Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

MUÔN NẺO MƯU SINH 27

(ĐC sưu tầm trên NET)

Mùa bông điên điển

08/10/2012 09:05

Trong những năm gần đây, bông điên điển được người dân nông thôn tuyển chọn vào “top” các loại rẫy đứng đầu về hiệu quả kinh tế cao khi được trồng vào mùa nước nổi.


Nhớ lại mùa lũ năm 2010, chúng tôi đến xã vùng trong Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú-An Giang) nghe nông dân Nguyễn Văn Khen tấm tắc khen: “Mần 20 công ruộng vậy chứ tính ra lời không bằng nghề trồng điên điển”.
Mùa này trở lại, dọc theo tuyến Kênh 8 dẫn đến xã Thạnh Mỹ Tây, rồi Đào Hữu Cảnh, bông điên điển nở vàng rực trên các cánh đồng. Ở những vùng đê bao đã khép kín, thay vì đất trồng lúa 3 vụ thì có nhiều nông dân đã chuyển sang trồng điên điển. Có lẽ do ngày càng có nhiều người trồng nên giá bông điên điển mùa này không bằng mấy năm trước. “Mọi năm lợi nhuận rất cao. Năm nay giá bèo nhưng tính ra cũng còn lời hơn so với lúa!”. Nông dân Nguyễn Văn Khá nói giọng chắc nịch.
Có đất nằm ở mé sông cái bãi bồi lan rộng thuộc ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh, hai anh Nguyễn Văn Khá và Lê Văn Được đã rủ nhau trồng điên điển với diện tích hơn 7 công. Bắt đầu từ tháng 4 âm lịch, khi nông dân lên nước chuẩn bị xuống giống lúa hè thu thì các anh cũng rục rịch tranh thủ gieo hạt trồng điên điển. “Nhờ vậy nên mình đỡ được khâu tưới nước”- anh Khá giải thích.
Tiền giống mỗi ký giá 20.000 đồng, trên diện tích 7,2 công chỉ cần gieo khoảng 200gr giống tương đương với 4.000 đồng, cộng thêm chi phí lặt vặt đến hết vụ tính chung mỗi công chỉ tốn khoảng 370.000 đồng. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, mảnh ruộng trồng điên điển cho thu hoạch không dưới 80kg, với giá đầu vụ 50.000 đồng/kg cho thu nhập 400.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, mức thu này đã giảm nhiều (gần 50%) so với mong đợi của hai anh.
Anh Lê Văn Được nói: “Mọi năm có thương lái đến tận chỗ thu gom. Bây giờ ai cũng trồng bông điên điển, thời điểm này cũng gần cuối vụ giá giảm chỉ còn 10.000 đồng/kg nên tụi tui phải vô bao để chở đến chợ Châu Đốc bán, không còn lời nhiều”.
Song nghề trồng điên điển cũng có đặc điểm riêng của nó, cái lợi nhất là không cần phải chăm sóc, hay sử dụng phân bón gì nhiều; hơn nữa là càng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có thể gọi là “rau sạch” – loại thực phẩm rất được ưa chuộng hiện nay. Ở một số nơi chưa có đê bao, trong suốt thời gian cây sinh trưởng, nhờ nguồn nước lũ thiên nhiên nên bà con thường không phải mất công vun tưới và chỉ chờ đến 4 tháng sau đã có thể thu hoạch.
Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 3 tháng rưỡi, cao điểm là vào 2 tháng đầu, mỗi ngày điên điển đều ra bông. Mà bông điên điển khi còn búp mới bán được giá cao, còn nếu bông đã nở thì chỉ bán được mỗi ký vài ngàn đồng. Thế nên, nghề này chỉ cực là ở chỗ đòi hỏi phải giỏi thức đêm.
Để tranh thủ hái được bông búp, khoảng từ 22 giờ trở đi, cánh đồng Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh bắt đầu nhộn nhịp, nhà nào cũng có chiếc xuồng chèo ra sau đồng hái bông điên điển. Riêng miếng ruộng của anh Khá và anh Được thì đỡ vất vả hơn, mỗi người chỉ cần trang bị 1 cái đèn pin đội đầu, cùng với 1 cái bọc ni-lông vậy là có thể hành nghề tới sáng.
“Để bà con ấm bụng làm việc suốt đêm, đầu hôm, tui thường nấu mì tôm hoặc hôm nào sang thì nấu nồi cháo cá lóc cho mọi người xúm nhau ăn rồi mới đi làm. Đến gần 4-5 giờ sáng, mua thêm cho mỗi người 1 gói xôi… Vậy đó mà vui, hàng chục nông dân ở đây có thu nhập đều đặn suốt mùa nước nổi khoảng 60.000 đồng/người/ngày”. Anh Được nói.
Khoảng tháng 10 âm lịch, sau khi thu hoạch dứt điểm, người dân còn để cây điên điển kéo dài tuổi thọ thêm nửa tháng đợi cây cho trái chín tiếp tục hái và lấy hạt phơi để năm sau trồng tiếp. Riêng thân cây điên điển được đốn làm củi bán, giá bán mỗi thước 30.000 đồng.
Theo HỒNG TRANG (An Giang Online)

Điên điển “độn” rau muống

15/08/2013 11:39

Chị L.T.M.A, quê ở Bạc Liêu cho biết, trong chuyến du lịch tại An Giang, đoạn qua Tỉnh lộ 941, địa phận xã Vĩnh Bình (Châu Thành), chị ghé lại mua mấy hộp dưa chua bông điên điển về làm quà cho gia đình, với giá 30.000 đồng/hộp.

    Người bán giới thiệu đây là đặc sản của vùng quê, mỗi hộp làm khoảng 300gram- 400gram bông điên điển tươi, nhưng không ngờ, khi về nhà mở hộp ra chỉ có lớp ngoài là bông điên điển, còn bên trong là rau muống.
    Mấy năm nay, dưa chua bông điên điển Vĩnh Bình được xem là đặc sản ở An Giang, nên nhiều du khách tìm mua. Chỉ vì một vài người buôn bán gian lận, rất có khả năng sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu dưa chua bông điên điển của địa phương.
    Theo ÁNH NGUYÊN (An Giang Online)

    “Ăn bông điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê…”

    27/09/2013 08:45

    Đi đâu cũng vậy, cứ mỗi lần bất chợt nghe những âm điệu ngọt ngào, thân thương của câu hát ấy, tôi cứ da diết nỗi nhớ quê. Một miền quê sông nước tắm mát hồn tôi suốt quãng thời thơ ấu...

      Đặc sản vùng sông nước
      Mùa nước nổi, đi cùng với nỗi lo lắng, phập phồng theo con nước lên xuống hằng ngày có cả niềm vui, nỗi nhớ những hương vị đậm đà của vùng quê sông nước, trong đó không thể thiếu sự hiện diện của bông điên điển, mọc tràn lan trên ruộng, trên sông rạch khi nước lũ ngập đồng.
      Không biết điên điển có từ bao giờ và nguồn gốc xuất xứ thế nào, nhưng có một điều lạ là chẳng ai gọi là “hoa”, mà chỉ gọi là “bông”- rất dung dị, đời thường. Mỗi khi mùa nước nổi về, con nước chở đầy phù sa bồi đắp thêm cho những cánh đồng khô cằn ở miền Tây quê tôi cũng là lúc bông điên điển nở rộ khắp nơi. Hiếm có loài bông nào vừa để ngắm và vừa có thể ăn như bông điên điển.
       Bông điên điển chấm cá kho- món ăn dân dã đậm đà hương vị quê hương.
      Lớn lên ở vùng quê sông nước, chắc ai cũng đã từng thưởng thức cái vị đăng đắng mà ngọt ngon của bông “mai vàng mùa nước nổi”. Bông điên điển rửa sạch nhúng từng chùm vào lẩu mắm cá linh sôi nghi ngút khói tỏa hương thơm làm tăng thêm sự ngọt bùi, thơm phức của món ăn Nam Bộ. Không ngon sao được khi bông vừa mới hái còn tươi nguyên, lại đẹp rực rỡ, rửa qua nước cho sạch rồi chỉ cần thêm một nồi cá kho (muốn ngon phải đúng cá linh) là có được bữa cơm ngon lành.
      Bánh xèo nhân bông điên điển- món ăn hấp dẫn chỉ có ở vùng sông nước miền Tây.
      Sẽ rất thiếu sót nếu không kể đến món canh chua bông điên điển nấu với cá rô đồng, cho thêm ít cọng rau cần tây càng làm tăng thêm hương vị của món ăn dân dã. Vẫn công thức canh chua lâu nay, nhưng người dân miền Tây khéo léo cho thêm bông điên điển tạo nên một mùi hấp dẫn lạ lùng. Cái chua chua của me, cái ngòn ngọt của cá và cái thơm - giòn - đăng đắng của bông điên điển làm tăng thêm đặc trưng của món ăn vùng sông nước.
      Người miền Tây rất sáng tạo, chỉ với một loại bông mà có thể cho ra đời vô vàn món ngon độc đáo khác nhau. Nào là gỏi chua bông điên điển, điên điển xào tép, điên điển nấu canh chua… hoặc đơn giản chỉ là món điên điển rửa sạch chấm cá kho thôi cũng đã có thể trở thành một món đặc sản Nam Bộ.
      Còn muốn cầu kỳ, phức tạp hơn chính là cách chế biến bánh xèo. Bột là nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên độ ngon cho bánh, nhưng bánh sẽ càng ngon hơn với nhân điên điển xào tép hoặc thịt bằm. Vị ngon, ngọt, thơm, béo của bánh hòa quyện với vị đặc trưng của bông điên điển tạo nên một vị bánh xèo lạ lẫm… và ngon vô cùng!
      Giá trị kinh tế cao
      Ngày nay, bông điên điển không chỉ đơn thuần là loài hoa đồng nội, mà được người dân nông thôn tuyển chọn vào “top” đầu về hiệu quả kinh tế khi được trồng vào mùa nước nổi. Ông tám Khen, một nông dân ở xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú, An Giang), cứ tấm tắc khi tôi hỏi về giá trị kinh tế của bông điên điển: “Mần 10 công ruộng vậy chứ tính ra lời không bằng trồng điên điển nghen chú. Mọi năm, ít người trồng nên lợi nhuận rất cao. Năm nay, giá rẻ hơn (20.000- 30.000 đồng/kg) nhưng tính ra cũng còn lời hơn so với lúa!”.
      Có đất nằm ở mé sông thuộc ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh (Châu Phú), anh Nguyễn Văn Khá và Lê Văn Được rủ nhau trồng điên điển với diện tích hơn 7.000m2. Anh Khá cho biết: “Cái nghề này phải nói là mần chơi, ăn thiệt đó nghen. Mình tận dụng bãi bồi để đỡ phải tưới nước, cộng với tiền mua hạt giống mỗi ký chỉ 40.000 đồng, trên diện tích 7 công chỉ cần gieo khoảng 300 gram giống, cộng thêm chi phí lặt vặt đến hết vụ tính chung mỗi công chỉ tốn 400.000 đồng.
      Trồng điên điển ít tốn công chăm sóc hay xài phân bón. Từ lúc gieo hạt đến thu hoạch chỉ hơn 4 tháng, nhất là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có thể gọi điên điển là “rau sạch”- loại thực phẩm rất được ưa chuộng hiện nay”.
      Với 7 công điên điển, mỗi ngày anh Khá và anh Được thu hoạch 80- 90 kg bông, với giá đầu vụ 50.000 đồng/kg cho thu nhập trên 400.000 đồng/ngày. Khoảng tháng 10 âm lịch, sau khi thu hoạch dứt điểm, người dân còn để cây điên điển kéo dài tuổi thọ thêm nửa tháng để trái chín lấy hạt phơi, năm sau trồng tiếp. Và bông điên điển lại vàng rực mỗi khi mùa nước nổi về!

      Theo HỮU HUYNH (An Giang Online)

      Những người ngụp lặn đáy sông tìm... tương lai trên cạn

      Trên chuyến đò ngang qua Cù lao Tân Lộc - một xã có tỉ lệ lấy chồng nước ngoài cao nhất nước, tôi nghe nhiều người kể về những người đàn ông "thủy thần" trên sông Hậu. Những "thủy thần" chuyên ngụp lặn dưới nước để tìm tương lai tươi sáng trên cạn. Và câu chuyện về họ cứ mênh mông như dòng sông Hậu đang đục ngầu phù sa.
      <>Xóm "thủy thần"
      Chuyến đò cập bến, chúng tôi nghe những câu chuyện kể vừa hiện thực, vừa huyền linh về những người thợ lặn thường rất hợp "vía" với những "thây ma" trôi sông được họ về  báo mộng... Chúng tôi tìm đến xóm chài, khu vực Long Châu, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, nơi có khoảng hơn 20 "thủy thần" đang hành nghề thợ lặn.
      Hình ảnh Những người ngụp lặn đáy sông tìm... tương lai trên cạn số 1
      Một nhóm thợ lặn đang chuẩn bị lặn mò tìm ghe bị đắm trên sông Hậu.
      Chúng tôi tìm đến nhà "thủy thần" Nguyễn Văn Hùng. 41 tuổi nhưng "thủy thần" này đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề thợ lặn. Ngôi nhà lá được thay bằng nhà xây sơn màu hồng khang trang, ngăn nắp, tài sản quý giá của hơn 20 năm dầm mình "lặn ngụp" dưới sông. "Cái nghề này nguy hiểm lắm cô ơi! Đời ông nội tôi, cha tôi, và đến đời tôi "đánh đu" với hà bá. Giờ đến đời con tôi, mặc dù nó rất có khiếu lặn nhưng tôi nhất quyết không cho nó theo cái nghề hạ bạc này", anh Hùng trầm tư nói. 
      Anh Hùng vào nghề thợ lặn năm 16 tuổi. Cũng từ lần "nối nghiệp" đầu tiên từ ông nội, rồi đến cha mình, "thủy thần" đã đón anh bằng một sự cố mà người thợ lặn mới ra nghề như anh không thể nào tránh khỏi. Trong một lần theo cha lặn mò tàu chìm, dưới dòng nước đục ngầu, không xác định được vị trí chính xác của vật thể, anh Hùng bị nhánh cây đâm trúng mắt. Tai nạn đó cũng một phần do ngày xưa thợ lặn như anh Hùng không được trang bị đồ nghề như kính lặn, áo lặn... mà chỉ mặc độc chiếc quần cộc rồi "nốc" tù tì một chén nước mắm mặn cho... ấm bụng. Vì cứ mải mê lo ngụp lặn kiếm cơm, anh Hùng không quan tâm đến con mắt bị thương, cho đến nay một bên mắt của anh đã không còn nhìn thấy. Sinh nghề tử nghiệp" là thế...
      Dù luôn miệng bảo là nghề "hạ bạc", nhưng anh Hùng rất tự hào về cái nghề thợ lặn của xóm chài, cũng như luôn tự hào về dòng họ mình đã 3 đời gắn với nghề "hạ bạc" này. Người đầu tiên "khởi xướng" nên nghề thợ lặn ở phường Tân Lộc này có thể kể đến ông Nguyễn Văn Tám, ông nội anh Hùng. Tuy sống bằng nghề nông là chính, nhưng nhờ bơi lặn giỏi nên ông Tám nhiều lần cứu được ghe thuyền, người mắc nạn trên sông vào những mùa nước lũ, nên ông trở thành "vị cứu tinh" của những người mưu sinh vùng sông nước.
      Ở vùng sông nước này, những rủi ro bất trắc luôn xảy ra, ông Tám quyết định chuyển qua nghề thợ lặn để cứu người. Gắn bó với nghề lặn, ông "kéo" theo con trai là ông Nguyễn Văn Di (cha anh Hùng) và hơn 10 thanh niên trai tráng trong làng bám sông để sống.

      Anh Hùng kể, cha anh (63 tuổi) cũng rất có "máu" lặn và đã theo nghề từ rất nhỏ. Bởi vậy, ông đã "truyền nghề" cho hai người con trai của mình là anh Nguyễn Văn Hùng và người con thứ ba là Nguyễn Văn Tính. Có đam mê, có kinh nghiệm, có sự nhạy bén linh hoạt, tính toán kỹ trong nghề thợ lặn nên anh Hùng được phân làm trưởng nhóm thợ lặn khoảng 10 người ở xóm.
      Mặc dù hiện tại nhóm thợ lặn của anh Hùng được trang bị kính lặn, ống hơi, máy bơm hơi... nhưng theo anh Hùng thì những người thợ lặn không tránh khỏi những rủi ro khi xuống nước. Bởi dưới dòng nước đục ngầu kia luôn tiềm ẩn biết bao nguy hiểm, chỉ cần sơ suất, không tính toán kỹ giờ giấc lặn, tọa độ, dự trù máy móc thì mất mạng như chơi.
      Hình ảnh Những người ngụp lặn đáy sông tìm... tương lai trên cạn số 2
      Thợ lặn Nguyễn Văn Hùng lúc nào cũng trong tư thế ghe máy sẵn sàng để tiếp cứu kịp thời người bị nạn.
      <>Cái nghề chỉ mong... thất nghiệp
      Vào những mùa nước lũ, có ngày nhóm thợ lặn ở Tân Lộc nhận trục vớt 2-3 vụ ghe tàu chìm. Thu nhập không tính được cố định theo ngày, theo tháng, nhưng mỗi một lần lặn trục vớt đồ đạc, ghe thuyền thì tiền công chia đều cho mỗi anh em cũng được hơn 100 ngàn đồng/vụ. Với số tiền như thế, tuy không giàu nhưng cũng đủ cho người thợ lặn nuôi cả gia đình no ấm 1 ngày. Nhưng cũng có những vụ "mò" không lấy tiền vì của cải của người ta đã bị "hà bá nuốt" hết rồi, còn lấy gì để trả công.
      Đã là thợ lặn thì không từ tìm bất cứ thứ gì mà hà bá "nuốt", kể cả xác người chết sông. Có trường hợp một thợ lặn mới vào nghề, được phân công lặn xuống mò chiếc ghe bị đắm. Lần đầu tiên được lặn, anh ta rất hăm hở. Nhưng chỉ 1 lúc trồi lên, mặt mày xanh mét, tay chân run lẩy bẩy. Thì ra vừa lặn xuống, tay anh ta đã đụng phải xác chết lạnh tanh kẹt dưới ghe, hoảng vía anh ta "trồi" lên và nhất định bỏ nghề.
      Dù biết nghề là nghiệp, là "cần câu cơm" nuôi sống cả gia đình nhưng trong thâm tâm của những người thợ lặn luôn mong dưới dòng sông lạnh lẽo kia chỉ là những vật dụng lỡ mất đi còn có thể mua sắm lại được, chứ không phải là những xác người.
      "Nghề hạ bạc" nên có mấy ai giàu vì nghề, chỉ là đủ ăn, đủ mặc. Ky cóp lắm mới "sắm" được cái nhà đàng hoàng chút như thợ lặn Nguyễn Văn Hùng. Còn những thợ lặn khác, ngoài những ngày không lặn, họ đi làm thêm đủ thứ nghề để kiếm thêm thu nhập. Người lâu năm nhất trong nhóm cũng đã có hơn 30 năm ngụp lặn, người ít nhất cũng bám nghề từ 1 năm trở lên. Cuộc sống của họ cứ bấp bênh theo nước thủy triều lên xuống. Nghề thợ lặn ở xứ cù lao Tân Lộc này cứ thế mà truyền đời từ cha sang con. Họ cứ mãi ngụp lặn dưới sông để tìm tương lai trên cạn.                    
      <>Hồ Huyền - Ngọc Giàu
      Nguồn : Người đưa tin

      Khu ổ chuột ở gầm cầu Long Biên

      5 năm nay vợ chồng chị Huyền đều tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng trong căn phòng vỏn vẹn 6 m2 ở khu trọ tạm bợ, hôi hám dưới gầm cầu Long Biên (Hà Nội). Thu nhập thấp nên cả trăm người lao động phải chịu cảnh sống này.

      Nằm ngay sát chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) là khu nhà trọ cũ nát, xập xệ của những người lao động ở chợ đầu mối Long Biên. Ai đi qua đây đều cảm thấy khó thở vì mùi hoa quả thối, rác thải, nước cống thậm chí cả phân bốc lên nồng nặc, nhất là những hôm trời nắng nóng.
      Tuy nhiên, đây lại là nơi nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt nhọc của hàng trăm lao động ngoại tỉnh. Họ chủ yếu đến từ Hưng Yên, Nam Định, Hà Tây cũ... lên bán hoa quả rong trong phố, khuân vác hàng hóa trong chợ Long Biên. Nhiều người gọi đó là khu ổ chuột, xóm liều giữa thủ đô.
      Hình ảnh Khu ổ chuột ở gầm cầu Long Biên số 1
      Khu “ổ chuột” nhìn từ trên cầu Long Biên. Ảnh: Lê Hồng Thái.
      Con đường dẫn vào khu dân cư "phấn đấu văn hóa" lổn nhổn đất đá và rác rưởi còn ngày mưa thì lầy lội khó đi. Ngay cạnh khu ổ chuột là mương nước thải đen ngòm được người dân gọi là "cống thối" vì lúc nào cũng bốc mùi khó ngửi.
      Trong những con ngõ chưa đầy một mét tranh sáng tranh tối là các dãy nhà xiêu vẹo bằng phên nứa, bìa carton, bao tải, tấm lợp... cao hơn đầu người. Do toàn dân nhập cư nên nơi đây không được vệ sinh thường xuyên, đủ loại rác thải đều đổ trực tiếp xuống "cống thối" khiến ô nhiễm càng trở nên nặng nề.
      "Sống ở đây ngột ngạt vô cùng, nhưng vì mưu sinh nên phải chịu đựng", chị Hoàng Thị Huyền (41 tuổi, quê Phúc Thọ, Hà Nội) nói và cho biết, ở quê chỉ có mấy sào ruộng không đủ ăn, vợ chồng chị đành gửi con cho ông bà nội chăm sóc rồi lên đây bán hoa quả rong.
      5 năm nay vợ chồng chị Huyền đều tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng trong căn phòng vỏn vẹn 6 m2. Nơi rộng rãi nhất trong căn phòng nhỏ hẹp chất đầy đồ đạc chính là chiếc giường đơn. "Thu nhập không nhiều nhưng hằng ngày cũng có đồng ra đồng vào gửi về cho con ăn học. Tôi không muốn chuyển đi vì ở đây gần chợ, tiện cho mua bán hàng hóa. Chỉ mong sao nhà chủ xây cho cái nhà vệ sinh chung để đỡ phải đi trong nhà", chị Huyền chia sẻ.
      Hình ảnh Khu ổ chuột ở gầm cầu Long Biên số 2
      Ngôi nhà vỏn vẹn chỉ 6m2 của vợ chồng chị Huyền. Ảnh: Lê Hồng Thái.
      Ban ngày khu dân cư này rất vắng vẻ vì mọi người đều đi bán hàng rong đến tối mới về nghỉ ngơi, chỉ còn những cửu vạn làm đêm thì ban ngày ngủ lấy sức. Phần lớn ở đây đều là phụ nữ, thậm chí có cả những đứa trẻ 15 - 16 tuổi.
      Phía ngoài ngõ, hàng chục chiếc xe đẩy hàng của các cửu vạn được khóa cẩn thận chờ đêm buông xuống là khu trọ lại rậm rịch kéo nhau ra chợ. Cô Siết (quê Khoái Châu, Hưng Yên) nói: "Vất vả lắm, nhưng không phải hôm nào cũng được "vất vả" vì nếu mưa chắc không kiếm được đồng nào".
      Ngồi trong căn phong nóng như đổ lửa mà không bật quạt được ổ cắm đang dùng để bơm nước, cô Phùng Thị Vĩnh (50 tuổi, quê Phúc Thọ) than thở: "Ở đây chỉ có nước giếng khoan là được dùng thoải mái. Dù nước không được lọc, mùi rất tanh nhưng không ai kêu ca vì dùng cũng đã quen. Biết là nước bẩn nhưng vẫn phải dùng vì ở nơi thế này làm sao có thể đòi hỏi được".
      Sống ở đây 6 năm với 2 người cùng quê, người phụ nữ khắc khổ này cho hay, cũng quen với cảnh "ngày nóng thì mùi từ 'cống thối' bốc vào không thể thở được, còn ngày mưa thì trong nhà như ngoài trời, giột ướt hết cả giường chiếu". Dạo này vì người dân lo sợ hoa quả Trung Quốc độc hại nên có khi 22h cô mới bán hết hàng. Về phòng nghỉ ngơi đến 3h sáng đã phải lóc cóc ra chợ Long Biên lấy hàng bán tiếp. Vất vả là vậy nhưng có ngày ế hàng, "lãi chỉ có trăm nghìn đồng".
      Hình ảnh Khu ổ chuột ở gầm cầu Long Biên số 3
      Quần áo được phơi ngay trên những chiếc xe đẩy hàng của các nữ “cửu vạn” và ngay cạnh “cống thối”. Ảnh: Lê Hồng Thái.
      Dù sống trong cảnh hôi hám, bẩn thỉu và chật trội như vậy nhưng giá thuê nhà ở đây không hề rẻ. Căn phòng tầm 6m2 mà có giá tới một triệu đồng chưa kể điện 4.000 đồng một số, nước 35.000 đồng một người. Những phòng bằng phên nứa hay tấm lợp thì rẻ hơn vài trăm nghìn nhưng rất nóng. Thu nhập thấp, lại phải thuê trọ giá cao khiến chị Mùi (47 tuổi) phải rủ thêm 3 người nữa ở cùng để chia sẻ tiền phòng, "chứ nếu ở một mình chắc chết".
      Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống hai bên cầu có thể thấy được sự tương phản rất rõ ràng. Bên phải là những ngôi nhà cao 3 – 4 tầng, đường được đổ bê tông khang trang thuộc phường Phúc Tân. Còn bên trái là những ngôi nhà ẩm thấp, xệp xệ của những lao động nghèo thuộc phường Phúc Xá. Do không có nhiều sự lựa chọn nên những người lao động nghèo chẳng hề than vãn mà vẫn lầm lũi sống hết ngày này qua ngày khác để mưu sinh.
      <>Lê Hồng Thái
      Nguồn : VnExpress

      Không có nhận xét nào:

      Đăng nhận xét