Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

GIAI THOẠI THIỀN 17

(ĐC sưu tầm trên NET)

Giai thoại Thiền: ĂN TRỘM TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Buổi chiều, khi Shichiri Kojun đang tụng kinh, một tên trộm tay cầm một lưỡi gươm bén bước vào bảo Shichiri đưa tiền cho hắn nếu không hắn sẽ giết chết.

Shichiri nói với hắn:

“Đứng có làm phiền ta. Tiền trong ngăn kéo kia anh có thể lấy đi”.

Rồi Shichiri tiếp tục đọc kinh.

Một lát sau, Shichiri dừng lại gọi:

“Đừng có lấy hết nghe. Ta cần một ít để mai đóng thuế đó”.

Tên trộm nhặt gần hết số tiền và bắt đầu chuồn.

“Hãy cảm ơn người ta khi anh nhận quà chứ”, Shichiri nói thêm. Tên trộm cám ơn ông rồi bỏ đi.

Ít hôm sau tên trộm bị bắt. Giữa đám đông, hắn xưng đã phạm tội với Shichiri.

Khi Shichiri được mời đến làm chứng, ông nói:

“Người này không phải ăn trộm, ít nhất là về phần tôi. Tôi đã cho tiền anh ta và anh ta đã cảm ơn tôi”.

Sau khi mãn tù, anh ta đến viếng Shichiri và trở thành một đệ tử của ông.
Giai thoại Thiền: CỎ VÀ CÂY SẼ GIÁC NGỘ THẾ NÀO

Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Vào thời Kamakura, Shinkan học ở trường Tendai sáu năm, học Thiền bảy năm; xong Shikan sang Trung Hoa chiêm ngưỡng Thiền mười ba năm.

Khi trở về Nhật, nhiều người muốn viếng Shinkan và hỏi nhiều câu hỏi khó. Nhưng lúc tiếp khách, thường Shinkan hiếm khi trả lời những câu hỏi của khách.

Một hôm, một Thiền sinh năm mươi tuổi đạo đến nói với Shinkan:

“Tôi đã học ở Tendai về tư tưởng khi tôi còn bé, nhưng có một điều tôi không thể hiểu được. Tendai dạy rằng cỏ cây cũng sẽ giác ngộ. Đối với tôi điều này có vẻ kỳ lạ quá”.

Shinkan hỏi:

“Bàn luận về cây cỏ sẽ giác ngộ thế nào có ích chi đâu? Vấn đề là làm sao chính ông có thể giác ngộ được, ông có xét thấy điều này không?”

Người già lạ lùng:

“Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này”

Shinkan kết thúc:

“Rồi, hãy về nghĩ kỹ xem”.
Giai thoại Thiền: ÔNG PHẬT MŨI ĐEN
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”


Một ni cô cần tìm giác ngộ, tạo một tượng phật và bọc tượng bằng vàng lá. Bất cứ đi đâu cô cũng mang tượng Phật này theo.

Nhiều năm qua, vẫn cứ mang ông Phật vàng theo, ni cô đến sống trong một ngôi đền nhỏ ở vùng đồng quê. Đến có nhiều tượng Phật, mỗi tượng có một bàn thờ đặc biệt.

Ni cô muốn đốt hương trước ông Phật vàng của mình. Có ý không thích hương thơm bay sang những ông Phật khác, cô tạo một đường hành nhỏ để khói xuyên qua đó chỉ đến ông Phật của mình thôi. Khói xông lên làm đen chiếc mũi của ông Phật vàng, khiến nó xấu xí đi một cách đặc biệt.

Giai thoại Thiền: GUDO VÀ HOÀNG ĐẾ
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Hoàng đế Goyozei theo học Thiền với Thiền sư Gudo. Hoàng đế hỏi:

“Bạch thầy, trong Thiền nói chính tâm này là Phật. Có đúng không?”

Godo đáp:

“Nếu tôi bảo đúng thì ngài sẽ nghĩ rằng ngài hiểu mà không hiểu. Nếu tôi bảo không , thì tôi phản lại một sự thật mà nhiều người hiểu hoàn toàn”.

Một ngày khác, Hoàng đế hỏi Gudo:

“Người giác ngộ đi đâu khi chết?”

Gudo đáp: “Tôi không biết”.

Hoàng đế hỏi: “Tại sao thầy không biết?”

Gudo đáp: “Bởi vì tôi chưa chết”.

Hoàng đế còn phân vân hỏi nhiều việc nữa mà tâm ông không hiểu được. Vì thế Gudo đập tay lên sàn nhà như để thức tỉnh Hoàng đế và Hoàng đế giác ngộ!

Sau khi giác ngộ, Hoàng đế kính trọng Thiền và ông già Gudo hơn nữa. Ông còn cho phép Gudo đội mũ trong cung điện vào mùa đông. Khi hơn tám mươi tuổi, Gudo thường hay ngủ gật trong lúc dạy, và Hoàng đế im lặng rút lui sang phòng khác để người thầy kính yêu của mình có thể hưởng được những gì còn lại mà tấm thân già của Gudo đòi hỏi.
Giai thoại Thiền: MỒ HÔI CỦA KASAN
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Kasan được mời cử hành đám tang của một lãnh chúa trong tỉnh.

Trước kia Kasan chưa bao giờ gặp gỡ những lãnh chúa và những người quý tộc, vì thế Kasan bối rối.

Khi nghi lễ bắt đầu, Kasan xuất mồ hôi dầm mình.

Sau đó, khi trở về nhà Kasan tập hợp những đệ tử của mình lại. Kasan thú nhận rằng ông chưa đủ phẩm cách để làm thầy vì ông thiếu sự chịu đựng nỗi buồn tẻ trong thế giới danh vọng vì ông đã sống trong ngôi đền tách biệt này. Rồi Kasan từ bỏ chức vụ làm thầy và trở thành đệ tử của một vị thầy khác.

Tám năm sau, Kasan trở về với những đệ tử xưa của mình. Kasan đã giác ngộ.
Giai thoại Thiền: SỰ CHINH PHỤC CỦA MỘT CON MA
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Một cô vợ trẻ, bị bệnh sắp chết. Nàng nói với chồng:

“Em yêu anh lắm. Em không muốn xa anh. Anh đừng bỏ em để đi với một người đàn bà nào khác. Nếu anh bỏ em, em sẽ làm một con ma trở về làm khổ anh luôn”.

Cô vợ sớm qua đời. Người chồng kính trọng ý muốn cuối cùng của vợ trong ba tháng đầu, nhưng rồi anh ta gặp một người đàn bà khác và yêu nàng. Họ đính hôn với nhau.

Ngay sau cuộc đính hôn, đêm đêm một con ma xuất hiện trước mặt người đàn ông và trách mắng anh ta không chung thủy. Con ma rất thông minh. Nó nói rất đúng những gì đã xảy ra giữa người chồng và cô tình nhân mới của chồng. Bất cứ khi nào người chồng tặng quà cho vị hôn thê của mình, con ma cũng diễn tả lại đúng từng chi tiết. Nó còn lập lại được cả cuộc nói chuyện của hai người. Cứ thế nó làm người đàn ông không ngủ được. Vài người khuyên anh ta đem việc này đến một vị Thiền sư ở gần làng. Sau cùng, người chồng khốn khổ đến nhờ vị Thiền sư giúp đỡ.

Thiền sư bình luận:

“Người vợ trước của anh đã trở thành một con ma. Nó biết bất cứ việc gì anh làm hay bất cứ vật gì anh tặng vị hôn thê của anh, nó phải là một con ma rất thông minh. Thật sự, anh phải kính trọng một con ma như thế.

Lần tới, khi con ma xuất hiện anh hãy đánh cuộc với nó. Hãy bảo nó rằng nó biết quá nhiều, anh không thể nói điều gì được. Nếu nó trả lời anh được một câu hỏi, anh hứa với nó là anh bỏ cuộc đính hôn và sống độc thân trọn đời”.

Người đàn ông hỏi: “Tôi phải hỏi nàng câu gì?”

Thiền sư đáp:

“Hãy hốt đầy một nắm đậu tương, bảo nó nói đúng bao nhiêu hạt đậu trong tay anh. Nếu nó không nói được, anh sẽ biết nó chỉ là một ảo ảnh của trí tưởng tượng của anh. Nó sẽ không phiền anh nữa”.

Đêm đến, khi con ma xuất hiện, người đàn ông mơn trớn nó và bảo rằng nó đã biết hết mọi việc.

Con ma đáp: “Đúng, và tôi còn biết hôm nay anh đã viếng một Thiền sư”.

Người đàn ông yêu cầu:

“Vì em biết quá nhiều, nào hãy nói cho anh biết trong tay anh đây có bao nhiêu hạt đậu?”

Không còn con ma nào nữa để trả lời câu hỏi.
Giai thoại Thiền: NGƯƠI ĐANG LÀM GÌ VẬY ! THẦY ĐANG NÓI GÌ VẬY !
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Gần đây, người ta hay nói nhiều về chuyện phi lý về những Thiền sư và các đệ tử của họ, nói nhiều về sự thừa kế giáo lý của các đệ tử đắc đạo với thầy họ, cho phép họ truyền chân lý cho những đệ tử của mình. Dĩ nhiên, Thiền phải được truyền thụ theo cách này: lấy tâm truyền tâm, và trong quá khứ cách truyền thụ này đã được hoàn thành thật sự. Sự im lặng và đức khiêm cung trên bậc hẳn sự tuyên xưng và sự xác quyết. Người thụ nhận một giáo lý như thế họ giữ kín việc đó đến cả vài chục năm sau. Mãi cho đến khi một người khác khám phá ra sự cần thiết riêng của mình, thì một bậc chân sư ở sát bên mình, tay trong tay, nói cho biết, thế là giáo lý đã được truyền thụ; rồi cả đến trường hợp xảy ra một cách hoàn toàn tự nhiên, giáo lý tự nó tạo lối đi theo quyền riêng của nó. Một cách vô điều kiện, ông thầy còn kêu lên: “Ta là kẻ đắc đạo “Như như”. Một lời tuyên bố như thế chứng tỏ hoàn toàn trái ngược.

Thiền sư Mu-nan chỉ có một đệ tử đắc đạo. Ông ta tên là Shoju. Sau khi Shoju hoàn tất việc học Thiền, Mu-nan gọi Shoju vào phòng riêng. Mu-nan nói:

“Thầy già rồi, đến bây giờ thầy biết, Shoju, con là người duy nhất sẽ thực hiện lời dạy này. Đây là một tập sách. Nó được lưu truyền từ thầy này đến thầy khác đã bảy đời rồi. Thầy cũng đã thêm vào đấy nhiều điểm theo sự hiểu biết của thầy. Sách này rất có giá trị. Thầy cho con để chứng tỏ sự đắc đạo của con”.

Shoju đáp:

“Nếu nó là một vật quan trọng như vậy, tốt hơn là thầy hãy giữ lấy. Con đã thọ nhận Thiền không văn tự của thầy. Con mãn nguyện lắm rồi”.

Mu-nan nói:

“Thầy biết, hơn nữa, sách này được qua tay thầy này đến thầy khác đã bảy đời, vì thế con có thể giữ nó như một vật tượng trưng của giáo lý con đã thụ nhận. Này.”

Mu-nan và Shoju đang nói chuyện bên cạnh một lò lửa. Ngay lúc tập sách vừa vào tay, Shoju ném ngay nó vào ngọn lửa hồng. Shoju không muốn làm chủ nó.

Mu-nan, một người từ trước đến giờ không bao giờ nổi giận, hét lên:

“Ngươi đang làm gì vậy !”

Shoju hét lại:

“Thầy đang nói gì vậy !”
Giai thoại Thiền: HỌC IM LẶNG
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Những học sinh của trường Tendai thường học trầm tư trước khi Thiền du nhập vào Nhật Bản. Bốn người trong bọn họ là những bạn thân cam kết thi im lặng với nhau trong bảy ngày.

Ngày đầu, cả bốn đều im lặng. Cuộc trầm tư của họ bắt đầu một cách may mắn. Nhưng khi đêm đến và những ngọn đèn dầu mờ dần, một anh không giữ được nữa kêu một người giúp việc:

“Hãy giữ những ngọn đèn đó lại”.

Anh thứ nhì ngạc nhiên khi nghe anh thứ nhất nói, bèn nhắc:

“Chúng ta không được nói một tiếng nào”.

Anh thứ ba hỏi:

“Tại sao chúng mày nói ?”

Anh thứ tư kết luận:

“Tao là người duy nhất không nói”.
Giai thoại Thiền: LÃNH CHÚA ĐẦU BÒ
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Hai Thiền sư Daigu và Gudo được một vị lãnh chúa mời. Khi đến, Gudo nói với vị lãnh chúa: “Bản tánh ngài thông minh, có khả năng bẩm sinh để học Thiền”.

Daigu nói:

“Vô lý. Tại sao anh nịnh cái đầu bò này? Ông ta có thể là lãnh chúa, nhưng ông ta không biết gì về Thiền hết”.

Vì thế, thay vì vị lãnh chúa xây môt ngôi đền cho Gudo, ông ta lại xây nó cho Daigu và học Thiền với ông này.
Giai thoại Thiền: SỰ CẢI HÓA CHÂN THẬT
Thiền sư Muju
Trích “Góp nhặt cát đá”

Ryokan đã hiến đời mình cho việc học Thiền.

Một hôm Ryokan nghe nói về người cháu trai của ông, mặc cho những lời khuyên nhủ của những người thân thuộc, đang vung phí tiền bạc với một kỹ nữ giang hồ. Bởi vì anh ta đã thay chỗ Ryokan để quản lý tài sản và quyền sở hữu gia đình đang ở trong tình trạng nguy hiểm bởi sự hoang đàng tàn phá. Những người thân quyến yeu cầu Ryokan phải có cách cứu vãn.

Ryokan du hành qua một đoạn đường dài để viếng người cháu mình đã nhiều năm không gặp mặt. Người cháu tỏ vẻ vui mừng khi gặp lại chú mình và mời ông chú ở lại đêm đó.

Ryokan Thiền định suốt đêm. Sáng hôm sau khi ra đi Ryokan bảo người cháu:

“Chú già rồi tay run quá không làm việc được dễ dàng. Cháu buộc hộ chú chiếc dép rơm được không?”

Người cháu ngoan ngoãn vâng lời. Ryokan nói lời sau cùng:

“Cám ơn cháu, cháu thấy đó, con người rồi cũng phải già yếu đi dần dần the otừng ngày. Cháu hãy bảo trọng lấy thân cháu”.

Rồi Ryokan từ giã, không một lời về người kỹ nữ giang hồ cũng như sự phàn nàn của bà con. Nhưng từ sáng hôm đó, người cháu không còn hoang phí tiền của nữa.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét