Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

KIẾP GIANG HỒ 116

(ĐC sưu tầm trên NET)

Chuyện chưa kể sau cuộc vây bắt trùm giang hồ xứ Thanh

Sau 3 lần thoát khỏi vòng vây của các trinh sát, Nguyễn Việt Anh (SN 1984, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) càng trở nên nguy hiểm và ranh mãnh khi trong người luôn thủ sẵn một khẩu súng đầy đạn...

Thích dùng hàng nóng để “tăng số”
Khác với những đàn anh đi trước, Nguyễn Việt Anh bước vào giới giang hồ xứ Thanh khá ồn ào bằng cách dùng hàng “nóng” để lấy “số”. Mặc dù mới nổi lên từ 2 năm nay, nhưng y nhanh chóng chiêu nạp vài chục đàn em sẵn lòng “xuống dao” cùng đại ca trong những cuộc thanh trừng đẫm máu. Máu lạnh cộng với cái danh từng là cán bộ công an, Việt Anh khiến bao anh, chị có “số” phải ngả nón nhường đường. Vào thời điểm đó, “thị trường” cho vay nặng lãi, đòi nợ và đâm thuê chém mướn trên địa bàn TP.Thanh Hóa do một tay Việt Anh thâu tóm. Y nổi tiếng đến mức, giới giang hồ phải kháo rằng, chẳng mấy mà Việt Anh sẽ là “thủ lĩnh xứ Thanh” khi các bậc đàn anh đi trước như: Cường chưởng, Hưng hân, Hợp cán..., lần lượt tra tay vào còng số 8.

Thiếu tá Nguyễn Thế Sâm lật lại hồ sơ cho PV xem thành tích bất hảo của trùm giang hồ Việt Anh.
Nói về lý lịch của Nguyễn Việt Anh, ai nghe qua cũng phải giật mình vì sự sa ngã của y. Sinh ra trong một môi trường khá bài bản, nhiều người thân trong gia đình đều làm trong lực lượng công an. Ngay khi học xong nghĩa vụ, Việt Anh được phân công công tác tại công an huyện Như Thanh. Nhưng thay vì phấn đấu cho sự nghiệp, hắn lao vào con đường ăn chơi sa đọa, hậu quả là cuối năm 2009, bị tước quân tịch đuổi khỏi lực lượng CAND. Bắt đầu từ đây, Việt Anh chính thức lao vào giới “xã hội đen” đầy máu và ma túy.
Nói về Việt Anh, thượng tá Đỗ Văn Cai, phó trưởng công an TP.Thanh Hóa lắc đầu ngao ngán: “Với tố chất của một tên côn đồ manh động, đối tượng này còn đặc biệt nguy hiểm khi luôn mang hàng nóng bên người. Việt Anh luôn thể hiện là một tên tinh khôn, ranh mãnh. Sau mỗi lần gây án, y luôn dùng mọi thủ đoạn để đe dọa người nhà nạn nhân không dám tố cáo và nếu có lỡ làm đơn tố cáo thì cũng phải rút đơn để giúp y thoát tội. Dù đã gây ra nhiều vụ nghiêm trọng nhưng Việt Anh vẫn ung dung bước ra khỏi cơ quan điều tra vì không đủ chứng cứ buộc tội. Thậm chí, ngay cả khi bị phát lệnh truy nã, y càng thể hiện mức độ ranh mãnh của mình khi không dưới 3 lần thoát khỏi vòng vây của trinh sát”.
Theo thượng tá Cai, có một lần Việt Anh may mắn thoát tội trong gang tấc. Đó là năm 2011, khi đối tượng này gây thương tích cho một nạn nhân trên địa phận TP.Thanh Hóa. Không hiểu y và đám đàn em tác động ra sao, lúc cơ quan điều tra triệu tập lên để xử lý, nạn nhân bất ngờ xin rút đơn, từ chối đi giám định thương tật.

Đối tượng Nguyễn Việt Anh cùng cạnh số hàng nóng dùng chống trả lực lượng công an.
3 lần thoát khỏi vòng vây của công an
Sau khi gây ra một loạt vụ án nghiêm trọng, cơ quan điều tra công an TP.Thanh Hóa đã phát lệnh truy nã đặc biệt đối với Nguyễn Việt Anh. Tuy nhiên, theo thiếu tá Nguyễn Thế Sâm, đội phó Đội Điều tra tội phạm về TTXH công an TP.Thanh Hóa (người trực tiếp chỉ huy cuộc vây bắt Việt Anh) thì đây mới chính thức là cuộc đấu trí căng thẳng giữa lực lượng công an và tên tội phạm cáo già này. Nhận định đây không phải là đối tượng tầm thường, công an TP.Thanh Hóa đã lập riêng một tổ công tác đặc biệt với 9 chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm. Sau nhiều tháng nằm gai nếm mật, tổ chức trinh sát rồi bủa vây đối tượng, Việt Anh vẫn khôn ngoan tẩu thoát.
Theo lời kể của thiếu tá Sâm, lần thứ nhất vào khoảng một tháng trước, đó là lúc nửa đêm, các trinh sát phát hiện Việt Anh mò về nhà. Biết rằng việc bắt giữ lúc này rất khó khăn cộng với việc đối tượng rất mạnh động, có thể nổ súng chống trả quyết liệt, toàn đội chỉ còn biết xin tăng cường lực lượng tiếp tục theo dõi chờ đến rạng sáng hôm sau vây bắt. Đúng như kế hoạch, sau khi đã vây ráp nhà đối tượng, một lực lượng xung kích gõ cửa đề nghị Việt Anh ra đầu hàng. Biết khó thoát, y vẫn bình thản trả lời sẽ mở cửa, nhưng thực chất là kéo dài thời gian để gọi đàn em đến đón. Trong khi lực lượng công an chờ đợi thì y đã nhanh chân tẩu thoát bằng một đường bí mật được thiết kế trong nhà từ trước. Lần thứ hai, Việt Anh cũng thoát được nhờ vào sự liều lĩnh, manh động khi dùng vũ khí chống lại lực trinh sát ngay giữa phố.
Mức độ tinh vi của tên giang hồ cộm cán này được nhắc nhiều nhất trong vụ tẩu thoát lần thứ 3. Bằng biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác đặc biệt phát hiện Việt Anh đang dự đám cưới của đàn em. Đích thân thượng tá Đỗ Văn Cai chỉ đạo một đội trinh sát mới trà trộn vào đám cưới để tránh bị lộ diện. Dường như đã đoán trước được tình hình nên Việt Anh chỉ đạo đàn em phải kiểm soát gắt gao tất cả những khách được mời đến và đích thân y cũng đứng một góc dễ quan sát nhất để nhận định hoàn cảnh. Khi phát hiện có người lạ xâm nhập vào đám cưới, đám đàn em dàn trận cho y chạy như kế hoạch đã vạch trước.
90 phút nghẹt thở
Nhưng “lưới trời lồng lộng” nên dù có cao tay đến mấy thì dưới sự chỉ đạo kiên định, nhạy bén của lực lượng công an, Nguyễn Việt Anh vẫn phải chấp nhận cúi đầu khuất phục. Nhớ lại cuộc vây bắt Việt Anh ngày 6/8/2012, thiếu tá Sâm kể lại: “Trong thời điểm mọi thông tin về Việt Anh mờ mịt, thì bất ngờ chiều ngày 6/8/2012 các trinh sát báo đối tượng đã quay về nhà ở khu tái định cư xã Quảng Thắng, TP.Thanh Hóa. Ngay lập tức kế hoạch vây bắt được triển khai trong chớp nhoáng với một đội quân hỗ trợ hùng mạnh. Vốn tinh ranh, Việt Anh nhận ra mình đang nằm trong vòng vây của lực lượng công an, y đã nhanh chóng leo lên nóc nhà, trèo qua nhà hàng xóm, định tẩu thoát”.
“Tình hình lúc đó hết sức căng thẳng bởi đa số người dân xung quanh đều ở nhà, có thể xảy ra tình huống y sẽ bắt cóc con tin để uy hiếp hoặc sẽ sử dụng vũ khí nóng, lựu đạn để tử chiến với lực lượng. Sau 15 phút giằng co về tâm lý, tôi quyết định cho nổ súng uy hiếp và kêu gọi y đầu hàng. Sau nhiều lần thuyết phục, y mới chịu lên tiếng sẽ đầu hàng với điều kiện lực lượng công an sẽ rút đi để lại một vài người và không để người dân xung quanh nhìn thấy y đầu hàng. Lập tức đề nghị này bị bác bỏ và chỉ có một tuyên bố duy nhất, đầu hàng không điều kiện hoặc chúng tôi sẽ nổ súng. 10 phút, 20 phút, rồi một tiếng trôi qua, Việt Anh vẫn cố thủ trong khi xung quanh người dân hiếu kỳ kéo đến đông nghịt. Tôi tiếp tục phân tán sự tập trung của y bằng những cuộc điện thoại kêu gọi thuyết phục, bên cạnh đó cho một tổ đột nhập áp sát đối tượng”, thiếu tá Sâm kể lại
Sau 90 phút giằng co, bằng sự mưu trí, dũng cảm các chiến sĩ cảnh sát cơ động và công an TP.Thanh Hóa đã khống chế, bắt gọn tên tội phạm liều lĩnh nguy hiểm này, đồng thời thu giữ 1 khẩu súng Col, 1 băng đạn và nhiều tang vật có liên quan đến hành vi phạm tội.
Trần Quyết

Thuở thiếu thời khốn khó của "trùm" giang hồ Sài thành

Ít ai biết rằng, Hồ Việt Sử phải trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn và vất vả. Trong suốt con đường phía trước của “ông trùm” luôn có sự động viên và dìu dắt của người phụ bà, mang nặng tình thương của người mẹ đã bao bọc, chăm sóc cho Sử từ tấm bé như một nền tảng để Hồ Việt Sử bước vào đời.
<>Tuổi thơ “ông trùm” là một buổi đến trường, một buổi ra đồng
Hồ Việt Sử là một trong những “ông trùm” có tuổi thơ đầy sóng gió. Sinh ra không may mắn được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, Hồ Việt Sử có được sự đùm bọc chở che của người bà nhân hậu. Bốn anh chị em lần lượt lớn lên trong sự chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ của bà ngoại. Thuở ấu thơ, Sử được nghe giọng bà hát ru đầy mượt mà dù tuổi của ngoại đang lớn dần theo năm tháng. Những lời khuyên răn của ngoại làm Sử mãi không thể nào quên được.
Hình ảnh Thuở thiếu thời khốn khó của "trùm" giang hồ Sài thành số 1
Hồ Việt Sử thời trai trẻ
Từ những năm ấu thơ của cuộc đời, Sử đã biết cầm cần câu và cái sọt để bắt từng con cá, mò từng con cua đổi lấy tiền. Thấy cháu ham làm, bà thường hay nhẹ lời khuyên bảo vì chỉ sợ Sử xao nhãng chuyện học hành. Bà ngoại thương Sử hết mực, chẳng hề đánh Sử lần nào. Hồ Việt Sử sợ nhất đôi mắt bà nghiêm nghị mỗi khi chưa chịu vâng lời. Sử chỉ sợ bà buồn rồi bà dễ ốm. Cuộc đời Hồ Việt Sử cứ lớn dần theo tình thương đong đầy của bà. Năm tháng dần trôi, Sử cũng đến tuổi đi học, bà ngoại bắt cậu bé Sử phải vào trường để không thua kém chúng bạn.
Thời đó, chỉ cần đọc được chữ cũng đủ sống khỏe với nghề nông. Mà kỳ thực, làm nghề nông chẳng phải cần nhiều đến con chữ. Nhà rất nghèo, bà ngoại luôn dỗ dành, động viên các cháu phải cắp sách vào trường để học hành đến nơi đến chốn. Ngày đầu tiên đến lớp của Sử, bạn bè đều được cha mẹ dẫn đi học. Chúng bạn tỏ vẻ tự hào lắm. Nhưng với Sử mang niềm tự hào hơn. Vì bên cạnh, người bà và cũng là tình thương của một người mẹ giúp Sử xóa tan nỗi mặc cảm của bản thân. Sử vững tin bước vào lớp trong niềm an ủi động viên khích lệ của ngoại.
Những ngày đi học về, món quà của Sử dành cho bà ngoại là những con chữ, con số mà Sử được cô giáo dạy trên lớp. Rồi đến những điểm 10 đỏ tươi, tròn trĩnh trong từng trang vở của Sử như bù đắp nỗi cơ cực thầm lặng của bà. Hồ Việt Sử tự hào khoe: "Hồi đó đi học được mọi người nể lắm vì tôi học rất nhanh và tiếp thu bài rất lẹ". Chính trời ban cho Sử sự thông minh có sẵn nên Sử có thời gian để đi câu những con cá, bắt con cua về mang ra chợ. Như trở thành thói quen, ngày học một buổi, buổi còn lại Sử lại đi ra đồng. Hồ Việt Sử ý thức được hoàn cảnh nên phần lớn tuổi thơ không dành nhiều cho những cuộc chơi đùa cùng chúng bạn.
Chi phí mua sách vở, Hồ Việt Sử đều tự lo cho bản thân bằng những giọt mồ hôi của đứa trẻ và lắm lúc bằng những giọt nước mắt thương bà. Những cơn mưa dầm hay cái nắng gay gắt của xứ An Giang không làm nản lòng cậu bé vượt khó. Đã vác cần đi câu cá, chẳng có hôm nào mà Sử lại phải về tay không. Số tiền ít ỏi cũng đủ cho Sử trang trải sống qua ngày. ở cái vùng sông nước, thiên nhiên ban tặng cho người dân từ những con cá, con tôm cho đến những con cua đồng đạm bạc. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để cứu cánh những mảnh đời vượt lên số phận. Tuổi thơ của Hồ Việt Sử cứ êm đềm trôi cùng những con nước lớn, nước ròng.
<>Đường xa không sợ, chỉ sợ hổ rượt
Mỗi ngày, Sử vẫn cứ âm thầm nhón mũi chân trên pê-đan chiếc xe đạp. Con đường mòn dẫn đến trường cứ ngoằn ngoèo như thử sức cậu bé trên bước đường đến trường. Thời còn học cấp 1, Hồ Việt Sử đạp xe trên con đường rừng, 2 bên là núi cao vời vợi. Đường xa tít tắp, Sử vẫn hì hục đạp xe trên con đường gập ghềnh như chính trên con đường đời của mình. Đường mòn nhẵn lối Sử đi qua rồi dần cũng trở nên bằng phẳng.
Hình ảnh Thuở thiếu thời khốn khó của "trùm" giang hồ Sài thành số 2
Vùng đất miền Tây đã để lại nhiều ký ức đẹp trong Hồ Việt Sử
Gặp hôm nắng, với cậu bé Sử đó là niềm vui. Những ngày trời mưa như trút nước, nỗi cơ cực như đè nặng lên tấm lưng nhỏ bé. Đường bị lún cả tấc đất bùn, bánh xe cứ như bị ai níu lại phía sau. Cố gắng đạp để vượt lên phía trước như vượt lên một số phận, chiếc xe cứ nhích dần từng chút.
Đường sá vắng vẻ, cậu bé Sử nhỏ con ngày nào chẳng hề sợ ma quái. Những lúc xe tuột xích, tim của Sử cứ như nhảy khỏi lồng ngực. Vừa đưa tay tra xích xe vào đĩa, đôi mắt cứ ngó trước ngó sau để trông mong xem có bóng người. Nhưng, đôi tai phải luôn nghe ngóng không gian tĩnh mịch xung quanh. Bốn bề là cây cối, rừng núi, Hồ Việt Sử sợ nhất thú dữ  đuổi mà chẳng kịp chạy thoát thân.
Có hôm đang đi trên đường, tiếng hổ gầm gừ trong rừng vắng, cậu bé Sử hoảng hốt cứ cắm đầu chạy một mạch về đến nhà. Tuổi thơ của Sử chỉ đơn giản có vậy, biết thân phận nghèo nên chẳng bao giờ dám nghỉ học một buổi. Đoạn đường đến trường gần 10 km nhưng với Sử đó chỉ là quãng đường thật gần cho một tương lai ở phía trước.
Thời niên thiếu, những năm học cấp 2, Hồ Việt Sử bắt đầu một cuộc sống mới. Anh phải xa vòng tay ấm áp của bà ngoại để bước vào cuộc sống tự lập. Học ở trường huyện, Sử tá túc nhà chú Bảy. Một buổi đi học, một buổi Sử lại đi chăn bò thuê cho người ta. Anh chăm bò rất kỹ, hiểu tính tình từng con một. Ông chủ đàn bò rất thích.
Ở vùng An Giang, nhiều nhà hay nuôi bò chiến để đua. Sử được thừa hưởng sự tinh tế từ ông ngoại. Mỗi lần thắng một trận đua, Hồ Việt Sử được ông chủ thưởng cho một số tiền nho nhỏ ngoài tiền công. Những việc dù lớn nhỏ, Sử đều nhận làm thuê để kiếm tiền ăn học nơi xa nhà. Nhờ tính chịu khó học, cậu bé Sử vẫn cứ lên lớp và đạt những điểm khá, giỏi như thường.
<>Ngã rẽ cuộc đời
Năm học cấp 3, những năm cuối cấp của một cậu bé Sử ngày nào đang trở thành một chàng trai có sức sống và phấn đấu mãnh liệt. Hồ Việt Sử luôn tham gia các phong trào hoạt động trong trường. Sự cố gắng của Sử đến hồi cũng được ghi nhận: Năm 18 tuổi Hồ Việt Sử vinh hạnh được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Ở vùng quê đặc biệt nghèo khó, giáp ranh biên giới, con chữ đến với người dân quý hơn một món hàng xa xỉ phẩm. Sử vẫn cố gắng bám trường, bám lớp để đeo đuổi năm học cuối cấp. Trong khi đó bà con gần như hoàn toàn mù chữ.
Có được vốn học vấn đáng kể, Hồ Việt Sử hạ quyết tâm phải hoàn thành chương trình cấp 3 để tìm kiếm một công việc dễ dàng hơn. Nếu như cuộc đời của Sử không xảy ra sóng gió, lẽ đương nhiên Hồ Việt Sử bây giờ đã có những hướng đi khác. Một biến cố thay đổi hoàn toàn khiến cuộc đời của Sử sang một trang mới. Đang học lớp 12, vùng quê huyện Tri Tôn (An Giang) bị giặc Cambot tràn sang, cả gia đình Sử phải tản cư về tận Kiên Giang. Việc học giữa chừng đành gác lại.
Trong cái họa có cái may, thời đó những người có được khả năng học vấn như Sử không dễ kiếm. Cũng cái năm chạy loạn ấy, Hồ Việt Sử được nhận vào làm việc cho phòng kế hoạch của Ty thương nghiệp Kiên Giang. Đơn vị này chuyên bán nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng biển.
Công tác tại cơ quan được hơn 2 năm, Sử lên đường nhập ngũ, phục vụ tại chiến trường biên giới Tây Nam. Nhiều giả dụ làm Hồ Việt Sử phải bật cười. Nếu ngày trước sự học không bị cắt ngang, giờ đây chắc chắn đã có một Hồ Việt Sử khác, hoặc giàu có hơn, hoặc nghèo khó hơn bây giờ. Nhưng, Sử luôn bằng lòng và chấp nhận với những gì mà bản thân đã phải trải qua.
Trong suốt con đường đời Hồ Việt Sử từng phải nếm trải, Sử đều có bóng dáng hai người phụ nữ. Những năm tuổi thơ là người bà dạy dỗ và chăm sóc Sử khôn lớn. Đến những thời khắc Sử vấp ngã là người vợ luôn sát cánh bên anh chia ngọt sẻ bùi trong những năm khốn khó. Hồ Việt Sử luôn nhớ và trân trọng bóng hình của người bà và vợ đã cho Sử có được ngày hôm nay.
<>Văn Hưng

Chuyện tình của "trùm" giang hồ Sài thành Hồ Việt Sử

Một người đàn ông từng bôn ba ngang dọc như Hồ Việt Sử thế nhưng lại mang nặng một tình yêu duy nhất với người vợ từ thuở ban đầu lưu luyến ấy. Từ một tình yêu được chắp cánh, Sử nên duyên chồng vợ với một cô gái nổi tiếng xinh đẹp và giàu có ở An Giang.

Mối tình thuở ban sơ
Thời trai trẻ, Hồ Việt Sử được sở hữu nước da rám nắng đầy chất đàn ông. Trên gương mặt Sử toát lên sự rắn rỏi của một người đàn ông bản lĩnh, phảng phất chất lãng tử. Tuổi thơ của Sử không phải là chuỗi ngày êm đềm, do vậy Sử chẳng ngại khó, ngại khổ bất kỳ điều gì. Để chinh phục được một cô gái có tấm lòng nhân hậu và sắc son chung thủy, với Sử đó là cả một bí kíp. Nhiều lần đẩy đưa trò chuyện cùng Sử nhưng anh ta quyết không hé môi. Qua những câu chuyện, ráp thành chuỗi thời gian mới có thể khám phá được mối tình tuyệt đẹp mà Sử chẳng bao giờ kể.

Hồ Việt Sử và gia đình
23 tuổi, trái tim của một người con trai mới lớn bỗng nhiên lỗi nhịp trước nét đẹp đơn sơ của một cô gái. Đến bây giờ, Sử vẫn không thể tin được, vì sao cô gái ấy lại để mắt đến mình. Hồ Việt Sử hồi còn trẻ chẳng phải là một người đàn ông đào hoa. Suốt ngày Sử chỉ biết làm lụng vất vả để mong muốn đắp đổi cuộc sống tốt đẹp hơn. Lần đầu tiên chạm mặt, bỗng dưng Hồ Việt Sử gan lỳ ngày nào lại trở nên nhút nhát hơn trước mặt một cô gái. Mỗi lần đêm về, Sử chỉ biết nằm trằn trọc, nghĩ miên man đến gương mặt thanh tú và nét duyên thầm của một cô gái miền sông nước. Từ đó trở đi, Sử cứ cố tình đi ngang nhà cô gái và ghé mắt trông vào rồi đi ngay.
Đều đặn, Hồ Việt Sử mong muốn được nhìn cô gái ấy vào ngày cuối tuần. Chỉ bằng ánh mắt nhìn nhau, Sử có cảm nhận đã thương người con gái ấy thực sự. Nỗi nhớ da diết về một bóng hình như cuốn hút Sử đi ngang nhà cô gái nhiều hơn. Rồi có những tháng, ngày nào Hồ Việt Sử cũng phải tìm cách được nhìn thấy nàng dù chỉ một lần rồi lẳng lặng bỏ đi. Người mà Sử tơ tưởng để ý, không ít những gã trai vây quanh tán tỉnh và tìm mọi cách để cưa đổ. Nhiều người có hoàn cảnh, có địa vị hơn cả Sử rất nhiều cũng tình nguyện "làm đuôi" cho nàng. Để trở thành người chiến thắng, người lay động được trái tim một cô gái, đối với Sử đó là một niềm hãnh diện vô bờ bến.
Không ai xa lạ, người con gái năm xưa mà Hồ Việt Sử mê như điếu đổ là chị Kim Sen, vợ Sử bây giờ. ở tuổi đôi mươi, chị Sen xinh đẹp nổi tiếng một vùng và là con gái út trong gia đình có 9 người con. Thời ấy, gia đình chị Kim Sen thuộc bậc vương giả có thừa. Cha mẹ chị hành nghề thợ bạc. Kim Sen được mọi người hay gọi là tiểu thư đài các của ông chủ thợ bạc. Đối với trai làng, chinh phục được cô gái như Sen không phải chuyện một sớm một chiều. Nhưng trong cái duyên ắt hẳn có cái nợ. Mối lương duyên của Sử với chị Kim Sen dường như đã được sắp đặt và kết nối từ lâu. Dáng vẻ phong sương của Hồ Việt Sử ăn đứt trai làng cùng trang lứa.
Thời của Sử, để xin phép được đưa một cô gái ra ngoài đường và hẹn hò đi chơi với con trai rất khó khăn. Nhiều lần ngắm nhìn chị Sen từ xa, thấy nàng đỏ mặt thẹn thùng, Sử cảm thấy xao xuyến trong lòng nhưng chưa dám ngỏ lời. Những cái nhìn dần dà trở nên thân mật. Sử chỉ biết để nụ cười trên ánh mắt thay cho lời nói yêu thương. Những cái nhìn trở nên bạo dạn hơn làm cho Hồ Việt Sử đến lúc cũng phải tỏ tình. Mà cái tỏ tình của một chàng trai phong trần chẳng như tuổi trẻ thời @ bây giờ. Lần hẹn hò đầu tiên đối với Sử thật đáng nhớ. Cũng cái lần hẹn đầu tiên ấy chính là lần đầu Sử dám mở lời trước một cô gái.
Yêu nhau, quen biết chị Kim Sen được 1 năm, Sử ngỏ lời cầu hôn với chị. Trái tim gã lãng tử và cô gái tuổi đôi mươi đến với nhau chân chất làm đẹp lòng hai gia đình. Đám cưới của Hồ Việt Sử và chị Kim Sen diễn ra trong niềm hoan hỉ của hai họ. Tháng năm đưa đẩy, Hồ Việt Sử và chị Sen có với nhau 3 mặt con. Người con lớn nhất đã 28 tuổi và nhỏ nhất 18 tuổi.
Thử lửa tình yêu bằng những năm tháng ở tù
Nhiều người cứ bảo Sử giỏi nịnh vợ. Nhiều lần trong những bữa nhậu hay cuộc trò chuyện bên lề, nhắc lại chuyện quá khứ, có lẽ Sử sẽ hơi buồn nhưng đó cũng là thời gian Hồ Việt Sử hạnh phúc nhất. Từ ngày Sử thụ án cho đến những ngày tháng làm lại cuộc đời mới, chị Sen thường xuyên thăm nom như để động viên và chia sẻ những khó khăn cùng chồng.
Ở trại, những lúc nghe tin vợ vào thăm là y như rằng, lúc chị Sen quay lưng ra về, Sử lại rơi nước mắt. Những giọt nước mắt của người đàn ông cứ chảy ngược vào trong để thay cho hành động. Nhờ sự động viên của chị Sen, Sử cố gắng cải tạo thật tốt như một món quà của người chồng dành cho người vợ khi lỡ bước sa cơ. Hai vợ chồng Hồ Việt Sử gặp nhau trong trại giam, tâm sự và kể chuyện cho nhau nghe rất nhiều. Sử luôn khoe có thành tích cải tạo tốt và sẽ được giảm án. Chị Sen luôn động viên chồng bằng cách nuôi dạy con những đứa con mạnh khỏe, học giỏi và nhất là ngoan ngoãn, nghe lời mẹ. Chị Kim Sen không quên cập nhật những thông tin cho chồng về chuyện làm ăn kinh tế ở ngoài xã hội. Những lần gặp nhau trong tù cứ như những lần đôi vợ chồng từng hò hẹn khi còn tuổi trẻ. Cả hai cùng xây dựng ước mơ, vun đắp những hoài bão và khát khao để chờ ngày được ra ngoài làm lại từ đầu.
5 năm trong trại giam hoàn toàn khác hẳn so với 5 năm sau khi bước ra ngoài. Nhờ những câu chuyện của vợ, Sử hiểu thêm cuộc sống đang chuyển biến từng ngày, nhiều lĩnh vực kinh tế đang vận động và phát triển không ngừng. Hồ Việt Sử tin tưởng sẽ nắm bắt được cơ hội và thực hiện được niềm khao khát bởi sau lưng Sử còn có một bóng hồng. Hồ Việt Sử như nung nấu ý chí đoạn tuyệt và không dính dáng đến giang hồ hay cá cược đá bóng để chuộc lỗi với vợ.
Nhiều lúc ngồi lai rai tại quán của Hồ Việt Sử về "thâm cung bí sử" của giới giang hồ, mới biết chị Sen chăm chút và hiểu chồng đến mức nào. Vốn rất thích ăn mặn, những món cá luộc được chấm bằng đĩa muối ớt xanh cay nồng nồng đến xé lưỡi. Sử chỉ thích, món cá được chấm bằng nước mắm me thật mặn. Hồ Việt Sử nằng nặc đòi vợ phải cho xin chén nước mắm thay đĩa muối. Sợ chồng ăn quá mặn không tốt cho sức khỏe nên chị Sen từ chối. Nhưng, Sử thích được ăn món ăn của vợ làm và phải chấm bởi món mắm thật mặn như tình cảm mặn nồng son sắc của chị Kim Sen đã dành cho anh ta ngần ấy năm trời.
Nói không ngoa, lúc Hồ Việt Sử còn làm ở vũ trường Metropolis, nghe nhiều người truyền miệng, cứ mỗi đêm Sử lại cặp một em chân dài tha thướt. Đó là điều thiên hạ đàm tiếu, chứ với Sử, tình yêu của người vợ dành cho anh ta luôn đong đầy theo ngày tháng. Với Sử, gia đình, vợ con là số 1. Tuần rồi, đoàn làm phim VTV1 về quay phóng sự nhân vật Hồ Việt Sử, nghe Sử nói chuyện với vợ sao mà tha thiết mặn nồng. Đoàn làm phim yêu cầu chị Kim Sen phải cùng Sử lên phim để trở lại những thước phim trong cuộc đời Hồ Việt Sử.
Ở đoạn phim này diễn tả những ngày tháng Hồ Việt Sử từ An Giang lên TP.HCM để đầu tư quán café Cỏ May trên đường Nguyễn Cảnh Chân (quận 1). Ở giai đoạn này, quán café như một bước ngoặt để thay đổi đời của Hồ Việt Sử. Chị Sen vẫn cứ ăn mặc mộc mạc giản dị đến lạ. Hồ Việt Sử liền bảo vợ đi thay bộ đồ tươm tất hơn để cùng Sử chuẩn bị đón đoàn làm phim. Chị Kim Sen thật thà nói: "Em ăn mặc như vầy được rồi, ăn diện không quen anh à. Sử chỉ biết nhìn vợ rồi nói một cách trìu mến: "Em phải mặc thật đẹp để vợ của anh thật rạng rỡ trên ti-vi và với mọi người". Chị Sen cười thật hiền rồi cũng chiều theo ý Sử để anh ấy vui lòng.
Văn Hưng

Hành trình phục thiện của 'trùm' giang hồ Sài thành

Người đàn ông đó chính là Hồ Việt Sử, người từng "chia ba giới giang hồ" Sài thành thuở nào. Khoác trên vai túi hành lý, ông bước nhanh ra cổng trại.
 Hồ Việt Sử của ngày hôm nay
Khi "ông trùm" trở thành người thường
Sau những cái bắt tay xã giao với bạn bè, Sử tiến đến người vợ đang đứng, trên môi nở nụ cười rạng rỡ. Vậy là cái ngày Hồ Việt Sử mong đợi đã đến, sau những ngày dài nằm trong bốn bức tường. Ánh nắng ban mai chiếu vào đôi mắt long lanh của người vợ, cùng cái khoác tay ấm áp như tăng thêm niềm tin cho Sử trên con đường phục thiện.
Trước khi vướng vào vòng lao lý, Sử từng khao khát giấc mơ làm giàu. Thấy nhiều người có cơ ngơi hoành tráng, có xe hơi bóng loáng, Hồ Việt Sử như bị cuốn vào mãnh lực của đồng tiền. Tuổi thơ không êm đềm như chúng bạn, những cơ cực, những khó khăn, Sử đều từng nếm trải. Những năm tháng đất nước khó khăn, người thanh niên hăng hái lên đường tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam. Ngày ấy, Hồ Việt Sử chẳng tiếc máu xương để cống hiến cho Tổ quốc.
Thế nhưng, sau khi nếm trải bao khó khăn, trở về nhà Sử lại bị cuốn vào giấc mơ làm giàu. Tất cả như vòng xoáy đánh mất đi chất lính thô mộc của một con người đã từng vào sinh ra tử. Giờ đây những ai dám "ngáng chân" hay "chọc gậy bánh xe" vào bước đường kiếm tiền của Hồ Việt Sử đều phải ngậm đắng nuốt cay trên thương trường.
Rồi Sử cứ trượt dần, trượt dần và lún sâu vào con đường tội lỗi. Trong giới giang hồ thời bấy giờ, Hồ Việt Sử chẳng ngại một thế lực ngầm nào. Chỉ đến khi đường dây tội ác của Năm Cam bị triệt phá, cái tên Hồ Việt Sử cũng bị pháp luật điểm danh để đền tội cho những năm tháng tội lỗi, lúc đó Sử mới lờ mờ nhận ra thời tung hoành đao kiếm mình đã đến ngày tàn.
4 năm 10 tháng trong trại giam, một khoảng thời gian không phải là quá dài so với quãng đời chinh chiến của Sử. Thế nhưng cũng đủ để Hồ Việt Sử thấm thía nhiều điều. Hằng đêm, Hồ Việt Sử gặm nhấm lại quãng đời "ông trùm" ngoài xã hội. Con đường làm giàu bất chấp pháp luật đã khiến Sử nhận ra một điều: "Cuộc sống rất công bằng và mọi việc đều phải có giá để trả". Niềm mong mỏi đến một ngày làm lại cuộc đời từ con số 0 cứ âm ỉ cháy bỏng trong lòng người đàn ông trung niên bước dần qua ngưỡng 45.
Ngay sau khi được trả tự do, Hồ Việt Sử cùng vợ và gia đình về nơi chôn nhau cắt rốn để gây dựng lại cơ nghiệp. Và ông đã chọn nghề nuôi cá bè như một xuất phát điểm làm lại cuộc đời.
Những ngày ở trong trại Z30A, Sử được cán bộ quản lý trại giam cho làm công tác nuôi cá. Không phải ngẫu nhiên, Hồ Việt Sử được giao công việc này. Cuộc đời Sử lạ lắm. Mỗi lần bắt đầu cho một ngã rẽ của cuộc đời, y như rằng, Sử lại đào ao nuôi cá. Đàn cá của Sử nuôi cứ lớn nhanh như thổi, nhờ vậy mà Hồ Việt Sử được ghi nhận có thành tích học tập và phấn đấu cải tạo tốt trong trại.
Chiều chiều sau khi cho cá ăn xong, Sử bắc ghế ngồi tựa cửa trước khu nhà lô trong trại nhìn về phía núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc). Đôi mắt đăm chiêu ngồi nhìn về hướng núi cho đến những ánh mặt trời dần tắt trên đỉnh. Bấy nhiêu cũng đủ làm cho Sử nhớ về quê hương và những tháng ngày sống trong tự do. Thời gian ở trong trại, Hồ Việt Sử chiêm nghiệm được nhiều điều từ cuộc sống, có dịp nhìn lại bản thân, để chờ đợi một ngày được làm lại.
Từ "anh Hai ao cá" thành tổng giám đốc
Những ngày đầu nghe tin "ông trùm một thời" ra trại, nhiều đàn em trước đây và cả đàn em của Năm Cam tìm cách liên lạc với Sử. Những lời mời chào hòng lôi kéo Hồ Việt Sử trở lại thế giới của Năm Cam năm nào. Nhiều câu nói đại loại: "Anh Hai ra trại rồi và nổi tiếng lắm. ông Năm mất rồi, giờ cả "giang sơn" Sài Gòn nằm trong tay anh định đoạt...".
 Tổng giám đốc Hồ Việt Sử đi kiểm tra tiến độ dự án tại Bạc Liêu
Thế nhưng Hồ Việt Sử của bây giờ không còn muốn nổi danh ở chốn giang hồ nữa. Sử chỉ nghĩ đơn giản, ngày xưa giao bản thân cho Tổ quốc để đi phục vụ tại Chiến trường Tây Nam, chẳng hề tiếc mạng sống thì nay, chuyện làm ăn phục thiện giúp ích cho đời, cho xã hội tại sao không làm được? Câu hỏi lởn vởn trong đầu khiến Hồ Việt Sử quyết tâm đoạn tuyệt với chốn giang hồ.
Những ngày đầu sống cùng vợ ở quê là những năm tháng cơ cực không thể nào quên đối với Sử. Là một người đàn ông rắn rỏi thế nhưng đã có những lúc Sử tưởng mình phải dừng bước. Những lúc như thế Sử tự nhủ tài sản lớn nhất của mình giờ chính là gia đình và không ai khác Sử chính là người phải gánh vác chèo lái nó.
Và cuộc sống đã không phụ lại sự cố gắng quyết tâm đó. Những khó khăn từng bước được tháo gỡ, chỉ hơn 1 năm sau, nghề nuôi cá bè tại An Giang mang về cho Sử một ít vốn. ông tiếp tục đầu tư sang lĩnh vực phân phối thức ăn. Miền Tây sông nước như xuất phát điểm để Sử vươn tới, bỏ quên tất cả mọi lầm lỗi ở sau lưng. Chẳng mấy chốc, nghề nuôi cá và phân phối thức ăn giúp Hồ Việt Sử dần gây dựng lại cơ nghiệp.
Với bản lĩnh và sự từng trải của một con người kinh doanh, luôn biết nắm bắt cơ hội. Sử nhanh chóng sắm một đội ghe để tổ chức làm ăn. Từng biết Sử có một thời tung hoành ở chốn giang hồ, Công ty Nam Việt thuê đoàn ghe của Hồ Việt Sử để chở cá trên những đoạn sông như sự trợ giúp tinh thần. Cuộc sống miền sông nước những tưởng không thể tách rời với ông. Cũng đã có lúc, sông nổi sóng lớn, xóa tan đi hoài bão với nghề cá của Sử.
Thời điểm cuối năm 2008, nghề nuôi cá bè gặp khó khăn, hàng chục chủ trại cá cay đắng treo hầm. Giá cá trên thị trường thu về không đắp đổi được tiền mua thức ăn. Những đêm về gối đầu tâm sự cùng vợ, Sử tin rằng, duyên nghề cá đến với gia đình chỉ bấy nhiêu. Có được một ít vốn, cả gia đình quyết định gom góp quay ngược lại nơi Sử đã từng làm mưa làm gió một thời Sài hành.
Về lại TP.HCM, trong tay có vốn kha khá, Sử thuê một mặt bằng nho nhỏ, nằm khuất trong trục đường Nguyễn Trãi để bán café. Hay tin Sử trở lại Sài Gòn, nhiều đối tượng tìm đến và tiếp tục cố kéo Hồ Việt Sử trở lại hành trình của một "ông trùm". Nhiều lúc, họ nhờ Sử dàn xếp những phi vụ tranh chấp trong làm ăn, mua bán. Sử chỉ cười khẩy rồi nhẹ nhàng chỉ dẫn tường tận, bày vẽ cách làm đơn để nhờ pháp luật giải quyết.
Sử ngày nay đã khác, máu giang hồ một phút bốc đồng ngày xưa cạn. Những ngày trong trại giam, Sử như được thay một dòng máu mới. Sở dĩ, dòng máu của "ông trùm" một thời mất hẳn bởi ngay những ngày đầu ra trại, Sử dặn lòng: "Đừng bao giờ quay trở lại nơi này nữa". Bản thân Hồ Việt Sử tự ý thức sẽ không bị lôi cuốn vào chuyện mà mọi người và xã hội không chấp nhận.
Giữa năm 2011, Sử đang ngồi nhâm nhi tại quán café của mình thì bất ngờ gặp lại người bạn cũ Ngô Xuân Pha, hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần ô tô Bảo Toàn. Thuở trước, những năm tháng khó khăn Sử và Pha cùng nhau làm ăn chung. Cả 2 hợp tác với nhau rất sòng phẳng và cũng là chỗ thân tình. Bẵng đi một thời gian, Sử với Pha mất liên lạc.
Cuộc hội ngộ tại quán sau 20 năm như một định mệnh kéo hai người bạn đến với nhau. Pha mời Sử cùng khảo sát dự án và đầu tư vào khu Resort tại Bạc Liêu. Dự án khả thi, Hồ Việt Sử quyết tâm đầu tư vào và trở thành Tổng giám đốc, kiêm Trưởng ban quản lý với số vốn 2.500 tỷ đồng. Con đường phục thiện của ông trùm ngày xưa đoạn tuyệt với thế giới ngầm như một kết cục có hậu đã ghi tên Hồ Việt Sử.

Một thời tướng cướp, cuối đời lên núi ẩn danh tu hành

Sau thăng trầm, vùi mình trong những bước chân lầm lỗi, cuối đời, sư Thủy chọn cho mình một đỉnh núi cao, sống kiếp cô độc, mai danh ẩn tích. Trên hành trình tìm về nẻo thiện, gã lữ khách một thời dọc ngang chốn giang hồ, giờ không còn lẻ loi. Nơi đó, có nhiều người cũng lạc bước, và họ nghe được các câu chuyện thuyết pháp của sư, tìm đến giác ngộ.
Lấy “số” trong lao tù và về bành trướng dưới ông trùm Năm Cam
Những câu chuyện xung quanh về cuộc đời của sư  Thích Minh Thủy ( tên khai sinh là Phạm Văn Hưởng), hiện đang trụ trì trên đỉnh Thị Vãi (núi Thị Vãi, xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), sống ẩn dật trong cốc (hang núi), có nhiều điều khá bất ngờ.
Khi đã tận nghe qua, chúng tôi vẫn không tin, một con người có “thâm niên” nghiện ngập, lại có thể đoạn tuyệt khỏi con đường ma túy một cách dứt khoát. Ít ra điều đó giờ là sự thật, một bậc chân tu luôn vùi mình trong chốn giang hồ đã làm được điều đó, và hơn hết, sư thầy còn là một nhà giảng đạo cho bậc chúng sinh về nẻo đường hướng thiện.

Cuộc hành trình của chúng tôi về núi Thị Vãi, và tìm gặp sư Thủy thật lắm gian truân, bởi để lên được đến nơi, phải leo quanh các dốc núi gần 5 tiếng đồng hồ.
Lật lại cuộc đời trong bước đường phiêu bạt của mình, sư Thủy bảo do đã bán nhà, lấy hết vốn tích cóp của chị gái ném vào các cơn nghiện, sư đánh liều rủ bạn mua súng đi cướp.
Sau khi nghiên cứu kỹ địa bàn, một kế hoạch chỉn chu dùng súng cướp tài sản của một gia đình trong xóm được vạch ra. Một ngày giữa tháng 7/1981, Hưởng cùng với bạn cuốc bộ đi “săn mồi”. Khi phát hiện đôi vợ chồng đang mang bịch tiền thu hụi về, Hưởng nhanh chân bước tới, một tay rút khẩu súng giấu dưới áo, lên nòng dí vào lưng của người chồng, rồi miệng lớn tiếng thị uy.

Sư Thủy hồi tưởng lại cuộc đời của mình
Nghe tiếng lên đạn lách cách, người đàn ông mặt cắt không ra máu. Hưởng nhanh tay tước luôn bọc tiền, người bạn còn lại lao vào dắt xe máy đạp nổ, cả hai tăng ga hòng tẩu thoát trong sự hoảng hốt của đôi vợ chồng.
Thế nhưng, chiếc xe máy vừa chạy được khoảng 10 m, thì khựng lại và chết máy hẳn vì hết xăng. Cũng đúng lúc này, đôi vợ chồng hô hoán cầu cứu. Hai tên cướp lúng túng vứt xe chạy thục mạng vào làng, đúng lúc này có hai anh công an đang đi tuần, thấy vậy lao vào khống chế.

Bị dồn vào bước đường cùng, Hưởng liền rút súng nhằm vào hai anh công an bóp cò, nhưng rất may lại nhằm phải viên đạn thối. Cả hai tiếp tục chạy thục mạng, vào làng thì bị bao vây, lúc này ma túy trong người cũng tan hết, người mềm nhũn. Thấy không thể thoát, Hưởng liền ném súng xuống ao bèo phi tang, cả hai chấp nhận sa còng.
Với tội danh dùng súng quân dụng trái phép, cướp giật tài sản, TAND TP. HCM lúc đó quyết định tuyên phạt Phạm Văn Hưởng 7 năm và người bạn đồng phạm 4 năm tù.

Sau khoảng thời gian ra tù, ngang dọc với cuộc sống, bầm dập với những cơn nghiện, cuối cùng sư Thủy quyết định hành hương về núi tu hành, xa rời cõi trần gian
Chính trong trại giam ở Đồng Tháp, Hưởng được xem là hạng số má với tội danh “dám dùng súng chống lại công an”, nên bạn tù khiếp vía. Ông được tôn lên làm đàn anh trong trại. Cũng tại đây, Hưởng cùng tay chân của đại ca Năm Cam như: Hải “móm”, Lan “em”, Lũng “đầu bò”… lập thành băng ngay trong trại, và hứa hẹn sau này về sẽ cùng nhau phục vụ cho Năm Cam.
Thời hạn 7 năm tù kết thúc, ngày ra trại Hưởng không về nhà, mà theo lời giới thiệu của đám đàn em, một mạch về thẳng “căn cứ” của đại ca Năm Cam, ở đường Tôn Đản (quận 4, TP. HCM).

Và những chuyến hành hương về quê hương Phật Pháp ở Ấn Độ đã giúp sư Thủy ngộ ra được nhiều điều
Tại đây, Hưởng được ăn chơi, hút chích thỏa thê như thể bù đắp lại những năm tháng khan thuốc trong tù. Sau đó nhận nhiệm vụ cùng lũ tay chân của Năm Cam ngược xuôi “làm kinh tế”, gần như Hưởng không còn nghĩ đến gia đình hay người chị khổ sở tảo tần nuôi mình năm nào.
Nếu trước kia Hưởng là tay giang hồ “đình làng”, thì nay gia nhập băng nhóm anh ta mới trở thành kẻ sừng sỏ, chuyên đi bảo kê, thanh toán đối thủ cho đường dây buôn bán bất chính của ông trùm Năm Cam.
Đến khi nhận được tin mẹ mất, chị gái bảo nếu lần này không nghe lời sẽ dứt tình chị em, Hường mò về. Người chị mua cho một chiếc xe máy để Hưởng chạy xe ôm kiếm sống. Có tiền Hưởng tiếp tục xài ma túy. Chẳng bao lâu, Hưởng bán luôn xe. Lần này, chị cũng bảo là lần cuối cùng giúp và bắt vào chùa Hoằng Pháp làm công quả.
Rạch bụng, ra “yêu sách” với trụ trì
Ngỡ như, chốn Phật pháp sẽ khiến Hưởng tĩnh tâm, nào ngờ, vào chùa chưa được bao lâu thì ông lại gây ra nhiều cuộc đụng độ đao kiếm trước cửa chùa, khiến trụ trì trong chùa Hoằng Pháp cũng lắc đầu ngán ngẩm. Thậm chí, ông còn tham gia đua xe gãy chân, bể xương hàm, đầu vá bảy mũi.
Sau khi ở bệnh viện về, thầy kêu Hưởng lên không phạt gì nhưng bảo phải "tự xử" vì đã 5 lần viết kiểm điểm rồi. Hưởng đánh liều lật ngược điều kiện với trụ trì:  "Nếu thầy không thương thì con sẽ lên chánh điện mổ bụng cúng dường Phật". “Lý sự cùn” của Hưởng cũng không làm vị trụ trì tha thứ được nữa.

Không thuyết phục được thầy, Hưởng xuôi về Bà Rịa - Vũng Tàu, tìm đến núi Thị Vãi, vào Tịnh xá Ngọc Phật tu hành, sau đó quyết định xuất gia với pháp danhThích Minh Thủy. Vị trụ trì ở Tịnh xá quyết định cho Hưởng thử thách trên đỉnh núi Thị Vãi với hy vọng may ra, Minh Thủy mới từ bỏ được những nhục dục thấp hèn. Khi biết Hưởng đã thực sự hướng lòng mình vào Phật pháp, vị trụ trì một lần nữa cho ông dời nơi tu về hướng đỉnh núi phía Nam, lập cốc để tự mình tu ẩn.

Niềm vui giữa núi rừng khi có ai đó dù người lớn hay các cháu nhỏ dừng chân
Tại đây, sư Thủy tự tìm cho mình một hang núi nhỏ, vừa thân người và một chiếc bàn thờ Phật tổ, làm nơi tụng kinh niệm Phật cho mình.
Trên đỉnh ngọn núi cao ngót 500m chưa từng có dấu chân người, đã có hơi ấm con người sau bàn tay mò mẫm của vị ẩn sư từng là giang hồ nay về quy ẩn.
Đằng sau giữa câu chuyện kỳ lạ ấy là một cuộc đời lẫy lừng không mấy người biết được về vị tu hành, giờ sống những ngày cuối đời, quy danh bái phật, hoài niệm lại quá khứ của một thời tội lỗi.
Vĩ Thanh
Đêm. Đỉnh núi Thị Vãi sương rơi mềm vai áo, tiếng muông thú ríu rít gọi đàn, gió rít phả từng cơn, tôi ngồi lặng lẽ với sư Thủy trước cốc, lắng nghe tiếng khàn đục của một vị sư già, và ngộ ra rằng, giữa những trầm mặc của cuộc sống, "Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch".

Nhiều phật tử tìm đến sư Thủy để tham vấn, muốn tĩnh tâm và giác ngộ về lỗi lầm của mình
"Quá khứ, hiện tại và vị lai, là điều duy nhất có toàn quyền thưởng phạt cho chính cuộc đời mình. Ngoài mình ra không ai hoặc bất cứ thần linh nào có khả năng đưa mình lên thiên đàng hay ném mình xuống địa ngục".
Theo: Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét