Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

CÂU CHUYỆN VỤ ÁN 99

(ĐC sưu tầm trên NET)

                                               Tử thi đằng sau cánh cửa đóng im lìm

Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ (Phần 1): Cái chết của người hùng guitar, Dimebag Darrell

15/12/2014 08:41 UTC+7
(Công lý) - Chắc chắn những người yêu nhạc Rock trên thế giới không ai không biết tới “người hùng guitar” yểu mệnh, Dimebag Darrell.
Hầu hết các rockfan trên toàn thế giới có lẽ không ai không biết đến Dimebag Darrell “Râu đỏ”, cũng như “con báo của Texas” là Pantera, và sau đó tái sinh là Damageplan.
Dimebag Darrell tên đầy đủ là Darrell Lance Abbort (20/8/1966), một trong những tay chơi guitar hàng đầu của dòng nhạc Thrash Metal. Với lối chơi mạnh mẽ, sắc gọn, dứt khoát hay những pha solo tốc độ, những cú riff giằng dây khỏe khoắn, những pha vuốt cần đàn quái gở có thể nói là độc nhất vô nhị đã tạo nên phong cách của “Túi tiền”- tên thân mật của Dimebag.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ (Phần 1): Cái chết của người hùng guitar, Dimebag Darrell
Dimebag bên cây guitar Dean ML
Có thể ví Dimebag như Picasso vì tiếng guitar của anh không lẫn vào đâu được, cách chơi của anh thực sự rất độc đáo. Trung thành với cây guitar Dean ML, Dimebag đã tạo ra những âm thanh “ngọt lịm tới điên cuồng” để chinh phục tất cả các rockfan trên thế giới.
Với tài năng và niềm yêu nhạc Rock, Dimebag sáng lập ra Pantera. Trong khi tiếng tăm của Pantera đang ngày một lên cao thì tay vocalist, Phillip của nhóm lại trở nên buông thả với lối sống chỉ có rượu ma túy, gái điếm…
Điều này khiến cho mâu thuẫn giữa Phillip và Dimebag ngày càng lên cao. Kết quả là Pantera tan rã năm 2003, để lại 1 sự tiếc nuối lớn với những fan yêu rock trên thế giới. Nhưng cũng từ đó, Damage Plan được ra đời.
Ngày 08/12/2004, trong buổi biểu diễn cùng ban nhạc Damage Plan tại hộp đêm Alrosa Villa của thành phố Columbus, bang Ohio, Mỹ, khi mọi người đang say sưa với các cú solo điên dại của Dimebag thì bỗng vang lên những tiếng súng chói tai.
Dimebag ngã gục trên sân khấu giữa vũng máu, cây Dean vẫn còn trên tay. Dimebag vĩnh viễn ra đi ở tuổi 38 để lại những nuối tiếc vô vàn của hàng triệu fan hâm mộ trên toàn thế giới.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ (Phần 1): Cái chết của người hùng guitar, Dimebag Darrell
Dimebag bất ngờ bị bắn chết khi đang biểu diễn trên sân khấu
Ngày hôm đó, một kẻ lạ mặt với khẩu súng trong tay đã lên sân khấu và hạ sát Dimebag như đi vào chốn không người. Tên sát nhân đã bắn tổng cộng 6 viên đạn vào Dimbag, trong đó 4 viên đạn nhắm vào đầu đã khiến tay guitar vĩ đại nhất mọi thời đại gục ngã bên vũng máu.
Ngay sau cái chết của Dimbag, một cuộc điều tra lập tức được mở ra. Tên tuổi và danh tính tên sát nhân được xác định là Nathan Gale, 25 tuổi, sống tại Marysville. Gã là 1 fan hâm mộ cuồng nhiệt của Pantera, là người tương đối lập dị và đơn độc, gã cho rằng, sự tan rã của Pantera nguyên nhân chính là do Dimebag và cho đó là sự xúc phạm khán giả.
Hơn nữa, hắn cho rằng Pantera đã ăn cắp bản quyền do hắn sáng tác. Hắn nuôi hận từ đó.
Cảnh sát cho biết, Nathan Gale đã bắn tổng cộng 15 phát đạn. Sau khi xông lên bắn liên tiếp vào Dimebag, những khán giả và đồng nghiệp của anh vội chạy lên sân khấu để ngăn chặn tên sát thủ, đang trong cơn cuồng sát, hắn quay súng và bắn liên tiếp vào những người xung quanh. Vụ cuồng sát hôm đó đã cướp đi sinh mạng của 4 người khác và làm 7 người bị thương.
Đây quả thực là một trong những thảm kịch đẫm máu nhất của làng nhạc Rock thế giới. Ngay lúc đó, viên cảnh sát Columbus, James D. Niggemeyer đã bắn trả Gale khiến hắn chết tại chỗ.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ (Phần 1): Cái chết của người hùng guitar, Dimebag Darrell
Kẻ cuồng sát được xác định là Nathan Gale - một fan cuồng của Rock
Những tay guitar lẫy lừng như Dave Mustaine (nhóm Megadeth), Zakk Wylde (nhóm Black Label Society), cho đến các thầy phù thủy như Ozzy Osbourne, Jonathan Davis (nhóm Korn) và cả các nhóm metal trẻ như Puddle of Mudd, Deftones, Lamb of God…đều thương tiếc Dimebag, không chỉ vì tài năng trên cần guitar mà còn vì tính cách thẳng thắn, hết mình và không “chảnh” của anh.
Lão tiền bối Ozzy Osbourne, người thường diễn chung với Darrell, nói: “Tôi vô cùng đau buồn. Tôi không thể hiểu tại sao người ta lại có thể hành động như thế”. Paul Phillips, tay guitar của Puddle of Mudd thổ lộ. Anh ấy có đủ mọi lý do, tư cách để nói rằng “tránh xa ta ra, nhóc, mi mà biết chơi guitar nỗi gì!” nhưng không bao giờ Dimebag như thế. Anh thật bình dị và gần gũi.
Thi thể Dimebag được chôn cất tại Moore Memorial Gardens miền Tây Arlington, bang Texas, Mỹ. Trong quan tài của Dimbag được đặt cây đàn Frankenstrat, 1 cây đàn nổi tiếng bởi nó đi liền với hình ảnh của Van Halen, cây guitarist xuất sắc nhất mọi thời đại.
Cỗ quan tài có tên Kiss Kasket, là loại quan tài được bán từ trang chủ của nhóm hardrock kỳ cựu Kiss, chắc hẳn không ai không biết đến họ. Quan tài được trang trí bề ngoài với các logo và hình ảnh trong các album phát hành của Kiss, 4 mặt quan tài là hình của các thành viên band nhạc Kiss.
Sau bi kịch trên sân khấu tại Alrosa Villa, Columbus, Ohio, gia đình và bạn bè của Dimebag vẫn tham gia vào sự kiện thường niên Ride For Dime, được tổ chức vào ngày 20/8 hàng năm.
Đây thực tế là một cuộc diễu hành xe gắn máy, diễn ra trong sự tưởng nhớ về Dimebag. Cuộc diễu hành được bắt đầu tại Longhorn Harley-Davidson, Grand Prairie và kết thúc tại Dreamworld Music Complex, Arlington, nơi mà một buổi hòa nhạc tưởng nhớ Dime sẽ được tổ chức vào sáng hôm sau.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ (Phần 1): Cái chết của người hùng guitar, Dimebag Darrell
Dimebag được chôn cất tại Moore Memorial Gardens miền Tây Arlington, bang Texas
Dimebag được tạp chí Classic Rock bình chọn là “1 trong 10 người hùng guitar kinh điển nhất” của mọi thời đại. Anh đứng thứ 5 trong hàng ngũ các bậc thầy guitar lão làng nhất thế giới như Jimmi Hendrix, Keith Richards (Rolling Stone), Jimmy Page (Led Zepplin), Kurt Cobain (Nirvana)…
Hoàng Hà

Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 2): Vụ ám sát nhà chính trị hàng đầu Pakistan, Salman Taseer

17/12/2014 08:32 UTC+7
(Công lý) - Vụ ám sát thống đốc tỉnh Punjab, ông Salman Taseer một trong những chính trị gia cấp tiến nổi tiếng nhất Pakistan đã đẩy quốc gia đầy biến động này chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị.
Thống đốc Salman Taseer, 66 tuổi - thành viên cao cấp của Đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Ông nổi tiếng là một chính khách ôn hòa, chống chủ nghĩa cực đoan. Ông không hề do dự khi công khai lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Ông cũng từng là một doanh nhân thành đạt và là ông chủ một tờ báo tiếng Anh theo đường lối tự do. Ông từng bị cầm tù vào những năm 70 dưới thời nhà độc tài quân sự Mohammad Zia ul-Haq.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 2): Vụ ám sát nhà chính trị hàng đầu Pakistan, Salman Taseer
Chính trị gia Salman Taseer
Ngày 4/1/2011, trở thành một ngày đen tối và tang thương đối với đất nước Pakistan khi Thống đốc Taseer, bất ngờ bị một trong những vệ sĩ của ông bắn chết tại thủ đô Islamabad.
Ông bị bắn 27 phát liên tiếp ở cự ly gần trong khi bước lên xe tại trung tâm mua sắm Kohsar Market. Ngay lập tức, vị thống đốc đáng kính ngã xuống, kẻ bắn ông ném súng ra xa và giơ cả hai tay lên hàng cảnh sát.
Bộ trưởng Bộ nội vụ Rehman Malik xác nhận, hung thủ là Malik Mumtaz Hussain Qadri (26 tuổi), một cận vệ của ông Taseer thuộc lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Punjab.
Theo báo cáo của cảnh sát, Qadri là một trong 11 cảnh sát đặc nhiệm không đạt tiêu chuẩn để bảo vệ các quan chức cao cấp. Tuy nhiên, hắn vẫn được nằm trong đội ngũ bảo vệ cho ông Tasser.
Liên quan tới vụ việc này, cảnh sát đã bắt giữ người bổ nhiệm Qadri vào nhóm vệ sĩ bảo vệ ông Tasser.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 2): Vụ ám sát nhà chính trị hàng đầu Pakistan, Salman Taseer
Hung thủ Malik Mumtaz Hussain Qadri bắn chết ông Taseer ngay khi ông bước lên xe

Trong lời khai với cảnh sát, hung thủ Qadri thừa nhận đã giết ông Taseer bằng khẩu súng Ak-47 với băng đạn 30 viên. Hắn sát hại ông Tasser vì ông phản đối luật báng bổ của Hồi giáo, cấm bất kì lời nói nào xúc phạm nhà tiên tri Muhammad. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, nhiều người tuyên bố vụ ám sát là “hành động vinh quang mà Qadri đã làm cho đạo Hồi”.
Nhưng đối với nhân dân Pakistan, cái chết bất ngờ của Thống đốc Salman Taseer khiến cả nước đau đớn và thương xót. Thủ tướng Pakistan, Yousuf Raza Gilani - nhà lãnh đạo có đường lối thân Washington và được người Mỹ hậu thuẫn, tuyên bố ba ngày quốc tang và yêu cầu treo cờ rủ trên cả nước. Ông cũng ra lệnh, điều tra về cái chết của ông Taseer ngay lập tức và kêu gọi các bên bình tĩnh.
Trước khi bị sát hại, ông Taseer công khai mở chiến dịch chống lại “Luật báng bổ” đầy tranh cãi của Pakistan, nơi mà theo nhận định của các chuyên gia, trào lưu Hồi giáo cực đoan đang lấn lướt trong xã hội.
Luật báng bổ kết án tử hình đối với bất cứ ai bị khép tội “báng bổ đạo Hồi”. Rất nhiều kẻ quá khích ở Pakistan đã giận dữ khi ông lên tiếng ủng hộ Asia Bibi, một phụ nữ theo Thiên Chúa giáo bị một tòa án ở Punjab kết án tử hình hồi tháng 11-2010, vì dám “phỉ báng nhà tiên tri Muhammad”.
Sự giận dữ tăng lên gấp bội khi ngày 22-11-2010, đích thân ông Taseer cùng vợ con đến thăm Bibi trong tù. Điều này khiến hàng loạt đảng phái, tổ chức cực đoan ở Lahore và nhiều thành phố khác đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối, thậm chí còn đốt hình nộm ông kèm theo những tiếng hô vang “Chiến thắng cho Hồi giáo”, “Taseer chết đi”.
Ali Dayan Hasan, nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức nhân quyền tại Pakistan, nhận xét: “Taseer là một trong những chính trị gia hiếm hoi sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình, khi công khai chống lại những hiện tượng phân biệt và lạm dụng”.
Bộ trưởng Tư pháp Pakistan, Babar Awan đã yêu cầu mở một cuộc điều tra toàn diện để phát hiện âm mưu đằng sau vụ việc. Ông cho biết: “Không thể nói rằng sự cố này xảy ra chỉ do lỗ hổng an ninh, mà còn có nhiều điểm nghi vấn khác cần được điều tra”.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 2): Vụ ám sát nhà chính trị hàng đầu Pakistan, Salman Taseer
Tang lễ diễn ra ngày 5/1/2011
Ngày 5-1, thi thể ông Salman Taseer, được đưa đi an táng tại Lahore (tỉnh Punjab) trong điều kiện an ninh nghiêm ngặt. Hàng ngàn cảnh sát đã được triển khai bảo vệ an ninh. Hàng nghìn người dân Pakistan khóc than cho cái chết của ông. Nhiều tổ chức biểu tình trên đường phố, hô to “Kẻ giết Taseer phải chết”.
Bà Shehla, chủ tịch Phòng Công Thương nữ giới Punjab nói: “Ông ấy là một trong những chính trị gia cấp tiến nhất Pakistan và luôn nỗ lực bảo vệ quyền phụ nữ”.
Đây là vụ ám sát chính trị quan trọng nhất ở Pakistan, kể từ sau cái chết của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, cuối năm 2007, trong một vụ đánh bom liều chết.
Đây không chỉ là mất mát lớn đối với PPP mà nó còn đào sâu cuộc khủng hoảng chính trị và làm gia tăng sự bất ổn tại quốc gia Nam Á này.
Hoàng Hà

Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 3): Sự ra đi của huyền thoại Rudolph Moshammer

19/12/2014 10:03 UTC+7
(Công lý) - Rudolph Moshammer nhà thiết kế thời trang thành công nhất của Đức. Ông bị giết ngay trong ngôi biệt thự của mình vào ngày 14/1/2005.
Rudolph Moshammer sinh ngày 27/9/1940 mất ngày 14/1/2005, là con trai của một doanh nhân bảo hiểm tại Munich, Đức. Ông là một trong những nhà thiết kế thời trang thành công nhất của Đức chỉ sau Karl Lagerfeld, Jil Sander và Wolfgang Joop. Ông được đánh giá là nhân vật nổi tiếng trên thế giới.
Cuộc đời Moshammer trải qua nhiều sóng gió khi cha ông mất  vì nghiện rượu. Chính điều này, khiến tình cảm của Rudolph Moshammer và mẹ ông thêm gắn kết, họ phải mạnh mẽ để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Moshammer ra trường và hoạt động như một thương gia bán lẻ.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 3): Sự ra đi của huyền thoại Rudolph Moshammer
Chú chó Daisy luôn xuất hiện cùng ông trong các sự kiện 
Ông bắt đầu thiết kế thời trang vào những năm 1960. Đến năm 1968, Moshammer cùng với mẹ mở 1 cửa hàng “Carnaval de Venise" ở phố mua sắm Munich Maximilian, đường số 14. Ở đó, ông đã tạo ra thương hiệu thời trang dành cho nam giới từ lông thú, cashmere và lụa.
Với chiến lược này, ông thu hút sự chú ý của giới thượng lưu ở Munich và 1 số lượng lớn khách hàng quốc tế như: Thống đốc Arnold Schwarzenegger: Johannes, 11 Hoàng tử của Thurn và Taxis; Nam diễn viên Richard Chamberlain; Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển…
Trong vai trò một nhà thiết kế thời trang lập dị, Rudolph Moshammer đã thiết kế một loạt tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ đời sống công cộng. Từ đây, tên tuổi của ông thường xuyên được xuất hiện trên báo chí.
Ông nhanh chóng khẳng định được thương hiệu và tạo nên hình ảnh của Ludwig II. Nhờ đó, Moshammer kiếm được cho mình số tài sản, đủ để mua ngôi một biệt thự ở Munich-Grünwald và ba chiếc xe Limousine Rolls-Royce.
Thương hiệu thời trang của Moshammer như một nam châm thu hút du khách đến thành phố, Munich bỗng trở thành một điểm thu hút khách du lịch, có người nói rằng Moshammer khiến "xã hội tốt đẹp hơn".
Ông luôn là khách mời thường xuyên trong các sự kiện đặc biệt nhất và người luôn đi cùng ông trong các sự kiện đó là mẹ của ông. Bà qua đời vào năm 1993, đó là 1 mất mát vô cùng lớn của ông.
Từ giữa những năm 1990, Moshammer tích cực tham gia các hoạt động từ thiện giúp đỡ cho người vô gia cư ở Munich. Trong năm đó, ông đã bắt đầu lên kế hoạch thiết lập nơi ở cho những người vô gia cư.
Ngoài việc thiết kế thời trang, Moshammer còn viết sách, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách. Một số cuốn sách tiêu biểu nhất như: "Mommy and Me" (1995), "Nấu ăn Elegant không kiểu cách" (1997), "I, Daisy" (1998), "Không chỉ là quần áo làm cho người đàn ông" (2002)…
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 3): Sự ra đi của huyền thoại Rudolph Moshammer
Thủ phạm giết chết Rudolph Moshammer hôm 14/1/2005
Theo tạp chí Stern của Đức, ông Moshammer có tất cả bốn con chó tên là Daisy. Chú chó Daisy cuối cùng là Yorkshire Terrier, Irina de Pittacus, được sinh ra vào ngày 20/9/1993. Từ 4 tháng tuổi, chú chó luôn được trang trí với một chiếc nơ trên đầu - một dấu hiệu của các nhà thiết kế thành công và chú chó luôn được xuất hiện liên tục trên truyền hình với người chủ của mình. Đây là niềm cảm hứng cho Moshammer để ông thiết kế một bộ sưu tập quần áo cho chó.
Sự nổi tiếng và quá trình hoạt động xã hội của Moshammer khiến không ai nghĩ rằng ông có thể trở thành nạn nhân của một vụ giết người. 9 giờ sáng ngày 14/1/2005, tài xế của Moshammer phát hiện ông chết trong ngôi biệt thự của mình ở Grunwald, vùng ngoại ô phía Nam Munich.
Theo báo cáo đầu tiên của các công tố viên công cộng, Moshammer đã bị siết cổ bằng dây cáp điện thoại màu đen, được tìm thấy gần xác chết. Chú chó Daisy được tìm thấy trong phòng khách của căn biệt thự vẫn an toàn và khỏe mạnh.
Dựa vào những dấu vết tại hiện trường, cảnh sát nhanh chóng bắt giữ Ali Abdullah Herisch (25 tuổi) ngay ngày hôm sau. Herisch là người Iraq, sinh sống từ năm 2001 như một người tị nạn ở Đức. Hắn là trợ lý đầu bếp tại một nhà hàng đồ ăn nhanh. Văn phòng cảnh sát liên bang (BKA) xác định thấy DNA của Herisch ngay tại hiện trường.
Trước những chứng cứ đó, Herisch đành cúi đầu thú nhận tội ác. Hắn tìm mọi cách giải thích với lý do bị phản bội, yêu cầu các luật sư biện hộ cho mình tội ngộ sát.
Herisch còn khai, Moshammer và hắn đã hợp đồng thỏa thuận tình dục trị giá 2.000 Euro, nhưng Moshammer đã không thanh toán số tiền đó. 
Ngày 2/11/2005, phiên tòa xét xử thủ phạm Herisch diễn ra tại Munich. Herisch bị kết án tù chung thân cho tội Giết người và Cướp tài sản.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 3): Sự ra đi của huyền thoại Rudolph Moshammer
Rất nhiều người đến dự đám tang Moshammer trong niềm thương tiếc, xót xa
Đám tang Moshammer diễn ra tại Tòa Giáo Hội ngày 22/1/2005. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Đông Munich trong khu lăng mộ cạnh người mẹ của mình.
Đài truyền hình Sat.1 độc quyền cho chương trình lễ tang của ông, trong khi đó, các phương tiện truyền thông lại chỉ trích lễ tang của ông như một lễ hội khi có rất đông người tham dự.
Đặc biệt là cách họ dùng thuật ngữ “đồng bóng” hay “đồng tính” để miêu tả đến cái chết của ông. Điều này làm dấy lên những mối bất bình từ giới phê bình và các thành viên của nhóm Lesbian liên bang và các nhà báo đồng tính (BLSJ). 
Như lường trước được những bất chắc, Moshammer đã viết di chúc trao lại chú chó Daisy và căn hộ của mình cho viên tài xế và là vệ sĩ, Andreas Kaplan của ông. Mặc dù với lối sống lập dị, nhưng Moshammer vẫn được những “người bình thường” yêu mến và kính trọng.
Ngọc Hà

Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 4): Cái chết đau đớn của quý tử Charles A. Lindbergh, Jr

22/12/2014 09:25 UTC+7
(Công lý) - Cậu bé Charles A. Lindbergh, Jr, con trai Charles Lindbergh bất ngờ bị bắt cóc. Sau thời gian dài tìm kiếm tốn kém rất nhiều công sức và tiền bạc, cuối cùng, cái mà gia đình Lindbergh nhận về là xác của cậu con trai bé nhỏ không còn nguyên vẹn.
Charles Lindbergh, được mệnh danh là “người anh hùng nước Mỹ” vì đã bay qua Đại Tây Dương bằng máy bay một động cơ khi mới 25 tuổi. Ông có một cậu con trai kháu khỉnh tên là Charles A. Lindbergh, Jr. Cậu bé chưa đầy 2 tuổi và được cả gia đình rất cưng chiều.
Đêm ngày 1/3/1932, một đêm đông gió rét, vú em nhà Lindbergh vừa đặt cậu chủ nhỏ trên chiếc cũi rồi cuốn tấm chăn quanh cậu bé để đề phòng bị ngã (cậu bé có thói quen xoay mình khi ngủ).
Khoảng 1 giờ sau, ông Lindbergh nghe thấy một tiếng động lạ phát ra từ trong nhà mình. Ban đầu, ông tưởng tiếng đồ vật gì đó rơi trong bếp, nên cũng không quan tâm nhiều. Sau đó vài phút, vú em phát hiện cậu chủ nhỏ Charles A. Lindbergh, Jr đã không còn nằm trong nôi nữa.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 4): Cái chết đau đớn của quý tử Charles A. Lindbergh, Jr
Người anh hùng nước Mỹ Charles Lindbergh
Ông Lindbergh lập tức lên phòng con và phát hiện một phong bì màu trắng ai đó cố tình để lại trên ngưỡng cửa sổ. Mẩu giấy để lại trong phong bì với những lỗi chính tả sai bất thường và ký hiệu kỳ lạ cho thấy hung thủ chủ ý bắt cóc cậu bé đòi tiền chuộc.
Sự việc lập tức được báo cho cảnh sát và chỉ 20 phút sau, cảnh sát địa phương cùng giới truyền thông đã có mặt tại nhà Lindbergh. Công tác tìm kiếm và khám nghiệm hiện trường nhanh chóng được triển khai.
Tuy nhiên, cảnh sát không thu thập được gì nhiều ngoài vết trũng của lốp xe xung quanh nhà và một chiếc thang có thiết kế rất đặc biệt tại bụi cây gần nhà. Dựa vào những gì có trong tờ giấy đòi tiền chuộc, cảnh sát xác định, hung thủ có thể là một người nói thông thạo tiếng Đức.
Vụ bắt cóc quý tử nhà Lindbergh nhanh chóng được cập nhật trên các trang báo lớn, nhỏ. Vì mức độ nghiêm trọng của sự việc và vụ án có liên quan tới người anh hùng dân tộc nước Mỹ, nên đích thân Tổng thống Mỹ, Herbert Hoover đã đến thăm hỏi tình hình.
Tổng thống tuyên bố, ông sẽ đi đến tận cùng để tìm thấy đứa trẻ. Cục Điều tra Liên bang (sau này đổi tên thành FBI) được ủy quyền để điều tra vụ án.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 4): Cái chết đau đớn của quý tử Charles A. Lindbergh, Jr
Chiếc thang được tìm thấy ở khu vực gần nhà
Song song với việc điều tra, các quan chức ở New Jersey công bố treo thưởng trị giá 25.000 USD. Đồng thời, gia đình Lindbergh cũng treo thưởng trị giá 50.000 USD cho ai tìm thấy manh mối hay thông tin liên quan tới hung thủ.
Trong lúc cả gia đình nhà Lindbergh như ngồi trên đống lửa, chờ đợi tin tức từ hung thủ về cậu con trai thì vài ngày sau đó, lá thư đòi tiền chuộc thứ 2 được gửi đến nhà Lindbergh.
Lá thư màu đỏ lục, được đóng dấu bưu điện ở Brooklyn. Một ngày sau đó, lại tiếp tục lá thư khác được gửi tới. Lá thư này cũng đóng dấu từ Brooklyn.
Ông Ed Mulrooney - nhân viên của sở Cảnh sát New York lập tức đề nghị cho điều tra bưu điện ở Brooklyn bởi kẻ bắt cóc rất có thể đã ra vào khu vực đó. Nhưng do mâu thuẫn trong việc xử lý tình huống giữa gia đình Lindbergh và phía cơ quan điều tra nên ý tưởng đó vẫn chưa được thực hiện.
Lá thư tiếp theo lại được gửi tới và vẫn đến từ Brooklyn. Bức thư này thông báo rằng, vì cảnh sát đã nhúng tay vào vụ này nên số tiền chuộc được nâng lên mức 70.000 USD. Những ngày sau đó, những lá thư vô danh cứ lần lượt được gửi đến nhà Lindbergh.
Đến lá thư thứ 12 thì hai bên đã thỏa thuận tiền chuộc và trao đổi con tin. Gia đình Lindbergh chấp nhận trả tiền chuộc với điều kiện, kẻ bắt cóc phải đảm bảo rằng đứa trẻ còn nguyên vẹn và khỏe mạnh.
John F. Condon, một vị hiệu trưởng đã về hưu tại địa phương, tình nguyện đi đàm phán trực tiếp với kẻ bắt cóc. Tên bắt cóc hướng dẫn John tới một chiếc thuyền bỏ hoang, nơi chúng giam giữ Charles.
John làm đúng theo hướng dẫn và đặt số tiền 50.000 USD vào đúng nơi tên bắt cóc yêu cầu với hi vọng nhanh chóng giải cứu được cậu bé. Nhưng thật bất ngờ, John không thấy chiếc thuyền nào như chúng đã nói và cậu bé Charles cũng không thấy đâu. Vụ án rơi vào ngõ cụt.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 4): Cái chết đau đớn của quý tử Charles A. Lindbergh, Jr
Thông tin về vụ cậu quý tử nhà Lindbergh thường xuyên được giới truyền thông cập nhật
Bất ngờ, vào tháng 5 năm đó, một xác chết trẻ em được tìm thấy trong khu đất thấp ở một khu rừng cách nhà của phi công Lindberghe không xa. Xác chết bị lá cây và côn trùng che phủ. Xương chân bên trái, tay trái và cánh tay phải bị mất tích, nội tạng không còn chút nào vì bị các động vật khoét sạch.
Do cơ thể phân hủy gần như hoàn toàn nên bước đầu rất khó xác định được nạn nhân là bé trai hay bé gái. Nguyên nhân cái chết được xác định là nạn nhân bị đánh vào đầu và xương sọ bị tổn thương nặng.
Phải mất ít nhất một ngày sau đó, cảnh sát mới xác định được đó là Charles A. Lindbergh, Jr. Cậu bé xấu số đã được gia đình đem đi hỏa táng, kết thúc 73 ngày sống trong lo lắng và chờ đợi.
Các thám tử vẫn nỗ lực bằng mọi cách truy tìm những manh mối có thể còn sót lại. Họ phỏng vấn những người bạn và người thân đã từng liên lạc với gia đình Lindberghs để tìm thêm những tài liệu mới, nhằm làm rõ chân tướng sự việc. Vụ án tưởng chừng như đi vào bế tắc sau 2 năm không có bất cứ manh mối nào của kẻ thủ ác.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 4): Cái chết đau đớn của quý tử Charles A. Lindbergh, Jr
Xác cậu bé Charles A. Lindbergh, Jr, 20 tháng tuổi sau đó được tìm thấy trong rừng cây gần nhà
Bỗng nhiên, vào năm 1934, một người bán xăng nhận hóa đơn thanh toán tiền đáng ngờ của 1 vị khách đi ô tô, sau khi vị khách này mua xăng tại cây xăng công cộng. Sự việc lập tức được báo cho cảnh sát Liên bang.
So sánh số seri trên tờ hóa đơn này, cảnh sát thấy nó khớp với tờ hóa đơn mà gia đình Lindberghs đã đưa tiền chuộc cho tên bắt cóc. Ngay lập tức, danh tính chủ nhân của tờ hóa đơn được xác định là Brono Richard Hauptmann, 35 tuổi.
Hắn là một người Đức nhập cư trái phép tới sống ở vùng Bronx được hơn 10 năm. Hauptmann nhanh chóng bị áp giải để phục vụ cho việc điều tra.
Qua kiểm tra sơ bộ, cảnh sát tìm thấy 15.000 USD tiền chuộc được cất giấu ở phía sau tường của gara để xe. Những mảnh gỗ tìm thấy ở nhà để xe của Hauptmann cũng hoàn toàn trùng khớp với vật chứng tìm được ở hiện trường nơi nạn nhân xấu số bị bắt cóc.
Phiên tòa xét xử kẻ thủ ác diễn ra ngay sau đó với những chứng cứ đầy đủ và rõ ràng. Vụ xét xử thu hút sự chú ý và quan tâm của hàng triệu người dân trên nước Mỹ và thế giới. Các thông tin chi tiết về tên tội phạm, phiên tòa xét xử, tội danh liên tục được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Chiếu mức độ tội phạm nguy hiểm, dã man của tên Hauptmann, tòa án bang New Jersey đã báo buộc hắn tội "bắt cóc, giết người" và nhận án tù chung thân. Nhưng do sức ép của dư luận, hắn đã bị tử hình vào năm 1936.
Đây được coi là "VỤ ÁN THẾ KỶ", bởi nạn nhân là con của người anh hùng nước Mỹ. Mặc dù kẻ thủ ác bị tử hình nhưng dư luận vẫn đặt nhiều câu hỏi nghi vấn xung quanh vụ án này.
Vụ án buộc Chính phủ Liên bang phải điều tra, tìm hiểu bản chất của tội phạm bắt cóc từ cấp địa phương đến tội phạm Liên bang.
Hoàng Hà

Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử ( Phần 5): Cái chết của nữ diễn viên đa tài Adrienne Shelly

24/12/2014 08:33 UTC+7
(Công lý) - Adrienne Shelly một diễn viên đa tài, nhưng số phận ngắn ngủi.
Adrienne Shelly diễn viên, đạo diễn và biên kịch người Mỹ (24/6/1966 – 01/11/2006). Cô sinh ra để giành cho những con người yêu thích điện ảnh độc lập. Cô được ví như Brigitte Bardot (nữ diễn viên nổi tiếng người Pháp thập niên 50) thông minh, hài hước và có phong cách diễn xuất rất gợi cảm.
Adrienne Shelly được công chúng biết tới qua hai bộ phim đầu tiên của đạo diễn người Mỹ Hal Hartley là The Truth Unbelievable (1989), và Niềm tin (1990). Hal Hartley cũng là người đầu tiên dẫn dắt Shelly đến với điện ảnh độc lập. Từ đây, cô bắt đầu tự viết kịch bản và vừa làm đạo diễn vừa là diễn viên chính trong bộ phim “Waitress”.
“Waitress” như một bản hoà tấu nhiều cung bậc, có khoảnh khắc chân thành của tình bạn, có nốt lặng yên bình của tình mẫu tử và có cả những lúc thăng trầm của cuộc sống, của niềm tin hy vọng.
Và không thể thiếu những giai điệu ngọt ngào, lãng mạn của tình yêu đôi lứa. Với tất cả tâm huyết ấy, Shelly kỳ vọng rất nhiều vào đứa con tinh thần của mình. Cô gửi bộ phim đến hội đồng thẩm định LHP Sudance và đang trong thời gian chờ phúc đáp thì bi kịch xảy ra.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử ( Phần 5): Cái chết của nữ diễn viên đa tài Adrienne Shelly
Đứa con tinh thần Waitress của Adrienne Shelly
Khoảng 17h45, 01/11/2006, người ta tìm thấy cô treo cổ bằng một tấm ga trải giường trong bồn tắm của căn hộ ở Greenwich Village. Ban đầu, mọi người đều cho đó là một vụ tự tử, nhưng sau khi đến căn hộ, họ thấy cửa trước được mở khóa. Cảnh sát cho biết vụ án có nhiều nghi vấn, một cuộc khám nghiệm tử thi được thực hiện vào ngày hôm sau.
Các thành viên trong gia đình và bạn bè của cô cũng hoài nghi về vụ tự tử. Họ nói, sự nghiệp kinh doanh của cô đang phát triển mạnh, cô ấy là một người mẹ hạnh phúc với cô con gái 3 tuổi và người chồng thành đạt. Cô sẽ không bao giờ tự lấy đi mạng sống của chính mình. Chồng của Shelly, ông Ostroy cho biết ví của Shelly bị mất tiền. Ông cũng bác bỏ cáo buộc cô tự tử.
Ngày 06/11/2006, sau vài ngày điều tra, cảnh sát bắt giữ 1 công nhân xây dựng tên Diego Pillco (19 tuổi) người Ecuador, một người nhập cư bất hợp pháp. Hắn thú nhận đã giết chết Shelly khi cô phàn nàn về tiếng ồn, do hắn gây ra trong căn hộ ở bên dưới. Pillco thừa nhận, hắn "đã có một ngày tồi tệ”.
Ngày 14/2/2008, Diego Pillco thú nhận tội lỗi của mình. Nhưng, trái với câu chuyện ban đầu, thực tế Shelly không phàn nàn về tiếng ồn, mà cô bắt gặp Pillco đột nhập và ăn cắp tiền của cô. Khi ấy, cô đã cố gắng gọi cho cảnh sát, nhưng hắn giằng lấy điện thoại và bịt miệng cô lại.
Khi Shelly ngất đi, Pillco quấn tấm ga trải giường xung quanh cổ và treo cô lên như một vụ tự tử. Tại tòa, Pillco tuyên bố hắn không biết Shelly vẫn còn sống khi hắn treo cổ cô, nhưng sau đó, hắn thừa nhận đã làm cô nghẹt thở rồi cố tình treo cổ để giống như cô ấy tự tử.
Qua giám định pháp y, các bác sĩ pháp y khẳng định, Shelly vẫn còn sống khi bị treo cổ. Pillco đã bị kết án 25 năm tù vào ngày 6/3/2008.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử ( Phần 5): Cái chết của nữ diễn viên đa tài Adrienne Shelly
Nữ diễn viên, đạo diễn và biên kịch xinh đẹp Adrienne Shelly
Sau khi bản án được tuyên, chồng của Shelly, cùng với các thành viên trong gia đình cho biết, họ sẽ không bao giờ tha thứ cho Pillco. Chồng Shelly đã kiện nhà thầu Bradford nơi thuê Pillco làm việc, nhưng ngày 07/7/2011, vụ kiện bị thẩm phán Louis York bác bỏ. Tòa án xác định, nguyên đơn đã không trình bày đầy đủ căn cứ pháp lý để cáo buộc Bradford phải chịu trách nhiệm về tội ác xấu xa của Pillco.
Sau cái chết của vợ, Ostroy thành lập “Adrienne Shelly Foundatio”, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm thực hiện các hoạt động trao học bổng, trợ cấp sản xuất, hoàn thiện các quỹ và tiền sinh hoạt phí, thông qua quan hệ đối tác với các tổ chức học tập và làm phim NYU , Đại học Columbia, Viện Sundance, Viện phim Tribeca và Liên hoan phim Nantucket.
Một trong những người được nhận trợ cấp từ quỹ này đó là Cynthia Wade – người giành giải Oscar năm 2008 cho “Freeheld”- một bộ phim tài liệu ngắn. Đặc biệt, quỹ đã giúp đỡ và nhiệt tình “phản đối bạo lực đối với phụ nữ".
Ostroy cũng là người dẫn đầu các hoạt động, để xây dựng đài tưởng niệm cho vợ. Ngày 03/8/2009, đài tưởng niệm dành riêng cho Adrienne Shelly Garden được hoàn thành, phía Đông Nam Abingdon Square Park, New York. Đài tưởng niệm đối diện với 15 Abingdon Square, tòa nhà nơi Shelly chết.
Hoàng Hà

Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 6): Cái chết đau đớn của nữ y tá xinh đẹp nổi tiếng nước Úc

26/12/2014 09:47 UTC+7
(Công lý) - Anita Cobby là một cô gái xinh đẹp, sống chan hòa với đồng nghiệp, nhưng cô đã bị sát hại rất dã man bởi những tên mặt người dạ thú.
Anita Lorraine Cobby, 26 tuổi, là y tá tại Sydney Hospital. Cô từng đoạt danh hiệu Hoa hậu từ thiện các vùng ngoại ô khu vực miền tây. Nhưng, Anita không đi theo con đường người mẫu chuyên nghiệp mà cô theo nghiệp của mẹ trở thành nữ y tá làm việc tại Bệnh viện Sydney, Australia.
Tại đây, Anita đem lòng yêu thương John Cobby, một nam y tá đẹp trai lớn hơn cô 3 tuổi. John và Anita là đồng nghiệp, họ có cùng sở thích xem phim, nghe nhạc và cùng học với nhau.
Hai người kết hôn vào tháng 3/1982, nhưng cuộc sống gia đình không mấy suôn sẻ, năm 1985 họ quyết định ly dị. Anita trở về sống với cha mẹ ở Blacktown và tiếp tục công tác tại Bệnh viện Sydney.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 6): Cái chết đau đớn của nữ y tá xinh đẹp nổi tiếng nước Úc
Cô y tá xinh đẹp từng  là Hoa hậu từ thiện 
Cô đắm mình vào công việc để quên đi cuộc hôn nhân tan vỡ và gần như chẳng bao giờ quan tâm đến giờ giấc làm việc. Khi phải làm việc trễ buổi tối, cô thường điện thoại cho cha đến đón tại trạm xe lửa Blacktown. Và bất kể giờ nào, ông Garry Lynch cũng sẵn sàng đi đón con gái.
Nhưng sự việc chẳng lành đã xảy ra vào lúc 5 giờ chiều ngày 2/2/1986, Anita Cobby cùng hai nữ y tá Lyn Bradshaw và Elaine Bray, đi đến nhà hàng Lebanese ở Redfern ăn cơm chiều. Sau bữa ăn chiều đó, Lyn chở Anita đến trạm Central Railway đón xe lửa về nhà. Ngoại trừ những kẻ giết người, đó là thời gian cuối cùng mọi người nhìn thấy Anita Cobby còn sống.
Buổi tối chủ nhật định mệnh đó, Anita không gọi điện thoại cho cha đi đón, cô quyết định đi bộ về nhà. Khi không thấy con gái gọi điện thoại ra đón, ông Garry Lynch không lo lắng gì, vì Anita là người hiểu biết và rất có trách nhiệm. Hơn nữa, cô thường làm việc rất trễ và ở lại đêm với các đồng nghiệp trong thành phố.
Tuy nhiên, buổi trưa hôm sau nữ y tá trực từ Bệnh viện Sydney điện thoại hỏi sao Anita không đi làm, ông Garry bắt đầu lo và điện thoại đi khắp nơi nhưng không có kết quả. Đến chiều tối, ông quyết định báo cho cảnh sát Blacktown về việc con gái ông bị mất tích.
Thứ ba ngày 4/2/1986, ông John Reen kinh hoàng phát hiện xác của một cô gái trẻ, trong tình trạng khoả thân ở nông trại Boiler Paddock của mình. Ngay sau đó, cảnh sát nhanh chóng tới hiện trường và phát hiện đó chính là thi thể của Anita Lorraine Cobby.
Theo điều tra, Anita Cobby bị hãm hiếp nhiều lần và bị đánh đập hết sức tàn nhẫn, trên người có nhiều vết thâm tím, cổ bị cắt. Cảnh sát địa phương thành lập đội đặc nhiệm gồm nhiều nhân viên điều tra giỏi, giàu kinh nghiệm để tìm kiếm hung thủ.
Cuộc lục soát nông trại Boiler Paddock được tiến hành, nhưng không thu được kết quả. Đội đặc nhiệm quyết định, kiểm tra hàng trăm kẻ tội phạm trong khu vực, trong đó đặc biệt chú ý đến những kẻ phạm tội tình dục nhưng cũng không có manh mối nào.
Và manh mối đầu tiên xuất hiện, những người dân sống cách trạm xe lửa Blacktown không xa cho biết vào khoảng 21h, ngày 2/2/1986, họ nghe thấy một tiếng hét rất lớn và liền chạy ra ngoài.
Họ nhìn thấy một người đàn ông trong chiếc xe Holden Kingswood, một phụ nữ có mái tóc màu sẫm vùng vẫy, la hét dữ dội trong khi chiếc xe không bật đèn vội vã lao đi.
Hai ngày sau khi tìm thấy thi thể của Anita Cobby, chính quyền New South Wales quyết định treo giải thưởng 50.000USD cho những ai cung cấp thông tin về những kẻ giết chết cô gái. Mặc dù, có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến, nhưng không mang lại kết quả.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 6): Cái chết đau đớn của nữ y tá xinh đẹp nổi tiếng nước ÚcNhững vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 6): Cái chết đau đớn của nữ y tá xinh đẹp nổi tiếng nước ÚcNhững vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 6): Cái chết đau đớn của nữ y tá xinh đẹp nổi tiếng nước Úc
Chân dung 3 kẻ giết cô y tá Anita Cobby
Công việc điều tra tưởng chừng đi vào ngõ cụt, nhưng vào ngày thứ 3, 11/2, cảnh sát nhận được cuộc gọi của 1 người đàn ông. Ông ta nói có tin tức về kẻ giết người, nhưng không dám trình báo vì sợ bị trả thù.
Theo lời khai của ông này thì John Travers và 2 kẻ tội phạm khác, Mick Murdoch và Les Murphy, lấy cắp một chiếc xe ôtô vài ngày trước khi xảy ra vụ giết người và sơn chiếc xe này thành màu xám.
Ông này còn cho biết, Travers nổi tiếng về cách hành xử thô bạo với phụ nữ. Cùng lúc đó, một người dân đã cung cấp một số địa chỉ mà John Travers hay lui tới.
Theo thông tin được cung cấp, cảnh sát đã đột kích vào một ngôi nhà gần Wentworthville, họ tìm thấy John Travers và Mick Murdoch đang ngủ trên giường. Chúng thừa nhận đã ăn cắp chiếc xe, nhưng phủ nhận việc giết hại Anita Cobby.
Cùng thời gian đó, cảnh sát cũng bắt giữ Les Murphy trong căn nhà ở Doonside, cách Wentworthville không xa. Murphy thú nhận đã tham gia vụ trộm chiếc xe, nhưng phủ nhận không dính líu đến cái chết của Anita Cobby.
Les Murphy và Mick Murdoch bị kết tội trộm xe và được tại ngoại. Tuy nhiên, cảnh sát đã bí mật theo dõi chúng với hy vọng tìm ra nơi cất giấu chiếc xe mất cắp. Trong khi đó, John Travers bị giam giữ vì bị tình nghi gây ra nhiều vụ xâm hại tình dục trong khu vực, trong đó có vụ hiếp dâm một cô gái trẻ ở Toongabbie, 8 tháng trước, đó là một người thăm nuôi cô Miss X.
Được sự thuyết phục của cảnh sát, cô Miss X đồng ý giúp họ bẫy Travers. Được gắn máy ghi âm trong người, cô Miss X hỏi hắn về việc bắt cóc và giết hại Anita Cobby và Travers đã kể lại tất cả. Hắn khoe cách mà cả nhóm tiến hành bắt cóc Anita Cobby, hãm hiếp, đánh đập và cuối cùng là cắt cổ nạn nhân thế nào.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 6): Cái chết đau đớn của nữ y tá xinh đẹp nổi tiếng nước Úc
Ngôi mộ tưởng nhớ Anita Cobby tại New South Wales
Căn cứ vào lời khai, cảnh sát tiến hành bắt giữ Les Murphy và Mick Murdoch. Hai tên đồng bọn khác của chúng là Mick và Gary Murphy cũng bị bắt giữ ngay sau đó tại một ngôi nhà ở Tari Way, Glenfield, một vùng ngoại ô cách Blacktown 22km về phía Nam.
Theo lời khai của các bị cáo, buổi chiều chủ nhật ngày 2/2/1986, bọn chúng uống rượu say tại khách sạn Doonside. Sau đó, cả 5 tên cùng leo lên chiếc xe mà Travers lấy cắp một tuần trước, với ý định giật túi xách của một phụ nữ lấy tiền đổ xăng, đang đi thì chúng nhìn thấy Anita đi bộ một mình trên đường Newton, với chiếc túi xách đeo trên vai.
Bọn chúng liền dừng xe trước mặt Anita Cobby, Travers và Mick Murdoch nhảy xuống bắt cô gái lên xe, sau đó, chúng thay nhau hãm hiếp, đánh đập tàn bạo cô gái.
Sau khi thỏa mãn cơn thú tính, chúng kéo Anita qua hàng rào kẽm gai của nông trại Boiler Paddock và để mặc cô gái thoi thóp thở trên bãi cỏ. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở đó lo sợ cô gái không chết sẽ tố cáo, bọn chúng quay lại và cắt cổ nạn nhân để bịt đầu mối.
Vào 16/6/1987, với các bằng chứng có được, tòa án đưa vụ việc ra xét xử. Do luật của bang New South Wales không áp dụng án tử hình, nên cuối cùng mỗi tên bị kết án tù chung thân và trong tập hồ sơ của chúng đều được đóng dấu “Không bao giờ được thả”.
Hiện chúng đang bị giam giữ trong các nhà tù được bảo vệ nghiêm ngặt ở bang New South Wales.
Hoàng Hà

Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 7): Cái chết của chính trị gia nổi tiếng nước Anh

29/12/2014 10:29 UTC+7
(Công lý) - Airey Neave là một sĩ quan quân đội Anh, đồng thời là luật sư và chính trị gia có tiếng. Chiều ngày 30/3/1979, quả bom gài dưới gầm xe phát nổ khiến ông và người lái xe kiêm cận vệ chết ngay tại chỗ.
Airey Middleton Sheffield Neave (23/1/1916 - 30/3/1979), tại thành phố Abingdon. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hành nghề luật sư. Sau khi tốt nghiệp Trường trung học Eton, Neave theo học ngành Luật tại Đại học Oxford, khi Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Neave được tình báo quân đội Anh tuyển dụng.
Tháng 5/1940 khi đang thi hành nhiệm vụ tại mặt trận Pas de Calais, miền Bắc nước Pháp, Neave bị mật vụ Gestapo của Đức Quốc xã bắt giữ rồi đem giam giữ tại Trại tù Stalag ở Balan.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 7): Cái chết của chính trị gia nổi tiếng nước Anh
Airey Middleton Sheffield Neave vị chính trị gia nổi tiếng nước Anh
Tháng 4/1941, sau một lần đào tẩu không thành, ông trốn thoát thành công lần thứ 2 vào tháng 1/1942. Sau đó, ông tìm cách quay về Anh, tiếp tục làm việc cho Tình báo Quân đội Anh. Neave được giao nhiệm vụ thẩm vấn nhiều tên trùm Đức Quốc xã bị bắt giữ, chuẩn bị đưa ra xét xử trước Tòa án quốc tế Nuremberg cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Năm 1949, ông rời Tình báo Quân đội Anh trở lại với cuộc sống đời thường, hành nghề luật sư rồi được Cơ quan Phản gián Anh (MI-5) tuyển dụng. Với sự hỗ trợ ngầm của MI-5, Neave trở thành đại biểu Quốc hội Anh, thành phố Abingdon vào năm 1950. Đến tháng 6/1953, ông được bầu làm Nghị sĩ Quốc hội thuộc đảng Bảo thủ.
Với tư cách là Nghị sĩ Quốc hội, ông được MI-5 giao nhiệm vụ đánh giá, phân tích xu hướng thân Liên Xô, bài Mỹ của một số nghị sĩ khác thuộc cả hai đảng Bảo thủ và Lao động. Sau đó, ông cùng MI-5 lên kế hoạch cô lập và tìm mọi cách kể cả dùng tiền bạc và gái đẹp, để làm lung lạc ý chí những người này hoặc gài bẫy họ.
Neave đã thành công khi chỉ điểm 3 nghị sĩ có tư tưởng thân Liên Xô cho MI-5, trong thập niên 70. Ông cũng là người tổ chức triển khai điệp vụ "Bộ máy đồng hồ màu cam", nhằm lật đổ chính phủ của đảng Lao động do Harold Wilson làm thủ tướng vì cho rằng, vị thủ tướng này có xu hướng thân Liên Xô.
Năm 1975, Airey Neave là người đứng đầu các hoạt động tranh cử để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ của bà Margaret Thatcher. Neave được bà Thatcher hứa sẽ trao chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao, nếu đảng Bảo thủ thắng lợi trong kỳ bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 4/1979. Tuy nhiên, chỉ hai tuần trước khi diễn ra kỳ bầu cử Quốc hội, Neave đã bị giết hại.
Vào 16h45’ ngày 30/3/1979, khi vừa rời bãi đỗ xe của tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London chừng 6 phút, chiếc xe chở ông Airey Neave bỗng phát nổ khiến ông và người lái xe kiêm cận vệ chết ngay tại chỗ. 4 người khách bộ hành cũng bị thương do những mảnh vỡ văng ra từ chiếc xe.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 7): Cái chết của chính trị gia nổi tiếng nước Anh
Neave được bà Thatcher hứa sẽ trao chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao
Theo điều tra của cảnh sát, vụ nổ xảy ra bởi một quả bom tự chế có thiết bị hẹn giờ được gài dưới gầm xe của nghị sĩ Neave để sát hại ông. Đây là một kiểu đánh bom thường do các tổ chức vũ trang đòi độc lập cho Bắc Ailen gây ra. Thế nhưng, không giống các vụ đánh bom khủng bố khác,  nhiều ngày sau vẫn không có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom giết hại nghị sĩ Neave.
Cái chết bất ngờ của Neave tuy khiến bà Margaret Thatcher mất đi một cố vấn đắc lực, nhưng không ngăn cản được đảng Bảo thủ giành thắng lợi trong kỳ bầu cử Quốc hội. Bà Thatcher trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Anh. Sau khi trở thành Thủ tướng, bà Thatcher ra lệnh cho cảnh sát tích cực điều tra vụ đánh bom giết hại nghị sĩ Neave để trừng phạt đích đáng thủ phạm. Cho dù hết sức cố gắng điều tra, nhưng vụ án vẫn không được làm sáng tỏ.
Cho đến năm 1995, vụ đánh bom giết hại Neave mới được làm rõ, nhờ các cuộc điều tra của hai phóng viên Kevin Cahill và Duncan Campbell, của tờ New Statesman. Theo đó, Neave không những làm việc cho MI-5 mà cả cho MI-6 (Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh).
Năm 1978, xảy ra vụ mưu sát Tony Benn – Lãnh đạo đảng Lao Động. nhưng kế hoạch không thành. Vụ mưu sát được quy kết do đảng Bảo thủ thực hiện, để ngăn chặn nguy cơ Tony Benn trở thành thủ tướng nếu đảng Lao động chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội năm 1979.
Thủ tướng Anh, James Callaghan ra lệnh cho cảnh sát tiến hành điều tra. Đến tháng 9/1978, cảnh sát bắt giữ được thủ phạm, hắn khai tên là Lee Tracy và nhân vật thuê hắn thực hiện vụ mưu sát là Airey Neave.
Để bảo vệ Neave, MI-5 tìm cách làm thay đổi lời khai của Lee Tracy  và bí mật giết hắn ngay trong tù, rồi ngụy tạo thành một vụ thanh toán giữa các tù nhân với nhau. Thế nhưng, để phòng xa và cũng để bịt đầu mối, MI-5 đã tổ chức đánh bom giết hại luôn Neave vào ngày 30/3/1979.
Cũng theo điều tra của Kevin Cahill và Duncan Campbell, ngoài lý do trên, còn 1 lý do nữa khiến Neave bị MI-5 sát hại. Đó là, Neave nắm bắt được một số vụ việc liên quan đến tệ nạn tham nhũng trong nội bộ MI-5. Trong một lần trò chuyện với Neave vào năm 1979, Cahill cho biết, Neave cho rằng, cần phải thay đổi và cải tổ lại bộ máy của MI-5 vì cơ quan tình báo này đang bị nạn tham nhũng phá hoại từ bên trong.
Theo đó, Neave còn tiết lộ, đã có âm mưu giết hại Christopher Syke - một lãnh đạo của MI-5, do ông này chủ trương phải làm trong sạch nội bộ MI-5. Trái lại, Syke thoát chết trong một vụ đánh bom còn Neave lại trở thành nạn nhân của vụ đánh bom trong chính chiếc xe của mình.
Hoàng Hà

Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 8): Cái chết của người mẫu Mông Cổ và những bê bối trên chính trường Malaysia

31/12/2014 11:48 UTC+7
(Công lý) - Shaariibuugiin Altantuyaa là người mẫu kiêm phiên dịch viên, người bị bắn chết rồi sau đó cho nổ tan xác bằng thuốc nổ C4 hồi tháng 10/2006. Vụ việc này làm chấn động cả đất nước Malaysia khi ấy.
Cô người mẫu kiêm phiên dịch viên xinh đẹp
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 8): Cái chết của người mẫu Mông Cổ và những bê bối trên chính trường Malaysia
Người mẫu kiêm phiên dịch viên xinh đẹp ltantuyaa
Shaariibuugiin Altantuyaa hay còn được gọi với tên Mông Cổ là Altantuya Shaariibuu sinh ngày 06/5/1978. Tuy là một người Mông Cổ, nhưng cô và em gái cùng lớn lên ở Nga , nơi Altantuyaa bắt đầu bước chân vào lớp học đầu tiên.
Ngay từ lớp tiểu học, cô được biết đến là một người thông minh, thông thạo nhiều thứ tiếng như Mông Cổ, Nga, Trung Quốc, tiếng Anh và tiếng Pháp. Cô nổi tiếng cả về vẻ xinh đẹp, với thân hình bốc lửa.
Năm 1990, Altantuyaa trở lại Mông Cổ và một năm sau cô kết hôn với một ca sĩ Techno tên là Maadai. Họ có một đứa con vào năm 1996 nhưng cuộc hôn nhân nhanh chóng kết thúc. Con của Altantuyaa được ông bà ngoại nhận chăm sóc.
Mặc dù cô theo học ngành sư phạm, nhưng trước đó Altantuyaa có một thời gian ngắn học một lớp người mẫu tại Pháp trước khi trở về Mông Cổ.
Năm 2003, Altantuyaa tái hôn nhưng cuộc hôn nhân thứ hai cũng không kéo dài bao lâu. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, cô chuyển sang làm phiên dịch và thường xuyên đi du lịch sang các nước Singapo, Trung Quốc và Malaysia.
Cái chết không toàn thây và âm mưu chính trị của Thủ tướng Malaysia
Lần đầu tiên cô đến Malaysia là vào năm 1995, tại đây cô quen với Abdul Razak Baginda, một nhà phân tích quốc phòng của trung tâm nghiên cứu chiến lược Malaysia. Sau đó, cô làm phiên dịch cho ông Abdul Razak khi ông này đại diện chính phủ Malaysia tham gia một thỏa thuận mua tàu ngầm từ Pháp.
Nhưng vào ngày 19/10/2006, nữ phiên dịch viên xinh đẹp, Altantuyaa đột nhiên mất tích. Không bao lâu sau, cảnh sát phát hiện cô bị bắn chết tại một khu vực hoang vắng gần thủ đô Kuala Lumpur, thi thể bị phá hủy hoàn toàn vì thuốc nổ C4.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 8): Cái chết của người mẫu Mông Cổ và những bê bối trên chính trường Malaysia
Xác của Altantuyaa được tìm thấy tại khu vực vắng vẻ gần Kuala Lumpur
Theo điều tra, Altantuyaa bị bắt cóc ngay trước cửa nhà Baginda. Một nhân chứng là tài xế taxi, đã ghi lại biển số xe của nhóm bắt cóc và khẳng định đó là xe của chính phủ. Sau đó, hai cảnh sát đặc nhiệm Malaysia - vệ sĩ của Thủ tướng Najib đã bị kết tội là thủ phạm bắt cóc, sát hại Altantuyaa và phải nhận án tử hình.
Tuy nhiên, qua quá trình điều tra về cái chết bí ẩn của Altantuyaa, cơ quan điều tra cũng tình cờ khám phá ra những vụ bê bối tham nhũng, có liên quan đến Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak.
Đầu tiên, phải nhắc tới thám tử tư Balasubramaniam, người là mắt xích cốt yếu trong vụ bê bối liên quan đến Thủ tướng Najib Razak. Ông tố cáo Thủ tướng có quan hệ tình dục với người mẫu Mông Cổ Altantuyaa, một phiên dịch viên được cử đi tháp tùng ông Najib Razak.
Sự hiện diện của người đẹp Altantuyaa trong tiến trình xúc tiến bản hợp đồng mua lại tàu ngầm của DCNS, trị giá 2 tỷ USD của Pháp được cho là chiêu mỹ nhân kế để giành phần thắng thế trước đối phương khi mà ông Najib đang giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 8): Cái chết của người mẫu Mông Cổ và những bê bối trên chính trường Malaysia
Thủ tướng Najib Razak và Abdul Baginda bị nghi ngờ có liên quan tới cái chết của nữ phiên dịch viên và phi vụ mua tàu ngầm của Pháp
Trên thực tế, cô người mẫu kiêm phiên dịch này là lá bài được Abdul Baginda cài vào bên cạnh Thủ tướng để theo dõi mọi động tĩnh của chính phủ. Phiên dịch viên Altantuyaa từng có hành tung bí ẩn khi đi theo Baginda sang Paris để thương lượng với DCNS về vụ mua tàu ngầm.
Bên cạnh đó, Balasubramaniam được Abdul Razak thuê để tạo bằng chứng chống lại cáo buộc giết người. Người này biết rất rõ những chuyện "thâm cung bí sử" của chính trường Malaysia.
Ông khẳng định, một số quan chức chính phủ bao gồm cả Thủ tướng Najib có dính líu tới vụ sát hại Altantuyaa. Nhưng sau đó, Balasubramaniam rút lại lời cáo buộc với lý do gia đình ông bị đe dọa và ông được người ta cho tiền để rời khỏi Malaysia.
Đầu năm 2013, Balasubramaniam trở về Malaysia sau thời gian lưu vong ở Ấn Độ. Ông muốn trở về để tố giác và nói hết sự thật cũng như để chống lại liên minh cầm quyền của Thủ tướng Najib.
Tuy nhiên, chưa kịp chứng minh việc Thủ tướng Najib Razak liên quan tới tham nhũng và giết người, ông đột ngột qua đời vì bị đau tim sau khi nhập viện một tuần.
Có nhiều tin đồn xung quanh hai cái chết đều liên quan tới thương vụ tàu ngầm này. Có thể Thủ tướng mượn tay Baginda để "khử" Altantuyaa, vì cô đòi hưởng phần hoa hồng 500.000 USD để "mua" sự im lặng.
Những vụ án tồi tệ nhất trong lịch sử (Phần 8): Cái chết của người mẫu Mông Cổ và những bê bối trên chính trường Malaysia
Thám tử tư Balasubramaniam
Để chứng minh sự vô can, Thủ tướng Najib thề trên sách kinh Coran ông chưa bao giờ gặp Altantuyaa. Ông nói đó là "lời nói dối khủng khiếp", các cáo buộc này nhằm phá sự nghiệp chính trị của ông và chính phủ không có sai phạm nào trong việc mua 2 chiếc tàu ngầm. Ông không ngại vụ vệ sĩ của ông bị truy tố, và công khai phớt lờ cuộc điều tra của Pháp.
Ông cũng thẳng tay "chặn họng" các nhà báo trong nước khi liên tục cáo buộc cái chết của người mẫu Shaariibuu là "sản phẩm ghen tuông" từ vợ ông.
Đây là một hành động làm mất thể diện của ông trên chính trường, khiến Thủ tướng phải yêu cầu cảnh sát có biện pháp ngăn chặn các bài viết lan tràn trên báo chí.
Ông Najib Razak nhấn mạnh, chưa bao giờ gặp cô Altantuya và không hay biết cuộc tình vụng trộm giữa Baginda với người mẫu Mông Cổ. Thế nhưng, tờ Asia Sentinel đưa ra bức ảnh trong đó có Baginda, Altantuya Shaariibuu và ông Najib Razak đang ăn tối tại một nhà hàng ở thủ đô Paris.
Điều đó phủ nhận mọi lời nói đầy tính chân thực của vị Thủ tướng từng tuyên bố "sẽ hết lòng vì sự nghiệp chống nạn tham nhũng ở Malaysia”.
Ông Abdul Baginda cũng bị cáo buộc là chủ mưu giết người nhưng cuối cùng lại được xử trắng án.
Hoàng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét