TT & HĐ - 21/a
Thế Gian Vô Thường ( Con Đường Giác Ngộ )
PHẦN II: Nền tảng
" Triết học bắt đầu từ sự ngạc nhiên"
Arixtốt
“Chúng
ta có thể mường tượng thế giới của thực tại như là một dòng nước ngầm;
thế giới hiện tượng thì ở bề mặt; bên dưới nó chúng ta không nhìn thấy
được. Các sự kiện ở tận đáy của dòng nước gây ra bọt và những xoáy nước ở
bề mặt. Đó là những chuyển động bức xạ và năng lượng của cuộc sống
chung của chúng ta, nó tác động tới các giác quan và do đó, kích thích
trí óc chúng ta; ở bên dưới, dòng nước ngầm vẫn chảy”
(Sir James Jeans.)
“Triết
học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của
bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới”
(Ph.Bêcơn)
“Tất cả mọi khoa học cần thiết hơn triết học, nhưng không một khoa học nào tốt hơn nó”
(Arixtốt)
CHƯƠNG X: THÁI CỰC
"Có những chân lý tầm thường và có những chân lý lớn lao. Đối lập với chân lý tầm thường là hoàn toàn sai lầm. Đối lập với chân lý lớn lao cũng là chân lý."
Niels Bohr
Xã hội tồn tại nhờ niềm tin, và phát triển nhờ khoa học.
Henri Frederic Amiel
"Không có khoa học vì
khoa học, không có nghệ thuật vì nghệ thuật. Khoa học nghệ thuật tồn tại
để phục vụ xã hội, để làm con người hạnh phúc hơn, cao thượng hớn, có
kiến thức phong phú hơn và có nhiều tiện nghi vật chất hơn trong đời
sống... ".
Khuyết danh
“Nếu như ngay từ xa xưa vận mệnh khoa học nằm trong tay những người có bộ óc chính xác và chặt chẽ như tôi từng gặp ở một số nhà toán học hiện đại mà tôi rất trọng vọng, thì có lẽ khoa học đã chẳng thể tiến lên phía trước.”
L. Mandelstam
“Toán học là khoa học chính xác. Nhưng cũng vì thế nó cằn cỗi”.
F. Hegel
“Toán học không phải là một quyển sách chỉ gói gọn giữa các tờ bìa mà người ta chỉ cần kiên nhẫn đọc hết nội dung, toán học cũng không phải là một vùng mỏ quý mà người ta chỉ cần có thời gian để khai thác; toán học cũng không phải là một cánh đồng sẽ bị bạc màu vì những vụ thu hoạch; toán học cũng không phải là lục địa hay đại dương mà ta có thể vẽ chúng lại được. Toán học không có những giới hạn như không gian mà trong đó nó cảm thấy quá chật chội cho những khát vọng của nó; khả năng của toán học là vô hạn như bầu trời đầy các vì sao; ta không thể giới hạn toán học trong những quy tắc hay định nghĩa vì nó cũng giống như cuộc sống luôn luôn tiến hóa”.
Cayley
“Toán học chỉ cho ta những phương pháp hoặc những con đường dẫn tới chân lý. Toán học làm cho những chân lý ấy khuất nhất trở thành minh bạch và phơi bày chúng ra trước ánh sáng. Một mặt toán học làm giàu sự hiểu biết của chúng ta, mặt khác nó làm cho suy nghĩ của chúng ta thêm sâu sắc”.
Sylvester
"Toán học như con chiến mã quí độc nhất vô nhị đưa ta qua những cuộc chiến ác liệt để giành những thành quả khoa học oai hùng hơn bao giờ hết! Nhưng nó cũng là con ngựa bất kham đưa ta lạc vào Bát quái trận đồ của sự giả tưởng quá đà."
Ba Đá
Để
mô tả thực tại thì toán học cũng huyên thuyên, hoàn toàn mất chính xác và hoang mang như… triết
học. Do đó nó không đến nỗi cằn cỗi như Hegel nghĩ. Chỉ khi nằm trong sự
qui ước, toán học mới được tạm cho là chính xác. Mà đã trong qui ước
thì triết học cũng chính xác không kém toán học tí nào!
Không
hoặc kém chính xác không có nghĩa là không đúng. Dù sao toán học ngày
nay vẫn là công cụ, là phương tiện không thể thiếu được trong mọi ngành
khoa học tự nhiên khác để nhận thức, định lượng Tự Nhiên Tồn Tại cũng
như trong đời sống thường nhật với những cân đong đo đếm để mưu sinh.
Một thí dụ hiển nhiên về tầm quan trọng to lớn của toán học là nếu không
có toán học, vật lý học không thể tồn tại (hay hiện hữu). Tuy nhiên,
nếu không có vật lý học, toán học cũng chỉ là một cái xác không hoàn
thiện, siêu hình và hoàn toàn là sự bày vẽ chủ quan của con người về
thực tại nếu không chú ý tới công dụng “đong đếm” của nó. Có thể nói
toán học xuất thân từ thực dụng nhưng sự mường tượng từ quan sát thực tại đã làm cho nó mang
tâm hồn thi ca và ngày nay, đối với chúng ta (riêng chúng ta thôi!) nó
đã trở thành huyền bí như một truyền thuyết hoặc nói đúng hơn, đối với
những kẻ “hạ dân”, nó hầu như đã trở thành một thứ ngôn ngữ “đố mày giải mã” được; có hơi
hám của người ngoài hành tinh!
Lấy
toán học ra dẫn nhập cho vui giống như câu chuyện “Cái chăn bông” thôi
chứ thực ra chúng ta muốn tìm hiểu xem người Trung Hoa xưa xây dựng nên
hình vòng tròn thái cực từ ý tưởng nào, hoặc tìm hiểu xem một cách hoàn
toàn tự nhiên, thái cực từ đâu mà có, mà được minh họa như thế (là một
vòng tròn âm dương đề huề, trong âm có dương, trong dương có âm, vừa cân
xứng tĩnh tại, vừa uyển chuyển sống động lạ lùng).
Trước
hết, chúng ta khắc họa lại Hà Đồ - Lạc Thư theo “kỹ thuật số” dưới dạng
mô tả ở hình 30 (xin đảm bảo rằng dù có hơi lạ mắt một chút nhưng bản
chất của chúng là không đổi!)
Có
lẽ, chúng ta nên “ní nuận” một chút. Đã là sự vật - hiện tượng thì phải
trong vùng của sự tạo dựng. Sự tạo dựng nào lại không tuân theo luật nhân quả? Và vì thế mà luật nhân quả chính là đầu mối của việc xuất đầu lộ diện vạn vật - hiện tượng. Đã là kết
quả của tạo dựng thì phải có khởi đầu và kết thúc; có xuất hiện và tan
biến đi. Có thể coi khoảng thời gian giữa xuất hiện và tan biến là sự
sống hay “tuổi thọ” của sự vật - hiện tượng. Một hiện tượng bao giờ cũng
phải có điểm đầu và điểm cuối trong thời gian; một thực thể cũng phải
có hai điểm ấy nhưng vì hai điểm ấy là trùng nhau về “vị trí” so với
chính thực thể nên nó trở thành như tâm của thực thể. Tuy thế, hiện
tượng và thực thể chỉ là hai cách nhìn khác nhau và tùy thuộc vào qui
ước. Ở một góc độ quan sát nào đó, với một qui ước nào đó mà hiện tượng
được thấy như một thực thể và ngược lại. Hiện tượng là do tổng hòa vận động
của các thực thể ở tầng qui mô nhỏ hơn nó hợp thành, nhưng những thực
thể làm nên hiện tượng đó lại cũng chỉ là những hiện tượng được hợp
thành từ nhiều thực thể có qui mô nhỏ hơn nó nữa. Đối với chúng ta, Mặt
Trời là một thực thể, một quả cầu khí cực nóng, nhưng đối với “tầm mắt”
và sự qui ước khác đi, Mặt Trời sẽ được thấy như một hiện tượng!
Hình 30: Một cách biểu diễn Hà Đồ, Lạc Thư
Như
vậy, bất cứ một thực thể nào cũng phải có một trung tâm, trung tâm ấy
so với bên ngoài có thể là dao động, chuyển dời, nhưng so với chính thực
thể thì trung tâm ấy là cố định tuyệt đối, là điểm gốc “đáng tin cậy”,
là linh hồn của chính thực thể ấy (hay hệ thống ấy). Vận động nội tại
của bất cứ sự vật - hiện tượng (hay hệ thống) nào cũng đều theo xu thế
đạt tới sự cân bằng tĩnh qua điểm trung tâm của nó (lúc này gọi là điểm
cân bằng) trong khi tác động của môi trường (thực tại bên ngoài nó, cái
cưu mang nó, làm tiền đề tồn tại (hay hiện hữu) cho nó) lại có xu thế
luôn phá vỡ quá trình tiến tới cân bằng đó. Do đó không có bất cứ sự vật
- hiện tượng nào đạt được trạng thái cân bằng tĩnh tại tuyệt đối (chúng ta
nói như vậy là đã trong qui ước, vì nếu không có qui ước, tính nước đôi
của Tự Nhiên Tồn Tại sẽ làm cho điều khẳng định đó không còn đúng nữa:
trong một khoảng thời gian vô cùng nhỏ, bằng đơn vị thời gian tuyệt đối,
cân bằng tĩnh tại được thấy là trạng thái tuyệt đối!) và một vận động
nội tại được cho là cân bằng thì có nghĩa là nó có tính chu kỳ, tính lặp
đi lặp lại, tính chu trình.
Câu
nói “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông” hay “Một vật vừa là
nó vừa không phải nó” là kết quả của quan sát và cảm nhận được hiện
tượng mà bản chất của nó là những điều chúng ta đã nói ở trên. Tuy
nhiên, “sự đời” không đến nỗi cực đoan như thế! Trong qui ước và trong
một tầng nấc, phạm vi quan sát thực tiễn nào đó thì một sự vật - hiện
tượng được cho luôn là nó khi quan sát không thể phân biệt được sự biến
đổi của nó trong một khoảng thời gian xác định nào đó, hoặc không thể phân
biệt được về hình dáng, lực lượng nhưng những đặc tính (được cho là) cơ
bản của sự vật - hiện tượng đó là không đổi. Câu nói của Héraclite là
rất hay và bởi thế mà nổi tiếng. Nhưng nó gợi cảm hứng thi ca là chủ yếu
chứ chẳng có ý nghĩa gì trong thực tiễn. Ai đó đừng thấy thế, muốn được
nổi tiếng mà vận dụng thành câu nói “Không ai ngủ hai lần với cùng một
người vợ” để phát biểu trước mặt vợ, nhất là mụ vợ có máu Hoạn Thư thì
rất nguy tai: mụ vợ sẽ “nổi tiếng” làm điếc tai hàng xóm, còn bản thân
thằng chồng sẽ phải… tắt tiếng!
Có
thể cho rằng sự vật - hiện tượng, khi nội tại vận động tương đối cân
bằng (theo chu kỳ) thì nó vẫn là nó nhưng khi trung tâm của nó (linh hồn
của nó, điểm cân bằng của nó) bị biến thái đi, phá vỡ sự cân bằng của
vận động nội tại (phá vỡ tính chu kỳ vốn có của vận động nội tại và có
thể là làm nên một vận động cân bằng mới khác về tính chất cũng như lực
lượng) thì lúc đó sự vật - hiện tượng không còn là nó nữa mà trở thành
hoặc không tồn tại (hiện hữu) hoặc là tốn tại sự vật - hiện tượng khác, mang
linh hồn khác.
Chúng
ta có thể coi Hà Đồ trên hình 30/a là một thực thể được cấu tạo nên từ
hai bàn tay năm ngón và có vận động nội tại cân bằng (chu kỳ đếm từ 1
đến 9) đó là một “cơ thể” gồm ba lớp, lớp trong cùng (vòng tròn nhỏ chứa
số 5) chính là trung tâm, là linh hồn của Hà Đồ. Không có cái linh hồn
ấy thì Hà Đồ không thể có cấu trúc và lực lượng như thế được. Con số
trong trung tâm ấy biểu hiện về mặt lực lượng của một bàn tay (năm
ngón). Một lực lượng là không âm mà cũng không dương, nó chỉ thể hiện
tính âm dương khi được đặt trong mối quan hệ tương phản nào đó. Đối với
Hà Đồ thì số biểu thị lực lượng của nó phải là 10 (hai bàn tay năm
ngón).
Theo
quan niệm của người xưa, có năm yếu tố (vật chất) cơ bản cấu thành nên
vạn vật và Vũ Trụ. Hà Đồ là một thực thể nên nó cũng được cấu thành nên
bởi ngũ hành, với một lực lượng xác định (10 ngón tay). Vì lẽ đó, ở đây
ta có thể tạm gọi Hà Đồ là một Ngũ hành.
Trong
trường hợp thực thể chỉ là một bàn tay thôi thì có thể cho nó là một
Ngũ hành được không? Xem lại hình 29/a, chúng ta thấy rằng rõ ràng nó là
một thực thể thỏa mãn mọi qui ước về thực thể (thỏa mãn định nghĩa), do
đó câu trả lời là khẳng định. Thực thể một bàn tay cũng có một trung
tâm và có một vận động nội tại cân bằng quanh trung tâm ấy làm xuất hiện
lưỡng nghi, tứ tượng.
Tuy
nhiên, hình 30/a cho chúng ta thấy thực thể bàn tay đóng vai trò như
một hạt nhân của Hà Đồ. Nghĩa là xảy ra hiện tượng các Ngũ hành nhỏ hơn
có thể kết hợp thành một Ngũ hành có qui mô lớn hơn.
Mặt
khác, theo thuyết âm dương thì vô cực rồi thái cực, thái cực sinh lưỡng
nghi, lưỡng nghi làm xuất hiện tứ tượng. Thực thể một bàn tay nói trên
có một hạt nhân trung tâm của nó và nó xuất hiện được là nhờ hạt nhân
trung tâm ấy. Lúc này hạt nhân đóng vai trò đơn vị, không thể phân chia
vì nếu phân chia thì không có cách nào
tạo nên được thực thể một bàn tay (năm ngón). Hơn nữa, trong nội tại
của thực thể bàn tay, hạt nhân ấy là không âm không dương, đóng vai trò
“ông trọng tài” trong phân định lưỡng nghi, và là “kẻ trung gian” trong
sự chuyển hóa lưỡng nghi ấy. Do đó có thể tạm gọi cái hạt nhân đó là Vô
cực và cái thực thể một bàn tay ấy là Thái cực. Từ đây, chúng ta rút ra:
Vô cực làm hình thành nên Thái cực; và từ trên, chúng ta rút ra: Thái
cực làm nên Ngũ hành.
Các
khái niệm Vô Cực, Thái Cực, Ngũ hành chỉ mang ý nghĩa tương đối trong
mối quan hệ sinh thành giữa chúng chứ thực ra những nhãn mác ấy đều nói
về thực thể. Một Vô Cực có thể là một Thái Cực nếu so nó với nội tại nó
và cũng có thể là một Ngũ hành nếu so nó với nội tại của thực thể đơn vị
nào đó làm nên nội tại nó. Một Ngũ hành có thể là một Thái Cực nếu so
sánh nó với Ngũ hành mà những thành phần như nó cấu tạo nên và cũng có
thể là một Vô Cực (không thể phân chia!) nếu so nó với Ngũ hành được tạo
nên từ những Ngũ hành (lúc này đóng vai trò là những Thái Cực) mà nó và
những thành phần như nó vừa lập nên.
Tóm
lại: Từ Vô Cực mà thành Thái Cực, từ Thái Cực mà thành Ngũ hành, từ Ngũ
hành mà có Vạn vật - Hiện tượng. Đó cũng chính là nội dung cốt lõi của
thuyết Âm dương - Ngũ hành kết hợp, được hoàn thiện bằng “Thái Cực đồ thuyết” của Chu Đôn Di:
“Vô
Cực mà là Thái Cực. Thái Cực động mà sinh Dương, động đến cực độ thì
thành tĩnh. Tĩnh sinh ra âm, tĩnh đến cực độ lại trở về động. Một động
một tĩnh tương hỗ nhau thông qua gốc chung. Âm Dương phân định mà thiết
lập Lưỡng Nghi.
Dương
và Âm kết hợp, biến hóa mà ra Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ, năm nguyên tố
phân bố theo thứ tự, thành bốn thời kỳ vận hành tuần hoàn.
Ngũ
Hành hợp nhất là Âm Dương, Âm Dương hợp nhất là Thái Cực. Bản chất của
Thái Cực là Vô Cực. Ngũ Hành phân định, tạo ra các đặc tính…”
(Vô
Cực nhi Thái Cực. Thái Cực động nhi sinh Dương, động cực nhi tĩnh, tĩnh
nhi sinh Âm, tĩnh cực phục động. Nhất động nhất tĩnh hổ vi kỳ canh,
phân Âm phân Dương lưỡng nghi lập yên.
Dương biến Âm hợp nhi sinh Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ, ngũ khí thuận bố, tứ thời hành yên.
Ngũ Hành nhất Âm Dương dã, Âm Dương nhất Thái Cực dã. Thái Cực bản Vô Cực dã. Ngũ Hành chi sinh dã, các nhất kỳ tính.)
Bây giờ, chúng ta sẽ tìm cách phán đoán xem, trên cơ sở nào mà người xưa suy luận ra các biểu tượng của Thái Cực.
Biết
rằng người xưa đã quan niệm số lẻ là mang tính dương, số chẵn là mang
tính âm. Chúng ta không chú ý đến sự biểu hiện chuyển hóa của nội tại Hà
Đồ theo lực lượng nữa mà theo âm - dương của quan niệm người xưa (mà
chúng ta cho rằng quan niệm đó là chưa đúng), chúng ta sẽ có một Hà Đồ
“âm - dương” ở hình 31/a.
Hình 31: Các hình biểu tượng về Thái Cực
Có
lẽ vào đời Đường, quan niệm Vô Cực còn chưa có hoặc có mà chưa rõ ràng,
hoặc Vô Cực là không thể hiện được, mà người xưa, từ bố trí âm - dương
trong Hà Đồ ở hình 31/a, đã phải mô tả sự chuyển hóa âm - dương, lưỡng
nghi như hình 31/b (nét gạch đứt đoạn) và từ đó mà có biểu tượng Thái
Cực mô tả ở hình 31/c.
Đến
thời kỳ quan niệm về Vô Cực trở nên “chính thống”, Thái Cực không thể
tự dưng có mà phải là từ Vô Cực thì biểu tượng Thái Cực không thể thiếu
được bộ phận hạt nhân đóng vai trò như bản thể, linh hồn của nó. Có thể
là từ suy nghĩ đó mà Lai Trí Đức đã đề xướng nên biểu tượng Thái Cực như
hình 31/e.
Từ hình 31/a, một cách trực tiếp sẽ làm xuất hiện ngay biểu tượng Thái Cực kiểu Chu Đôn Di ở hình 31/d.
Chúng
ta nhớ lại rằng hình vẽ Hà Đồ dạng nguyên thủy thực chất là có đến ba
lớp (vòng tròn nhỏ ở trung tâm và ba lớp kế tiếp nhau. Phải chăng Chu
Đôn Di đã dựa trên hình Hà Đồ đó để “tạo dựng” ra biểu tượng Thái Cực
của ông?
Theo
chúng ta thì biểu tượng Thái Cực kiểu Chu Đôn Di ở hình 31/d, thể hiện
cái vẻ của một thực thể có một nội tại đã khá phức tạp, có tính “Ngũ
Hành” nhiều hơn và thực tế là sự suy ra từ một cái mà chúng ta đã gọi là
Ngũ Hành và trong Ngũ Hành đó có một Thái Cực. Cho nên đúng hơn, chúng
ta gọi đó là biểu tượng của Ngũ Hành mà biểu tượng của Thái Cực là phần
bên trong nó và trong Thái Cực là biểu tượng của Vô Cực. Chúng ta thể
hiện điều suy nghĩ này ở hình 32:
Hình 32: Biểu tượng của Ngũ Hành, Thái Cực, Vô Cực
Thế
còn biểu tượng của Thái Cực mà ngày nay chúng ta thường thấy trong các
sách thì xuất hiện từ đâu? Khó mà biết được nó xuất phát từ đâu, nhưng
nhiều khả năng là có nguồn gốc từ hình Thái Cực đời Đường. Có thể thái
cực đời Đường khó vẽ, trông “hơi xấu xí”, hoặc cũng có khi là vì nó gợi
hình hai con gì đó trông có vẻ rờn rợn (rồng chăng?), mà người ta “điều chỉnh” để có
hình biểu tượng của Thái Cực vừa hài hòa vừa đầy đặn và dễ vẽ hơn như
hiện nay chúng ta thấy? Không phải vậy đâu: chắc rằng đã có người nào đó
ngắm rất kỹ hình 31/c và ngộ ra rằng nó chỉ có thể là biểu tượng của
Ngũ Hành và phần được giới hạn trong vòng tròn ở giữa của hình 31/b mới
chính là biểu tượng của Thái Cực!
Chúng
ta không đồng thuận với qui ước cho số chẵn là mang tính âm và số lẻ là
mang tính dương vì có vẻ kiên cưỡng, cực đoan quá! Bằng một con đường
suy tư khác, chúng ta sẽ đề xướng ra các biểu tượng của Ngũ Hành, Thái
Cực (điều lạ lùng là chúng cũng có dáng vẻ tương tự hoặc hoàn toàn giống
với những biểu tượng mà người xưa đã vẽ ra!).
Quay
về ngắm lại Ngũ Hành ở hình 30/a chúng ta thấy nó được phân ra bởi hai
đoạn thẳng thành bốn phần bằng nhau (một phần tư hình tròn), chung một
trung tâm là vòng tròn trong cùng (mang số 5). Bốn phần đó là tương
phản, đối ứng nhau từng đôi một qua trung tâm. Một cách trực giác, chúng
ta cũng thấy chúng đồng thời nằm trong hai mối quan hệ tương phản về
lực lượng và tương phản về vị trí.
Về
mặt lực lượng, chúng tương phản nhau qua 5. Số 5 được cho là không ít
không nhiều do đó số nhỏ hơn 5 được cho là ít và nếu ta đặt “ít” là âm
thì số lớn hơn 5 là nhiều, phải là dương. Nghĩa là nếu ta trừ tất cả các
số có trong hình 30/a cho 5, ta sẽ có một Ngũ Hành bộc lộ tính âm dương
mô tả ở hình 33/a. Chúng ta có thể mượn cách biểu diễn bằng toán học để
nói rõ điều vừa nói:
Về
mặt vị trí, nếu ta cho các phần ở bên trái là dương (phần I và IV) thì
các phần ở bên phải (phần II và III) là âm. Như vậy mỗi một phần đều
xuất hiện hai lần dấu tương phản âm hoặc dương và chúng ta mô tả điều đó
(theo như đã qui ước) trên hình 33/b. Dùng dấu gạch chéo để phân biệt
các vùng, chúng ta sẽ có một biểu tượng Ngũ Hành tương tự như hình Ngũ
Hành kiểu Chu Đôn Di (hình 32/a) và nếu phân tách ra chúng ta cũng có
biểu tượng Thái Cực giống hệt hình 32/b. Chúng ta có thể đọc tên các
vùng trong hình 33/c, theo thứ tự từ trái qua phải (từ vùng trung tâm là
Vô Cực ra) là: Vùng toàn dương, vùng dương – âm, vùng toàn âm và vùng
âm – dương.
Hình 33: Các bước làm xuất hiện biểu tượng Ngũ Hành
Để
làm xuất hiện biểu tượng Thái Cực như thường thấy ngày nay, chúng ta
phải dùng đến hình Lạc Thư (hình 30/b). Bằng cách trừ đi 5 và qui ước số
nhỏ hơn 5 là âm; lớn hơn 5 là dương, tương tự như trên, đồng thời qui
ước vùng trung tâm khi trừ đi 5 là không thể hiện (Vô Cực, tồn tại nhưng
không hiện hữu!), chúng ta sẽ có hình 34/a.
Dùng
chữ “S” để phân chia ra hai phần, chúng ta thấy mỗi phần đều có tính
chất hoặc hầu hết là dương, chỉ có “chút” âm hoặc ngược lại, hầu hết là
âm, chỉ có chút dương, nghĩa là trong âm có dương và trong dương có âm.
Hình 34: Biểu tượng Thái Cực được xây dựng từ Lạc Thư.
Từ hình 34/a, với một cái búng tay, chúng ta đã có biểu tượng Thái Cực mà ngày nay được dùng phổ biến (hình 34/b).
(Còn tiếp)
Nhận xét
Đăng nhận xét