Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

TT & HĐ II - 20/h

                                             

            2 Bí Ẩn Khảo Cổ Làm Chấn Động Giới Khoa Học Các Giáo Sư Bó Tay Không Hiểu

 
BÍ ẨN KINH HOÀNG - Kinh Thánh và bí ẩn

 
 

PHẦN II:     Nền tảng


" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt

“Chúng ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm; thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
 
“Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới” 
(Ph.Bêcơn)

“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó” 
(Arixtốt)


"Lịch sử chỉ có thể được viết tốt ở một đất nước tự do".   

Voltaire

"Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ".  

Victor Hugo

"Trong lịch sử lâu dài của loài người (và cả loài vật nữa), những ai học được cách cộng tác và ứng biến tài tình nhất sẽ sinh tồn."
Charles Darwin
 
"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau"  
Cervantes (Tây Ban Nha)
 
"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân" 
 Cicero (La Mã)
 
"Lịch sử không là gì hơn ngoài màn kịch của tội lỗi và bất hạnh".
Voltaire
 
 
"Mấy vạn năm nay vẫn hãy còn 
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn? 
Hỏi con Ngọc Thỏ đà bao tuổi? 
Chớ chị Hằng Nga đã mấy con? 
Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng? 
Ngày xanh sao nỡ thẹn vầng son? 
Năm canh lơ lửng chờ ai đó? 
Hay có tình riêng với nước non"
(Hồ Xuân Hương - Bài thơ “Hỏi Trăng”)

"Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời. Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn".

Hồ Chí Minh

 

 

 

(Tiếp theo)

 

                                   ***

Vịnh Hạ Long, chỉ cái tên thôi nghe đã thấy “khoái” rồi. Kinh đô ngàn năm văn vật được gọi là Thăng Long - con rồng bay lên, thì nơi đây được gọi là Hạ Long - con rồng đáp xuống, thật là sơn thủy đề huề, sinh linh có đi có về, đất trời có phân có hợp. Vịnh Hạ Long, nhìn cảnh là lại nhớ, nhớ về cái nghĩa vợ chồng đằm thắm thuận hòa và đồng lòng san sẻ gian nan Âu Cơ - Lạc Long Quân. Họ đã sinh thành ra dân tộc Việt từ việc đẻ ra 100 trứng “đồng bào” và nuôi nấng thành những đứa con lớn khôn; họ đã khai sinh ra Tổ quốc Việt Nam bằng việc chia đôi đàn con, bà Âu Cơ dẫn 50 đứa lên rừng, ông Lạc Long Quân dẫn 50 đứa xuống biển cùng khai hoang lập nghiệp, từ đó mà thành một đại gia đình, tạo dựng được cả một cơ đồ xán lạn. Không những thế, vô số “tiểu sơn” nhô lên từ mặt nước biển mênh mông và tĩnh lặng còn gợi cho chúng ta về một thời sâu xa hơn nữa, thời tiết cũng có một cuộc “mây mưa” cuồng nhiệt của khối tình nước - lửa mà kết quả là sự chào đời của những tiểu sơn - những hòn cự thạch hồn nhiên và tinh nghịch vui đùa dưới nước trời xanh lồng lộng, ngày đêm được mẹ biển cả ôm ấp và rì rầm ru từng khúc ầu ơ…
“Hóa ra để tạo nên kỳ quan số một này, thiên nhiên chỉ dùng: Đá và Nước… Chỉ có hai chất liệu trong vô vàn chất liệu có thể có, để viết, để vẽ, để điêu khắc, để sáng tạo nên tất cả” - nhà văn Nguyên Ngọc đúc kết về vẻ đẹp biến ảo, đa dạng của Vịnh Hạ Long như thế.
Đoạn nói về Nguyên Ngọc nêu trên nằm dưới tiêu đề một bài báo khác có tên: “Khám phá lại “kho báu” Hạ Long"; Bài báo đó là của tác giả Chân Nhân, đăng trên tờ “Lao Động” ngày 19-8-2007. Chúng ta sẽ trích lược nó:
“Nhưng đằng sau vẻ đẹp thiên nhiên, dưới những trầm tích của thời gian, Hạ Long còn là một kho báu thực sự - kho báu văn hóa lịch sử.
- Bắt đầu bằng một sự tình cờ
- Hãy bầu chọn để Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới! Vì niềm tự hào, nhiều người bầu chọn vì biết đến vịnh biển nổi tiếng của đất nước về cảnh đẹp. Nhưng hơn thế, Hạ Long còn là tên của một nền văn hóa cách đây tới 5000 năm, một cái nôi của loài người. Tiến sĩ Hà Hữu Nga (viện khảo cổ học) cho rằng, đến nay chúng ta đã làm rõ được một lịch sử văn hóa có ít nhất 25000 năm ở Hạ Long - nền văn hóa Soi Nhụ. Kế tiếp đó là nền văn hóa Cái Bèo cách đây từ 7000 đến 5000 năm - gạch nối giữa Soi Nhụ với văn hóa Hạ Long cách đây muộn nhất cũng đến 3500 năm.
Tròn 70 năm trước, vào năm 1937, một công nhân lò nấu thủy tinh trong lúc đào cát đã tình cờ phát hiện được một chiếc rìu đá trên đảo Ngọc Vừng. Một phát hiện đã gây xôn xao giới khảo cổ Pháp lúc bấy giờ. Sau đó hai năm, nhà địa chất - khảo cổ học Andersson đã công bố 7 hang động đầu tiên là những di chỉ thuộc nhóm di tích Soi Nhụ. Vén bức màn thời gian, đến nay có thể thấy những cư dân Soi Nhụ đã sáng tạo hoặc học hỏi những loại hình kỹ thuật mới như kỹ thuật chế tác công cụ đá mài lưỡi và cùng với nó là kỹ thuật chế tạo gốm mà thể hiện rất rõ ở các hang động như Đồng Đặng, Hà Lùng, Đồng Cẩu, Áng Giữa ngày nay… Sau khi nước biển dâng, những cư dân Soi Nhụ đã tránh lên núi cao và sáng tạo nên một loại hình văn hóa mới ở Cái Bèo.
(…) Có thể nói rằng Cái Bèo là một trong những di chỉ khảo cổ học quan trọng nhất trong khu vực ven biển và hải đảo Đông Bắc. Cư dân Cái Bèo là những người định cư lâu dài ven bờ biển với tầng văn hóa dày, có di tồn đồ gốm, công cụ lao động, vết tích hoạt động và mộ táng. Họ thiên về khai thác biển mà vết tích còn lại của nhiều loại cá, có loại có kích thước và trọng lượng lớn tới hàng trăm kg, chỉ sống ở môi trường biển sâu, xa bờ. Bên cạnh những chiếc rìu đá, các nhà khảo cổ còn tìm được cả chì lưới đánh cá. Họ đã sử dụng lưới vó, thuyền mảng để đánh bắt xa bờ.
Kể từ khi Anderson phát hiện và khai quật di chỉ Ngọc Vừng mà thời đó gọi là di chỉ “Danhdola” - cái tên “văn hóa Danhdola” được ông nhắc đến vài lần - có thể coi là cái tên khai sinh của văn hóa Hạ Long, văn hóa hậu kỳ đá mới. Đến nay, có khoảng 27 địa điểm văn hóa Hạ Long đã được phát hiện và nghiên cứu. Giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định tầm quan trọng của văn hóa Hạ Long: Giai đoạn muộn của văn hóa Hạ Long có một vị trí đặc biệt đối với nền văn minh Việt Cổ. Mặc dù có nguồn gốc bản địa nhưng điều độc đáo của văn hóa Hạ Long là nó có cả kết quả của sự giao lưu, trao đổi với các nền văn hóa khác. Thậm chí, vươn ra ngoài biên giới, các đặc trưng văn hóa Hạ Long thấy rất rõ tại Nam Trung Quốc như rìu bôn có vai có nấc, kích thước nhỏ được tìm thấy ở vùng ven biển Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồng Công. Các đặc trưng rìu bôn lưỡi hoa xòe Hạ Long còn xuất hiện ở Thái Lan, Philipin…
- Một Hạ Long thương cảng:
Trên con đường tơ lụa cổ của thế giới, thương cảng Vân Đồn đã xuất hiện như một dấu son chói lọi ở biển Đông. Trước khi lập cảng Vân Đồn, theo con đường này, tiền nhân đã qua lại buôn bán với Trung Hoa. Năm 1149, Vân Đồn mới chính thức được thành lập. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Kỷ Tỵ, năm thứ 10, đời vua Lý Anh Tông, mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn các nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho tập trung ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn để mua bán hàng quý, sản vật địa phương…”.
(…)
Và những bí ẩn tầm cỡ thế giới:
Ngoài những giá trị văn hóa, phong cảnh, vùng biển Hạ Long từng được người Pháp lưu ý từ khi mới đặt chân đến Việt Nam là sự xuất hiện của một trong những loài vật bí hiểm khổng lồ - rắn biển. Ở biển Cát Bà (một hòn đảo của vịnh Hạ long), từ cuối thế kỷ 19 đến những năm đầu thế kỷ 20, nhiều tàu hải quân Pháp đã bắt gặp giống rắn kỳ lạ này ở cự ly gần.  
Báo cáo tháng 7 - 1897 của đại úy Lagresilla, chỉ huy pháo thuyền Avalanche, thuật lại việc các thủy thủ pháo thuyền nhìn thấy hai con vật kỳ dị xuất hiện ở vịnh Hạ Long. Thân chúng dài khoảng 20m, đường kính thân chừng 2 - 3m. Chúng cử động bằng cách uốn lượn như rắn. Họ bèn nạp đạn nhắm về phía chúng nhưng do quá xa không tới, chỉ khiến chúng lặn sâu xuống biển. Ngày 24/12/1898, lại thấy xuất hiện hai con vật tương tự trước mũi tàu Avalanche. Thủy thủ đoàn truy đuổi hai con vật suốt 35 phút. Lúc chỉ cách khoảng 200m, đại úy Lagresille nhìn rõ đầu con vật này rất giống đầu hải cẩu, nhưng to gần gấp đôi. Vào sáng sớm ngày 12/2/1904, trong lúc đang tuần tra ở mũi Con Cóc, đại úy Pergon, thuyền trưởng tàu Chateurenault, được báo phía trước có một mỏm đá. Reron nhìn và tin đó là con cá to, bèn cho tàu tiến lại gần. Nhưng khi tàu đến gần, con vật liền biến mất. Peron thả một canô đuổi theo về hướng mỏm Con Cóc, hy vọng nhìn thấy con vật. Nhưng khi đi vào đảo Cát Bà, ông lại nhìn thấy hai con vật trông hình thù gần giống hai con cá chình khổng lồ, da màu đá, có những đốm màu vàng lạt. Chúng chỉ xuất hiện trong tầm mắt những người ngồi trên canô chừng một lúc rồi lặn sâu xuống đáy biển.
Ông Nguyễn Đình Húy kể rằng ông đã chạm trán với loài rắn biển ấy vào khoảng những năm 1980. Lần ấy ông cùng một số người trong Hợp tác xã đánh cá ra khơi, quãng 9 giờ sáng thì bắt gặp con vật khổng lồ, chỉ riêng phần lưng nổi lên của nó đã dài khoảng 5m. Sau khi quẫy đuôi phá nát thuyền, con vật đã bỏ đi. Lần gần đây nhất người ta nhìn thấy nó là vào khoảng năm 2002.”
Loài rắn biển khổng lồ được mô tả trong bài báo nêu trên có xuất hiện vào thời tiền sử cổ xưa không? Nếu có xuất hiện thì có lẽ là thường xuyên hơn vì số lượng thời đó ắt là nhiều hơn. Giả sử người Việt nguyên thủy (chẳng hạn là ngư dân thời Cái Bèo) đã thấy nó thì họ gọi loài đó con gì? “Rồng Biển” chăng? Nhưng khái niệm “biển” lúc đó đã có chưa? Hay đơn giản hơn là “Rồng nước”? Có lẽ thế! Rồng biển là con rắn khổng lồ sống dưới nước, được thời đó coi như “thủ lĩnh” của muôn loài ở dưới nước (tương tự như hổ được coi là chúa sơn lâm). Phải chăng rồng nước chính là hồn cốt, sau này được linh thiêng hóa thành Lạc Long Quân (Lạc Long = rồng nước = rắn nước khổng lồ!)?
Nếu tìm ra được một mối liên hệ nào đó để có thể suy tưởng ra rùa nước khổng lồ (rùa biển) được linh thiêng hóa thành Âu Cơ thì thích thú biết bao nhiêu! Rùa biển lên bờ cát đẻ trứng dần dà trở thành bà Âu Cơ đẻ trăm trứng trong một “đồng bào” là một sự “tạo dựng” không đến nỗi khó khăn lắm, thậm chí là rất dễ nếu so với “cuộc tạo dựng” con cóc thành cậu Ông Trời!
Suy diễn kiểu “trời ơi đất hỡi” như thế, tất yếu chúng ta sẽ phát hiện được một “hằng đẳng thức” rất đáng được “lưu truyền”:
    (Rồng nước + Rùa biển)linh hóa = Lạc Long + Âu Cơ
Chưa hết, thời đại đồ đá rồi cũng chìm dần khi câu chuyện Lạc Long Quân - Âu Cơ đã trở thành một truyền sử về nguồn gốc của người Lạc Việt, không ai còn biết đến cái “hằng đẳng thức” được sáng tạo của một (hay nhiều?) ông “đại văn hào” nào đó nữa, thì đến thời đại đồ đồng nổi lên và một cuộc linh thiêng hóa mới, phù hợp với hơi thở đương thời ra đời:
    (Rồng nước + Rùa biển)thần hóa = Long Mã - Kim Qui
Trên cơ sở này mà xuất hiện một truyền thuyết lịch sử (bên tận Trung Quốc?!) làm đau đầu bao thế hệ các nhà nghiên cứu suốt từ trung đại cho đến bây giờ: Long Mã tặng Hà Đồ, Qui thần dâng Lạc Thư.
Câu hỏi lớn được bày ra: Long Mã - Kim Qui nổi lên ở đâu trên sông Hà sông Lạc hay trong vịnh Hạ Long?
“Hà xuất Đồ, Lạc xuất Thư, thánh nhân tắc chi” có thể mãi mãi là một huyền tích, nhưng tính chân lý của nó thì luôn luôn sáng ngời: chỉ có một cách thức duy nhất để nhận thức thế giới là thông qua quan sát, học hỏi thực tại và tích cực suy tưởng!
***

“Tình sử” Địa Đàng đã được những cái đầu hoang tưởng “thêu dệt” xong. Có thể “dùng” nó như một truyền thuyết để kể cho mấy đứa con nít nghe; có thể dùng nó như một thư tịch cổ phục vụ cho công việc khảo sát đối với những kẻ có sẵn đức tin; và cũng có thể lấy nó làm một thí dụ điển hình về sự tai hại của lối suy tư siêu hình, quá trớn đối với những người chỉ ưa thực chứng. Tùy nghi sử dụng thỏa thích!
Còn chúng ta phải cố quên cho nhanh để cái đầu hạ “sốt” mà trở về với công việc còn dở dang của mình. Một bộ não ở mãi trạng thái hoang tưởng cao độ là rất nguy hiểm bởi vì chỉ cần một khắc thiếu kìm chế, nó sẽ vượt qua trạng thái giới hạn để đi thẳng đến bệnh viện tâm thần, không “phản phục” được nữa.
Tuy nhiên, trong quá trình lang thang tìm kiếm dấu vết Thiên Đường nơi dương thế, nhìn thấy biết bao nhiêu di tích đổ nát, hoang tàn mà chắc rằng đã từng một thời vững chãi, uy nghi, hoành tráng, có một nỗi niềm cứ vương vấn mãi cõi lòng chúng ta, không sao trút bỏ được. Hình như con người đã hết sức chủ quan, thường chỉ thấy vai trò chúa tể của mình trước vạn sinh linh khác vì biết tư duy chứ chưa bao giờ thấy mình còn là nô lệ của tư duy. Vì vậy con người đã nỗ lực xây dựng cuộc sống một cách mù quáng và sự thái quá bởi mù quáng đó đã quay lại phá hủy ngay chính cuộc sống của mình. Con người nâng niu thờ cúng tất cả vì sự sống thì cũng đạp đổ, ăn tươi nuốt sống tất cả vì sự sống. Có thể đói khát và dư thừa đã là nguyên nhân tự nhiên làm hình thành nên cái xu thế của tiến trình lịch sử loài người và lịch sử đó là sự phô diễn của vai trò con người tác động tích cực đến hai mặt đó, làm cho chúng phát triển ngày càng sâu rộng về mặt lực lượng và nhanh chóng kết thúc một chu kỳ chuyển hóa lưỡng nghi giữa chúng, để rồi tất cả lại sụp đổ, bắt đầu một chu kỳ đói khát - dư thừa mới. Thật là khốn nạn cho loài người khi đã phải chịu biết bao nhiêu thương vong nặng nề bởi thiên tai lại còn phải đồng thời chịu triền miên những cuộc chiến tranh xâu xé, giết chóc, tàn sát lẫn nhau một cách hết sức tương tàn, do chính mình gây ra. Đến thế kỷ XXI rồi mà sự thể về chém giết lẫn nhau vẫn cứ i xì như thời của Alexăng Đại đế, thời của Thành Cát Tư Hãn, thời của Napôleon Đệ nhất…, chẳng khác gì! 
Ôi, chúa tể! Ôi, văn minh! 
Toàn những nhãn mác tự xưng để huyễn hoặc người và huyễn hoặc chính mình. Hai quả bom nguyên tử ở Hirosima Nagasaki là thành quả của văn minh đấy nhé! Hai tiếng nổ đó có phải là tiếng khui sâm panh mừng vui báo hiệu loài người bắt đầu bước vào một kỷ nguyên hòa bình và tươi đẹp? Không! Hoàn toàn không! Đó là hai tiếng rú thét man rợ tột cùng của sự man rợ, man rợ hơn cả những hành động man rợ nhất của thời hồng hoang tối cổ nào đó bị văn minh ngày nay gán cho là man rợ nhất! Rõ ràng và dứt khoát là không thể biện minh được bằng bất cứ thủ đoạn nào! Loài người đã có thể bước ra khỏi Trái Đất, đã để dấu chân trên Mặt Trăng, đã đặt được trạm quan sát lên Sao Hỏa và có thể đã nhìn đến tận cùng Vũ Trụ, nhưng hình như vẫn chưa tỉnh ngộ, vẫ rất thiển cận, vẫn chưa thấy được chân tướng xấu xí của mình… Và đó cũng chính là nguyên nhân làm nên định mệnh bi tráng của loài người. Con người tương lai không lẽ cũng chấp nhận định mệnh đó hay sao?!
Coi chừng, hỡi loài người! Nếu không tỉnh ngộ, loài người sẽ nhanh chóng tiến thẳng đến vực thẳm tiêu vong của bản thân ngay chính trên con đường gặt hái văn minh của mình!
Và cái nỗi niềm ấy cứ thổn thức mãi mà cảm tác nên một bài thơ. Chúng ta vừa ngâm nga nó vừa xốc lại hành trang, lên đường qua… chương XXI:

TRƯỜNG LƯU THỦY
            
Ta
Núi chắt ra
Rừng e ấp
Đất ầu ơ nuôi nấng
Trời dắt dìu theo mưa nắng lớn khôn.
             
Ta
Dài một dòng sông
Uốn lượn thong dong xuôi cùng năm tháng
Lang thang với hoa cỏ thảo nguyên, vui hát cùng đồng xanh bát ngát
Hắt phù sa lên phủ óng mượt làng quê
Xối mát tuổi thơ, thỏa khát những trưa hè
Trêu ghẹo con đò, thẹn thò nón nghiêng, mái chèo khoan khỏa
Nằm đợi trăng lên, nghe gió rủ rê, đôi bờ rỉ rả
Tinh nghịch câu hò mà vàng đá thủy chung.
             
Ta
Lãng đãng dòng sông
Lông bông qua vùng đô hội
Ngơ ngác nhìn lên những nhịp cầu bê tông, chềnh ềnh đan nối
Hối hả thời gian, ngày ngày khói bụi, vàng vàng vội vội vào ra
Vắng ngắt không gian, đêm khuya mệt mỏi, ơ thờ thành phố đèn hoa
Trăng treo nhạt nhòa, ưu phiền le lói
Im lìm đôi lứa ly hôn, đắm chìm bóng tối!...
            
 Ta
Là ý nguyện muôn sông
Lai láng hội dòng
Thành mênh mông biển cả
Ru ngủ dung nham, vỗ về băng giá
Nhớ cội nguồn nên sóng dồn dào dạt, ỳ ào khắp vách đảo bờ châu
In bóng non cao
Thắm màu rừng thẳm
Ôm ấp rong rêu, lũng cạn thung sâu, hồ ao, luồng lạch.
Lưu giữ tinh trời khí đất, tụ hình mây gió giao hoan.
Tương phùng hữu duyên
Thiên lý quyện tình sinh linh kỳ ngộ
Hóa ngọc biếc rạng ngời Vũ Trụ
Cho ngẩn ngơ nhìn, ao ước những hành tinh
Và ngàn sao đêm ríu rít ngắm soi mình!...
             
Ơi những khối thiên nhiên vô sinh
Đang ngùn ngụt cháy tràn, u minh lửa khói
Muốn hóa ngọc hãy tin yêu chờ đợi
Ước mơ nào cũng đọng giọt long lanh
Nhỏ xuống hoang vu, tí tách tỏa duyên lành
Nảy lộc vươn chồi thành núi, thành rừng, thành trời, thành đất
Thành nắng gió mưa mây, thành châu thổ nối mùa xanh suốt
Thành tươi sáng quê hương của biển rộng sông dài!...
            
 Ta
Có hôm nay
Còn có ngày mai
Trên mảnh đất này đầu thai hiện hữu?
Cõi vô thường hay là vĩnh cửu
Mà lã chã lòng chát mặn những lệ châu
Mà cuồn cuộn dòng ngầu đỏ nỗi ưu sầu
Khi thấy người thản nhiên gặt rừng, đốn núi
Cào nát trời đau, vắt kiệt cùng đất mỏi
Vét cạn biển sâu, bẻ quặt quẹo sông ngòi
Rải thảm bom mìn, vằm xương tan thịt nát, chặt máu chảy đầu rơi?
           
 Ta
Thấp thỏm trôi
Cồn cào vỗ sóng
Chớp báo, sấm cầu chói lòa, vang động
Bão xoáy rú gào chất vấn lương tri.
Hỏi tham, sân, si:
Sao giam cầm khôn ngoan trong mù đui ích kỷ
Đập phá nhà mình, cướp phần cháu con, lại thỏa thê hoan hỷ?
            
 Ta
Tít tắp dòng sông
Mênh mông biển cả
Mạch ngầm ươm mềm sỏi đá
Mưa nguồn thúc rộ mầm lên
Như máu ngược xuôi theo hơi thở con tim
Tuần hoàn nuôi sự sống
Kết trái đơm hoa, mong ngọt tình thương, thơm lừng hy vọng
Chan chứa yêu người!...
             
Nhưng người có yêu người
Và người có yêu ta?
Có ai cần nhớ nắng xa
Ai là thường quên không khí
Những ai ước cao sang, ai nào màng vô vị?
            
 Hỡi người
Gấp lắm rồi
Đừng mê muội nữa!
Hoang mạc lan tràn, đang nhồm nhoàm nhai Đất hứa
Đuổi ta đi là nóng chảy Địa cầu
Người ôm bạc vàng, châu báu về đâu?
           
 Ta
Hiện ra
Từ ngọn nguồn cổ tích.
Từ ngày xửa ngày xưa, ngày đầu tiên xưa nhất
Vâng lời Tạo Hóa về đây
Xoay chiều nhiệt động, xoa dịu giải vây
Xây tổ uyên ương, ru tình nước - lửa
Cát bụi hoan hô kết mùa hoa nở
Muôn sắc bừng lên thành xứ sở xanh trong
Thênh thang bao dung
Bạt ngàn bình dị
Mọng ngọt nắng mưa, thơm tho hòa khí
Tự nhiên ban tặng muôn loài…
            
 Đâu cho riêng người
Mà đua đòi chúa tể
Mà giành giật nhau qua hàng ngàn thế hệ
Dại khờ ảo tưởng chiến công
Cung kiếm anh hùng
Giáo khiên hiệp sĩ
Thành quách nghênh ngang, bầy đàn tỉ thí
Đại bác xe tăng xấc xược xâm lăng
Đường cùng khủng bố nhe răng
Đất nước nát tan, rên rỉ oan hồn vì cơn thắng, bại
Tội ác ngất trời mà nghêu ngao vĩ đại!…
Nhưng được gì không ngoài phế tích điêu tàn
Và đến bao giờ biết ngồi khóc ăn năn?
            
 Hỡi đám lữ hành
Từ hư vô đến
Trên con thuyền của tiến hóa đón đưa định mệnh
Trần gian này hiếu khách cưu mang
Cứ hồn nhiên mà vui thú Địa đàng
Cùng làm cùng ăn, cùng cảm thông chia sẻ
Nghĩa lý gì mà bày đặt phân tầng sang – hèn, sướng - khổ
Tự đọa đày nhau, hành hạ kiếp trăm năm?
Có thể đủ quyền uy vơ vét thỏa tham lam
Nhưng không thể lìa trần mà không hoàn trả lại.
Có thể đủ bạo tàn để chất chồng những nấm mồ, những điện thờ uy nghi vững chãi
Nhưng đùng hòng lừa thời gian mà bất tử, vĩnh tồn!
           
 Hãy tạc dạ ghi lòng
Ơi,
CON NGƯỜI SUY NGHĨ:
Ta
Là TRƯỜNG LƯU THỦY
Dài kỳ cùng và rộng mênh mông
Thắm thiết núi rừng, da diết biển sông
Ầu ơ con thuyền lưu lạc cô đơn, phân vân lần tìm lẽ sống
Va vấp mê lầm nhưng thông minh quả cảm!
            
 Hãy tạc dạ ghi lòng
Ơi,
CON NGƯỜI SUY NGHĨ:
Chẳng thánh thần nào cứu nạn được đâu!
Phải tự nhận ra bến cạn bến sâu
Bờ trong bờ đục
Hướng nào khổ đau, hướng nào hạnh phúc
Để người chọn lấy cho người
Để biết thương ta mà cùng ta giữ gìn
Muôn thuở muôn đời hoa lá xanh tươi!...
 

(Hết Chương XX)
---------------------------------------------------------------------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét