Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

TT & HĐ II - 20/d


                                           

                                                        Núi Tu Di và Tứ Châu Thiên Hạ 

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
 
“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)


"Lịch sử chỉ có thể được viết tốt ở một đất nước tự do".   

Voltaire

"Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ".  

Victor Hugo

"Trong lịch sử lâu dài của loài người (và cả loài vật nữa), những ai học được cách cộng tác và ứng biến tài tình nhất sẽ sinh tồn."
Charles Darwin
 
"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau"  
Cervantes (Tây Ban Nha)
 
"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân" 
 Cicero (La Mã)
 
"Lịch sử không là gì hơn ngoài màn kịch của tội lỗi và bất hạnh".
Voltaire
 
 
"Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn 
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn? 
Hỏi con Ngọc Thỏ đà bao tuổi? 
Chớ chị Hằng Nga đã mấy con? 
Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng? 
Ngày xanh sao nỡ thẹn vầng son? 
Năm canh lơ lửng chờ ai đó? 
Hay có tình riêng với nước non"
(Hồ Xuân Hương - Bài thơ “Hỏi Trăng”)

"Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn".

Hồ Chí Minh

 

 

 

(Tiếp theo)

 

                                  ***

Trong một sách khác, chúng ta còn sưu tầm được một câu chuyện nữa. Truyền thuyết của người Inca kể rằng, ngày xưa có ông Thần tuổi già Vilacohas (người biết bay) đã sáng tạo ra thế giới, thế giới khi ấy còn mịt mù. Ông đã dùng đá tạc nên một đám người khổng lồ. Do đám người này trêu tức ông ta, ông ta bèn đem tất cả chúng dìm xuống biển sâu, làm cho chúng không bao giờ thoát ra được. Rồi sau đó, Thần tuổi già cho Mặt Trăng và Mặt Trời mọc lên từ hồ Titicaca. Từ đó Trái Đất mới có ánh sáng. Ông sáng tạo ra con người, đưa từng nhóm tới các nơi trên đất liền, dạy cho họ nghệ thuật và ngôn ngữ. Sau khi hoàn tất công việc, Thần tuổi già bèn cùng hai tùy tùng đi đến các nơi để xem những lời răn dạy của mình có được tuân thủ hay không, thi hành đến đâu. Ông đóng giả thành ông già men theo dãy núi Andes, ngao du dọc bờ biển. Vì liên tục nhận được sự đối đãi thô bạo nên Thần tuổi già nóng giận bừng bừng, muốn thiêu hủy tất cả. Mọi người thấy vậy, vội vã cầu cứu, mong Thần tha thứ. Ông bèn dập tắt lửa. Về sau Thần tuổi già biến vào biển cả, và dặn rằng sẽ còn quay trở lại. Để tỏ lòng biết ơn, mọi người đã xây dựng miếu thờ ở khắp nơi. Khi người Tây Ban Nha đến vùng đất này, họ còn được nghe rất nhiều câu chuyện có nhắc đến lời hứa quay lại của “con Thần Mặt Trời”.
Con Thần Mặt Trời có phải là người của Đại Lục Mẫu?
Có thuyết nói rằng khoảng từ 20000 - 12000 năm về trước, ở miền nam Thái Bình Dương mênh mông đã từng có một đại lục mà ngày nay đã không còn hình bóng nữa. Đảo Phục Sinh ở gần lục địa này.
Và dưới đây là câu chuyện nghe rất “người thật việc thật”. (Nhưng biết đâu chỉ là câu chuyện thật về một truyền thuyết):
Năm 1868, ở Ấn Độ xảy ra nạn đói trầm trọng làm xã hội biến động. Lúc đó, nước Anh đã thống trị Ấn Độ, gửi thêm quân sang để tăng cường trật tự trị an. Trong đội quân đó, có một sĩ quan lục quân trẻ tên là Giêm Gioocgiơ. Anh ta là người đặc biệt yêu mến nền văn hóa phương Đông. Một lần, Gioocgiơ đang ngồi ngắm bức phù điêu trên tường thì có vị cao tăng đến gần nói: “Đó không phải là đồ trang trí bình thường mà là một bản văn tự”. Rồi vị cao tăng dạy anh ta cách đọc. Từ đó Gioocgiơ trở thành học trò và là bạn tri âm của vị cao tăng nọ, học được chữ viết tượng hình và đọc được các thư tịch cổ.
Sau này họ phát hiện được một bức địa đồ trong một nơi lưu giữ bí mật của nhà chùa. Trên bức địa đồ đó có khắc ghi những câu chuyện huyền bí về thế giới cổ xưa. Sau hai năm miệt mài nghiên cứu, họ đã giải nghĩa được nội dung những điều ghi chép trên đó. Đó là một câu chuyện rất xa xưa, chưa ai từng nghe tới, về một vùng đất gọi là Đại Lục Mẫu.
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện lạ lùng đọc được từ bức địa đồ, Gioocgiơ đã đi thăm các chùa ở Ấn Độ, Thái Lan và đến cả quần đảo Thái Bình Dương để tham khảo các truyền thuyết có liên quan. Với kết quả rút ra được từ các quá trình khảo sát đó, anh ta đã khẳng định niềm tin rằng trên Thái Bình Dương thực tế đã từng tồn tại Đại Lục Mẫu. Không chỉ có đảo Phục Sinh mà các đảo và quốc gia ven bờ Thái Bình Dương đều lưu truyền câu chuyện “Mẫu quốc mất đi”. Ở Tây Ban Nha và Bảo tàng Delhi vẫn còn cất giữ những ghi chép nói về đại lục này. Những ghi chép viết bằng chữ Maya, chỉ là bản thảo, nguyên tác của chúng hoàn toàn giống với bức địa đồ của thánh sứ…
Gioogiơ đã đem hết tâm huyết của quãng đời còn lại để viết cuốn sách “Đại lục đã mất”, xuất bản năm 1926. Trong đó ông đã miêu tả một cách tỉ mỉ về Đại Lục Mẫu.
Đại Lục Mẫu là miền đất rộng lớn trên Thái Bình Dương, tại vị trí mà phía tây là quần đảo Mariana, phía đông là quần đảo Haoai, phía nam là quần đảo Figi, Tahiti và đảo Phục Sinh. Từ đông sang tây, toàn đại lục dài 9000 km, từ nam đến bắc rộng khoảng 7000 km, tổng diện tích ước chừng trên 45 triệu km2, dân cư thời phồn thịnh không dưới 65 triệu người. Đây là nơi rất đẹp và giàu có, sản vật phong phú. Nhiều sắc dân ở các vùng lân cận cũng đã từng an cư lạc nghiệp ở đây. Người ở Đại lục Mẫu thờ phụng Mặt Trời như một vị thần tối cao, lấy bảy con rắn làm biểu tượng sáng tạo ra Vũ Trụ. Cộng đồng người ở đó tồn tại như một quốc gia thống nhất gọi là Mẫu La. Thủ đô được gọi là Hiranibla. Thủ đô và các thành phố lớn của Mẫu La đều lấy màu vàng rực rỡ để trang hoàng cho các tường thành và cung điện (sự mô tả này giống chùa chiền đâu đó ở Thái Lan, Miến Điện quá!).
Trên Đại Lục Mẫu lúc đó, con người đã sử dụng lửa thuần thục, có văn tự riêng, đã chế tạo ra đồ gốm, hàng dệt; hội họa và điêu khắc đã đạt được trình độ nhất định. Nghề đánh cá ở quốc gia Mẫu La đã trở thành truyền thống, rất phát đạt. Người Mẫu La đã chế tạo được những con thuyền cỡ lớn để phục vụ cho các cuộc hành trình xa xôi và trong thực tế, họ đã đi hầu hết các nơi trên thế giới. Kỹ thuật tác tạo đá của họ đã đạt đến trình độ cao, có thể làm được các công trình bằng đá, đồ sộ tương tự như Kim tự tháp Ai Cập.
Từ Đại Lục Mẫu, đã từng có những đoàn thuyền đông đảo hành trình đi tìm những vùng đất trù phú mới để đưa người định cư lâu dài ở đó để khai thác tài nguyên thiên nhiên. (Chính họ đã lần đầu tiên làm hình thành nên những con đường lưu thông trên biển; tàu thuyền của họ liên tục đi về trên những tuyến hải trình này để chở sản vật về mẫu quốc cũng như sản phẩm dùng để trao đổi với người bản địa hoặc tiếp tế lương thực thực phẩm cho những vùng mới đưa người đến định cư, và như vậy, từ yêu cầu về định hướng hành trình giữa bao la biển cả, người Mẫu La cũng là những con người đầu tiên ngước lên bầu trời đêm quan sát và tìm hiểu sự vận động của các vì sao). (Phần viết trong ngoặc đơn là ý kiến phụ họa thêm của chúng ta).
Những đoàn thuyền đi về phía đông đã cặp bờ Nam Mỹ, định cư và dần phát triển thành tộc người sớm nhất ở đó. Những đoàn thuyền đi về phía tây thì đổ bộ dọc bờ biển phía đông, từ bắc đến nam châu Á, lên cả các quần đảo thuộc Đông Nam Á (hòa hợp với những tộc người bản địa làm hình thành nên một vành đai tiền đề văn minh mới. Có thể nghĩ rằng, do một số điều kiện thuận lợi hơn nào đó chẳng hạn như về thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu mà bộ phận vành đai gọi là vùng Đông Nam Á, nhất là Việt Nam, đã có những mặt phát triển vượt trội hơn về trình độ văn hóa)…
Một hôm, biển cả dâng trào, chìm mất tích xứ thần tiên ấy. Đại Lục Mẫu bị chìm lấp, đến nay ít ra cũng đã khoảng 12000 năm!
Đó là nội dung của “truyền thuyết Gioocgiơ” (có sự thêm thắt của chúng ta!).
Đồng thuận với quan niệm của Gioocgiơ (có nguồn gốc từ thư tịch cổ của Ấn Độ), nhà chủng học người Mỹ, tiến sĩ Yanmus Quisiwa (nghe tên thì cứ như người Nhật ấy!?) đã có những bổ sung và điều chỉnh nhỏ. Theo như ông chứng minh thì Đại Lục Mẫu là cái nôi văn minh của loài người, xuất hiện từ 50000 năm trước đây. Cũng theo Quisiwa: phía đông Đại Lục Mẫu là vùng quần đảo Pôlynêxi (trong đó có đảo Phục Sinh), phía tây tiếp giáp với Philipin, phía bắc giáp với Haoai; diện tích đại lục tương đương với Nam Mỹ, phần lớn đại lục là bình nguyên, phù hợp với nghề trồng trọt và chăn nuôi. Người dân xứ Đại lục Mẫu đã xây dựng nhiều kiến trúc đồ sộ, trong đó có những tượng đá lớn đặt khắp nơi. Thảm họa xảy ra đã nhấn chìm hầu hết đại lục. Riêng đảo Phục Sinh, một góc nhỏ nhoi ở ngoại vi địa lục đã may mắn còn lại. (Thật là hi hữu!!!).
Chắc rằng Đại Lục Mẫu đã là nỗi ám ảnh rất sâu và lâu dài đối với tâm trí của con người Châu Á nguyên thủy cho nên chúng ta mới có cái cảm giác nó luôn lẩn khuất, lúc ẩn lúc hiện đâu đó trong kho tàng các huyền sử và truyền thuyết của họ. Hình bóng của một thời cội nguồn huy hoàng, đã mất trong một tai ương nước - lửa, trời long đất lở, cứ bàng bạc trong các câu chuyện truyền kỳ về thời khai sinh lập địa. Trong “Xung hư chân kinh” của Liệt Tử có câu chuyện về núi Cô Xạ (Liệt Cô Xạ Sơn) mà trong trạng thái hoang tưởng như lúc này đây, chúng ta dễ liên tưởng đến xứ sở thần tiên Đại Lục Mẫu. Câu chuyện đó, theo Nguyễn Hiến Lê dịch, kể như sau:
“Dãy núi Cô Xạ ở Hải Hà Châu (một đảo ở giữa biển, theo huyền thoại trong “Sơn Hải Kinh”). Trên núi có thần nhân hít gió uống sương (mà sống) chứ không ăn ngũ cốc. Lòng họ như dòng suối sâu, thân thể họ như gái tân.
Họ không thiên vị, không yêu riêng ai. Tiên thánh là bề tôi của họ. Họ không sợ, không giận. Sứ giả của họ là những người trung hậu, thuần phác. Họ không ban ân huệ, mà mọi vật đều tự túc; không thu nhặt gom góp mà không thiếu thứ gì. Âm dương luôn luôn điều hòa, mặt trăng mặt trời luôn luôn sáng tỏ, bốn mùa bao giờ cũng thuận, gió mưa bao giờ cũng hòa; vật thực cứ đúng thời mà có, mùa màng năm nào cũng trúng, đất cát không bị thương tổn, người không chết yểu, vạn vật không bị bệnh tật, quỷ không xuất hiện, hết linh”.
(Còn tiếp)
-------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét