Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

TT&HĐ III - 31/f

                                                                    cách mạng pháp


PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


.


CHƯƠNG X (XXXI): TỘI ÁC

 

“Với việc thiết lập bạo lực và giết nhau trong loài của mình, con người tự đặt nó xuống dưới con thú”
André Bourguignon

"Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi, thói xấu của nó và sám hối cho chúng."
Aleksandr Solzhenitsyn
 
"Kẻ phạm vào tội lỗi là con người; đau buồn về nó là thánh nhân; kiêu hãnh về nó là ác quỷ."
 
"Trong giấc mơ của tao, thế giới đã phải chịu một thảm họa khủng khiếp. Một đám sương mù đen che lấp ánh nắng mặt trời, bóng tối nhấn chìm cuộc sống với những tiếng rên la gào thét của những con người hoảng loạn. Đột nhiên, một tia sáng lóe lên. Một ngọn nến lung linh thắp sáng hy vọng cho hàng triệu tâm hồn khốn khổ. Một cây nến nhỏ, tỏa sáng trong bóng tối bao la. Tao mỉm cười và thổi tắt nó…
 

"Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt" 

Napoleon Bonaparte.

 

 "Luôn nhớ rằng mình sẽ phải chết là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh sa vào suy nghĩ mình có cái gì để mất. Khi bạn chẳng còn gì, không có lý do nào để bạn không đi theo chính trái tim mình" - Steve Jobs


 

 

 

 (Tiếp theo)


Tương phản lưỡng nghi là trong âm có dương và trong dương có âm nên khó mà có được bản năng thuần túy cũng như lý trí thuần túy. (Tuy nhiên cũng có thể có được nếu muốn, nếu “thích”, nhưng phải thông qua qui ước. Hãy nhớ đến đặc tính nước đôi của Tự Nhiên Tồn Tại trước quan sát!). Ở loài người, trong “vòng vây” của thị phi, quá trình chuyển hóa lưỡng nghi bản năng - lý trí làm xuất hiện “một thứ hỗn hợp” lạ lùng không hẳn là bản năng cũng không hẳn là lý trí, vừa bản năng vừa lý trí, nhưng mang nặng tính bản năng và có thể tạm gọi là "ý chí" (?). Vẫn gượng lắm! Chẳng biết gọi thế nào cho phải “đạo” nên bắt chước Lão Tử, tạm gọi là “bản năng lý tính” vậy (cũng có thể tạm gọi là bản năng thứ cấp). Bản năng lý tính của con người cũng phải chịu sự đánh giá của thị phi nên cũng phân thành hai loại đúng và sai, đẹp đẽ và xấu xa. Có thể liệt kê một số ra đây. Về loại bản năng lý tính đẹp đẽ có: lòng nhân hậu, tình yêu thương đồng loại, thích hội hè, ham lao động… Về loại bản năng lý tính xấu xa có: lòng đố kỵ, tính ghen ghét đồng loại, thích giết đồng loại, muốn làm biếng, nghiện ngập, hung bạo… Ở người say rượu, khi lý trí “tỉnh táo” đã “đua nhau bỏ đi” bớt thì bản năng lý tính cũng trỗi dậy thấy rõ.


Bàn luận về chiến tranh trong một quán cà phê Paris, The Illustrated London News ngày 17 tháng 9 năm 1870
Từ lối sống bầy đàn giản đơn, nhờ tính chủ động thích nghi, loài người đã chuyển sang lối sống quần cư - xã hội có cấu trúc nội tại phức tạp hơn, chặt chẽ hơn, đảm bảo chắc chắn hơn cho sự sống còn của từng cá thể và sau đó là của cả giống loài.
Phân biệt được đến tận “chân tơ kẽ tóc” mà cũng không phân biệt được đến tận “chân tơ kẽ tóc” là đặc tính của Tự Nhiên Tồn Tại. Hay nói khác đi, Vũ Trụ vừa rời rạc vừa liền lạc đến từng chi tiết. Cộng đồng xã hội cũng phải mang đặc tính chung đó và thể hiện ra một cách đặc thù bởi nguyên tắc: toàn thể là cái bao hàm của bộ phận cho nên bộ phận phải mang bản chất của toàn thể nhưng trước quan sát, bộ phận không phải là toàn thể nên sự thể hiện của nó phải mang tính đặc thù, tính riêng biệt. Vậy, cộng đồng xã hội là một cơ thể vừa rời rạc vừa gắn bó. Mỗi con người đều có thể nhờ kẻ khác “làm hộ” để mà có miếng ăn, để giàu sang phú quí nhưng chắc chắn không thể nhờ “ăn hộ” mà sống được. Ở tầng sâu khó thấy, tác động của qui luật đấu tranh sinh tồn đã làm xuất hiện con người có ý thức và thông qua ý thức ấy mà nó cũng làm xuất hiện lối sống theo cộng đồng xã hội loài người. Con người là một thực thể sinh vật nên phải tự ăn tự sống, hay nói tương đối là phải độc lập kiếm sống. Nhưng để kiếm sống hiệu quả hơn, để có cuộc sống dễ dàng hơn, thì con người có ý thức phải tìm cách tạo ra quyền lực ngày một lớn hơn, mạnh mẽ hơn nhằm trước tiên là đấu tranh chinh phục quyền lực thiên nhiên, “thu hoạch” miếng ăn cái mặc từ thiên nhiên và như vậy, sớm muộn gì con người cũng phải “tìm đến” lối sống tập thể, cộng đồng có phân công, phối hợp, cùng làm cùng ăn, chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi. Có thể nói, con người độc lập sống nhưng có nhiều khả năng sinh tồn nhẹ nhàng hơn, dễ dàng hơn nhờ cộng đồng xã hội, do đó mỗi con người trong khi sống vì mình thì đồng thời cũng vì sự tồn tại của cộng đồng một cách tự phát và sau đó là cả tự giác. 
Vận động là không thể ngừng cho nên môi trường tự nhiên - xã hội luôn biến đổi, chuyển hóa tạo ra những điều kiện, hoàn cảnh, những thời kỳ thuận lợi và bất lợi kế tiếp nhau đối với đời sống con người, trong đó có những giai đoạn vô cùng khó khăn. Điều đó đã làm cho tác động của qui luật đấu tranh sinh tồn ở loài người, thông qua ý thức không chỉ gây ra những hiện tượng phù hợp Đức Huyền Diệu mà còn cả những hiện tượng không phù hợp Đức Huyền Diệu trong xã hội, đó là: nạn giết chóc, sự phân tầng giàu - nghèo bất bình đẳng, làm tồn tại hai tầng lớp thống trị và bị trị… làm cho cộng đồng xã hội luôn có những tác động phản động gây nguy cơ tan rã xã hội.


                                     Mô hình biếm họa về nhà nước Tư sản
Có nguy cơ phân rã nhưng cộng đồng xã hội lại không tan rã được bởi vì ngay từ đầu nó đã là phương thức sống được lựa chọn tự nhiên nhằm mục đích sống còn của con người có ý thức. Nó chỉ có thể và phải đổi mới cho phù hợp với tình hình mới. Một trong những yếu tố quyết định đến sự hình thành và tồn tại bền vững của cộng đồng xã hội là sự đoàn tụ, liên kết, quan hệ gắn bó giữa mỗi con người, giữa mỗi bộ phận người với nhau, hay còn gọi ngắn gọi là “sự đoàn kết”. Sự đoàn tụ sẽ tạo nên một lực lượng nhưng một lực lượng sẽ không thể hiện được sức mạnh hay quyền lực khi các cá thể, thành viên làm nên lực lượng ấy hành động hoàn toàn rời rạc, lạc điệu, không có tính phương hướng. Muốn cái lực lượng ấy thực sự thể hiện ra được sức mạnh bạo lực của nó (trước thiên nhiên cũng như trước lực lượng đồng loại khác) thì các cá thể, thành viên làm nên nó phải đoàn kết gắn bó keo sơn, kết hợp hành động một cách nhịp nhàng, đồng lòng nhất trí, cùng chung chủ đích.
Tóm lại, một cộng đồng xã hội muốn tồn tại và phát triển bền vững thì nó phải vận động hợp lòng mọi người, tức là phải hoạt động thỏa mãn với nguyện vọng của đại đa số con người lập thành cộng đồng xã hội ấy. 
Nhưng làm sao mà đoàn kết nhất trí được khi trong cộng đồng xã hội là những con người cụ thể mang lý trí độc lập tạo nên một tập hợp với đa dạng quan niệm và vì thế mà cũng đa chiều thị phi, đa mức đòi hỏi? Để hòa thuận được thì lẽ đương nhiên là phải bàn bạc, thỏa thuận với nhau được giữa các thành viên để mà xuất hiện ra cái gọi là “thỏa ước”. Thỏa ước chính là “chuẩn mực thị phi” được đại đa số người trong cộng đồng thừa nhận và “nghe” theo. Mục đích nguyên thủy của nó là đảm bảo sự công bằng xã hội, đảm bảo cho mọi con người trong xã hội đều có cơ hội và điều kiện như nhau trong cuộc mưu sinh và được tự do hưởng thụ thỏa đáng danh lợi do lao động chính đáng của bản thân tạo ra. Để thực hiện được thỏa ước ấy, để phân xử những vi phạm thỏa ước, cũng như để thể hiện sức mạnh của cộng đồng lúc cần thiết, thì thông qua thỏa thuận làm hình thành nên thỏa ước, cộng đồng cũng sẽ làm xuất hiện ra một “ông trọng tài”, được cộng đồng trao quyền để theo dõi việc tuân thủ thỏa ước cũng như điều hành, phối hợp mọi hoạt động trong cộng đồng thành hành động chung của toàn cộng đồng xã hội. “Ông trọng tài” đó chính là đầu lĩnh, thủ lĩnh, ban lãnh đạo, nhà nước… và chúng ta cứ tạm gọi một cái tên chung là “nhà nước”. 
Nhà nước thuở ban đầu là một bộ phận người được cộng đồng xã hội tín nhiệm chọn ra, bầu ra làm đại diện cho cộng đồng, được cộng đồng ủy quyền làm cái nhiệm vụ chung của cộng đồng là: theo dõi, giám sát, phân xử… trong việc hoạt động tuân theo thỏa ước của mọi thành viên, mọi công dân trong cộng đồng, đảm bảo cho thỏa ước được thực thi trong toàn xã hội, đại diện cộng đồng để ứng xử, thỏa thuận với những cộng đồng khác, tổ chức huy động lực lượng vào những lúc cần thiết… Khi cộng đồng có qui mô nhỏ, cấu trúc giản đơn và sơ khai thì nhà nước cũng giản đơn, sơ khai, chỉ xuất hiện lúc cần thiết để chủ yếu là hòa giải, không có đặc quyền đặc lợi. Khi cộng đồng đã phát triển về qui mô dân số cũng như lãnh thổ, khi xã hội bị phân biệt giàu nghèo và sự hành xử giữa người với người bằng bạo lực đã trở thành “thói quen” và trở nên “phổ biến” thì nhà nước cũng được “chuyên môn hóa”, trở thành hiện tượng thường xuyên, được mọi thành viên trong cộng đồng trích ra một phần thu nhập nhất định theo thỏa ước nuôi sống, để chuyên làm công việc chung cho cộng đồng, thỏa mãn ý chí chung của cộng đồng như đã nêu và khi thỏa ước đã “kín kẽ” thành pháp luật thì cũng còn gọi là thực thi nhiệm vụ hành pháp và lập pháp (điều chỉnh, thay đổi pháp luật theo ý chí của cộng đồng cho phù hợp với tình hình mới). Để có thể hoàn thành nhiệm vụ đó, nhà nước cũng được trao quyền tổ chức ra bộ máy đóng vai trò công cụ bạo lực trên danh nghĩa là của cộng đồng, do cộng đồng ủy quyền nhưng thực tế là do nhà nước chỉ huy, thao túng. Nhà nước cùng với công cụ bạo lực ấy được gọi là chính quyền. Khi chính quyền xuất hiện thì cũng là lúc cộng đồng xã hội phân định thành cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.
Như vậy, thật rõ ràng, nhà nước ra đời có vai trò như một anh cảnh sát, đứng ra giữ gìn trật tự trị an, hòa giải và bảo vệ quần chúng, không có chút sự sở hữu bất cứ thứ gì và có bất cứ quyền lực gì, mọi quyền sở hữu và quyền lực đều được nhân dân ủy quyền, giao phó mà có. Hiện nay tại Việt Nam, nhiều người vẫn còn nhận thức sai lầm về vấn đề này, nhất là vẫn còn quan niệm "đất của nhà nước, đất của người dân", gây ra những vụ cưỡng chế đất đai bất công, oan sai cho người dân! Một khi câu "Miệng nhà quan có gang có thép" vẫn còn lưu truyền trong dân gian thì nhà nước vẫn chưa thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Sau đây, chúng ta sẽ “nhai lại” lần nữa vấn đề pháp luật, nhà nước, chính quyền, vì trình bày như trên vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn tí nào.


                                                       Thành bang Aten Cổ đại
Để đảm bảo cho một cộng đồng xã hội đầy những thị phi đoàn kết thành một khối gắn bó trước mối đe dọa thường trực của sự phân rã thì buộc phải có một thỏa ước giữa các thành viên tập hợp nên cộng đồng ấy. Thỏa ước chính là chuẩn mực thị phi của cộng đồng xã hội. Chuẩn mực thị phi thể hiện ra là hệ thống qui ước, qui định có tính bắt buộc, được đại đa số dân cư trong cộng đồng thừa nhận và mọi người trong cộng đồng đều phải tuân thủ, phục tùng, phải ứng xử, mưu cầu danh lợi trong phạm vi “cho phép” của nó và chỉ như thế mới được cộng đồng đảm bảo quyền lợi. Hệ thống qui ước, qui định đó còn được gọi là luật lệ. Để luật lệ được thực thi thì phải có một cá nhân, một bộ phận người đứng ra (được bầu ra), gọi là chỉ huy, lãnh đạo nhằm theo dõi, giám sát, xét xử vi phạm và để có thể hoàn thành nhiệm vụ này, nó phải tự tổ chức ra một công cụ bạo lực để trấn áp những chống đối có thể xảy ra trong xã hội, trên cơ sở được cộng đồng ủy quyền.
Nội dung của luật lệ, không thể khác được, phải là những đúc rút từ kinh nghiệm, tập quán, từ những tinh hoa văn hóa và quan niệm phổ biến về thị phi trên cơ sở trình độ nhận thức của đương thời. Các cộng đồng người có nét chung vì nó hoàn toàn tự nhiên trong quá trình hoạt động sống của loài người nhưng cũng có nét riêng theo khu vực lãnh thổ có điều kiện và hoàn cảnh sống khác nhau. Theo đó, các luật lệ cũng có nét chung và nét riêng. Có thể nói phiến diện rằng những cộng đồng xã hội khác nhau thì có luật lệ mang hình thức khác nhau. Một cộng đồng xã hội luôn vận động, biến đổi, chuyển hóa theo thời gian nên luật lệ của nó, vì là sản phẩm của đương thời nên cũng vận động, biến đổi, chuyển hóa theo thời gian một cách tương ứng, phù hợp. Luật lệ, vì được hình thành nên từ định kiến, quan niệm đã định hình của một đương thời nhằm phục vụ cho yêu cầu sống còn của cộng đồng xã hội đương thời nên nó cũng phản ánh đời sống kinh tế - chính trị của cộng đồng xã hội ở đương thời đó và có tính bảo thủ, tụt hậu, đòi hỏi phải luôn được điều chỉnh, cải biến cho phù hợp với thời kỳ vận động mới của cộng đồng xã hội. Nói khác đi: luật lệ chỉ có tính ổn định tương đối.
Sự chênh lệch về trình độ kiếm sống (kể cả mưu cầu danh lợi), sự phân bố không đồng đều về thuận lợi và khó khăn (có tính tự nhiên và xã hội, theo không gian và thời gian; có kể đến cả nguyên nhân từ sự tranh đoạt trong nội bộ giống loài, nội bộ cộng đồng bằng bạo lực) sẽ làm phân tầng giàu - nghèo trong xã hội; làm xuất hiện những hình thức sở hữu với những khái niệm tư hữu, công hữu… Sự định cư, lấy sản xuất nông nghiệp làm phương thức sống chủ yếu sẽ dẫn đến hiện tượng chiếm giữ, sở hữu đất đai và cộng đồng xã hội, trong quá trình chuyển hóa thăng trầm của nó cũng như trong mối tương quan, tác động, cạnh tranh, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cộng đồng xã hội cũng sẽ làm xuất hiện ra những thực thể, hiện tượng đặc thù với những khái niệm như: gia đình, làng xóm, quê hương, tổ quốc, đất nước, lãnh thổ, lãnh hải, phân tán và lan tỏa dân cư, di cư, hội nhập và qui tụ dân cư…


                 Đàn áp là một trong những biểu hiện quan trọng của bản chất giai cấp của nhà nước
Khi một cộng đồng xã hội cùng với lãnh thổ mà nó chiếm giữ để sống còn đã là một đất nước thì luật lệ được gọi là pháp luật, bộ phận lãnh đạo cộng đồng được gọi là nhà nước. Đứng đầu nhà nước thường là một cá nhân, tùy nơi, tùy thời, tùy thích mà được gọi bằng đủ mọi thứ tên như: thủ lĩnh, quốc trưởng, vua, chúa, nguyên thủ quốc gia, thủ tướng, tổng thống… Để đảm bảo điều hành, duy trì sự ổn định chính trị cho nội tình đất nước và bảo vệ đất nước trước nạn xâm phạm của “ngoại bang” thì nhà nước phải có quyền lực, nghĩa là nó phải có một bộ máy bạo lực đủ mạnh để thực thi quyền hành. Do đó mà xuất hiện công cụ bạo lực nhà nước gồm hai bộ phận là cảnh sát và quân đội. Nhà nước cùng với guồng máy thực thi pháp luật của nó, trong đó có “đồ chơi” bạo lực của nó, hợp thành một cái gọi là “chính quyền”. Trong một đất nước, chính quyền trở nên như một thực thể nổi trội có tính độc lập tương đối trên cái nền tảng Đại Chúng của nó và trong những chừng mực nhất định nó biến tướng thành lực lượng đi thống trị mà kẻ bị trị là Đại Chúng và cũng chính nó lúc đó đã dung túng cho sự làm giàu không chính đáng cũng như tạo ra những thống khổ không đáng phải chịu trong xã hội.
Thời công xã nguyên thủy, khi mà danh lợi chẳng được coi là “cái đinh” gì, hoặc cũng có thể vào những buổi đầu xây dựng một chính quyền mới, dù xã hội lúc đó đã có hiện tượng chênh lệch giàu - nghèo, nhưng khi cái ý nghĩa tự do, bình đẳng, bác ái, được hiểu đúng nghĩa theo quan niệm Đức Huyền Diệu, thỏa mãn ý nguyện Đại Chúng, thì nhà nước thuần túy là do quần chúng tín nhiệm bầu ra và nó cũng hoạt động đơn giản là vì dân một cách (hầu như) tự nguyện, thực sự vì quyền lợi quốc gia, vì quyền lợi Đại Chúng (trong đó có phần của nó!) và liêm khiết đến nỗi khi vua Nghiêu cố nhường ngôi cho Hứa Do, Hứa Do lắc đầu chối đây đẩy, rồi hãi hùng quá, bỏ trốn luôn!
Sự phân biệt giàu - nghèo trong xã hội là hiện tượng có thực nhưng thuở ban đầu không phải có nguyên nhân từ sự bóc lột, cướp đoạt. Sự giàu có do cần cù lao động, do may mắn hơn, tài năng hơn mà có là có tính chính đáng và chỉ có ích cho xã hội. Sự nghèo khổ do gặp hoàn cảnh bất lợi, thiếu may mắn là nên được cảm thông và chia sẻ, giúp đỡ. Sự nghèo hèn do biếng nhác, cờ bạc, rượu chè là đáng chê trách và thậm chí là tội lỗi vì nó chỉ gây hại cho xã hội. Sự nghèo hèn này dễ dẫn đến “bần cùng sinh đạo tặc” theo đúng nghĩa đen.


      Nhà nước chiếm hữu nô lệ bảo đảm quyền sở hữu của nô lệ cho chủ nô
Sự giàu có chính đáng theo quan niệm của Đức Huyền Diệu ở mỗi con người không những không đối kháng với quyền lợi của Đại Chúng mà còn là nguyện vọng thiết tha của Đại Chúng. Trong một đất nước ở thời kỳ thái bình, thịnh vượng, công bằng, bác ái thì chính sự “phất lên” giàu có của một số người lại nhận được sự nể phục, lại là tấm gương cho những người khác phấn đấu noi theo và dù sự phân biệt giàu - nghèo là có thực thì xã hội cũng chẳng phân tầng giai cấp giàu - nghèo, cũng chẳng phải là vấn đề nổi trội “ghê gớm” gì cả. (Nếu sự giàu - nghèo ấy có phân tầng thì cũng chỉ phân tầng trong những bộ não suy luận siêu hình, máy móc, cực đoan!). Sự giàu có chính đáng không thiếu tình yêu thương đồng loại. Chỉ có sự giàu có bằng những thủ đoạn đen tối, bằng bạo lực để tước đoạt đồng loại mới thiếu tình yêu thương!
Tóm lại, như mọi loài sinh vậy khác, tuân theo nguyên lý tự nhiên về "cố gắng tồn tại", mục đích bản năng và tất yếu trong hoạt động sống của con người là phục vụ sống còn. Trong thiên nhiên hoang dã, điều đó tạo nên xu thế hành vi là loài người phải sống theo lối hợp quần xã hội, nhất là khi con người đã phát hiện ra cây lương thực và trồng trọt - chăn nuôi, lấy định cư làm phương thức sống cơ bản. Khi có xã hội rồi thì cuộc sống thăng trầm đã hun đúc nên từ cảm giác (như no - đói, muốn - không muốn,...) thành một hệ thống tình cảm (như yêu - ghét, khổ đau - sung sướng,...) ở  con người, làm xuất hiện theo năm tháng những thuộc tính "người" trong xã hội (như lòng tham lam, tính ích kỷ,..., nói chung là những tính cách thấp hèn) có tác dụng làm tan rã sự hợp quần xã hội, phá vỡ xã hội. Để bảo vệ xã hội, để khắc phục những yếu kém đó trong liên kết xã hội, cộng đồng người trong xã hội cần có một thủ lĩnh, phải tôn xưng một thủ lĩnh có đủ quyền uy để trị an xã hội. Dần dần, thủ lĩnh được trọng vọng, có nhiều đặc quyền đặc lợi, và do có sẵn tính tham lam ích kỷ đã có sẵn trong mỗi con người cũng như đã thao túng được quyền lực, đã hình thành nên một cách thức bầu thủ lĩnh (không bầu cũng như bầu) là "cha truyền con nối". Chế độ vua tôi ra đời từ đó!
Với cách tiếp cận đơn giản đó của triết học duy tồn, chúng ta cho rằng thủ lĩnh là thể thức đầu tiên, sơ khai nhất của hình thức nhà nước. Nếu cho rằng, bất cứ sự hình thành một thực thể xã hội nào đều phải là một quá trình phát triển liên tục từ đơn sơ nhất, thì quan niệm về sự hình thành nhà nước của Mác và Ăngghen là...sai hoắc! 


 
Nhà nước phong kiến chuyên chế - một biểu tượng cho sự thống trị của giai cấp địa chủ phong kiến

Ph.Ăng-ghen đã mô tả sự ra đời của nhà nước trên cơ sở sự tan rã của chế độ thị tộc. Theo đó xã hội loài người qua quá trình phát triển đã dẫn đến sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất. Vào thời cổ đại đã diễn ra ba lần phân công lao động xã hội. 

  • Lần phân công thứ nhất, chăn nuôi đã trở thành một ngành kinh tế độc lập và tách ra khỏi trồng trọt, từ đây mầm mống của chế độ tư hữu phát triển và "gia đình cá thể đã trở thành một lực lượng đang đe dọa thị tộc".
  • Lần phân công thứ hai, thủ công nghiệp tách ra khỏi nông nghiệp, lần phân công này dẫn đến hình thành bước đầu chế độ nô lệ với số lượng nô lệ ngày càng tăng và họ bị đẩy đi làm việc ở ngoài đồng ruộng và trong xưởng thợ, thành từng đoàn mười người, người hai người một điều đó cho thấy sự phân hóa xã hội, phân tầng xã hội sâu sắc.
  • Lần phân công thứ ba, sản xuất tách bạch với trao đổi dẫn đến sự xuất hiện của tầng lớp thương nhân, lần đầu tiên xuất hiện một giai cấp tuy không tham gia sản xuất một tý nào nhưng lại chiếm toàn bộ quyền lãnh đạo sản xuất và bắt những người sản xuất phụ thuộc vào mình về mặt kinh tế… và bóc lột cả hai, một giai cấp mà lịch sử loài người trước đó chưa hề biết đến.
Qua ba lần phân công lao động này cho thấy lực lượng sản xuất phát triển dẫn đến năng suất lao động tăng, của cải làm ra ngày càng nhiều, và dẫn đến có của cải dư thừa kèm theo đó là sự tích trữ, đồng thời xuất hiện một bộ phận chiến đoạt của cải dư thừa đó (do nắm quyền quản lý, cai quản) hoặc giàu lên nhờ tích trữ, đầu cơ từ đây đã có sự phân hóa giàu nghèo, giữa người có của và người không có của, sự phân hóa giàu nghèo này dẫn đến hiện tượng phân tầng xã hội, phân chia thành các tầng lớp khác nhau từ đó dẫn đến phân chia giai cấp đồng thời và kéo theo xuất hiện mâu thuẫn giai cấp và điều không tránh khỏi là đấu tranh giai cấp, lúc này nhà nước đã có tiền đề rõ ràng cho sự ra đời của mình.


        C.Mác, người khẳng định việc xây dựng nhà nước vô sản phải bằng một cuộc cách mạng


Ăngghen đã nói một cách ngây thơ: "Cái tập quán giao cho những chức vụ của thị tộc cho một số gia đình nhất định đã biến thành một cái quyền không thể chối cãi của những gia đình đó được đảm nhiệm chức vụ ấy, bằng những gia đình ấy còn mạnh vị giàu có nữa, họ bắt đầu tập hợp nhau lại bên ngoài thị tộc của họ thành một giai cấp riêng biệt, có đặc quyền, rằng nhà nước vừa mới ra đời đã thừa nhận những tham vọng ấy của họ".
chúng ta quan niệm rằng, nhà nước như là linh hồn xã hội,do đó, một khi xã hội loài người còn tồn tại thì nhà nước vẫn còn tồn tại. Nhưng vì chủ nghĩa Mác quan niệm rằng, sự phân chia giai cấp là nguyên nhân ra đời của nhà nước, nên Ăngghen mới nói: "Chỉ khi nào xã hội không còn giai cấp đối kháng và giai cấp nói chung thì lúc đó nhà nước mới biến mất. Sự tiêu vong của nhà nước là quá trình lâu dài, chỉ có thế hệ những người lớn lên trong điều kiện lịch sử mới, tức là bước quá độ từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản mới hình dung được sự tiêu vong của nhà nước…. khi nhà nước tỏ ra thật sự là đại biểu của toàn xã hội, nhân danh xã hội năm quyền sở hữu về các tư liệu sản xuất, việc quản lý người được thay bằng quản lý các quá trình sản xuất, lúc đó mới có thể đưa bộ máy nhà nước xếp vào viện bảo tàng đồ cổ, bên cạnh cái xa kéo sợi và cái rìu đồng".
Cũng vì quan niệm sai lầm như thế nên Ăngghen suy ra hai câu cũng sai lầm nốt: "Nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy trấn áp của một giai cấp này đối với giai cấp khác, điều đó trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ vậy", "Không những dưới chế độ quân chủ mà cả dưới chế độ cộng hòa dân chủ, nhà nước vẫn là nhà nước, nghĩa là vẫn giữ nguyên đặc thù tính chất chủ yếu của nó là: biến những viên chức, công bộc của xã hội, những cơ quan của mình thành những ông chủ đứng trên đầu xã hội". Còn Lênin thì nói: "Nhà nước là một bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác, và theo đúng nghĩa của nó, là một bộ máy trấn áp đặc biệt của giai cấp này đối với một giai cấp khác".
Thế thì theo Lênin, nhà nước Việt Nam hiện nay là nhà nước của giai cấp nào và trấn áp giai cấp nào?


                          Công xã Paris, mô hình sơ khai đầu tiên của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa

                                                 Thành viên Công xã Paris bị xử tử

Qua đây chúng ta càng cảm phục Hồ Chí Minh, vị đại anh hùng của dân tộc Việt. Hồ chí Minh đã có những quan niệm rất đích đáng về nhà nước, dù trong vòng ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa Mác lúc bấy giờ. Chẳng hạn, ông đã từng nói: "Hễ Chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đập đổ Chính phủ ấy đi, và gây nên Chính phủ khác". Hay: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". Trong tình hình hiện nay về nạn tham nhũng đất nước, chúng ta càng phải nhớ và áp dụng vào thực tế câu nói này của ông: "Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa, nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung. Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ "công bình, chính trực" vào lòng".

(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét