Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

CẢNH ĐỜI ĐEN BẠC 2

Sau 30 năm đổi mới, hiện đang có những dự án ngàn tỷ vĩ đại, mà lại có cảnh này, thì không biết đất nước định hướng đến đâu!? Đến...Ấn Độ chắc?

---------------------------------------------------------
(ĐC sưu tầm trên NET)

Chết rồi còn phải “chạy rong”

Đăng ngày
GNsP – Tôi lặng người rất lâu trước bức ảnh người đàn ông chở một thi thể người bó chiếu trên một chiếc xe honda cũ.
14341343_1129037753839194_415427365_n
Bức ảnh không hề cho thấy gương mặt của hai nhân vật chính nhưng chưa bao giờ tôi cảm nhận được có sự thống khổ nào vượt trên cảnh tượng đã diễn ra trong bức ảnh.
Tôi đã từng nghe câu “nghèo đến nỗi chết phải bó chiếu” nhưng kỳ thực đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy. Người chết được bó chiếu đặt sau xe và được giữ chặt bằng những sợi dây thun màu đen tựa như cột một con heo, con gà, hay một món hàng. Không hơn. Không kém.
Đôi chân người chết xỏ đôi dép nhựa thò ra ngoài. Trơ vơ! Chông chênh! Nhưng chính nhờ đôi chân này mà mọi người biết đó là một CON NGƯỜI , Trời ạ!
Người chết thì không còn cảm giác gì. Chết là vĩnh viễn xa rời kiếp nhân sinh nhọc nhằn khổ lụy. Nhưng hẳn là người đàn ông phải nuốt ngược nướt mắt vào lòng khi phải đưa xác người thân trở về trong một hoàn cảnh khốn cùng như không thể khốn cùng hơn.
Thuở còn đi học, tôi đã rất xúc động khi đọc đoạn văn nói về cái chết của lão Hạc của tác giả Nam Cao. Lão Hạc chết rất đau đớn. Lão Hạc sống một đời nghèo khó cơ cực lại còn đau ốm. Lão ăn củ chuối, ăn sung muối cho qua ngày nhưng rồi cũng chẳng còn cái gì để ăn. Lão Hạc có một mảnh vườn nhưng lão không muốn bán vì muốn để dành cho đứa con trai sau này còn lấy vợ. Do vậy mà lão phải chọn cái chết. Lão đã ăn bả chó để tự giải thoát kiếp sống nghèo . “ Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội” là đoạn văn đã gây nhiều xúc động nặng nề trong lòng tôi.
Rồi tôi được nghe các cô giáo dạy Văn cũng như các nhà phê bình văn học thời đó phân tích rằng trong chế độ nửa thực dân nửa phong kiến cũ, cuộc sống của người nông dân cơ cực, bế tắc và đen tối. Sở dĩ như thế là vì lúc đó họ chưa có ánh sáng của Đảng Cộng Sản dẫn đường , rằng thì cuộc sống của họ sẽ khởi sắc, sẽ ấm no hạnh phúc từ sau Cách Mạng Tháng Tám thành công.
“Bây giờ tình mới tỏ tình”
Theo một bản tin được đăng trên báo An ninh thủ đô vào ngày 23-01-2016 cho biết “phát biểu tại phiên thảo luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nêu lên những thực trạng đáng buồn về đời sống người nông dân Việt Nam khi hiện nay, thu nhập ngày càng giảm; lao động trẻ muốn thoát ly nông thôn, nguồn gốc nông dân; khoa học kỹ thuật còn cách xa ruộng, vườn…”
Do việc quản lý yếu kém của nhà nước nên người nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, đồng thời họ không được quyền “định giá nông sản” là những vấn nạn mà người nông dân thường xuyên phải đối mặt. Ngoài ra, họ còn phải chịu nạn sưu thuế chẳng khác gì thời của anh Pha, chị Dậu vì “ ngoài việc chịu “thuế lạm phát” hàng năm ở mức hai con số, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực”. (1)
Còn đó nỗi đau đáu về cuộc sống của người nông dân Việt nam, đặc biệt nếu họ thuộc nông dân vùng núi, vùng sâu vùng xa như Sơn La thì nỗi cơ cực càng bội phần. Do vậy, việc phải bó chiếu đưa thi thể người thân về nhà bằng xe máy là điều không khó hiểu.
Bức ảnh đầy thương tâm trên được lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông. Có rất nhiều lời bình tỏ ý xót thương, cũng có những lời trách móc bệnh viện …Thế nhưng theo thiển ý của tôi, có lẽ chúng ta chưa chạm thấu cái cốt lõi của vấn đề …
Điều tôi muốn nói là nếu như ngày trước tôi được dạy rằng sở dĩ đời sống của người nông dân Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung dưới thời thực dân nửa phong kiến phải chịu đựng nhiều bất công, đói khổ là do sự thống trị của bọn cường hào ác bá , thì giờ đây , chúng ta phải nhìn thấy cái cơ chế nào, cái đường lối lãnh đạo nào khiến cuộc sống người dân từ lúc sống cho đến khi chết không hơn gì một con súc vật ?
Tôi xin…tôi tha thiết xin những Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan…của thời đại hãy nói, hãy viết về những gì mình thấy, mình cảm nhận để không hổ mặt với các bậc tiền nhân – những người đã dám “ đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” để cuộc sống này được tốt hơn , người dân được ấm no hạnh phúc.
Và để đừng có thêm một đôi chân lạnh cứng còn nào phải “chạy rong” giữa cõi trần ai trước khi về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Điền Phương Thảo

Chồng nghèo vác xác vợ đi bộ 12 km vì không đủ tiền thuê xe

Một người đàn ông Ấn Độ đã vác xác vợ từ bệnh viện về quê vì không còn lựa chọn nào khác sau khi nài nỉ bệnh viện cung cấp xe cứu thương không thành.

chong-ngheo-vac-xac-vo-di-bo-12-km-vi-khong-du-tien-thue-xe
Người đàn ông Ấn Độ cùng con gái vừa đi vừa khóc, vác xác vợ về nhà. Ảnh: BBC
Theo BBC, Amang, vợ của Dana Majhi, 42 tuổi, chết vì bệnh lao trong bệnh viện thị trấn Bhawanipatna, huyện Kalahandi, bang Orissa, miền đông Ấn Độ đêm 20/8. Majhi cho biết nhà mình cách bệnh viện 60 km và anh không đủ tiền thuê xe.
Majhi than phiền đã nài nỉ bệnh viện cho xe đưa xác vợ về quê, nhưng bị từ chối.
Bệnh viện phủ nhận cáo buộc này. "Người phụ nữ nhập viện hôm thứ ba và mất trong đêm cùng ngày. Chồng bà ta đưa xác vợ đi mà không hề thông báo cho nhân viên bệnh viện", một lãnh đạo bệnh viện nói.
Majhi lại cho biết sáng 21/8 anh phải quấn xác vợ vào chăn và đi bộ về quê, sau khi nhân viên bệnh viện liên tục yêu cầu anh bỏ xác lại.
"Tôi cứ năn nỉ họ cho xe đưa xác vợ về nhà nhưng vô ích. Vì tôi là người nghèo và không đủ tiền thuê xe, nên không còn lựa chọn nào khác là tự mang xác vợ về", anh nói.
Anh và cô con gái 12 tuổi, Chaula, vừa đi vừa khóc trên đường về làng. Khi đi bộ được khoảng 12 km, một số người đi đường đã can thiệp và một xe cứu thương được điều đến. Lễ hỏa táng diễn ra vào tối 21/8.
Brunda D, lãnh đạo huyện Kalahandi cho biết, bà đã điều một chiếc xe cứu thương để chuyển thi thể Amang về làng ngay khi được thông báo.
"Tôi đã yêu cầu quan chức sở tại cấp 30 USD cho gia đình. Số tiền này thuộc quỹ trợ cấp hỏa táng cho người nghèo của chính phủ. Ngoài ra, gia đình cũng nhận được 150 USD từ hội Chữ thập Đỏ nữa", bà cho biết.

Hồng Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét