Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

TT & HĐ - 21/f

                                          

                   Siêu không gian : Chúng ta đến từ đâu? | Khám phá vũ trụ (Thuyết Minh)

 

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
 
“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)

CHƯƠNG X: THÁI CỰC

"Có những chân lý tầm thường và có những chân lý lớn lao. Đối lập với chân lý tầm thường là hoàn toàn sai lầm. Đối lập với chân lý lớn lao cũng là chân lý." 

 Niels Bohr

Xã hội tồn tại nhờ niềm tin, và phát triển nhờ khoa học. 
 Henri Frederic Amiel

"Không có khoa học vì khoa học, không có nghệ thuật vì nghệ thuật. Khoa học nghệ thuật tồn tại để phục vụ xã hội, để làm con người hạnh phúc hơn, cao thượng hớn, có kiến thức phong phú hơn và có nhiều tiện nghi vật chất hơn trong đời sống... ".
Khuyết danh

“Nếu như ngay từ xa xưa vận mệnh khoa học nằm trong tay những người có bộ óc chính xác và chặt chẽ như tôi từng gặp ở một số nhà toán học hiện đại mà tôi rất trọng vọng, thì có lẽ khoa học đã chẳng thể tiến lên phía trước.”
L. Mandelstam
 
“Toán học là khoa học chính xác. Nhưng cũng vì thế nó cằn cỗi”.
F. Hegel
 
“Toán học không phải là một quyển sách chỉ gói gọn giữa các tờ bìa mà ng­ười ta chỉ cần kiên nhẫn đọc hết nội dung, toán học cũng không phải là một vùng mỏ quý mà ng­ười ta chỉ cần có thời gian để khai thác; toán học cũng không phải là một cánh đồng sẽ bị bạc màu vì những vụ thu hoạch; toán học cũng không phải là lục địa hay đại d­ương mà ta có thể vẽ chúng lại đ­ược. Toán học không có những giới hạn như­ không gian mà trong đó nó cảm thấy quá chật chội cho những khát vọng của nó; khả năng của toán học là vô hạn như­ bầu trời đầy các vì sao; ta không thể giới hạn toán học trong những quy tắc hay định nghĩa vì nó cũng giống như­ cuộc sống luôn luôn tiến hóa”.    
Cayley
 
“Toán học chỉ cho ta những ph­ương pháp hoặc những con đ­ường dẫn tới chân lý. Toán học làm cho những chân lý ấy khuất nhất trở thành minh bạch và phơi bày chúng ra tr­ước ánh sáng. Một mặt toán học làm giàu sự hiểu biết của chúng ta, mặt khác nó làm cho suy nghĩ của chúng ta thêm sâu  sắc”. 
  Sylvester
 
"Toán học như con chiến mã quí độc nhất vô nhị đưa ta qua những cuộc chiến ác liệt để giành những thành quả khoa học oai hùng hơn bao giờ hết! Nhưng nó cũng  là con ngựa bất kham đưa ta lạc vào Bát quái trận đồ của sự giả tưởng quá đà."
Ba Đá

 

 

 

(Tiếp theo)


***
Vô Cực có tồn tại hay không? Dù chúng ta mô tả có thể là không chính xác về Nó nhưng tin chắc chắn rằng Nó thực sự tồn tại một cách khách quan. Vô Cực là một linh hồn mà khi linh hồn đó biểu hiện ra thì không phải là bóng ma mà chính là Thái Cực. Đối với đức tin đã được hun đúc từ nhiều phương chiều trong suốt cuộc hành trình vừa qua thì câu hỏi vừa nêu trở nên ngớ ngẩn. Chúng ta khẳng định lần cuối: Vô Cực là tồn tại và là gốc của mọi tồn tại. Nếu Vô Cực là linh hồn của Thái Cực thì Thái Cực là thể xác của Vô Cực. Con người được sinh ra ở tầng qui mô mà nếu so với tầng cuối cùng của sự nhỏ ấy là quá thô kệch, cho nên con người vĩnh viễn không bao giờ có thể quan sát trực tiếp được Thái Cực một cách riêng lẻ. Tuy thế, vì con người biết suy nghĩ, biết tư duy nhận thức nên khi đã hiểu được nguyên lý Tự Nhiên, sẽ thấy được Nó dưới dạng một “sơ đồ nguyên lý” trong suy tưởng. Cái “sơ đồ nguyên lý” ấy, như chúng ta đã nói, dù là không bao giờ chính xác được, nhưng như thế không có nghĩa là hoàn toàn sai. Nếu con người nhận thức đúng đắn được nguyên lý Tư Nhiên thì rồi trước sau gì cũng thấy được Thái Cực, một cách đúng đắn về nguyên tắc. Và còn cần điều gì hơn thế nữa?
Bây giờ, chúng ta sẽ tiến hành một cuộc “khảo cứu” có thể là đạt được kỷ lục guiness về sự rẻ tiền nhất. Chi phí của công trình này đúng thật là không tốn bao nhiêu: chút ít sức lực để động não và một khoảng thời gian (khoảng thời gian này, trong chuỗi ngày vô tích sự của chúng ta là không đáng kể và nếu đem so với quĩ thời gian được cho là vô tận của Vũ Trụ thì lại càng không đáng kể chút nào; vả lại, nếu không “xài”, thời gian vẫn cứ trôi đi một cách phung phí mà thôi!). Chúng ta tạm đặt cho công trình “khoa học” hầu như không cần kinh phí này một cái tên đầy chất thơ ca, là “Khối tình trinh trắng”, và chúng ta bắt đầu:
Chúng ta ngồi trong một căn phòng (hay gọi là xó nhà cũng được!) và nhìn ra một cửa sổ. Cái ô cửa sổ ấy cũng là khả năng duy nhất để chúng ta quan sát thế giới bên ngoài mà thôi. Ở bên ngoài, đối diện với ô cửa sổ, cách một khoảng nhất định nào đó (gần thôi), người ta đặt một mặt phẳng trắng tinh, không chút tỳ vết. Vì mặt phẳng ấy lớn hơn ô cửa sổ rất nhiều nên chúng ta không nhìn thấy các mép hạn định của nó (vì đã bị khung của ô cửa sổ giới hạn). Chúng ta có thể thấy gì qua ô cửa sổ lúc ấy? Rõ ràng là chỉ thấy một mặt phẳng trắng tinh của tờ giấy. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng cũng… hoàn toàn sai. Qua nhận thức được tích lũy từ trước (nghĩa là qua kinh nghiệm và kiến thức của quá khứ, đã được học hỏi) chúng ta mới trả lời được như thế và nếu chưa qua một chút xíu nhận thức nào hoặc tự nhiên quên bẵng mọi thứ đi thì chúng ta chỉ có nước “ú, ớ”, thậm chí là hoàn toàn im lặng vì ngay cả câu hỏi, chúng ta cũng chẳng biết nó là cái gì, y hệt như đứa trẻ mới lọt lòng mẹ vậy!
Thôi, dù sao chúng ta cũng đã lớn khôn và đã thấy ngoài ô cửa sổ là mặt phẳng trắng tinh của tờ giấy. Nhưng tại sao chúng ta biết được đó là tờ giấy khi chỉ nhìn thấy một mặt phẳng trắng tinh bị giới hạn bởi khung của ô cửa sổ? Tại có một ai đó mách bảo, còn nếu không, chỉ có thể là do chúng ta phán đoán nhờ kinh nghiệm (và lần này, chúng ta đã đoán trúng, nhưng lần khác phải coi chừng vì cái mặt phẳng trắng tinh ấy rất có thể là một bức tường!).
Tương tự như thế, việc chúng ta biết đó là một mặt phẳng trắng tinh (thực ra là một phần, một khoảng đúng bằng sự giới hạn của ô cửa sổ thôi) cũng là nhờ vào việc chúng ta đã lớn khôn, đã từng học hỏi, chiêm nghiệm, đã từng biết thế nào là phẳng, thế nào là trắng tinh. Và chúng ta có quyền tự hào vì đã trả lời trúng phóc!.
Tiếp tục, thế chúng ta nhìn thấy gì ở cái mặt phẳng trắng tinh ấy? Chẳng nhìn thấy cái gì cả ngoài một màu trắng tinh, đúng không nào? Thường thì chúng ta quên luôn cái màu trắng tinh ấy và trả lời là chẳng thấy gì. Trong quan sát, con người ta thường bỏ qua, không chú ý đến những cái được cho là hiển nhiên, ai cũng thấy, ai cũng biết. Những cái đó trở nên “lặn đi”, bị tầm thường hóa, không đáng để bận tâm nữa và khi quan sát chúng, người ta mặc nhiên coi như không thấy gì. Con người ta sẽ không sống được nếu không có dưỡng khí nhưng hầu như quên bẵng nó trong đời sống thường nhật. Chính thiên nhiên đã làm cho con người mất (gần hết) cảm giác trước không khí, vì ở đâu mà không có không khí và việc hít thở là một đương nhiên, cần phải biết mùi của nó để làm gì. Đối với nước cũng xảy ra tình hình tương tự, nhưng vì nước “hiếm” hơn không khí nên dù sao đối với nước lã, con người cũng có được một vị để phân biệt với các vị khác, đó là vị “lạt nhách”. Khi một sếp hỏi: “Có quan sát thấy gì không?”, chắc rằng chẳng người lính nào lại trả lời đại loại như thế này: “Báo cáo sếp, trên có trời, dưới có đất, ở giữa có vài quả núi, ngoài ra không có gì nữa ạ!”.
Oái oăm là ở chỗ: những cái không ai đoái hoài tới, không ai nhìn thấy lại thường là những cái nền tảng. Nhìn lên bầu trời đêm, khi không thấy một ngôi sao nào, chúng ta coi như không thấy gì. Nhưng thực ra là chúng ta vẫn thấy có một màu đen kịt. Cái màu đen kịt đó chính là cái nền, cái phông, cái nôi làm hiện hữu và dung chứa các vì sao. Chỉ vì nó đã bị tầm thường hóa, bị cho là không có gì đáng kể nên chúng ta đã quên nó, không nhìn thấy nó.
Giả sử bên cạnh chúng ta có một người bạn và trước câu trả lời như trên của chúng ta, rất có thể anh ta sẽ cãi lại: “Không nhìn thấy gì là thế nào? Đó là tờ giấy trắng khổng lồ hay ít ra là một khoảng của tờ giấy trắng!...”. Bản thân chúng ta và có lẽ không ít người vẫn thường thấy một cách “nhanh nhẩu đoảng” như vậy, thấy cái mà mình đã phán đoán, đã suy ra từ kinh nghiệm, đã biết chứ không phải cái thực sự đang nhìn thấy, đang hiện hữu.
Chính xác là trên cái mặt phẳng trắng tinh ấy chẳng thấy bất cứ một tỳ vết, một cái gì khác ngoài màu trắng tinh cả, không có gì khác thường cả và do đó, so với màu trắng tinh, chúng ta đã không nhìn thấy bất cứ cái gì trên đó cả. Nhưng lý trí mách bảo chúng ta rằng mặt phẳng trắng tinh ấy là sự biểu hiện của một tờ giấy, là mặt hiện hữu của tờ giấy. Vậy thì trong mặt phẳng ấy phải có một cái gì đó chứ không thể là không có gì. Không có gì, ngoài nghĩa là không có gì ngoài mặt phẳng trắng tinh, còn có nghĩa rằng trong, hay thuộc về mặt phẳng ấy xuất hiện hư vô. Hư vô có nghĩa là không hiện hữu và cũng có thể là không cả tồn tại nhưng không phải là không Tồn Tại. Nếu trong mặt phẳng tờ giấy xuất hiện một hư vô thì đó chỉ có thể là một lỗ thủng hoặc tệ hơn, hoàn toàn không có cái mặt phẳng ấy. Nếu cho rằng lỗ thủng là một hư vô trong mặt phẳng trắng tinh thì trước mắt chúng ta vẫn cứ là một hiện hữu vì chúng ta phân biệt được nó với mặt phẳng và như vậy là “thấy” nó. Nhưng thực sự là chúng ta đã nhìn đến mỏi mắt, không thấy gì cả và cũng chẳng thấy nó. Chắc chắn là phải có cái gì đó nhưng vô hình trước mắt chúng ta chứ không phải Hư Vô. Và tổng thể những cái gì đó ấy đã làm nên tờ giấy, nền tảng của mặt phẳng trắng tinh.
Chúng ta lấy kéo cắt đôi một tờ giấy rồi tiếp tục cắt đôi hai nửa tờ giấy mới cắt, cứ tiếp tục như thế và có được rất nhiều mẩu giấy nhỏ bé. Chúng ta tưởng tượng rằng mình có phép thuật cao siêu, hô biến một cái là các mẩu giấy đó sắp xếp trở lại thành một tờ giấy như cũ. Sự kiện này dẫn đến nhận định: tờ giấy là gồm rất nhiều mẩu giấy hợp thành. Giả sử rằng các mẩu giấy đó là nhỏ nhất, nhỏ đến mức là nếu có phân chia được chúng ra thì những phần phân chia ấy vẫn còn thấy như mẩu giấy chứ không phải là một mẩu gì đó không phải giấy, (một phân tử hữu cơ nào đó chẳng hạn). Nếu có đem ghép trở lại những mẩu giấy đó thì chúng ta sẽ tạo ra không phải tờ giấy ban đầu mà là một “tờ” hay “khối” gì đó khác cũng gọi là giấy. Chúng ta gọi những mẩu giấy nhỏ nhất ấy là phần tử giấy và cho rằng tờ giấy mà chúng ta đang khảo sát là do vô vàn những phần tử giấy hợp thành và có sự “lắp ghép” từ vô vàn những hiện hữu mặt trắng tinh mà chúng ta có tờ giấy với mặt phẳng trắng tinh. Vì các phần tử giấy cũng như các đường nối ghép nhỏ và mảnh đến độ vượt ra ngoài giới hạn phân tích của mắt nên chúng ta đã không quan sát thấy chúng và chỉ thấy một mặt phẳng trắng tinh không tì vết. Phần tử giấy chính là đơn vị làm nên tờ giấy và vì nó vô hình trước chúng ta nên có thể gọi nó là vô cực. Thực ra chúng ta không thấy tờ giấy mà chỉ thấy phần hiện hữu của nó là mặt phẳng trắng tinh nên nó chính là tồn tại, nền tảng và mặt phẳng trắng tinh là sự thể hiện của cái tồn tại nền tảng ấy. Khi cái Vô Cực được quan sát nhận diện, nói về nó, bàn luận về vận động nội tại của nó thì nó được coi là một Thái Cực. Nói Vô Cực mà Thái Cực là vì vậy!
Đó là cuộc thí nghiệm thứ nhất có tính cách như “vỡ lòng”, mở đầu, “nhập môn”. Trên cơ sở đã rút được kinh nghiệm từ việc thực hành thí nghiệm ấy và vốn liếng kiến thức sơ học về không gian Ơclít (cũng đã rơi rớt nhiều rồi!), chúng ta sẽ tiến hành một cuộc thực nghiệm to tát và siêu đẳng hơn nhiều. Biết đâu chừng nhờ lần “thị sát” này - không phải qua ô cửa sổ nữa mà qua cửa Hang Huyền Tẫn (Vũ Trụ), chúng ta lại chẳng nhặt nhạnh được vài mệnh đề “phổ quát và tiên thiên”. Còn nếu không, hãy nghe B. Paxcan (Blaise Pascal) nói: “Nếu sai thì… chết là hết chuyện. Còn nếu đúng thì sẽ được hưởng phước đời đời.”
Đã là bợm nhậu thì khỏi nói, uống với bất cứ ai, ở bất cứ đâu, trong bất kỳ lúc nào (thậm chí là trong cơn hấp hối!) cũng đều thấy ngon, thấy “đã” cả. Chúng ta suýt nữa thì thành bợm nhậu “chuyên nghiệp” rồi! Trong cái xui có cái may. Bê tha quá nên xui xẻo bị tăng huyết áp. Nhờ có tăng huyết áp và vì sợ chết sớm, nên may quá chúng ta “đào ngũ” được khỏi “đội quân lê dương” ấy. Đến nay, đôi khi (hơi nhiều lần) cũng xé rào bê bết một cái, nhưng nói chung đã trở thành “dân nhậu” bình thường. (Bỏ thì chắc là không thể được rồi! Đời buồn lắm!).
Đã là dân nhậu lâu năm (hay có thể gọi là bợm nhậu nghiệp dư) thì phải biết nhậu như thế nào là tuyệt nhất chứ? Đúng thế đấy! Nhưng cũng tùy từng người và tùy vào những cảnh ngộ khác nhau. Đối với riêng chúng ta thì sợ nhất là nhậu với vua (chưa uống đã say vì lúc nào cũng sợ buột miệng phạm húy là bay đầu như chơi, vì vua nổi tiếng là có tính khí thất thường!). Buồn nhất là uống rượu đám ma (bao nhiêu kỷ niệm với người đã khuất kéo về, sự xót xa dày vò trước cuộc phân ly sinh tử, tiếc thương cho người, cám cảnh đời mình). Ghét nhất và cũng oải nhất là đi nhậu đám cưới (giá cả thì đắt kinh khủng mà chờ đợi thì mỏi mòn; khi “có lệnh” cho ăn nhậu thì ôi thôi vừa bị bắt tọng, nhai, nuốt, ngấu nghiến cho nhanh, vừa bị bắt tu ừng ực liên tục “một trăm phần trăm”, để rồi bụng đầy ứ hự mà thần kinh chưa kịp báo no, say, đã bị đám bồi bàn thoăn thoắt dọn dẹp, tống cổ ra khỏi nhà hàng). Thoải mái và bình thản nhất là nhậu đám giỗ vì là dịp chung vui với người đã khuất, ghé về. Tuy cũng phải chờ đợi như đám cưới nhưng trong khi chờ đợi còn nhấm nháp được trà, thuốc; còn hàn huyên được đôi ba câu chuyện và bù lại cho sự chờ đợi là đồ ăn thức uống vừa ngon, vừa rẻ (thậm chí là không tốn tiền!), vừa nhiều và thời gian nhậu thì tha hồ mà… “đòng đưa ví dầu”. Tệ hại nhất là uống rượu với mụ vợ vừa gàn vừa cứng đầu, dẫu rượu có ngon như “thiên tửu” (rượu trời) đi nữa thì bỗng chốc cũng thành ra đắng nghét. Mới nhậu thì vẫn còn là đấng trượng phu ngời ngời nhưng sau vài ba “chung” rồi thì, ôi thôi nát bét, trở thành một thằng trẻ con hèn mọn, yếu đuối và vô tích sự. Nhậu nhẹt với bạn bè là vui vẻ nhất trong mọi cuộc nhậu (“tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” - uống rượu với bạn hiền thì ngàn chén là còn ít mà lại!). Cuộc nhậu mê mệt nhất mà sung sướng nhất, lênh đênh phiêu bồng thi vị nhất là nhậu với “cung tần, mỹ nữ” (nếu để vợ biết được thì sẽ thành cuộc nhậu “tan tành” nhất!). Tuy chi phí nặng hơn nhiều so với đi nhậu ở đám cưới nhưng được cái là “lạc thú”, cứ như ở đâu đó trong cõi thần tiên phiêu bồng ấy! Cuối cùng, cuộc nhậu được cho là huyền diệu, thiên thai nhất, mãn nguyện nhất, có lẽ phải là cuộc nhậu tổng hợp đủ các yếu tố: giỗ, bạn hiền, mỹ nữ và … không có mặt vợ. Nhưng vui sướng càng nhiều thì càng nhiều buồn khổ. Sự đời vẫn thế! Cho nên muốn đĩnh đạc, an nhiên, nhẹ lòng đề huề, có mực có chừng thì làm dân nhậu thôi chứ đừng nên làm bợm !......
Đang trong cuộc thực nghiệm to tát và quan trọng mà nói về nhậu nhẹt, bù khú thì thật "xà bác" quá! Thử hỏi kết quả đạt được từ cuộc thị sát, khảo cứu của một gã mà đầu lúc nào cũng nghĩ đến rượu, gái thì có mang tính khoa học, có đủ sức thuyết phục và đáng tin không?
Vâng, thật là đáng trách! Xin thứ lỗi cho sự hoang tưởng lạc lõng vừa rồi của chúng ta! Nhưng cũng mong thấu hiểu cho: chúng ta cũng là những con người có một nỗi thèm khát thường tình luôn túc trực.
Kể ra thì cũng kỳ quặc, đang chuyện nọ lại xọ chuyện kia. Chúng ta ngẫm nghĩ “thế là thế nào?” và sực nghĩ ra: “À, thì ra thế!”. Thực nghiệm của chúng ta là phải quan sát qua cửa Cốc Thần Huyền Tẫn, nghĩa là phải ngỏng cổ lên nhìn vào bầu trời đêm, và lúc đó chúng ta vẫn thường hay nhâm nhi. Chính vì vậy mà chúng ta nhớ đến nhậu nhẹt. Một lần nữa xin thứ lỗi!
Nhâm nhi thực ra cũng là uống rượu nhưng không phải là nhậu nhẹt. Nhâm nhi thi vị hơn nhiều! Chúng ta vẫn thường vừa nhâm nhi một mình vừa nhìn ngắm sao trăng trên bầu trời và hoang tưởng trong những đêm khuya vắng, bốn bề tĩnh mịch. Nhiều người sẽ cho rằng chỉ có tâm hồn bị khốn khổ hoặc “hâm” mới độc tửu (uống rượu một mình) giữa khuya cô quạnh. Theo chúng ta thì không hẳn như thế. Tất nhiên là phải có nỗi niềm nào đó, nhưng độc tửu giữa khuya đối với chúng ta, thường là một mê hoặc khác thường gây nên cái thú đặc biệt. Bao nhiêu khuya rồi chúng ta đã ngồi như thế để đắm đuối ngắm cái vẻ đẹp phi thường của trăng lúc xanh xao hao gầy cũng như khi nở nang vằng vặc; để chiêm ngưỡng ngàn sao lấp lánh, long lanh hoặc cái mông lung lặng lẽ và sâu thẳm đến gai người cũng như cái nổi cuộn vần vũ, gầm gào, chớp lóa của sự chuyển hóa giữa các lực lượng khổng lồ trong thiên nhiên, để cùng với sự quan chiêm ấy là những suy ngẫm về ý nghĩa của hữu hạn và vô hạn, của khoảnh khắc và vĩnh hằng, của “Một cõi đi về” kiểu Trịnh Công Sơn, của nỗi day dứt ngây ngô mà uyên áo kiểu Bùi Giáng: “Em về mấy thế kỷ sau, nhìn trăng còn thấy nguyên màu ấy không?”. Những lúc đó lòng chúng ta cứ lâng lâng dìu dặt như gió, cứ dạt dào lai láng như mưa, man mác buồn, man mác vui, man mác nuối tiếc, man mác băng khuâng, khi hồn vía trôi dạt vô định về những kỷ niệm đâu đó trong dĩ vãng xa vời. Nhưng cũng có nhiều lần độc tửu như thế mà tâm hồn chúng ta bỗng trở nên ồn ào, sôi nổi, liến thoắng đến kỳ lạ; chất vấn, tranh biện một cách hết sức hùng hồn và đáo để với Thinh Không huyền bí, với Tự Nhiên Tồn Tại. Nhờ thế mà chúng ta đã ngộ ra được nhiều điều ngộ nghĩnh của Tạo Hóa. Hình như muốn đạt được thành quả nào đấy thì trong nghiên cứu khoa học cần phải tỉnh táo và nghiêm túc, nhưng trong tư duy triết học lại nên say sưa và tếu táo một chút chăng? Phải chăng những cái tầm thường nhất lại thường đóng vai trò nền tảng và những điều giản dị nhất thường lại là những chân lý? Phải chăng cái tối giản vừa là nguồn gốc vừa là đích phải trở về của mọi cái phức tạp? Đúng không rằng: ra đi cũng đồng thời là trở về?
 Sau những lần uống rượu một mình như thế, lòng chúng ta rung động, cảm tác nên vài bài thơ sau:

1- UỐNG RƯỢU MỘT MÌNH

Mình ta với rượu canh khuya
Bàn thừa thãi ghế, bạn bè thì không
Vợ con cách mặt xa lòng
Người tình thuở cũ truy phong lâu rồi!

Đắng cay uống với sầu đời
Dưới sao lấp lánh, giữa trời đen xanh
Bên con chó mực trung thành
Trong thì thào gió tự tình ngàn phương...

Say mèm nghiêng ngả Thái Dương
Vịn vào Vũ Trụ, quay cuồng Tự Nhiên
Đất về bồng bế ta lên
Ầu ơ thương lắm chênh vênh cuộc tàn!...

 
 THẦM THÌ

Đêm say, uống rượu, quên đèn
Nâng ly quá hớp, ngó lên bầu trời
Hằng hà lay láy nơi nơi
Ngàn sao ơi có nỗi đời như ta:
Cứ buồn, cứ nhớ thiết tha
Lặng thinh pho tượng nhưng mà tình si?!...

                     ***


Trăm năm khắc khoải thầm thì
Muôn năm có cảm thông gì hay không?!

 

TỰ TRÀO

Ngẩng mặt ngó Trời, Trời ngó đâu?
Chắc là giận lắm kẻ điếc, liều
Dựng đứng, đặt điều không biết thẹn
Lại còn nhăn nhở: "thích tào lao!"...

Cũng tại Trời bày cảnh đìu hiu
Một hồn, một xác, một buồn thiu
Giải khuây quá chén thành tao loạn
Quàng xiên, khoác lác, vẽ vời điêu

Quen hơi ngất ngưởng tít cheo leo
Xuống làm chi nữa, dưới chán phèo
Cứ đeo, may phước nên rồng rắn
Bằng không, giun dế thỏa lộn lèo!




BẠN VONG NIÊN

Thương bà Long Nhãn già
Đã vặn lưng thụ cổ
Vẫn quanh năm nở hoa
Mùa nối mùa trĩu quả...

Bà kết tình từ gió
Và kết nghĩa từ sương
Nên dưới trời sương gió
Mãi xum xuê phi thường?

Hằng đêm sâu tịnh lặng
Bà ru hồn tôi say
Trong mê tỉnh thoáng đàn dơi bay liệng
Ngỡ én về múa vũ điệu xuân lai...

Chịu ơn bà Long Nhãn
Dung dưỡng một đời này!


 
 




TRÒ CHUYỆN VỚI CHÓ

"Con người đã làm được một điều vô cùng khó khăn là 
vừa có thể sống như một con vật đi tìm khoái lạc,
 vừa phải sống như một linh hồn có đủ lý trí". 

                                                          S. Freud



LẨM NHẨM

Nhân gian quạnh quẽ vô tình
Còn mày là bóng với hình là tao
Hình ngồi lẩm nhẩm chiêm bao 
Bóng nằm nghe ngóng đắm vào mông lung...

Chúng mình có có không không
Trong vòng sinh tử, ngoài vòng hợp tan
Có mày thèm khúc xương tàn
Có tao rượu lạt ước tràn cung mây
Không mày bởi tịch vãng lai
Không tao bởi chẳng một ai mong chờ!...

Bóng hình lẩn quẩn, lơ mơ
Trăng lu hiu hắt, lờ mờ cảnh khuya...

Sực cười tủm tỉm ngô nghê:
Tao say là bóng, mày mê mới hình?


 

HỎI THẲNG

Ê! Tomy ơi!
Chúng mình cùng là giống đực
Dục tình một giuộc cả thôi!
Cùng sống bên nhau, chung một xó gầm trời
Sao mày ngoan lành mà tao hư đốn thế?

Mùa động đực mày sục sôi một mẻ
Để rồi thôi chẳng thêm chút mơ màng
Mặc kệ đời, những hạnh phúc vinh quang...
Còn tao thì đầy phè khát vọng
Mùa nối mùa lòng cứ miên man động
Ngoay ngoắt thèm thuồng, chưa từng biết thờ ơ
Giả dối cười vang lấp liếm những mưu mờ
Nhăng cuội vịt vờ giấu che tình nhục dục...

Ê! Tomy ơi!
Chúng mình quây quần, uống chung nguồn nước
Mà tốt-xấu, mày-tao như trời-vực mới buồn...cười
Hỏi thật nhé,
                  bồ tèo:
                           Mày có thích làm người?

Ô! Sao mày lè lưỡi
Lại còn nghếch đầu, hểnh mũi...
Hả?...Muốn nói gì...
Ý là sao, Tomy?...

A!...Ha, ha...ha!...
Tao hiểu rồi hỡi ông bạn khôn ngoan:
Vi cẩu dị, vi nhân nan!*

Chú thích: *Làm người thì khó, làm chó thì dễ




 


Thôi, giải tỏa được nỗi niềm trắc ẩn rồi, chúng ta bắt đầu cuộc thực nghiệm!
Giả sử trong một lần độc tửu canh khuya như thế, chúng ta nhìn vào bầu trời không trăng không sao và cũng không gợn mây nào. Chúng ta thấy gì? Thấy một màu đen kịt của… tầng mây cao không bị gợn. Nếu không bị cái gì đó che khuất thì chúng ta đã phải thấy sao, và sự che khuất là do cái gì nếu không phải là mây? Nếu thế, chúng ta khoanh vùng lại để có một khoảng nào đó không có sao và cũng không có mây. Kinh nghiệm mách bảo rằng dù không thấy gì thì vẫn có những thiên thể ở đó và chúng đang vận động sôi nổi. Chúng ta không thấy thì… kệ chúng ta!
A! Phải rồi! Nhờ đã lớn khôn nên chúng ta có thể nhắm mắt lại và tưởng tượng ra một khối không gian trước mặt. Vì đặc tính của không gian là cho ánh sáng đi qua nên chúng ta sẽ thấy nó có màu đen kịt, ngoài ra không còn thấy gì nữa cả. Theo nguyên tắc, vì không thể tưởng tượng được bất cứ điều gì ngoài Tồn Tại cả nên khối không gian đó phải là một cái gì đó thuộc Tồn Tại và như thế dù là trong tưởng tượng, nó cũng phải là sự hợp thành của những cái gì đó nhỏ hơn nó, chúng ta sẽ tưởng tượng được ra những cái cuối cùng được cho là không có nội tại hoặc có nội tại ảo, đóng vai trò là những đơn vị cuối cùng làm nên khối không gian đó. Vì có kinh nghiệm từ lần thực nghiệm thứ nhất nên chúng ta khẳng định những đơn vị nhỏ nhất làm nên khối không gian chính là những phần tử không gian hay như chúng ta vẫn gọi là hạt KG.
Tương tự như trường hợp tờ giấy trắng tinh, vì chúng ta chỉ nhìn thấy một khối không gian thuần nhất và không thể phân biệt được nên không nhìn thấy gì trong nó cả (chúng ta sẽ không nhìn thấy gì trong một khối nước thuần khiết cả, ngoài… nước!), do đó mà các hạt KG chính là những Vô Cực. Một khi chúng ta xác định được các Vô Cực, dù là trong tưởng tượng, chúng sẽ trở thành Thái Cực trước chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có thể xác định được chúng không, hay nói cách khác, chúng ta có thể nhận thức được về chúng không, một khi chúng ta không có khả năng thấy chúng bằng bất cứ cách nào? Hoàn toàn có thể! (Ở đây, cần nhấn mạnh rằng ngay cả trong thực tại, chúng ta luôn nhìn thấy sự biểu hiện của chúng, một lực lượng của chúng nhưng chỉ không thể nhìn thấy chúng, phân biệt được chúng một cách riêng lẻ, từng cá thể được!)
Chúng ta qui ước rằng khối không gian đó là bộ phận của không gian Ơclít, có tính tuyến tính (thực ra với bộ não bảo thủ và kém cỏi, khó mà hình dung được một không gian nào khác gọi là phi Ơclít! Phải chăng các không gian phi Ơclít trong toán học là những suy tưởng quá lố, ảo tưởng, phi thực của con người? Tuy nhiên, nếu không gian Ơclít là thực tại duy nhất, thì phải hình dung rằng có thể phân chia được bằng một con dao (chắc rằng không phải là con dao thái thịt mua ở chợ rồi!)).
Đó là con dao đặc biệt và rất sắc, sắc nhất trong mọi con dao. Có thể hình dung nó như con dao lade dùng trong phẫu thuật y học nhưng sắc hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sắc đến mấy thì sắc, bề dày của lưỡi dao không thể “mỏng” hơn bề dày của hạt KG được. Cho nên lưỡi dao đó trông như một khoảng mặt phẳng không gian, có độ dày bằng độ dày của hạt KG để có thể dùng “xẻ thịt” một cách triệt để khối không gian ra thành những phân tử nhỏ nhất. (Điều giả định này sẽ dẫn đến những hậu quả gây cười sặc sụa. Chẳng hạn: sự gắn kết các hạt KG tạo thành phần không gian thực nghiệm sẽ tạo ra những điểm tiếp xúc, những đường phân chia giữa chúng phải nhỏ, mỏng hơn kích thước hạt KG, nghĩa là tồn tại những “điểm” nhỏ hơn cả hạt KG, do đó phải chọn lại điểm mới là hạt KG, nếu không, phải cho rằng các điểm ấy có kích thước là bằng với kích thước hạt KG và cũng chính là hạt KG, để rồi cũng lại xuất hiện ra các điểm nhỏ hơn hạt KG. Có lẽ phải quan niệm các hạt KG liên kết kiểu đan lồng vào nhau để tạo ra hiện tượng vừa phân biệt được vừa không phân biệt được, ở khía cạnh này là phân biệt được, ở khía cạnh kia là không phân biệt được và do đó không thể dùng bất cứ “con dao” nào phân chia dứt khoát một cách cơ học khối không gian ra thành những phần tử nhỏ nhất được. Ở đây, một cách siêu hình, chúng ta hình dung “cưỡng bức” có thể phân chia được dù tuyệt đối là không thể cắt chia được không gian…). Sau khi xẻ thịt xong, nếu các vết cắt được đánh dấu màu tương phản (màu đen) với màu của các phần đã bị cắt chia (màu trắng), thì một mặt phẳng nào đấy của khối không gian đã bị cắt chia sẽ tương tự với mặt carô ở hình 36, nghĩa là có các phần ô vuông nhỏ, bằng nhau, xen kẽ trắng đen (với màu trắng là ô chỉ thị hạt KG còn màu đen là ô chỉ thị vết tích của nó).
Khi chúng ta thực hiện việc chia cắt thì cũng có nghĩa là chúng ta tiến hành phân khối không gian đó, và các hạt KG chuyển biến từ Vô Cực sang Thái Cực.
Hình 36: Cắt chia không gian (tượng trưng bằng mặt phẳng)
Nội dung cơ bản của lần thực nghiệm thứ hai (mà chúng ta mào đầu là to tát lắm!) vỏn vẹn chỉ có thế. Và có lẽ cũng chỉ cần thế để một lần nữa chúng ta lại khẳng định sự tồn tại cuả hạt KG.
Nếu chúng ta đã có khả năng hình dung ra được một không gian Ơclít thì chắc chắn là nó tồn tại và thậm chí là hiện hữu trong thế giới khách quan (chúng ta nhớ lại: thế giới khách quan của con người luôn mang đậm tính chủ quan của con người!), và không thể hình dung một không gian như thế lại được xây dựng nên từ Hư Vô. Chúng ta không quan niệm được một không gian bên ngoài Tồn Tại. Dù hạt KG có thể là cực kỳ nhỏ thì cũng không vượt qua được tận cùng của sự nhỏ, không thể nhỏ vô tận được. Vô tận của sự nhỏ chỉ có khả năng là Hư Vô. Mà Hư Vô được xác định, được phân biệt thì phải là Có, Tồn Tại, nghĩa là muốn dán bất cứ nhãn mác nào cho Cái Vốn Dĩ Thế cũng được nhưng cứ vẫn là Vốn Dĩ Thế, vẫn là Có, là Tự Nhiên Tồn Tại. Không gian là một lực lượng hiển nhiên, con người cảm giác được nó dễ dàng một cách giản đơn, trực quan nhất dù có thể chưa nhận thức được đúng đắn và xác đáng nó!
Nếu hạt KG là tồn tại thì khối KG cũng tồn tại và vì khối KG tồn tại được là nhờ sự tích hợp của các hạt KG cho nên một đặc tính tất yếu của khối KG là có cấu trúc mạng. Tuy nhiên không nên hiểu một cách cực đoan, siêu hình tuyệt đối về cấu trúc này cũng như không nên coi hạt KG chỉ là hạt, có hình dáng cố định, rõ ràng nào đó. Tính nước đôi của Tự Nhiên Tồn Tại đã làm cho tất cả trở nên “ỡm ờ”, nhòe đi. Chính vì thế mà Vũ Trụ hiện ra trước quan sát và nhận thức với dáng vẻ vừa rõ ràng minh xác, vừa mông lung huyền bí và trở nên lung linh, tuyệt vời.
Ở tận cùng nhỏ đã có giới hạn rồi thì ở tận cùng lớn có cần phải giới hạn không? Thật khó hình dung được sự giới hạn ở vô cùng lớn. Tuy nhiên nếu nguyên lý tương phản là chân lý thì vì mối quan hệ lớn - nhỏ là tương phản mà “nhỏ” đã bị giới hạn thì “lớn” cũng phải chịu chung số phận là có giới hạn. Mặt khác nếu nguyên lý bảo toàn không gian là tuyệt đối (là nền tảng của mọi định luật bảo toàn khối lượng, bảo toàn điện tích… ) thì để đảm bảo được cái ý nghĩa ấy, ở vô cùng lớn là phải có giới hạn.
Đúng là rất khó hình dung sự giới hạn ở phía tận cùng lớn, nhưng việc hình dung sự vô hạn của nó cũng không dễ dàng chút nào. Hữu hạn hay vô hạn về chiều kích không gian đều dẫn đến một hình dung duy nhất là Vũ Trụ có tâm. Nếu sự có tâm làm cho Vũ Trụ hữu hạn trở thành không duy nhất và bị bao vây bởi cái gì đó không phải Tồn Tại thì đồng thời cũng làm cho Vũ Trụ vô hạn trở nên tĩnh tại tuyệt đối hoặc sự vận động chuyển hóa của nó phải theo một chiều duy nhất là từ trung tâm (trương nở) ra phía vô cùng xa. Chịu! Không hiểu nổi! Nếu Vũ Trụ thuộc một trong hai trường hợp ấy thì… chẳng còn gì để suy ngẫm nữa. Tự Nhiên Tồn Tại phải là Tất Cả, Vũ Trụ phải đồng thời thể hiện được sự Tất Cả ấy, phải đầy đủ đồng thời cũng thiếu thốn, phải “ỡm ờ” nước đôi. Nghĩa là phải hình dung ra một Vũ Trụ vừa là thế này, vừa là thế kia, vừa cả hai mà cũng không phải cả hai; là vô hạn mà cũng hữu hạn, là Vĩ Đại mà cũng Vi Tiểu, đi thì cũng là về, có duy nhất tâm mà vô vàn tâm, bất cứ đâu cũng là tâm Vũ Trụ và đồng thời không phải là tâm của nó ..v..v… Vũ Trụ là vô hạn nhưng hữu biên đồng thời cũng hữu hạn nhưng vô biên và chẳng phải như thế! Tuy nhiên, nền tảng của mọi biểu hiện ấy lại chỉ là Một, là Vốn Dĩ Thế, là tồn tại tuyệt đối, là Tồn Tại theo một nguyên lý duy nhất, nguyên lý nền tảng của mọi nguyên lý - nguyên lý Tự Nhiên. Cuối cùng chỉ có thể tạm gọi là Tự Nhiên Tồn Tại, vô thủy vô chung mà cũng là tạo dựng: Do đó mà sự vận động và chuyển hóa của Vũ Trụ, dù ở trong bất cứ sự thể hiện nào của nó, dù trước quan sát và nhận thức trông có vẻ tương phản, trái ngược cách mấy đi chăng nữa thì cũng là sự “thừa hành răm rắp”, phục tùng tuyệt đối một nguyên lý tối thượng và duy nhất - nguyên lý Tư Nhiên. Cũng vì lẽ đó mà để cho sự nhận thức được dễ dàng hơn, giảm thiểu những rối rắm, đỡ đi những hoang mang, mất phương hướng gây ra bởi sự thể hiện đa chiều, đa tính một cách đồng thời của một Vũ Trụ hết sức đa tình và đỏng đảnh, chúng ta chỉ cần quan sát và cố gắng nhận thức đúng đắn Vũ Trụ trong một mặt biểu hiện của nó, và chúng ta chọn mặt biểu hiện đó là: Vũ trụ hữu hạn nhưng vô biên.
Để thể hiện được ra như thế, Vũ Trụ phải như thế nào? Hay hỏi cụ thể hơn: không gian Vũ Trụ phải được hình dung như thế nào và có những đặc tính gì?
(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét