Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

KIẾP GIANG HỒ 151

(ĐC sưu tầm trên NET)

Những bí mật về “ông trùm” Năm Cam qua lời kể của người vợ không hôn thú

17/7/2016 06:32 UTC+7

(Công lý) - Cả một đời bôn ba với đủ thứ nghề kiếm sống, nhưng bà Mai Thị Nguyệt những ngày cuối đời lại chịu lui về “ở ẩn”, kiếm sống qua ngày bằng việc “bói bài tây”, tùy tâm khách cho bao nhiêu lấy bấy nhiêu.

Người ta biết đến bà, ngoài cái vẻ đẹp trời phú, một cuộc đời đầy sóng gió, song có lẽ, với “vai trò” người đàn bà đầu tiên được “ông trùm” Năm Cam gọi bằng vợ làm bà nổi tiếng hơn. Nhưng nói về người đàn ông một thời khiến nhiều tên giang hồ khét tiếng phải nể sợ, làm bao người dân hoang mang và từng làm bà đau lòng, bà Nguyệt vẫn rất ân tình: “Dù ông ấy bỏ rơi mẹ con tôi, nhưng tình nghĩa vợ chồng một ngày cũng nên. Những khi ông ấy hoàng kim thì tôi kệ, nhưng bao nhiêu lần gặp nạn là bấy nhiêu lần tôi lo lắng. Cũng chỉ mong, ba của con trai tôi bình yên, để nó được hưởng những gì mà một đứa con cần ở người cha, nhưng có vẻ như mọi cố gắng của tôi đều bất lực trước những việc làm quá phạm pháp từ ông ấy. Dù thế nào, tôi vẫn không bao giờ hận gì ông ấy cả, cái nghiệp ông ấy nó vậy rồi”.
KỲ 1: Từ chối những gia đình danh gia vọng tộc để cưới Năm Cam vì muốn làm tròn đạo hiếu
Với khuôn mặt cá tính, đôi mắt tuy già nhưng vẻ tinh anh vẫn còn y nguyên của thời xuân sắc. Thoạt nhìn, không ai nghĩ bà Mai Thị Nguyệt ngày xưa hiền lành đến độ nhút nhát. Bởi, nhìn bà người ta hình dung ra bà là người phụ nữ xinh đẹp và sắc xảo. Nhưng đó chỉ là cuộc đời tạo nên bà như thế, còn lúc mới lớn, bà cực kỳ nhu mì và có phần nhu nhược. Vậy nên, bà mới nghe lời ba mẹ mà đi lấy “ông trùm” giang hồ Năm Cam, dù thực chất trái tim bà không hề rung động trước gã trai dẻo mép ấy.
Những bí mật về “ông trùm” Năm Cam qua lời kể của người vợ không hôn thú
Bà Nguyệt đang chia sẻ với PV về ký ức.
Nguyện cầu cho chồng cũ thoát án tử
Có lẽ, hầu như người dân cả nước ai đã biết, đọc qua tiểu sử của “ông trùm” giang hồ Trương Văn Cam (tên thường gọi là Năm Cam, ngụ quận 4, TP. HCM), thì ai cũng biết gã giang hồ cộm cán này có nhiều vợ và tình nhân. Trong đó có Trúc “mẫu hậu” là người không những làm vợ, mà là đã đồng hành cùng “ông trùm” Năm Cam trong nhiều công việc phi pháp. Nhưng người dân quận 4, nơi Năm Cam từng sinh sống từ thời chưa “xưng hùng xưng bá” thì người ta nhắc đến bà Mai Thị Nguyệt (SN 1947, ngụ quận 4, TP. HCM- tên thường gọi là Năm Nguyệt) nhiều hơn.
Cũng chẳng vì bà đã từng là hoa khôi một thời, cũng chẳng phải vì bà từng sinh cho Năm Cam một đứa con, mà bà là người đàn bà duy nhất đối đãi tốt với “ông trùm”. Dù bị Năm Cam ruồng bỏ, nhưng hễ Năm Cam bị nạn, là bà có mặt, ngay cả lúc Năm Cam ra tòa, bà Nguyệt đã cắt tóc với lời cầu nguyện “nếu Năm Cam được thoát án tử hình, con sẽ suốt đời cắt tóc ăn chay”.
Nhưng có lẽ, trời có thương bà tới đâu cũng chẳng thể cứu rỗi Năm Cam khi hắn gây quá nhiều tội ác. Điều đặc biệt là khi Năm Cam bị đưa ra pháp trường, mọi bóng hồng được hưởng lộc của Năm Cam đều mất hút, chỉ có người đàn bà Năm Cam rũ bỏ là quỳ gối trước mộ hắn. Những giọt nước mắt của bà dù có chảy bao nhiêu, cũng chẳng gột rửa hết tội lỗi cho người đàn ông từng được bà gọi là chồng.
“Tôi vẫn thương nhưng không thể sống cùng”
Con hẻm nhỏ vào nhà bà Nguyệt chỉ nhỏ đúng lọt một người đi, ở cái hẻm nổi tiếng quận 4 này, ai cũng biết tên “bà Năm Nguyệt bói bài tây vợ cũ Năm Cam”. Chẳng khó khăn gì chúng tôi tìm đến nhà bà, một vài khách đến xem bói mặt vui vẻ khi ra về. Bà nhìn chúng tôi, hồn nhiên hỏi: “Các con ở đâu sao lạ quá ta?”. Chúng tôi giới thiệu về mình, bà hỏi thêm: “Sao ở xa vậy mà biết bà?”. Chúng tôi thành thật bảo, chúng tôi đọc được thông tin bà nhiều trên các trang báo mạng, bà xua tay bảo: “Nhà báo viết còn thiếu nhiều lắm, cuộc đời của tôi còn nhiều cái hay hơn vậy. Nhưng tôi có bản lĩnh riêng của mình, tôi không giống như bà Trúc. Tôi sống bằng cái tâm, bằng cái uy của tôi, chứ chẳng dựa dẫm gì vào Năm Cam hết nha”.
Rồi như được “cởi tấm lòng”, bà Nguyệt hồ hởi kể về thời trẻ của bà. Nhớ lại cái thời “hoàng kim” ấy, bà như nuối tiếc: “Tôi sinh ra trong gia đình gia thế, nhà tôi giàu lắm. Tôi được đi học đàng hoàng, chứ không phải đi gánh nước thuê như bà Trúc. Ngày đó mới 14, 15 gì đó, tôi đã có rất nhiều người đến hỏi lấy làm vợ, nhưng ba tôi chê”.
Bà kể, dù đi học, nhưng cái thời đó con gái đến tuổi 15 đa số phải lấy chồng. Mẹ bà vốn là người đàn bà truyền thống, bà Nguyệt nhắc lại lời mẹ: “Mẹ tôi là người phụ nữ công dung ngôn hạnh, bà thường nói với tôi, con gái lớn phải lấy chồng. Đàn bà, chẳng làm quan làm tướng được, chỉ cần lấy một người chồng tốt là được nương nhờ rồi”.
Những bí mật về “ông trùm” Năm Cam qua lời kể của người vợ không hôn thú
Con hẻm nhỏ vào nhà bà Nguyệt
Ba của bà Nguyệt cũng đồng ý quan điểm với mẹ bà, nhưng lúc có một người đàn ông đẹp trai, giàu có đến nhà hỏi cưới, sau một thời gian tìm hiểu, ba bà Nguyệt bảo: “Cái thằng đó nó cũng được, nhưng con là con gái mới lớn, nó từng bỏ vợ. Mà đàn ông bỏ vợ thì chẳng ra gì đâu, nên ba không gã nó cho con”. Lần khác, có một “thiếu gia” con nhà buôn vải nức tiếng Sài thành lúc bấy giờ đến hỏi làm vợ, ba của bà Nguyệt lại lôi bà vào ngăn cản: “Thằng này nhà nó giàu, nhưng do ba mẹ nó gây dựng lên. Nó mới mười mấy tuổi đầu, mà vũ trường nào cũng biết, con gái nhà ai đẹp cũng từng đến dạm hỏi, thì nó cũng chẳng ra gì. Của cải do mình tạo mới bền, chứ của ba mẹ thì mồm ăn núi lỡ, nên con đừng có ham chi vài cái thứ ấy. Con tuổi còn trẻ, còn xinh đẹp nên chẳng gì phải lo”.
Sau đó, có một chàng trai cũng lớn tuổi, làm thông dịch viên, đến hỏi bà Nguyệt, ba bà cũng không ưng, vì theo ông thì nhìn anh chàng này hào hoa, không thể tin được. Lý giải cho điều này, ba bà Nguyệt phân tích: “Đàn ông mà quần áo bóng bẩy, ăn nói thì ngọt ngào quá, là phụ nữ theo nhiều, sau này con khổ”.
"Không lấy Năm Cam thì ra đường mà ở"
Đó là lời ba của bà Nguyệt, bà Nguyệt dù lúc gặp Năm Cam cũng chẳng ưng. Nhưng suốt ngày ba bà bắt bà phải lấy, khi thấy con gái vẫn cứng đầu, ba bà Nguyệt nói dứt khoát: “Bây giờ tao chỉ ưng mỗi thằng Năm, mày mà không lấy nó, mày ra đường mà ở. Hay sau này mày ưng ai, mày cuốn gói mà theo thằng đó, nhà này không chứa con gái cãi lời ba mẹ”.
Trước những lời quá “đanh thép” của ba, bà Nguyệt lặng lẽ gật đầu về làm vợ Năm Cam.
Kể đến đây, bà Nguyệt cười ha hả: “Ba tôi lạ lắm, người ta sao ổng cũng chê được hết à, nhưng tôi thấy người ta cũng đàng hoàng lắm. Ông không ưa là ông không gả con gái thôi, tôi ngày đó cũng còn nhỏ, nên ba tôi nói sao nghe vậy, chứ có biết yêu đương gì đâu”.
Nhưng bước ngoặt lớn nhất đến với đời bà Nguyệt, đó là vào năm 15 tuổi, anh trai của bà Nguyệt nói với ba: “Ba ơi! Con có thằng bạn, nó tuy nghèo nhưng gia đình hiền lành, lại chỉ có hai chị em. Nó chăm làm ăn lắm, ra chợ buôn bán rồi. Con Nguyệt nhà mình mà lấy nó, thì yên tâm ba ạ, nó ngoan ngoãn và biết sống lắm”. Cũng chính vì lời này, cộng với việc khi gặp ba bà Nguyệt, Năm Cam tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép, nên đã lọt vào mắt xanh “nhạc phụ”.
Bà Nguyệt tâm sự: “Tôi nói cho cô nghe, ngày đó ông Năm đến gặp ba tôi, ổng một dạ hai vâng. Ba tôi vốn gia giáo, chẳng tham giàu mà gả con, chỉ cần ngoan ngoãn và biết làm ăn là ổng ưng. Ba tôi đâu biết, ông Năm ông cô hồn các đảng ngoài đường, chỉ là gặp ông già vợ tương lai, ông muốn gả con gái nên ông mới vậy”.
Thấy Năm Cam hiền lành, ba của bà Nguyệt gật gù ngay. Sau đó, ba bà Nguyệt kêu bà Nguyệt vào bảo: “Cái thằng Năm này tướng tá nó dễ thương, tao nhìn là được lắm. Nó con nhà nghèo nhưng lễ phép, có gia giáo. Thời buổi này mà có người như vậy là hiếm, nên ba quyết định gã con cho nó”.
(Còn nữa)
    Hương Trần

    Bí mật chưa tiết lộ về ông trùm Năm Cam - Kỳ 2: Những tháng ngày nuôi con một mình

    18/7/2016 10:30 UTC+7

    (Công lý) - Khi bước chân về nhà Năm Cam, bà Nguyệt mới biết, chồng mình là một người đàn ông hào hoa. Dù bằng tuổi nhau, nhưng trong mọi chuyện Năm Cam là một người rất từng trải.

    Với bản chất khôn ngoan, Năm Cam cố gắng “xóa hết dấu tích” ăn chơi của mình. Dù vậy bằng sự nhạy cảm của người đàn bà, bà Nguyệt vẫn nhận ra “chân tướng đào hoa” của chồng.
    Xé hình người yêu cũ trong đêm tân hôn
    Dù không hề có tình cảm với Năm Cam, nhưng là người con gái ngoan, lại hiếu thuận nên điều tất yếu là bà Nguyệt phải chấp nhận quyết định của đấng sinh thành. Theo lời bà Nguyệt, lúc đó tuy bằng tuổi bà, nhưng Năm Cam đã có rất nhiều bóng hình đi qua đời mình.
    Nhớ lại chuyện này, bà Nguyệt kể lại kỷ niệm: “Đêm tân hôn, tôi thấy ông Năm đi ra ngoài cổng, làm gì đó tôi không biết. Nhưng sáng ra, ông đi ra ngoài, tôi quét dọn thì thấy mấy tấm hình bị xé nát. Tôi lượm lại, thì đó là hình của các cô gái rất đẹp. Dù còn nhỏ, nhưng linh cảm của người phụ nữ cho tôi biết, đó là tấm hình của mấy người yêu cũ ông. Tôi đưa hết vào nhà, lấy cơm nếp dán lại. Tôi thấy mình lạ lắm, chẳng hề ghen ghét, mà thấy thương những người đàn bà đi qua đời chồng tôi lúc đó. Dù sao cũng từng nói thương yêu nhau, mà lại bị ổng xé hình ổng vứt ngoài đường vậy đó”.
    Bí mật chưa tiết lộ về ông trùm Năm Cam - Kỳ 2: Những tháng ngày nuôi con một mình
    “Trúc mẫu hậu”, vợ sau của Năm Cam từng bị bà Nguyệt sang quậy vì tội nói sai về bà Nguyệt.
    Sau khi dán hình các cô gái lại, thì Năm Cam đi về. Thấy vợ đang dán lại hình, Năm Cam không nói gì mà lặng lặng ra ngoài ngồi. Bà Nguyệt nói: “Tôi cũng chẳng biết ông nghĩ gì, nhưng mà thấy ông im lặng. Tôi cũng là người hiểu chuyện, nên không hỏi thêm câu gì nữa. Lúc đó tôi nghĩ, ông ra đời nhiều, đàn ông thì chuyện có người yêu cũng thường tình”. 
    Cuộc sống vợ chồng của bà Nguyệt những ngày đầu vô cùng hạnh phúc. Trong hồi ức bà Nguyệt, ông Năm là người chồng tuy đào hoa, nhưng rất yêu thương vợ con.
    Bí mật chưa tiết lộ về ông trùm Năm Cam - Kỳ 2: Những tháng ngày nuôi con một mình
    Hùng - con chung của bà Nguyệt với Năm Cam
    Bà Nguyệt kể lại, ngày đó tuy mới 15 tuổi, nhưng cưới nhau về chừng một tháng thì bà Nguyệt dính bầu. Ông Năm nghe tin đó vui lắm, ông chăm bà Nguyệt rất chu đáo. Bà Nguyệt kể lại: “Thấy tôi thèm ăn chua, ông ngày nào cũng mua xoài, mua cóc về cho tôi ăn. Ông còn khuyên tôi nên ăn trái cây để tốt cho sức khỏe 2 mẹ con, trái cây ông lựa toàn loại ngon. Ông còn dặn, chỉ ăn một lần, thừa là vứt đi chứ không bao giờ được ăn lại. Ông đi đâu cũng không đi qua đêm, cứ rảnh là về với vợ. Tôi ở với ông tuy có mấy tháng, nhưng đó là quãng thời gian êm đềm. Dù không phải tình yêu, nhưng dần dần tôi thương ông hơn, bởi ông hết lòng chăm sóc tôi. Điều đặc biệt, dù ra ngoài đời cứ hở chút là ông đánh người ta, hay là sai đàn em hành hung nhiều người. Nhưng với vợ, ông chưa từng một lần nói nặng nhẹ. Tôi tuy bị ông bỏ rơi, nhưng có gì tôi nói đó. Chứ không phải vì ông bỏ rơi mà lại nói chuyện không đúng. Cái gì ông sai ông chịu, nhưng cái tình trong khoảng thời gian sống cùng nhau, tôi vẫn rất trân trọng".
    Chia tay vì đôi bông tai cưới
    Những tưởng cuộc hôn nhân được gia đình sắp đặt ấy, với tình yêu thương và sự ân cần của Năm Cam với bà Nguyệt, làm họ gắn kết với nhau, nhưng không ngờ, sự chia ly của họ là do người thứ ba, không phải người tình Năm Cam, mà là chị gái của Năm Cam.
    Theo lời bà Nguyệt, ngày đó gia đình Năm Cam nghèo, sau khi bà Nguyệt về làm dâu mấy tháng, chị gái Năm Cam có lời mượn của bà Nguyệt đôi bông tai cưới. Nhưng bà Nguyệt nhất quyết không cho, vì theo bà đôi bông tai ấy là kỷ vật thiêng liêng của vợ chồng, nên không thể tùy tiện cho ai mượn.
    Cũng chính vì vậy, mà bà làm mất lòng chị chồng. Sau đó, chị gái Năm Cam bảo với Năm Cam: “Em đem con Nguyệt về nhà nó, gửi ba mẹ nó một thời gian, sau này sinh xong thì lại đưa về”. Nghe lời chị gái, Năm Cam đưa bà Nguyệt về nhà ba mẹ vợ “gửi gắm”. Những tưởng chồng gửi mình đến khi sinh xong thì đưa về, nhưng với bản chất ham chơi và đào hoa của mình, Năm Cam đã “một đi không muốn trở lại”.
    Bà Nguyệt buồn bã nói: “Lúc đầu ông Năm đưa tôi sang nhà ba mẹ ruột, ai cũng nghĩ ổng muốn tôi khi có bầu nên sống ở nhà ba mẹ đẻ cho thoải mái. Ai ngờ, lúc đầu ông chỉ thăm được vài lần, rồi ổng không qua nữa”.
    Mười lăm tuổi, với cái bầu vượt mặt và nỗi đau đớn bị chồng bỏ rơi, lúc đó bà Nguyệt tưởng chừng như chết đi, nhưng nhờ sự yêu thương của bên ngoại, bà đã vượt qua được nỗi đau lớn nhất đời ấy. Và bà đau lòng hơn, khi đứa con chưa kịp chào đời, bà đã nghe Năm Cam được gia đình cưới bà Trúc.
    Kể về “tình địch’ của mình, bà Nguyệt nói: “Bà Trúc hơn tuổi Năm Cam, cũng đẹp gái. Chúng tôi lớn lên cùng khu, nên biết nhau hết. Tôi chẳng oán giận bà ấy, vì như người ta nói, thì chính bà ấy cướp chồng tôi. Nhưng tôi kệ, tôi chỉ nghĩ là chúng tôi không có duyên phận ở bên nhau, là do ông Năm ông ấy lựa chọn, chứ đàn bà chúng tôi thì như nhau cả thôi. Chưa bao giờ tôi nói ai cướp ông ấy của tôi cả”.
    Với tâm niệm như thế, nhưng bà Nguyệt cũng chịu không ít thị phi vì chuyện này. Cả khu quận 4 vẫn nhớ như in, một lần bà Nguyệt đi phăm phăm sang nhà Năm Cam, bà đẩy cửa ra hỏi: “Bà Trúc đâu?”. Bà Trúc thấy bà Nguyệt mặt tức tối, cũng hỏi lại: “Có chuyện gì chị Nguyệt?”. Bà Nguyệt bực tức nói: “Sao bà nói tui là ở nhà theo trai lúc ông Năm đi tù? Rồi bảo tui đi nói với người ta là bà cướp chồng tui? Tui nói cho bà biết nghe, ông Năm bỏ tui chứ tui không bỏ ổng. Thà ổng bỏ của tràn nhà, ổng cung phụng hai mẹ con tui, xong ổng đi tù... tui bỏ ông tui theo trai. Vậy thì ai chửi tui cũng chịu à. Còn đây ổng bỏ tui từ lúc thằng Hùng còn chưa ra đời, ổng bỏ tui ổng đi. Thì tui có làm gái nuôi con cũng chẳng ai trách tui được, mắc mớ chi mà bà đi nói vậy với người ta”.
    Lúc nghe câu đó xong, bà Trúc chối bay chối biến, nhưng khi bà Nguyệt đưa ra nhân chứng, thì con gái bà Trúc đến vuốt ngực bà Nguyệt bảo: “Má ơi! Má bớt nóng, má hai (ý nói bà Trúc) lỡ lời nên nói vậy. Chuyện trong nhà má bỏ qua đi, nói lớn người ta cười”.
    Rồi người con gái này quay qua bà Trúc bảo: “Thôi má đừng nói thêm nữa, chỉ cãi nhau thôi”. Khi được hỏi, thực sự có vụ “đụng độ” đó không, bà Nguyệt gật đầu xác nhận: “Tôi và nó sống cùng khu với nhau, nó nói gì chẳng đến tai tôi. Với ai, bà Trúc là người đáng sợ, nhưng tôi chẳng sợ, tôi không làm gì sai tôi chẳng có gì phải sợ bà ấy cả. Cứ nghe nói trái về tôi, là tôi chạy sang tôi quậy à”. Trước việc “đấu khẩu” vợ cũ, vợ mới, Năm Cam bao giờ cũng “dĩ hòa vi quý” cho xong chuyện.
    Bởi, với việc có quá nhiều vợ và bồ, Năm Cam cũng phải cố gắng dàn xếp, để “hậu phương” khỏi xáo xào. Theo lời bà Nguyệt, thì các con riêng của Năm Cam cũng thương quý bà. Bà nói: “Tôi cả đời chưa từng tranh giành gì với tụi nó cả, tôi cũng dạy thằng Hùng là dù ba mày có núi tiền, mày cũng không được tranh giành. Tiền bạc là phù du, nếu có nó một cách bất chính rồi cũng không giữ được lâu. Tôi có cái nhà nhỏ này, nhưng công sức của tôi nên nó là mãi mãi, còn lấy tiền bất chính thì trước sau nó cũng hết”.
    Con của bà Nguyệt chịu nhiều thiệt thòi hơn
    Đối với Hùng, Năm Cam vẫn có trách nhiệm, nhưng không bằng những đứa con khác. Lúc nhỏ, Hùng có máu của cha mình nên rất ngỗ ngược. Suốt ngày ham chơi, hay đánh nhau và còn hay chôm chỉa lặt vặt. Bà Nguyệt biết được nên thường hay đánh Hùng. Mỗi lần giận mẹ, Hùng đều sang nhà ba ở. Cũng vì lý do này, mà có lần bà Trúc bảo, bà Nguyệt xui con trai sang để nhằm chia tai sản sau này. Nhưng dù được ba nuôi nấng, Hùng với Năm Cam vẫn xung khắc. Trong thời hoàng kim của Năm Cam, Hùng so với những đứa con khác vẫn thiệt thòi hơn nhiều.

    Hương Trần

    Bí mật về ông trùm Năm Cam - Kỳ 3: Quỳ gối khóc xin bà Nguyệt nối lại tình xưa

    23/7/2016 06:55 UTC+7

    (Công lý) - Dù đã nhẫn tâm bỏ vợ để theo bao nhiêu người đàn bà khác, nhưng trong lòng Năm Cam, có một tình cảm sâu sắc luôn dành cho bà Nguyệt.

    Sau những gian truân vào tù ra tội, khi thấy bà Nguyệt chưa kết hôn với ai, Năm Cam đã ngỏ lời muốn quay lại. Nhưng với bản lĩnh của một “người đàn bà thép”, bà Nguyệt đã từ chối và có lúc Năm Cam quỳ gối khóc xin bà nối lại tình xưa.
    Vẫn tham lam muốn níu giữ người cũ
    Dù đã có bà Trúc là vợ danh chính ngôn thuận, thêm 2 bà vợ bé và vô số những người tình, nhưng có lần, khoảng sau 4 năm chia tay nhau, Năm Cam hẹn gặp bà Nguyệt tại một quán cà phê và bảo: “Bây giờ, tôi cũng đã làm ăn tạm được rồi, bà quay về với tôi”.
    Đáp lại lời Năm Cam, bà Nguyệt dứt khoát: “Ông nói sao dễ nghe vậy, ông bỏ tôi đi chung đụng với bao nhiêu đàn bà rồi, ông còn có thể nói lời đó được sao? Tôi đã bị từ bỏ, tôi đau lòng, nhưng không có nghĩa là tôi muốn quay lại, tôi có lòng tự trọng của mình. Tôi nhất quyết tự đi bằng đôi chân, không cần có ông, mẹ con tôi vẫn sống”. Nghe bà Nguyệt nói vậy, Năm Cam liền quỳ sụp xuống xin bà Nguyệt tha thứ, nhưng bà Nguyệt vẫn bước đi mà không ngoái đầu lại.
    Bí mật về ông trùm Năm Cam - Kỳ 3: Quỳ gối khóc xin bà Nguyệt nối lại tình xưa
    Nhan sắc bà Nguyệt thời trẻ
    Nói về cái tính tham lam và ghen tuông của Năm Cam, bà Nguyệt bảo đó là người “ghen vô lối”. Bà Nguyệt kể: “Ông ấy bỏ tôi đi ấy người khác, vậy mà tôi có ai thì ông ấy không chịu. Ngày đó nhà tôi và nhà ông ấy gần nhau, tôi có ai nhìn ngó là ông ấy biết hết”. Với nhan sắc của bà Nguyệt, thì bà cũng có rất nhiều người muốn đến với bà, nhưng lúc đó, bà Nguyệt chán cái thói đàn ông trăng hoa, nên bà quyết tâm rũ bỏ cái vỏ “ngoan hiền” để rồi lao vào những ngày tháng “tăm tối”.
    Sau khi bị Năm Cam bỏ mấy năm, nhờ bên ngoại nên bà Nguyệt nuôi con cũng tạm ổn. Sau đó, bà Nguyệt tụ tập trên dưới mười thanh niên khu vực quận 4, cũng thành lập một băng chuyên đi “nhập nha”, có khi còn đi cướp. Bà Nguyệt kể, dù là đàn bà nhưng bản lĩnh của bà chẳng khác đàn ông.
    Thời đó, dưới trướng của bà có gần chục thanh niên, đa số là nam giới. Tối tối, nhóm của bà rình xem nhà ai sơ hở là vào chôm, nhưng bà luôn dặn đàn em rằng: “Chúng ta đi ăn trộm, không được đâm chém ai. Cũng không được hiếp dâm đàn bà, con gái, chị mà biết đứa nào phạm tội đó chị giết không tha”. Nhưng cũng chưa tin tưởng, mỗi lần sai lính đi “hành động” là bà lại đi theo, để lỡ lính có làm bậy thì bà kịp thời can ngăn.
    Khi chúng tôi hỏi, sao gia đình không ngăn cản khi bà trở nên hư hỏng? Bà Nguyệt trầm ngâm bảo: “Tại lúc đó tôi buồn phiền ông Năm, gia đình tôi thấy hối lỗi. Bắt tôi lấy ông ấy để rồi tôi bất hạnh, nên sau này tôi làm gì gia đình cũng không biết, cũng như không hề cản trở gì tôi hết”.
    Vì gia đình “thả lỏng” nên thời gian đó, bà Nguyệt “coi trời bằng vung”. Cũng chính thời gian này, bà bị một tên giang hồ tranh giành địa bàn, chém bà một nhát trúng mũi. Cái mũi dọc dừa của bà, phải đi thẩm mỹ, nhưng nó vẫn còn đẹp hơn so với nhiều người. Nhưng có một chuyện làm bà thay đổi bản tính xấu, đó là vào một ngày, bà và đệ tử đang đi xe trên đường tìm người đem theo của để cướp. Khi thấy một phụ nữ đi xe máy mang túi xách, bà ép sát giật cái túi. Khi bà giật xong, người phụ nữ này bị ngã mặt đập xuống đất, bà giật mình tỉnh cơn ác. Bà ân hận nói: “Từ hôm đó, tôi thấy mình là kẻ chẳng ra gì. Trước đây, đa số chúng tôi đi trộm, lấy của về thì thôi. Nhưng khi thấy người phụ nữ vì tôi mà gặp nạn, nên tôi quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi, về làm lại cuộc đời”.
    Cũng từ khi “gác kiếm”, bà Nguyệt lại xin vào làm tiếp viên ở các vũ trường. Kể về thời nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của mình, bà Nguyệt không giấu vẻ tự hào: “Ngày tôi ngoài 20 tuổi, tôi đi đâu bọn đàn ông mê đến đó. Mỗi lần các đệ tử tôi bị bắt vào đồn, tôi vào xin gặp đồn trưởng rồi nói chuyện 10 phút là đệ tử tôi được thả ra. Lúc đó, tôi có uy lắm, chẳng có tên trưởng quận nào mà từ chối được tôi”.
    Bà cũng kể, bà có nhiều mối tình, nhưng sau bà gắn bó với một người sau Năm Cam, rồi sống được mấy năm người này với bà không hợp, bây giờ người đàn ông này đã sang Mỹ định cư.
    Lấy đệ tử chồng cũ
    Còn người đàn ông sống với bà 20 năm, cũng là một câu chuyện buồn và dài. Ông này vốn là đệ tử Năm Cam, nhưng đã thầm thương trộm nhớ bà Nguyệt từ lâu. Sau này, khi Năm Cam cứ suốt ngày đòi quay lại, bà Nguyệt bực quá nên lấy đệ tử cho Năm Cam “biết mặt’.
    Sau “cú sốc” đệ tử lấy vợ cũ của mình, Năm Cam trở nên cay cú. Bà Nguyệt nói: “Ngày đó, Năm Cam tức với cái ông chồng sau của tôi lắm, nhưng không biết làm gì. Tôi biết ngay là có ngày Năm Cam sẽ cho người dằn mặt chồng sau của tôi. Bọn tôi có đề phòng, nhưng đâu có đề phòng mãi được. Rồi chồng tôi một hôm đi ra ngoài, bị mấy tên chém bể đầu. Chúng tôi đều biết đó là tay chân Năm Cam, chồng tôi cay cú lắm, cũng muốn trả thù nhưng tôi bảo, nếu ông đâm được mấy tên đó, ông đi tù thì tôi cũng khổ. Ông không đâm được, bị đâm lại thì tôi cũng khổ. Nói đi nói lại, người chịu đau đớn là tôi chứ không phải 2 ông, nên ông nhịn đi cho tôi nhờ. Được cái ông sau này rất thương tôi, nên cũng cố gắng nhịn ông Năm”.
    Sau cái vụ chồng mới bị đánh, bà Nguyệt gặp ông Năm bảo: “Ông nghe tôi nói này, chúng ta dù sống một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng. Không có duyên phận sống hết đời cùng nhau, không coi nhau là bạn được thì ông cứ coi tôi như hàng xóm của ông đi, người hàng xóm tốt của nhau, đừng bao giờ phiền nhiễu đến cuộc sống của nhau nữa. Ông để tôi yên là tôi vui rồi, bây giờ ông mua nhà chuyển đi nơi khác sống, cho tôi được yên chút. Mình không còn gì thì vẫn còn thằng Hùng là con chung, tôi với ông có xích mích gì thì nó buồn. Con đã thiệt thòi nhiều rồi, chỉ mong nó được thấy ba mẹ nó vẫn tôn trọng nhau. Chỉ cần vậy thôi, là tôi chẳng mong gì hơn”.
    Không biết có phải vì chút tình thương còn sót lại với vợ cũ không, mà sau đó Năm Cam mua nhà và chuyển đi khỏi quận 4 sinh sống. Bà Nguyệt thở phào nhẹ nhõm. Nhưng hạnh phúc của bà với người chồng sau cũng không trọn vẹn, khi người chồng sau đã bỏ bà đi sau 20 năm chung sống, vì lý do ông này phạm tội và bỏ trốn biệt tích.
    Nhớ về người chồng cuối cùng, bà Nguyệt tâm sự: “Tuy không có con cùng nhau, nhưng ông ấy là người gắn bó lâu dài nhất với tôi. Tôi có nhiều người đàn ông yêu, cũng có nhiều người muốn lấy tôi làm vợ. Nhưng để hợp thì chỉ có người đàn ông cuối cùng, ông biết nhường nhịn cái tính ương bướng của tôi. Biết chăm sóc, dù không có con cái, nhưng chúng tôi đã sống 20 năm với nhau. Tại ông ấy lỡ đâm người ta, rồi ông ấy trốn biệt. Chẳng thèm liên lạc với tôi lần nào, cứ nghĩ đến là đau lòng”.
    Năm Cam trân trọng và tin tưởng vào bà Nguyệt
    Có một bí mật mà bà Nguyệt chưa tiết lộ cùng ai, đó là việc khi sinh Trương Văn Hùng. Vì muốn chia rẽ Năm Cam với vợ, nên chị gái Năm Cam đã bảo: “Thằng Hùng nó không phải con của em đâu, con Nguyệt nó ăn ở với ai đẻ ra nó”. Nhưng Năm Cam khẳng định “là đàn ông em biết, Nguyệt vẫn còn trinh tiết khi làm vợ em. Cô ấy không thể nằm với ai được, em tin vào điều đó”. Sau này, nghe mọi người nhận xét, thì trong số các con của Năm Cam, Trương Văn Hùng là người giống Năm Cam nhiều nhất.

    Hương Trần
     

    Bí mật về ông trùm Năm Cam - Kỳ cuối: Nghĩa vợ chồng của người đàn bà bị bỏ rơi

    26/7/2016 07:28 UTC+7

    (Công lý) - Dù lấy người đàn ông đầu tiên của cuộc đời mình bởi chữ hiếu, rồi lại bị phũ tình, rồi nhận rất nhiều thị phi từ người đàn ông được gọi là chồng ấy, nhưng bằng cách này hay cách khác, bà Nguyệt lặng lẽ ở bên Năm Cam mỗi lúc ông trùm này gặp hoạn nạn.

    Bởi như lời bà nói: “Dù tôi chỉ sống với ông ấy mấy tháng, nhưng đó là tình nghĩa vợ chồng. Ông ấy là ba của con trai tôi, khi vui hay giàu có, tôi chẳng màng, nhưng ông ấy gặp khó khăn hoạn nạn, nhất định tôi phải ở bên ông ấy, dù ông ấy có cần hay không”.
    Ở bên chồng cũ lúc hoạn nạn
    Ai đã từng quan tâm đến trọng án trùm giang hồ Năm Cam, đều không thể quên được hình ảnh người đàn bà đầu trọc, vẫn luôn theo dõi trong nhiều ngày liền vụ án Năm Cam và đồng bọn. Bà Nguyệt vẫn nhớ như in khuôn mặt chồng cũ trong những ngày đó, bà xót xa nói: “Ông ấy gầy đi hẳn, tóc bạc ra. Tôi nhìn mà xót vô cùng”. Rồi bà lấy tay lau nước mắt. Với bản lĩnh như bà Nguyệt, có lẽ trong lòng đau đớn lắm bà mới chảy được những giọt nước mắt như thế.
    Thật lâu sau, bà mới lấy lại bình tĩnh nói tiếp: “Tôi đến từ sáng sớm, thấy xe Công an đưa ông đi qua, tôi gào lên “ông Năm ơi!" Tôi đau xót khi thấy ông như vậy lắm. Trong xe tù nhìn qua ô cửa nhỏ, tôi vẫn thấy ông Năm gật gật với tôi. Sau đó, nghe con gái ổng vào thăm, ổng có hỏi sao má Nguyệt lại cạo đầu, con gái ổng nói là tôi cạo đầu cầu cho ổng thoát án tử. Nhưng có lẽ thánh thần cũng bất lực trước tội ác của ông, nên tôi không được mãn nguyện”.
    Bà kể, ngoài việc cầu mong cho chồng cũ tai qua nạn khỏi, thì trước đây có những lúc Năm Cam sa cơ thất thế, bà đã giang tay ra giúp đỡ. Nhưng bà cũng chẳng bao giờ tính toán, bà chỉ buồn lòng khi con trai bà và Năm Cam cũng sa ngã vào vòng lao lý vì ma túy.
    Bà tâm sự: “Tôi chỉ có duy nhất thằng Hùng, ngày nhỏ nó ba trợn ba trạo, tôi điên tôi la mắng cho thành người. Nó cậy ba nó cũng giang hồ, nó sang bên nhà ba nó ở. Tôi đành bất lực. Sau này nó lấy vợ, gia đình cũng toàn dân dính dáng đến ma túy. Nó bây giờ đã 54 tuổi rồi, có 2 đứa con, 1 trai 1 gái. Con nó đẹp như ca sỹ, con gái cũng đẹp lắm. Nhưng con gái nó cũng đang đi tù vì dính đến ma túy. Tôi cũng đau lòng lắm, nói hoài mà tụi nó không nghe, cái phúc phận mỏng nó vậy…”.
    Bí mật về ông trùm Năm Cam - Kỳ cuối: Nghĩa vợ chồng của người đàn bà bị bỏ rơi
    Hiện nay bà vẫn thờ Năm Cam một cách trân trọng.
    Bà lặng lẽ nhìn lên những tấm hình gia đình được bà treo trân trọng trong ngôi nhà mỏng, với chiều dài 10 mét và chiều ngang 1,8 mét. Bà nói, ngôi nhà Hùng ở là do Năm Cam mua cho, còn ngôi nhà bà đang ở là do tự tay bà mua. Trước đây, lúc còn thời hoàng kim, thấy bà sửa nhà nên Năm Cam cho bà tiền xây nhà.
    Bà trần tình: “Nói gì thì cũng nói cho đúng cái lương tâm mình, tôi không nhớ năm nào, ông Năm có cho tôi tiền sửa nhà một lần, nhưng ngôi nhà đó tôi bán rồi. Còn ngôi nhà này là tự tay tôi mua, bây giờ thằng Hùng nó ra tù, nó về ở với tôi. Nó quyết tâm ăn chay trường để rời xa thế tục, không còn sân si nhiều nữa. Tôi cũng mong nó sớm tỉnh ngộ, để yên lòng tôi lúc tuổi già”.
    Cũng theo lời bà Nguyệt, thì bà muốn Hùng ở nhà với bà, chứ không ở nhà bên vợ, vì sợ khu bên đó có nhiều người buôn bán ma túy, sẽ làm Hùng không có quyết tâm cai nghiện.
    Đã từng nhiều lần cảnh báo với Năm Cam về “đại hạn”
    Bây giờ, bà Nguyệt chủ yếu sống bằng nghề bói bài tây. Nói đúng hơn, là bà cũng đã biết bói bài tây từ năm 23 tuổi, nhưng bà Nguyệt bảo: “Tôi bói cho vui, chứ cũng chẳng lấy nghề này để kiếm tiền. Nhưng đến tuổi già, ai nhờ thì tôi coi, họ cho đồng nào tôi lấy đồng đó, chứ cũng chẳng đòi hỏi gì, cũng chẳng gọi đây là nghề nghiệp của mình”.
    Bí mật về ông trùm Năm Cam - Kỳ cuối: Nghĩa vợ chồng của người đàn bà bị bỏ rơi
    Những ngày cuối đời, bà Nguyệt tìm niềm vui bằng nghề bói bài tây.
    Khi được hỏi, sao bà nói bà bói được bài tây mà lại để số phận bà bi kịch đến vậy. Bà cười nói: “Tôi vì biết xem nên mới tránh được nhiều tai ương rồi đó, chứ cái số tôi còn khổ hơn nữa. Ai cũng có một phận số, nhưng biết trước thì né được nhiều tai ương hơn”.
    Bà cũng kể thêm, đã nhiều lần bà báo trước với Năm Cam rằng, số của Năm Cam sẽ có đại họa lớn, nhưng Năm Cam không nghe. Bà buồn bã nói: “Lần ông ấy đi tù, tôi cũng nhờ người bảo là ông ấy cẩn thận. Nhưng ông ấy coi lờ lời của tôi, lần cuối cùng tôi bảo với thằng Hùng, sang bảo với ba mày, ba mày sắp có đại hạn, nhưng ông ấy chỉ cười. Cuối cùng thì là ông ấy bị bắt, đau đớn hơn còn nhận cả án tử, tôi nói ông đâu có nghe”.
    Bà Nguyệt cũng tâm sự, ông Năm Cam khi khai với Công an, toàn nói chỉ có hai bà vợ, chẳng bao giờ công nhận bà là vợ. Nhưng Công an vẫn đến điều tra bà, hỏi bà xem ông Năm Cam có cho bà gì không. Bà nói: “Ổng không công nhận mà người ta biết hết, tôi cũng chẳng hận gì ông cả. Vẫn cứ ngày đêm cầu mong ông tai qua nạn khỏi”.
    Ngày Năm Cam ra pháp trường xử bắn, bà Nguyệt lặn lội đến. Hôm đó tuyệt nhiên không có bất cứ “bóng hồng” nào từng được Năm Cam yêu thương và sủng ái đến thăm. Sau khi Năm Cam chết đi, người ta đồn rằng, thực ra Năm Cam vẫn chưa chết, chúng tôi hỏi bà Nguyệt về chi tiết này, bà Nguyệt lắc đầu bảo: “Bọn giang hồ nó đồn đại vậy, chứ chính mắt tôi thấy ổng bị xử bắn. Đất nước mình nghiêm minh, chứ đâu phải này kia mà làm được điều trái luân thường đạo lý. Ông ấy bây giờ đã ở dưới suối vàng rồi, chứ đâu mà còn sống nữa”.
    Nhưng điều bà Nguyệt thấy đau lòng hơn cả, là lúc Năm Cam chết, bà đã không thể làm gì để cái xác Năm Cam được thay bằng áo bình thường. Nghẹn ngào, bà Nguyệt nói: “Dù thế nào, tôi cũng thương ông ấy phải mặc áo tù đến khi về với đất. Tôi chỉ muốn đào trộm cái mộ lên, thay cho ông ấy bộ quần áo thường. Nhưng tôi không thể làm được, nên đành để ông ấy vậy…”.
    Điều bà Nguyệt còn có thể làm được, là việc bà đưa di ảnh Năm Cam về nhà thờ cúng. Suốt bao nhiêu năm qua, bà vẫn đặt Năm Cam trân trọng trên bàn thờ, cùng gia tiên của nhà bà. Đến ngày giỗ, bà vẫn mua hoa quả về thắp hương.
    Bà thường nói với Hùng rằng: “Dù ba con có thế nào, con cũng phải yêu thương ông ấy. Con không được tranh giành tài sản của nhà ông ấy, không được cãi nhau với anh em, dù là anh em cùng cha khác mẹ. Bởi, ba con đã về suối vàng, cả đời vì tiền bạc mà chịu tội, các anh chị em con cũng là máu mủ ruột rà. Dù thế nào, ba con có còn tài sản hay đã hết, con cũng không đòi hỏi. Đừng vì tiền mà đổ máu, đó là điều chẳng bao giờ má muốn”.
    Đó là lời của người đàn bà trải qua quá nhiều biến cố, dù thời tuổi trẻ bà cũng từng nông nổi, từng mắc sai lầm. Nhưng bà đã sớm tỉnh ngộ, sớm nhận ra những giá trị thực của cuộc sống không chỉ là tiền, mà còn nhiều thứ ân nghĩa khác như tấm lòng của những con người dành cho nhau, mà không phải tiền nào cũng mua được.
    Có rất nhiều con nuôi hiếu thuận
    Theo lời bà Nguyệt, Hùng chưa làm được gì nhiều cho bà, nhưng nhờ duyên phật phù hộ, bà có rất nhiều người xin làm con nuôi, trong đó có hai con gái nuôi hiện định cư ở Mỹ.
    Hai người này gửi tiền về xây mộ cho bà. Bà cười nói: “Nó lo khi tôi nằm xuống tôi không biết cái mộ của tôi có trúng ý tôi không nên nó gửi tiền về, nói tôi về quê tôi ở Bến Tre, xây một cái mộ trước, sau này chết thì cứ việc con cháu đưa về. Tôi may mắn, có những đứa con nuôi cực kỳ thương tôi, âu đó cũng là cái phước phần mà tôi tích đức được”.

    Hương Trần

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét