Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

BÍ ẨN LỊCH SỬ 117

(ĐC sưu tầm trên NET)

Tam Quốc mưu thần: Quách Gia tài cao vượt Gia Cát Lượng?

Hải Võ | 15/12/2014 19:55


Tam Quốc mưu thần: Quách Gia tài cao vượt Gia Cát Lượng?

Gia Cát Lượng và Quách Gia được đánh giá là những "kỳ nhân" trong giới mưu sĩ thời Tam Quốc. Có quan điểm cho rằng, nếu không mất sớm, Quách Gia mới là quân sư xuất chúng nhất.



Cánh tay phải của Lưu Bị, Tào Tháo
Quách Gia - quân sư của Tào Tháo - và Gia Cát Lượng không chỉ có nhiều điểm tương đồng về mặt cá nhân, mà vị thế hai nhân vật này trong đội ngũ của mình cũng "nặng ký" như nhau.
Lưu Bị sau khi có được Gia Cát Lượng theo phò tá đã nói - "Ta được Khổng Minh, như cá gặp nước".
Tào Tháo được Quách Gia phò trợ, cũng cảm thán - "Kẻ giúp ta thành đại nghiệp, chính là người này".
Lưu Bị trước lúc lâm chung đã tin tưởng đem giang sơn của mình phó thác lại cho Gia Cát Lượng, trong khi Tào Tháo cũng từng có ý định giao phó hậu sự cho Quách Gia.
Tuy nhiên, Quách Gia mất sớm khi mới 38 tuổi, thời đại Tam Quốc không được chứng kiến cuộc so tài giữa hai bậc cao nhân này.
Quách Gia được đánh giá là thần cơ diệu toán và là bậc kỳ tài quân sự, một tay giúp Tào Tháo thống nhất miền Bắc, trước khi ông qua đời.
Quách Gia được đánh giá là "thần cơ diệu toán" và là bậc kỳ tài quân sự, một tay giúp Tào Tháo thống nhất miền Bắc, trước khi ông qua đời.
Anh tài đoản mệnh
Các nhà nghiên cứu bình luận, cũng vì Quách Gia đoản mệnh, cho nên lịch sử đã không đánh giá đầy đủ tài năng của vị quân sư này.
Gia Cát Lượng 26 tuổi xuất sơn, 54 tuổi bệnh mất. Ông phò tá Lưu Bị suốt 28 năm ròng, trong đó có 11 năm nắm giữ đại quyền của Thục Hán.
Tài năng của Khổng Minh đã có cơ hội thể hiện trên tất cả các phương diện quân sự, kinh tế, chính trị... của nhà Thục.
Ngược lại, Quách Gia chỉ có 11 năm đi theo Tào Tháo, chủ yếu đóng vai trò mưu sĩ trong lĩnh vực quân sự, vào thời kỳ Tào Tháo nam chinh bắc chiến.
Mặc dù vậy, điều khiến các nhà sử học hiện đại đánh giá cao Quách Gia là bởi chỉ trong 11 năm ngắn ngủi ấy, ông đã lưu lại sự nghiệp huy hoàng.
Thời kỳ làm quân sư dưới trướng Tào Tháo, danh tiếng của Quách Gia có thể nói là vang khắp quân đội. Ông chính là cánh tay phải giúp Tào Tháo thống nhất thành công miền Bắc.
Vị thế Quách Gia - Khổng Minh đối với Tào - Lưu
Quan điểm đánh giá cao Quách Gia cho rằng, ông vượt trội hơn Gia Cát Lượng trong lĩnh vực quân sự.
Quan điểm đánh giá cao Quách Gia cho rằng, ông vượt trội hơn Gia Cát Lượng trong lĩnh vực quân sự.
Sau khi Quách Gia qua đời, sức mạnh quân sự của Tào Tháo bị tụt hậu rõ rệt.
Nhà nghiên cứu Châu Trạch Hùng bình luận về lực lượng Tào Tháo khi không còn Quách Gia - "Chỉ đối phó được đám thảo khấu Mã Đằng, Hàn Toại; còn đối với đám kiêu hùng Lưu Bị, Tôn Quyền thì có phần lực bất tòng tâm.
Trong trận chiến Xích Bích, đại quân Tào Tháo suýt chút nữa đã bị tiêu diệt".
Ông Châu cũng nói, không thể thổi phồng quá mức vai trò của Gia Cát Lượng hay Quách Gia. Tuy nhiên, ông khẳng định cái chết của Quách Gia là tổn thất nghiêm trọng của Tào Ngụy.
Các nhà sử học Trung Quốc đánh giá, thời kỳ Lưu Bị còn sống, trong vấn đề quân sự, thực tế Lưu trọng dụng Pháp Chính, Bàng Thống hơn so với Gia Cát Lượng.
Ngoại trừ trận đại chiến Xích Bích và cuộc tiến quân 4 quận miền Nam Kinh Châu vốn không cần tác chiến nhiều, cùng với việc xuất hiện "phút cuối" trong cuộc chiến chiếm đất Thục, Khổng Minh gần như luôn xa rời chiến trường.
Trong khi đó, Quách Gia lúc sinh thời đã có mặt trong mọi chiến dịch trọng yếu của Tào Tháo như chiến Lữ Bố, phá Viên Thiệu, thảo phạt Viên Đàm - Viên Thượng...
Trên thực tế, việc Tào Tháo thất bại ở Xích Bích có nhiều nguyên nhân, trách nhiệm lớn nhất không nằm ở quân sư.
Bên cạnh đó, các quân sư khác của Tào Tháo thực chất cũng là những người mưu sâu kế rộng. Ví dụ, việc Lưu Bị - Tôn Quyền lập liên minh quân sự, Trình Dục đã tiên liệu trước với Tào Tháo.
Việc Tào xua quân xuống Giang Đông đánh Lưu - Tôn dẫn đến thất bại ở Xích Bích, trước đó đã có Giả Hủ can ngăn, tiếc rằng Tào Tháo không nghe theo.
Tào Tháo khóc Quách Gia
Dù có nhiều quân sư tài năng, Tào Tháo vẫn cho rằng mình sẽ không thua tại Xích Bích nếu còn Quách Gia.
Dù có nhiều quân sư tài năng, Tào Tháo vẫn cho rằng mình sẽ không thua tại Xích Bích nếu còn Quách Gia.
Sau khi Tào Tháo bại lui ở Xích Bích, từng ngửa mặt lên trời than - "Nếu Phụng Hiếu (tức Quách Gia) còn, ta đâu đến nỗi này!"
Lịch sử Trung Quốc ghi nhận, dưới trướng Tào Tháo không thiếu cao nhân hiền sĩ nhất mực trung thành với ông, vậy lý do gì khiến Tào phải "khóc than" Quách Gia như vậy?
Hiện nay, có quan điểm cho rằng, thực tế Tào Tháo có phần bất mãn trước thất bại của mình và cảm thấy "bất công" vì Quách Gia mất đi quá sớm.
Tào cho rằng, nếu Quách Gia còn, Ngụy đã không thua.
Sở dĩ Tào Tháo "đau đớn" đến vậy là bởi Quách Gia là một thiên tài quân sự.
Quách Phụng Hiếu được mô tả là "thần cơ diệu toán", với tài mưu lược thâm sâu, khả năng tùy cơ ứng biến nhanh nhạy, bách chiến bách thắng.
Khi Tào Tháo 3 lần chiến Lữ Bố, sĩ tốt mệt mỏi, chuẩn bị rút quân. Lúc này, một mình Quách Gia chủ trương tái chiến, thậm chí khẳng định tái chiến tất thắng. Kết quả bắt sống được Lữ Bố.
Tào Tháo chinh phạt Viên Đàm, Viên Thượng, quân Tào thắng trận liên tiếp, chư tướng hô hào đuổi đánh, riêng Quách Gia kiến nghị rút binh.
Về sau huynh đệ Đàm - Thượng tự gây tai họa rơi vào thế đường cùng, Tào Tháo ngư ông đắc lợi.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, quan hệ "cá - nước" giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng chỉ tồn tại trong giai đoạn "trăng mật".
Khi thời kỳ này trôi qua, đối với Lưu Bị, Gia Cát Lượng cũng không có vai trò nổi bật tuyệt đối so với các quân sư khác.
Theo đó, có quan điểm cho rằng nếu Quách Gia không mất sớm, nhiều khả năng quan hệ Tào - Quách cũng diễn biến theo chiều hướng như Lưu Bị - Khổng Minh.
Khi ấy, có thể Quách Gia sẽ mang một kết cục giống như Tuân Úc - một mưu thần công lao hiển hách, nhưng cũng vong mạng chỉ vì "xúc phạm" đến Tào Tháo?
theo Đại Lộ

Quan Vũ chưa từng "được" cầm Thanh Long Yển Nguyệt đao?

Hải Võ | 12/12/2014 20:15


Quan Vũ chưa từng "được" cầm Thanh Long Yển Nguyệt đao?

Hình tượng Quan Công cầm Thanh Long đao đã đi vào văn hóa dân gian TQ. Tuy nhiên, phân tích tài liệu lịch sử cho thấy, có thể Quan Vũ chưa từng có cơ hội chạm tay vào binh khí này.




Quan Công sử dụng binh khí đến từ... tương lai?
Thanh Long Yển Nguyệt đao là binh khí lừng danh nhất thời Tam Quốc, thuộc về Võ Thánh Quan Vân Trường - một trong Ngũ hổ thượng tướng nhà Thục.
Thanh đao này được xem như "người đao hợp nhất" cùng Quan Vũ, và hình ảnh Quan Công mặt đỏ, râu dài cầm Thanh Long đao đã được văn hóa dân gian Trung Quốc "xem như tạo hình mặc định".
Thanh Long Yển Nguyệt đao là "bạn đồng hành" cùng Quan Vũ trong rất nhiều điển tích về ông mà những người đọc Tam Quốc đều thuộc: ôn tửu trảm Hoa Hùng, trảm Nhan Lương - Văn Xú, qua năm ải chém sáu tướng...
Hình ảnh quen thuộc Quan Công cầm Thanh Long đao, tuy nhiên phải tới 700 năm sau, loại đao này mới xuất hiện.
Hình ảnh quen thuộc Quan Công cầm Thanh Long đao, tuy nhiên phải tới 700 năm sau, loại đao này mới xuất hiện.
Thậm chí, trong quan niệm dân gian đương đại, tạo hình của thanh đao này cũng trở thành nhận thức chung của người dân nhiều khu vực, và được gọi chung là "Quan đao" hay "Quan vương đao", qua đó thấy được địa vị của "thần binh" này trong tín ngưỡng dân gian.
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ ra, binh khí mà Quan Vân Trường sử dụng trong lịch sử thực tế không phải là Thanh Long Yển Nguyệt đao, mà là một món vũ khí "tương tự như mâu".
Dựa trên các thư tịch lịch sử Trung Quốc, thời kỳ Tam Quốc không có nhân vật nào từng sử dụng vũ khí có tên gọi "Thanh Long Yển Nguyệt đao".
Trong sách "Tam Quốc Chí" có nói tới việc Quan Vũ "thúc ngựa đâm (Nhan) Lương giữa vạn quân", cho thấy vũ khí mà ông sử dụng rất có khả năng là mâu hoặc thương, kết hợp với đoản đao để chém đầu đối thủ.
Về sau, tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" của tác giả đời Minh La Quán Trung được đánh giá là đã mang nhiều màu sắc văn học hư cấu.
Yển nguyệt đao thời Tống.
Yển nguyệt đao thời Tống.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", La Quán Trung mô tả Quan Vũ sử dụng Thanh Long Yển Nguyệt đao còn mang ý nghĩa tuyên truyền, tô đậm hình tượng anh dũng của nhân vật này.
Thực tế, mãi đến thời Tống, "Yển Nguyệt đao" mới xuất hiện, còn gọi là "Yểm Nguyệt đao", nghĩa là thanh đao hình bán nguyệt.
Trong sách "Võ kinh tổng yếu" đời Tống đã xuất hiện hình ảnh loại vũ khí này.
Tam Quốc "hoàn thủ đao"
Các nhà nghiên cứu cho rằng, vào thời đại Tam Quốc, công nghệ chế tạo binh khí chưa đủ "độ chín" để làm ra loại đại đao lưỡi lớn như Thanh Long đao được mô tả.
Đao được sử dụng thời Tam Quốc đa số có lưỡi đao hẹp, độ dài khoảng 1m.
Trường đao của Đông Ngô chỉ dài 60cm, của Thục là 1.2m, có độ dày khá lớn và có 1 lưỡi.
Ở cán đao có vòng dùng để luồn vải buộc vào cổ tay, tránh bị... rơi đao khi chiến đấu, ngày nay gọi chung là "Tam Quốc hoàn thủ đao".
Tam Quốc hoàn thủ đao.
Tam Quốc "hoàn thủ đao".
Sau các cuộc khởi nghĩa nông dân cuối đời Tần và giai đoạn Hán - Sở tranh hùng, quân đội Trung Quốc dần chú trọng tăng cường về số lượng kỵ binh.
Do tốc độ khi phi ngựa rất lớn, cho nên việc giết địch chủ yếu dựa vào động tác "chém" chứ không phải "đâm" như khi sử dụng kiếm.
Chính vì vậy, từ thời Tây Hán đã xuất hiện "hoàn thủ trường đao".
Mặc dù Thanh Long Yển Nguyệt đao chưa thể xuất hiện vào thời Tam Quốc, song loại đại đao cán gỗ đã được nhận định là một trong những binh khí quan trọng của thời đại này.
"Tam Quốc Chí - Ngụy thư - Điển Vi truyện" có đoạn - "Điển Vi sử dụng đại song kích và trường đao", mô tả tướng Điển Vi của Tào Ngụy đã sở hữu loại binh khí trên.
Tuy nhiên, vào thời kỳ đó, trường đao có cán dài vẫn chưa phải là một vũ khí phổ thông.
Các tướng lĩnh Tam Quốc chủ yếu sử dụng trường mâu. Quan Vũ, Trương Phi, Lữ Bố đều sử dụng loại vũ khí này.
theo Đại Lộ

Vì sao Gia Cát Lượng chỉ chọn Lưu Bị mà không phải Tào Tháo?

Hải Võ | 10/12/2014 20:15


Vì sao Gia Cát Lượng chỉ chọn Lưu Bị mà không phải Tào Tháo?

Trong khi Tào Tháo, Tôn Quyền đều có thực lực hùng mạnh, vì sao Lưu Bị trở thành lựa chọn duy nhất trong cuộc đời nhà quân sự tài ba Gia Cát Lượng vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.




Có nhiều ý kiến cho rằng, Khổng Minh - Gia Cát Lượng - lựa chọn phò tá Lưu Bị không chỉ vì phù hợp với lý tưởng chính trị Nho gia của ông, mà còn bởi Lưu Bị cho Gia Cát Lượng đầy đủ không gian phát huy "sở học bình sinh" của mình.
Tuy nhiên, một luồng quan điểm khác tại Trung Quốc cho rằng, việc Lưu Bị trở thành "đáp án cuối cùng" của Gia Cát Lượng hoàn toàn không đơn thuần chỉ là vấn đề "không gian thăng tiến".
1800 năm qua, các học giả Trung Quốc vẫn luôn đi tìm lời giải đối với vấn đề này.
Một bài phân tích đăng trên trang Phượng Hoàng nêu ra 4 luận điểm để giải thích cho việc Gia Cát Lượng chịu về dưới trướng Lưu Bị, chứ không phải Tào Tháo - người khi đó nắm danh nghĩa "triều đình Đông Hán" trong tay.
Con người của Gia Cát Lượng
Gia Cát Khổng Minh là nhà quân sự tài ba. Chính sách lược thế chân vạc - tam phân thiên hạ - của ông đã tạo nên cục diện Tam Quốc.
Gia Cát Khổng Minh là nhà quân sự tài ba. Chính sách lược "thế chân vạc" - tam phân thiên hạ - của ông đã tạo nên cục diện Tam Quốc Ngụy, Thục, Ngô.
Gia Cát Lượng là chính trị gia và quân sự gia được giới trí thức Trung Quốc sùng bái suốt hàng nghìn năm.
Một lý do quan trọng chính là việc Gia Cát Khổng Minh "là một nhà trí thức cơ bản và kiểu mẫu". Khuôn mẫu này chủ yếu chỉ đạo đức cao thượng và sự nghiệp hiển hách.
Theo đó, "tam bất hủ" mà cổ nhân Trung Quốc đề ra - gồm lập đức, lập công, lập ngôn - đều được thể hiện ở "hình mẫu" Gia Cát Lượng.
Xét về "lập đức", tức tiêu chuẩn hành vi của phần tử trí thức, mà theo Nho gia là trung, hiếu, nhân, nghĩa.
Là một nhà trí thức tiêu biểu và khắt khe, đương nhiên Khổng Minh hiểu rõ chính quyền trung ương mà Tào Tháo thao túng, thực chất đã không còn là chính phủ Hán triều.
Như vậy, nếu muốn "lập đức", giữ trọn trung - nghĩa, Gia Cát Lượng không thể đầu quân dưới cờ Tào Tháo. Thay vào đó, ông lựa chọn Lưu Bị - nhân vật thực tế có huyết thống hoàng gia và được gọi là "Lưu hoàng thúc".
Lý tưởng của Gia Cát Lượng
Theo phân tích của Phượng Hoàng, lý tưởng trị quốc của Gia Cát Lượng là chính trị Nho gia - đề cao chữ "Nhân".
Trong khi đó, Tào Tháo thi hành chính sách bá quyền, thực hiện thể chế chính trị dựa trên cường quyền.
Có thể nói, Khổng Minh và Tào Tháo dù là 2 nhân vật xuất sắc, song cũng là 2 thái cực từ trong tư tưởng cốt lõi, dẫn đến việc 2 người này không thể bước chung một con đường.
Gia Cát Lượng là người tôn sùng Nho giáo, và ông cũng trung thành tuyệt đối với tư tưởng của mình. Đây là nguyên nhân căn bản nhất khiến ông không theo Tào Ngụy.
Sức hút của Lưu Bị
Lưu Bị là một hình mẫu đạo đức phù hợp với tư tưởng Nho giáo mà Gia Cát Lượng tôn sùng.
Lưu Bị là một hình mẫu "đạo đức" phù hợp với tư tưởng Nho giáo mà Gia Cát Lượng tôn sùng.
Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, đạo đức được đề cao hơn tất cả, đặc biệt là phẩm hạnh của bậc quân chủ.
Theo quan niệm này, chỉ cần vị lãnh tụ là nhân vật hiền đức thì có thể khiến trên dưới một lòng, triều đình kỷ cương, đi tới hiện thực hóa một xã hội hòa hợp.
Xét trên phương diện đạo đức, lịch sử Trung Quốc đã công nhận đây là "thế mạnh áp đảo" của Lưu Bị.
Lưu Bị vốn đã mang thân phận hoàng tộc, lại tham gia hành động ám sát Tào Tháo, thể hiện lòng trung thành đối với chính quyền Hán triều.
Về mặt cảm quan, những hành động của Lưu Bị đã "vô tình" đồng điệu với lý tưởng của Gia Cát Lượng - một đệ tử Nho gia sùng bái tư tưởng trung - hiếu.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ Lưu Bị nắm quyền ở Thái Nguyên, Từ Châu, đã thi hành chính sách cai trị "nhân nghĩa".
Điều này cũng khiến tiếng tốt của Lưu đồn xa, hiển nhiên không nằm ngoài sự quan sát của Gia Cát Lượng.
Như vậy, về mặt công tác tuyên truyền, Lưu Bị đã xây dựng tốt hình ảnh của một "lãnh tụ kiểu mẫu" trong mắt các nhân sĩ Nho giáo nói chung và Khổng Minh nói riêng.
Lưu Bị cho Khổng Minh không gian phát triển
Trở thành quân sư của Lưu Bị, Khổng Minh được phát huy hết khả năng và được hàng loạt tướng tài quân Thục phò trợ.
Trở thành quân sư của Lưu Bị, Khổng Minh được phát huy hết khả năng và được hàng loạt tướng tài quân Thục phò trợ.
Cũng theo phân tích của Phượng Hoàng, mặc dù Lưu Bị tạo lập được danh vọng, song trước khi có được Gia Cát Lượng, thì Lưu không có nhiều quân sư xuất chúng bên mình.
Nếu Khổng Minh về phò tá Lưu Bị, thì toàn bộ quá trình từ thoát ly khó khăn, ổn định lực lượng, phát triển hùng mạnh cho tới thống nhất thiên hạ, ông có thừa "sân khấu" để phô diễn hết tài năng của mình.
Đồng thời, tuy không có quân sư xuất sắc, nhưng ngược lại, Lưu Bị sở hữu một dàn võ tướng hàng đầu như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân... Gia Cát Lượng trở thành quân sư của Lưu, những hổ tướng này đều thuộc quyền sai khiến của ông.
Khổng Minh theo Lưu Bị chỉ vì "tiền đồ sự nghiệp"?
Tại Trung Quốc, có quan điểm cho rằng Gia Cát Lượng lựa chọn Lưu Bị chủ yếu nhằm vào "không gian thăng tiến".
Sở dĩ có ý kiến này, bởi khi Gia Cát Lượng đi sứ Đông Ngô trước trận đại chiến Xích Bích, ông từng được Trương Chiêu dụ dỗ "nhảy việc" sang phò tá Tôn Quyền.
Tuy nhiên, Khổng Minh khước từ Trương, nói rằng - "Tôn Quyền là một chủ nhân tốt, nhưng không thể phát huy hết tài năng của ta".
Câu nói này được cho là đã lộ ra "tham vọng" của Gia Cát Lượng.
Song luận điểm trên cũng vấp phải nhiều sự phản đối, bởi vào thời điểm đó Gia Cát Lượng ở vào vị thế "thỉnh cầu" sự giúp đỡ của Tôn Quyền, do đó ông buộc phải tìm những lý do "tế nhị" để từ chối lời đề nghị của Đông Ngô.
Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn cho rằng, thực chất Gia Cát Lượng "không màng đến Tôn Quyền" nhưng vẫn phải tỏ ra "lịch sự" như vậy mà thôi.
Các nhà sử học cũng đánh giá, quan điểm Khổng Minh "không có đất dụng võ" dưới trướng Tào Tháo chỉ là cách nhìn của người đời sau.
Nếu theo Tào Tháo, Khổng Minh hoàn toàn có thể đạt được sự nghiệp hiển hách, nhưng ông vẫn lựa chọn Lưu Bị.
Nếu theo Tào Tháo, Khổng Minh hoàn toàn có thể đạt được sự nghiệp hiển hách, nhưng ông vẫn lựa chọn Lưu Bị.
Đứng từ góc nhìn của Gia Cát Lượng, có thể thấy ông là người luôn tin bản thân có thể sánh ngang các bậc cao nhân trong lịch sử Trung Quốc như Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Chính Gia Cát Lượng cũng có biệt hiệu "Ngọa Long tiên sinh", cho thấy ông xem trọng bản thân và không lép vế so với nhóm quân sư Tuân Úc, Giả Hủ, Quách Gia của Tào Tháo.
Do đó, bài phân tích của Phượng Hoàng cũng bác bỏ khả năng Khổng Minh không theo Tào Tháo vì không thể phát triển.
Đồng thời, nếu chỉ xét về con đường sự nghiệp, thì thế lực Lưu Bị chắc chắn kém xa so với Tào Tháo.
Vào thời điểm Gia Cát Lượng đầu quân cho Lưu Bị, lực lượng của Lưu yếu kém, tương lai cũng không rõ ràng.
Ngược lại, Tào Tháo khi đó đã có thế lực mạnh và vững vàng. Nếu nói Khổng Minh chỉ nhìn vào tiền đồ sự nghiệp thì theo logic, Tào Tháo mới là phương án tối ưu.
Lưu Bị là lựa chọn ngay từ đầu
Là một thanh niên trí thức ôm nhiều hoài bão và lý tưởng, việc lựa chọn chủ nhân của Gia Cát Lượng sẽ không đơn giản chỉ phụ thuộc vào "miếng cơm".
Gia nhập lực lượng của Lưu Bị, đồng nghĩa với Gia Cát Lượng đem toàn bộ "vốn liếng" của bản thân đặt vào Lưu.
Nếu Lưu Bị hùng mạnh, lý tưởng của Khổng Minh sẽ thành hiện thực. Ngược lại, tất cả tư tưởng của ông cũng sẽ tiêu vong và trở nên vô danh trong lịch sử.
Tam cố thảo lư - 3 lần tới lều cỏ thỉnh Gia Cát Lượng xuống núi, điển tích tô đậm hình tượng trọng hiền tài của Lưu Bị.
"Tam cố thảo lư" - 3 lần tới lều cỏ thỉnh Gia Cát Lượng xuống núi, điển tích tô đậm hình tượng "trọng hiền tài" của Lưu Bị.
Sự lựa chọn của Gia Cát Lượng cho thấy, ông sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh để thực hiện lý tưởng của mình bên cạnh Lưu Bị, bất chấp khả năng thất bại rất lớn.
Điều thú vị là, nhiều học giả Trung Quốc cho hay, mặc dù Khổng Minh đã quyết tâm theo Lưu Bị ngay từ khi còn ở ẩn, song ông cũng không vội vàng "xuất sơn".
Nguyên nhân do ông vẫn còn những hoài nghi, rằng liệu Lưu Bị có "nhìn trúng" ông hay không?
Lưu Bị sẽ đối đãi với ông như một mưu sĩ bình thường, hay trọng dụng ông như bậc quốc sĩ?
Liệu Lưu Bị có chấp nhận sách lược trị quốc của ông?
Xuất phát từ những "nghi vấn" trên, cho nên mặc dù bản thân đã có đáp án, nhưng Gia Cát Lượng vẫn phải "nằm im chờ thời".
Ở thời điểm đó, Khổng Minh chỉ mới ngoài 20, và ông có đủ thời gian để chờ đợi ngày Lưu Bị "tam cố thảo lư".
Khi ấy, con đường của Gia Cát Lượng mới thực sự bắt đầu.
theo Đại Lộ

Ai đứng đầu Ngũ hổ tướng trong Tam Quốc diễn nghĩa?

Thu Hằng | 09/12/2014 20:15


Ai đứng đầu Ngũ hổ tướng trong Tam Quốc diễn nghĩa?

Ngũ hổ tướng xuất kích. Ảnh: Baidu

Lưu Bị sắc phong Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung là Ngũ Hổ Thượng Tướng. 5 vị dũng tướng mỗi người có một tài năng xuất chúng.




Tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung nói rằng Lưu Bị sau khi lên ngôi vào năm 219 đã lấy hiệu là Hán Trung Vương, sắc phong 5 vị dũng tướng - gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung - là Ngũ Hổ Thượng Tướng.
Theo Sina, nếu xét về danh tiếng và chiến công riêng hiển hách, Võ thánh Quan Vũ sẽ đứng vị trí cao nhất.
Tuy vậy, nếu xếp cả về đức độ, tài thao lược, trí dũng song toàn, chắc hẳn Triệu Vân sẽ đứng đầu. Các vị trí dưới lần lượt xếp theo Trương Phi, Mã Siêu và Hoàng Trung.
Trên thực tế, sử sách không xác nhận Ngũ Hổ Tướng.
Do La Quán Trung dành nhiều thiện cảm cho nhà Thục khi viết về thời Tam Quốc nên hình tượng của các vị tướng lĩnh dưới trướng Lưu Bị được khắc họa hết sức uy mãnh và đi vào điển tích, ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người.
1. Quan Vũ
Quan Vũ vào sinh ra tử nhiều phen, một đời giữ trọn lòng trung nghĩa với Lưu Bị. Ảnh minh họa: Baidu
Quan Vũ vào sinh ra tử nhiều phen, một đời giữ trọn lòng trung nghĩa với Lưu Bị. Ảnh minh họa: Baidu
Quan Vũ (sinh ? – mất 220), tên tự Trường Sinh, sau đổi thành Vân Trường, quê ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, miền bắc của Trung Quốc ngày nay.
Ông cao chín thước (khoảng 2 m), mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt, là vị dũng tướng tiếng tăm lừng lẫy cuối thời Đông Hán.
Từ trẻ theo phò trợ Lưu Bị, một lòng trung thành, xả thân vì chúa, ông cũng là vị dũng tướng mà Lưu Bị hết lòng tin cậy, phong làm Tiền tướng quân.
Sau khi Quan Vũ mất, nhân dân tôn ông làm "Võ Thánh", sánh ngang với Văn thánh Khổng Tử và được thờ cúng với tượng mặt đỏ, mày tằm hình chữ bát, mắt phượng sáng như sao, râu rồng rõ năm chòm, trán hùm thân lẫm liệt, tay cầm cây thanh long yểm nguyệt, cưỡi ngựa xích thố.
Dân gian xem ông như một biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành, nhưng các nhà sử học cũng phê phán ông vì tính kiêu căng, ngạo mạn.
Dân gian coi Quan Vũ là bậc anh hùng cái thế, dũng cảm phi thường, đứng đầu toàn quân.
Trong tam tuyệt của Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông được xếp là "tuyệt nghĩa" (Tào Tháo là tuyệt gian, Gia Cát Lượng là tuyệt trí).
Quan Vũ là bậc bề tôi trung thành, dù nhiều lần Tào Tháo hậu đãi chiêu mộ nhưng ông không từ bỏ Lưu Bị, theo Lưu Bị nhiều năm phải trải qua gian lao khó nhọc nhưng ông vẫn một lòng không thay đổi.
Với sức khỏe hơn người, Quan Vũ dùng thanh long đao 40 kg.
Trong suốt cuộc đời chinh chiến, ông lập nhiều chiến công hiển hách, diệt nhiều tướng tài của địch như Trình Viễn Chí, Quản Hợi, Hoa Hùng, Tuân Chính, Bàng Đức.
Nhiều câu chuyện về Quan Vũ như ông ung dung chơi cờ trong khi Hoa Đà ở bên cạo xương trị độc (cạo xương trị thương), hay việc hiển linh sau khi chết khiến kẻ giết ông là Lã Mông chết bất tử vì quá sợ hãi, thủ cấp nổi giận khiến Tào Tháo đau đầu nặng đến mức qua đời đã đi vào điển tích truyền kỳ, đề cao uy linh và dũng khí can trường của Võ Thánh.
Bên cạnh khí chất vũ dũng phi phàm, Quan Vũ có nhược điểm vì tính kiêu ngạo, không chịu dưới người khác, như việc ông có ý so sánh bản thân Mã Siêu, để Gia Cát Lượng phải lựa ý ca ngợi ông hơn hẳn, còn Mã Siêu chỉ xếp cùng hạng với Trương Phi mà thôi.
Hay khi Lưu Bị phong ông làm Tiền tướng quân, Hoàng Trung là Hậu tướng quân, ông không bằng lòng nên Phí Vĩ phải lựa lời phân tích lý lẽ, ông mới chịu nhận chỉ.
Sử gia Trần Thọ, tác giả sách "Tam Quốc chí", bình luận về ông: "Quan Vũ sức địch vạn người, hổ thần một thời. Nhưng vũ cương và tự phụ, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy".
2. Trương Phi
Trương Phi, vị võ tướng vô cùng nóng nảy. Ảnh minh họa: Baxue
Trương Phi, vị võ tướng vô cùng nóng nảy. Ảnh minh họa: Baxue
Trương Phi (sinh ? – mất năm 221), tên tự Dực Đức, người tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc hiện nay.
Trương Phi giữ chức Hữu tướng quân, sau khi Lưu Bị xưng đế, được phong làm Tây Hương Hầu.
Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo, làm nghề bán rượu, thân hình to lớn, dung mạo oai phong, được học hành cả võ nghệ lẫn sách vở.
La Quán Trung miêu tả Trương Phi "cao tám thước, đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én", tính cách vô cùng khẳng khái, bộc trực và rất nóng nảy.
Tuy nóng tính và dữ dằn, nhưng dân chúng lại rất yêu quý hình tượng Trương Phi, vì ông đại diện cho vị võ tướng trượng nghĩa, căm ghét cái ác, và hết lòng hết sức vì anh em.
Trương Phi là người sát cánh cùng Lưu Bị từ thuở hàn vi, ông đã đóng góp rất nhiều cho sự ra đời của nước Thục.
Trương Phi nổi tiếng với sức khỏe địch muôn người cùng với sự dũng cảm coi thường cái chết.
Ông thật sự là nỗi khiếp đảm của quân thù, trong trận Tương Dương, Trường Bản, tuy chỉ còn vài chục quân sĩ, còn quân Tào đông đến mấy trăm vạn, nhưng sự dũng mãnh của ông đã khiến Tào Tháo hoảng sợ phải lui quân.
Trong trận ấy, Hạ Hầu Kiệt, viên quan theo hầu Tào Tháo đã hoảng sợ đến mức vỡ mật mà chết.
Ông đã cùng đơn đấu với Lã Bố đến hơn 50 hiệp mà bất phân thắng bại.
Những chiến công của Trương Phi có thể kể tới: dẹp giặc Khăn Vàng, chặn quân Tào Tháo ở trận Trường Bản, truy kích Tào Tháo ở trận Xích Bích, đánh Tây Xuyên, thu phục Nghiêm Nhan, giao tranh với Trương Cáp ở Ba Tây, đánh nhau với Mã Siêu…
Trương Phi tuy là bậc anh hùng có mưu có dũng, nhưng tính tình quá nóng nảy, dễ nổi giận lôi đình, khiến không ít lần bị rơi vào bẫy của kẻ địch, cuối đời còn mang họa sát thân.
3. Triệu Vân
Triệu Vân lẫm liệt cưỡi bạch long mã, tay cầm thương tả xung hữu đột. Ảnh minh họa: Baidu
Triệu Vân lẫm liệt cưỡi bạch long mã, tay cầm thương tả xung hữu đột. Ảnh minh họa: Baidu
Triệu Vân (sinh ? - mất năm 229), người huyện Chính Định Nam, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày nay, tên tự là Tử Long.
Thuở nhỏ theo Công Tôn Toản, sau về phò trợ cho Lưu Bị.
Ông có ngoại hình hùng dũng, uy phong lẫm liệt, giỏi võ nghệ và có tài thao lược, được đánh giá là bậc hổ tướng trí dũng song toàn.
Tam Quốc diễn nghĩa có ghi rằng ông "cao tám thước, mắt rồng, mày rậm, má bầu, mặt rộng, sống mũi diều hâu, lưng sói, tay vượn, bụng beo, cưỡi Bạch Long mã, uy phong lẫm liệt".
Ông nổi tiếng với tài dùng thương, mười dũng tướng của Tào Tháo không địch nổi một mình Triệu Vân.
Với tài thương thuật của mình, Triệu Vân có thể dũng mãnh tả xung hữu đột, giành được chiến thắng trong vòng vây kẻ địch.
Ông được Lưu Bị ngợi khen như là một vị võ tướng dũng khí có thừa.
Những chiến tích của Triệu Vân phải kể đến: phá trận Bát Môn kim Tỏa của Tào Nhân, hai lần cứu A Đẩu, một mình cưỡi Bạch Long mã phá vây hàng vạn quân Tào, chém gãy 2 lá cờ to, giết 50 danh tướng quân Tào, lấy được thanh gươm báu Thanh Công, thanh gươm báu mạ vàng của Tào Tháo, có thể chém gãy các loại binh khí.
Ông cũng truy kích Tào Tháo ở trận Xích Bích, đánh Tây Xuyên, Hán Trung, đánh tộc người Man do Mạnh Hoạch chỉ huy, tham gia Bắc phạt do Gia Cát Lượng chỉ huy.
Sau khi Lưu Bị chiếm được Ích Châu, ông được phong làm Dực tướng quân, phò trợ Lưu Bị đánh Trung Hán.
Kiến Hưng năm thứ 6 (tức năm 228), Triệu Vân dẫn quân hỗ trợ cho Gia Cát Lượng tiến đánh Quan Trung, tuy lúc này tuổi đã cao nhưng Triệu Vân vẫn hết sức dũng mãnh quyết chiến với quân địch, sau rút quân về được Hán Trung, năm sau thì mất.
Triệu Vân là hổ tướng có uy dũng, quả cảm trên chiến trường, nhưng có tình có nghĩa, chắc chắn, bình tĩnh, tận tụy, không nóng nảy xốc nổi như Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu.
Trong chính sự, ông một lòng vì nước, có tư duy nhạy bén, suy nghĩ thấu đáo.
Như khi Lưu Bị khởi quân đánh Tôn Quyền, để trả thù cho Quan Vũ, Triệu Vân đã đứng ra khuyên gián Lưu Bị "Quốc thù nên xem là trọng, tư thù nên xem là nhẹ", nhưng Lưu Bị không nghe, kết quả quân Lưu Bị đại bại, Triệu Vân phải mang quân đến tiếp ứng rước về.
4. Mã Siêu
Mã Siêu xuất thân dòng dõi, luôn dẫn tiên phong trong các trận giao chiến. Ảnh minh họa: Baidu
Mã Siêu xuất thân dòng dõi, luôn dẫn tiên phong trong các trận giao chiến. Ảnh minh họa: Baidu
Mã Siêu (176-222), tên tự Mạnh Khởi, quê ở Hưng Bình, huyện Thiểm Tây, Trung Quốc hiện nay, là danh tướng của Thục Hán thời Tam Quốc.
Mã Siêu được Lưu Bị hoàn toàn tin cẩn giao nhiều trọng trách quan trọng đồng thời tấn phong cho ông làm Tả tướng quân.
Mã Siêu có tài bắn tên và có lối đánh thần tốc.
Trong mỗi trận giao chiến, ông thường xung phong đi nhưng cũng là người đích thân đoạn hậu, luôn rút lui sau cùng để bảo vệ cho quân lính an toàn.
Ngoài sự anh dũng, thiện chiến trong chiến đấu, trong Tam Quốc diễn nghĩa, ông được biết đến với biệt danh "Cẩm Mã Siêu" nghĩa là Mã Siêu tuyệt đẹp, hay tuyệt mỹ.
La Quán Trung mô tả và ước lệ hóa Mã Siêu trở thành một vẻ đẹp gần như tuyệt mỹ của một trang nam tử trẻ tuổi.
"Mã Siêu là một viên tướng trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, mình hổ tay vượn, bụng beo lưng sói, tay cầm một ngọn giáo dài, mình cưỡi con ngựa đẹp".
Theo đó, ông vừa có sự kết hợp gần như là hoàn hảo của dung mạo, thể hình và phong độ, vừa có cái đẹp của một công tử dòng dõi thế gia lại vừa có cái đẹp mạnh mẽ, kiêu dũng của những chiến binh, dũng sĩ của các bộ tộc miền quan ngoại.
Mã Siêu được miêu tả là một hổ tướng sức địch muôn người, được Tào Tháo và Dương Phụ ví như Lã Bố tái thế, Khổng Minh so sánh với Kình Bố, Bành Việt.
Sức mạnh và sự uy dũng của ông được thể hiện trong những trận chiến mà ông tham gia, đặc biệt là hai trận đánh tay đôi với Hứa Chử, viên hổ tướng mạnh nhất của quân Ngụy và Trương Phi, một trong Ngũ Hổ tướng của Nhà Thục, là hai trong những trận đấu tướng hay nhất, hấp dẫn và kịch tính nhất trong Tam quốc.
Tuy vậy, qua tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa Mã Siêu về cơ bản được xếp vào hạng hữu dũng, võ biền, hay nóng giận, là một võ tướng chỉ đơn thuần dựa vào sức mạnh và uy dũng giống như Lã Bố.
Chính vì không đủ trí dũng song toàn để tham gia vào cuộc tranh hùng đầy khốc liệt trong thời kỳ này, nên cuộc đời binh nghiệp của Mã Siêu luôn gặp nhiều thất bại, liên tục bị mắc mẹo, bị bội phản, chiêu dụ.
Tuy được xếp hạng hổ tướng, được Lưu Bị tin dùng, nhưng cuộc đời riêng của ông gặp nhiều đau khổ, không báo được thù cha, cả gia tộc hơn 200 người đều bị Táo Tháo hại chết.
5. Hoàng Trung
Lão tướng Hoàng Trung bắn tên bách phát bách trúng. Ảnh minh họa: Baidu
Lão tướng Hoàng Trung bắn tên bách phát bách trúng. Ảnh minh họa: Baidu
Hoàng Trung (sinh ? - mất năm 220), tên tự Hán Thăng, người tỉnh Nam Dương, Hà Nam, Trung Quốc hiện nay. Ông là danh tướng cao tuổi nhất trong ngũ hổ tướng.
Ông vốn giữ chức Trung Lương tướng quân, là thuộc hạ của Lưu Biểu, sau đầu quân cho Lưu Bị và giúp Lưu Bị đánh Lưu Chương, chiếm Ích Châu.
Năm 219, trong trận chiến với quân Tào ở núi Định Quân. Lưu Bị thống lĩnh quân Thục giao chiến với danh tướng của Tào là Hạ Hầu Uyên.
Binh lính phía Tào đều hết sức thiện chiến, tinh nhuệ, phía bên này, lão tướng Hoàng Trung tiên phong dẫn quân, đánh trống gõ chiêng, binh sĩ đồng lòng hô vang, khí phách lẫm liệt.
Trận này Hoàng Trung lập công lớn, chém chết Hạ Hầu Uyên và được phong làm Chinh Tây tướng quân.
Sau khi Lưu Bị xưng Hán Trung Vương, đã phong ông làm Hậu tướng quân, và ban tước Quan Nội Hầu.
Hoàng Trung là vị hổ tướng dũng mãnh, khí chất dẫn đầu tam quân, đặc biệt ông có tài bắn cung thiện nghệ, thành ngữ "Bách phát bách trúng" trong tiếng Hoa cũng bắt nguồn từ tài bắn tên của ông.
Tuy nhiên cuối đời, ông chết vì trúng tên của quân địch.
Sau khi Quan Vũ bị Đông Ngô chém thủ cấp, để báo thù cho nhị đệ, Lưu Bị dẫn quân thảo phạt Đông Ngô.
Khi giao chiến, Quan Hưng, Trương Bào liên tục trảm tướng giết địch quân, Lưu Bị hết mực tán thưởng thiếu niên tuổi trẻ tài cao, Hoàng Trung tự thấy mình là bậc lão tướng, có phần không phục, bèn đơn thương độc mã khiêu chiến.
Khi giao tranh, thấy tướng Đông Ngô là Phan Chương tay cầm thanh long đao yểm nguyệt của Quan Vũ, Hoàng Trung nóng vội muốn báo thù, nên đã khinh suất trúng mai phục của quân địch, và bị Mã Trung bắn tên trúng vai.
Năm đó Hoàng Trung tuổi tác đã cao lại cộng thêm vết thương mất nhiều máu, không lâu sau ông qua đời.
theo Zing

Mối quan hệ thực giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng

Đỗ Vũ | 08/12/2014 20:15


Mối quan hệ thực giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng

Dân gian biết câu chuyện Lưu Bị phải ba lần tới lều tranh để mời Gia Cát Lượng xuất núi để cùng ông mưu tính đại sự, tuy nhiên thực tế lịch sử lại cho thấy một sự thật khác.

Lưu Bị ba lần tới lều tranh để mời Gia Cát Lượng làm quân sư. Ảnh minh họa: CRI
Lưu Bị ba lần tới lều tranh để mời Gia Cát Lượng làm quân sư. Ảnh minh họa: CRI
Gia Cát Lượng là một quân sư toàn tài có khả năng "liệu việc như thần", một nhà ngoại giao cự phách và cũng là một nhà phát minh tài năng.
Khi nhắc đến mối quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng, dân gian vẫn thường lưu truyền câu chuyện Lưu Bị ba lần đến lều tranh tìm Gia Cát Lượng cũng như sự trân trọng tài năng tuyệt đỉnh của Lượng.
Trong mắt của người đời sau, khi Gia Cát Lượng đồng ý về bên Lưu Bị làm quân sư, hai người thân thiết và gắn bó như cá với nước.
Lưu Bị và Gia Cát Lượng trở thành hình mẫu chuẩn trong quan hệ quân – thần.
Tuy nhiên, theo Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc CRI, nếu điểm lại một số sự kiện trong thực tế lịch sử Trung Quốc, người ta hiểu rằng, sau khi Lưu Bị tam cố thảo lư đến khi gửi con ở Thành Bạch Đế, quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng không hề thân thiết như "Tam Quốc Diễn Nghĩa" khắc họa.
Khổng Minh càng không phải là người Lưu Bị ưu ái nhất ở nước Thục.
Sau trận Xích Bích, Lưu Bị tiến hành chiến dịch giành Tây Xuyên.
Dù Gia Cát Lượng trấn giữ Kinh Châu, nhưng Lưu Bị vẫn dùng Bàng Thống và Pháp Chính làm người trợ thủ chính để lấy Thục. Mãi về sau Lưu Bị mới điều Gia Cát Lượng dẫn quân vào Tây Xuyên.
Trong cuộc chiến giành Hán Trung, trợ thủ chính cho Lưu Bị vẫn là Pháp Chính, còn Gia Cát Lượng chỉ ở phía sau làm công tác hậu cần.
Trong chiến dịch này, Gia Cát Lượng không phát huy tác dụng ở vai trò tham mưu. Đến khi Lưu Bị chính thức quản lý Hán Trung, vị trí của Gia Cát Lượng vẫn xếp sau Pháp Chính.
Một thực tế khác mà sử sách ghi chép lại, rằng Lưu Bị vô cùng tin tưởng Quan Vũ. Ông giao Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, một nơi vô cùng quan trọng, nhưng cuối cùng Kinh Châu vẫn thất thủ.
Nếu khi đó Lưu Bị cho Quan Vũ vào Xuyên Trung, để Gia Cát Lượng lưu lại Kinh Châu thì rất có thể kết cục không thảm hại như vậy.
Sau khi Quan Vũ thất thủ ở Kinh Châu, Lưu Bị điều binh đánh Ngô, nhưng cũng không cho Gia Cát Lượng tham gia, thậm chí không hề quan tâm tới ý kiến của Lượng.
Sau khi quân Thục rơi vào vòng vây của lửa và thất bại thảm hại, Gia Cát Lượng mới cảm thán rằng: "Nếu Pháp Chính ở đây tất khuyên được Chủ không tiến quân sang phía đông, giờ tiến quân sang đông, tất rơi vào hiểm nguy".
Câu nói cho thấy, trong mắt Lưu Bị, vị trí số một thuộc về Pháp Chính chứ không phải Gia Cát Lượng.
Bất đồng quan điểm
Lưu Bị và quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng. Ảnh minh họa: Sohu
Lưu Bị và quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng. Ảnh minh họa: Sohu
Để giải thích cho thực tế này, giới học giả đưa ra nhiều lý do. Thứ nhất, tư duy chiến lược của Lưu Bị và Gia Cát Lượng không thể thống nhất.
Theo "Long Trung đối sách", Gia Cát Lượng cho rằng cách duy nhất để Lưu Bị củng cố quyền lực chỉ có thể là chiếm Kinh Châu và Ích Châu. 
Kinh Châu khi đó do Lưu Biểu, một người đã già lại không có người kế nghiệp thực sự tài giỏi, nắm giữ.
Nếu Lưu Bị chiếm Kinh Châu thì đường vào nước Thục sẽ rộng mở, đồng thời có lợi thế về phòng thủ vì Kinh Châu được Hán Thủy và Miện Thủy che chở. 
Ích Châu là vùng đất do Lưu Chương, một tôn thất khác của nhà Hán, quản lý. Người này cũng không phải bậc gian hùng tới mức không thể đánh bại. 
Ngoài ra, Ích Châu chính là đất khởi nghiệp của Bái Công Lưu Bang, là vùng đất cực kỳ hiểm trở, sản vật phong phú. 
Sau khi chiếm Kinh Châu, Ích Châu, Lưu Bị chỉ còn việc ổn định lãnh thổ, xây dựng quân đội, bắc địch Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền, chờ thời cơ thiên hạ có biến để tiêu diệt cả hai đối thủ chính, thống nhất Trung Quốc. 
Tuy nhiên, Lưu Bị lại là người theo chủ nghĩa cơ hội, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, không có cái nhìn chiến lược lâu dài.
Ông chỉ muốn chiếm cứ một phương, làm vương ở một nước nên không coi trọng ý tưởng liên kết với Ngô của Gia Cát Lượng.
Bên cạnh đó, Lưu Bị không tin tưởng Gia Cát Lượng. Anh trai của Gia Cát Lượng là Gia Cát Cẩn giữ trọng trách ở nước Ngô, hơn nữa từng là sứ thần nước Ngô sang Kinh Châu thương lượng.
Phải đối mặt với mối quan hệ phức tạp ấy, Lưu Bị vẫn không xóa bỏ được mối nghi ngờ cá nhân với Gia Cát Lượng.
Trong "Độc thông niên luận", Vương Phu Chi cũng phân tích rất sâu sắc về mối quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng.
Ông viết rằng, ý tưởng của Gia Cát Lượng là nhất định phải giữ Hán, diệt Tào.  Nếu không liên kết với Đông Ngô mà phải chịu sự khống chế của nó, thì khó lòng tiến hành Bắc phạt.
Còn ý đồ của Lưu Bị lại khác.  Lưu Bị lúc đầu muốn tự cường, sau lại muốn tự lập vương nên đã hợp nhất với Quan Vũ.
Vì thế Lưu Bị không tin Gia Cát Lượng bằng Quan Vũ. Lòng nghi ngờ mối quan hệ giữa Lượng và Đông Ngô quá sâu sắc.
Thậm chí Lưu Bị còn nghi ngờ Lượng câu kết với Tử Du. Về sự kiện gửi con ở Bạch Đế Thành, Lưu Bị để Gia Cát Lượng nhận Lưu Thiện làm con nuôi có thể coi là chuyện cực chẳng đã.
Khi Lưu Bị sắp lâm chung, mâu thuẫn giữa Ích Châu và Kinh Châu đã vô cùng sâu sắc, Lưu Thiện lại không phải là quân vương kiệt xuất, không đủ khả năng xử lý tình thế phức tạp khi đó.
Hơn nữa Pháp Chính, Bàng Thống đã qua đời, người duy nhất Lưu Bị có thể dựa chỉ là Gia Cát Lượng.
theo Zing

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét