Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

TT&HĐ III - 30/n

 
Chiến dịch Barbarossa những bí mật vừa được giải mã
                                                 

                                                                      Pháo Đài Brest

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


.

CHƯƠNG IX (XXX): THỜI CUỘC

“Nếu như sau cái đêm tối tăm của thời trung cổ, các ngành khoa học đột nhiên sống lại với một sức mạnh không ngờ và bắt đầu phát triển nhanh chóng một cách kỳ diệu, thì sự kỳ diệu ấy cũng chính là nhờ sản xuất mà có”
Ph. Ăngghen

"Tình yêu giống như chiến tranh, dễ bắt đầu nhưng rất khó để dừng lại."


"Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ sử dụng vũ khí nào nhưng tôi biết rằng chiến tranh thế giới thứ 4 sẽ sử dụng gậy gộc và đá!"  - Albert Einstein
"Chúng ta từng tự hỏi chiến tranh sống ở đâu, và điều gì khiến nó gớm guốc như vậy. Và giờ chúng ta nhận ra mình biết nó sống ở đâu... ở trong chúng ta."  -


"Người ta vẫn gọi chiến tranh là tội giết người. Không phải: nó là tự sát."
  - Ramsay MacDonald


"Chưa từng có lúc nào thế giới không chiến tranh. Dù trong bảy nghìn, mười nghìn hay hai mươi nghìn năm. Những nhà lãnh đạo khôn ngoan nhất, hay những vị vua cao quý nhất, hay cả Nhà thờ - không ai trong số họ có thể ngăn chặn nó. Và đừng chịu thua thứ lòng tin dễ dãi rằng những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nóng vội có thể ngăn được chiến tranh. Hay có thể chia tách được chiến tranh vì lẽ phải hay đúng đắn ra khỏi phần còn lại. Luôn có hàng nghìn hàng nghìn người mà đối với họ thậm chí cả chiến tranh theo kiểu đó cũng là vô nghĩa và phi lý." - Aleksandr Solzhenitsyn


"Chiến tranh không được trả giá trong thời chiến, hóa đơn sẽ đến sau đó." - Benjamin Franklin

"Chiến tranh là sự ngu dại tột bậc của cuộc sống"
Thầy cãi
 
 
 
 
 (Tiếp theo)
 
                                                                      ***
Dù có thể là phởn chí quá hóa cuồng, tưởng mình tài năng hơn Napôlêông, nhưng Hitle cùng đồng bọn chắc rằng không thể không xem lại cuộc chiến tranh Pháp - Nga năm 1812 và rút ra bài học “nhỏ” mà Bônapác đã để lại: chớ có chọc ghẹo quá trớn ông khổng lồ dù chân ông ta có làm bằng đất sét! Không hẳn là hoàn toàn vì điều đó nhưng điều đó cũng góp phần làm nên một kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo của phát xít Đức gây chiến xâm lược Liên Xô.
Ngày 21 tháng 7 năm 1940, Adolf Hitler giao cho Bộ Tổng chỉ huy lục quân Đức soạn thảo Kế hoạch Otto. Tại Chỉ thị số 21 của Bộ Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang của Đế chế (Reich) ngày 18 tháng 12 năm 1940 và Chỉ thị về việc tập trung và triển khai có tính chiến lược các lực lượng quân đội ngày 31 tháng 1 năm 1941 đã chỉ ra những phương án cuối cùng được duyệt của kế hoạch này, đồng thời, thông báo lệnh của Quốc trưởng đổi tên thành Kế hoạch Barbarossa. Kế hoạch này dự định khởi sự ngày 15 tháng 6 năm 1941, tấn công và đánh chiếm Liên Xô (chủ yếu là phần lãnh thổ thuộc châu Âu) trong một thời gian ngắn ngay trước khi kết thúc chiến tranh với Anh. Ý đồ chiến lược của kế hoạch này là dùng ba đòn vu hồi liên tiếp chia cắt chính diện mặt trận Xô-Đức; hợp vây các lực lượng chủ yếu của quân Nga trên các vùng Pribaltic, Belorussia, Ukraina và miền Tây nước Nga (vùng phụ cận Smolensk). Trọng tâm tác chiến là sử dụng các tập đoàn quân xe tăng tiến hành những đòn đột kích sâu ở phía Bắc và phía Nam khu vực đầm lầy Pripiat (khu tiếp giáp giữa Belorussia và Ukraina), tiêu diệt những cách quân đã bị chia cắt trước khi tiến chiếm Moskva, Leningrad, vùng công nghiệp Donbass cũng như vùng đồng bằng trung và hạ lưu sông Volga.


Thống chế Wilhelm Ritter von Leeb, tư lệnh Cụm tập đoàn quân Bắc

Để có thể giành được một chiến thắng chớp nhoáng, quân Đức buộc phải nhanh chóng hủy diệt Hồng quân Liên Xô trong những chuỗi tấn công và hợp vây trên. Vì vậy mục tiêu chính yếu trước mắt của kế hoạch Barbarossa chính là Hồng quân Liên Xô và sau đó mới là đánh chiếm những vùng đất đai quan trọng hay đạt được những thắng lợi về chính trị. Bản thân Hitler đã nói: so với việc tiêu diệt Hồng quân thì "đánh chiếm Mạc Tư Khoa không thật sự quá quan trọng". Chỉ thị số 21 đã nêu rõ ý định của Hitler như sau:

Phương án tác chiến ban đầu của Kế hoạch Otto tháng 12 năm 1940 là dùng các đòn đột kích liên tiếp của nhiều thê đội xe tăng - thiết giáp mạnh (4 tập đoàn quân xe tăng), sử dụng chiến thuật "luân xa chiến", mở đường tấn công một mạch từ Brest qua Minsk và Smolensk đến Moskva theo lối đánh "gạt đối phương ra để tiến"; nhanh chóng đánh tan cơ quan lãnh đạo tối cao của Nhà nước và quân đội Liên Xô tại Moskva và kết thúc sớm chiến tranh trong vòng vài tuần lễ. Đến ngày 3 tháng 2 năm 1941, nhận thấy phương án này khá phiêu lưu do kéo dài tuyến mặt trận hai bên sườn và các đường tiếp tế cũng phải kéo dài, rất dễ bị Quân đội Xô Viết công kích và chia cắt từ hai phía Bắc và Nam (như đã xảy ra với quân đội của Napoleon năm 1812), các tướng lĩnh Đức Quốc xã đưa ra phương án cuối cùng, chia quân đội Đức ở mặt trận phía Đông thành ba cụm tập đoàn quân, tấn công trên ba hướng chiến lược. 

         Thống chế Fedor von Bock, Tư lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm 
 
Như vậy, “Kế hoạch Bacbarôxa” (nghĩa là “Râu hung”, biệt hiệu của Phêđêrich, Hoàng đế Đức thời Trung Cổ) được thảo ra từ tháng 6-1940 và chỉ thị số 21 về kế hoạch này được Hitle phê chuẩn ngày 18-12-1940. Kế hoạch nhằm tiêu diệt quân đội Liên Xô (thường gọi là Hồng quân) trong một cuộc chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh, do đó Hitle đã huy động tới 190 sư đoàn với 5,5 triệu quân, 3.712 xe tăng, 47.260 khẩu pháo, 4.950 máy bay và 193 tàu chiến, trong đó có 153 sư đoàn Đức, 17 sư đoàn Phần Lan, 18 sư đoàn Rumani và 2 sư đoàn Hunggari, tập trung dọc theo hơn 2.900 km biên giới (1800 dặm) từ bờ biển Baltic phía bắc đến bờ biển Đen phía nam cho giai đoạn đầu cuộc chiến với nhiệm vụ được xác định là: “Chia cắt chính diện của lực lượng chủ yếu của quân Nga đang tập trung ở phía tây nước Nga, sử dụng các cụm quân cơ động mạnh ở phía bắc và phía nam vùng đầm lầy Pripiátxki mở những đòn đột kích này tiêu diệt những cụm tập đoàn quân của đối phương đã bị chia cắt”. Cụ thể, khi bắt đầu tiến công Liên Xô, quân đội phát xít Đức triển khai đội hình như sau:
-Ở cực Bắc là cụm tập đoàn quân Phần Lan – Na Uy: bố trí tại Phần Lan bao gồm Tập đoàn quân Na Uy của Đức, phối thuộc thêm 7 quân đoàn của Phần Lan (sau lập thành Tập đoàn quân Karelia của Phần Lan). Tổng cộng cánh quân này có 21 sư đoàn và 3 lữ đoàn Đức và Phần Lan được yểm trợ bằng 900 máy bay thuộc tập đoàn không quân số 5 của Đức (Luftflotte 5) và không quân Phần Lan. Đối đầu với cụm Phần Lan – Na Uy là Quân khu Leningrad của Liên Xô, sau đổi thành Phương diện quân Bắc (về sau tách thành Phương diện quân Karelia và Phương diện quân Leningrad). Nhiệm vụ của cụm quân Phần Lan – Na Uy này là phòng thủ Phần Lan và Na Uy, phối hợp cùng Cụm tập đoàn quân Bắc tấn công thành phố Leningrad từ hướng bắc, tấn công vào vùng cực chiếm Muốcmanxcơ căn cứ chính của Hạm đội Biển Bắc của Liên Xô và sau đó chiếm thành phố lớn nhất vùng cực là Arkhangelsk.
- Cụm tập đoàn quân “Bắc” (gồm 29 sư đoàn, trong đó có 3 sư đoàn xe tăng, 3 sư đoàn cơ giới, do thống chế Đức là Phôn Lép (Von Leeb) chỉ huy) đột kích chủ yếu từ vùng Tindit theo hướng Đangapinsơ, đông bắc Ôpốtxka, có nhiệm vụ tiêu diệt các đơn vị Xôviết tại vùng Pribantich và sau đó hiệp đồng với một bộ phận lực lượng của cụm “Trung Tâm” chiếm Lêningrát và Crôngstát. Cụm tập đoàn quân “Bắc” được tập đoàn không quân số 1 (gồm 1.070 máy bay chiến đấu) yểm trợ.
- Lực lượng chủ yếu của Đức là cụm tập đoàn quân “Trung Tâm” (gồm 50 sư đoàn, trong đó có 9 sư đoàn xe tăng, 6 sư đoàn cơ giới và 2 lữ đoàn, do thống chế Vôn Bốc (Von Bock) chỉ huy). Với sự tổ chức những cụm xe tăng mạnh ở hai bên sườn, cụm tập đoàn quân này mở những mũi đột kích đánh vu hồi vào hướng chung tiến đến Minxcơ để bao vây các đơn vị Xôviết ở phía tây Bêlarút, sau đó phát triển tiến công trên hướng chung tiến về Xmôlenxcơ. Cụm tập đoàn quân này được tập đoàn không quân số 2 (1.600 máy bay) yểm trợ.
-Cụm tập đoàn quân “Nam” (gồm 57 sư đoàn, trong đó có 5 sư đoàn xe tăng, 4 sư đoàn cơ giới và 13 lữ đoàn, do chuẩn thống chế Phôn Runxtét (Von Rundsted) chỉ huy) có nhiệm vụ tiến công quân đội Xôviết ở Hữu ngạn Ucraina, đột kích triển khai trên cánh trái tới Kiép, chiếm lấy bến vượt sông Đơnhiép. Sau đó các binh đoàn xe tăng phải phát triển tiến công ở hướng đông - nam, không cho những lực lượng còn khả năng chiến đấu của Hồng quân rút qua sông Đơnhiép để bao vây tiêu diệt những lực lượng ấy. Cụm tập đoàn quân “Nam” được tập đoàn không quân số 4 của Đức và không quân của Rumani (tất cả có 1.300 máy bay chiến đấu) yểm trợ.
Các đạo quân ấy được đặt dưới quyền tổng chỉ huy trực tiếp của thống chế Phôn Bơraosít (Von Brauchitsch).
Trước đội quân cực mạnh, đã có kinh nghiệm chiến đấu và với một kế hoạch tấn công chu đáo, tỷ mỷ như thế, Liên Xô đã tổ chức chuẩn bị đối phó như thế nào?
Lúc sinh thời, V. I. Lênin đã nói: “Một quân đội ưu tú nhất, những con người trung thành nhất đối với sự nghiệp cách mạng sẽ bị quân địch tiêu diệt nhanh chóng, nếu họ không được trang bị đầy đủ…”. Tuân theo lời dạy đúng đắn đó, Đảng và Nhà nước Xôviết trong suốt thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế trước chiến tranh đã rất chú trọng đến việc xây dựng lực lượng vũ trang ngày một lớn mạnh cả về số lượng binh sĩ, cả về trang thiết bị quân sự tiên tiến và cả về nghệ thuật tác chiến.

 Dai_tuong_D_G_Pavlov_Tu_lenh_Quan_khu_dac_biet_mien_Tay
Đại tướng D. G. Pavlov, Tư lệnh Quân khu đặc biệt miền Tây
Nhịp độ sản xuất binh khí kỹ thuật của các nhà máy quốc phòng đã tăng theo hàng năm. Vũ khí mới cũng được tích cực nghiên cứu, chế tạo. Chẳng hạn các loại súng cối phản lực, các pháo tự hành đã được sản xuất những mẫu thí nghiệm thành công; năm 1939 đã xuất xưởng hai loại xe tăng KV và T-34 có tính năng hơn hẳn các loại xe tăng của các nước tư bản; đầu năm 1941, nhiều loại máy bay mới đã được trang bị cho không quân, mà phần lớn, về một số tính năng đã hơn hẳn các máy bay cùng loại của Đức và đặc biệt, máy bay cường kích I.L-2 là chưa có máy bay nào trên thế giới sánh kịp…
Nói chung, nghệ thuật quân sự Xôviết đã được xây dựng lên một trình độ cao, phù hợp với tính năng kỹ thuật tiên tiến của binh khí và trang thiết bị quân sự trong thời đại mới. Chiến lược đã xác định đúng đắn những nhiệm vụ của quân chủng và binh chủng. Chiến lược Xôviết phủ định và phê phán có cơ sở lý luận những học thuyết thiên kiến, đề cao vai trò chủ đạo của một phương tiện chiến tranh nào đó và trong điều kiện lúc bấy giờ đã vội hy vọng trông chờ vào “cuộc chiến tranh chớp nhoáng”, đó là những học thuyết chẳng hạn như “chiến tranh xe tăng”, “chiến tranh không quân”, “chiến tranh hải quân”…Chiến lược Xôviết đã biết đánh giá đúng tính chất của cuộc đấu tranh vũ trang và cả những phương thức cơ bản, cần có để giành thắng lợi đối với kẻ địch mạnh hơn về trang bị kỹ thuật, trong đó yếu tố con người luôn mang tính chất cơ bản, quyết định.


Thượng tướng M. P. Kirponos Tư lệnh Quân khu đặc biệt Kiev
Lực lượng vũ trang Xôviết cũng đã đề ra được lý luận mới có cơ sở khoa học kỹ thuật cho việc chuẩn bị và tiến hành các chiến dịch qui mô tập đoàn quân và phương diện quân. Các vấn đề tiến công, các trận đánh gặp gỡ (tao ngộ chiến), bao vây và tiêu diệt địch, tổ chức phòng ngự tích cực và có chiều sâu, đảm bảo hậu cần… đã giữ một vị trí đặc biệt trong lý luận quân sự Xôviết và đã tỏ ra đáp ứng được những đòi hỏi trong cuộc chiến tranh sắp tới.
Tuy nhiên, do thời gian quá ngắn, đã không đủ cho nhân dân Liên Xô giải quyết được tất cả những vấn đề bảo đảm chắc chắn cho nền an ninh của đất nước. Nhiều biện pháp quan trọng còn chưa được thực hiện.
Từ năm 1939, trước sự đe dọa xâm lược ngày một tăng của phát xít Đức, Liên Xô đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp cấp bách nhằm tăng nhanh hơn nữa sức mạnh chiến đấu của Hồng quân.
Mùa xuân năm 1941, 81 sư đoàn (trong đó có 40 sư đoàn xe tăng, 20 sư đoàn cơ giới) đang ở giai đoạn thành lập. Đến tháng 1-1941, số quân đã là 4,2 triệu người và tăng lên khoảng 5 triệu vào ngày 1-6-1941. Thế nhưng như đã nói, nền kinh tế Liên Xô khi đó không thể trong một thời gian quá ngắn đảm bảo trang bị mọi thứ cần thiết được cho một số lớn sư đoàn triển khai cùng một lúc.
Do vậy mà khi chiến tranh nổ ra, hầu hết các quá trình trang bị mới, trang bị lại, xây dựng đội ngũ, tổ chức bố trí lại đội hình theo khu vực lãnh thổ… đều đang ở giai đoạn triển khai hoặc dở dang và nói chung, nếu so sánh lực lượng thì quân phát xít Đức hơn quân đội Liên Xô về quân số là 1,8 lần, về xe tăng loại trung và loại nặng là 1,5 lần, về máy bay chiến đấu kiểu mới là 3,5 lần, về pháo và súng cối là 1,25 lần.
Đến đây, sự vận động nội tại của xã hội loài người, vừa mang tính tự nhiên vừa có tính nhân tạo, trong cuộc xoay vần của một thời đại, đã đạt đến trạng thái căng thẳng tột độ của nó và đòi hỏi phải giải quyết. Lúc này, mối quan hệ tương phản giữa chủ nghĩa độc tài hiếu chiến quân phiệt và chủ nghĩa dân chủ cộng hòa nhân văn đã biến thành đối kháng một mất một còn giữa chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa phát xít, được cho là kết quả tổng hợp, cộng hưởng của hàng loạt mối quan hệ thành phần hòa quyện, đan xen, kích thích lẫn nhau, như: tư sản và cộng sản, yêu thương và căm ghét, chiến tranh và hòa bình, tiêu vong và tồn tại, nô lệ và tự do, khổ đau và hạnh phúc,… Sự vận động nội tại xã hội đã lựa chọn Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết và Đức phát xít làm hai tuyến đầu để giải quyết mối quan hệ đối kháng mất - còn ấy, và như một lẽ tự nhiên, số phận thế giới được định đoạt theo hướng ưu tiên đòi hỏi thiết tha của Đức Huyền Diệu là thắng lợi thuộc về Đại Chúng nhân loại, lực lượng đại diện cho sự sống còn loài người.

Quân dự bị động viên của Liên Xô tiến ra mặt trận. Bảng trên cây bên trái ảnh có ghi dòng chữ: "Chính nghĩa thuộc về chúng ta. Kẻ thủ sẽ bị tiêu diệt. Chiến thắng sẽ nằm trong tay chúng ta"
Quân dự bị động viên của Liên Xô tiến ra mặt trận, Moscow 23/6/1941. Bảng trên cây bên trái ảnh có gi dòng chữ: "Chính nghĩa thuộc về chúng ta. Kẻ thù sẽ bị tiêu diệt. Chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta" (Ảnh của RIA NOVOSSTI)
 
Nhưng Stalin không ngờ chiến tranh đến sớm hơn ông dự đoán.  Đối với Stalin và ban lãnh đạo Liên Xô, họ không bao giờ tin tưởng vào sự thành thật của Hitler nhưng đã bị thông tin nhiễu đánh lạc hướng về thời điểm cuộc chiến sẽ nổ ra. Họ biết chiến tranh với Đức sẽ nổ ra nhưng cho rằng không thể sớm hơn năm 1942. Thủ tướng Anh Winston Churchill từng cảnh báo trước cho Stalin biết về việc Đức sẽ tấn công Liên Xô, Stalin chỉ nói ngắn gọn: "Tôi không cần lời cảnh báo nào cả. Tôi biết chiến tranh sẽ nổ ra, nhưng tôi tin sẽ có thể làm nó chậm lại nửa năm nữa". Tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 18/11/1940, Stalin đã nói: "Cần phải hiểu tính hai mặt và trò chơi chính trị của Hitler. Hitler là một kẻ tráo trở. Ông ta đã ký hiệp ước hòa bình với Ba Lan, Áo, Tiệp, Bỉ và Hà Lan nhưng đã ngay lập tức xé bỏ chúng. Chắc chắn chúng ta không thể coi hiệp ước này là cơ sở an ninh của chúng ta…".  
 Sau những yếu kém rất rõ rệt của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan và sự thể hiện sức mạnh ghê gớm của quân đội Đức trong các chiến thắng tại chiến trường châu Âu, Stalin không muốn Liên Xô phải đương đầu với cuộc tấn công của Đức khi chưa có đủ thời gian chuẩn bị. Stalin trừng trị nghiêm khắc những người cảnh báo về khả năng Đức tấn công, tránh mọi hành động để có thể bị coi là khiêu khích Đức, không cho phép quân đội áp dụng các biện pháp dự phòng và sẵn sàng chiến đấu... Trong cuộc chơi "hữu nghị" với Hitler, Stalin đã thất bại và bị qua mặt. Sự thất bại và thiệt hại to lớn, nguy cơ mất nước nhãn tiền của Liên Xô trong giai đoạn thất trận năm 1941 có nguyên nhân rất lớn từ việc đất nước bị bất ngờ, quân đội đã không chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu do không nhận được bất kỳ mệnh lệnh báo động chiến đấu nào.


                             Binh lính Liên Xô bị quân Đức bắt làm tù binh ở Minsk tháng 7 năm 1941

Như vậy, cuộc xung đột Xô - Đức là không thể tránh khỏi, tất yếu dẫn đến sự tiêu vong của chủ nghĩa phát xít tham tàn, và như một định mệnh, quân dân Liên Xô sẽ viết nên một thiên anh hùng ca bất hủ về lòng yêu nước có tựa đề: “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”, đồng thời cũng làm nên một chiến công chói lọi đến muôn đời của nhân dân thế giới, dâng lên Đức Huyền Diệu.
(Còn tiếp)
------------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét