Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

TT & HĐ II - 20/e

                                         

                                     Xứ sở của Thiên Đường Kỳ Diệu Bhutan Thuyết minh

 

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
 
“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)


"Lịch sử chỉ có thể được viết tốt ở một đất nước tự do".   

Voltaire

"Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ".  

Victor Hugo

"Trong lịch sử lâu dài của loài người (và cả loài vật nữa), những ai học được cách cộng tác và ứng biến tài tình nhất sẽ sinh tồn."
Charles Darwin
 
"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau"  
Cervantes (Tây Ban Nha)
 
"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân" 
 Cicero (La Mã)
 
"Lịch sử không là gì hơn ngoài màn kịch của tội lỗi và bất hạnh".
Voltaire
 
 
"Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn 
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn? 
Hỏi con Ngọc Thỏ đà bao tuổi? 
Chớ chị Hằng Nga đã mấy con? 
Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng? 
Ngày xanh sao nỡ thẹn vầng son? 
Năm canh lơ lửng chờ ai đó? 
Hay có tình riêng với nước non"
(Hồ Xuân Hương - Bài thơ “Hỏi Trăng”)

"Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn".

Hồ Chí Minh

 

 

 

(Tiếp theo)
 

                                     ***

Đến đây (sau một hồi lang thang tứ xứ!) chúng ta tin rằng trên Trái Đất này đã từng có một địa đàng đúng nghĩa: thiên nhiên tươi sáng, xứ sở biếc xanh, một cuộc sống sung túc, lòng người thuần phác hiền hòa, cùng làm cùng ăn, biết cảm thông chia sẻ; không có ích kỷ tham lam nên cũng không có tàn nhẫn hận thù; hoa trái trù phú và chim trời cá nước dồi dào nên cũng chẳng có chuyện lấy xâu xé chém giết lẫn nhau làm lẽ sinh tồn. Địa đàng đó đích thị là Đại Lục Mẫu! Và nó đã mất trong một lần Đại Hồng Thủy.
Nhưng nếu Đại Lục Mẫu không mất đi bởi thiên tai thì lịch sử loài người sẽ ra sao? Thì nền văn minh của nó vẫn cứ phải mất đi để hình thành nên những nền văn minh mới, có thể là sự phân bố sẽ khác đi, nhưng đại loại thì cũng tương tự như đã xảy ra trong thực tế. Con người tư duy với đủ những tính khí thất thường là không thể đoán trước được, nhưng đối với loài người, vì thoát thai từ tự nhiên và có tư duy là nhờ tự nhiên hun đúc, nên tiến trình lịch sử của nó phải phù hợp với tự nhiên, tuân theo tự nhiên và như thế, có thể đoán trước được.
Thế còn lục địa Atlantis? Chúng ta cũng tin rằng đó là một thiên đường có thực ở trần gian, tồn tại cùng thời với Đại Lục Mẫu. Nhưng vì chỉ cần có được một thiên đường trần gian hay gọi là Địa Đàng thôi, đối với ước mơ của loài người đã là quá sức mơ ước rồi nên chúng ta cho rằng Đại Lục Mẫu hay Lục địa Atlantis chỉ là hai cách gọi về một cõi thần tiên duy nhất.
Chúng ta dù dốt về ngôn ngữ nhưng có thể thấy rằng Địa Đàng đã tồn tại rất sâu trong dĩ vãng trước khi nó được mang cái tên Đại Lục Mẫu hay Atlantis. Vậy thì trước khi được hậu thế đặt cho những cái tên theo ngôn ngữ “địa phương” đó, nó mang tên gì? Chắc là một cái tên chung nào đó, được phiên ra từ chính ngôn ngữ mà nó có và có nghĩa là Xứ Sở Mặt Trời chăng? Thôi, chẳng hệ trọng gì, chúng ta cứ tạm gọi tên nó là Địa Đàng. Như chúng ta cũng thấy, tất cả những “thanh danh” như Thầy Cãi gàn dở, Nhà Thông Thái ngu ngơ, Ông Hoang Tưởng lẩn thẩn, Đấng Ba Đá lập dị, đều chỉ là những nhãn mác khác nhau gán cho một gã vô công rỗi nghề. Đơn giản thế thôi, nhưng đến ngàn sau biết đâu chừng các nhà nghiên cứu lại cho rằng đó là bốn chàng dũng sĩ oai hùng, chu du thiên hạ để cứu nhân độ thế, thậm chí có người còn dựng nên cả học thuyết với đầy đủ bằng chứng về bốn kẻ lạc loài, có dòng máu của người ngoài hành tinh!...
Atlantis là do Platon nghĩ ra khi cho rằng nó thuộc về Atlantic (Đại Tây Dương). Chúng ta có quyền hỏi, thế thì thời đó Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã có tên gọi chưa? Cái nghĩa nguyên thủy của Atlantic là gì, phải chăng là “biển ngoài” để phân biệt với “biển trong” là Địa Trung Hải; hay cũng có thể để phân biệt về qui mô thì có nghĩa là “biển lớn” (great sea)? Nếu thuở ban đầu chỉ có tên gọi là “biển lớn” thôi thì “biển lớn” phải bao gồm tất cả đại dương, trừ Địa Trung Hải và thêm nữa là Biển Đỏ. Với nghĩa ấy thì Lục Địa Atlantis có nghĩa là Lục Địa ở Biển Lớn và không nhất thiết phải ở vùng Đại Tây Dương, (nhất là thời đó chưa ai có khái niệm về Châu Mỹ cả!).
Tiếp theo là câu chuyện kể của nhà làm phim Michael Wood về một địa danh là Shangri-la, xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Chân trời đã mất” (Lost horizon) xuất bản năm 1933 mà tác giả là James Hilton:
Shangri-la là một vùng đất trong một thung lũng hẻo lánh ở đâu đó trong vùng núi thuộc dãy Himalaya hùng vĩ, được mệnh danh là nóc nhà thế giới. Nó được cai quản bởi một vị lạt ma 200 tuổi là Capuchin. Shangri-la được mô tả như là một thiên đường ở trần gian, nơi có thể ẩn náu để trốn tránh những âu lo của văn minh hiện đại.
Nhưng cái vùng đất thanh bình và linh thiêng đó hư hay thực? Nó chỉ là sự sáng tạo đơn thuần hay Hilton đã dựa vào một “thực tại” đâu đó để làm nguồn cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết của mình? Để trả lời những câu hỏi đó, Wood đã làm một cuộc hành trình (kiểu du lịch) đến Tây Tạng.
Giống như tất cả các câu chuyện vĩ đại trên thế giới này, các câu chuyện hoang đường không bao giờ tự nhiên mà có. Cuộc xâm lăng của nước Anh vào năm 1904 đã làm tăng thêm sự chú ý của phương Tây về khu vực Tây Tạng. Ý niệm về việc tồn tại một thế giới cổ xưa được thiết lập trên những giáo lý hòa bình của Phật Giáo đã bắt đầu tạo nên sự mê hoặc mạnh mẽ và được kích thích hơn nữa bởi những nhà nghiên cứu thần học như Annie Besant và Nicholas Poerich. Những tấm hình chụp cực kỳ rõ nét về quang cảnh và đền đài vùng tây Tây Tạng công bố năm 1932 cùng với cuốn “Chân trời đã mất” đã góp phần làm tăng thêm tính kì bí huyền thoại của nơi đó. Nhưng thực ra, câu chuyện hoang đường về một vương quốc thất lạc trong vùng này, lần đầu tiên được phương Tây chú ý đến đã xảy ra trước đó bốn thế kỷ, và giống như nhiều câu chuyện hoang đường về một kho tàng mất tích, nó cũng khởi đầu bằng một bản đồ cổ đầy bí ẩn.
Cách đây khoảng 100 năm, một bản viết tay khác thường đã được phát hiện ở Cancutta. Nó chứa đựng tự truyện của một nhà truyền giáo phương Tây khi ông đang có mặt tại triều đình của vua Akbar, vương triều Moghul vào những năm 1580. Ở Ấn độ vào thời ấy, vua Akbar đã chiêu mộ nhiều học giả từ nhiều quốc gia về qui tụ dưới trướng, hy vọng tìm ra một nền tảng chung cho toàn bộ các tôn giáo để loại bỏ đi những mâu thuẫn vì lợi ích nhân loại. Ông nói: “Không thể khẳng định chân lý của người này thì đáng tin cậy hơn chân lý của người kia. Khi suy nghĩ được như thế, chúng ta có thể một lần nữa mở được cánh cửa mà chìa khóa của nó đã bị mất.”
Mặc dù là tín đồ đạo Hồi, vua Akbar vẫn yêu thích “trí tuệ bất diệt” trong những vấn đề của Ấn giáo. Ông từng cử một đoàn thám hiểm đi tìm hiểu cội nguồn của con sông Hằng thần thánh, và họ trở lại với những thông tin về một thế giới Hymalaya tĩnh mịch, nơi chỉ có những người tu khổ hạnh và những nhà hiền triết…
Chính trong sân triều của vua Akbar, người phương Tây lần đầu tiên được nghe về những gì nằm phía sau những rặng núi và cũng chính tại thời điểm đó, khái niệm về Tây Tạng mới bắt đầu xuất hiện trong nhận thức của người châu Âu. Tuy nhiên họ không tin những chuyện nghe kể. Những vị tu sĩ này hay thích kể lại những câu chuyện cực kỳ hoang đường! "Họ lại còn cho rằng, phía sau dãy Hymalaya có một bình nguyên rộng lớn có người sống”, một nhà truyền giáo dòng Tên, cha Monserrate cũng có mặt khi đó đã viết như vậy. Ông tốc ký những điều nghe được, tóm tắt chúng trên một bản đồ mà sau này người ta đã tìm thấy ở Cancutta như đã nói. Một nhà lái buôn theo đạo Hồi cũng có mặt ở đó, tuyên bố rằng ông biết rõ vùng đất đó, đã đến tận nơi, đó là một vương quốc đông dân cư và có tên là Shambala.
Shambala hay Shangri-la? Khi sáng tạo ra cái tên Shangri-la, Hilton đã từng nghe về Shambala? Rất có thể là như thế. Nhưng có một điều bất ngờ là cái tên Shambala lại xuất hiện đầu tiên trong kinh sách Phật giáo Tây Tạng. Trong đó Shambala xuất hiện như một khái niệm thần thoại, một đích nhắm về mặt tâm linh hơn là về mặt địa lý. Bất ngờ hơn nữa, trong kinh sách đó, Shambala là câu chuyện huyền thoại Tây Tạng nói về một vùng đất nằm phía sau dãy Hymalaya, nơi con người sống thanh bình và hòa hợp, trung thành với những giáo lý nhà Phật; một miền đất màu nhiệm núp dưới bóng của một ngọn bạch sơn kỳ vĩ; là một vương quốc mà ở đó trí tuệ của loài người được cất giữ để tránh khỏi những tàn phá và mục nát bởi thời gian.
Đây là những gì một vị Đạt Lai Lạt Ma nói về Shambala:
“Ngày nay, không ai biết Shambala ở đâu, mặc dù nó vẫn tồn tại. Người ta không thể nhìn thấy nó hoặc giao tiếp với nó bằng những cách thông thường”.
Nhiều đạo sĩ đã miêu tả con đường đi đến Shambala, nhưng tất cả đều khẳng định rằng chỉ có những người được giác ngộ, đã dứt bỏ được những ham muốn trần tục và phải có một niềm tin tuyệt đối vào sự tồn tại của nó mới có khả năng đến được.
Giáo lý thần thánh nhất của Shambala được gọi là Đại Thời Luân (Great Circle of Time). Giáo lý này có nguồn gốc từ thời xa xưa rất lâu trước khi đạo Phật thịnh hành. Nó nói về một lời tiên tri rằng một ngày nào đó, con người vì lòng ích kỷ và sự u mê sẽ tự tay mình hủy diệt chính Trái Đất này…, nhưng đồng thời cũng nói rằng vào lúc đó, con người cũng nhận ra chính tham vọng của mình là nguyên nhân chủ yếu của toàn bộ bệnh tật. Sau đó, vua của Shambala sẽ cai quản toàn bộ loài người và thời đại hoàng kim sẽ đến, khi cuối cùng, trí tuệ cũng được tôn vinh trên trái đất.
Ngọn “bạch sơn kỳ vĩ” chính là ngọn núi có tên gọi thông dụng là Kailash. Trải qua nhiều thế kỷ, hình dáng kỳ lạ của ngọn Kailash hoàn toàn biệt lập với phần còn lại của dãy Hymalaya, đã hun đúc nên một sự tưởng tượng đặc biệt. Nó có hình dáng của một khối tháp nhọn pha lê hoàn hảo.
Người bên ngoài đầu tiên ngắm nó mà chúng ta biết được là Italian Desideri. Vào năm 1715, khi nhìn thấy nó, ông ta đã thốt lên: “Trong vùng hoang mạc cằn cỗi, khủng khiếp và bao la này, đứng sừng sững một ngọn núi khổng lồ luôn luôn được mây vây phủ, tuyết và băng đá trùm kín. Cái hoang vắng, độ dốc cùng với cái lạnh tàn nhẫn thật sự gây ra nỗi ngán sợ…”
Ngọn Kailash xám sẫm vươn thẳng lên từ vùng bình nguyên vàng theo hình dáng kim tự tháp với chỏm tuyết lấp lánh một cách kỳ quái, hiện thị rõ trên mặt phía nam của nó là những vệt nằm ngang lạ lẫm, là lý do nó nhận được một cái tên trong nhiều tên: “Ngọn núi chữ vạn chín tầng”. Đối với đạo Jaina, đạo Phật, đạo Hindu… đây là vị trí trung tâm, đại diện cho vẻ đẹp và huyền thoại suốt hàng ngàn năm qua. Đối với đạo Hindu, nó là nơi cư trú của thần vĩ đại Shiva và luôn được coi như ngọn Tu Di. Nó vừa là ngọn núi tưởng tượng tại trung tâm vũ trụ trong thần thoại Hindu, và là ngọn núi pha lê cạnh hồ sen trong huyền thoại Shambala của người Tây Tạng. Giữa các ngọn núi với nhau, ngọn Everest có thể cao hơn, nhưng trong những sự so sánh về tính huyền thoại thì ngọn Kailash luôn đứng đầu.

                         NGỌN NÚI THIÊNG KAILASH, TÂY TẠNG

Người dẫn đường cho Wood, ông Tsewang cũng kể về Shambala, và gọi Kailash là ngọn núi thần thánh. Ông nói: “Cha tôi tin rằng Trái Đất thì phẳng. Ông ta dạy tôi rằng Kailash là biểu tượng trần gian của ngọn núi Tu Di trên thiên đường và nó nằm ngay trung tâm Vũ Trụ. Tôi không bao giờ tranh luận với ông về điều ấy và cũng không bao giờ thử thay đổi những quan điểm của ông về Vũ Trụ. Điều đó thật ngạo mạn và xấc xược.”
Cuộc hành trình đã đưa Wood đến nơi cuối cùng của câu chuyện huyền thoại:
“Chúng tôi nhìn không chớp mắt những tòa lâu đài cao ngất của thành phố Tsaparang, chúng dường như được tạc bởi những khối đá rắn của một ngọn núi nguyên khối đứng riêng rẽ. Chúng tôi nhìn trân trối với sự ngạc nhiên không cùng và không thể nào tin được vào mắt mình. Trong sự tĩnh mịch và cô độc vĩ đại của một thành phố bỏ hoang và trong những sảnh thờ bí ẩn mờ mờ, những gì trải qua về mặt tâm linh và những thành tựu của biết bao nhiêu thế hệ dường như đã được diễn đạt thành những hình ảnh huyền bí. Những ngôi nhà đền dường như được nâng lên khỏi dòng chảy của thời gian.”
Xưa kia, Tsaparang là thủ phủ của vương triều Guge. Vương triều Guge đã từng tồn tại cách đây 700 năm. Cuộc vây hãm định mệnh lần cuối cùng vào năm 1685 đã kết thúc nó, khi quân của vương triều Ladakhic, láng giềng cùng với quân đánh thuê Muslim tiến đến thung lũng Sutlej. Một lâu đài vụn nát khổng lồ sau cuộc vây hãm vẫn trơ ra đó đến tận ngày nay.
Ngôi thiền viện vĩ đại nhất của vương triều Guge nằm ở phía tây, chính là cái mà ta có thể xem như là căn nhà mẫu của Shambala / Shangri-la trong những ngày cuối cùng tồn tại của nó. Tsaparang và ngôi đại thiền viện Toling chắc chắn rằng đã nằm trong trí của Hilton khi ông sáng tạo ra Shangri-la. Ông đã biến ngôi đền Đạt ma đó thành một hỗn hợp giữa Cơ đốc giáo, thiên về tính cách phương Tây, với vị Lạt ma 200 tuổi Capuchin. Có lẽ điều quan trọng và thú vị hơn là: Vương triều Guge cũng có thể là khuôn mẫu lịch sử cho vùng đất huyền thoại Shambala.
Câu chuyện của Wood kết thúc bằng trích đoạn sau đây, từ cuốn “Chân trời đã mất”:
“Chúng ta có một giấc mơ và một sức tưởng tượng”, vị Lạt ma nói với chúng ta, “Những vật đẹp nhất là tạm bợ và có khả năng tan biến; chiến tranh, dục vọng và sự hung tàn sẽ nghiền nát chúng cho đến khi không còn lại gì trên thế giới này. Đó là lý do tại sao Shangri-la lại có mặt tại đây: để vượt qua được nỗi bất hạnh đang qui tụ dần từ mọi phía…, để bảo tồn trí tuệ của con người mà đến một lúc nào đó, họ sẽ cần đến khi những tham vọng tàn bạo của họ đã qua đi…”
Truyền thuyết về vùng đất Shambala huyền thoại và ngọn núi Kailash kỳ vĩ là ước mơ tuyệt đẹp của con người hay là sự biểu hiện của hoài niệm về một Địa Đàng có thật của thời rất đỗi xa xưa: Đại Lục Mẫu cùng với kim tự tháp thiên nhiên, hùng vĩ và lấp lánh như pha lê dưới Thần Mặt Trời, có tên là Tu Di của nó?! Câu trả lời của chúng ta, một lần nữa, chỉ có thể là: đúng cả hai!
 
(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------------------




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét