CUỘC CHIẾN THẦN THÁNH 44/7

-Xét được sống còn trong no đủ là mưu cầu cơ bản và ước nguyện chính đáng của mọi cuộc đời, thì sẽ phân biệt được chiến tranh phi nghĩa và chiến tranh chính nghĩa, sự phòng vệ chính đáng cũng như sự bắt buộc hạ sát lực lượng đối kháng. Và khi phải hành động xả thân vì lẽ phải, con người trở nên vô cùng cao quí.
-Nhưng xét trên bình diện đánh giá sự sống là thứ quí giá nhất trên đời, thì giết chóc lẫn nhau, dù là giết chóc bắt buộc, là hành động điên rồ tột bậc của con người và chiến tranh, dù là chiến tranh chính nghĩa, vẫn là sự ngu xuẩn vô hạn, dù là sự ngu xuẩn tự giác, nhân danh bảo vệ sự sống! 
-Đứng lên trên tất cả mà phán xét, thì:
trí tuệ siêu việt của con người thậm ngu ngốc!
-Chân lý là đây:
Chiến tranh là mệnh lệnh tối thượng của tự nhiên mù quáng đối với trí tuệ sáng suốt của loài người: hãy giết chóc lẫn nhau!
-Mục đích của mọi cuộc chiến tranh, của mọi phía xung đột đều là danh lợi. 
-Xét như thế mới hiểu được vì sao một dân tộc nhỏ bé, lạc hậu dám kiên quyết tiến hành chiến tranh với một siêu cường để giành lấy sự sống, thoát kiếp nô lệ.
-Và nhất là khi dân tộc đó giành được thắng lợi, thì thắng lợi đó như là của thần thánh.
-Như vậy, muốn không còn chiến tranh nữa, con người phải thực sự phải biết tôn sùng cuộc sống, coi cuộc sống là thứ tối thượng, không được xâm phạm, hoặc không còn lòng tham và tính tư hữu hoặc trở lại suy nghĩ tăm tối như hươu, nai, hoặc triệt tiêu hận thù.
-Nhưng hết chiến tranh rồi, xã hội loài người có hết bạo tàn, giết chóc lẫn nhau? 
-Và vô cớ tàn sát sinh linh, con người có phải là loài ác độc nhất trong muôn loài sinh vật!?
-Chiến tranh, dù có thần thánh đến mấy, thì cũng là hành động mang hơi hám của ác quỉ! 

-----------------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)
 
Việt Nam Thiên Lịch Sử Truyền Hình Tập 7

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 nhìn từ phía bên kia

Kể từ khi Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 kết thúc đến nay, tại Mỹ và một số nước phương Tây đã xuất bản nhiều ấn phẩm, công trình nghiên cứu cùng nhiều bài báo, tạp chí bình luận của các nhà nghiên cứu, học giả, trong đó có các tướng lĩnh Mỹ trực tiếp tham chiến. Tuy nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng phần lớn đều cho rằng, Mỹ đã thất bại thảm hại trong Chiến dịch có một không hai này.
Khe Sanh địa bàn có vị trí chiến lược đối với cả hai bên tham chiến. Với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, đây là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam. Còn đối với quân Mỹ, đây là tuyến phòng ngự chiến lược, ngăn chặn mọi cuộc tiến công, chi viện của quân Bắc Việt, bảo vệ chế độ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam; bởi thế, cả hai bên đều quyết tâm chiếm, giữ bằng được. Xuất phát từ vị trí đó, hai bên theo dõi nhất cử, nhất động của nhau để hoạch định chiến lược của mình. Từ nửa cuối năm 1967, khi phát hiện nhiều đơn vị chủ lực Quân Giải phóng miền Nam di chuyển khắp chiến trường, Lầu Năm Góc phán đoán sẽ có một kế hoạch quân sự rất lớn của Bắc Việt.
Trước tình hình đó, từ Nhà trắng đến Sài Gòn đã tổ chức nhiều cuộc họp bất thường, các quan chức, tướng lĩnh, sĩ quan Mỹ bàn luận, phán đoán, tranh cãi: Bắc Việt muốn lập một “Trận Điện Biên Phủ” đối với quân Mỹ tại Đường 9 - Khe Sanh. Quá lo ngại sự việc trên, Tổng thống Mỹ Lin-đơn B. Giôn-xơn (Lyndon B. Johnson) yêu cầu các tướng lĩnh “ký tên bằng máu” cam kết rằng, Khe Sanh sẽ không sụp đổ”1. Theo đó, tướng Uy-li-am C. Oét-mo-len (William C.Westmoreland) - Tổng chỉ huy quân Mỹ tại Việt Nam lập tức điều động gần 03 sư đoàn quân Mỹ ra phía Bắc của Nam Việt Nam. Mặc dù đã coi hành động của Quân giải phóng miền Nam tại Khe Sanh là “một sự kiện chính yếu của cuộc tấn công từ phe cộng sản”2, nhưng tướng Oét-mo-len vẫn “tự tin” tuyên bố rằng, với lối đánh, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, hỏa lực mạnh và đặc biệt là căn cứ được xây dựng kiên cố, vững chắc thì “Khe Sanh sẽ mang lại một chiến thắng của Hoa Kỳ”. Nhận định về sự kiện này, tác giả Neil Sheehan đã viết “Những người cộng sản Việt Nam không hề có ý định làm một “Điện Biên Phủ thứ hai” ở đấy. Mục tiêu của họ là Uy-li-am C. Oét-mô-len chứ không phải là pháo đài bị bao vây. Chỗ ấy chỉ là một cái bẫy làm viên tướng tổng chỉ huy không ngờ đến mục đích thật sự”3. Đúng như vậy, Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ động mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh nghi binh chiến lược, nhưng cũng vừa là chiến dịch tiến công thực hiện quyết tâm đánh chiếm bằng được địa bàn này nhằm nối thông tuyến vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam.
Là người theo dõi sát hoạt động của hai bên trong suốt chiến sự diễn ra tại khu vực Đường 9 - Khe Sanh, nhà sử học Mai-cơn Mác-lia (Maicol Maclia) đã mô tả tính chất ác liệt của trận đánh ngay từ ngày đầu tiên: “Rạng sáng ngày 21-01-1968, pháo tầm xa của Bắc Việt mở màn cuộc bao vây Khe Sanh với sự chính xác tai hại”4. Còn báo chí Pháp, nhất là các tờ nhật báo đều đăng tải chiến sự tại Khe Sanh và cho rằng, Mỹ gặp rất nhiều khó khăn về việc bảo đảm: “Ở những ngọn đồi cứ điểm xung quanh Khe Sanh, nạn thiếu thực phẩm và nước uống đã trở nên nghiêm trọng. Cơn đói, khát, cảnh rách rưới đã giày vò những người lính Mỹ bảo vệ Đồi 881 và 861”5. Còn Tập san Quốc tế thì thẳng thắn: “Nhìn vào thực tế của Mỹ và chính quyền Sài Gòn thì tình hình xấu đi về mọi mặt, không hiểu số phận của cuộc chiến đi đến đâu, nhân dân yêu chuộng tự do và hòa bình ở các nước phương Tây đều bất bình. Bản thân cuộc chiến có lẽ sắp đến hồi kết”6.
Qua khối tài liệu mật được giải mã cho thấy, lời thú nhận của tướng lĩnh Mỹ được thể hiện qua các báo cáo gửi về bộ phận an ninh Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời điểm tháng 6-1968, ghi rõ: “Khe Sanh đã trở thành nơi mà lần đầu tiên quân đội Mỹ phải rút bỏ một căn cứ quân sự trọng yếu bởi áp lực của đối phương”7. Báo Tia sáng tại Sài Gòn số ra ngày 27-6 đã miêu tả chi tiết: “Các cuộc rút quân của Mỹ tại Khe Sanh rất bài bản, nhưng vẫn bị đối phương phát hiện và nỗ lực chặn đánh,…”. Tờ Baltimore (Mặt trời) tại Pháp số ra ngày 28-6-1968 cũng đồng tình việc “Mỹ vừa buộc phải rút khỏi Khe Sanh, một căn cứ quân sự được phòng thủ với giá đắt, kết cục thật bi thảm”.
Sau khi quyết định rút quân, Mỹ lo lắng phải đối mặt với các phương tiện truyền thông trong nước. Vì, trước đó 4 tháng, Tổng thống Lin-đơn B. Giôn- xơn đã tuyên bố “sẽ giữ Khe Sanh bằng mọi giá”, thậm chí, phát ngôn viên của Chính phủ Mỹ còn tuyên bố “chiến thắng” và “Khe Sanh đã được giải vây”. Thực tế, phóng viên Giôn Ca-rôn (John Carol) của tờ Mặt trời Ban-ti-mo (Baltimore) đã phơi bày sự thật này, ngày 24-6, quân Mỹ “vừa buộc phải rút bỏ Khe Sanh”. Bộ chỉ huy Mỹ lập tức phản bác tin này, nhưng Giôn Ca-rôn khẳng định, “Các thủy quân lục chiến biết việc này, người Bắc Việt Nam biết việc này”. Sự che đậy vụng về của Nhà Trắng đã bị lật tẩy, làn sóng đấu tranh của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình ở cả Mỹ và các nước trên thế giới tăng cao. Như vậy, mọi toan tính của Mỹ hòng cắt đứt tuyến chi viện chiến lược của Bắc Việt Nam từ các căn cứ quân sự vùng giới tuyến không thực hiện được. “Phán quyết của lịch sử về Khe Sanh cho là Mỹ đã thua và buộc tội Tướng Uy-li-am C. Oét-mô-len hơn là công nhận một sự thực về bản hùng ca đã bảo vệ được cả quốc gia đứng vững trong thời gian tổng công kích từ tháng Giêng đến tháng Tư năm 1968”8.
Tựu trung lại, tuy còn có sự nhận thức chưa đồng thuận xung quanh một số vấn đề liên quan đến chiến sự tại Đường 9 - Khe Sanh; song, về phía Quân Giải phóng miền Nam, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 đã góp phần giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính quyền của Tổng thống B. Giôn-xơn phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, cử đại diện đàm phán với Hà Nội tại Hội nghị Pa-ri (Paris). Còn về phía Hoa Kỳ, thất bại ở Đường 9 - Khe Sanh làm sâu sắc thêm sự phân hóa, chia rẽ nội bộ Mỹ; thúc đẩy phong trào phản chiến trong các tầng lớp nhân dân. Đúng như nhà sử học Ronald Spector nhận xét: “Không có lý do nào hợp lý để coi trận đánh Khe Sanh là một chiến thắng của Hoa Kỳ như họ đã tuyên bố. Với việc rút bỏ căn cứ Khe Sanh đã khắc sâu trong tâm trí của nhiều người Mỹ như là một biểu tượng của sự hy sinh vô nghĩa và những chiến thuật lộn xộn đã khiến cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam đi đến thất bại”9.
Từ khi chiến sự Đường 9 - Khe Sanh kết thúc cho đến nay, các nhà hoạch định chiến lược, nhiều tướng lĩnh và các nhà báo, phóng viên các tạp chí lớn của Mỹ và một số nước phương Tây tập trung nghiên cứu phân tích, đánh giá và thống nhất đưa ra một số nguyên nhân thất bại của Mỹ.
Một là, Hoa Kỳ thua vì không đảm bảo được vật chất phục vụ sinh hoạt của binh lính Mỹ ở Khe Sanh. Số phận của hơn 6.000 lính Mỹ trong căn cứ Khe Sanh hoang mang, dao động và nỗi ám ảnh nhất là cái chết đang cận kề. Đến tận bây giờ, cựu binh Mỹ John Scott Jones vẫn không thôi bị ám ảnh và than thở rằng: “Chúng tôi đã ở dưới những căn hầm trú ẩn nhỏ, có rất nhiều bom đạn thả xuống, rất nhiều người chết và bị thương”. Chia sẻ với binh lính Mỹ, Hãng tin AP đưa ra bình luận rằng, “Sống ở Khe Sanh nào khác gì kẻ bị kết án ngồi trên ghế điện”.
Hai là, Quân Giải phóng miền Nam đã thiết lập hệ thống công sự, trận địa vây, lấn được kiểm nghiệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) để đối phó với vũ khí, trang bị, kỹ thuật hiện đại, hỏa lực mạnh của Mỹ. Để lý giải cho điều này, Tư lệnh quân chiến đấu Mỹ tại Khe Sanh viết trong báo cáo rằng, chúng phải sử dụng đến 1.000 viên đạn pháo chỉ để phá hủy 30 mét đường hào cùng một vài người lính của Quân Giải phóng miền Nam.
Ba là, Quân Giải phóng miền Nam vừa thực hiện được đòn nghi binh chiến lược, vừa quyết tâm chiếm giữ Đường 9 - Khe Sanh. Đúng như tác giả Mai-cơn Mác-lia trong cuốn “Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày” đã nhận xét: “Các trận đánh trong Tết Mậu Thân làm cho người ta có cảm tưởng rằng Khe Sanh có vẻ như là cuộc bao vây để đấy mà thôi. Nếu vậy, thì Bắc Việt Nam là bậc thầy trong việc nghi binh”10. Điều này còn được khẳng định trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9-1994 của đại tá Hoa Kỳ khi ông phỏng vấn đại tướng Võ Nguyên Giáp về cuộc tiến công Đường 9 - Khe Sanh năm 1968. Đại tướng cho biết: “ông biết khả năng không quân của Mỹ là cực mạnh khiến việc lặp lại Điện Biên Phủ là không thể, mục tiêu thực tế mà ông theo đuổi là gây cho quân Mỹ thương vong lớn khiến họ phải sa lầy, nhụt chí và cuối cùng phải tự rút khỏi đó. Thực tế ông đã đạt được mục tiêu đó sau 6 tháng giao chiến khiến quân Mỹ liên tục bị tiêu hao sinh mạng ở mức độ cao”.
Bốn là, Quân Giải phóng miền Nam có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tài giỏi, cùng với tất cả cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng khác đã kiên quyết, liên tục tiến công đối phương (quân Mỹ) là một yếu tố quan trọng tạo sức đột phá mạnh, giành thắng lợi nhanh, hạn chế thương vong, tổn thất. Đặc biệt là, công tác xây dựng yếu tố chính trị, tinh thần và nhiệm vụ tác chiến của từng đơn vị, từng hướng, từng mũi, góp phần củng cố ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm chiến đấu, giành thắng lợi.
Tuy nhiên, cũng có một số sách, báo được phát hành tại Mỹ đã cố tình bào chữa cho những sai lầm của Mỹ kể từ khi họ tính toán để thiết lập tuyến phòng thủ Khe Sanh (từ năm 1962) cho đến khi chiến sự Đường 9 - Khe Sanh kết thúc. Dù thế nào đi chăng nữa thì thất bại thảm hại tại Khe Sanh là không thể đảo ngược. Tờ Thời báo New York đưa tin từ Hồng Công cũng nhấn mạnh rằng: “70% người Châu Á tin rằng lý do Mỹ phải bỏ Khe Sanh là bởi họ đã bị đối phương đánh bại”.
Đại tá, TS. TRƯƠNG MAI HƯƠNG, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
________________
1 - Mai-cơn Mác-lia, Việt Nam - Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Sự thật, H. 1990, tr. 149.
2 - Theo Tài liệu Mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, lưu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
3 - Neil Sheehan - Sự lừa dối hào nhoáng, Nxb CAND, H. 2003, tr. 844.
4 - Mai-cơn Mác-lia - Việt Nam - Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb. Sự thật, H. 1990, tr. 148.
5 - Báo Pháp Paris Pret (Paris X.press), số ra ngày 10-3-1968.
6 - Sđd, số ra ngày 02-3-1968.
7 - Theo Tài liệu Mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, lưu Thư viện Quân đội.
8 - Trần Hồng Tâm dịch từ “5 điều bạn chưa biết về Khe Sanh” của Thomas E.Ricks, FP, May 5, 2014; điểm cuốn “Gian hàng cuối cùng tại Khe Sanh” của Gnegg Jones.
9 - Tài liệu Mật Bộ Quốc phòng Mỹ, lưu tại Thư viện Trung ương Quân đội.
10 - Mai-cơn Mác-lia - Việt Nam - cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Sự thật, H. 1990, tr. 149.

Đại tướng Phạm Văn Trà: 'Chiến dịch Mậu Thân là một quyết định táo bạo'

Trước những hy sinh mất mát lớn của đồng đội trong chiến dịch Mậu Thân 1968, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà chia sẻ nhiều trăn trở.
Đại tướng Phạm Văn Trà (nguyên Bộ trưởng Quốc phòng 1997-2006, tham gia chiến tranh chống Mỹ tại chiến trường miền Tây Nam Bộ từ năm 1964 đến ngày thống nhất đất nước) trả lời phỏng vấn VnExpress về cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.
- Bối cảnh tiến hành cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là gì thưa đại tướng?
- Trước đó Mỹ từ chối công nhận Hiệp định Genève 1954, đưa quân vào Việt Nam phá hoại không cho hai miền Nam – Bắc thực hiện cuộc Tổng tuyển cử thành lập chính phủ liên hiệp thống nhất đất nước.
Khi thất bại cuộc chiến tranh cục bộ 1960-1964, Mỹ muốn tìm kiếm một giải pháp cho cuộc chiến tại Việt Nam. Trong chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố "Việt Cộng không còn đủ sức đánh lớn được nữa. Mỹ sẽ rút quân để hai miền chiến đấu với nhau". Đùng một cái chúng ta mở chiến dịch Tết Mậu Thân đánh vào 54 thành phố, thị xã trên toàn miền Nam. Một chiến dịch lớn nhất tính đến thời điểm đó đã khiến Mỹ không thể ngờ tới cuộc chiến ở Việt Nam sẽ còn kéo dài.
Lúc ấy, Quốc hội Mỹ tuyên bố Johnson nói dối, người Mỹ không còn tin vào tổng thống. Chính trận Mậu Thân là bước ngoặt lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, buộc Mỹ phải chấp nhận thương lượng, đàm phán bằng một hiệp định mới chứ không còn giải pháp nào khác. Nhờ đó chiến tranh Việt Nam rút ngắn, đi đến kết thúc.
Đại tướng Phạm Văn Trà. Ảnh: Trần Duy.
Đại tướng Phạm Văn Trà: "Chiến tranh là tàn phá ác liệt, phải cố gắng giữ lấy hòa bình, đừng để nó tái diễn". Ảnh: Trần Duy.
- Các chiến sĩ biệt động Sài Gòn lúc đó ở tâm thế đánh một trận quyết định cuối cùng. Khi phát động chiến dịch, Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam nói gì về mong muốn giải phóng miền Nam ngay trong năm 1968?
- Năm ấy đồng chí Lê Duẩn từ Liên Xô về, nói không thể đánh theo lối cũ mà phải giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ và phải "vừa đánh vừa đàm" bởi chênh lệch lực lượng giữa hai bên còn rất lớn. Đó là ý đồ chiến lược.
Khi ấy, miền Nam còn hơn nửa triệu quân Mỹ và hơn 1,2 triệu quân Việt Nam Cộng Hòa. Dù chúng ta đánh vào hầu hết các thành phố ở miền Nam nhưng chưa đánh được các lực lượng quân sự của Mỹ, nên không thể giải phóng ngay lúc đó được.
Tuy không dám phổ biến ý định trên, song ý đồ đó tôi cho là táo bạo. Nếu cấp trên phổ biến lơ là thì ở dưới quyết tâm không cao nên phải nói để tất cả tập trung đánh quyết liệt cho Mỹ thấy rằng cuộc chiến còn kéo dài, để Mỹ phải rút quân. 
Lúc tham gia chiến dịch tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 309 Trung đoàn 1 U Minh (Quân khu 9), được phổ biến lệnh có mức độ, bởi toàn bộ chủ trương của chiến dịch phải giữ bí mật tuyệt đối. Quá trình đánh tôi mới hiểu dần, trước mỗi trận đánh mới vừa đi vừa phổ biến mục tiêu và cố gắng giữ được trận địa càng lâu càng tốt.
Cũng chính vì rất bí mật, nên có những trục trặc. Ví dụ, ở Sài Gòn biệt động thành đánh rất mạnh vào Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ tổng tham mưu… nhưng lực lượng quân chủ lực chỉ đánh vòng ngoài nên hỗ trợ không được mấy. 
Đó là điều đáng tiếc nhưng phổ biến cụ thể sẽ bị lộ không đánh được. Chính điều này cũng dẫn đến sơ hở, bộc lộ hết các cơ sở lực lượng bí mật trong nội thành, sau này rất khó khăn để gầy dựng lại.
- Lực lượng của chúng ta đã thiệt hại rất lớn trong đợt một, từ rạng sáng Mùng 2 Tết Mậu Thân (31/1/1968) đến cuối tháng 2/1968 nhưng vẫn đánh tiếp nhiều đợt sau. Sự thống nhất của các cán bộ cấp cao ở Trung ương về cách đánh thời điểm đó như thế nào?
- Phải nhấn mạnh rằng, cuộc tiến công đợt một trên toàn miền Nam chiến thắng lớn, tác động làm cho nhân dân Mỹ hiểu rằng cuộc chiến tranh không có kết thúc, phải có hiệp định mới cho Việt Nam. Mỹ vẫn chưa chịu vào bàn đàm phán Paris nên ta phải đánh tiếp đợt ba cuối năm đó.
Quân khu 9 chúng tôi đánh đến đợt bốn, tháng 1/1969, lúc ấy Mỹ mới chấp nhận vào Hiệp định 4 bên Paris (gồm Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Mỹ, Việt Nam Cộng hòa, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam).
Thiệt hại của chúng ta rất lớn. Như tiểu đoàn của tôi từ 1.100 người đến cuối chiến dịch chỉ còn khoảng 200 người. Trên toàn miền Nam các đơn vị cũng hy sinh rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng, kết quả cuối cùng ta thắng lợi. Phải chấp nhận hy sinh, thiệt hại để đi đến chiến thắng về chính trị, kết thúc được chiến tranh.
Nhiều người ngoài cuộc và một số cán bộ miền Bắc trước đây không ra chiến trường, hỏi "tại sao hết quân nhưng vẫn đánh?". Họ không hiểu rằng mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh đều có mục đích. Ở đây là vì Mỹ lần lữa, nên ta phải đánh để buộc Mỹ vào Hiệp định Paris. Khi đạt rồi thì đấy là thắng lợi, dù hy sinh đến mấy cũng là thắng lợi.
Sau Hiệp định Paris, ta còn phải thực hiện ba chiến dịch lớn nữa mới kết thúc chiến tranh. Đó là chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971, trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 và trận Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972. Mỹ phải chấp nhận ý kiến của ta, rút quân, tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, để nội bộ Việt Nam tự giải quyết.
Có thể nói trong chiến tranh chống Mỹ, cố Tổng bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Văn Tiến Dũng có vai trò chủ yếu. Nhưng công của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất lớn vì ông là Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân.
Ông Lê Đức Thọ bắt tay ông Henry Kissinger sau khi các bên ký Hiệp định Paris ngày 23/1/1973. Ảnh: AFP.
Ông Lê Đức Thọ bắt tay ông Henry Kissinger sau khi các bên ký Hiệp định Paris ngày 23/1/1973. Ảnh: AFP.
- Một số phân tích nói, từ chiến dịch Điện Biên Phủ, Mậu Thân đến trận chiến ở Thành cổ Quảng Trị ta sử dụng chiến thuật dùng sức người vào các trận chiến, đánh đổi sự tổn thất lớn mới có thể giành thắng lợi. Đại tướng có thể phân tích về điều này?
- Chỉ dùng sức người làm sao chiến thắng được phương tiện kỹ thuật, mà phải có mưu kế, có sách lược. Sau này sang Mỹ, tôi từng nói với Bộ trưởng Quốc phòng của họ rằng "người Mỹ học kỹ thuật đánh nhau nhiều hơn, nhưng trong chiến tranh ông nào xử trí nhanh hơn, bình tĩnh hơn thì sẽ thắng".
Chiến dịch đánh vào Thành cổ Quảng Trị 1972, nhiều người hỏi tại sao đánh đến 81 ngày đêm, khi mỗi ngày có một đại đội hy sinh. Vì họ chưa hiểu được chiến trường miền Nam, nhờ có trận Thành cổ Quảng Trị đối phương mới phân tán, rút lực lượng ở các vùng chiến thuật chi viện cho Quảng Trị. Vì vậy ta chiếm được thế thượng phong khi Hội nghị Paris đàm phán trở lại và tạo điều kiện cho cách mạng miền Nam vực dậy.
Tương tự, trước đó, khi mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, chỉ có một ngọn đồi A1 nhưng chúng ta hy sinh từ đầu đến cuối mà vẫn đánh. Bởi đến khi chiếm được đồi A1 rồi thì Pháp phải đầu hàng ngay.
Trở lại cuộc Tổng tiến công Mậu Thân này, nhiều người cứ hỏi tại sao ta hy sinh gần như hết người mà vẫn đánh mãi. Bởi vì Mỹ khi ấy không chịu ngồi vào bàn đàm phán thì chúng ta phải đánh cho đến khi họ chấp thuận. Như Bác Hồ nói, dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn, cũng quyết giành cho được độc lập tự do - mục đích cuối cùng của chiến tranh.
- 50 năm nhìn lại cuộc tổng tiến công Mậu Thân, điều ông trăn trở nhất là gì?
- Khi cùng đoàn sĩ quan 160 người, hầu hết anh em ở Đồng bằng Sông Hồng vào miền Nam chiến đấu, tôi hồn nhiên không suy nghĩ gì cả. Đến khi thống nhất đất nước chỉ còn lại 16 người, mà hy sinh nhiều nhất năm Mậu Thân.
Tôi sống sót là may mắn, nhưng còn bao nhiêu người hy sinh, bị thương, bao nhiêu gia đình mất con mới có được ngày hôm nay. Anh em cùng chiến đấu đã nằm lại chiến trường miền Nam, nên sau khi về hưu tôi tập trung đi làm công tác đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa cho đồng đội, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ có thể nói là cuộc chiến ác liệt nhất, gian khổ nhất, hy sinh nhiều nhất. Riêng chiến dịch Mậu Thân thắng lợi nhưng hy sinh quá nhiều. Tôi nói điều này để tất cả mọi người sống hôm nay thấy rằng chiến tranh là tàn phá ác liệt, phải cố gắng giữ lấy hòa bình, đừng để nó tái diễn.
Tuyết Nguyễn - Trần Duy
  
Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh: Tiêu biểu nghệ thuật quân sự Việt Nam

Đánh thắng chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất của đế quốc Mỹ ở miền Bắc (giữa 1965 đến 1968).

08/04/2005
Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ". Nội dung của chiến lược này là sử dụng quân Mỹ làm lực lượng cơ động...
ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC "CHIẾN TRANH CỤC BỘ"
Ở MIỀN NAM VÀ CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI BẰNG KHÔNG QUÂN
HẢI QUÂN LẦN THỨ NHẤT CỦA ĐẾ QUỐC MỸ
Ở MIỀN BẮC (GIỮA 1965 ĐẾN 1968).
     Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược "Chiến  tranh cục bộ". Nội dung của chiến lược này là sử dụng quân Mỹ làm lực lượng cơ động, chủ yếu để tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; quân ngụy làm lực lượng chiếm đóng, bình định, kìm kẹp nhân dân hòng đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 - 30 tháng (từ giữa 1965 đến 1967).
     Để thực hiện chiến lược này, chúng đưa vào miền Nam hơn nửa triệu quân Mỹ và quân đội một số nước chư hầu. Đồng thời, sử dụng không quân và hải quân mở chiến dịch "Sấm rền", đánh phá ác liệt với mưu đồ "Đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá", hòng ngăn chặn chi viện từ miền Bắc và quốc tế vào miền Nam. Số bom của chúng ném xuống miền Bắc lớn hơn hai lần số bom của Mỹ và đồng minh ném xuống khu vực Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ 2.
     Trước tình hình leo thang chiến tranh của địch và những khó khăn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung ương Đảng họp các hội nghị lần thứ 11 (3-1965), lần thứ 12 (12-1965), trên cơ sở phân tích một cách khoa học so sánh lực lượng giữa ta và địch, Trung ương khẳng định sự thất bại không tránh khỏi của đế quốc Mỹ và hạ quyết tâm động viên lực lượng cả nước giữ vững chiến lược tiến công, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, kiên quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
     Ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi lịch sử, kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước. Người khẳng định: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
     Trên chiến trường miền Nam, các phong trào "Dũng sĩ diệt Mỹ", "tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt", "Bám thắt lưng địch mà đánh", "Căng địch ra mà đánh, vây chúng lại mà diệt", dấy lên khắp các chiến trường và các địa phương miền Nam. Tiêu biểu là chiến thắng Núi Thành (26-5-1965), Vạn Tường (18-19/8/1965), Plây me (19/10 - 26/11/1965), Bầu Bàng - Dầu Tiếng (12/11 - 22/11/1965) và các chiến công vang dội đập tan hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966; 1966 - 1967) của Mỹ ở miền Nam, đẩy Mỹ vào thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược.
     Trên hậu phương miền Bắc đã diễn ra sôi nổi các phong trào thi đua như: "Ba sẵn sàng" của thanh niên, "Ba đảm đang" của phụ nữ, "Tay búa, tay súng" của công nhân, "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tay cày, tay súng", "Xe chưa qua, nhà không tiếc" của nông dân, "Ba quyết tâm" của trí thức... Với khẩu hiệu "Tất cả chi tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" đã tạo nên ý chí mới, sức mạnh mới trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
     Tình hình trên chiến trường lúc này, tuy Mỹ đã thua to nhưng vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm lược mà muốn đẩy chiến tranh lên mức độ cao hơn. Ta đã thắng lớn nhưng chưa làm chuyển biến cơ bản cục diện chiến trường có lợi cho ta. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 14 (1-1968) chỉ rõ: cuộc kháng chiến của ta lúc này cần phải và có thể tạo một chuyển biến lớn giữa lúc đế quốc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, dao động và trong thời điểm rất nhạy cảm của năm bầu cử Tổng thống Mỹ, để chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng niềm Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định, phải tạo được một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh.
     Thực hiện chủ trương của Đảng, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
     Đêm 30 rạng 31-1-1968 (tức đêm mồng 1 rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân) các LLVT và nhân dân miền Nam đã tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đồng loạt tiến công địch ở 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, đánh vào hầu hết cơ quan đầu não Trungương, địa phương của Mỹ lẫn nguỵ; bao gồm 4 Bộ tư lệnh quân khu, quân đoàn, 8 Bộ tư lệnh Sư đoàn, 2 Bộ tư lệnh biệt khu nguỵ, 2 Bộ tư lệnh dã chiến, 30 sân bay, nhiều tổng kho lớn, trong đó có những trận gây chấn động lớn như đánh tòa đại sứ Mỹ, dinh Độc lập ngụy, Bộ Tổng tham mưu nguỵ ở Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế. Nhiều cơ quan đầu não chỉ huy của địch, căn cứ quân sự và tuyến phòng thủ quan trọng của chúng bị tiêu diệt, hệ thống giao thông thuỷ bộ và mạng lưới thông tin liên lạc bị tê liệt.
     Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của ta như “Một đòn sét đánh” đối với bọn trùm xâm lược Mỹ, làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới. Sau 1 tháng, tướng Oét-mo-len, Tổng Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara từ chức. Sau 2 tháng, ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố 4 điểm:
     1- Chấm dứt việc đưa quân Mỹ vào miền Nam, trao dần vai trò chiến đấu trực tiếp cho quân đội Sài Gòn.
     2- Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra.
     3- Nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari.
     4- Không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai nữa.
     Đây là sự thừa nhận đầu tiên nhưng đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
     Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 buộc chúng phải bắt đầu xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc lần thứ I, phải ngồi đàm phán với ta tại Hội nghị Para.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chiến thắng Núi Thành - trận đầu thắng Mỹ
Thứ 4, ngày 02/06/2010 | 10:45 AM (GMT +7) 
Ngày 25-5 vừa qua, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Núi Thành - trận đầu thắng Mỹ (26-5-1965 - 26-5-2010). Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có bài phát biểu quan trọng. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Ðầu năm 1965, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ phát triển đến đỉnh cao với nửa triệu quân ngụy và hơn 23 nghìn cố vấn Mỹ, nhưng chiến lược đó đã bị quân và dân ta đánh bại. Ðể cứu nguy khỏi sự sụp đổ, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu vào miền nam Việt Nam với vũ khí, trang bị hiện đại, nhằm chuyển từ chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" sang "Chiến tranh cục bộ". Ngày 8-3-1965, đội quân viễn chinh Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Ðà Nẵng, đưa 70% tổng số quân viễn chinh và quân chư hầu ở miền Nam Việt Nam vào chiến trường Khu 5.

Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 11 (khóa III), tháng 3-1965 đề ra quyết tâm chính trị "Ghìm Mỹ trên chiến trường miền Nam, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ". Quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã thống nhất chủ trương: Củng cố thế trận chiến tranh nhân dân; xây dựng "vành đai diệt Mỹ"; Phát động phong trào quyết đánh Mỹ và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược trong toàn Quân khu. Ðược Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam giao, đêm 25 rạng ngày 26-5-1965, Ðại đội 2, Tiểu đoàn 70 và Phân đội đặc công V16 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam đã tiến công tiêu diệt gọn đại đội 2 thuộc tiểu đoàn 2, sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ đang chốt giữ đồi 49 và đồi 50 Núi Thành, thu hồi, phá hủy nhiều vũ khí và trang thiết bị chiến tranh. Trận đánh diễn ra không quá 30 phút, tới 9 giờ sáng, địch ở căn cứ Chu Lai trông rõ lá cờ Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược tung bay trên đỉnh Núi Thành, chúng mới cho pháo binh và máy bay phản ứng.

Chiến thắng Núi Thành, tuy chúng ta tiêu hao sinh lực địch chưa phải là lớn, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Biểu thị ý chí, quyết tâm, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của nhân dân và các lực lượng vũ trang Quảng Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trước kẻ thù xâm lược; góp phần định hướng chiến lược, chiến thuật đánh Mỹ, khẳng định chúng ta có thể "đánh được Mỹ và thắng Mỹ", làm giảm sút uy thế hùng mạnh của quân lực Hoa Kỳ ngay từ những ngày đầu đặt chân lên đất Việt Nam.

Chiến thắng Núi Thành được xem như một mốc son lịch sử khẳng định sự thất bại bước đầu của quân viễn chinh Mỹ, đồng thời chứng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trong việc chỉ đạo tác chiến. Chính báo chí Mỹ lúc đó đã phải thừa nhận, Thời báo Niu Oóc, số ra ngày 26-5-1965 đã viết: "Quân đội Mỹ mới đổ bộ lên Chu Lai chưa đầy 20 ngày đã bị Việt Cộng tiêu diệt một đại đội, Việt Cộng là kẻ địch mà người ta phải kính sợ và kính phục".

Chiến thắng Núi Thành là biểu tượng sáng ngời của tinh thần quyết đánh, quyết thắng của quân và dân Quảng Nam. Là câu trả lời khẳng định ta đánh thắng được Mỹ, "củng cố lòng tin, nâng cao quyết tâm, xóa tan những ý nghĩ gờm sợ Mỹ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân và các lực lượng vũ trang ta", góp phần giải tỏa nỗi băn khoăn, trăn trở của đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế lúc bấy giờ. Cũng từ chiến thắng này, quân và dân ta đã khẳng định với tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch có khác nhau, đối tượng tác chiến mới với chiến lược chiến tranh mới, nhưng chúng ta dám đánh Mỹ, biết đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ.

Chiến thắng Núi Thành có ý nghĩa quân sự, chính trị rất to lớn, đã "đột phá nhất điểm, khai thông toàn bộ", đến Chiến thắng Vạn Tường (tháng 8-1965) đập tan cuộc hành quân lớn đầu tiên của lính thủy đánh bộ Mỹ; Chiến thắng Plây Me (cuối năm 1965) trận đầu đánh bại kỵ binh bay của Mỹ; 40 ngày đêm liên tục đánh bại cuộc hành quân "Kẻ nghiền nát", "Cánh trắng 1", "Cánh trắng 2" của quân Mỹ, ngụy và chư hầu, v,v. Phong trào "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt", "Bám thắt lưng Mỹ mà đánh" là khẩu hiệu hành động trên chiến trường Quảng Nam-Ðà Nẵng lúc bấy giờ... Nhiều trận đánh đã diễn ra khá sôi nổi và chúng ta giành được những chiến công vang dội, xuất hiện nhiều Dũng sĩ diệt Mỹ.

Từ chiến thắng Núi Thành - Trận đầu diệt Mỹ giành thắng lợi, là tiếng kèn xung trận mở đầu cho cao trào diệt Mỹ ở Khu 5. Khẩu hiệu "Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt" dâng cao trên khắp các chiến trường, cổ vũ cho các trận đánh tiêu diệt địch trên quy mô lớn trong mùa khô các năm 1965 - 1966, 1966 - 1967.

Chiến thắng Núi Thành còn là một trong những tiền đề tiến tới cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" và đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng xuống thang chiến tranh ngồi vào đàm phán với ta. Do bị thất bại nặng nề trên chiến trường, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn buộc phải ký kết Hiệp định Pa-ri (ngày 27-1-1973). Tiếp đó, quân và dân Khu 5 liên tục chiến đấu, lập nhiều chiến công hiển hách, cùng với cả nước thi đua giết giặc lập công làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiến thắng Núi Thành không chỉ là niềm tự hào của quân và dân Quảng Nam, mà còn là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều, lấy thô sơ đánh hiện đại, lấy chính nghĩa thắng phi nghĩa, của ý chí kiên cường, bản lĩnh vững vàng, trí tuệ thông minh của con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Ðúng như nhà thơ Trinh Ðường, quê Ðại Lộc đã viết:

"Chính nơi đây giặc Mỹ chết đầu tiên
Nơi giặc Mỹ đầu tiên bị ta trừng trị
Nơi ta hạ đầu tiên uy thế Mỹ
Khẳng định lòng tin tất thắng quân thù".

Với chiến công Núi Thành, quân và dân Quảng Nam được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khen tặng tám chữ vàng "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ"...

45 năm đã đi qua, kể từ ngày thống nhất nước nhà, những đau thương, mất mát, vết thương chiến tranh chưa lành hẳn, nhưng ký ức, truyền thống hào hùng của một thời đạn bom, về sự gian khổ của vùng quê nghèo "Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm" của những năm chiến tranh, nhưng kẻ thù không khuất phục được đồng bào, cán bộ, chiến sĩ của tỉnh Quảng Nam, thể hiện với gần 65 nghìn liệt sĩ và 27 nghìn thương binh, với 7.321 Mẹ Việt Nam Anh hùng và gần 45 nghìn gia đình có công với nước, đang để lại những lời nhắn nhủ thế hệ chúng ta đối với những người đang sống về những giá trị lịch sử để tiếp tục gìn giữ, tiếp tục nối tiếp và phát huy, để khỏi phụ lòng những mất mát đau thương tang tóc do chiến tranh để lại. Trong cuộc hội ngộ hôm nay, chúng ta không khỏi bùi ngùi, xúc động về những đồng chí đã mãi mãi nằm lại tại mảnh đất này và có đồng chí đã để lại một phần xương máu của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lịch sử sẽ không lặp lại, song dòng chảy lịch sử oai hùng vẫn tiếp tục chảy trong ký ức của các thế hệ tiếp nối hôm nay và mai sau. Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, mỗi người chúng ta phải ghi lòng tạc dạ, biết ơn sự hy sinh, mất mát to lớn của đồng bào, đồng chí. Chúng ta phải cùng nhau giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của cả dân tộc, của quân đội, khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế, ý chí, tài năng và sức mạnh đại đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của dân tộc, để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta là xây dựng nước ta là nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các gia đình liệt sĩ, các anh chị em thương binh, các gia đình có công với nước, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, đặc biệt là các đồng chí là nhân chứng sống đã tham gia trận đánh Núi Thành và toàn thể nhân dân tỉnh Quảng Nam, đã đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến thắng lợi, xin gửi đến các đồng chí cùng gia đình lời chúc sức khỏe và lời thăm hỏi thân thiết nhất...

Tự hào và phát huy truyền thống giàu lòng yêu nước và cách mạng, những năm qua, với sự đoàn kết thống nhất trong Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh, sự chia sẻ, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chủ động, sáng tạo, đạt được những thành tích quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và thiên tai. Cơ sở hạ tầng phát triển, Khu kinh tế mở Chu Lai hoạt động có hiệu quả, sân bay, bến cảng đã hình thành. Sự nghiệp văn hóa - xã hội có bước phát triển; công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm thực hiện có kết quả tốt hơn; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị được quan tâm.

Thay mặt Bộ Chính trị, tôi nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận những thành tích đã đạt được của Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam trong những năm qua...

Tự hào về lịch sử vẻ vang, quá khứ hào hùng, tôi mong muốn Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam càng phải ý thức rằng, trách nhiệm nặng nề đang đặt ra ở phía trước chúng ta. Tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Ðẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đi vào chiều sâu. Tập trung lãnh đạo, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XX, tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng.

Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta phải dồn sức người, sức của cho kháng chiến, nên đồng bào ta rất thiếu thốn, gian khổ, đói nghèo. Ðến nay đất nước đã hòa bình, thống nhất được 35 năm, nhưng tỉnh ta vẫn còn nhiều vùng nghèo, nhiều huyện nghèo, nhiều xã nghèo, nhiều hộ nghèo, đối với vùng núi cao còn rất nghèo khổ; đối với các huyện Nam Trà My, huyện Bắc Trà My, huyện Ðông Giang, huyện Tây Giang, huyện Nam Giang, huyện Phước Sơn, huyện Hiệp Ðức, huyện Tiên Phước, huyện Phú Ninh, huyện Nông Sơn; các xã trung du ở phía tây các huyện Quế Sơn, huyện Ðại Lộc, huyện Núi Thành và các xã ven biển, vùng cát còn nhiều nghèo khó. Ðời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đời sống của một số gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước, gia đình bất hạnh trong chiến tranh còn với bao nỗi vất vả, nhọc nhằn là điều chúng ta phải suy nghĩ và luôn trăn trở. Các cấp ủy và mỗi đảng viên phải thấy trách nhiệm của mình trước Ðảng, trước dân, phải lo cho dân thoát nghèo như lo chính cuộc sống của gia đình mình. Ðó là cách để chúng ta thể hiện nghĩa nặng, tình sâu đối với những người chịu nhiều hy sinh, gian khổ, vì độc lập tự do của dân tộc và của chính mảnh đất này...
Theo Báo Nhân dân.

Đòn quyết định đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”

Năm 1965, với việc đưa quân viễn chinh cùng quân các nước đồng minh vào trực tiếp tham chiến ở chiến trường Việt Nam, đế quốc Mỹ đã đẩy cuộc chiến tranh Việt Nam lên quy mô và cường độ chưa từng có. Chúng ra sức tăng quân, tăng chi phí quân sự và ném vào chiến trường Việt Nam một khối lượng phương tiện chiến tranh khổng lồ và hiện đại nhất.
Tính đến đầu năm 1968, quân chiến đấu Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam lên tới 480.000 tên và 68.800 quân của các nước đồng minh. Nếu kể cả khoảng hơn 20 vạn quân đóng ở các căn cứ quân sự trên đất Thái Lan, Nhật Bản, Phi-líp-pin, Hạm đội 7, một bộ phận Hạm đội 6, đã có tới 80 vạn quân Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh Việt Nam, cùng một lực lượng hùng hậu quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Lực lượng quân số đông đảo, cùng phương tiện, vũ khí chiến tranh tối tân nhất thời đại, lính Mỹ liên tục tổ chức các cuộc hành quân “tìm diệt” trên khắp chiến trường miền Nam, mà đỉnh điểm là hai cuộc tiến công quy mô lớn vào mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, nhưng quân xâm lược Mỹ không đạt được mục đích đề ra. Chỉ trong vòng 2 năm (1965 - 1967), lực lượng bị suy yếu rõ rệt, Mỹ từ thế chiến lược phản công và tiến công giữa năm 1965, buộc phải lùi dần vào thế phòng ngự chiến lược bị động vào cuối năm 1967 trên toàn chiến trường.
Lính Mỹ đi càn. ảnh: Internet
Đối với ta, tuy giành được nhiều thắng lợi, thế và lực của cách mạng đã có bước phát triển mới, nhưng chưa làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho cách mạng. Từ thực tế trên chiến trường, kết hợp với tình hình trong nước và quốc tế, cuối năm 1967, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân đội ta đã nắm lấy cơ hội này, quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới. Sau khi thảo luận kỹ khả năng đánh vào thành phố của lực lượng vũ trang và khả năng nổi dậy của quần chúng, Bộ Chính trị thông qua phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa do Bộ Tổng tham mưu soạn thảo đã được Quân ủy Trung ương nhất trí. Phương án xác định chiến trường trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng, hướng phối hợp chiến lược quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh. Cụ thể là: Cùng với đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở hướng phối hợp chiến lược đặc biệt quan trọng là Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân lực lượng chiến lược của địch, một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng và các thành phố lớn.
Thực hiện chủ trương này, đêm 20 tháng 1 năm 1968, trước Tổng tiến công và nổi dậy 10 ngày, các sư đoàn chủ lực của ta nổ súng tiến công Khe Sanh. Ngay sau khi phát hiện chủ lực của ta đánh Khe Sanh, Bộ chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam lập tức điều thêm 12 tiểu đoàn thuộc sư đoàn kỵ binh bay, sư đoàn 101 không vận, sư đoàn thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa ra khu vực Đường 9 để đối phó.
Đúng lúc địch đang cố gắng điều động lực lượng cố giữ bằng được Khe Sanh, thì đêm 30 và 31/1/1968 - đêm giao thừa và mồng Một Tết Mậu Thân, lợi dụng địch sơ hở ở đô thị, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ - Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bởi vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam. Ta tiến công Toà đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa, Đài Phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát; các sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Mỹ số 1, 9, 25, 101. Hàng chục vạn quần chúng đã nổi dậy giành quyền làm chủ dài ngày ở nhiều khu phố. Riêng trận đánh Toà Đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.
Ở mặt trận Trị Thiên, lực lượng ta tiến công Nhà Đèn, Ty Cảnh sát, Toà tỉnh trưởng, trụ sở cơ quan bình định và trụ sở MACV, Tri Bưu, Thành Cổ, La Vang, điểm cao 49. Nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng, Bến Đá rầm rộ nổi dậy cùng bộ đội địa phương bao vây địch ở trong các quận lỵ cầu Nhùng, Bến Đá làm chủ đoạn quốc lộ 1 từ Diên Sanh đến Mỹ Chánh; đánh chiếm quận lỵ Phú Lộc, cắt đứt quốc lộ 1 đoạn từ Đà Nẵng ra Huế, phá sập Cầu Hai, cầu Nước Ngọt, giải phóng khu vực xung yếu ven biển và phía nam Cầu Hai, khu vực Truồi.
Tại Huế, thành phố lớn thứ 3 miền Nam, hầu hết các cơ quan đầu não của địch bị ta đánh chiếm. Phối hợp với chủ lực, quần chúng nổi dậy lùng bắt ác ôn, phá bỏ bộ máy kìm kẹp, thiết lập chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng trận địa phòng thủ… Địch sau đó phản kích dữ dội. Ta và địch giành giật nhau từng góc phố, từng căn nhà, từng đoạn đường. Ngày 25-2, quân ta rút khỏi Huế để bảo toàn lực lượng. Như vậy, quân và dân ta đã làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm. Bị tiến công đồng loạt, bất ngờ, địch lúc đầu choáng váng. Chúng dồn về mặt trận đô thị, bỏ ngỏ vùng nông thôn. Nắm thời cơ, lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn.
Trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, nhiều người hiểu Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta chỉ có ở Tết Mậu Thân, nhưng trên thực tế đây được xem như đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968, tạo thành tổng thể cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. Kết quả một năm tổng tiến công và nổi dậy, theo Thông cáo của Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ngày 20/12/1968, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ, Việt Nam Cộng hòa và quân của các nước đồng minh Mỹ; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá huỷ 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu.
Cùng với thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam và thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc, quân và dân ta đã đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở đỉnh cao. Thắng lợi này tạo ra một bước ngoặt quyết định của chiến tranh, đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm cho chúng hiểu rằng không thể thắng được dân tộc Việt Nam trong chiến tranh, buộc phải đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri, bàn về việc rút quân Mỹ khỏi miền Nam, kết thúc chiến tranh; đồng thời góp phần quan trọng cùng với cuộc đấu tranh của loài người tiến bộ, làm phá sản chiến lược quân sự toàn cầu “Phản ứng linh hoạt” thời Kennơđi - Giônxơn, tác động toàn diện đến tình hình quân sự, chính trị, tâm lý, xã hội nước Mỹ.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng thời để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật quân sự của chiến tranh Nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong các giai đoạn tiếp theo.

NGUYỄN NGỌC TOÁN (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NGẬM SẦU (ĐL)

MUÔN MẶT ĐỜI THƯỜNG III/104

MỌC CÁNH