Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

TT & HĐ II - 20/b

                                            

                                  Con tàu Noah và trận đại hồng thủy trong lịch sử loài người

 

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
 
“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)


"Lịch sử chỉ có thể được viết tốt ở một đất nước tự do".   

Voltaire

"Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ".  

Victor Hugo

"Trong lịch sử lâu dài của loài người (và cả loài vật nữa), những ai học được cách cộng tác và ứng biến tài tình nhất sẽ sinh tồn."
Charles Darwin
 
"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau"  
Cervantes (Tây Ban Nha)
 
"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân" 
 Cicero (La Mã)
 
"Lịch sử không là gì hơn ngoài màn kịch của tội lỗi và bất hạnh".
Voltaire
 
 
"Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn 
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn? 
Hỏi con Ngọc Thỏ đà bao tuổi? 
Chớ chị Hằng Nga đã mấy con? 
Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng? 
Ngày xanh sao nỡ thẹn vầng son? 
Năm canh lơ lửng chờ ai đó? 
Hay có tình riêng với nước non"
(Hồ Xuân Hương - Bài thơ “Hỏi Trăng”)

"Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn".

Hồ Chí Minh

 

 

(Tiếp theo)

***
Ở phương Tây ngày nay, chim bồ câu và cành ôliu được coi như là những biểu tượng của hòa bình. Hiện tượng này bắt nguồn từ một điển cố.
Theo truyền thuyết, thời xa xưa, trên trái đất đã xảy ra một cơn Đại Hồng Thủy kinh hoàng. Trong “Tân ước - Sáng thế ký” có ghi chép lại câu chuyện của người Do Thái cổ. Chuyện kể rằng: Thượng đế thấy loài người đã trở nên bại hoại, mới làm ra trận đại lũ lụt, đủ sức dìm hết các ngọn núi cao để “hết thảy những sinh vật sống có máu thịt, có hơi thở, phải chết”. Duy chỉ có Nôyê vâng lời Thượng Đế, làm một chiếc thuyền hình vuông, chở cả nhà và một số loài vật để làm giống cho sau này, đã thoát được tai ương. Cuối cùng chiếc thuyền mắc cạn trên núi Ararat. Nôyê thả bồ câu để thăm dò mực nước. Bồ câu ngậm lá cây ôliu tươi, báo hiệu rằng nước đã rút cạn. Thế là Nôyê bước ra khỏi thuyền, trở thành thủy tổ mới của loài người.
Câu chuyện con thuyền cứu nạn Nôyê nổi tiếng đến nỗi có lẽ ai cũng biết. Nó đã là nguồn cảm hứng sáng tạo không ngừng trong thi, ca, nhạc, họa suốt từ thời trung cổ tới nay. Tuy nhiên, nếu rũ bỏ cái bộ cánh thần thánh đi thì câu chuyện đó có thực sự là đã từng xảy ra trong lịch sử không? Hay hỏi cách khác: thời cổ đại đã từng có một trận đại lũ lụt với qui mô không phải toàn cầu thì cũng ở tầm một khu vực rất rộng lớn như thế không?
Điều đáng chú ý là ngoài ghi chép của đạo Thiên chúa ra, hầu hết các dân tộc ở những khu vực ít nhiều văn minh (không phải không văn minh là không có văn hóa!) trên khắp thế giới mà tiêu biểu là vùng Lưỡng Hà cổ, Ấn Độ cổ và Trung Hoa cổ, đều cũng có những truyền thuyết, tuy có những thêu dệt khác nhau về hình thức, nhưng nhìn chung thì đều ám chỉ một thiên tai cực lớn với lũ lụt nước dâng, với núi non đất đá lún chìm, với lửa ngún trào mạnh mẽ xảy ra đồng thời. Chuyện ông Đùng của Việt Nam và chuyện Bàn Cổ - Nữ Oa của Trung Quốc là những điển hình?
Những truyền thuyết ấy có phải là những hoài niệm về cùng một biến cố vĩ đại hay không? Đành rằng ở đâu, vào thời nào mà không có bão tố, sóng thần, núi lửa, lũ lụt, hạn hán… và có thể những truyền thuyết ấy nói về những thiên tai giống nhau về tính chất nhưng khác nhau về thời gian và khu vực địa lý xảy ra. Tuy nhiên, nếu khác nhau về thời gian thì có vẻ như không nhiều (đối với việc lưu nhớ qua truyền khẩu một sự kiện xảy ra trước đó đến hai, ba ngàn năm và thậm chí là năm, bảy ngàn năm!). Ngay chúng ta đây thôi, nếu không nhớ lại được những con số (tạm gọi là biểu tượng về ký hiệu), không liên tưởng để so sánh được những con số đó với nhau thì chắc gì đã xác định đúng được “thời đại” mà lần đầu tiên chúng ta bị ngã một cái sưng u đầu khi mới biết đi lững chững? Vả lại, nếu truyền thuyết nào đó là nói về một sự kiện có thực, đã từng xảy ra thì không phải đùng một cái là thành… truyền thuyết được. Lúc đầu phải là câu chuyện kể tả thực, dần dần, qua tháng năm, sự thực đó chỉ còn lại cái cốt lõi và được thêm “mắm muối” vào tùy người kể mà thăng hoa lên thành truyền thuyết. Vào thời kỳ mà người ta kể cho nhau bắt đầu bằng đại loại như: cách đây hai mùa nắng; từ đó đến nay đã năm mùa đông; hoặc: lúc cụ tổ còn sống, hoặc mờ mịt hơn nữa: ngày xửa ngày xưa…, thì làm sao mà xác định được thời điểm xảy ra của biến cố? Cái mốc của thời điểm hiện tại đã không được xác định thì thời điểm nào đó của quá khứ được xác định bằng cách nào?
Nhưng đối với người xưa có quan trọng lắm không đối với việc xác định chính xác thời điểm xảy ra biến cố ở quá khứ? Có thể là rất quan trọng mà cũng có khi chẳng quan trọng gì, tùy loại biến cố. Những biến cố xảy ra theo chu kỳ (ngắn hạn), ảnh hưởng thấy rõ đối với đời sống thì phải “nhớ như in”, còn đối với những biến cố lâu lâu “từ trên trời rơi xuống” hoặc “ngàn năm một thuở”, “chẳng biết đâu mà lần” thì cũng nhớ nhưng có mức độ, nhớ như tưởng niệm về “một sự cố đau thương không ngờ” hoặc như một điều kỳ lạ, “không thể tin” được!
Nên nhớ, truyền thuyết là đứa con của truyền khẩu, được hoài thai từ sự thực lịch sử và tư duy trừu tượng của con người.
Truyền thuyết tồn tại được trong thời gian là nhờ sự phi thường hóa, linh thiêng hóa của nó và xét cho cùng thì cũng tuân theo nguyên lý kế thừa và biến đổi của tự nhiên. Chuyện hoang đường cũng vậy vì nó là bộ phận của truyền thuyết. Hoang đường cũng như truyền thuyết, đều là sự phản ánh của một thời đã qua, đều là con đẻ, đều thuộc về hiện thực của quá khứ, nhưng trong khi truyền thuyết mang cốt lõi của một sự thực bị che đậy bởi tính hoang đường thì hoang đường lại là truyền thuyết về một phi thực, được chủ quan lắp ghép từ những mảnh sự thực và được thăng hoa nhờ tư duy trừu tượng. Có thể cho rằng truyền thuyết, cũng như những bộ phận của nó như chuyện hoang đường, cổ tích thần thoại… một khi còn tồn tại, đều hiện hữu trong tiến trình dạy - học - sáng tạo… và luôn là đề tài của những cuộc thi vấn – đáp, vì luôn có những “đứa hết hơi” trợn mắt hỏi hoài: “Có nhẽ đâu thế?!”
Nói vậy thì câu chuyện của Kinh thánh về sáng thế là ở thể loại nào của truyền thuyết? Chẳng ở thể loại nào cả vì không phải là truyền thuyết mà là sự thực - sự thực của đức tin, của tín ngưỡng!
Trong khoảng thời gian dài của một dân tộc, một đất nước, một khu vực, thiếu gì những sự kiện lụt lội, núi lửa, tạo sơn… nhưng tại sao chỉ có Đại Hồng Thủy là được lưu truyền và trở thành truyền thuyết? Rõ ràng đó phải là một biến cố nổi bật nhất, phi thường nhất trong số những biến cố thuộc loại này.
Nếu những truyền thuyết là nói về những biến cố vĩ đại khác nhau, có tính toàn cầu, trong xấp xỉ cùng một thời điểm (khoảng thời gian rất ngắn so với lịch sử) thì sao không phải là nói về cùng một biến cố vĩ đại? Còn nếu đúng là từ một biến cố vĩ đại duy nhất nảy sinh ra nhiều truyền thuyết ở nhiều khu vực, dân tộc rải rác trên thế giới thì phải chăng những truyền thuyết ấy là những “phiên bản” đã biến hóa cho phù hợp với sự hồi ức, với hoàn cảnh địa lý khu vực, với văn hóa, với tâm tư nguyện vọng của một dân tộc? 
Hay tất cả chỉ là hoang đường, xuất phát từ một hoang tưởng (“ghê gớm” hơn chúng ta nhiều!) chứ không hề có một Đại Hồng Thủy, một cuộc nước - lửa vĩ đại nào đã từng xảy ra cả? Thật là hoang mang!
Không lẽ loài người đi bịa chuyện? Theo ý kiến chúng ta, thì vì lịch sử "truyền khẩu" là lịch sử đã được chủ quan hóa, truyền thuyết hóa có ẩn chứa cốt lõi sự thật, và vì hầu như mỗi dân tộc đều có riêng một truyền thuyết tương tự về Đại Hồng Thủy, nên chúng ta tin Đại Hồng Thủy đã từng xảy ra và là một sự thực vĩ đại. Vậy, chắc chắn cái khối tình “Nước - Lửa” cuồng si mê đắm nhưng cũng đầy ghen tuông hờn giận của Trái Đất đã không ít lần xô xát, xâu xé nhau, biểu hiện ra như những cơn Đại Hồng Thủy. Và cơn Đại Hồng Thủy lần gần đây nhất đã được cả loài người chứng kiến?
Chúng ta là những kẻ cũng chúa hay phán vô tội vô vạ! Nhưng lần này, nhận định như trên không phải là hoàn toàn thiếu cơ sở. Đại Hồng Thủy là một trong những biểu hiện của vận động nội tại Trái Đất, vận động ấy cũng phải mang tính lưỡng nghi, vừa tuân theo những nguyên lý vận động chung nhất của các hành tinh trong Thái Dương Hệ, đồng thời cũng mang tính riêng, tính đặc thù của một hành tinh có nhiều nước ở dạng lỏng. Địa kiến tạo học và khảo cổ học đã gợi ý cho chúng ta đi đến nhận định như vậy và biết đâu chừng mai kia sẽ đứng ra chứng giám cho chúng ta nữa ấy chứ!
Vậy thì chúng ta cứ tạm cho rằng trong tiền sử loài người, đã từng xảy ra một nạn Đại Hồng Thủy có tính toàn cầu và cho đến ngày nay, nó là duy nhất.
Thế còn con thuyền cứu nạn của Nôyê, với ý nghĩa cứu hộ lớn lao như thế trong cơn Đại Hồng Thủy, sao chỉ được lưu lại trong Kinh thánh mà không thấy bóng dáng ở các truyền thuyết khác? Có thể con thuyền vuông Nôyê thực sự là đã xuất hiện trong Đại Hồng Thủy, nhưng chỉ được quan sát thấy trong một khu vực nào đó và chỉ khu vực đó biết thôi. Theo như ý kiến hiện nay thì khu vực đó chính là Địa Trung Hải. Nhưng cho dù sự kiện con thuyền Nôyê là có thực đi chăng nữa thì theo ý kiến riêng của chúng ta, nó đóng vai trò như biểu tượng về một đoàn thuyền di tản, tìm nơi lánh nạn, mà thủ lĩnh chính là Nôyê.
Đã là cơn bão lụt vĩ đại thì sự di tản để trốn lánh nó cũng phải vĩ đại, nghĩa là đoàn thuyền Nôyê phải hết sức đông đảo hoặc phải có nhiều đoàn thuyền Nôyê. Nhưng tại sao lại trốn lánh lũ lụt bằng thuyền để vượt biển mà không bằng cách chạy thoát lên những vùng đất cao hơn? Chắc là cuộc di tản vĩ đại đã gồm cả hai cách trên bộ và trên biển.
Tuy nhiên, dù Đại Hồng Thủy là một thiên tai có tính toàn cầu thì vì có nguyên nhân sâu xa từ vận động nội tại Trái Đất và được thể hiện ra thông qua bề mặt Trái Đất như một chuyển hóa lưỡng nghi mang tính đột biến, nên phải có khu vực nào đó trên Trái Đất đóng vai trò là trung tâm, là điểm xuất phát ban đầu, là nơi khởi nguồn của nó. Địa Trung Hải có phải là khu vực đó không? Nếu thế thì tại sao lại không di tản thuần túy bằng đường bộ mà phải dùng thuyền đi từ bờ lũ lụt này đến bờ lũ lụt khác? Việc xuất hiện đoàn thuyền Nôyê ở Địa Trung Hải nếu đó là trung tâm của Đại Hồng Thủy, thì chỉ có nghĩa là tìm cách thoát ra Đại Tây Dương để đi vào truyền thuyết của vùng đất khác, chứ không phải của người Do Thái cổ và được lưu lại như một câu chuyện sáng thế trong Kinh Thánh.
Có thể Địa Trung Hải cũng đã bị “hành hạ” bởi nạn Đại Hồng Thủy nhưng chỉ là vùng lân cận, chịu ảnh hưởng của khu vực trung tâm. Chưa biết khu vực trung tâm của Đại Hồng Thủy ở đâu, nhưng việc di tản một cách rầm rộ, có qui mô lớn bằng thuyền bè ra khỏi trung tâm đó như chỉ ra rằng không còn cách nào khác hoặc cách đó cũng hữu hiệu không kém, hoặc thậm chí là hơn cách “chạy bộ”, nghĩa là lánh ra xa có mức độ an toàn hơn leo lên cao hoặc vì không còn chỗ nào là “cao” nữa cả.
Như vậy con thuyền Nôyê xuất hiện ở Địa Trung Hải là con thuyền lánh nạn, từ đâu đó phía Đại Tây Dương đi vào. Giả định được như thế thì cũng có thể giả định con thuyền Nôyê không phải xuất hiện ở Địa Trung Hải mà xuất hiện ở Biển Đỏ, cũng gần với lãnh thổ của người Do Thái cổ đại, hoặc đã cùng xuất hiện ở cả hai nơi.
Thế thì trung tâm của Đại Hồng Thủy ở đâu? Nếu con thuyền Nôyê chỉ xuất hiện ở Địa Trung Hải thì trung tâm ấy phải ở đâu đó trên Đại Tây Dương; nếu con thuyền đó chỉ xuất hiện ở Biển Đỏ thì trung tâm phải ở đâu đó trên Ấn Độ Dương. Khả năng để con thuyền Nôyê xuất hiện đồng thời ở Địa Trung Hải và Biển Đỏ (Hồng Hải) là rất khó xảy ra vì như thế trung tâm của Đại Hồng Thủy phải ở vùng giáp nhau của Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, mà ở đó thì như chúng ta thấy trên bản đồ, không có một “miếng đất cắm dùi” nào cả do đó cũng chẳng có người để mà di tản từ đó. Hay là đã có một lục địa hoặc một đảo rất lớn ở đó và đã bị Đại Hồng Thủy nhấn chìm? Không hề! Theo thuyết “lục địa trôi dạt” thì không thể có. Còn nếu có thì cũng không có người ở vì điều kiện khí hậu chẳng “hay ho” gì. Và nếu cố ép con người có mặt ở đó thì thiếu gì chỗ di tản gần hơn mà phải “chạy” đến tận hai biển đó, chẳng hạn là ghé vào nam Châu Phi hoặc tấp vào Nam Mỹ?
Phải cho rằng tại khu vực trung tâm của Đại Hồng Thủy, trước khi nạn đó xảy ra; có một bộ phận là đất đai; có một điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi cho sự phát triển sinh vật và vì thế đã từng có đông người sống với một nền văn hóa nổi trội, hay nói khác đi: có một nền văn minh rực rỡ nhất vào thời bấy giờ. Nhưng chính xác thì cái trung tâm “bất hạnh” đó ở đâu?
Chúng ta tạm bỏ lửng câu hỏi đó để nói về chuyện khác.
Câu chuyện về Atlantis là một trong những câu chuyện huyền bí nhất về lịch sử văn minh nhân loại. Đó là truyền thuyết về một nền văn minh rực rỡ, phát triển sớm nhất; sâu trong xa xưa mà ngay thời cổ đại đã trở thành một hoài niệm mịt mờ. Atlantis là tên gọi một hòn đảo nằm đâu đó trên đại dương mênh mông, nhưng vì nó chứa cả một nền văn minh vĩ đại nên cũng được mường tượng như một lục địa (chúng ta tưởng tượng nó như Châu Úc ngày nay, hay có thể là nhỏ hơn!?).
Nền văn minh Atlantis được xem là đã đạt đến đỉnh cao vinh quang từ hơn 11500 năm trước và câu chuyện về nó đã được lưu trong thư tịch cách đây khoảng 2350 năm. Có lẽ nhà hiền triết Platon là người đầu tiên thực hiện công việc này, vào khoảng năm 359 - 347 TCN. Ông đã kể câu chuyện này thông qua Critias (là một nhân vật trong tác phẩm của ông). Critias nói rằng ông nội của anh ta đã kể cho anh ta nghe câu chuyện, còn ông nội lại nghe người cha là Dropides kể lại. Dropides biết được câu chuyện là qua nhà hiền triết Hi Lạp tên là Solon. Solon cho biết, khi ông ở Ai Cập (vào khoảng 600 năm TCN), đã nghe được câu chuyện từ các thầy tế Ai Cập. (Hình như Ai Cập thời đó đã là một sự lôi cuốn không cưỡng nổ đối với các nhà thông thái Hi Lạp, vì không riêng gì Solon mà còn nhiều triết gia khác cũng đã từng “lang thang” ở đó, chẳng hạn như Hippocrates, Galen, Thales, Pythagoras và cả chính Platon nữa).

 
Solon (638-559 TCN) là một trong bảy nhà hiền triết thời 
Cổ đại, nhà thơ, người làm luật xuất thân từ Athena. Sinh
 ra trong một dòng họ rất quý phái, nhưng sống như người
 công dân có mức sống vừa phải. Được người dân Athena
 bầu làm Quan chấp chính và giao cho những thẩm quyền
 rất lớn để thiết lập một chế độ nhà nước mới. Chúng ta có
 thể biết được các luật pháp khi đó được thông qua nhờ 
những bài thơ của bản thân ông.
 
Theo Platon (qua lời kể của Critias) thì các thầy tế Ai Cập đã kể cho Solon nghe câu chuyện về chiến công oanh liệt của một thành phố cổ mang tên Aten (tồn tại trước Platon khoảng 9300 năm (???)). Trong quá khứ xa xưa, có một lực lượng hùng mạnh có ý định bành trướng, chinh phục cả Châu ÁChâu Âu; đã tràn qua xâm chiếm nhiều đất nước ở Địa Trung Hải nhưng đã bại trận trước Aten. Lực lượng hùng mạnh đó xuất phát từ một đảo quốc rất xa giữa Đại Tây Dương (Atlantic) nên được gọi là Atlantis. Về sau, Atlantis bị các vị thần phá hủy hoàn toàn. Sau những cơn động đất và một Đại Hồng Thủy khủng khiếp, Atlantis sụp đổ và bị chôn vùi dưới biển sâu.
Atlantis mà Platon mô tả là từ những bằng chứng lịch sử hay hoàn toàn chỉ là hư cấu? Có lẽ là cả hai! Platon đã dựa trên một truyền thuyết lịch sử, kết hợp với những điều quan sát được về những thảm họa thiên nhiên như sự tàn phá của núi lửa, sóng thần… vào lúc đương thời (còn để lại dấu ấn rõ ràng, lưu giữ được trong ghi chép sử một cách khá rành mạch), để hư cấu nên một câu chuyện phục vụ cho tư tưởng triết học của ông.
Trước khi các tộc người Hi Lạp chinh phục và làm chủ bán đảo Bancăng, cư dân ở vùng này và trên các đảo lớn, nhỏ đã xây dựng được một nền văn minh rực rỡ - nền văn minh Crét - Myxen (thiên kỷ III - thiên kỷ II TCN). Cret là tên một đảo lớn ở phía nam biển Êgiê, Myxen là một địa danh thuộc vùng đồng bằng Pelôpône. Thực ra đó là gồm hai nền văn minh có nét tương đồng nhau, liên quan khăng khít nhau, gọi là văn minh Cret và văn minh Myxen; tuy vậy, văn minh Cret xuất hiện sớm hơn. Đảo Cret đã từng bị hủy hoại một phần bởi thiên tai.
Trước thời Platon cũng từng xảy ra một vụ núi lửa phun mạnh mẽ tại Thera, hòn đảo nằm ở phía đông Hi Lạp, phía bắc đảo Cret trong biển Êgiê. Vụ phun trào nham thạch đó chắc là rất mãnh liệt, rất khủng khiếp và gây ra nhiều thảm khốc vì như sử còn lưu lại thì ở tận Ai Cập, là nơi chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp và cách khá xa, vẫn có thể nhận biết được.
Rất có thể là Platon đã dùng sử liệu của hai sự kiện đó, nền văn minh của đảo lớn Cret và vụ núi lửa phun trào ở Thera để nhào nặn ra một Atlantis có thực nhưng đã mờ nhạt trong truyền thuyết. Tuy nhiên, sự nhào nặn ấy, như sau này thấy, đã bộc lộ ra những bất hợp lý. Đảo Cret chưa bao giờ gây chiến với Aten và cũng chẳng bị “nhấn chìm”. Vì theo chính sử thì Aten chỉ xuất hiện từ thế kỷ VII TCN và theo chứng cứ của khảo cổ học thì mặc dù bị sóng thần tàn phá nặng nề sau vụ phun trào Thera, nền văn minh Cret vẫn phát triển rực rỡ tiếp tục trong khoảng 200 năm nữa…
Từ đó đến nay, truyền thuyết về Atlantis vẫn luôn ám ảnh loài người. Đã có không biết bao nhiêu là những suy luận, những phán đoán vô căn cứ cũng như có căn cứ về Atlantis, đã có không biết bao nhiêu những con người bỏ không ít công sức ra để thám hiểm, đi tìm nơi nó đã từng hiện hữu. Cuối cùng thì Atlantis vẫn cứ ẩn hiện như hồn ma: vừa hư, vừa thực, người tin “như bắp”, người “xổ toẹt”, và cũng có người “mơ mơ hồ hồ”. Còn chúng ta? Chúng ta tin rằng mọi truyền thuyết đều mang cái cốt lõi về một sự thực đã từng hiện hữu. Truyền thuyết chính là lịch sử - một lịch sử đã được chủ quan hóa, thiêng liêng hóa, thần thánh hóa. Câu chuyện về hai tập sử thi Iliát và Ôđixê là một thí dụ điển hình. Iliát là bản anh hùng ca chiến trận gồm khoảng 15000 câu thơ, chia làm 24 khúc ca, kể lại cuộc chiến tranh giữa người Hi Lạp và người Tơroa (thành Tơroa còn có tên gọi là Iliông vì thế tập thơ mang tên Iliát) ở vùng Tiểu Á. Ôđixê gồm hơn 12000 câu thơ, cũng được chia thành 24 khúc ca, mô tả cuộc hành trình đầy gian truân của một người anh hùng Hi Lạp: Uylixơ hay còn gọi là Ôđixê. Mặc dù đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận từ lâu nhưng cho đến nay những vấn đề như nguồn gốc, tác giả, thời gian và địa điểm ra đời của bộ sử thi đó vẫn chưa được giải quyết dứt khoát. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả của hai tập thơ đó là Hôme, nhà thơ mù thiên tài sinh ở Tiểu Á. Không ít người lại cho rằng Iliát - Ôđixê chỉ là những tập hợp, có chỉnh lý của những sáng tác dân gian truyền miệng, còn Hôme chỉ là một từ chung chỉ người mù. Chúng ta nghĩ rằng khi chưa có chữ viết hoặc chữ viết còn sơ khai, thì một trong những biện pháp để ghi nhớ, mà lưu truyền được những miêu tả về đời sống (vật chất cũng như tinh thần), những kinh nghiệm trong sinh hoạt và lao động, những sự kiện quan trọng (có tính lịch sử), là tạo vần điệu trong ngôn ngữ. Đó chính là khởi đầu của thi ca. Bộ sử thi Iliát - Ôđixê dù ban đầu chỉ là những tom góp, sưu tầm, nhưng nếu không có sự chọn lọc, hệ thống hóa lại, chỉnh sửa cho nhất quán về vần điệu, cho phù hợp với tiến trình của lịch sử thì làm sao có thể “hay” được để mà gọi là tác phẩm. Hai tập thơ dài “ngoẵng” đó trở nên bất hủ bởi vì chúng là những tác phẩm chân chính, được kết nên từ sự kế thừa những tinh hoa của quá khứ và qua sáng tạo có tính cá nhân, đã trở thành một tinh hoa mới, phản ánh được hơi thở của thời đại cũng như hình ảnh và nỗi niềm của con người. Đã là một tác phẩm thì phải có tác giả. Tác giả đó dù là ai, dù là một người hay nhiều người thì trước hết vẫn cứ là Hôme thiên tài.
 
Hôme

Tượng Hómēros
Sinh Khoảng Thế kỷ 8 TCN
Hy lạp
Công việc Nhà thơ
Chính bộ sử thi Iliát - Ôđixê đã mách bảo cho người đời sau biết về trạng thái sinh hoạt vật chất và tinh thần của người Hy Lạp trong giai đoạn lịch sử Hy Lạp từ thế kỷ XI đến thế kỷ IX TCN (còn gọi là thời kỳ Hôme). Cũng qua bộ sử thi đó mà còn biết được rằng xã hội Hy Lạp thời đó không phải là sự tiếp nối xã hội của thời kỳ Crét - Myxen mà là một xã hội thị tộc, bộ lạc ở giai đoạn mạt kỳ. Kết quả về khảo cổ đã chứng thực nhiều điều thể hiện trong bộ sử thi và đặc biệt là vào năm 1900, Actua Ivan, nhà khảo cổ học người Anh (1851-1941) đã phát hiện ra di tích của thành Tơroa (ở Tiểu Á).
Câu chuyện về Atlantis chưa hết, chúng ta sẽ tiếp tục kể về nó một cách tóm lược từ những điều đã sưu tầm được ở các sách mà may mắn chúng ta có.
Theo, Donnelly, nhà sử học nghiệp dư người Mỹ, tác giả cuốn sách “Atlantis: một thế giới trước thời hồng thủy” xuất bản vào năm 1881, thì Atlantis là ngọn nguồn của mọi thành tựu văn hóa và mọi nền văn minh tại Ai Cập, Tây Á, Ấn Độ… Lập luận của Donnelly không dựa vào khảo cổ cũng như chẳng có bằng chứng nào về nguồn gốc chung của mọi nền văn hóa. Tuy nhiên phải thấy rằng đó là một suy tư nghiêm túc và có phần táo bạo.
Theo Bécratu (chả biết là ai, sách chỉ viết vỏn vẹn thế) lập luận thì ước khoảng 9000-11000 năm TCN có một đảo lớn nằm ở khoảng giữa Châu Âu và Châu Mỹ, trên đảo có một nền văn minh cực kỳ huy hoàng. Về sau, đảo này đột ngột biến mất. Một người khác, tên là Mêcơ (cũng chẳng biết là ai nốt) thì cho rằng: Kim Tự Tháp Ai CậpKim Tự Tháp Nam Mỹ sở dĩ giống nhau là nhờ đảo này nằm ở vị trí đóng vai trò cầu nối giao lưu văn hóa. Ông còn cho rằng loài cá Man châu Âu luôn giữ tập quán di chuyển kỳ quặc và nguy hiểm là vì lúc đó đảo này cách rất gần biển MinVexao. Dòng sông nước ngọt trên đảo là vùng an toàn tự nhiên giúp cho loài cá Man này tránh được các thú biển khác ăn thịt chúng. Đảo này về sau được gọi là Atlantis.
Mêcơ, trong tác phẩm nổi tiếng “Bí mật Atlantis” của mình, đã nêu giả thiết: đảo Atlantis có vị trí chính xác là ở tại eo biển Chipurốt, phía dưới Quần đảo Axôrét. Thông qua việc khảo sát, đo đạc bằng máy bay đối với ven bờ Đại Tây Dương Bắc Mỹ, người ta phát hiện bờ biển ở gần thành phố Sáclơxtôn thuộc phía Nam bang Carôlina dày đặc, khoảng 3000 vết lõm hình phễu hoặc hình bầu dục tựa như là hậu quả của hàng loạt khối đá cỡ lớn trên không, được ném tới từ hướng tây bắc. Ngoài ra, ở đáy biển, gần đảo Bôrôticơ còn có hai dải đất lõm sâu xuống khoảng 3000 thước Anh (trong địa kiến tạo gọi là vùng lõm). Mêcơ đã đem những ghi chép của Bécratu lắp ghép với kết quả khảo sát đó để đề xuất một giả thiết mới về sự mất tích của Atlantis: Ước chừng 11000 năm về trước có một tiểu hành tinh rơi xuống vùng Đại Tây Dương có đảo Atlantis từ phía tây bắc. Sau khi vào bầu khí quyển, nó vỡ thành nhiều mảnh nhỏ có lớn có. Có hai mảnh vỡ cực lớn rơi trúng vào vị trí mẫn cảm của Đại Tây Dương gây nên động đất mạnh mẽ, phun trào dung nham mãnh liệt, gây tai họa đột ngột cho Atlantis. Chỉ sau 24 tiếng đồng hồ cái đảo huyền thoại đó vĩnh viễn biến mất khỏi bề mặt đại dương, chìm xuống đáy sâu, đem theo tất cả mọi dấu tích văn hóa của một nền văn minh huy hoàng.
Theo một hướng khác nữa, nhà nghiên cứu người Mỹ tên là Robert Sarmast khẳng định đã tìm được bằng chứng cho thấy thành phố (?) trong truyền thuyết Atlantis thực sự đã từng tồn tại và hiện đang nằm dưới đáy biển Địa Trung Hải, giữa đảo SípXyri. Sarmast cho biết lòng chảo Địa Trung Hải bị nhấn chìm trong một trận đại hồng thủy khoảng 9000 năm trước, kéo theo một vùng đất hình chữ nhật lớn mà ông tin là Atlantis. Vùng đó hiện ở dưới độ sâu 1,5 km, cách bờ đông nam đảp Síp 80 km. “Chúng tôi chắc chắn đã tìm thấy nó”, trong vai trò trưởng nhóm thám hiểm, Sarmast đã tuyên bố như vậy. Ông còn cho biết việc chụp định vị qua nước sâu đã tiết lộ những cấu trúc nhân tạo, trong đó có một bức tường dài 3 km, một đỉnh đồi có tường bao quanh và các rãnh sâu trên ngọn đồi đó. Sarmast nói thêm: “Chúng tôi chưa thể cung cấp bằng chứng hiển nhiên dưới dạng các viên gạch hay vữa hồ, vì các vật tạo tác này đang bị chôn vùi dưới vài mét trầm tích, những bối cảnh ở đây và các bằng chứng khác là không thể phủ nhận”. Cũng là một nhận định của Sarmast: Đảo Síp thuộc về lục địa đã mất và là đỉnh cao nhất của nó, hơn nữa, sự phát hiện của ông phù hợp hầu như tuyệt đối với những mô tả của Platon. (Đến nay, trong khi chúng ta đang viết những dòng này, không biết công việc của Sarmast tiến triển tới đâu rồi? Theo chúng ta, nếu đã giống tuyệt đối với mô tả của Platon thì có thể lại là sai!)
Gần đây thôi, một nghiên cứu nữa lại cho rằng Atlantis nằm ở phía nam Tây Ban Nha.
Vào những năm thập niên 70 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu phát hiện được một quần thể kiến trúc cổ khổng lồ ở đáy biển Đại Tây Dương. Năm 1979, phát hiện của hai nước Pháp, Mỹ khi khảo sát khu vực “Tam giác quỷ” Bermuda đã cho thấy dưới đáy biển khu vực này có một Kim Tự Tháp khổng lồ, mỗi bề dài 3000 m, cao 200m, xuất hiện sớm hơn Kim Tự Tháp Ai Cập. Nhân viên nghiên cứu còn lấy được mẫu đá dưới đáy biển sâu 800 m ngầm gần đảo Sumerius của Đại Tây Dương và xác định cách đây 12000 năm, vùng này là một lục địa.
(Còn tiếp)
-------------------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét