TT & HĐ II - 19/h
Thành Phố Atlantis Và Những Bí Ẩn Thú Vị
PHẦN II: Nền tảng
" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt
“Chúng
ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm;
thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy
được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở
bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống
chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích
trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
“Triết
học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của
bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới”
(Ph.Bêcơn)
“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”
(Arixtốt)
CHƯƠNG VIII: THẮT NÚT
Tri
thức đạt được qua học hỏi; sự tin tưởng đạt được qua nghi ngờ; kỹ năng
đạt được qua rèn luyện; tình yêu thương đạt được qua yêu thương.
Thomas Szasz
Thơ ca là tri thức đầu tiên và cuối cùng – nó bất diệt như trái tim con người.
William Wordsworth
Giữa
sự sai lầm và sự thực vô dụng không có nhiều khác biệt. Cũng giống như
vàng không thể dùng sẽ chẳng khiến ai giàu có, kiến thức không thể áp
dụng sẽ chẳng khiến ai thông thái hơn.
Samuel Johnson
Khoa học cho chúng ta tri thức, nhưng chỉ triết học mới có thể cho chúng ta sự thông thái.
Will Durant
Danh
vọng và tài sản có thể rơi xuống từ bầu trời, và sự giàu sang có thể tự
tìm đến chúng ta, nhưng ta phải tự đi tìm sự hiểu biết.
Edward Young
Dấu hiệu thật sự của trí tuệ không phải là kiến thức mà là trí tưởng tượng.
Albert Einstein
Sự ngu dốt là lời nguyền rủa của Chúa trời; tri thức là đôi cánh đưa ta bay tới thiên đường.
William Shakespeare
Tôi là người thông thái nhất trên đời, vì tôi biết một điều, rằng tôi chẳng biết gì cả.
Plato
Đức hạnh là thiên thần, nhưng cũng là một thiên thần mù lòa, và phải nhờ tri thức dẫn đường tới mục tiêu của mình.
Horace Mann
Ngày
nào mà bạn không bổ sung cho vốn hiểu biết của bạn dù chỉ một mẩu kiến
thức nhỏ nhưng mới mẻ đối với bạn… thì bạn hãy coi đó là một ngày mất đi
vô ích, không thể lấy lại được nữa.
Khuyết danh
“Nhìn thế giới trong một hạt cát
Và bầu trời trong cánh hoa rơi
Giữ vô thường trong lòng bàn tay
Và vĩnh cửu trong một giờ ngắn ngủi”.
William. Blake
(Tiếp theo)
***
Thế là chúng ta,
trong hoang tưởng, đã tạo dựng nên được một câu chuyện hoang đường về
gốc tích của Hà Đồ - Lạc Thư cũng như đã giải mã được nguyên cớ sắp xếp
của các chấm tròn đen và trắng. Bắt đầu từ sự hợp lý của “toán học bàn
tay”, người xưa đã quan sát thấy cả một nguyên lý thành tạo và biến hóa
của Vũ Trụ thể hiện trong đó. Nguyên lý ấy đã được họ trình diễn ra một
cách xuất sắc trên quan niệm ban đầu là lưỡng phân - lưỡng hợp, rồi tiếp
theo sau là âm - dương, lưỡng nghi, tứ tượng bát quái và ngũ hành. Hệ
thống quan niệm ấy, nếu phủi đi những diễn giải có phần thô ráp hoặc huyền bí, một phần do trình độ nhận thức của thời hồng hoang gây ra, một phần có thể do cố tình làm hấp dẫn hóa của người xưa để lưu nhớ lâu dài trong "lịch sử truyền khẩu" (thời chưa có chữ viết), thì theo thiển ý
của chúng ta, một cách khái lược, là hoàn toàn đúng đắn về Tự Nhiên (dù
có thể là chưa đầy đủ).
Ngoài ra, chúng
ta còn đoán rằng trên con đường của phát triển tư duy nhận thức, người
xưa sẽ phải ngước lên bầu trời và cho rằng về mặt phương vị, không phải
chỉ có bốn phương chiều đông, tây, nam, bắc mà còn hai phương chiều nữa
là trên, dưới. Vậy thì nếu dưới đất có bát quái thì trên trời cũng có
bát quái và khi trời, đất kết hợp với nhau xoay vần biến hóa như bàn tay
sẽ làm xuất hiện 64 trạng thái lưỡng nghi của hệ thống đất - trời, hay
còn gọi là 64 trùng quái. Hơn nữa, từ cảm giác không gian của người xưa
đã đạt đến quan niệm trong trời đất có cả thảy 6 phương chiều cơ bản và
từ quan niệm ngũ hành, người xưa đã (rất có thể thôi!) sáng tạo ra “thập
can” và “thập nhị can” (hai bàn tay năm ngón hợp lại thành 10 ngón thì
hai cái 6 phương chiều tại sao không hợp lại để thành 12 phương chiều?
Phải chăng từ quan niệm 6 phương chiều mà người Babilon đã sáng tạo ra
hệ đếm cơ số 60: 6 (phương chiều) x 10 (ngón tay) = 60? Sự kết hợp
“thiên can”, “địa chi” cho đến khi trở về với trạng thái kết hợp ban đầu
là một chu kỳ có 60 trạng thái kết hợp, gọi là “60 giáp tý” kể ra cũng
hay đáo để!). Sự bói toán dựa trên thiên can, địa chi hoặc trên lục thập
tứ trùng quái hoặc theo chiêm tinh học đã mang trong lòng nó tính xoay
vần nhịp nhàng theo chu kỳ của trời đất cho nên có ẩn chứa một phần sự
thực khách quan trong đó và như vậy, không hẳn là hoàn toàn vô lý (nhưng
cũng không thể là hoàn toàn hợp lý được!).
Không đến nỗi
quá kỳ lạ khi Hà Đồ phản ánh ra được nhiều mặt của Tự Nhiên Tồn Tại, nếu
nhớ lại đặc tính tương tự trong sự biểu hiện ra các sự vật hiện tượng
của Nó.
Chúng ta nói đến
cái gọi là nguyên lý theo quan niệm âm dương, lưỡng nghi của sự phân
định. Vậy thì nó được diễn giải như thế nào? Đại khái là như thế này:
Thực thể là sự
thống nhất của hai thực thể nhỏ hơn nó đóng vai trò đơn vị của nó. Hai
thực thể đơn vị đó có tính tương phản nhau (trái nghịch nhau như nước
với lửa, đông với tây, trên với dưới, nhiều với ít…). Vì tương phản nhau
nên chúng có tính phân ly nhau, nhưng cũng vì tương phản nhau nên chúng
không đầy đủ, thiếu cái mà “đối tác” có, do đó đồng thời cũng tìm cách
kết hợp nhau để dung hòa. Sự phân ly đồng thời là kết hợp ấy của hai
tương phản được gọi là lưỡng phân, lưỡng hợp. Sự lưỡng phân lưỡng hợp
của hai thực thể tương phản thể hiện ra như một hệ thống chuyển hóa làm
nên vận động nội tại của thực thể lớn hơn. Hai thể tương phản còn được
gọi là thể âm và thể dương, nếu cái này là âm thì cái kia là dương và
ngược lại. Hệ thống chuyển hóa âm dương ấy còn được gọi là hệ thống
lưỡng nghi gồm hai nghi là âm và dương. Âm dương có mối quan hệ lệ thuộc
nhau, có âm vì có dương, dương bộc lộ được là nhờ có âm. Một khi một
trong hai thể (hay tính) âm - dương mất đi thì mối quan hệ âm dương cũng
đương nhiên mất đi và hệ thống lưỡng nghi đó chấm dứt tồn tại. Một cách
tượng trưng và theo quan niệm âm dương, lưỡng nghi thì một thực thể
(hay hệ thống) luôn có thể biểu diễn là sự kết hợp của hai vạch liền và
đứt: 
Nếu chú ý đến cả
sự phân định lưỡng nghi của nội tại đơn vị nữa hoặc giả hai thực thể
lưỡng nghi lập nên một hệ thống hay thực thể lưỡng nghi mới thì ta sẽ
“quan sát thấy” hiện tượng lưỡng nghi của lưỡng nghi, nghĩa là ta sẽ
“thấy” tứ tượng:
Tương tự, sẽ có
lưỡng nghi của tứ tượng, lưỡng nghi của bát quái… Và cứ thế đến cuối
cùng chúng ta sẽ có một Vũ Trụ với vô thiên vô ủng quái. Vũ Trụ vô thiên
vô ủng quái ấy, trong một đơn vị tuyệt đối của thời gian cũng chỉ là
một lưỡng nghi và không chú ý đến tính lưỡng nghi nữa thì nó lại là một
thực thể thống nhất: cái Một vốn dĩ thế.
Tương tự, đi về
phía vô cùng nhỏ, loại bỏ dần “gông xiềng” của lưỡng nghi đi, chúng ta
sẽ tiếp cận đến một thực thể chỉ còn có một lưỡng nghi và không chú ý
đến tính lưỡng nghi nữa thì đó là một cái vốn dĩ thế: một thực thể giống
Vũ Trụ, vừa có nội tại vừa không có nội tại vì không thể phân chia
được, là đơn vị tuyệt đối làm nên Vũ Trụ tuyệt đối. Nếu Vũ Trụ thể hiện
như là một tuyệt cùng vĩ đại của không gian thì đơn vị đó thể hiện như
một tuyệt cùng vi tiểu của không gian và sự tồn tại của nó cũng là phản ánh ngắn nhất của thời gian.
Nếu chúng ta thay âm - dương bằng có và không thì lưỡng nghi của lưỡng nghi sẽ làm xuất hiện ra một vấn đề khá “vui vẻ”,thế này:
Có trên nền tảng
là có thì kết quả chắc chắn là có; hay có - có có thể được hiểu như
hiện hữu. Không trên nền tảng là có, hay không - có có nghĩa là không
nhưng vẫn có, hay hiểu như là tồn tại mà không hiện hữu. Có trên nền
tảng là không hay có - không là có, nhưng có cái gọi là không nên cũng
là không có, hay có thể gọi là có ảo. Cuối cùng, không trên nền tảng của
không là không hiện hữu mà cũng không tồn tại và chính là hư vô tuyệt
đối hay gọi là Hư Vô; nhưng Hư Vô chỉ là tên gọi khác của Tồn Tại nên
lại là có, là tồn tại; Không - không là hư vô của hư vô cho nên phải là
có. Phải chăng phủ định của phủ định là trường hợp riêng của hiện tượng
lưỡng nghi của lưỡng nghi đối với cặp khái niệm tương phản có và không?
Và phải chăng đó cũng là một minh chứng cho tính vốn dĩ thế của Tự Nhiên
Tồn Tại và như vậy là cho tính “tiên thiên” của “Có”: có “Có” rồi mới
có “Không”?
Pho sách Lạc Thư
nếu thực sự đã từng hiện hữu thì phải được coi là một cuốn “kinh điển”
về cả toán học lẫn triết học với chỉ hai “trang sách” đá và giữa hai
trang sách đó (trong lòng con rùa đá) “kẹp” một viên ngọc mang tính biểu
tượng của hình 29/a. Có thể trên hòn ngọc đó được chạm khắc tinh vi năm
hình gì đó như là biểu tượng của năm ngón tay, và nó đóng vai trò là cơ sở để tính toán số lượng (theo cách gọi ngày nay là hệ cơ số 5), là nền tảng của sự đếm (theo quan niệm của người xưa), là cái ở giữa quyết định phân lập lưỡng nghi, là tinh
huyết, linh hồn của hai trang sách quí được lưu lại từ xưa của người Việt Thường, được chạm khắc, đẽo tạc thành con rùa đá, như một bảo vật mà sau này người Trung Hoa (nhà Hạ?) gọi đó là "Qui dịch"!
Người Việt Thường đã nói gì về nội dung pho sách đó cho vua Nghiêu? Trong truyền sử
thì là sự giảng giải quá trình khai thiên lập địa được “ghi chép” trong
pho sách đá đó. Thế thì con rùa đá quan niệm như thế nào về thuở khai
thiên lập địa? Chung qui lại, có thể là thế này:
Ban đầu chỉ là
một bản thể. Bản thể đó cựa quậy mà sinh ra năm cái “một” liên kết với
nhau, mà hợp thành và phân ra đực - cái, đêm - ngày… Những cái đó, từng
cặp một lại nương tựa vào nhau, biến đổi nhau tạo nên hiện tượng lưỡng
phân lưỡng hợp và nhờ vào lưỡng phân - lưỡng hợp mà sinh ra vạn vật.
Vạn vật thuở mới
hình thành là vô cùng hỗn độn, lưỡng phân lưỡng hợp hòa lẫn đan xen vào
nhau một cách lộn xộn, rối rắm, mù mịt. Lúc đó gọi là lúc đất trời chưa
phân và được mô tả ở trang đầu tiên của quyển sách đá (hình Hà Đồ).
Trong khối hỗn mang, lẫn lộn, không đầu không cuối ấy xuất hiện một năng
lực vĩ đại gọi là “Ông Đùng” (chuyện “Thần Trụ Trời”). Ông Đùng đứng
dậy, đầu đội trời, lấy đất đá đắp thành cái trụ chống trời. Từ đó trời
đất được phân định thành trời tròn bao lấy đất vuông (được mô tả ở trang
hai của cuốn sách đá: hình Lạc Thư). Trời đất phân đôi (lưỡng phân)
nhưng không phân ly mà vẫn cần đến nhau nên lại kết hợp với nhau (lưỡng
hợp) mà sinh ra vạn vật như: cây cối, muông thú, con người…
Trong thần thoại
Trung Quốc có một câu chuyện về khai thiên lập địa rất giống với truyện
“Thần Trụ Trời”. Ngoài ra còn có truyện “Nữ Oa vá trời” cũng hay, làm
chúng ta mường tượng đến một thời biển dâng ở vùng Đông Nam Á. Có thể coi những chuyện đó là những khảo dị của chuyện "Thần Trụ Trời" (?). Dưới đây
là tóm lược hai câu chuyện đó:
Ngày xửa ngày
xưa, trời đất chưa phân, Vũ Trụ là một khối hỗn độn. Ông Bàn Cổ được
thai nghén, lớn lên trong khối hỗn độn đó. Vì chưa có ánh sáng làm chói
mắt, âm thanh làm kinh động nên ông Bàn Cổ ngủ mê man trong đó suốt 16
ngàn năm. Rồi ông thức giấc, mở mắt mà chẳng thấy gì, quờ quạng thì va
chạm vào đủ thứ trong đó. Thế rồi, trong tối tăm mù mịt, ông vớ được cái
rìu, liền vung lên bổ mấy nhát và nghe một tiếng “đùng” vang dội. Cái
khối hỗn độn như một quả trứng khổng lồ đó rạn vỡ ra.
Bàn Cổ bỏ chiếc
rìu ra, dùng hai tay của mình đẩy mạnh vỏ trứng khổng lồ lên, kèm theo
tiếng thét kinh thiên động địa của ông. Tiếp theo tiếng thét ấy là dồn
dập vang lên những tiếng “đùng đùng”, “đoàng đoàng” của sự nứt vỡ. Những
gì nhẹ nhàng trong trẻo từ từ bay lên, dần biến thành trời xanh, những
gì ngầu đục, nặng nề từ từ đọng xuống biến thành đất đai.
Bàn Cổ dùng hai
tay nâng đỡ trời xanh suốt 18 ngàn năm liền, dần dần kiệt sức, ngã quỵ
xuống. May mà đến lúc ấy, trời và đất đã trở nên rắn chắc, đã tượng hình
ổn định và không thể hợp lại như trước được nữa.
Tuy vậy Bàn Cổ
không chết. Đôi mắt to rực sáng của ông biến thành mặt trời và mặt
trăng. Tay chân vạm vỡ của ông biến thành bốn cực đông, tây, nam, bắc.
Thân ông biến thành núi non hùng vĩ. Máu huyết của ông biến thành đầm,
hồ, sông, suối… Da lông của ông biến thành cỏ hoa cây cối. Gân mạch ông
biến thành đường xá đan xen khắp muôn nơi. Răng xương của ông biến thành
vàng bạc châu báu. Hơi thở của ông biến thành mây, gió. Tiếng nói của
ông biến thành sấm sét ầm vang…
Mấy vạn năm sau
khi ông Bàn Cổ ngã quỵ, có một nữ thần xinh đẹp tên là Nữ Oa, từ trời
bay xuống. Bà phỏng theo hình dáng của mình, dùng bùn đất màu vàng nặn
ra những con người bé tý. Những hình nhân bằng đất này sau khi được hít
thở linh khí thì biến thành người thật. Rồi bà Nữ Oa lại dạy cho con
người hôn phối để sinh sôi nảy nở. Chính vào lúc loài người đang sinh
sống một cách an lạc, sung sướng và vui vẻ thì nổ ra cuộc đại chiến giữa
thần Nước và thần Lửa. Trong khi đánh nhau, thần Nước làm sạt gãy núi
Bất Chu, là trụ chống trời ở mé tây bắc, làm cho bầu trời ở đó bị sập
xuống. Trong phút chốc, sông trời ở đó nghiêng đổ nước ầm ầm, làm nên
một Đại hồng thủy. Đại hồng thủy nhấn chìm vạn vật, kể cả núi non. Đất
đai rung giật chao đảo, nham thạch sôi sục cuộn trào ra, khói lửa mịt
mùng. Loài người và muông thú lớp chết đuối, lớp chết thiêu nhiều vô kể…
Bà Nữ Oa thấy
cảnh loài người và muông thú gặp phải đại họa khủng khiếp ấy thì giật
mình kinh sợ. Bà phát hiện ra đại họa xảy ra là do trời bị sụt một mảng
lớn. Để cứu giúp loài người và muông thú, bà đã quyết ra tay vá trời.
Bà đến núi Bất
Chu xem xét rồi quyết định tìm đá ngũ sắc để vá. Không ngại gian lao vất
vả, bà Nữ Oa nhổ lau sậy, bó thành từng bó lớn, chất đống cao dần dần
đến tận trời, rồi gom nhặt đá cuội từ đáy sông, đáy biển chất đè lên
trên lau sậy, bắt đầu nhóm lửa. Lửa cháy rừng rực, sau chín ngày chín
đêm, đá nóng chảy ra. Bà bất chấp nóng bỏng, mang nước nham thạch đang
sôi sùng sục, tưới lên lỗ thủng trên trời ở phía tây bắc…
Cuối cùng, bà Nữ
Oa đã xong việc, đá cuội năm màu biến thành màu ráng chiều và bầu trời ở
đó trở nên có phần thơ mộng. Thế nhưng núi đã gãy, không có trụ chống
trời. Đương khi bà lo lắng bồn chồn thì có một con rùa biển ngàn năm
tuổi cắn đứt chân mình dâng lên. Bà Nữ Oa dùng chúng để kê ở bốn cực của
trái đất. Nhưng vì bốn chân khi cắn đứt dài ngắn không bằng nhau cho
nên bầu trời hơi nghiêng theo chiều từ đông – nam đến tây - bắc, làm cho
mặt trời, mặt trăng và các sao trời đều trượt về phía tây - bắc…
Câu chuyện về
Bàn Cổ - Nữ Oa nghe cũng lý thú đấy chứ! Trong đó lại hiện lên con số 5
huyền bí (ngũ sắc) và con rùa thần ngàn tuổi “đội trời đạp đất” làm nên
cuốn sách đá của người Lạc Việt và sau này ở lại vĩnh viễn trong linh
hồn dân tộc Việt với tên gọi là Thần Kim Quy. Đặc biệt, câu chuyện như
là một sự miêu tả của một người đã chứng kiến một cuộc tàn phá và kiến
tạo vĩ đại của thiên nhiên: núi lửa phun trào mãnh liệt, động đất rất
mạnh trên diện rộng, kèm theo hiện tượng lún sụt của một khu vực lớn và
sóng thần, biển dâng gây nên nạn đại hồng thủy. Phải chăng đó cũng chính là nạn Đại Hồng Thủy, thiên tai khủng khiếp đã từng xảy ra với loài người?
Hầu như ở các
dân tộc trên khắp thế giới đều lưu truyền câu chuyện thần thoại về một
trận đại hồng thủy. Những đại hồng thủy đó có liên quan gì đến truyện chuyện “Thần Trụ Trời”, hay truyện “Nữ Oa vá trời” không? Có thể đó là những cách kể khác
nhau về một đại hồng thủy duy nhất, xảy ra cách nay ngót nghét 8, 9
ngàn năm, thậm chí là 18 ngàn năm hoặc lâu hơn nữa tại vùng Đông Nam Châu Á?
Nói đến Đại Hồng
Thủy thì lại nhớ ngay đến con thuyền cứu nạn Nôyê và hơn thế nữa phải
nói về lục địa Atlantis và nơi gọi là Đại Lục Mẫu. Theo truyền thuyết
thì Đại Lục Mẫu và Atlantis là hai nền văn minh rực rỡ, xuất hiện trước
cả các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc…
Chúng ta cho
rằng sự ra đời của văn minh (nền văn hóa nổi bật trên nền tảng văn hóa
đương thời nói chung của loài người) không thể là cùng một lúc xảy ra ở
các khu vực trên trái đất được mà phải có một nền văn minh duy nhất,
mang tính tiên phong làm tiền đề.
Một cách cảm
tính (ai mà không có tình yêu quê hương xứ sở?), chúng ta tin vào ý kiến
của một số nhà khảo cổ, cho rằng Đông Nam Á là cái nôi của nền văn minh
nhân loại. Như thế thì truyền thuyết về Đại Lục Mẫu và Atlantis có liên
quan gì đến nền văn minh cổ đại đã từng hiện hữu ở khu vực này không?
Có thể nào Đại Lục Mẫu cũng là Atlantis và cũng là nền văn minh Đông Nam
Á (tưởng như) đã biến mất đột ngột bởi nạn Đại Hồng Thủy? Hay nền văn
minh Đông Nam Á được giới khảo cổ phát hiện, chỉ là tàn dư còn “sót” lại
của một nền văn minh đích thực ở một vùng nào đó đã từng hiện diện đâu
đó trong vùng Đông Nam Á, cụ thể là ở Biển Đông?
Đó là những câu
nghi vấn mà nếu không phải là do chính chúng ta đặt ra thì chúng ta sẽ
phải đi đến kết luận rằng quá ngông cuồng hoặc hoàn toàn điên rồ.
(Hết Chương XIX)
----------------------------------------------------
----------------------------------------------------
Nhận xét
Đăng nhận xét