Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

TT & HĐ II - 20/a

                                          

    Khám Phá Lịch Sử THIÊN CHÚA GIÁO Đầy Biến Động Ảnh Hưởng Mạnh Mẽ Đến Lịch Sử Nhân Loại

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
 
“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)


"Lịch sử chỉ có thể được viết tốt ở một đất nước tự do".   

Voltaire

"Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ".  

Victor Hugo

"Trong lịch sử lâu dài của loài người (và cả loài vật nữa), những ai học được cách cộng tác và ứng biến tài tình nhất sẽ sinh tồn."
Charles Darwin
 
"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau"  
Cervantes (Tây Ban Nha)
 
"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân" 
 Cicero (La Mã)
 
"Lịch sử không là gì hơn ngoài màn kịch của tội lỗi và bất hạnh".
Voltaire
 
 
"Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn 
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn? 
Hỏi con Ngọc Thỏ đà bao tuổi? 
Chớ chị Hằng Nga đã mấy con? 
Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng? 
Ngày xanh sao nỡ thẹn vầng son? 
Năm canh lơ lửng chờ ai đó? 
Hay có tình riêng với nước non"
(Hồ Xuân Hương - Bài thơ “Hỏi Trăng”)

"Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn".

Hồ Chí Minh


 
 
 
 
Nhưng nếu không có sự điên rồ thì làm sao có được những thần thoại, cổ tích; không có những cái đầu hoang tưởng thì làm sao có được những chuyện hoang đường, không tưởng, những thứ đã làm mê say biết bao nhiêu thế hệ “trẻ người non dạ”? Hoàng Tử Bé sẽ vỗ tay nhiệt liệt khi chúng ta nói rằng: thật bi thảm cho những “người lớn” nào mà không biết mơ tưởng về những chuyện nghiêm túc!
Không có điên rồ chắc chắn sẽ không có chuyện ông Đùng, Bàn Cổ - Nữ Oa. Nhưng hoang đường đến mấy thì cội rễ cũng vẫn là kinh nghiệm rút ra từ hiện thực của quá khứ. Điều gây ấn tượng mạnh mẽ hơn cả của chuyện ông Đùng, Bàn Cổ - Nữ Oa đối với chúng ta là con người (hoặc kiểu con người nào đấy) đã hiện diện như thế nào trước cuộc khai thiên lập địa (nạn Đại Hồng Thủy). Điều đó dẫn chúng ta đến một suy diễn rằng trước cơn tai biến vô cùng khốc liệt của thiên nhiên (khốc liệt đến nỗi đã khắc rất sâu vào tâm trí con người mà qua con đường truyền khẩu “tam sao thất bổn” vẫn lưu lại được suốt mấy ngàn năm đằng đẵng), đã có một nền văn minh từng hiện hữu và bị cơn tai biến đó “cuốn” phăng. Nhưng không phải là tất cả!...

Trong số bộ phận còn sống sót, có bộ phận vượt thoát được bằng nhiều con đường, bằng nhiều phương tiện trên bộ, trên biển và định cư luôn ở những vùng đất mới, nhưng cũng có bộ phận quay về quê cha đất tổ “dựng đá, vá trời”, xây dựng cuộc sống lại từ đầu.
Cũng có thể cho rằng trước cuộc tai biến ấy cũng có những đợt di cư do sự bùng nổ dân số, có nguyên nhân từ lối sống phồn thực khi lượng thức ăn dồi dào, dư thừa có được từ trình độ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi đem lại của thời kỳ trước, đã không còn khả năng đáp ứng hoặc gặp phải bất trắc như hạn hán, ngập lụt, giông bão tàn phá môi trường sống…
Công việc tạo dựng trời đất của ông Đùng hay của ông Bàn Cổ và bà Nữ Oa sao mà gian truân vất vả quá. Có một câu chuyện khác kể về thời khai thiên lập địa nghe dễ chịu và nhẹ nhàng hơn nhiều, đồng thời cũng có vẻ nghiêm túc hơn. Câu chuyện đó đã được ghi lại trong Kinh Thánh (Tân Ước Sáng Thế Ký). Chúng ta “chép” nó ra đây để nếu ai chưa đọc thì đọc thoải mái (đọc càng nhiều càng tốt, đọc bao giờ cũng có lợi cho sức khỏe vì không “bổ” thì cũng “ích”):
“Lúc khởi đầu, Thiên chúa sáng tạo ra trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm và thần khí Thiên chúa bay lượn trên mặt nước.
Thiên chúa phán: “Phải có ánh sáng”. Liền có ánh sáng. Thiên chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
Thiên chúa phán: “Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước”. Thiên chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy. Thiên chúa gọi vòm đó là “trời”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.
Thiên chúa phán: “Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi để chỗ cạn lộ ra”. Liền có như vậy. Thiên chúa gọi chỗ cạn là “đất”, khối nước tụ lại là “biển”. Thiên chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.
Thiên chúa phán: “Phải có những vầng sáng trên bầu trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất”. Liền có như vậy. Thiên chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm. Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.
Thiên chúa phán: “Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời”. Thiên chúa sáng tạo ra thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tùy theo loại, và mọi giống chim bay tùy theo loại. Thiên chúa thấy thế là tốt đẹp. Thiên chúa chúc phúc cho chúng rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển, và chim phải sinh sản nhiều trên mặt đất”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.
Thiên chúa phán: “Đất phải sinh ra các sinh vật tùy theo loại: gia súc, bò sát và dã thú tùy theo loại”. Liền có như vậy. Thiên chúa làm ra dã thú tùy theo loại, gia súc tùy theo loại, loài bò sát dưới đất tùy theo loại. Thiên chúa thấy thế là tốt đẹp.
Thiên chúa phán: “Giờ chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất”.
Thiên chúa sáng tạo ra con người theo hình ảnh của mình, Thiên chúa sáng tạo ra con người theo hình ảnh Thiên chúa, Thiên chúa sáng tạo ra con người, có nam có nữ.
Thiên chúa ban phúc lành cho họ và Thiên chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất. Hãy là bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất”. Thiên chúa phán: “Đây, ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp trái đất, và mọi thứ cây có trái mang giống để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi, để làm lương thực”. Liền có vậy. Thiên chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.
Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên chúa nghỉ ngơi.
Thiên chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.
Đó là gốc tích trời đất khi được sáng tạo”.
Câu chuyện kể trên thật rõ ràng, và chúng ta cũng “thấy thế là tốt đẹp”. Tuy nhiên có hai thắc mắc nhỏ thế này:
- Thiên chúa “phán” một ngày là gồm buổi chiều hôm trước, một đêm và sáng hôm sau, mà sao con người lại “xài” một ngày gồm sáng hôm nay, chiều hôm nay và tối hôm nay?
- Thiên chúa đã cho rau cỏ, cây trái và các hạt giống để làm lương thực rồi mà sao một bộ phận muông thú và cả loài người nữa cứ “thích” giết chóc, tranh giành ăn thịt nhau? Tại vì Thiên chúa đã cho không đủ lương thực hay vì thấy điều đó cũng tốt đẹp?
 
(Còn tiếp)
--------------------------------------------------------------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét