Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

NHAN SẮC NGÀY XƯA (ĐL)

 
NGHE MÀ MUỐN NGHE NỮA ĐÊM GÀNH HÀO NGHE ĐIỆU HOÀI LANG - PHI NHUNG BIỂU DIỄN TẠI HÀ NỘI

Đến Bạc Liêu, tham quan Gành Hào

NHAN SẮC NGÀY XƯA
 

Ngày xửa ngày xưa...
Em là cô gái
Quê miệt Gò Công
Có lần anh qua xứ ấy
Quen nàng tiên giữa dòng.

Khuôn mặt sáng hồng
Thơ trong ánh mắt
Mái chèo em khua nắng hòa sông nước
Lóng lánh con đò, óng ánh lưng ong...

Em là cô gái
Quê miệt Gò Công
Hôm nay,
Giữa Đô Thành tình cờ gặp lại
Anh chào mà em dửng dưng
Ngạo nghễ bước đi về phía vũ trường
Đôi chân trần đẹp lắm!
Trắng nõn, mịn màng, thon dài tăm tắp
Làm khao khát đàn ông
Dán mắt dõi theo, chiêm ngưỡng, mơ mòng!

Ôi bông hoa rạng ngời tươi thắm
Thân thương biết bao, giờ sao lạ lẫm?
Có phải em không
Hỡi nàng tiên của một thuở xa xăm
Mà sực nức dầu thơm nước Pháp
Tóc uốn lượn lờ theo mốt Hồng Công?

Thôi rồi, anh đã lầm!
Em hôm nay là diễn viên Hàn Quốc
Môi em là son, má em là phấn
Mắt em xanh nhờ gắn mưới hàng mi
Em được tụng ca trong vai quí phi
Ở cung vàng điện ngọc
Rực rỡ giữa vòng vây quí tộc
Diệu huyền theo ánh nến hoàng cung...

Không!
Em của anh là nàng tiên
Duyên dáng chèo thuyền trên sông Vàm Cỏ
Cây trái bốn mùa xum xuê xứ sở
Bầu má mượt mà, mắt sáng long lanh
Nụ cười ý tứ lúng liêng
Khẽ dấu khẽ khoe lúm đồng tiền lơi lả
Mái chèo em khua hắt nắng lên mát lạ
Chếch choáng đôi bờ, say đắm tình quê!

Đúng!
Em mãi là nàng tiên
Chèo nhớ nhung trên dòng thương ký ức
Cho thuở ban sơ biếc hoài tiềm thức
Theo suốt đời anh nét dung dị thuyền em
Ngọt ngào nước dừa xiêm
Thơm dịu hương sen Đồng Tháp
Mê ly câu hò điệu hát
Trắc ẩn cung đàn "Dạ cổ hoài lang"!*

 Anh xin lỗi vì lỡ lầm

Chứ lòng anh không thể nào quên 
Dù đất trời đảo điên thay đổi
Dù khắp không gian có hóa cứng bê tông
Và dòng thời gian hóa đục ngầu khói bụi
Ơi, nhan sắc ngày xưa!...



                                                                              Trần Hạnh Thu



* ĐỌC THÊM:

Dạ cổ hoài lang

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
   
Dạ cổ hoài lang[1] là một bản nhạc cổ do nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976) sáng tác, nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc về đêm. Từ bản Dạ cổ hoài lang mỗi câu 2 nhịp, các nghệ sĩ sau này chuyển lên 4 nhịp rồi 8 nhịp, mà thành bài vọng cổ đầu tiên...
  
 
 Nguyên nhân ra đời
Theo báo Thanh Niên[2], thì Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) đã thổ lộ với bạn thân rằng:
Tôi đặt bài này bởi tôi rất thương vợ. Năm viết bản Dạ cổ hoài lang, tôi đã ăn ở với vợ tôi được 3 năm mà không có con...Tiếng ra, tiếng vào của gia đình buộc tôi phải thôi vợ, nhưng tôi không đành. Tôi âm thầm chống lại nghiêm lệnh của gia đình, không đem vợ trả về cho cha mẹ mà đem gởi đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu...
Tác giả bài báo kể tiếp: Trong thời gian dài, phu thê phải cam chịu cảnh “đêm đông gối chiếc cô phòng", Sáu Lầu thường mượn tiếng đàn để vơi cơn phiền muộn. Và bản Dạ cổ hoài lang đã ra đời trong bối cảnh như thế...
Tác giả Trung Tín trong một bài viết, cho biết thêm hai lời kể nữa:
Lời kể của nhạc sĩ Hai Ngưu [3]:
Trong một đêm ông Sáu Lầu trực gác tại Nhà đèn Bạc Liêu vào năm 1920, do đau khổ trong hoàn cảnh nợ duyên ngang trái, ông xúc cảm viết thành bản nhạc lòng Dạ cổ hoài lang (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng). Sau khi bản Dạ cổ hoài lang ra đời...ít lâu sau (nhờ vợ ông có thai) hai vợ chồng ông được tái hợp, để rồi sau đó hai ông bà đã có với nhau 6 người con.
Lời kể của nhà giáo Trịnh Thiên Tư với ông Chín Tâm (nguyên giảng viên Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn):
Năm ông Sáu Lầu 28 tuổi, ông được lệnh mẹ phải thôi vợ vì lý do “tam niên vô tự bất thành thê”. Ông Sáu Lầu đau khổ nhưng không dám cãi lời mẹ dạy. Chiều chiều ông ôm cây đàn kìm ra sau vườn làm bạn tâm tình...
Bài này lúc đầu có 22 câu và ông đặt tên là Hoài lang. Danh ca Bảy Kiên nhận thấy có vài câu trùng ý, đề nghị rút lại còn 20 câu. Đồng thời ông Kiên còn thêm vào hai chữ “dạ cổ”, thành ra “Dạ cổ hoài lang”. Về lời ca, nhạc sĩ Sáu Lầu phóng tác theo bài thơ “Chinh phụ thán” của nhạc sư Nguyệt Chiếu – trụ trì chùa Phật Hòa Bình ở Bạc Liêu. Bài thơ mang âm hưởng tích “Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn” đời nhà Tần bên Tàu.[4]
Nhưng theo Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ) và những người đồng môn với ông Cao Văn Lầu, thì ông Lầu đã soạn được phần nhạc trước khi xa vợ. Ông Hưng kể:
Ông Cao Văn Lầu cùng các bạn học đồng thời đã được thầy là nhạc sư Lê Tài Khí (Nhạc Khị) hướng dẫn sáng tác theo một chủ đề là “Chinh phụ vọng chinh phu”, được rút ra từ bản Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn. Lúc đó có nhiều người sáng tác, riêng ông Cao Văn Lầu trong năm Đinh Tỵ (1917) đã sáng tác một bản nhạc 22 câu, nhưng gặp phải hoàn cảnh vợ chồng ly tán...Vì quá đau buồn nên ông không thể tiếp tục đặt lời ca, mãi đến năm sau vợ chồng hàn gắn[5] lại ông mới có đủ tinh thần chỉnh lý bản nhạc. Ông đã theo lời khuyên của bạn đồng môn là Ba Chột (tác giả bản Liêu Giang, tác phẩm được sáng tác cùng thời và cùng một chủ đề vừa nêu trên) bỏ bớt 2 câu trùng lắp còn lại 20 câu và tiếp tục đặt lời ca...
Và cũng theo ông Hưng, cái tên Dạ cổ hoài lang là của một nhà sư đặt cho bản nhạc:
Bản nhạc và lời ca đã sáng tác xong nhưng chưa có tên. Lại vừa đến rằm Trung thu (Mậu Ngọ, 1918) ông Lầu cùng các bạn đến thăm thầy luôn tiện đem bản nhạc ra trình. Ông Lầu đã dùng chiếc đàn tranh vừa độc tấu một lần và vừa đàn vừa ca thêm một lần nữa. Lúc đó, ngoài các thầy trò còn có mặt nhà sư Nguyệt Chiếu (một người rất tinh thâm Hán học và nhạc cổ truyền), chính thầy Nhạc Khị đã nhờ nhà sư đặt tên cho bản nhạc vừa tấu và nhà sư đã đặt tên là Dạ cổ hoài lang. Vậy, bản Dạ cổ hoài lang 20 câu nhịp đôi đã chính thức ra đời kể từ đêm đó..[6]
Trần Đức Thuận ở Hội Khoa học lịch sử Bạc Liêu, trong một bài viết đã kết luận:
Bản Dạ cổ hoài lang về nguyên nhân sáng tác tuy có dính líu một phần nào với hoàn cảnh chia ly của vợ chồng Cao Văn Lầu, nhưng nguyên nhân chính vẫn là nhờ sự hướng dẫn sáng tác của thầy Nhạc Khị với một tiêu đề định sẵn...[7]

Thời điểm ra đời

Thời điểm Dạ cổ hoài lang ra đời, ngoài những chi tiết khá khác nhau qua lời kể ở phần trên, còn có nhiều ý kiến chưa tương đồng nữa, kể cả ông Cao Kiến Thiết và Cao Văn Bỉnh, là hai người con của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng chưa xác định được thời điểm, vì có lúc hai ông nói năm 1919 là năm ra đời bản Dạ cổ, có lúc hai ông lại nói năm 1919 là năm đổi tên Dạ cổ thành Vọng cổ [8].
Và theo các nhà nghiên cứu khác, thì:
  • Ông Thành Châu (báo Văn học nghệ thuật, tháng 8 năm 1977), nhà thơ kiêm soạn giả cải lương Kiên Giang (Báo Long An, ngày 18 tháng 7 năm 1986), đồng cho rằng bài Dạ cổ hoài lang ra đời năm 1917.
  • Nhạc sĩ Trọng Nguyễn (Kỷ yếu Từ Dạ cổ hoài lang, tr.40), Nghệ sĩ nhân dân Ba Vân tức Lê Long Vân (Kể chuyện cải lương, 1988, tr. 67), nhà nghiên cứu Đắc Nhẫn (Tìm hiểu âm nhạc cải lương, Nxb TP. HCM, 1987, tr. 41), hai nhà sử học Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế (Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb KHXH, 1992) không cho biết năm khởi thảo, nhưng đều nói bài Dạ cổ hoài lang ra đời năm 1918.
  • Nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng (Kỷ yếu Từ Dạ cổ hoài lang, Nxb Mũi Cà Mau, 1992, tr. 50), Lâm Tường Vân (Đặc san Quí Dậu 1993, Hội Ái hữu Bạc Liêu Nam Cali, tr. 28), Nguyễn Tư Quang (Tạp chí Bách Khoa số 63, Sài Gòn, 1959) thì năm sinh của bài Dạ cổ hoài lang là năm 1919.
  • Ông Anh Đệ (Nghệ thuật sân khấu, Viện sân khấu, 1987, tr. 59) cho rằng năm sinh của bài Dạ cổ hoài lang là 1915.
Tuy nhiên, ý kiến cho rằng bài Dạ cổ hoài lang ra đời ngày 15 tháng 8 (âm lịch) năm Mậu Ngọ (nhằm ngày 19 tháng 9 năm 1918) được đa số nghệ sĩ Bạc Liêu[10] và nhiều người đồng thuận hơn.

Nghi vấn

Ông Nguyễn Tư Quang, tác giả bài báo Thử tìm xuất xứ bài Vọng cổ cho biết:
...Thoát thai của bản nhạc vốn là bài thơ có dạng như là một bài phú 20 câu lấy nhan đề là Dạ cổ hoài lang. Bài này do một nhà sư có pháp danh Nguyệt Chiếu, không rõ họ tên thật, tu trong một ngôi chùa ở làng Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Bài Dạ cổ ra đời năm 1919...
Ý kiến này được nhà nghiên cứu Toan Ánh đồng thuận, ông viết:
Ở chùa Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu, có một nhà sư pháp danh là Nguyệt Chiếu. Thấy nhà sư nho học uyên thâm với tư tưởng ẩn dật, người ta đoán chừng là một văn nhân chống Pháp trong thời Cần Vương, nay thất thời nên tạm lánh mình vào cửa Phật...Tuy đã đi tu nhưng vẫn mang nặng tình non nước…nên nhà sư mới đem tâm sự mình ký gủi vào bài từ, đề là Dạ cổ hoài lang. Và bài thơ này được ông Sáu Lầu phổ ra nhạc...[11]
Năm 1989, tại cuộc hội thảo ở Bạc Liêu, nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng cũng đã phát biểu:
Vào những năm 1950-1952, nhóm sưu tầm nghiên cứu dân ca và cổ nhạc Nam Bộ gồm nhạc sĩ Quách Vũ, Ngọc Cung và ông. Rất tiếc là lúc ấy ông Cao Văn Lầu đang bệnh không ra được vùng giải phóng. Nhưng cũng may là nhóm tài tử ở Long Điền có người biết rành cho hay ông Sáu đã dựa vào bài thơ của nhà sư Nguyệt Chiếu mà phổ nhạc. Nhạc của nó là sự kết hợp giữa hai bài Hành Vân và Xuân nữ [12].
Nhưng qua tìm hiểu của ông Trần Phước Thuận ở Hội khoa học lịch sử Bạc Liêu, thì:
Ở Bạc Liêu chỉ có một nhà sư pháp danh là Đạt Bảo tự Nguyệt Chiếu (1882-1947), trước ở chùa Vĩnh Phước An sau dời về chùa Vĩnh Đức, hiện mồ mả của nhà sư nằm ở sau chùa Vĩnh Đức. Không có chùa nào mang tên Hòa Bình như các tài liệu trên đã ghi. Ông vốn là tiền bối về nhạc lễ cổ truyền nhưng ông chưa bao giờ làm thơ. Các đệ tử của ông hiện còn sống đều xác nhận như vậy và chẳng ai nghe thầy nói gì về bài thơ trên. Như vậy, cái thuyết cho rằng “ông sáu Lầu đã dựa vào bài thơ của nhà sư Nguyệt Chiếu để sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang năm 1919” là hoàn toàn không có căn cứ.[6]

Lời bài ca

Từ là từ phu tướng,
Báu kiếm sắc phán lên đàng.
Vào ra luống trông tin chàng.
Năm canh mơ màng.
Em luống trông tin chàng,
Ôi gan vàng thêm đau.
Đường dù say ong bướm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Đêm luống trông tin chàng,
Ngày mỏi mòn như đá Vọng phu.
Vọng phu vọng luống trông tin chàng.
Xin chớ phũ phàng...
Chàng là chàng có hay?
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây.
Bao thuở đó đây sum vầy,
Duyên sắc cầm lạt phai.
Là nguyện cho chàng
Hai chữ an bình an.
Mau trở lại gia đàng,
Cho én nhạn hiệp đôi.
Ký âm cổ nhạc:
(theo loại đàn dây Bắc)
Hò lìu xang xê cống
Líu cống líu cống xê xang
Xừ xang xê hò líu cống xê xang hò
Liu xế xang xự xề xang lìu hò
Xừ liu xáng ũ liu cống xề
Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu
Hò lìu xang xang xế cống
Xê xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ xang xế, líu xê xang xư’'
Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ, xê líu xừ, líu cống xê, líu hò
Liu xề xang xự cống xê xang lìu hò
Xừ xang xừ cống xế
Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ xang xề hò líu cống xế xang hò
Lưu xáng xàng, xề liu xề xáng ú liu
Hò xự cống xê xang hò
Xê líu xừ, líu lĩu xừ xang
Xừ xang xế, hò líu cống xê xang hò
Liu xáng xàng xề liu xề xáng ú liu
Bản Dạ cổ hoài lang sử dụng thang âm lên tới 7 cung, thuộc hệ thang âm Ai, Oán.

Giá trị

Ông Trần Đức Thuận nhận xét:
Bản Dạ cổ hoài lang không dừng lại ở nguyên dạng như các bản nhạc cổ khác mà dần dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản Vọng cổ làm thay đổi một phần lớn bộ mặt Cải lương. Đây cũng là điều tối ưu của nó, có lẽ là do tiếng nhạc du dương và lời ca bình dị rất hợp với người Nam Bộ; hình ảnh người chinh phụ ở đây đã hòa nhập thực sự vào cuộc đời thường, phản ảnh đúng tâm trạng yếu đuối của người phụ nữ khi xa chồng, nhất là trong những hoàn cảnh bắt buộc phải chia duyên rẽ thúy. Có lẽ chính cái "tính thường" này đã làm rung cảm người nghe...[7]

Thông tin thêm

  • Bài này được đưa lên sân khấu lần đầu bởi gánh hát Năm Tú ở Mỹ Tho, rồi sau đó được sử dụng rộng rãi, nhất là trong tuồng cải lương. Và cũng vì thế, bản Dạ cổ hoài lang được chuyển dần thành nhiều nhịp. Năm 1924, tăng lên nhịp bốn. Từ khoảng 1934 đến 1944, tăng lên nhịp tám. Từ khoảng 1944 đến 1954, Vọng cổ tăng lên nhịp 16. Từ 1955 đến 1964, tăng lên nhịp 32 rồi nhịp 64 từ năm 1965 đến nay.
  • Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là cha đẻ Dạ cổ hoài lang khởi điểm từ nhịp hai. Bản Vọng cổ từ nhịp bốn trở đi, trên những chặng đường phát triển, thuộc công trình chung của tài tử bốn phương. Và ông tổ cải lương không phải là Cao Văn Lầu, vì bản Dạ cổ hoài lang chào đời năm 1918, trong khi sân khấu cải lương ra đời khoảng năm 1916[2].

CaoVanLau.JPG

 
Tuyệt Phẩm Đàn Bầu - ĐIỆU BUỒN PHƯƠNG NAM | Đàn Bầu PHẠM ĐỨC THÀNH

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu – Bạc Liêu

Nhắc đến Đờn ca tài tử Nam Bộ, bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu có lẽ là ca khúc nổi tiếng nhất. Vượt qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhiều biến cố lịch sử bản nhạc vẫn sống trong lòng cuộc đời. Trong chuyến du lịch miền Tây, nếu có dịp dừng chân trên mảnh đất Bạc Liêu bạn đừng quên dành thời gian thăm khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu để nghe những câu chuyện về sự ra đời của bản nhạc.

Toàn cảnh khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu thuộc phường 2, TP. Bạc Liêu. Được biệt, khu lưu niệm trước đây là khu mộ của gia đình nhạc sĩ, sau được tu bổ và xây dựng thêm các công trình nhằm mục đích tổ chức các sự kiện quan trọng, đồng thời làm nơi tiếp đón du khách phương xa.

Cổng vào

 Với tổng diện tích hơn 12.000 m2, khu lưu niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đuợc xem là điểm du lịch Bạc Liêu thú vị, nơi khẳng định vị thế của bản Dạ cổ Hoài lang và tôn vinh tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012.

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (hay Sáu Lầu), sinh ngày 22/12/1892 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, quận Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông trôi dạt nhiều nơi trước khi dừng chân tại Bạc Liêu. Với sự hướng dẫn những bước đi đầu tiên của nhạc sĩ cổ nhạc Lê Tài Khị, tài năng của một người nhạc sĩ lớn trong ông đã được phát triển.

Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu bao gồm nhiều công trình như khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng những người thân, tượng bán thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu trưng bày hình ảnh, hiện vật của các ông tổ của nền cải lương Nam Bộ, khu vực biểu tượng cây đàn kìm, sân khấu ngoài trời,…

Khi vừa đi qua cổng chính, du khách sẽ bắt gặp tượng đài ống tre hiện ra sừng sững nằm ngay chính giữa khu lưu niệm, phía sau đài phun nước. Tượng đài này chính là chiếc đàn kìm – biểu tượng của Đờn ca tài tử Nam Bộ – gắn liền với hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người con của tỉnh Bạc Liêu. Đàn kìm được cách điệu từ đốt tre, phần đàn kìm được đục lõm tạo sự huyền bí, thiêng liêng, gợi lên sự hoài niệm và tưởng nhớ về những người đã khuất. Đây cũng là nơi du khách thắp hương tưởng niệm.

Tượng đài là chiếc đàn kìm – biểu tượng của Đờn ca tài tử Nam Bộ

Điểm nổi bật tại đây để tạo thêm tính thiêng liêng, huyền bí là các bậc thang lên đài ống tre được bố trí các số bậc: 2,4,8,16,32 và 64, tượng trưng cho cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Đó là: nhịp 2 của Cao Văn Lầu, nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và nhịp 64 của Lý Khi.

Đàn kìm được cách điệu từ đốt tre

Dẫn lên đài tre là lan can cầu thang bằng đá xanh Thanh Hóa được khắc họa hình dáng rồng hướng lên theo bậc thang kết hợp với vân mây tạo nên sự sinh động hài hòa vì Bạc Liêu được ví như là cái nôi đờn ca tài tử, phát triển mạnh nhất của Nam bộ, sức mạnh này được ví như rồng.

Xung quanh tượng đài ống tre được khắc họa trên đá 20 bài tổ như 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản Bắc lớn.

Xung quanh tượng đài ống tre được khắc họa trên đá 20 bài tổ

Đằng sau biểu tượng chiếc đàn Kìm là tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu với nhạc phẩm “Dạ cổ hoài lang” được khắc ngay phía sau.

Tượng đài nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Sau biểu tượng đàn kìm là khu công viên với các biểu tượng các loại nhạc cụ trong nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ , như sáo, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu, ghuitar phím lõm, … Điểm khác biệt của vườn nhạc cụ này là các nhạc cụ hoàn toàn được tạc bằng đá xanh, nhìn rất vững chắc và có hồn.

Công viên các biểu tượng các loại nhạc cụ

Các nhạc cụ hoàn toàn được tạc bằng đá xanh, nhìn rất vững chắc và có hồn

Bên trái là nhà trưng bày lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; bên phải là các khối phục vụ; phía cuối của dự án là khối nhà biểu diễn loại hình đờn ca tài tử bố trí nằm trên hồ sen

Nếu muốn chiêm ngưỡng những tư liệu quý về nghệ thuật đờn ca tài tử hay ngắm nhìn hình ảnh của các nghệ sĩ, nghệ nhân cải lương tiêu biểu của Bạc Liêu thì khu trưng bày là nơi du khách nhất định phải tham quan. Tại đây, phục trang sân khấu của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, những cảnh phục dựng đờn ca tài tử bằng sáp hay những nhạc cụ cổ của các nghệ nhân đều có mặt.

Khu trưng bày

Tượng sáp cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sống động

Du khách sẽ được tìm hiểu về một thời hưng thịnh của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Việt Nam cũng như tìm hiểu đôi chút về hoản cảnh lịch sử của bản “Dạ Cổ Hoài Lang”. Dạ Cổ Hoài Lang (Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng). Bản nhạc được ông viết khi ông và vợ buộc phải xa cách sau 3 năm chung sống mà không có con. Trong thời gian này vì nhớ thương vợ, đêm đêm ông ôm đàn ra gảy, những giai điệu những ca từ đều nói lên tiếng lòng của ông dành cho người vợ của mình. Và ông tin rằng là một người phụ nữ, vợ còn nhớ thương ông hơn nữa nên ông mới đặt tên cho bản nhạc lòng này là Hoài Lang. Sau hơn 100 năm từ khi ra đời, bản tình ca bất hủ Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đến giờ vẫn làm rung động hàng triệu con tim người Việt vì chứa đựng những tình cảm, nghĩa phu thê sâu đậm.

Song cùng với nhiều hạng mục kể trên, một trong những nơi tại khu lưu niệm cố nhạc sĩ không thể không nhắc tới, đó chính là khu mộ của gia đình cố nhạc sĩ. Khu mộ là nơi nằm cạnh nhau của thân sinh, thân mẫu và người vợ đoan trang của cố nhạc sĩ. Đến viếng ngôi mộ điệu nhạc nhẹ buồn, không gian như làm cho người ta thấy yêu và khâm phục hơn trước tài đức của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. 

Khu mộ của gia đình cố nhạc sĩ

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu luôn là điểm đến mà nhiều du khách lựa chọn mỗi khi có dịp ghé thăm Bạc Liêu. Không chỉ để bày tỏ tình cảm với vị nhạc sĩ tài hoa, mà còn là cách để những người yêu thích môn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tìm hiểu sâu hơn những giá trị của môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Với khu lưu niệm này, Bạc Liêu tự hào là vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã sinh ra và nuôi nấng những lớp nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét