Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2021

TT&HĐ III - 30/q


 
Cuộc chiến tranh vĩ đại - Tập 7: Cuộc chiến Stalingrad | Phim tài liệu lịch sử Thế chiến II
                                                         

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


.

CHƯƠNG IX (XXX): THỜI CUỘC

“Nếu như sau cái đêm tối tăm của thời trung cổ, các ngành khoa học đột nhiên sống lại với một sức mạnh không ngờ và bắt đầu phát triển nhanh chóng một cách kỳ diệu, thì sự kỳ diệu ấy cũng chính là nhờ sản xuất mà có”
Ph. Ăngghen

"Tình yêu giống như chiến tranh, dễ bắt đầu nhưng rất khó để dừng lại."


"Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ sử dụng vũ khí nào nhưng tôi biết rằng chiến tranh thế giới thứ 4 sẽ sử dụng gậy gộc và đá!"  - Albert Einstein
"Chúng ta từng tự hỏi chiến tranh sống ở đâu, và điều gì khiến nó gớm guốc như vậy. Và giờ chúng ta nhận ra mình biết nó sống ở đâu... ở trong chúng ta."  -


"Người ta vẫn gọi chiến tranh là tội giết người. Không phải: nó là tự sát."
  - Ramsay MacDonald


"Chưa từng có lúc nào thế giới không chiến tranh. Dù trong bảy nghìn, mười nghìn hay hai mươi nghìn năm. Những nhà lãnh đạo khôn ngoan nhất, hay những vị vua cao quý nhất, hay cả Nhà thờ - không ai trong số họ có thể ngăn chặn nó. Và đừng chịu thua thứ lòng tin dễ dãi rằng những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nóng vội có thể ngăn được chiến tranh. Hay có thể chia tách được chiến tranh vì lẽ phải hay đúng đắn ra khỏi phần còn lại. Luôn có hàng nghìn hàng nghìn người mà đối với họ thậm chí cả chiến tranh theo kiểu đó cũng là vô nghĩa và phi lý." - Aleksandr Solzhenitsyn


"Chiến tranh không được trả giá trong thời chiến, hóa đơn sẽ đến sau đó." - Benjamin Franklin


"Chiến tranh là sự ngu dại tột bậc của cuộc sống".  

Thầy cãi

 
 
 
 
 (Tiếp theo)

                                                                           ***
Trong sự cay cú và “quê độ” ê chề, Hitle đã điên tiết cách chức hàng loạt các tướng lĩnh phát xít, trong đó có Phôn Bơraosít, Phôn Bốc, Guđêrian.
Cũng nên nhớ lại rằng có một sự kiện vô cùng quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi của Hồng quân trong việc phòng thủ Mátxcơva nói riêng và cuộc vệ quốc nói chung, đó là: vào giai đoạn đầu của “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại” (từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 11-1941), trong điều kiện rất khó khăn, nhân dân Liên Xô đã tiến hành một cuộc di chuyển khổng lồ chưa từng có trong lịch sử: 1500 xí nghiệp lớn (chủ yếu là phục vụ quốc phòng) và 10 triệu dân (gồm cụ già, phụ nữ và trẻ em) đã được di tản sâu về phía đông. Việc di chuyển, khôi phục và phát triển ngành công nghiệp trong những năm chiến tranh, theo lời Xtalin, có ý nghĩa “cũng trọng đại ngang với các chiến dịch vĩ đại nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc”.
Cuộc phản công thắng lợi trong trận đánh Mátxcơva đã báo hiệu ngày chiến thắng của Hồng quân Liên Xô đối với phát xít Đửc.
***
Sau khi đã giải vây cho thủ đô, nhằm triệt để lợi dụng thời cơ, Đại bản doanh Xô viết đã quyết định tiếp tục cuộc tiến công và phản công trên cả 3 hướng chiến lược. Tháng 1-1942, chín phương diện quân Hồng quân đã chuyển sang tiến công trên chính diện rộng tới 2.000 km.
Trong cuộc tổng tiến công này, Hồng quân đã đánh bật quân Đức ra xa từ 100 km đến 350 km, diệt 50 sư đoàn của chúng. Tuy nhiên các chiến dịch Hồng quân đã không hoàn toàn thắng lợi. Chẳng hạn ở hướng Tây - Bắc, lực lượng Hồng quân của phương diện quân Lêningrát và phương diện quân Vônkhốp đã không hoàn thành nhiệm vụ tấn công nhằm đánh tan cụm tập đoàn quân Bắc của Đức để giải vây cho Lêningrát. Nguyên nhân chủ yếu là qui mô của kế hoạch tác chiến đã không phù hợp, vượt quá khả năng của lực lượng vũ trang Hồng quân ở đó.

 
Người lính Xô Viết vẫy cờ đỏ trên quảng trường trung tâm của thành phố Stalingrad.
Nhìn chung, đến mùa hè năm 1942, tình hình của Hồng quân trên mặt trận có tốt hơn một chút: lực lượng chiến đấu tiếp tục tăng lên, kinh nghiệm chiến đấu dày dặn hơn, vũ khí được trang bị đầy đủ hơn, bắt đầu trang bị hàng loạt vũ khí mới… dù rằng sự hy sinh mất mát cán bộ chỉ huy ở thời kỳ đầu chiến tranh là rất to lớn và còn đầy những căng thẳng, gian nguy ở phía trước.
Lợi dụng việc Anh, Mỹ chưa mở mặt trận (thứ hai) ở Châu Âu, nước Đức phát xít không ngớt tăng cường lực lượng sang chiến trường Xô - Đức. Từ tháng 12-1941 đến tháng 5-1942, số sư đoàn Đức ở đây đã tăng từ 191 lên 211 sư đoàn (không kể lực lượng của Tổng hành dinh). Ý đồ của phát xít Đức là trong mùa hè năm 1942, tổ chức đòn tấn công quyết định, tiêu diệt các lực lượng Hồng quân chủ yếu, tạo bước ngoặt để kết thúc chiến tranh, hoàn thành cuộc xâm lược Liên Xô. Do không đủ lực lượng tổ chức tiến công trên toàn tuyến mặt trận Xô - Đức và khó lòng chiếm Mátxcơva bằng cuộc tấn công chính diện, Bộ chỉ huy tối cao Đức chọn mũi đột kích chủ yếu là hướng nam nhằm bẻ gãy cánh trái của Hồng quân, chiếm các vùng sông Đông, khu vực sông Vônga và Cápcadơ (vùng dầu lửa và vựa lúa mì lớn nhất Liên Xô) sau đó sẽ chiếm hoàn toàn vùng Crưm và tiến tới chiếm Mátxcơva từ phía sau.


                                Thống chế Paulus
Ngày 8-5, tập đoàn quân 11 của Đức tiến công bán đảo Kécchencô. Tập đoàn quân 14 thuộc phương diện quân Crưm phòng ngự sơ hở nên bị vỡ trận. Dù đã chống cự quyết liệt, nhưng phương diện quân Crưm cũng không ngăn nổi sự đột phá của quân Đức. Ngày 20-5, những đơn vị còn lại của binh đoàn phòng ngự buộc phải rút lui về bán đảo Tamanxki.
Sau thắng lợi đó, quân Đức tiếp tục tiến đánh Xêvátxtôpôn. Hồng quân đã không giữ nổi thành phố. Ngày 4-7, Crưm lọt vào tay quân Đức. Hạm đội Biển Đen mất những căn cứ chính.
Ngày 12-5-1942, Hồng quân mở cuộc tiến công Kháccốp nhằm bao vây tiêu diệt quân Đức tại đây. Trong hai ngày, tập đoàn quân 6 và 28 của phương diện quân tây - nam đã chọc thủng phòng ngự quân Đức và tiến sâu được 20 - 30 km. Ngày 17-5, quân Đức mở những cuộc phản đột kích mạnh, bao vây trở lại tập đoàn quân 6, 57 và cụm quân của tướng L. V. Bốpkin. Đến cuối tháng 5, chỉ từng đơn vị lẻ phá được vây, về tập kết ở Bắc - Đônét. Sự thất bại ở Kháccốp đã làm thay đổi tình hình ở cánh phía nam mặt trận Xô - Đức có lợi cho phát xít Đức. Quyến chủ động lại chuyển sang tay chúng. Chủ lực quân Đức bắt đầu tiến công vào ngày 28-6 sau khi đã chọc thủng tuyến phòng ngự của các phương diện quân Brianxcơ và Tây - Nam, phát triển thắng lợi về hướng Vôrônhegiơ rồi mở mũi đột kích vào hướng nam.
Để tránh bị bao vây, ngày 17-7, phương diện quân Miền Nam đã rút về tuyến sông Đông. Sự thất bại trong phòng ngự của Hồng quân ở hướng Vôrônhegiơ và Đônbát cùng với sự rút lui đã tạo ra một khe hở phòng ngự rộng đến 170 km ở cánh phía nam, tạo điều kiện cho chủ lực quân Đức tiến công vào Cápcadơ và tập đoàn quân 6 của chúng tiến công vào Xtalingrát.
Ngày 25-7, quân Đức vượt sông Đông ở gần Rốtxtốp, tiến công vùng Cubăng và tiến về vùng dầu lửa Bắc - Cápcadơ. Hồng quân chống cự quyết liệt nhưng cũng phải bỏ Maicốp (ngày 10-8) và cả Crátsnôđa (ngày 11-8). Cuối tháng 8, quân Đức đã đến được vùng Môdơdốc với nhiều tổn thất.

                                         Bộ binh Đức cùng với pháo tự hành Sturmgeschütz III                                                        đang  tiến quân về trung tâm thành phố.
Sự chấn chỉnh kịp thời đã làm sức đề kháng của Hồng quân mạnh dần lên. Âm mưu đột phá Tuáp và Ócdơgiônhikítdê không thành công. Quân Đức cũng không đạt được mục đích trong tiến công dọc bờ biển ở Dacápcadơ.
Để ngăn chặn quân Đức chọc thủng mặt trận Xtalingrát, Đại bản doanh nhanh chóng điều các tập đoàn quân 62, 63, 64 trong lực lượng dự bị đến tuyến sông Đông. Ngày 12-7-1942, phương diện quân Xtalingrát được thành lập. Nhiệm vụ của phương diện quân Xtalingrát là giữ vững dải phòng ngự rộng 530 km, không cho quân Đức tiến sâu hơn nữa.
Trận Xtalingrát là một trong những trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, là “trận đánh của thế kỷ” theo lời tướng V. Truicốp, và cũng là một trong những trận đánh oai hùng nhất của Hồng quân Liên Xô trong “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”.
Ngày 17-7-1942, quân Đức nổ súng tiến công, mở màn trận đánh. Ai đó có nói rằng: người ta có thể gây chiến khi mình muốn nhưng không thể kết thúc lúc mình mong. Trong trường hợp trận đánh lớn Xtalingrát, câu nói trên thật đúng đối với phát xít Đức!.
Các đơn vị tiền vệ của tập đoàn quân 62 và 64 của Hồng quân đã bước vào cuộc chiến đấu không cân sức một cách ngoan cường, kéo dài đến 6 ngày đêm.
 
Chuikov đã tham gia các chiến dịch lớn từ Stalingrad đến giải phóng Berlin; Nguồn: zagopod.com 
Trung tướng V. I. Chuikov (sau được thăng nguyên soái), Tư lệnh Tập đoàn quân số 62.
Ngày 23-7, quân Đức tiến công dải phòng ngự chính. Với lực lượng chiếm ưu thế hơn về quân số, máy bay, xe tăng, chúng mở đòn đột kích rất mạnh vào sườn phải (là nơi tổ chức phòng ngự yếu nhất) của tập đoàn quân 62, chọc thủng dải phòng ngự chính và đến cuối ngày 25-7 thì tiến công được đến vùng Verơkhơnhe - Budinốpca. Do đó gần 2 sư đoàn của tập đoàn quân 62 bị bao vây.
Để khôi phục lại tình hình, phương diện quân đã đưa 2 tập đoàn quân xe tăng số 1 và 4 chưa xây dựng xong vào chiến đấu cùng với quân đoàn xe tăng 13 của tập đoàn quân 62, nhằm phản kích lực lượng đột nhập của quân Đức, đảm bảo cho bộ phận bị vây trở về với lực lượng chủ yếu. Trong 3 ngày chiến đấu ác liệt, quân Đức bị thiệt hại nặng và phải dừng bước tiến.
Không đạt được kết quả mong muốn ở giải phòng ngự thuộc tập đoàn quân 62 của Hồng quân, quân Đức chuyển sang tiến công phía nam dải phòng ngự của tập đoàn quân 64. Tại hướng này, chúng đã tiến được đến sông Đông và chiếm được bến phà ở vùng Nhigiơnhe - Chirơ. Tuy nhiên, do kết quả phản đột kích của tập đoàn quân 64, quân Đức cũng đã phải dừng lại.
Cuộc chống cự quyết liệt của Hồng quân buộc phát xít Đức phải điều trở lại tập đoàn quân xe tăng số 4 của chúng từ mặt trậm Cápcadơ về Xtalingrát. Ngày 7-8, bốn sư đoàn của tập đoàn xe tăng số 4 của Đức đột phá vào khu vực Ápganherôvô. Tập đoàn quân 64 đã tổ chức 3 sư đoàn bộ binh và quân đoàn xe tăng số 13 phản đột kích hiệu quả, khôi phục lại tình huống đã mất. Quân Đức buộc phải chuyển sang phòng ngự và trong suốt 10 ngày không có những hoạt động tích cực nào.
Ngày 19-8, quân Đức lại chuyển sang tiến công quyết liệt.


                     Hồng quân đang chuẩn bị đối phó với một cuộc tấn công         của quân Đức vào ngoại ô.
Ngày 23-8, cụm tập đoàn xe tăng thuộc tập đoàn quân 6 của Đức đã chọc thủng đến bờ sông Vônga về phía bắc Xtalingrát. Cũng trong ngày đó, không quân Đức đánh cấp tập vào thành phố với 2.000 lần chiếc. Thành phố bị đánh phá khắp nơi. Máy bay tiêm kích của Hồng quân đã anh dũng đánh lui nhiều đợt tập kích đường không của Đức. Pháo cao xạ cũng góp phần không nhỏ trong việc phòng thủ trên không và trong nhiều trường hợp, đã phải hạ nòng bắn thẳng vảo quân Đức ở mặt đất.
Để làm giảm áp lực tấn công của quân Đức vào thành phố, trong những ngày từ 20 đến 28-8, bộ đội của các tập đoàn quân 63, 21 và tập đoàn quân cận vệ số 1 đã tổ chức nhiều trận phản kích đế chiếm lại các bàn đạp trên sông Đông và thu hút một bộ phận lực lượng đáng kể của tập đoàn quân 6 Đức lên phía bắc. Đến ngày 28-8, Hồng quân đã chặn được quân thù ở ngoại ô tây - bắc thành phố Xtalingrát.
Quân Đức tăng cường sức tiến công. Tháng 8, tập đoàn quân số 8 của Ý và tháng 9 là tập đoàn quân số 3 của Rumani bắt đầu tham chiến vào trận đánh lớn này. Trong tháng 9, quân Đức huy động 50 sư đoàn vào hướng Xtalingrát, còn ở Cápcadơ khoảng 30 sư đoàn. Tình hình đối với cuộc phòng ngự của Hồng quân tiếp tục xấu đi. Đại bản doanh đã phải điều động bổ sung cho phương diện quân Xtalingrát tập đoàn quân 24 và 66. Hai tập đoàn quân này cùng với tập đoàn quân cận vệ số 1 đã tiến hành nhiều trận phản đột kích vào quân Đức đang tiến đến sông Vônga ở phía bắc Rưnốc, làm một bộ phận lực lượng quân Đức phải thu hút vào đây. Tuy vậy, tình hình vẫn rất căng thẳng.
Ngày 12-9, quân Đức ồ ạt đánh vào thành phố. Để tiến được 100 - 120 km, trong thời gian 63 ngày đêm, quân Đức đã phải trả một giá đắt: mất 87 ngàn binh lính và sĩ quan, trên 350 xe tăng, 400 máy bay mà vẫn chưa chiếm được Xtalingrát.
Nhiệm vụ bảo vệ vành đai phòng thủ bên trong thành phố lúc này do hai tập đoàn quân 62 và 64 của Hồng quân đảm nhiệm. Tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Xô Viết phòng thủ Xtalingrát ngày một cao, đã ngoan cường lại càng ngoan cường. Sự quả cảm của họ thật không có bút nào tả xiết. Đó chính là kết quả của lòng yêu nước nồng nàn trước kẻ thù xâm lược, của tình yêu tin vào chế độ mà họ xả thân phụng sự. Quân Đức được hun đúc khiên cưỡng từ gang thép Đức. Còn Hồng quân trở thành gang thép từ chính ngọn lửa rừng rực căm thù trong lòng họ khi tổ quốc thiêng liêng, thân yêu và vô tội của họ bị dày xéo và đang lâm nguy. Chính nghĩa thuộc về ai đã quá rõ, khỏi bàn! Tinh thần hy sinh chiến đấu quên mình của các chiến sĩ Xô Viết trong công cuộc phòng thủ Xtalingrát đã là nguyên nhân quan trọng nhất trong số những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong “trận đánh của thế kỷ”.


           Chỉ huy phương diện quân Stalingrad, tướng K. K. Rokossovsky
Trong những trận đánh ác liệt từ ngày 13 đến ngày 26-9, quân Đức đã chiếm được phần phía nam của thành phố, đã thọc được đến sông Vônga trong khu vực nhà máy chế tạo máy kéo và ngày 11-10, chúng đã đột phá được ra bờ sông ở phía nam nhà máy “Baricátdơ”. Tuy vậy quân Đức vẫn không làm chủ được thành phố. Cuộc kháng cự anh hùng của các chiến sĩ xô viết trong thành phố đã không cho chúng thực hiện điều đó. Có một sự kiện sáng ngời: ngày 28-9, một tổ trinh sát Hồng quân do hạ sĩ cận vệ Ia. Ph. Páplốp đã đánh bật nhóm quân Đức ra khỏi tòa nhà 4 tầng ở phố Penden. Sau 2 ngày đêm, quân tăng viện do trung úy cận vệ I. Ph., Aphanaxép chỉ huy đã dần biến ngôi nhà thành ổ đề kháng làm gợi nhớ đến pháo đài Brét. Quân Đức phải dùng không quân đánh phá và nhiều lần cho xe tăng và bộ binh đánh chiếm lại nhưng đều thất bại. Các chiến sĩ Xô viết ở đó đã chiến đấu một mất một còn trong suốt 58 ngày đêm và đã giữ vững trận địa. Sự kiện đó đã trở thành biểu tượng bất diệt về con người bất khuất của người lính Xô Viết.
Hạm đội sông Vônga đã dùng hỏa lực từ các tàu chiến của mình để chi viện cho các đơn vị bộ binh chiến đấu trong thành phố. Quan trọng hơn, vì không có bến phà cố định, hạm đội sông Vônga đã đảm nhiệm vai trò trọng yếu vận chuyển qua sông tiếp tế cho thành phố. Dưới làn mưa bom bão đạn của máy bay và pháo binh Đức, hạm đội này đã chuyển qua sông được hàng chục ngàn binh sĩ và hàng ngàn tấn hàng.
Dù gặp muôn vàn khó khăn gian khổ, tổn thất hy sinh, cuộc phòng ngự của Hồng quân bên trong thành phố Xtalingrát đã đứng vững. Các đảng viên Cộng sản đã là linh hồn của sự phòng thủ đó.


                            Hải quân đánh bộ Xô Viết đổ bộ lên bờ tây sông Volga.
(Còn tiếp)
-----------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét