Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

TÌNH YÊU VÔ BỜ 36

(ĐC sưu tầm trên NET) 

 
10 cặp đôi lạ thường và điên rồ nhất hành tinh bạn sẽ khó tin họ đang tồn tại

 

Giai thoại về vị hoàng đế Trung Hoa nổi tiếng cuồng si

Từ xưa đến nay, đa phần đế vương đều là những người coi trọng quyền lực, địa vị hơn chuyện tình cảm, tuy nhiên ít ai biết trong lịch sử Trung Hoa vẫn còn một vị Hoàng đế nổi tiếng yêu vợ đến cuồng dại, đó chính là Chiêu Văn đế Mộ Dung Hi.,

Ngai vàng “danh bất chính, ngôn bất thuận”

Mộ Dung Hi (385-407), tên tự Đạo Văn, thụy hiệu là (Hậu) Yên Chiêu Văn Đế. Ông là một trong những Hoàng đế của nước Hậu Yên trong lịch sử Trung Hoa.

 

Giai thoai ve vi hoang de Trung Hoa noi tieng cuong si

Mộ Dung Hi - hoàng đế bạo tàn nhưng si tình nhất Trung Hoa cổ đại.

Sự sủng ái đặc biệt mà nhà vua dành cho hai chị em Phù thị đã khiến Đinh Thái hậu sinh lòng ghen tức. Bấy giờ, Đinh thị cùng người cháu Đinh Tín lập mưu hòng phế bỏ Mộ Dung Hi. Nào ngờ sự việc chưa thành thì âm mưu này đã truyền đến tai nhà vua. Mộ Dung Hi tức giận tới nỗi ép Đinh thị phải tự vẫn và giết chết Đinh Tín.

Bất chấp luân thường

Kể từ đó, vị Hoàng đế này càng thêm tự tung tự tác, sa vào hưởng lạc và tìm mọi cách lấy lòng chị em Phù thị. Mặc dù sủng ái người em gái là Phù Huấn Anh hơn, nhưng Mộ Dung Hi vẫn dành cho người chị một tình cảm rất đặc biệt. Sử sách chép lại, năm xưa, Phù Chiêu nghi từng có một lần lâm bệnh nặng, nhà vua đã vô cùng lo lắng, tìm kiếm lương y giỏi khắp nơi.

Khi đó, có một người tên Vương Ôn ở Long Thành xưng có thể trị bệnh cho Phù Chiêu Nghi. Nào ngờ chỉ vài ngày sau khi dùng thuốc của kẻ này, Phù Chiêu Nghi lại qua đời. Mộ Dung Hi vô cùng phẫn nộ, khép tội Vương Ôn và cho người phanh thây, thiêu xác. Kể từ đó, Mộ Dung Hi dành hết sự sủng ái cho Phù Huấn Anh.

Ông lập mỹ nhân này làm Hoàng hậu, đưa bà trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ. Thế nhưng vị mẫu nghi thiên hạ này là nguyên nhân khiến họ lâm vào cảnh nước mất, nhà tan. Để chiều lòng Hoàng hậu, vị Vua này có thể làm ra bất cứ việc gì, đi đâu cũng không rời, tới nơi nào cũng mang Hậu theo. Ông cho xây dựng một tòa “Thừa Hoa điện” vô cùng tráng lệ và tốn kém.

Hình ảnh phim dã sử tái hiện lại tình yêu cuồng si của Mộ Dung Hi.

Thậm chí bất cứ chuyện lớn nhỏ trong triều, Mộ Dung Hi cũng hỏi qua ý kiến của Hoàng hậu rồi mới quyết định. Phù Hoàng hậu lúc sinh thời rất thích đi săn bắn và du ngoạn. Mộ Dung Hi vì chiều lòng bà mà tổ chức một đợt săn bắn dài ngày.

Trong hành trình săn bắn ấy, trên 5.000 binh sĩ hộ tống đã chết vì bị thú dữ tấn công hoặc do thời tiết lạnh giá. Phù Hoàng hậu còn có sở thích ăn thức ăn trái mùa, mùa đông thích ăn món chỉ có ở mùa hè, còn mùa hè thì thích ăn những nguyên liệu chỉ có vào mùa đông. Ở thời cổ đại, việc trồng trọt săn bắt đều phụ thuộc vào thời tiết, ăn còn không đủ nói gì đến thức ăn trái mùa.

Thế nhưng Mộ Dung Hi vẫn ra lệnh cho bá quan văn võ tìm bằng được, không thấy sẽ chém đầu trừng phạt. Mộ Dung Hi si mê đến mức ngay cả đi hành quân đánh giặc cũng vẫn luôn kề cận người đẹp như hình với bóng. Vào mùa xuân năm 405, Mộ Dung Hi dẫn quân tấn công thành Liêu Đông của Cao Lâu Ly.

Những tưởng chiến thắng đã nằm trong tầm tay, nhưng vào giờ phút then chốt, vị Hoàng đế này lại bỏ lỡ thời cơ chỉ vì muốn... ngồi chung xe ngựa với người đẹp. Khi sắp hạ được thành Liêu Đông, Mộ Dung Hi hạ lệnh cho binh sĩ san bằng tường thành để ông cùng Hoàng hậu có thể tiến vào bằng xe ngựa. Chính sự chậm trễ này đã tạo cơ hội cho quân Cao Câu Ly củng cố lại lực lượng, kết quả là thành Liêu Đông vụt khỏi tay của Mộ Dung Hi chỉ trong chớp mắt.

Năm 406, Mộ Dung Hi lại đem theo Hoàng hậu ra trận trong cuộc chinh phạt các bộ lạc Khiết Đan. Lúc bấy giờ, nhận thấy quân địch quá hùng hậu, Hoàng đế có ý thu binh. Tuy nhiên Phù Huấn Anh lại phản đối với lý do: Muốn được quan sát trận chiến từ trên cao. Để lấy lòng người đẹp, Mộ Dung Hi đã dẫn quân đi đường vòng hơn 3.000 dặm tiến đánh Cao Câu Ly. Trong chuyến hành quân ấy, vô số binh sĩ đã bỏ mạng vì đói rét. Nhà Hậu Yên cũng chuốc lấy kết cục đại bại.

Việc làm “biến thái”

Được sủng ái, chiều chuộng là thế nhưng vào mùa hè năm 407, Phù Hoàng hậu không may lâm bệnh qua đời. Theo ghi chép của sử sách, ngày Hoàng hậu mất, Mộ Dung Hi đau khổ, khóc lóc vật vã suốt nhiều ngày đêm, ôm thi thể của Hoàng hậu vào lòng mà khóc ngất đi trong nỗi bi thương tột độ.

Thời điểm ông tỉnh dậy cũng là lúc thi thể Hoàng hậu đã được đưa đi khâm liệm, nhập quan. Ngay lúc đó, Mộ Dung Hi đã tự tay nạy nắp quan tài, bò vào bên trong để “ân ái” với thi thể của Phù Huấn Anh trước mặt tất cả bá quan văn võ. Tương truyền rằng, chỉ đến khi thi thể của Phù Hoàng hậu phát ra mùi thối rữa, ông mới miễn cưỡng cho người đem đi chôn cất. Ông cho xây một nơi gọi là Chinh Bình Lăng có chu vi lên tới vài dặm để an táng.

Ông còn ép tất cả triều thần đều phải “than khóc” cho Phù Hoàng hậu theo đúng nghĩa đen. Phàm là những ai không rơi nước mắt đều sẽ bị nhét ớt vào miệng tới khi khóc được mới thôi. Ngày đưa tang Hoàng hậu, Mộ Dung Hi xuất hiện trong bộ dạng không hề có dáng vẻ, khí phách của đấng quân vương: Tóc tai bù xù, y phục xộc xệch, chân không mang giày.

Ông đích thân đi bộ cùng xe tang để tiễn đưa Phù Huấn Anh về nơi an nghỉ. Chưa dừng lại ở đó, khi linh cữu đi tới cổng thành, vì xe tang quá cao nên không thể ra khỏi cổng, Mộ Dung Hi lập tức sai người phá cổng Bắc Môn để xe có thể đi qua. Chứng kiến hàng loạt hành động của vị Hoàng đế si tình này, có bậc cao nhân không khỏi cảm thán: “Gia tộc Mộ Dung tự tay hủy cổng thành, chẳng bao lâu nữa ắt sẽ bại vong.”

Quả nhiên, tháng 7 năm ấy, Trung Vệ tướng Phùng Bạt, Tả vệ tướng Trương Hưng vì bất mãn với triều đình nên đã liên thủ với những người khác, tôn một nhân vật trong hoàng tộc là Mộ Dung Vân làm Thiên vương và dấy binh tạo phản. Trước cuộc binh biến này, Mộ Dung Hi vội vàng thay quần áo dân thường để chạy trốn nhưng vẫn bị bắt và bị hạ sát.

Năm ấy, vị Hoàng đế này còn chưa tròn 23 tuổi. Cái chết của Mộ Dung Hi là dấu chấm hết cho nhà Hậu Yên. Cũng vì sự si tình của vị vua cuối cùng này, người ta đã quyết định chôn Mộ Dung Hi cùng với Phù Hoàng hậu để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của ông.

Giờ đây, mỗi khi nhắc tới tên tuổi của Mộ Dung Hi, hậu thế chẳng thế nhớ nổi bất kỳ thành tựu nào mà chỉ nhắc tới giai thoại về sự si tình tới mức cuồng dại của ông. Có lẽ, chính sự mụ mị trong tình yêu của vị Hoàng đế trẻ tuổi ấy đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến cơ ngơi ngắn ngủi của gia tộc Mộ Dung buộc phải biến mất trong lịch sử Trung Hoa.

 
Theo Thiên Thanh/Báo Pháp luật

Chuyện tình người lính qua bài thơ "Tình em"

Cập nhật: 12:03 | 14/08/2020
Vào năm 1962, báo Sức trẻ, sau đó là báo Văn nghệ đăng một bài thơ từ miền Nam gửi ra. Đó là bài Tình em của Hồ Ngọc Sơn. Ngay lập tức, bài thơ được nhạc sĩ quân đội Huy Du phổ nhạc, được liên tục phát đi trên sóng phát thanh Đài TNVN

Cùng với Bài ca hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký (1958), hai ca khúc này đã thắp lên niềm tin mãnh liệt ở tình yêu, ở tương lai Bắc – Nam thống nhất trong những ngày hai miền bị chia cắt, Mỹ ngụy đàn áp dã man những người kháng chiến và những gia đình có người thân tập kết ra miền Bắc. Nguyên văn bài thơ đăng báo như sau:

Hồ Ngọc Sơn

TÌNH EM

Gửi H…

Khi chiếc lá xa cành

Lá không còn màu xanh

Mà sao em xa anh

Đời vẫn xanh rời rợi?

-Có gì đâu em ơi

Tình yêu là sự sống!

Nên nắng hửng trong lòng

Mạch đời căng máu nóng.

Anh đi xa bao núi

Tình em như khe suối

Lưu luyến và nhớ thương

Chảy theo anh khắp rừng

Anh đi xa càng xa…

Tình em như cỏ hoa

Âu yếm và thiết tha

Theo anh dài nương rẫy

Anh đi xa, xa mãi…

Đường giải phóng gian nan

Tình em là buồm căng

Qua bão bùng sóng lộng

Tình em là lửa hồng

Rực cháy giữa đêm đông

Mặt trời lên đỏ mọng

Như môi em tươi hồng

Vì sao khuya đỉnh núi

Là mắt em xa xôi

Làm cánh gió em ơi!

Làm cánh chim em ơi!

Chắp cánh ta yêu nhau

Trọn đường đời chiến đấu.

Anh đi biệt tháng ngày

Tình em như sông dài…

Tác giả của bài thơ là một Anh Bộ đội Cụ Hồ. Hồ Ngọc Sơn là tên thật. Ông sinh năm 1932 tại thị xã Quảng Ngãi, đi bộ đội và tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1961, ông trở về chiến đấu trên chiến trường Khu V và Tây Nguyên. Năm 1967, ông là phóng viên báo Quân Giải phóng Miền Trung Trung Bộ. Sau năm 1975, ông là Trưởng Phòng Tuyên huấn Quân khu V kiêm Tổng Biên tập báo Quân khu V. Ông về hưu tại Hà Nội với quân hàm Đại tá, chức vụ Trưởng phòng Báo chí – Thông tấn thuộc Cục Tư tưởng - Văn hóa, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam.

Sau khi về hưu, ông thường đến chơi với tôi ở báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống. Ông cao lớn nhưng hiền như con gái. Ông có gương mặt đẹp, khi nói miệng luôn cười. Cùng là người làm thơ, làm báo, tuy tôi nhỏ hơn ông 13 tuổi nhưng vẫn được ông trân trọng, nhờ việc gì cũng rất nhiệt tình, hẹn việc gì không bao giờ sai. Tôi kể cho ông nghe cảm xúc của mình khi lần đầu tiên đọc bài thơ này và kỷ niệm được một cô gái sinh viên chép tặng tiễn tôi ngày ra trận. Tự coi bài thơ (cùng với bản nhạc của Huy Du) là một phần gia tài tinh thần của mình, tôi mạnh dạn nhờ ông kể lại hoàn cảnh ra đời và những kỷ niệm gắn bó với bài thơ. Năm 2003, ông cẩn thận viết tay 6 trang A4 gửi cho tôi cùng nhiều tài liệu liên quan…

Hồ Ngọc Sơn viết:

“Một buổi chiều bình thường, yên ả như mọi ngày, bỗng tôi được bí mật gọi riêng lên gặp cấp trên và được giao nhiệm vụ bí mật trở về Nam chiến đấu.

Trước khi lên đường, tổ chức đã bí mật sắp xếp chu đáo cho chúng tôi được gặp nhau 5 hôm. Đến lúc này thì không thể giấu vợ tôi được nữa. Vợ tôi đã đoán biết chắc chắn tôi sắp sửa về Nam… Sau ba năm yêu nhau rồi cưới nhau, chúng tôi luôn mang lại cho nhau tiếng cười và niềm vui. Lần đầu tiên vợ tôi khóc. Tôi vội quay mặt và bước nhanh để giấu đi đôi mắt tôi cũng đang rưng rưng”…

Như vậy là, hai người chỉ thực sự sống đời sống vợ chồng chỉ 10 ngày rồi bước vào cuộc chia ly không biết bao giờ có thể gặp lại. Hồ Ngọc Sơn viết về những ngày đầu về Nam:

“Sau gần 70 ngày đêm hành quân trên những lối mòn bí mật khai phá, vượt qua không biết bao nhiêu thượng nguồn sông suối và đỉnh núi cao Trường Sơn, đơn vị tôi được lệnh dừng chân đóng quân ở một vùng núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi, thuộc đất Kon Tum. Chúng tôi bước vào cuộc sống mới giữa đại ngàn hoang sơ, thâm u, xa vắng bóng người, đương đầu với những gian khổ thiếu thốn ngoài sức tưởng tượng, lắm lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. không thể nào quên những bữa cơm “ gạo đắng” trong những ngày đầu đến chiến trường. Đó là những hạt gạo nuôi dưỡng “Cách mạng” được đồng bào cất giấu trong những kho ở rừng không biết từ năm nào, đã mục nát. Lĩnh một cân gạo đem về cho vào nước vo chỉ còn lại chừng vài lạng chắc hạt. Gạo nấu lên không thành cơm mà thành một loại bánh nháo sền sệt như bánh đúc, ăn đắng không tài nào nuốt nổi. Ghê sợ nhất là lạt muối. Đói cơm, lạt muối, thèm cơm, thèm muối, thèm khát rau xanh liên miên và sốt rét cũng hành hạ liên miên.

Thế nhưng, gian khổ , thiếu thốn ghê gớm nhất, vò xé nhất lại là về tình cảm. Sống heo hút cách biệt dân, cấp trên ở xa. Không có đài, báo chí để biết tin tức. Không có người thân để tâm sự. Đầu óc luôn ám ảnh bởi câu hỏi lớn: Cuộc chiến đấu này lâu dài đến bao giờ? Có thể nói, thử thách chiến trường lớn nhất lúc này không phải là đạn bom ác liệt mà là cuộc đấu tranh quyết liệt để giữ vững cho được lòng tin, tin chính mình, tin người yêu, tin vào ngày mai thắng lợi. Lòng tin là sức mạnh. Mất lòng tin là mất tất cả”!

“Mất lòng tin là mất tất cả”! Điều ấy không chỉ đúng ở chiến trường mà còn đúng cả với hậu phương miền Bắc. Không những thế, lúc ấy cả thế giới cũng nhìn về Việt Nam với câu hỏi lớn: Việt Nam có dám đánh Mỹ không? Có thắng nổi Mỹ không?

Ông Sơn kể tiếp:

“Vào mùa hè năm 1962, một hôm cùng đơn vị đi gùi đạn trên đường giao liên để chuẩn bị cho một trận đánh lớn, tôi tình cờ gặp một đồng chí thương binh quê ở Quảng Bình đang được chuyển về hậu phương. Sau khi trò chuyện, tôi bóc mảnh giấy trên hòm đạn viết nguệch ngoạc mấy dòng gửi vợ: “Anh vẫn mạnh khỏe. Nhớ em lắm. Địa chỉ của anh… Sẽ có thư dài sau. Nhớ em lắm. Hôn em rất nhiều”!

Thú thật vì nhớ vợ quá nên viết liều, chứ không hy vọng thư đến tay người nhận. Vậy mà anh thương binh Quảng Bình chưa từng quen biết nhưng vô cùng tốt bụng và đáng quý ấy, đã lần theo địa chỉ tìm về Nhà máy đường Sông Lam Nghệ An rồi ra Trương Bổ túc Công-Nông trung ương ở Hà Nội chuyển thư tận tay vợ tôi. Nhận ra chữ viết của tôi, vợ tôi sững sờ rồi khóc òa lên, quá xúc động và hạnh phúc!

Ba tháng sau, một ngày đầu mùa thu năm 1962, đơn vị tôi được lệnh chuyển từ Kon Tum vào Gia Lai. Không hiểu do sốt ruột hay linh tính, tôi tạt ngang vào trạm giao liên. Tôi bàng hoàng lặng người đi, mừng run lên khi nhìn thấy thư vợ tôi gửi vào.

Trong thư, vợ tôi tâm sự rằng giá mà sớm có với nhau đứa con, giữ lại một di sản quý báu nhất của tình yêu, một kỷ niệm thiêng liêng suốt cả đời người, thì dù tôi có xa cách bao lâu, ở phương trời nào vợ tôi cũng đành lòng.

Đoạn cuối của bức thư ấy, giống như mọi bức thư thời chiến khác, là động viên nhau hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, lời hứa chung thủy đợi chờ, một tình cảm thắm thiết, mong chóng đến ngày thắng lợi để được chung sống bên nhau.

Những lời lẽ trong bức thư gợi nhớ xiết bao tình cảm nồng nàn, mới mẻ của vợ chồng mới cưới. Rừng le Tây Nguyên xạc xào trút lá bay vàng trên vai áo dọc đường hành quân. Đêm đó, trên chiếc võng, dưới trăng rừng, người sĩ quan trẻ không thể nào ngủ được. Nhớ vợ, thầm nhắc tên vợ càng khắc sâu nỗi bồn chồn, da diết trong lòng. Anh nghĩ về Tổ quốc, về Tình yêu; về sống – chết; vinh quang và hạnh phúc; chiến tranh và mất mát… Chiến tranh bao giờ cũng là thử thách nghiệt ngã nhất của mỗi dân tộc, của mối số phận con người, nhất là đối với người lính. Nó cũng là thước đo chuẩn xác nhất về tình yêu đối với Tổ quốc, thước đo của lòng chung thủy và tình yêu lứa đôi, thước đo của những phẩm giá con người. Mỗi người phải tự trả lời cho mình những câu hỏi căn bản nhất. Nó phải rạch ròi, không cho người ta được chần chừ, do dự, không có chỗ cho người đứng giữa hoặc lẩn trốn. Câu trả lời mà Hồ Ngọc Sơn tìm được trong những ngày tháng ấy là: Tình yêu lứa đôi chỉ có thể trở nên cao đẹp khi con người biết yêu nhau và cùng phục vụ cho một lý tưởng chung cao đẹp: lý tưởng cách mạng! Không có con đường nào khác là phải chịu hy sinh, nén mọi thương đau, lạc quan đi tới, để giành lại sự sống cho quê hương, đất nước. Ông cảm thấy một tình yêu thủy chung son sắt sẽ là nguồn sức mạnh kỳ diệu giúp người lính băng qua cái chết đi về sự sống. Lần đầu tiên, ông cảm nhận sâu sắc lòng chung thủy chờ chồng của người phụ nữ trong chiến tranh thật sự vĩ đại, cao quý. Hình ảnh những lá vàng rơi trên đường hành quân buổi chiều cứ bay miên man trong ý nghĩ. Những vần thơ đầu tiên được hình thành. Mờ sáng hôm sau, ông ghi vào nhật ký:

TÌNH EM

Gửi H.

Khi chiếc lá xa cành

Lá không còn màu xanh

Mà sao em xa anh

Đời vẫn xanh rời rợi

Có gì đâu em ơi

TÌNH YÊU LÀ SỰ SỐNG!

Câu cuối được viết hoa, tô đậm. Đó là suy nghĩ của ông, sự khẳng định về ý nghĩa tình yêu mà trong một ngày được đốt cháy bởi tình cảm vợ chồng giữa chiến trường, ông đã tìm ra được câu trả lời cho mình. Gia Lai ngày ấy tươi đẹp và giàu chất thơ. Đồi núi thoai thoải, thoáng đạt. Đường hành quân thường băng qua rất nhiều con suối nở vàng hoa dại, cảm giác suối cứ theo chân mình. Nương rẫy cũng theo mình giống như tình yêu của đất nước, của người thân không dứt. Trang nhật ký của ông lại có thêm những câu Anh đi xa bao núi/ Tình em như khe suối/ Lưu luyến và nhớ thương/ Chảy theo anh khắp rừng/ Anh đi xa càng xa/ Tình em như cỏ hoa/ Âu yếm và thiết tha/ Theo anh dài nương rẫy…

chuyen tinh nguoi linh qua bai tho tinh em
Hình ảnh minh họa

Tình em như cỏ hoa… Đó là mối tình giản dị, thiết tha, trong sáng và bất diệt trong lòng người lính. Và chính vì sự giản dị, thiết tha, trong sáng, bất diệt ấy mà mang đến cho nhà thơ một cảm nhận hết sức rõ rệt: Tình yêu thật sự là ngọn lửa hồng sưởi ấm, là mặt trời soi dọi suốt đời, là cánh buồm căng giúp người chiến sĩ vượt qua mọi đêm tối, mọi bão bùng sóng lộng. Khái quát đến tự nhiên từ trực cảm và đạt độ chân xác cao, tạo nên sức truyền cảm mãnh liệt. Nó đã thắp lên ngọn lửa ấm áp, niềm tin, niềm lạc quan vô bờ bến cho những chiến sĩ trong 20 năm hành quân không mỏi.

Chị H., tức Hiên, một hôm nghe được bài hát của nhạc sĩ Huy Du. Chị vô cùng xúc động, nghe nói phổ thơ của Ngọc Sơn từ miền Nam gửi ra, không biết có phải của chồng mình không? Còn Hồ Ngọc Sơn cho đến hôm nay cũng không biết người bạn chiến đấu nào, bằng cách nào đã gửi bài thơ Tình em ra miền Bắc. Chỉ khi vợ anh nhận được lá thư của anh có chép bài thơ này vào đầu năm 1963 (thư gửi từ mùa thu năm 1962), chị mới tin chắc đó là thơ của chồng tặng mình, chị đã vô cùng hạnh phúc. Bài thơ và ca khúc Tình em năm đó đã giúp chị có nghị lực ôn thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội với tinh thần lập công “hậu phương thi đua với tiền phương”. Nó cũng là sức mạnh, là nguồn động viên to lớn giúp chị vượt qua chặng đường dài 10 ngày làm vợ, 12 năm chờ chồng. Lấy chồng từ năm 23 tuổi, đến năm 1973, sau Hiệp định Pa-ri, vào tuổi 35, chị mới được gặp chồng. Sau đó anh lại đi chiến trường Căm-pu-chia, mãi đến năm 1981, tức tròn 20 năm, gia đình mới thực sự đoàn tụ khi anh về công tác tại Tổng cục Chính trị… Anh chị may mắn vẫn kịp có một đứa con và sống hạnh phúc, trân trọng nhau suốt cả cuộc đời.

Cái hay của bài thơ là có điểm xuất phát và sự bảo đảm của một tình yêu lứa đôi hết sức nồng thắm, sâu sắc . Tình yêu đó được chắp cánh bởi tình yêu cách mạng, sự lạc quan nên càng có sức bay bổng và lan tỏa. Nhịp điệu câu thơ cũng như giai điệu âm nhạc tạo nên sự quấn quýt, ríu rít, quyện chặt không gì phá vỡ được tình yêu, không gì đè bẹp được sự xanh tươi, bất diệt của cuộc sống. Sự đóng góp của phương ngữ Quảng Ngãi (rời rợi), của những sông suối, cỏ hoa Tây Nguyên càng làm cho bài thơ tươi vui sinh sắc.

Nguyễn Sĩ Đại

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét