***
Kant
sinh năm 1724 tại Kênisbéc, nước Đức. Năm 1745, ông tốt nghiệp Đại học
Tổng hợp Kênisbéc và trở thành gia sư. Năm 1755 ông là phó giáo sư và từ
năm 1770 là giáo sư của Đại học Tổng hợp Kênisbéc. Là một trong những
học giả uyên bác nhất đương thời, ông đã giảng dạy về siêu hình học,
lôgic học, toán học, cơ học, địa chất học, tự nhiên đại cương…
Năm
1755 ông đã đưa ra giả thuyết giải thích nguồn gốc sự hình thành Vũ
Trụ, trong đó có Thái Dương Hệ. Năm mươi năm sau, nhà toán học Laplace
cũng đã đưa ra mô hình toán học cho một giả thuyết về sự ra đời của Thái
Dương Hệ, giống như mô hình của Kant. Sau này giả thuyết ấy được gọi là
giả thuyết Kant - Laplace.
Kể
ra như vậy để thấy trên cương vị là một nhà vật lý học, chắc chắn Kant
đã thấm nhuần quan niệm của Niutơn về không gian và thời gian, cho rằng:
không gian và thời gian là có tính tuyệt đối, là những thực tại khách
quan, tồn tại bên ngoài con người, thuộc về cái thế giới vật tự nó.
Không
biết vì lẽ gì mà Kant đã từ bỏ quan niệm đó, một quan niệm đã được thừa
nhận rộng rãi trong vật lý học, có tính phổ quát như thế để đi đến quan
niệm cho rằng không gian và thời gian là những hình thức tiên thiên
thuộc năng lực cảm tính của con người; có tính chủ quan như thế? Phải
chăng là từ sự quan niệm có tồn tại một thế giới hiện tượng của ông?
Không bao giờ có thể nhận thức trực tiếp được thế giới vật tự nó; con
người chỉ có thể nhận thức được trực tiếp thế giới hiện tượng và thông
qua đó mà nhận biết được phần nào cái thế giới nền tảng ấy. Đó là một
phát kiến triết học xuất sắc của Kant. Tuy nhiên, vì trong cái thế giới
khả giác ấy, hiển nhiên, dễ dàng nhận ra là phải có không gian và thời
gian, nếu không thì thế giới ấy “sụp đổ”, cho nên Kant vừa phải thừa
nhận sự hiện diện của chúng vừa bắt chúng cũng phải là những hiện tượng
thôi, nhưng là những hiện tượng có sẵn, siêu việt hơn những hiện tượng
khác để “phục vụ” cho nhận thức con người. Trong khi thừa nhận các hiện
tượng trong thế giới hiện tượng là do tác động của vật tự nó lên giác
quan con người mà có thì đối với không gian và thời gian, vì quá rõ ràng
là không thể tưởng tượng được có nguồn gốc từ tác động của vật tự nó
nào cả, nên Kant “buộc” phải trao trách nhiệm đó cho cảm năng chủ quan
của con người nhưng phải là cảm năng… tiên thiên! (“Tiên thiên” đã là
cây đũa thần khỏa lấp mọi chuyện!).
(Cần
nói thêm rằng Kant còn chia trí năng thành hai hình thức là “lý trí
thuần túy” và “lý trí thực tiễn”. “Lý trí thuần túy” làm nên tri thức
khoa học (là sự nhận thức được những “tiên thiên” trong thế giới hiện
tượng). Tuy nhiên, đến một giới hạn nào đó, muốn vượt khỏi thế giới hiện
tượng để hòng tìm hiểu bản tính thực sự của “vật tự nó” thì lý trí
thuần túy sẽ mất hiệu lực. Lúc đó mâu thuẫn sẽ phát sinh. Chẳng hạn đối
với lý trí thuần túy thì câu hỏi “Vũ Trụ là gì?” là không thể xác định
được vì sẽ có hai cách trả lời kèm hai chứng minh, trái ngược nhau nhưng
đều đúng. (Đối với chúng ta thì thực ra đó là biểu hiện tính nước đôi
của Tồn Tại dưới “màu sắc Kant” mà ở chừng mực nào đó, lại cũng là một
phát kiến xuất sắc của Kant!). Để có thể tiếp cận được với vật tự nó
(như Vũ Trụ, linh hồn, Chúa…) thì phải bằng lý trí thực tiễn (không có
lý luận gì ở đây hết!) mà xét cho cùng ra là trực giác thuần túy, là đức
tin và thực chất là tín ngưỡng không hơn không kém (tương tự như sự
giác ngộ trong Phật Giáo!). Vì chúng ta không đi sâu vào học thuyết của
Kant nên chỉ nói thêm, không bàn luận về vấn đề này).
Chúng
ta đã từng có quan niệm riêng của bản thân mình về không gian và thời
gian. Theo quan niệm ấy thì cả Niutơn lẫn Kant đều đã hiểu không gian và
thời gian một cách phiến diện, thậm chí ngay cả Anhxtanh cũng đã chưa
thấy được thực chất của không gian và thời gian.
Không
gian và thời gian là những biểu hiện thuộc hàng dễ hiểu nhất mà cũng
khó hiểu nhất của của Tự Nhiên Tồn Tại. Không có không gian, Vũ Trụ là
không có, không có thời gian, Vũ Trụ thành cứng đờ; nhưng có không gian,
Vũ Trụ lại không thể xác định và có thời gian, Vũ Trụ hóa ra như một mê
cuồng. Không có không gian, con người không thể có, không có thời gian,
con người cũng không có luôn, nhưng có không gian, con người chỉ thấy
siêu hình, và có thời gian, con người lại phởn chí nghĩ… lung tung!
Không
gian và thời gian thực chất chỉ là hai khái niệm, hai tên gọi về hai
cái gì đó thuộc thực tại. Hai cái gì đó ấy chẳng qua là tồn tại và
chuyển hóa. Không gian và thời gian là tồn tại và chuyển hóa tồn tại khi
đã được nhận thức còn tồn tại và chuyển hóa tồn tại là không gian và
thời gian khi chưa được nhận thức.
Phát
biểu như trên chỉ mang tính ước lệ và không chân xác vì thực ra tồn tại
và chuyển hóa tồn tại cũng chỉ là những khái niệm, hơn nữa là những
khái niệm tương đồng một cách hình thức, một cách qui ước với không gian và thời gian. Nếu
Kant cho ra thế giới hiện tượng thì chúng ta cũng có quyền cho ra thế
giới khái niệm. Nếu Kant nhận biết phần nào thế giới vật tự nó thông qua
thế giới hiện tượng thì chúng ta nhận thức Tự Nhiên Tồn Tại thông qua
hệ thống khái niệm và cũng có một thế giới hiện tượng. Nhưng hai thế
giới tuy có vẻ giống nhau, lại khác nhau về bản chất. Thế giới này xuất
thân từ kinh nghiệm thì thế giới kia “đứng được” nhờ tiên thiên (?!).
Theo
chúng ta thì không gian và thời gian theo quan niệm của Niutơn, không
gian và thời gian theo quan niệm của Kant chỉ là hai hình thức tồn tại được hiểu khác
nhau của duy nhất một Tự Nhiên Tồn Tại.
Không
gian là thuần nhất khi nó là sự biểu hiện của Tồn Tại và là không thuần
nhất khi nó là biểu hiện của nhiều cá thể tồn tại. Tương tự như vậy,
thời gian là thuần nhất khi nó là biểu hiện của Tự Nhiên và là không
thuần nhất khi nó là biểu hiện của nhiều cá thể chuyển hóa. Nếu không
gian có hai chiều về vô cùng lớn - vô cùng nhỏ thì thời gian cũng có hai
chiều là từ hiện tại về quá khứ hoặc đến tương lai. Nếu không gian có
vô vàn tồn tại thì thời gian cũng có vô vàn hiện tại; nếu những tồn tại
ấy chuyển hóa thì hiện tại gắn trên chúng cũng trôi. Nếu tồn tại luôn
biến đổi để tồn tại thì hiện tại cũng luôn là quá khứ để hiện tại; tồn
tại mới thì hiện tại mới, tồn tại ở dạng khả năng thì đó chính là tương
lai. Có thể nói không gian và thời gian là biểu hiện của tồn tại và
chuyển hóa; tồn tại và chuyển hóa rốt cuộc cũng chỉ là Tồn Tại, và Tồn Tại cũng chính là Tự Nhiên. Tự Nhiên
và Tồn Tại rốt cuộc chỉ là Một!
Khi
không gian và thời gian của Kant đã bị lột bỏ đi cái “bộ cánh” tiên
thiên của nó thì cảm giác thuần túy theo Kant nghĩ, sẽ cũng bị “thủ
tiêu” và cái thế giới hiện tượng chỉ còn được xây dựng nên từ cảm năng
thường nghiệm và trí năng… cũng thường nghiệm nốt (tất cả “công năng đặc
dị” không qua luyện tập, tất cả những biểu hiện thần đồng chưa qua học
hành chỉ là những biểu hiện cá biệt, riêng lẻ, có tính nổi trội về cảm
giác; là những siêu giác và dù có là gì đi chăng nữa thì cũng không bao
giờ có thể là biểu hiện của một trí năng thuần túy tiên thiên; dù có vẻ
như là tiên nghiệm đối với những cá nhân đó nhưng thực ra vẫn là sự kế
thừa, trong vòng kinh nghiệm và dựa trên kinh nghiệm của bộ phận hoặc
toàn thể loài người).
Không
thể phủ nhận được rằng các mệnh đề tổng hợp tiên thiên, hay những định
luật tất yếu phổ quát là những thể hiện của cái gì đó có sẵn, có trước
và bất biến trong thế giới khách quan và được phản ánh (có thể là) không đầy đủ trong thế giới hiện tượng. Nhưng không thể cho rằng chúng là
những phát hiện của một trí năng siêu phàm kiểu tiên nghiệm như Kant
nghĩ.
Tự
Nhiên Tồn Tại là vốn dĩ như thế! Đó là một chân lý tuyệt đối và theo
chúng ta thì không nên tốn sức cãi cọ nhau làm gì nữa. Trong nhận thức
lý luận, chân lý ấy đóng vai trò như một tiền đề tuyệt đối (nằm ngoài
mọi sự lý giải, chứng minh), duy nhất, vĩ đại; là tiền đề của mọi tiền
đề và là điểm xuất phát đầu tiên trên con đường đi nhận thức thế giới.
Vì
là vốn dĩ thế nên Tự Nhiên Tồn Tại không “thị phi” nghĩa là không đúng
không sai. Nhưng Tự Nhiên Tồn Tại phải thể hiện! Nếu giả sử rằng Nó
không thể hiện thì không thể có cái chân lý tuyệt đối vừa nói, nghĩa là
không có sự vốn dĩ thế cũng như không có chính bản thân Nó. Rốt cục,
thay cho Tự Nhiên Tồn Tại là Hư Vô. Hư Vô thì làm sao bàn luận được khi
chúng ta biết chắc rằng đâu đó trong Vũ Trụ đang diễn ra một cuộc bàn
luận, được bắt đầu từ mấy ngàn năm trước? Mặt khác, nếu nói được là Hư
Vô thì Hư Vô (lúc này ở vị trí của Tự Nhiên Tồn Tại) là vốn dĩ thế và
phải thể hiện ra được điều ấy. Cuối cùng thì đến lượt Hư Vô chỉ là tên
gọi khác (hoặc theo một ngôn ngữ khác!) của Tự Nhiên Tồn Tại. Thể hiện
ra được nghĩa là phải có sự phân biệt; mà đã là phân biệt được thì phải
có khách thể và chủ thể để “thực thi” sự thể hiện ấy thông qua tác động
và phản ứng; phải xuất hiện chủ quan quan sát và nhận thức cũng như đối
tượng của nó là thế giới khách quan.
Tự
Nhiên Tồn Tại không “thị phi” nhưng nhận thức phải lựa chọn giữa có lý
và vô lý, chính nghĩa và phi nghĩa. Không gian và thời gian là hai biểu
hiện cơ bản của Tự Nhiên Tồn Tại làm nên tính siêu hình và biện bác của
nhận thức đồng thời cũng là nguyên nhân sâu xa của sự lựa chọn. Sự lựa
chọn trong nhận thức là một tất yếu. Ở buổi đầu, khi khả năng còn hạn
chế, thì sự lựa chọn trong tư duy có tầm quan trọng quyết định đến quá
trình phát triển của nhận thức. Thậm chí có thể nói rằng không thể nhận
thức được nếu không có lựa chọn.
Sự
lựa chọn đầu tiên của triết học là “Tồn tại hay Không tồn tại?” và “Tồn
tại” là cái được chọn, vì nếu chọn cái “Không tồn tại” thì triết học…
“tự sát” và chấm dứt… tồn tại (không thể hiện hữu!). Tương tự, trước lựa
chọn: “Tự Nhiên Tồn Tại là có lý hay vô lý?”, chúng ta chắc chắn phải
chọn “có lý” vì nếu chọn “vô lý”, chúng ta ngay lập tức trở thành những
“bóng ma” (bóng ma chứ chưa được là ma!) và như thế cũng thành vô lý
nốt. Trong đời sống xã hội, nếu hỏi bất cứ ai, từ hạ dân hèn kém đến vua
chúa kiêu sang rằng theo chính nghĩa hay phi nghĩa, thì có lẽ họ đều
chọn “theo chính nghĩa” cho dù khi hành động có thể… không theo. (Nhận
thức là một chuyện còn thực hành lại là chuyện khác. Sự đời thường là
thế nên mới có câu “Nói một đàng, làm một nẻo”!).
Trước
quan sát và nhận thức chủ quan của con người, thế giới khách quan (bộ
phận hiện hữu, phần biểu hiện trước con người của Tự Nhiên Tồn Tại) đóng
vai trò là một thực tại, một hiện thực, một thực thể và hoàn toàn… có
lý. Con người là của Tồn Tại nên có những nét mang tính phổ quát nhất
của Tồn Tại, nó cũng vừa là tồn tại trong một môi trường có hoàn cảnh
điều kiện cụ thể, tương đối độc lập với Tồn Tại nên đồng thời cũng có
những nét cá biệt, đặc thù của cục bộ, địa phương. Vì lẽ đó cái thế giới
khách quan mà con người quan sát được, nhận thức được bằng những
“phương tiện” riêng có ở con người cũng đượm màu chủ quan của con người,
trở thành “dở dở ương ương” vừa khách quan, vừa chủ quan và là của
riêng con người; sự có lý của thế giới ấy cũng là sự có lý theo cách
nhìn nhận của con người về Tồn Tại, phù hợp với tư duy con người.
Có
thể nói đối với con người, thế giới khách quan hiển nhiên là có lý, hợp
lý vì sự hiện hữu hiển nhiên của nó, hay nói ngược lại: sự hiện hữu
hiển nhiên, bền vững, lâu dài của Thế giới khách quan là một minh chứng
hiển nhiên trước con người về tính có lý, có tình của nó.
Thế
giới khách quan là một hiện thực có lý thì nguyên nhân làm nên nó,
nghĩa là mọi vận động, tương tác, chuyển hóa, biến đổi ở tầng tồn tại
nền tảng, trong nội tại nó, cũng phải mang tính hợp lý và hơn nữa phải
tuân theo những nguyên lý có tính tất yếu, phổ quát. Những nguyên lý này
khi được nhận thức, chính là những “mệnh đề tổng hợp tiên thiên” hay
những “định luật tất yếu phổ quát” theo cách nói của Kant, trong cái thế
giới toàn là hiện tượng theo quan niệm cũng của Kant luôn.
Thế
thì những nguyên lý ấy có từ đâu và vì sao lại mang tính tất yếu và phổ
quát, không lẽ lại do sự qui ước của con người, một tồn tại nhỏ nhoi,
không lấy gì làm đáng kể trong Vũ Trụ?
Tự
Nhiên Tồn Tại là có lý, là một sự Có Lý, duy nhất; vì là vốn dĩ thế nên
Có Lý cũng là Tất Yếu. Tự Nhiên Tồn Tại là tất yếu thì thực thể Tồn Tại
cũng tất yếu và nguyên lý Tự Nhiên cũng tất yếu. Thực thể Tồn Tại theo
nguyên lý Tự Nhiên để tồn tại; nguyên lý Tự Nhiên bảo toàn Tồn Tại để tự
nhiên! Dù thế nào đi nữa thì Tồn Tại vẫn là Tồn Tại và chỉ Tồn Tại mà
thôi!
Ở
dạng thực thể, Tồn Tại chính là Vũ Trụ. Vì Tồn Tại là đầy đủ nên Vũ Trụ
là một tổng thể vô cùng phong phú, vô cùng đa dạng các sự vật - hiện
tượng. Vì Tồn Tại cũng lại thiếu thốn nên Vũ Trụ trở thành “chốn thư
hùng” của tất cả vạn vật - hiện tượng, chúng tranh nhau tồn tại, tác
động nhau, giành giật nhau, chuyển hóa nhau, làm nên một cuộc sinh sinh
diệt diệt vô tiền khoáng hậu đến bất tận. Tuy nhiên Vũ Trụ chẳng hề hấn
gì, Tồn Tại vẫn là Tồn Tại vì đã được nguyên lý Tự Nhiên đảm bảo! Nguyên
lý Tự Nhiên ra lệnh cho toàn thể các lực lượng trong Vũ Trụ rằng:
“Chúng mày muốn làm gì thì làm, muốn phá phách tạo dựng kiểu gì cũng
được, muốn tranh giành, chém giết, “ăn thịt” nhau thế nào mặc kệ, yêu
thương thù ghét nhau đến mức nào mặc lòng, miễn không làm cho Vũ Trụ bị
“sứt mẻ” để cho Thủy Tổ của chúng mày, lão Tồn Tại ấy, được nghỉ ngơi và
bản thân Tao, vợ của lão, được… an nhiên!”. Để chắc ăn, đảm bảo được
tuyệt đối Tồn Tại, nguyên lý Tự Nhiên đã “cụ thể hóa” thành vô vàn những
“đạo luật” vừa phổ quát vừa đặc thù cho phù hợp với từng lực lượng,
từng nhóm sự vật - hiện tượng “hao hao” nhau, thậm chí là đến từng cá
thể, từng vùng, từng tầng nấc qui mô để chúng… dễ thực hiện “ý chỉ” đó của Tạo Hóa! Và
đúng như thế thật, việc thực hiện luôn luôn ở mức… toàn hảo tuyệt đối!
(Nhưng không biết bằng cách nào mà nguyên lý Tự Nhiên, chưa qua tiến hóa
thích nghi lại nói được và các lực lượng khổng lồ trong Vũ Trụ với hầu
hết là “vô ý thức” ấy lại hiểu được và phục tùng đến mức hơn cả tuyệt
vời như vậy? Chúng ta vĩnh viễn mù tịt về điều này!).
Những
“điều luật” của nguyên lý Tự Nhiên cũng chính là những nguyên lý chúng
ta đang bàn tới. Chúng có tính tất yếu và phổ quát vì là sự thể hiện của
nguyên lý Tự Nhiên, cái bao hàm và vốn dĩ thế.
Tuy
nhiên, nên thấy rằng các nguyên lý ấy không phải chỉ có tính tất yếu và
phổ quát mà còn có tính ngẫu nhiên và đặc thù. Vì ngay từ đầu chúng ta
đã chọn “có lý” rồi nên đối với chúng ta (và cả đối với Kant nữa), tính
tất yếu và phổ quát trở nên nổi trội còn tính ngẫu nhiên và đặc thù trở
nên chìm lặn theo qui luật tính trội tính lặn trong di truyền học của
Men-đen. (Vận dụng như thế thật là khiên cưỡng và có vẻ lố lăng nhưng có
lẽ không hơn việc cho Tự Nhiên đỏng đảnh như một người đàn bà!!!).
Để
nhận thức được nguyên lý Tự Nhiên cùng với những “điều luật” - những
dạng đã “cụ thể hóa” của nó, con người không có cách nào khác là quan
sát sự biểu hiện của chúng trong thế giới khách quan (của con người!)
thông qua hệ thống khái niệm của mình (mà ban đầu chưa hoàn chỉnh) dùng
trí năng để phát hiện, khám phá ra, phát biểu thành những nguyên lý theo
cách thức của tư duy, ngôn ngữ, trên cơ sở những quan niệm đã đạt được
trước đó (cũng theo một quá trình tương tự).
Trí
năng của con người từ đâu mà có? Chúng ta đã quan niệm: từ quá trình
tiến hóa thích nghi mà có. Trí năng con người, vào giai đoạn đầu tiên
của sự xuất hiện loài người, được hình thành nên từ những quan sát trực
giác và là sự đặt ra khái niệm rồi trên cơ sở đó đúc kết kinh nghiệm từ
những lần quan sát ấy, bằng cách lưu nhớ, hồi ức, liên tưởng, so sánh…
Có thể nói một cách tương đối và đại khái, khi phân biệt được thế giới
dưới dạng khái niệm thì con người đã có trí năng và đã nhận thức. Nhờ có
trí năng mà con người nhận thức, nhờ có nhận thức mà trí năng phát
triển và trí năng phát triển, đến lượt nó, làm cho nhận thức ngày càng
sâu rộng. Cái gốc của nhận thức là cảm giác, quan sát và hồi ức. Nhờ
biết hồi ức mà con người biết lựa chọn hành vi được cho là phù hợp trong
hoạt động thực tiễn của mình (cũng là một biểu hiện của tiến hóa thích
nghi!). Quá trình đó tái đi diễn lại trong suốt đời người, làm nên sự
từng trải, làm nên kinh nghiệm ở mỗi con người. Trên cơ sở khái niệm với
cách thức biểu hiện là nói và viết (vạch vẽ), những kinh nghiệm có được
ở mỗi con người sẽ được lưu truyền, tiếp thu trong cộng đồng người;
được chiêm nghiệm, đính chính, tu bổ, đúc kết lại thành tinh hoa kinh
nghiệm, thành kiến thức chung của cộng đồng người ấy để cùng ứng dụng,
để lưu truyền cho thế hệ sau qua con đường dạy và học. nhờ có kiến thức mà sự hiểu biết về tự nhiên và sáng tạo trong tự nhiên liên tục phát triển qua từng thời đại. Một câu hỏi hóc búa được đặt ra là đến bao giờ thì sự phát triển ấy dừng lại?
Sự
tiến hóa thích nghi của bộ não, về mặt thuần túy sinh học xảy ra từ từ
và có hạn độ, phù hợp với tổng thể cấu trúc sinh học của toàn cơ thể. Do
đó, để đáp ứng kịp thời những đòi hỏi nảy sinh từ lối sống chủ động
thích nghi, bộ não biết suy nghĩ đã chọn dạy và học (có sẵn trong thực
tại!) làm phương thức chủ yếu cho tiến trình tiến hóa thích nghi của
mình. Có thể nói di truyền và biến dị, dạy và học là hai phương thức cơ
bản của sự tiến hóa thích nghi có tính tương phản nhau; quá trình này
tương đối chậm nhưng bền vững thì quá trình kia tương đối nhanh nhưng dễ
mất. Giữa chúng có mối quan hệ khăng khít, giúp nhau tồn tại nhưng cái
trước là nền tảng của cái sau.
Từ
hồi ức, suy tưởng, so sánh mà nảy sinh ra sự phán đoán. Phán đoán là
quá trình rút ra, suy luận ra từ kinh nghiệm, từ kiến thức đã có sẵn,
những nhận định mới về bản chất sự vật hiện tượng mới phát hiện hoặc
những nhận định có tính khái quát hơn, đúng đắn hơn những nhận định cũ.
Những nhận định ấy có thể đúng mà cũng có thể sai nên cũng chỉ ở dạng
khả năng chứ chưa là kiến thức mới. Chỉ sau khi đã được thực chứng, được
cộng đồng người thừa nhận, chúng mới định hình thành kiến thức dưới
dạng những mệnh đề có tính “tổng hợp, tất yếu, khái quát và tiên thiên”
(cũng chưa chắc đã đúng hẳn!). Chức năng phán đoán của bộ não làm cho nó
có khả năng sáng tạo. Sự sáng tạo ở con người có nguồn gốc từ tính tạo
dựng có sẵn trong tự nhiên; là sự nghiên cứu tìm tòi để tạo dựng ra cái
mới, một cách có chủ đích.
Đến
đây, chúng ta thấy rằng con người không chỉ nhận thức mà còn sáng tạo.
Nhờ nhận thức mà kiến thức được lưu truyền, tàng trữ, nhờ sáng tạo mà
kiến thức được điều chỉnh, sửa chữa thành tinh túy, ngày một mở rộng
cũng như chuyên sâu. Khả năng nhận thức và sáng tạo làm nên trí năng ở
mỗi con người. (Thế còn khả năng hoang tưởng? Đi mà hỏi ông tổ ngành
phân tâm học, ngài Ximôn Phrớt (Sigmund Freud) ấy!).
Quan
sát là một tất yếu có nguyên nhân từ đấu tranh sinh tồn và mục đích ban
đầu của nó là vì sinh tồn. Sau này nó còn có nguyên nhân từ yêu cầu của
nhận thức và mục đích vì nhận thức. Nhận thức và sáng tạo là tiếp thu
kinh nghiệm, kiến thức cũ và là quá trình quan sát, tìm hiểu thế giới
khách quan, trên nền tảng kinh nghiệm đã được tích lũy để đúc kết nên
kiến thức mới. Biểu hiện rõ rệt nhất của nhận thức là sự học hành
(“Không thầy đố mày làm nên”; “Học thầy không tày học bạn”; “Học ăn học
nói, học gói học mở”; “Con thi trường học, mẹ thi trường đời”…).
Tự
Nhiên Tồn Tại là phải thể hiện; muốn thể hiện thì phải phân định. Nhờ
có phân định mà có thế giới chủ quan quan sát và đối tượng quan sát là
thế giới khách quan! Không có quan sát thì không có nhận thức; không có
nhận thức thì không có sáng tạo. Thế giới chủ quan cũng mang tính khách
quan vì nó là bộ phận của thế giới ấy, ngược lại, thế giới khách quan
cũng bị pha màu chủ quan vì nó bị “bao phủ” bởi quan sát chủ quan. Đó là
chân lý! Chân lý đó dẫn đến hệ lụy là nhận thức chủ quan về cái khách
quan và sáng tạo chủ quan theo cách khách quan, nghĩa là thế giới khách
quan khi đã qua nhận thức sẽ không còn thuần túy là khách quan nữa; tất
cả mọi sáng tạo chủ quan, muốn trở thành chân lý, muốn là thành tựu của
trí tuệ đều phải phục tùng khách quan, phù hợp với khách quan và thuộc
về thế giới khách quan. (Chúng ta “ní nuận” như thế có hợp “nôgic” không
mà sao thấy “nộn” xộn, “núc” trong “núc” ngoài, “nung” tung quá!!!???).
Nhận
thức và sáng tạo là hai giai đoạn (được phân chia hoàn toàn mang tính
tương đối) của một quá trình nhận thức: trong nhận thức có sáng tạo và
trong sáng tạo có nhận thức; là hai tương phản, chuyển hóa nhau trong
hoạt động tư duy: đối với một vấn đề, ở giai đoạn đầu nhận thức là cơ bản, nổi trội, thì ở giai đoạn sau,
sáng tạo trở nên lấn át, rõ ràng hơn. Kiến thức là kinh nghiệm được đúc
kết và do đó cũng chính là kinh nghiệm. Kiến thức là nhận thức đã được
chiêm nghiệm, đã được thừa nhận nên nó cũng là một bộ phận của nội dung
nhận thức. Có thể gọi kiến thức là “kinh nghiệm tổng hợp” hay “nhận thức
của quá khứ”. Nhưng chúng ta cứ gọi cho gọn là “kinh nghiệm”, vì xét
cho cùng một nhận thức, khi đã được thừa nhận sẽ thành nhận thức ở quá
khứ, trở thành cơ sở cho nhận thức ở hiện tại, nghĩa là nó đã chuyển
thành kinh nghiệm. Do đó quá trình nhận thức là nhận thức và nhận thức
lại; là nhận thức kinh nghiệm, trên cơ sở kinh nghiệm đó mà nhận thức
hiện tại, tạo tiền đề cho sáng tạo tương lai. Quá trình nhận thức thực
ra không suôn sẻ, “đầu xuôi đuôi lọt” như thế, mà
là vì kinh nghiệm thì có đúng có sai, có đúng ít có đúng nhiều, lúc phù
hợp lúc không còn phù hợp nữa, nên quá trình đó đầy lận đận gian lao,
và hơn nữa vì có tính chất “tiến hóa thích nghi” nên nó vừa là tiến
trình từ thấp lên cao vừa gồm những chu trình phát triển tương tự nhau
từ quan sát - rút kinh nghiệm - nhận thức - sáng tạo nên trông có vẻ như
đó là quá trình tiến dzích dzắc nếu nhìn ở góc độ chi tiết và có quĩ
đạo xoắn trôn ốc nếu nhìn trên bình diện tổng quan.
Rốt
cuộc, một cách hoàn toàn tự nhiên, có nguồn gốc từ chân lý khách quan,
được hun đúc từ quá trình tiến hóa thích nghi, trí năng con người đã
thực hiện vẻ vang sứ mạng của mình là làm nên tri thức trác tuyệt ở con
người và đồng thời quá trình hình thành nên tri thức trác tuyệt ấy đã
nâng trí năng lên tầm siêu phàm, kỳ diệu.
Chúng
ta xin nhấn mạnh; nếu giả sử loài người, hiện nay, do một biến cố nào
đó mà “quên béng” tri thức đi thì trí năng của họ chưa chắc hơn gì trí
năng của người cổ đại, nhưng ở thời cổ đại, trí năng con người không thể
đùng một cái mà nghĩ ra được thuyết tương đối rộng của Anhxtanh. Nếu
không có tri thức “tiên thiên” đã tiếp thu được ở trường Đại học tổng
hợp Kênisbéc và học vấn đúc kết được của hàng chục năm hoạt động khoa
học trong thực tế, chắc rằng Kant sẽ không thể sáng tạo được học thuyết
triết học “duy tâm siêu niệm” của mình.
Khi
sáng tạo ra thế giới vật tự thân, Kant khẳng định rằng thế giới đó là
bất khả tri đối với con người. Điều đó có đúng không? Không thể khẳng
định hay phủ định được. Chúng ta không trả lời câu hỏi ấy, tuy nhiên, sẽ
nói về quan niệm riêng của mình.
Có
thể phân chia thế giới thành hai hay nhiều thế giới. Nhưng đó là việc
làm mang tính chủ quan và tương đối. Khi làm cái việc phân chia ấy,
chúng ta đừng quên rằng chỉ có một thế giới là chân thực một cách tuyệt
đối, đó là cái thế giới đầu tiên, bao gồm toàn bộ các thế giới có được
từ sự phân chia. Các thế giới có được từ sự phân chia chỉ là hình ảnh,
là bộ phận của cái thế giới đầu tiên, chân thực tuyệt đối. Và điều quan
trọng nhất là không bao giờ được quên tính thống nhất tuyệt đối của cái
thế giới duy nhất, chân thực tuyệt đối ấy trong suốt quá trình suy tư,
chiêm nghiệm của mình.
Sự
phân chia thế giới của con người là mang nặng tính chủ quan con người,
nhưng chỉ là “mang nặng” thôi vì khách quan mà nói thì cũng có sự phân
định ấy. Khi sự phân chia là hợp lý, phù hợp với sự phân định khách quan
thì bản thân sự phân chia cũng mang tính khách quan. (Chẳng biết nói
thế nào cho đạt hơn được nữa dù biết rằng chưa đạt! Khái niệm thật là
hữu hạn, rời rạc và siêu hình!!!).
Thế
giới khách quan của con người là phần biểu hiện của Tự Nhiên Tồn Tại mà
con người quan sát được bằng cảm giác, tri giác, bằng công cụ, thiết bị
hỗ trợ, bằng tri thức, suy tưởng, chiêm nghiệm…, hay nói gọn lại: quan
sát và nhận thức được. Tùy vào trình độ quan sát và nhận thức mà thế
giới khách quan ấy nông, hẹp hay sâu rộng, biến dạng nhiều hay ít, giống
nhiều hay ít so với Tự Nhiên Tồn Tại. Trước đây thế giới khách quan của
con người chỉ ở dưới “gầm trời”; có khi là hợp thành của ba thế giới:
Trần Gian, Thiên Đường và Địa Ngục, có khi chỉ là hai: Trần Tục và Niết
Bàn. Sau đó, xuất hiện một thế giới khách quan rộng hơn là Thái Dương Hệ
với Trái Đất là trung tâm, Mặt Trời và các hành tinh quay quanh, trong
một cái phông “gắn” các vì sao… Ngày nay, nhờ khoa học tự nhiên, nhất là
vật lý học và thiên văn học, thế giới khách quan của người, trong tri
thức khoa học đã sâu rộng đến không ngờ mà về qui mô, đã “gần bằng” Tự
Nhiên Tồn Tại (?!). Đó là Vũ Trụ gồm hai bộ phận vi mô và vĩ mô (nói là “gần
bằng” để mai này nếu có phát hiện ra Vũ Trụ của chúng ta chỉ là bộ phận
của một Vũ Trụ khác lớn hơn nó nữa, thì chúng ta sẽ đỡ bị “quê”!).
Chúng
ta luôn trực tiếp tiếp cận với Tự Nhiên Tồn Tại theo cách đặc thù mà
chính Tự Nhiên Tồn Tại, thông qua bộ phận của Nó, đã ban cho chúng ta
(nếu có lần nào đó chúng ta đã nói ngược lại thì xin lỗi vậy!). Nhưng
chúng ta không thể nhận thức được trực tiếp Tự Nhiên Tồn Tại mà phải
thông qua thế giới khách quan, trên hệ thống khái niệm của mình (cũng
được rút ra một cách chủ quan từ thế giới ấy).
Quá
trình tìm hiểu thế giới khách quan làm cho trình độ quan sát và nhận
thức ngày càng sắc xảo và đúng đắn, đồng thời thế giới khách quan cũng
ngày càng sâu rộng và sáng tỏ, thấu suốt và chân xác hơn. Đến một lúc
nào đó (tràn trề hy vọng lắm lắm!) con người, khi đã đến trạng thái
“thần minh” nhờ có “vạn linh tâm”, “thuận phong nhĩ” và “thiên lý nhãn”,
sẽ nhận thức được trọn vẹn cái thế giới khách quan mà bấy giờ đã như
một bức ảnh chụp sắc nét, hay đúng hơn là một hồ sơ đầy đủ của bộ ảnh
cắt lớp về Tự Nhiên Tồn Tại. (Có lẽ nói ảnh chụp là hơi quá mà nên nói
là hình vẽ khéo léo của con người thì hợp hơn!).
Chúng
ta thấy điều thú vị này: thế giới khách quan thuở ban đầu toàn khách
quan mù tịt, khi con người bắt đầu suy nghĩ về nó, nó bắt đầu le lói một
vài chủ quan sáng tỏ, tiếp tục suy nghĩ, chủ quan dần rạng rỡ để chỉ
còn một vài khách quan mù tịt, suy nghĩ nữa, chủ quan lại hóa ra mù tịt
và bắt đầu có nhen nhúm khách quan sáng tỏ, suy nghĩ đến tột cùng thì
chủ quan chỉ còn không đáng kể để tràn ngập rạng rỡ khách quan. Thế rồi
tiếp theo? Loài người chắc gì còn tồn tại mà nói tiếp về điều đó?!
Như
vậy con người luôn tiếp xúc với Tự Nhiên Tồn Tại nhưng không bao giờ có
thể “thấy” được Nó một cách tổng thể; có thể nhận thức được Tự Nhiên
Tồn Tại (khả tri!) bằng cách phán đoán thông qua việc nhận thức trọn vẹn
trực tiếp thế giới khách quan. Một câu hỏi đặt ra là: nhận thức trọn
vẹn, đúng đắn thế giới khách quan đã là chân lý cuối cùng mà nhận thức
cần đạt đến chưa? Và câu hỏi tiếp theo là: chân lý ấy có đồng thời là
chân lý về Tự Nhiên Tồn Tại không? Đối với những cái đầu “rực rỡ” hoang
tưởng thì đó là hai câu đố… quá dễ! Thế giới khách quan hiển hiện ra
trước con người là của con người. Đó là một miền tự nhiên hoang vu nhưng
con người đã khai phá, đặt mốc, cắm cờ, vạch dấu, ký hiệu và định nghĩa
nó, rồi gieo trồng, gặt hái thu hoạch từ nó (giống như Mặt Trăng, chỉ
mới cắm cờ, quăng mốc lên đó, chưa kịp làm ra phương tiện lưu thông
thuận lợi nào đi từ Trái Đất đến đó, mà người ta đã ra công chứng xác
nhận chủ quyền, “xẻ thịt” mua đi bán lại rầm rộ gần hết đất trên đó rồi.
Thật hết biết!). Như vậy con người có quyền nhận thức nó. Nhưng con
người nhận thức nó cho ai và để làm gì? Chắc chắn là nhận thức không
phải cho loài hổ hay loài kiến chẳng hạn; không phải cho sao hỏa, Mặt
Trời chẳng hạn, mà cho chính bản thân con người. Con người nhận thức cho
bản thân mình để mục đích đầu tiên là phục vụ sinh tồn, rồi để muốn
thỏa mãn sự tò mò tọc mạch vốn có của quan sát, để thỏa niềm si mê trước
cái kỳ vĩ, để… nói chung là còn nhiều “để” nữa, nhưng gút lại là, hơi
thô thiển nhưng có lẽ “hay” nhất, để tìm danh kiếm lợi cho mình và cả
cho mọi người. Khi nhận thức đã đạt đến đầy đủ, trọn vẹn và minh xác về
thế giới khách quan rồi, đã là một chân lý sáng ngời của con người rồi
thì cần gì hơn thế nữa, vì thực ra đó cũng là chân lý về Tự Nhiên Tồn
Tại theo cách biểu đạt của con người và trở thành tiên đề cuối cùng,
không thể chứng minh, cũng không thể suy luận: tiên đề của mọi tiên đề.
Nhưng biết đâu cái tiên đề ấy lại chưa phải là tiên đề mà chỉ nói lên
giới hạn của nhận thức con người? Để trả lời câu hỏi này thì cần phải
biết chờ đợi và chờ đợi. Chờ đợi cho đến khi nào “lùng” ra được một “ông
bạn” đâu đó trong Vũ Trụ, ở tầng qui mô khác, có một cấu trúc cơ thể
khác hẳn chúng ta và do đó cũng “sở hữu” một thế giới khách quan khác
hoàn toàn cái của chúng ta. Giả sử rằng ông bạn đó đã nhận thức được
hoàn hảo thế giới khách quan đó và cũng đúc kết thành một chân lý mang
tính tiên đề. Nếu sau khi phiên dịch (chắc là khó khăn mệt mỏi lắm!),
hoặc dùng phép qui chiếu kiểu gì đó, mà hai chân lý của hai thế giới
khách quan trùng nhau về nội dung thì lúc đó, cả chúng ta và “ông bạn”
sẽ cùng ca khúc khải hoàn vì tính tiên đề của hai chân lý đã được chứng
thực và rõ ràng, hai chân lý đó là hai cách phát biểu của một chân lý
duy nhất, và là tiên đề cuối cùng, cơ bản nhất, bao hàm nhất của Tự
Nhiên Tồn Tại.
Chắc
rằng Kant sẽ không đồng thuận được cái quan niệm “tự nhiên chủ nghĩa”
vừa rồi mà chúng ta đã sáng tạo. Nhưng bản thân cuộc đời khoa học của
Kant đã đủ xác định mức độ chân lý của học thuyết tiên nghiệm mà Kant đã
sáng tạo ra. Dù sao đi nữa, Kant vẫn luôn là một câu chuyện rất hay và
bổ ích về sự suy tư triết học, trong lịch sử nhận thức của nhân loại.
Đọc học thuyết của ông, chúng ta có một ám ảnh lạ lùng. Chúng ta cứ thấy
lởn vởn thấp thoáng trong đó hình bóng Đức Chúa Jêsu hát vang bài ca
Đức tin, hình bóng Platon chập chờn trên vách hang kể say sưa câu chuyện
về ý niệm, hình bóng Đức Phật Thích Ca tay lần tràng hạt, lim dim giảng
dạy về cõi tạm vô thường và Niết bàn vĩnh cửu, hình bóng của Lão Tử
phong phanh áo vải thô, trầm mặc ngồi viết Đạo đức kinh, hình ảnh của Mác và Ănghen dắt tay nhau trên con đường đi tới chủ nghĩa cộng sản. Hình như học
thuyết triết học của Kant là điểm hội tụ của các phương chiều “đồng sàng
dị mộng” trong quá khứ ấy!...
(Còn tiếp)
-------------------------------------------------------
Nhận xét
Đăng nhận xét