Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

TT&HĐ III - 31/c

                                                 Bí Ẩn Sự Suy Tàn Của Đế Chế Maya

PHẦN III:     NGUỒN CỘI 

" Đi đi con!
Trong khinh khi may nhớ nước non
Mà ôn lại cho đừng quên lịch sử
Bốn ngàn năm rồi, Việt Nam bất tử
Dằng dặc đoạn trường chống giặc ngoại xâm
Biết mấy đau thương, biết mấy anh hùng
Ghi tạc địa cầu bao chiến công hiển hách
..."

                                                                                Trần Hạnh Thu

"Lịch sử hoài thai chân lý, nó có thể kháng cự với thời gian, có thể dìm đi những việc cũ, nó là dấu tích của thời xa xưa, là gương soi của đương đại, là lời giáo huấn cho thế hệ sau."
                                                                 
Cervantes (Tây Ban Nha)

"Lịch sử là bằng chứng của thời đại, là ngọn lửa của chân lý, là sinh mệnh của kí ức, là thầy giáo của cuộc sống và là sứ giả của cổ nhân."
                                                                                                      Cicero (La Mã)
 
“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.” 
.


.

CHƯƠNG X (XXXI): TỘI ÁC

 

“Với việc thiết lập bạo lực và giết nhau trong loài của mình, con người tự đặt nó xuống dưới con thú”
André Bourguignon

"Lòng yêu nước là tình yêu kiên định, tuyệt đối với quốc gia, không phải là sẵn sàng phụng sự nó mà không phê phán, hay ủng hộ những yêu sách không chính đáng, mà là thẳng thắn đánh giá những tội lỗi, thói xấu của nó và sám hối cho chúng."
Aleksandr Solzhenitsyn
 
"Kẻ phạm vào tội lỗi là con người; đau buồn về nó là thánh nhân; kiêu hãnh về nó là ác quỷ."
 
"Trong giấc mơ của tao, thế giới đã phải chịu một thảm họa khủng khiếp. Một đám sương mù đen che lấp ánh nắng mặt trời, bóng tối nhấn chìm cuộc sống với những tiếng rên la gào thét của những con người hoảng loạn. Đột nhiên, một tia sáng lóe lên. Một ngọn nến lung linh thắp sáng hy vọng cho hàng triệu tâm hồn khốn khổ. Một cây nến nhỏ, tỏa sáng trong bóng tối bao la. Tao mỉm cười và thổi tắt nó…
 

"Thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt" 

Napoleon Bonaparte.

 

 "Luôn nhớ rằng mình sẽ phải chết là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh sa vào suy nghĩ mình có cái gì để mất. Khi bạn chẳng còn gì, không có lý do nào để bạn không đi theo chính trái tim mình" - Steve Jobs


 



 (Tiếp theo)

***
Chúng ta cho rằng mục đích cuối cùng của chiến tranh là danh lợi. (Khái niệm “danh lợi” mang ý nghĩa bao hàm hơn khái niệm “quyền lợi”). Có thể phân chia chiến tranh ra thành hai loại lớn là chiến tranh xâm lược và nội chiến. Thường thì trong chiến tranh xâm lược, kẻ âm mưu nô dịch và tước đoạt quyền lợi của dân cư lãnh thổ nào đó sẽ khởi sự trước, còn trong nội chiến thì người bị áp chế, đứng trước nguy cơ mất khả năng sống còn hoặc bị tước đoạt quyền lợi sẽ khởi sự trước. Trên quan niệm của Đức Huyền Diệu, vì phải giết chóc, tiêu diệt nhau nên cả hai phía đối kháng nhau, ít, nhiều đều gieo rắc tội ác và nếu bên này chính nghĩa hơn (phụng sự Đức Huyền Diệu!) thì bên kia phi nghĩa hơn (mà nói tương đối là chính nghĩa và phi nghĩa). Trong quá trình chiến tranh, chính nghĩa có thể chuyển hóa thành phi nghĩa và ngược lại. Nói chung và cũng chỉ tương đối thôi, chính nghĩa là bảo vệ quyền lợi cơ bản của con người (được sống và tự do mưu cầu hạnh phúc phi bạo lực) và phi nghĩa là đi tước đoạt quyền lợi cơ bản ấy. Chiến tranh bao giờ cũng tàn ác, kẻ phi nghĩa gây chiến bao giờ cũng mang tội ác và đồng thời là thủ phạm chống lại loài người…

Ngày Việt Nam chiến thắng 30/4/1975, lũ bán nước VNCH cay cú gọi là ngày quốc hận, người cộng sản cực đoan cho rằng đó là ngày giải phóng, toàn dân phải vui mừng, riêng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, người cộng sản có vợ con đều chết trong chiến tranh, thì nói, đó là ngày có triệu người vui và cũng có triệu người buồn. Lão Tử, một đại hiền triết thời cổ đại của Trung Quốc, từng nói: "Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử". Nghe mà thấm thía!

Giống như bóng tối không thể làm tiêu tan bóng tối, thì hận thù không thể xoa dịu được hận thù, và chiến tranh không thể xóa bỏ được chiến tranh. Chỉ khi con người thoát ra khỏi vòng tham muốn danh lợi, thấu hiểu ý nghĩa thiêng liêng của cuộc sống, thấu hiểu về sự vô nghĩa tột cùng của cái chết và sự cảm thông, yêu thương sâu sắc đồng loại, mới có thể loại trừ được gây hấn và chiến tranh ra khỏi đời sống xã hội!

Một khi còn tình cảm dân tộc hẹp hòi, lòng tham vị kỷ về danh lợi và cái tâm hận thù của con người, thì vẫn còn chiến tranh. 


  Ngày 1/8/1832, trong trận Bad Axe, binh lính dưới quyền Tướng Henry Atkinson và các tình nguyện viên vũ trang đã giết chết khoảng 150 người da đỏ, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em gần Victory, Wisconsin 
Chiến tranh xuất hiện đầu tiên vào lúc nào trong lịch sử loài người?
Khó mà xác định chính xác được!
Theo các nhà kinh điển của triết học Mác - Lênin thì khi xã hội phân chia ra các giai cấp cũng là khi xuất hiện các cuộc chiến tranh và chiến tranh chỉ tồn tại cùng với các hình thái xã hội có giai cấp. Họ cho rằng chiến tranh là sự kế tục của chính trị, nhưng không phải là hình thức thông thường của cuộc đấu tranh chính trị, mà là hình thức đặc biệt của chính trị và đặc trưng của nó là việc sử dụng bạo lực vũ trang.
Chúng ta đã biết: chế độ có giai cấp đầu tiên trong lịch sử loài người là chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ này đã xuất hiện từ thiên niên kỷ thứ IV TCN. Vậy thì chiến tranh chỉ có thể xuất hiện vào lúc đó nếu tin theo quan niệm của triết học Mác - Lênin về nguồn gốc chiến tranh.
Nhưng làm sao chiếm hữu được nô lệ nếu không có bạo lực, giết chóc, khuất phục nhau bằng đấu tranh vũ trang xuất hiện trước? Đành rằng đi liền với phân định giàu - nghèo là sự cạnh tranh, đi liền với cạnh tranh là sự xuất hiện bạo lực. Tuy nhiên chúng ta không hình dung được sự phân định giàu nghèo mang tính toàn xã hội lại có thể dễ dàng thực hiện được nếu chưa có “kinh nghiệm” về bạo lực vũ trang. Có lẽ chính cuộc đấu tranh có tổ chức, với những công cụ hỗ trợ là cành cây, hòn đá chống lại loài vật để mưu sinh đã “gợi ý” cho con người đánh giết lẫn nhau bằng đấu tranh vũ trang và hình thức đấu tranh này đã xuất hiện ngay từ khi chưa phân định giàu - nghèo mà đơn thuần chỉ nhằm giành giật, chiếm đoạt miếng ăn của nhau. Khi hai bầy đàn người nguyên thủy tấn công nhau bằng những công cụ hỗ trợ “chuyên dùng” chống loài vật thì đó phải chăng đã là đấu tranh vũ trang hay còn gọi là chiến tranh? Lúc này đã có chính trị chưa để chiến tranh xuất phát từ đó?

Tháng 3/1846, từ 120 đến 200 người da đỏ không vũ trang, chủ yếu là người Yana đã bị lính của chỉ huy Frémont giết hại khi đang tụ tập bên bờ sông Sacramento ở California
 
Nếu điều lập luận vừa rồi của chúng ta có lý thì quan niệm của triết học Mác - Lênin về sự xuất hiện chiến tranh là chưa thỏa đáng. Nó chỉ có thể đúng với nội chiến mà thôi. Hay chúng ta nói chính chiến tranh đã làm xuất hiện chế độ chiếm hữu nô lệ chứ không phải ngược lại, và nội chiến có khả năng đã xuất hiện đầu tiên trong xã hội chiếm hữu nô lệ thời cổ đại. Chiến tranh trước thời đại chiếm hữu nô lệ không thể là nội chiến nên chỉ có thể là chiến tranh xâm lược, bầy đàn này tấn công bầy đàn kia, bộ tộc - bộ lạc này xâm lấn khu vực kiếm ăn, lãnh thổ cư ngụ của bộ tộc - bộ lạc khác (có thể trong chế độ bộ lạc đã có sự phân hóa giàu - nghèo nhưng chưa sâu sắc).
Quan niệm truyền thống vẫn cho rằng sự xuất hiện của cải dư thừa đã là nguyên nhân chủ yếu làm xuất hiện sự phân hóa dân cư thành giàu - nghèo trong xã hội. Chắc rằng không hẳn như thế. Phải cho rằng sự phân hóa này có nguyên nhân đồng thời từ tự nhiên cũng như xã hội, từ sự đói khát, thiếu thốn và cả no đủ, dư thừa. Sự vận động của một cộng đồng xã hội luôn là sự kế tiếp nhau xen kẽ giữa các thời kỳ đói khát, thiếu thốn và no đủ, dư thừa. Sự dồi dào, dư thừa về miếng ăn, cái mặc trong xã hội sẽ làm giảm dần động lực đấu tranh sinh tồn, giảm sự tích cực để dành, tích cốc phòng cơ. Chính sự ghê sợ cái chết do bị đói khát đã làm nảy sinh ra sự thèm muốn đến quá đỗi tham lam, ích kỷ của con người. Sự thèm muốn quá đỗi danh lợi để được vinh hoa phú quý cùng với “thói quen” sử dụng bạo lực vũ trang đã dẫn đến mọi hình thức trộm cướp, chiếm đoạt đồng thời với mọi kiểu giết chóc dã man, tàn bạo mà con người có thể nghĩ ra được.
Như vậy, có thể thấy sự phân hóa giàu - nghèo bắt nguồn từ hai nguyên nhân trực tiếp; tự nhiên và nhân tạo. Nguyên nhân tự nhiên là do điều kiện thiên nhiên ưu đãi hay bạc đãi, thuận lợi hay bất lợi mà dẫn đến sự chênh lệch thu nhập thành khốn khó - sung túc. Nguyên nhân nhân tạo gồm hai loại. Loại thứ nhất là do tinh thần và trình độ lao động làm xuất hiện hiện tượng giàu - nghèo. Loại thứ hai là quá trình chiếm đoạt lẫn nhau trong nội bộ loài người bằng thủ đoạn, tranh giành quyền lực và chiến tranh làm phân hóa xã hội thành các cặp bộ phận có tính phổ biến là giàu và nghèo, là thượng tầng cấu trúc và hạ tầng nền tảng, là lãnh đạo và quần chúng, là thống trị và bị trị…


Nói khái quát, sự vận động của mối tương quan giữa lực lượng thức ăn và lực lượng nhân khẩu đã làm nên con người và những cấu trúc xã hội của nó. Loài người, từ bầy đàn lang thang hái lượm - săn bắt, do khan hiếm thức ăn mà nghĩ ra thêm trồng trọt - chăn nuôi với lối sống bán định cư và có được một cuộc sống no đủ hơn (nên cũng ít tranh giành hơn). Nhưng rồi sự thiếu hụt thức ăn lại xảy ra và lần này thì họ tìm ra loại cây lương thực (lúa gạo, lúa mì, ngô…) đóng vai trò một nguồn thức ăn cơ bản, dồi dào và không bao giờ “cạn”. Khi lượng thức ăn quá đỗi dư thừa thì lao động nhằm sản xuất ra cái mặc, cái tiện nghi, nghĩa là cái tiêu dùng phi lương thực thực phẩm cũng tăng trưởng theo, làm xuất hiện sự trao đổi sản phẩm một cách phổ biến. Lúc này lối sống định cư đã thực sự ổn định.
Có lẽ vào thời kỳ đầu trồng trọt chăn nuôi, xã hội loài người vẫn nặng tính bầy đàn, quần hôn và miếng ăn dư thừa vẫn “để lại đó”, lưu giữ trong thiên nhiên hoang dã mà hầu như không “mang về nhà”. Đến thời kỳ khan hiếm thức ăn, nạn tranh giành trong nội bộ bầy đàn người mà giờ đây được gọi là “thị tộc” không thể không diễn ra. Để tránh cho thị tộc khỏi sự tiêu vong thì cuộc đấu tranh giành quyền lợi ấy sẽ tự phát dẫn đến thỏa thuận: kẻ thủ lĩnh sẽ giám sát hoặc đứng ra chia chác, phân phối lượng thức ăn “ít ỏi” thu hoạch được cho mọi người trong thị tộc, tương tự như trong nền kinh tế thời chiến ngày nay. Chế độ đó là do tình thế bắt buộc và gây nhiều “hậm hực” chứ chẳng có gì là vui vẻ cả; nhưng cũng tốt chán. Đồng thời với biện pháp phân phối sản phẩm lương thực (trong đó có thể cả chiến lợi phẩm) để giải quyết miếng ăn cho toàn bộ cái xã hội thị tộc - bầy đàn ấy là những cuộc tấn công, chinh phục, xâm lấn các thị tộc - bầy đàn láng giềng. Chế độ công xã thị tộc - được cho là chế độ tốt đẹp nhất thời nguyên thủy vì không có nạn tranh giành - chỉ có thể hình thành và tồn tại trong thời kỳ xuất hiện cây lương thực mà chủ yếu là cây lúa làm cho sự sung túc và dư thừa đến mức không phải “lo lắng” gì và tình trạng đó được duy trì dài lâu. Sản phẩm lương thực sau khi thu hoạch lúc đầu được đem về lưu trữ ở “nhà chung” để cùng ăn, sau này khi đã xuất hiện cấu trúc xã hội với hình thức gia đình (kiểu như tam đại đồng đường), có nhà riêng thì chia chác đem về ăn riêng. Cuối cùng thì không cần phải chia chác sản phẩm lương thực nữa mà chia chác đất đai trồng trọt (hoặc tự lựa chọn vì đất đai trồng trọt còn quá dư thừa) để làm riêng, ăn riêng. Thời đó, chẳng ai tranh đoạt của ai làm gì cái mà không cần tranh đoạt cũng có “đầy nhà mình” hoặc nếu cần thì xin ai cũng cho. Chẳng ai tranh đoạt không khí làm gì dù nó tối cần thiết cho sự sống con người!

Ngày 26/2/1860, ba cuộc thảm sát đã được người Mỹ tiến hành gần như đồng thời ở vùng đất Tuluwat của người Wiyot, khiến 200 – 250 người chết. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em

 
Có thể thấy rằng thời đại tồn tại chế độ mà chúng ta vẫn gọi là Công xã nguyên thủy có lịch sử dài lâu vì lượng đất đai trồng trọt vượt trội so với lực lượng sức lao động, cùng với trình độ, sản xuất ngày một nâng cao làm cho tốc độ vận động đến cân bằng của mối tương quan số lượng lương thực - số lượng nhân khẩu bị chậm lại.
Cuộc sống con người dưới chế độ Công xã nguyên thủy thật tươi đẹp và hạnh phúc, có thể là tươi đẹp và hạnh phúc nhất so với mọi chế độ xã hội từ trước đến nay. Chế độ Công xã này tồn tại lần lượt qua hai giai đoạn: Cộng sản nguyên thủy, công hữu về tư liệu sản xuất và tư sản nguyên thủy, tư hữu về tư liệu sản xuất.
Quan niệm trên đây về chế độ Công xã nguyên thủy là trái ngược với quan niệm của triết học Mácxít. Triết học này cho rằng sự công bằng và bình đẳng là “nguyên tắc vàng” của Chế độ công xã nguyên thủy và trở thành như một điều vĩ đại. Điều vĩ đại ấy chỉ xuất hiện trên cơ sở một nền sản xuất thấp kém, khi chưa xuất hiện của cải dư thừa. Hay nói cách khác, điều vĩ đại ấy chỉ xuất hiện và tồn tại trong khuôn khổ “chật hẹp” về trình độ sản xuất, tức là trong mối đe dọa của nguy cơ bị thiếu thốn lương thực và đồ tiêu dùng phi lương thực.
Nói trình độ sản xuất thời đó “chật hẹp” thì cũng đúng nếu so sánh với trình độ sản xuất thời sau đó hoặc thời nay. Song một trình độ sản xuất luôn “đủ rộng” trong thời đại của nó vì nó luôn phù hợp và đáp ứng thỏa đáng trình độ cũng như qui mô tiêu dùng của thời đại đó. Cảm giác thỏa mãn vì sự sung túc, cảm giác về hạnh phúc của con người là tương đối như nhau, dù ở những thời đại khác nhau!
Ph. Ăngghen viết: “Cái vĩ đại mà cũng là cái chật hẹp của tổ chức thị tộc (công xã nguyên thủy) chính là ở chỗ sự thống trị và sự nô dịch không thể tồn tại trong tổ chức đó được”. Câu này không những thiếu minh bạch mà còn sai lầm nữa. Con người đã “biết” tranh giành và gây hấn lẫn nhau từ trước đó rất lâu rồi!


Thiên tai, mất mùa, hiện tượng tăng trưởng lạm phát nhân khẩu, trình độ và qui mô tiêu dùng ngày một tăng cao… và cả chiến tranh xâm lược đã phá vỡ chế độ công xã nguyên thủy. Sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội trở nên sâu sắc làm xuất hiện trở lại sự tranh đoạt quyền lợi mà hình thức tột cùng là đấu tranh vũ trang làm biến đổi xã hội: hình thái kinh tế - xã hội mới, có tính chất phân chia giai cấp, phân tầng thành thống trị và bị trị ra đời mà chế độ đầu tiên chính là chế độ chiếm hữu nô lệ. Có thể nói mọi sự thay đổi quyền lợi giai cấp, thay đổi chế độ xã hội một cách sâu sắc đều được thực hiện thông qua đấu tranh giành quyền lực mà trong lịch sử loài người cho đến nay, chúng ta thấy hầu hết là đấu tranh vũ trang, tức là chiến tranh, tức là phải xâm lược hoặc nội chiến. Nếu chế độ Công xã nguyên thủy ra đời trên cơ sở dồi dào đến dư thừa lương thực, của cải thì trái lại, chế độ Chiếm hữu nô lệ ra đời trên cơ sở thường xuyên thiếu thốn lương thực của cải trong xã hội và phải thông qua chiến tranh.
Chúng ta quay lại câu hỏi: Chiến tranh xuất hiện từ bao giờ?
Qua khảo cổ, người ta đã xác định những dấu vết người giết người có tính cá nhân đã xảy ra trong thời đại Đồ đá cũ (cách nay đã hơn 40 ngàn năm). Nhưng những cuộc giết người có tính tập thể hình như chỉ bắt đầu xảy ra vào thời Đồ đá giữa; khi mà con người đã bước vào lối sống định cư lâu dài. Có thể cho rằng đó là những cuộc chiến tranh có tính sơ khai và có qui mô nhỏ hẹp do dân số còn thưa thớt (theo tính toán của một số chuyên gia thì vào cuối thời kỳ hậu đồ đá cũ, dân số thế giới chỉ có khoảng từ 3 đến 9 triệu người). Thanh lao, ngọn giáo, cung tên không biết xuất hiện vào lúc nào nhưng trong di tích của những cuộc người giết nhau sớm nhất mà khảo cổ phát hiện được, đã thấy có cung tên.
(Còn tiếp)
 ----------------------------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét