19

(ĐC sưu tầm trên NET)



10 điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Myanmar


Myanmar (hay Miến Điện, Burma) là vùng đất thiêng của Phật giáo với những ngôi chùa Vàng, các vị sư áo đỏ và những tu viện cổ kính. Bên cạnh đó, rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp của quốc gia này cũng là điểm nhấn níu chân khách đường xa.
Có thể nói, Myanmar không chỉ là vùng đất hành hương linh thiêng của những đệ tử nhà Phật mà còn ẩn chứa rất nhiều điều lý thú chờ đợi những ai đam mê du lịch khám phá. Dưới đây, iVIVU xin giới thiệu 10 địa điểm du lịch độc đáo chỉ có tại Myanmar, bạn đừng quên ghé thăm khi đến đất nước xinh đẹp này nhé!
1. Chùa vàng Swedagon (Yangon)
Đây là biểu tượng vàng của đất nước Myanmar, ngôi chùa có tuổi đời 2500 năm, tương truyền nó ra đời trước khi Đức Phật Thích Ca qua đời. Đỉnh tháp vàng của Swedagon cao tới 98m cùng rất nhiều tháp nhỏ hơn ở xung quanh lưu giữ nhiều báu vật linh thiêng của Phật giáo. Tuy trải qua chiến tranh và thiên tai, nhưng đến nay Swedagon vẫn là ngôi chùa bề thế bậc nhất thế giới.
Chùa Vàng Shwedagon - Myanmar
Chùa Vàng Shwedagon nằm trong quần thể chùa tháp tráng lệ

Tham khảo danh sách các khách sạn Yagon – Myanmar

2. Hòn đá vàng Golden Rock (Mon State)
Nằm cách Yangon hơn 200km, hòn đá vàng nằm ở độ cao 1.100m, cùng với ngôi chùa nhỏ bé Kyaiktyo tạo nên một quần thể di tích vô cùng độc đáo. Golden Rock nổi tiếng bởi sự chênh vênh (phần tiếp xúc với núi chỉ vỏn vẹn 78cm2) và bề mặt được dát vàng.
hòn đá vàng Golden Rock
Ngôi chùa nhỏ cùng hòn đá vàng nằm chênh vênh trên núi
Muốn được vào ngôi chùa Kyaiktyo ở tận trên đỉnh, bạn chắc chắn phải vượt qua hòn đá vàng kỳ lạ này. Tuy nhiên chỉ có nam giới mới được tới gần Golden Rock, còn phụ nữ chỉ có thể ngắm hòn đá từ xa mà thôi.
3. Chùa vàng Shwezigon (Bagan)
Nằm ở Bagan (kinh đô của vương quốc Pagan xưa, nơi vẫn còn tập trung hàng ngàn ngôi đền lớn nhỏ), Shwezigon là ngôi chùa Vàng lớn thứ hai ở Myanmar, được xây dựng từ thế kỷ 12 và cũng có cấu trúc chùa tháp lộng lẫy giống như chùa Swedagon.
Chùa vàng Shwezigon Myanmar
Chùa vàng Shwezigon Myanmar
4. Đền Shwesandaw (Bagan)
Ở Bagan, bạn hãy tìm đến Shwesandaw vào mỗi buổi hoàng hôn để ngắm mặt trời lặn. Đứng từ đây, bạn có thể ngắm cả vùng đất Bagan huyền thoại với hàng nghìn ngôi đền, tháp lớn nhỏ, chìm dần vào bóng chiều tà, một cảnh tượng vô cùng ấn tượng và huyền ảo.
Đền Shwesandaw Myanmar
Đền Shwesandaw Myanmar
5. Đền Ananda (Bagan)
Cũng nằm ở Bagan, Ananda được xây dựng vào cùng khoảng thời gian thế kỷ 11-12. Đây là minh chứng cho một thời kỳ vàng son của vương quốc Bagan dưới sự trị vì của đức vua Tilinman vĩ đại. Ananda có qui mô đồ sộ cùng lối kiến trúc độc đáo, không giống như hai ngôi chùa Vàng nổi tiếng ở trên và cũng không giống bất kỳ ngôi đền tháp nào ở khu vực Bagan.
Đền Ananda Myanmar
Đền Ananda Myanmar

Danh sách khách sạn Bagan bạn không nên bỏ lỡ

6. Đền Mahamuni (Mandalay)
Mandalay là cố đô của Miến Điện, nơi đây tập trung rất nhiều đền, chùa và số lượng người tu hành kỷ lục. Đền Mahamuni là biểu tượng vàng của Mandalay, được xây dựng từ thế kỷ 18. Ở đây có tượng Phật cao 4m, nặng 6,5 tấn và được dát một lớp vàng dày tới 15cm – do hàng năm các tín đồ Phật giáo vẫn tới đây cúng lễ và tiếp tục dát thêm vàng lên tượng.
Đền  Mahamuni Myanmar
Đền Mahamuni Myanmar
7. Làng Inhwa (Mandalay)
Inwa là ngôi làng nhỏ xinh nép mình bên bờ sông Ayeyarwady. Ngôi làng cổ này là địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều di sản quý như tu viện Bagaya Kyaung được chống bởi 267 cây cột gỗ tếch khổng lồ hay tháp nghiêng Nanmyin cao 27m… Bên cạnh đó, nếp sinh hoạt vẫn tuân theo những nề nếp xưa cũ từ hàng trăm năm nay của dân làng cũng là nét độc đáo đặc biệt thu hút du khách.
tháp nghiêng nanmyin ở làng Inwa
8. Làng Mingun (Mandalay)
Mingun cũng có rất nhiều di tích và danh thắng nhưng nổi bật nhất là quả chuông Mingun và đôi tượng Chinthe được người dân xem như những báu vật. Chinthe (linh vật nửa sư tử nửa rồng) là một đôi tượng khổng lồ đứng canh giữ sát bờ sông. Còn bảo tháp Mingun mang đến cho người đối diện cảm giác choáng ngợp, khối gạch nung màu vàng cam nổi bật trên nền trời xanh cao sừng sững.
bảo tháp Mingun
Bảo tháp Mingun – Myanmar
9. Cầu Ubein (Mandalay)
Cầu Ubein ở làng cổ Amarapura là cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới (1,2km). Cây cầu gỗ bắc ngang sông đã gần 200 tuổi là đường về nhà của những người dân làng Amarapura, con đường hành hương của các vị sư mặc áo thụng dài phấp phới… Cảnh hoàng hôn trên cầu U Bein rực rỡ và gây ấn tượng mạnh đến nỗi bất kỳ du khách nào từng được chiêm ngưỡng đều sẽ ghi nhớ mãi.
Cầu Ubein - Myanmar
Hoàng hôn tuyệt đẹp trên cầu Ubein – Myanmar

Tham khảo danh sách các khách sạn Mandalay – Myanmar

10. Inle Lake (Shan)
Hồ Inle rộng chừng 11km, trải dài 22km từ bắc xuống nam và nằm ở độ cao 875 mét so với mực nước biển. Khi phiêu du trên hồ bạn sẽ trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khi đi qua những ngôi nhà nổi, những chiếc thuyền ngược chiều, những người dân chài với chiếc váy quấn Longiy truyền thống chèo thuyền như những nghệ sỹ bằng một chân giữa mênh mông sóng nước….
Hồ Inle - Myanmar
Dân chài đang chèo thuyền đánh bắt cá trên hồ Inle
***

iVIVU.com giới thiệu cẩm nang du lịch Myanmar đầy đủ và súc tích nhất, bao gồm các thông tin về điểm đến và món ăn ngon của xứ sở chùa vàng.

Du lịch Myanmar (Miến Điện)

Myanmar (Miến Điện), tên chính thức: Cộng hòa Liên bang Myanmar. Là một quốc gia ở Đông Nam Á, tây bắc bán đảo Trung-Ấn.
Nền văn hóa chiếm vị trí trọng yếu là Phật giáo và Bamar. Văn hóa Bamar từng bị ảnh hưởng từ các nền văn hóa các nước xung quanh. Nó được biểu hiện qua ngôn ngữ, ẩm thực, âm nhạc, nhảy múa và sân khấu.
Ẩm thực Myanmar bị ảnh hưởng nhiều từ ẩm thực Ấn Độ, Trung Quốc, Thái, và các nền văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số khác. Món chủ yếu trong ẩm thực Myanmar là gạo. Mỳ và bánh mì cũng là các món thường thấy. Những điểm du lịch Myanmar (Miến Điện) nổi tiếng: Chùa vàng Swedagon (Yangon), hòn đá vàng Golden Rock (Mon State), chùa vàng Shwezigon (Bagan), làng Inhwa (Mandalay), cầu Ubein (Mandalay)… Theo dự báo của ngành du lịch nước này, số khách du lịch trong năm 2013 sẽ tăng trưởng 150% với khoảng 1,5 triệu người nước ngoài.
Khách sạn Myanmar giá tốt

Ngỡ ngàng nụ cười Myanmar (P.1)

(PGVN)

Bạn có tin không? Nếu không hãy đến xử sở của “nụ cười Myanmar” dù chỉ một lần. Hoặc dành vài phút ngắm những bức hình này nhé. Rồi bạn không thể không yêu những nụ cười và những con người Myanmar

Đây không phải là lần đầu tiên tôi đến với đất nước vàng Golden Land Myanmar. Vùng đất và con người nơi đây luôn thôi thúc tôi quay lại và muốn quay lại nhiều lần. Là người đã có đến mấy trăm chuyến ngao du đến hơn bốn mươi quốc gia nhưng Myanmar đặc biệt cuốn hút tôi. Chẳng vậy mà chuyến đi trước mới diễn ra vào tháng 6 mà ngay sau khi kết thúc Tết Sách trên đường Nguyễn Huệ, ngày mồng 5 Tết chúng tôi đã lên đường.

Đón chúng tôi ở sân bay Yangon là những nụ cười. Bạn sẽ phản ứng, bởi ở sân nay nào mà các nhân viên cửa khẩu và hải quan chẳng vui cười đón khách du lịch (thậm chí ngay tại sân bay hay cửa khẩu Việt Nam bây giờ cũng có cả nụ cười đón và tiễn bạn nữa mà), bởi họ mang lại nguồn thu lớn cho quốc gia. Tuy nhiên tôi đặc biệt ấn tượng với nụ cười Myanmar vì những nụ cười này đặc biệt hiền hậu.
Tôi có cảm giác người Myanmar cười từ trái tim của mình, từ đáy lòng mình. Họ cười không xã giao, không khách sáo. Họ cười hồn nhiên và tự nhiên như chúng ta vẫn thở. Họ cười như thế không cười thì chết mất. Họ cười nhẹ nhàng và sâu lắng. Họ cười ấn tương và bắt ta phải nhớ. Lạ lắm.

Người cười đẹp nhiều nhất với chúng tôi là những người bạn địa phương đồng hành cùng  trên mỗi chuyến đi. May mắn thay khi 16 chúng tôi đều đi đâu cũng có bạn người địa phương đồng hành tuyệt diệu đến vậy. Họ rất hiểu biết và khiêm nhường. Rất mến khách và tràn ngập năng lượng. Họ là những con người rất đặc biệt – hình như chỉ biết mang niềm vui cho người khác. Họ nhiệt tình đến lạ kỳ. Nụ cười luôn nhẹ nhàng trên môi họ dù có mệt đến mấy. Phải chăng vì biết chúng tôi là con Phật nên họ không muốn chúng tôi buồn?

Vào bất cứ nơi nào, bất cứ chùa hay tu viện nào, bất cứ danh lam thắng cảnh hay khu du lịch nào, các bạn Myanmar cũng cười rất tươi. Ngay cả những người bán hàng.
 Nụ cười Myanmar
Tôi nhớ nhất những em bé bán hàng rong. Có đến gần chục đứa bé như vậy làm cho tôi nhớ. Bởi các cháu rất dễ thương. Bởi nụ cười nhẹ nhàng rất hấp dẫn. Mua hay không cũng không quan trọng. Kiểu gì các cháu cũng vô tư cũng tặng cho chúng tôi những nụ cười hồn nhiên.

Có một bé đi bán mũ. Mỗi chiếc mũ là một đô la hoặc một ngàn chạt. Tôi không mua. Cả đoàn cũng không ai mua vì chúng tôi dã mang theo từ Việt Nam rồi. Em vẫn theo để nói chuyện. Cuối cùng tôi tặng em một ngàn chạt. Em không tỏ ra mừng rỡ mà rất bình thản. Thay vì nhận được chiếc mũ tôi nhận được những nụ cười chất phác đến sững sờ. Nhớ lắm bé ơi.

Trên đường leo núi, chúng tôi thấy những người đội đá. Trên đầu họ là những viên đá rất lớn. Họ đội lên đề xây chùa.  Mùa hôi đầm đìa. Vậy mà gặp chúng tôi họ vẫn tặng những nụ cười.

Chúng tôi gặp những người gùi hàng thuê cho các đoàn leo núi, gặp những nhóm bốn người khênh khách du lịch lên cao. Mồ hôi thấm đẫm những chiếc áo. Vậy mà họ vẫn cười rất tươi với chúng tôi.
 Lại thêm một nụ cười
Tôi ấn tượng với những người đánh xe ngựa ở Bagan. Họ hiền lành lắm. Nhưng họ cười đẹp và thánh thiện vô cùng. Rồi tôi tiếp xúc với những con ngựa của họ. Tôi vuốt ve những chú ngựa để động viên và cám ơn. Tôi cảm nhận được cả sự mừng vui và những nụ cười của ngựa. Lạ vô cùng.

Chúng tôi gặp con người Myanmar ở khắp mọi nơi, với mọi lứa tuổi. Có môt nét chung của họ: những nụ cười rất thật thà. Mọi người trong đoàn cho rằng, bởi Myanmar là đất nước Phật giáo, phần lớn dân số đất nước này theo đạo Phật, nên chất Phật dã ngấm sâu vào họ từ lúc chưa sinh ra. Vậy nên họ rất bình an và nhẹ nhàng, chan chứa yêu thương và bao dung. Vậy nên tâm từ bi của họ toát ra bên ngoài, hiện lên từng khuôn mặt.
 Một rừng nụ cười tươi
Thêm chuyến đi này, tôi càng ấn tượng và ghi nhớ sâu sắc nụ cười Myanmar. Đoàn chúng tôi có 16 thành viên và khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, theo gợi ý của chị Hoa, chúng tôi cam kết nhắc nhau mỉm cười. Mỗi khi gặp nhau hoặc khi nghĩ về nhau, chúng tôi luôn gửi thông điệp cho nhau “nụ cười Myanmar”. Và khi đó ai cũng thấy nhẹ nhõm, thanh thản và bình yên đến lạ kỳ.
Bạn có tin không? Nếu không hãy đến xử sở của “nụ cười Myanmar” dù chỉ một lần. Hoặc dành vài phút ngắm những bức hình này nhé. Rồi bạn không thể không yêu những nụ cười và những con người Myanmar

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

Thật thà như người Myanmar (P.2)

(PGVN)

Chúng tôi lên tham quan Golden Rock, một ngôi chùa tháp rất linh thiêng nằm trên một tảng đá vàng. Đoàn dự kiến 10h tối sẽ về khách sạn. Tuy nhiên, do cảnh quá đẹp, không khí linh thiêng, tinh thần tuyệt vời nên tận gần 24h đêm chúng tôi mới rời Golden Rock để về khách sạn.

Theo quy định của tất cả các ngôi chùa tại đất nước Myanmar, dày dép phải để bên ngoài, kể cả tất, vớ các loại. Ở Golden Rock, khu vực để dép và dày cách chùa quãng gần chục phút đi bộ. Cũng như ở một nơi khác, khu vực để dày dép hay có một người trông coi.
 Kỳ diệu tư thế của ngôi chùa trên đá chồng
Nửa đêm xuống thì không thấy dép dày của mình còn nữa. Chúng tôi nghĩ cũng bình thường bởi ở nơi công cộng như thế này, chuyện mất dày dép là bình thường. Hơn nữa chúng tôi lại rời Golden Rock quá muộn. Đi chân đất về khách sạn và cả 3 chúng tôi nghĩ đến phương án tìm mua dày dép mới để quay về Bago rồi đi tiếp Yagon cũng như các vùng khác.

Sáng hôm sau, chúng tôi ngủ dậy từ 3 giờ sáng để lên lễ Phật. Dĩ nhiên là đi chân đất từ khách sạn vì chưa kịp mua gì cả. Tuy nhiên, lúc 7h sáng, khi xuống núi quay về khách sạn, chúng tôi bất ngờ thấy dày dép của mình còn nguyên. Hóa ra người quản lý đã cất giùm chúng tôi.
Chuyện thứ hai cũng đáng chú ý – một bạn trong đoàn quên một túi đồ khá lớn. Trong túi có đồ ăn và một số vật dụng khác. Đa phần mọi người nghĩ rằng đã mất, quay lại làm gì còn. Bất ngờ vô cùng cho cả đoàn: túi đồ vẫn ở nguyên chỗ cũ không hề suy chuyển vị trí.

Hơn 22h đêm chúng tôi ghé thăm một cửa hàng bán tượng gỗ ở Bagan với mong muốn mua quà. Một số bạn đã mua được những món đồ như ý và thanh toán. Tuy nhiên, anh chủ cửa hàng nhận tiền và để ngay trên bàn, không hề cất vào ngăn kéo hay bỏ vào túi mình.

Cũng rất lạ rằng cửa hàng với biết bao đồ đạc mà ban đêm không cần cổng cao tường lớn để bảo vệ, để chống trộm cắp như ở Việt Nam. Mà mỗi món đồ gỗ này đều khá đắt tiền. Thật là lạ.
Tại hồ Inle, chúng tôi đi tham quan một chợ phiên. Ở đây bán rất nhiều hàng hóa, trong đó có nhiều đồ lưu niệm. Tôi chủ yếu đi ngắm và khám phá. Tuy nhiên tôi đã chụp được khá nhiều bức ảnh mà các chủ cửa hàng chỉ để tiền trên quầy, có khi đè lên cục đá hay món đồ định bán. Họ không hề cất tiền đi. Tôi cứ nghĩ: ở Việt Nam ta, cất tiền vào túi, cho tiền vào tủ còn mất chứ nói gì…Ở nhà mình mà để thế này, quay đi quay lại mất ngay là chắc.

Trong một cửa hàng bán tượng gần Mahamoni thành phố Mandalay, chúng tôi cũng thấy chủ cửa hàng để tiền ngay trên lối đi. Lại vẫn hớ hênh sờ sờ trước mặt khách tham quan. Lạ thật.
Ngày cuối trước khi rời Yangon, chúng tôi đi chpự trung tâm. Thời gian còn ít nên các thành viên trong đoàn tranh thủ mua sắm. Anh Đương bạn tôi móc ví trả tiền cho chủ và để nguyên lại ví tiền nơi đó. Lát sau, chủ cửa hàng tìm được môt người Việt (may thay là thành viên đoàn tôi) để nhờ nhắn xem có ai Việt Nam quên ví tiền để quay lại lấy. Anh Đương quay lại nhận ví còn nguyên vẹn trong sự ngỡ ngàng. Tôi không biết trong ví anh còn bao nhiêu chạt (tiền Myanmar) và bao nhiêu đô la, nhưng chắc cũng không ít. Vậy mà họ không tham.

Người Myanmar thật thà lắm. Chuyện người Myanmar thời nay làm tôi nhớ đến người dân tộc thiểu số Việt Nam thời xưa tôi được nghe kể, khi còn nhỏ. Rằng ở các vùng tây bắc, người ta thu hoạch lúa và để ngoài đồng. Rằng cửa nhà mở thoải mái mà không ai lấy của ai. Chuyện ngày xưa. Ở ngay Việt Nam ta.
Vào thế kỷ XXI này thật khó tìm ra nơi nào nghèo mà lại thật thà như ở Myanmar. Người Myanmar hình như không trộm cắp bao giờ. Người Myanmar tin rằng mọi người khác cũng không trộm cắp.

Bạn có biết tại sao người Myanmar như vậy không? Bởi họ là Phật tử nghiêm túc. Mà bạn có biết Phật tử là ai không? – Là người đã Quy y Tam Bảo: Phật, Pháp Tăng và cam kết giữ năm giới. Bởi là Phật tử nên dĩ nhiên họ giữ giới thứ hai: Không lấy bất cứ thứ gì mà không phải của mình.

Tôi nhắm mắt lại và nghĩ đến 2 điều: nay mai người dân của những nước không thật thà đến đây có thể tranh thủ sự thật thà của người địa phương để trộm cắp và sẽ làm người dân Myanmar buồn. Và liệu sự thật thà và tin tưởng nhau như người Myanmar sẽ kéo dài thêm bao lâu nữa, hay lại mất đi như ở một số vùng cao của Việt Nam ta.

Tôi lại nhắm mắt và ước mơ về một Việt Nam sẽ có trên 80% dân số là Phật tử thực thụ: Quy y và cam kết giữ Ngũ giới. Khi đó Việt Nam sẽ là một thiên đường, là cõi trời, là Niết bàn ngay nơi trần thế.

Và tôi mong mọi người Việt Nam ta tranh thủ sang Myanmar, đất nước còn nghèo hơn Việt Nam ta rất nhiều để học tính thật thà của họ. Học để ứng dụng cho chính mình và gia đình mình. Mong lắm, ai ơi!

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

Giàu có như đất nước và con người Myanmar (P.3)

(PGVN)

Myanmar có 7 bang và 7 vùng hành chính, một đất nước với gần 700.000 km2, gấp đôi diện tích Việt Nam, là nước lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 40 trên thế giới. Dân số đất nước này chỉ hơn phân nửa dân số Việt Nam, nên mật độ dân số chỉ 75 người/km2. Myanmar luôn được biết đến như một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên tôi lại hoàn toàn không nghĩ như vậy.


    Thứ nhất, Myanmar có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên. Dầu mỏ là một ví dụ. Tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất của Myanmar rất lớn nhưng chưa được khai thác. Tôi luôn nghĩ, nay mai những đất nước thích giàu nhanh và đang thi nhau đào hết tài nguyên thiên đi bán, kể cả quặng nghèo và than đá để đất nước kiệt quệ cả về môi trường nữa thì những mỏ quý của Myanmar mới có cơ hội “ra tay”.

    Tôi cũng nhớ đến nước Mỹ có rất nhiều dầu mỏ ở bang Alaska nhưng họ không khai thác mà giữ hết lại và bỏ tiền ra mua của các nước nghèo, sau này khi cả thế giới hết sạch vàng đen họ mới mang ra khai thác. 
     Những ngôi chùa ở Myanmar được làm từ gỗ tếch
    Myanmar xuất khẩu gạo rất mạnh. Đất đai của họ phì nhiêu và màu mỡ. Không chỉ có gạo mà rau quả, thủy hải sản cũng rất nhiều. Tôi thấy đâu cũng nhiều cá tôm tự nhiên. Cây cối xanh tươi. Những cây cổ thụ to cả chục người ôm đầy rẫy trên những con đường mà có ai để ý đâu (ở Việt Nam mà thấy thế chắc người ta đào hết về nhà riêng hay bán làm cây cảnh rồi).

    Gỗ Myanmar rất tốt. Nhất là gỗ tếch. Đi đâu cũng thấy gỗ tếch. Những ngôi chùa cổ ở Yangon, Bago, Bagan, Mandalay, Inlay,… đều được làm bằng gỗ tếch. Cả mấy trăm năm nay mà vẫn tồn tại cùng thời gian. Những bức tượng Phật chúng tôi mua mang về Việt Nam đều bằng gỗ tếch. Rất nặng. Làm tượng Phật rất hợp, rất tuyệt.
     Trạm trổ trên gỗ tếch tại các ngôi chùa Myanmar
    Không thể không nói đến ngọc Myanmar. Ngọc Myanmar nổi tiếng nhất thế giới, quý nhất thế giới, đắt nhất thế giới. Ai cũng thừa biết ngọc Canada vẫn đứng sau ngọc Myanmar. Thấy được điều này nên các công ty Trung Quốc đã nhanh tay nhảy vào tìm cách khai thác và chở về nước họ.

    Tôi được ngắm nhiều loại ngọc khác nhau nên phải công nhận ngọc Myanmar vô cùng đẹp và quý. Tôi có nói chuyện này với những người bạn chuyên về ngọc ở Việt Nam và họ đều công nhận như vậy. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng bởi ngọc Myanmar quá đắt nên mang về Việt Nam khó tiêu thụ. Vậy nên, mời các bạn đến Myanmar và các nước khác để ngắm các tác phẩm bằng ngọc, nhất là Phật ngọc.

    Đá cũng vậy. Myanmar có rất nhiều đá. Trong đó có nhiều loại đá quý, hiếm, đẹp và có thể dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ xây dựng. Tôi thầm nghĩ những bức tượng và các sản phẩm điêu khắc được làm bằng đá Myanmar được thờ trong các ngôi chùa Việt Nam ta thì thật tuyệt vời.
     Những cây cầu gỗ ở Myanmar tồn tại hàng trăm năm
    Nhưng thứ giàu có mà tôi muốn nói đến đó là con người Myanmar.

    Tôi được mục sở thị rất nhiều ngôi chùa cổ và các công trình ngàn xưa và không thể không kết luận rằng người Myanmar rất khéo tay. Những công trình vĩ đại ở bất cứ nơi nào tôi đã đặt chân đến trên khắp đất nước Myanmar đều không thể chê nổi. Đẹp và nguy nga. Chi tiết và tổng thể. Vĩ đại và ấn tượng. Mà đã đứng đó cả trăm, cả ngàn năm rồi đó.

    Bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi dân thì nghèo (về tiền bạc) nhưng những công trình chùa chiền thì luôn vĩ đại và nhiều vàng. Chỉ riêng chùa Shwedagon tức chùa vàng ở Yangon cũng được “bọc” bởi 60 tấn vàng. Ấy vậy mà không ai trộm cắp hay có ý định xấu. Rõ ràng tâm họ rất giàu.
     Hồ Inle rộng, sạch và giàu thủy sản
    Người Myanmar rất giàu tình yêu thương. Tôi có cảm giác ai cũng như ai, ai cũng biết yêu thương muôn người, muôn loài. Chúng tôi là những người xa lạ mà đi đến đâu cũng được chào đón và yêu thương.

    Người Myanmar giàu tâm. Tâm họ luôn mở rộng vô biên. Khắp nơi thấy có các nhà nghỉ Resting house. Người ta làm ra để ai mệt thì nghỉ. Những ngôi nhà công cộng này nhiều lắm và luôn rất sạch. Khi đến những nơi này tôi luôn nghĩ, nếu ở Việt Nam mà có thì sẽ bị chiếm hết hoặc biến thành quán nhậu, quán nước, quán hàng…
     Các bình nước uống miễn phí khắp nơi trên đất nước Myanmar
    Người Myanmar giàu sự chăm lo. Khắp nơi công cộng để những bình nước, có nắp đậy, có cốc để uống. Khắp nơi. Trên các lối đi. Dọc theo các con đường leo lên núi, lên chùa. Tôi có hỏi và được biết, người dân địa phương, những người xung quanh tự nguyện làm việc này.

    Người Myanmar giàu tính cộng đồng. Tôi thấy rất rất nhiều tình nguyện viên quét chùa. Tôi gặp quá nhiều những lao động tình nguyện vác đá, tải cát xây chùa. Họ không lấy tiền công. Ngày chúng tôi leo lên núi Papu và thực sự thấy bất ngờ. Cả quãng đường 7.777 bậc cao như vậy mà luôn có rất nhiều tình nguyện viên lau chùi sạch lối đi.
     Phật tử Myanmar tình nguyện lau đường lên núi
    Nếu kể về sự giàu có của đất nước và những con người Myanmar thì rất nhiều, có thể cả 1 cuốn sách. Nhưng quan trọng nhất là khoảng 90% dân số Myanmar là phật tử. Vậy nên họ rất giàu Phật tính. Và có lẽ nhờ Phật tính nên tài nguyên mới nhiều vậy. Nhiều mà không bị khai thác bừa bãi. Và nhờ vậy mà ở bất cứ đâu trên đất nước lớn nhất Đông Nam Á này bạn đều cảm thấy rất bình an và tràn đầy năng lượng.

    Sự giàu có không thể tính bằng đô la được. Sự giàu có ở Myanmar không chỉ là ngọc là vàng mà là những con người nơi đây và những khối kim cương, những khối từ bi và trí tuệ chất chứa trong những con người này. Một khi kho báu bi trí đầy ắp mỗi người dân thì dĩ nhiên dân tộc này, đất nước này giàu có. Giàu có mãi mãi.     

    Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng


    11 điều bạn chưa biết về đất nước Myanmar


    Cùng với chính sách mở cửa đón khách du lịch, Myanmar trở thành điểm đến hot năm nay.

    1. Tết Myanmar vào tháng 4

    Ngày tết của người Myanmar gọi là Thingyan, hay tết té nước diễn ra vào tháng 4 hàng năm, năm nay rơi vào ngày 13 đến 16.4.
    Du lịch Myanmar - Tết Thingyan - iVIVU.com
    Tết té nước kéo dài 4 ngày và trong thời điểm này, tất cả các hàng quán, nhà hàng, cửa hàng đều đóng cửa. Người dân ném nước vào nhau để tẩy rửa những sự không may và tội lỗi trong năm cũ.

     2. Internet không còn bị cấm nhưng rất chậm

    Phải đến năm 2000, Internet mới được cho phép sử dụng tại Myanmar nhưng với cái giá rất cao và tốc độ đường truyền chậm. Giá cước điện thoại cũng cao hơn so với các quốc gia châu Á khác.

    3. Những bãi biển mê hồn

    Du lịch Myanmar - Biển Myanmar - iVIVU.com
    Myanmar có 2.000 km đường bờ biển và một trong số đó là những bãi biển đẹp nhất châu Á. Những bãi biển này trải dài bên bờ vịnh Bengal, hầu hết đều hoang sơ chưa có người khám phá. Bãi biển nổi tiếng nhất là Ngapali, cách Yangon 45 phút bay.

    4. Nên mang nhiều tiền mặt và giữ chúng thật sạch

    Có rất ít cây ATM ở Myanmar vì vậy, bạn cần mang theo rất nhiều tiền mặt. Bạn cũng cần giữ tiền hết sức sạch sẽ: không vết bẩn, không nếp gấp hay bị rách dù chỉ một ít bởi dù chỉ có một nếp gấp, đồng tiền đó cũng mất giá trị tại Myanmar.
    Thẻ tín dụng chỉ có thể sử dụng trong các khách sạn 5 sao hay nhà hàng hạng sang và dự kiến phải đến cuối năm nay, Myanmar mới chấp nhận thẻ tín dụng rộng rãi.

    5. Tiếng của nụ hôn để gọi bia

    Du lịch Myanmar - Bia Myanmar - iVIVU.com
    Khi muốn gây sự chú ý với người bồi bàn, những người Myanmar tạo ra âm thanh giống như tiếng của nụ hôn, thường là 2, 3 “nụ hôn gió” như vậy. Đó là lý do trên đường phố Myanmar, bạn sẽ nghe thấy tiếng hôn ở khắp mọi nơi.

    6. Khách sạn đắt tiền

    Giá phòng khách sạn ở Myanmar khá cao so với mặt bằng chung các nước châu Á. Từ khi Myanmar mở cửa, có rất nhiều du khách hướng đến quốc gia này, nhưng số lượng khách sạn vẫn đang xây dở, chưa đáp ứng được toàn bộ lượng khách này và vì vậy vẫn giữ những cái giá rất cao.

    Tuy nhiên, bạn sẽ bất ngờ trước chính sách giá phòng khách sạn Myanmar tuyệt vời của iVIVU.com đấy, thử xem!

    7. Đàn ông mặc váy

    Trang phục truyền thống của người Myanmar là longyi, một loại váy cuốn quanh người, dành cho cả đàn ông và phụ nữ. Đàn ông thường buộc miếng vải ở đằng trước trong khi phụ nữ gập váy lại và đính ở cạnh để cố định miếng vải.
    Du lịch Myanmar - Đàn ông mặc váy - iVIVU.com
    Rất nhiều người đàn ông Myanmar mặc đồ lót bên trong trong khi ở nông thôn Myanmar, họ còn… không mặc gì bên trong. Họ cho rằng đó là cách để đối phó với nhiệt độ luôn ở mức 40 độ C.

    8. Chỉ ăn bằng tay phải

    Ăn bằng tay trái ở Myanmar bị coi là hành động khiếm nhã vì tay trái chỉ dùng để vệ sinh cá nhân. Vì vậy khi cầm món ăn hay đưa tiền cho ai đó, hãy nhớ đưa tay phải.
    Người Myanmar dùng ngọn tay để nặn cơm thành từng viên nhỏ và trộn chung với các món ăn khác. Những người theo đạo Phật không ăn thịt bò, còn những người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn.

    9. Tàu hỏa chất lượng kém

    Dịch vụ đi lại bằng tàu ở Myanmar khá kém. Tàu Myanmar đi rất chậm và hay đến muộn. Về đêm, nhiệt độ trên tàu khá lạnh trong khi ban ngày lại rất nóng.

    10. Trên mỗi góc phố Yangon đều có quầy bán báo

    Trong nhiều năm bị giới hạn về thông tin, báo chí hầu như là cách duy nhất để người Myanmar tìm hiểu về thế giới. Đó là lý do trên mỗi con phố Myanmar đều có quầy bán báo.

    11. Người dân ăn trầu

    Du lịch Myanmar - ăn trầu - iVIVU.com
    Ăn trầu là thú vui hàng ngày của mọi người dân Myanmar. Các quầy bán trầu có mặt ở khắp mọi nơi. Người dân nhai trầu liên tục để nhuộm răng thành màu nâu đỏ.


    10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar


      Salad lá trà, cơm người Shan hay cà ri Myanmar là những món ăn ngon “khó cưỡng” mà bất cứ du khách nào cũng không thể bỏ qua khi ghé thăm đất nước Myanmar.
      Những năm gần đây, quốc gia nằm ở tây bắc bán đảo Trung Ấn - Myanmar được mệnh danh là "ngôi sao đang lên" của du lịch châu Á. Không chỉ con người, văn hoá, các danh lam thắng cảnh mà ngay cả ẩm thực của đất nước Đông Nam Á này cũng được rất nhiều người quan tâm, tìm hiểu.
      Mặc dù ẩm thực Myanmar bị ảnh hưởng nhiều từ các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và các nền văn hoá ẩm thực của nhiều dân tộc thiểu số, song các món ăn của nước này vẫn có những nét đặc trưng riêng.
      10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar.
      1. Salad lá trà
      Một trong những món ngon đặc biệt nhất của người Myanmar chính là lephet – lá trà lên men.  Những lá trà này được sử dụng để chế biến món salad lá trà và được dùng để ăn vặt, khai vị hay ăn cùng với cơm.
      10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar
      Salad lá trà - một trong những món ăn ngon không thể bỏ qua của người Myanmar.
      Những lá trà chua được trộn với hơi đắng, bắp cải thái sợi, cà chua lát, các loại đậu, dầu tỏi và những lát tỏi, ớt cay nồng để tạo nên món salad đặc biệt.
      Tuy nhiên, người Myanmar khuyến cáo khách du lịch rằng món salad lá trà được coi là một chất kích thích, nếu như ăn quá nhiều, bạn có thể bị mất ngủ giống như uống quá nhiều nước trà vậy.
      2. Cơm người Shan
      Được biết tới với cái tên khác là nga htamin – cơm cá, cơm của người Shan (một tộc người ở Myanmar) đang trở thành một trong những sự lựa chọn hoàn hảo của du khách khi tới Myanmar.
      10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar
      Một suất cơm cá hay cơm của người Shan.
      Những hạt cơm thơm dẻo được nấu với nước nghệ vàng ươm và ăn kết hợp với một khúc cá nước ngọt phết dầu tỏi thơm lừng. Cùng với các gia vị như tỏi, ớt, tiêu, cơm kiểu người Shan là món ăn khoái khẩu cho những người nghiền món cay.
      3. Cà ri Myanmar
      Ghé thăm những nhà hàng truyền thống của Myanmar, bạn không chỉ được ăn no căng bụng mà còn có những trải nghiệm ẩm thực thú vị. Giống như việc thưởng thức cà ri Myanmar vậy.
      10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar
      Cà ri Myanmar được ăn kèm với nhiều thức đồ khác.
      Đúng như tên gọi của món ăn này, cà ri là nguyên liệu chủ yếu nhưng bạn có thể chọn ăn kèm thịt lợn, thịt bò, thịt cừu hay hải sản.
      Tại các cửa hàng cà ri dành cho người theo đạo Hồi, cà ri Myanmar sẽ được ăn cùng với salad, rau xanh, đậu…
      Một điều thú vị khi thưởng thức một khẩu phần cà ri Myanmar chính là bạn sẽ nhận thêm món tráng miệng truyền thống của Myanmar – những lá trà ngâm và các loại hạt đựng trong một khay sơn mài.
      4. Trà bánh Myanmar
      Các quán trà là địa điểm tuyệt vời để khách du lịch tìm hiểu và hoà mình vào các món ăn truyền thống của người Myanmar. Ngoài những món ăn truyền thống, bất kỳ một quán trà nào tại Myanmar cũng có sẵn những loại bánh từ ngọt tới mặn để nhâm nhi với trà nóng.
      10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar
      Một tách trà nóng nhâm nhi với các loại bánh là một sự lựa chọn không tồi cho du khách.
      Các quán trà của người Ấn Độ hay những người theo đạo Hồi thường phục vụ các đồ ăn nhẹ là các loại bánh chiên mặn, bánh mỳ ăn kèm khoai tây, bánh mỳ nướng...
      Trong khi đó, các quán trà có ông chủ là người Trung Quốc lại bày bánh bao hấp thịt hay các loại bánh nướng ngọt để du khách nhâm nhi cùng trà.
      Uống trà và thưởng thức bánh là một nét ẩm thực đặc sắc trong văn hoá ẩm thực của người Myanmar.
      5. Đồ ngọt ăn nhẹ của Myanmar
      Không giống như các món ngọt ở các nước phương Tây, đồ ngọt tại Myanamar hay còn được gọi là “muon”, không được dùng như món tráng miệng mà trở thành một bữa ăn nhẹ kèm với trà vào buổi sáng và buổi chiều của người dân Myanmar.
      10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar
      Đồ ngọt ở Myanmar không chứ nhiều đường, vị ngọt được lấy từ các loại trái cây tự nhiên.
      “Muon” không quá nhiều đường, thay vào đó, vị ngọt được lấy từ những nguyên liệu khác như dừa sợi, nước cốt dừa, bột gạo, hoa quả…
      Cùng với các loại bánh, những món ngọt ăn nhẹ này trở thành một thức đồ ăn kèm không thể bỏ qua đối với những người thích thưởng trà và trở thành món ngon nên nếm thử của du khách.
      6. Đồ chiên
      Người Myanmar có niềm đam mê đặc biệt đối với những món ăn ngập trong dầu mỡ, vì thế, những loại bánh chiên đa dạng về kích thước và hình dáng là thứ đồ ăn phổ biến nhất trên các đường phố tại Myanmar.
      10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar
      Đồ chiên của Myanmar có nhiều nét tương đồng với Việt Nam.
      Những chiếc nem rán, bánh mỳ rán, bánh rán vàng ươm, giòn tan với hương vị đặc biệt được ăn kèm với một loại nước sốt chua chua, ngọt ngọt được làm từ trái me tạo nên một sức hấp dẫn không thể chối từ đối với khách du lịch.
      Hầu hết các loại bánh ở Myanmar được làm từ bột gạo hoặc bột nếp, đôi khi là hỗn hợp của hai loại bột kể trên. Người ta trộn bột với tỏi, hành, gừng đã được xay nhuyễn. Những thứ gia vị đi kèm này mang lại hương thơm phức cho các loại bánh khi rán trong chảo dầu.
      Ngoài ra, bột còn được trộn với dừa sợi, hạt mè, cà chua, bột cà ri… để làm nên nhiều loại bánh khác nhau.
      7. Mỳ Shan đậu phụ
      Ẩm thực của người Shan – một nhóm dân tộc sống ở phía Bắc Myanmar – khổng chỉ được người dân nước này ưa thích mà ngay cả các khách du lịch lần đầu tiên nếm thử cũng chết mê.
      10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar
      Đậu phụ của Myanmar không lên men từ đậu nành mà được chế biến từ đậu lăng vàng và đậu xanh.
      Các quầy hàng bán món ăn của người Shan luôn nổi bật với những khối đậu phụ lớn. Điểm đặc biệt của đậu phụ nơi đây là được chế biến từ đậu lăng vàng và đậu xanh thay vì lên men đậu nành như thông thường. Những lát đậu phụ thường được ăn kèm với mỳ vàng hoặc ăn nóng trong bát súp hay ăn lạnh với nộm.
      8. Mỳ Nan Gyi Thohk
      10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar
      Hình ảnh một suất mỳ Nan Gyi Thohk.
      Nan Gyi Thohk là một món ăn Myanmar gồm có bánh phở gạo được trộn với một loại cà ri gà đặc biệt ăn kèm với nước dùng. Người dùng có thể vắt thêm chanh để thêm vị chua. Nan Gyi Thohk được ví như mỳ spaghetti phiên bản Myanmar.
      9. Bún cá Mohinga
      Đây là một loại bún nấu trong nước lèo vị cá, được nhiều người xem là món ăn dân tộc của người Myanmar.
      10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar
      Ở các thành phố lớn, những người bán hàng rong và các quán nhỏ ven đường bán được hàng trăm tô bún cá Mohinga mỗi ngày cho người dân địa phương và khách qua đường.
      Các nguyên liệu chính gồm bột đậu chickpea, gạo rang xay, cá da trơn nấu trong nước lèo và rất nhiều loại gia vị như tỏi, hành tím, gừng, sả, nước mắm…
      Món ăn này phổ biến tại rất nhiều cùng của đất nước và được bán cả ngày ở nhiều thị trấn và thành phố. Nếu có dịp đi du lịch tại Myanmar, đừng quên thưởng thức món ăn đường phố tuyệt ngon - bún cá Mohinga.
      10. Mỳ của người Shan
      10 món ngon không thể bỏ qua khi tới Myanmar
      Mỳ Shan là món ăn ngon cuối cùng lọt vào Top 10 đồ ăn không thể bỏ qua khi tới Myanmar. 
      Món mỳ đặc trưng của người dân tộc Shan ở phía bắc Myanmar là sự kết hợp hoàn hảo giữa những sợi mỳ mỏng và thịt gà, thịt lợn ướp, cùng hạt mè rang và hương vị của tỏi, ăn kèm rau muối chua và nước dùng.
      Hương vị lạ miệng, thơm ngon, vẻ ngoài “bắt mắt” là những lý do khiến món mỳ của người Shan trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách tới Myanmar.
      Tiểu Uyên


      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét