Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

CHUYỆN VỤ ÁN 64

(ĐC sưu tầm trên NET)


Huyền Thoại Harold Freddy Shipman (hay The Dr. Death, The Dr.Morphine, The Dr Killer , Bác sĩ Tử Thần, Bác Sĩ Sát Nhân, Bác Sĩ Móc - Phin)

Dự đoán về số nạn nhân của Shipman liên tục thay đổi. Cũng như nỗi kinh hoàng của người dân Anh, danh sách này cứ ngày càng tăng lên. Hiện nay, người ta cho rằng có khoảng 236 người đã bị giết. Tuy nhiên, có lẽ chỉ một mình Shipman biết được con số đích thực. Hiện nay, theo phán quyết của toà án tối cao hồi đầu năm 2000, kẻ giết người hàng loạt này đang thụ án tù chung thân, với tội danh sát hại 15 bệnh nhân.




Harold Freddy Shipman thường được gọi thân mật là Fred hoặc Freddy, ra đời ngày 14.6.1946 trong một gia đình lao động ở nước Anh. Thuở nhở Harold không giống các đứa trẻ khác dưới ảnh hưởng của mẹ Vera. Vera quyết định mọi điều: Harold được chơi với những trẻ nào, chơi vào lúc nào. Và bằng mọi cách chị ta làm Harold phải khác hẳn mọi đứa trẻ: quần áo phải tươm tất, cổ phải đeo cà vạt trong khi Pauline, chị nó lớn hơn 7 tuổi và thằng em Clive kém 4 tuổi chỉ ăn mặc tuềnh toàng.

Vì thế Harold cũng tự coi mình hơn hẳn mọi đứa trẻ khác. Ở bậc tiểu học, Harold khá xuất sắc nhưng khi lên trung học thành tích lại tồi. Tuy vậy Harold vẫn ra sức cày để được vào học trường y. Trong trường, Harold chỉ hòa nhập được với các bạn trong đội bóng đá và chạy thi, ngoài ra không chơi với ai khác. Ngoài lý do coi khinh bạn học còn vì một lý do khác: Harold phải lo chăm sóc mẹ đang ở vào giai đoạn cuối căn bệnh ung thư. Ngày nào cũng vậy, tan học là Harold cắm đầu chạy vội về nhà, bưng cho mẹ chén trà nóng rồi ngồi trò chuyện với mẹ về tình hình học tập.

Những ngày ngồi bên người mẹ hấp hối để lại dấu ấn sâu đậm trong đầu Harold, chi phối mạnh mẽ hành vi của kẻ sau này sẽ hành nghề bác sĩ gia đình. Hồi đó chưa có máy tiêm thuốc gây mê tự động nên trong những ngày cuối cuộc đời bị căn bệnh hành hạ dữ dội, Vera phải gọi bác sĩ gia đình đến giúp. Harold vô cùng kinh ngạc khi thấy mẹ đang quằn quại vì cơn đau khủng khiếp và đột nhiên dịu hẳn khi được bác sĩ tiêm mũi morphine. Cứ như vậy cho đến ngày 21.6.1963, mẹ Harold qua đời.

Cái chết ấy để lại trong Harold một hình ảnh không bao giờ phai mờ: tách nước trà trên bàn đầu giường, nét mặt đang nhăn nhó méo xệch vì đau bỗng dịu hẳng sau mũi tiêm morphine. Hình ảnh ghi nhận hồi 17 tuổi sau này sẽ được Harold tái tạo hàng mấy trăm lần khi đã trở thành bác sĩ. 





Hai năm sau khi người mẹ qua đời, Harold thi đỗ vào Đại học Leeds. Cuộc thi tuyển là một cuộc chiến cam go đối với Harold. Tuy tự cho mình cao thủ hơn mọi người nhưng anh chàng phải thi lại lần thứ hai. Sau những năm miệt mài học tập, cuối cùng Harold cũng kiếm đủ số điểm tốt nghiệp và vào thực tập trong bệnh viện.

Năm 19 tuổi, Harold gặp Primrose, kém anh ta ba tuổi, hai người làm đám cưới khi cô gái vừa tròn 17 và đang mang bầu 5 tháng.

Năm 1974, hai vợ chồng đã có hai con, Harold vào làm cho một bệnh viện tư ở Todmorde, vùng Yorshire phía Bắc nước Anh. Ở thời điểm này Harold dường như đã lột xác, giao du rộng rãi, được các bệnh nhân và đồng nghiệp kính trọng. Đồng thời, nhiều người cũng nhận thấy ở bác sĩ trẻ tuổi này một khía cạnh khác. Họ thấy anh ta thô bạo, hay gây gổ với nhiều người làm họ cảm thấy bị hạ nhục. Nhưng do rất nhiệt tình, chịu khó làm việc không kể ngày đêm nên Harold được tập thể tín nhiệm.

Ít lâu sau sự nghiệp của Harold ở Tormoden bắt đầu trục trặc, năng suất giảm sút, hiệu quả thất thường. Cấp trên sửng sốt khi nghe Harold trình bày anh ta bị chứng động kinh. Thực ra bệnh này do anh ta bịa ra để che giấu sự thực.

Tất nhiên sự thực sớm muộn cũng bị phanh phui. Chị Marjorie Walker khi kiểm tra sổ ghi mua chất gây nghiện ở một cửa hàng dược đã phát hiện Harold kê đơn cho quá nhiều bệnh nhân sử dụng chất pethidine với số lượng lớn và liên tiếp nhiều lần. Pethidine là chất giảm đau như morphine, trước đây được coi là không gây nghiện, nhưng 60 năm sau khi các nhà khoa học tổng hợp được chất này, nó có gây nghiện hay không vẫn đang là đề tài tranh luận chưa phân thắng bại.

Sau khi phát hiện Harold lạm dụng chất pethidine, cuộc điều tra được tiến hành dưới sự chỉ đạo của bác sĩ John Dacre. Ông tá hỏa khi thấy nhiều bệnh nhân không cần tới thứ thuốc đó cũng được Harold kê đơn, thuốc không đến tay họ mà lại… chảy vào trong tĩnh mạch Harold.

Trước hội đồng kỷ luật, Harold nhận tội lạm dụng chất pethidine, xin được có cơ hội chuộc lỗi nhưng không được chấp nhận. Harold bị đuổi việc, năm 1975 bị buộc phải vào trại cai nghiện. 2 năm sau, do những tội liên quan đến ma túy, kê đơn giả, Harold bị phạt tiền. 





Rất tự tin và khéo múa mép nên Harold lại được nhận vào làm bác sĩ tổng hợp tại bệnh viện Donnybrook ở Hyde phía Bắc nước Anh sau khi ra trại.

Harold làm việc rất tận tụy, có tinh thần tập thể cao, được đồng nghiệp kính trọng, bệnh nhân tuyệt đối tin cậy. Tuy nhiên Harold đã bí mật thủ tiêu nhiều mạng người và chắc sẽ còn giết thêm nhiều người khác nếu không bị người phụ nữ kiên quyết và thông minh Angela Woodruff vạch mặt. Nhờ chị quyết tâm xé bằng được bức màn bí ẩn bao quanh Harold nên ngày 31.1.2000, thẩm phán tòa Preston Crown mới có cơ sở buộc tội hắn giết 15 bệnh nhân và làm giả di chúc của mẹ chị Angela, bà Katherine Grundy.

Angela không phải người đầu tiên đánh dấu hỏi về Harold. Trước đó Allan Massey, chủ nhà đòn cũng đã lấy làm lạ khi thấy các bệnh nhân của bác sĩ Harold theo nhau chết dồn dập, khi tới lo việc chôn cất anh thấy người nào cũng giống người nào, tuy người ngồi ghế, người nằm trên tràng kỷ nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ trang phục tề chỉnh chứ không mặc quần áo người bệnh. Trong nhà cũng không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ người đó mang bệnh. Có vẻ như người đó bất thình lình chết ngay tại chỗ khi đang ngồi hoặc đang nằm. Chủ nhà đòn Allan cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Anh tới gặp Harold, nhờ khám bệnh.


Thấy không có gì mờ ám, Allan cho qua không tìm hiểu sâu thêm. Nhưng Debbie con gái anh chưa yên tâm. Cô nhờ bác sĩ Suzan Booth tiếp tay. Luật nước Anh quy định phải có một bác sĩ độc lập xác nhận thì giấy phép hỏa táng của bác sĩ điều trị mới có hiệu lực. Bác sĩ độc lập làm việc này được thù lao một khoản họ gọi đùa là “tiền được ra tro”. Khi nghe Debbie nói có điều đáng nghi, nữ bác sĩ Booth tới nhà đòn quan sát một xác chết đang chờ mang đi hỏa táng.

Booth nói điều đó với các đồng nghiệp, bác sĩ Linda – một người trong số đồng nghiệp liền báo cảnh sát. Cảnh sát bí mật tìm đọc các hồ sơ bệnh án và thấy phác đồ điều trị của Harold, nguyên nhân tử vong của người bệnh đều hợp lý. Họ không biết Harold đã viết lại bệnh án sau khi giết chết bệnh nhân. Cuộc điều tra hời hợt đã bỏ qua việc tra cứu các hồ sơ về tiền án tiền sự của Harold trong hồ sơ lưu trữ của Đoàn Bác sĩ ghi rõ quá khứ sử dụng ma túy, làm giả đơn thuốc của hắn ta. 





Cảnh sát phạm nhiều sai sót tới mức bỏ lọt tên can phạm, cô Angela tuy không phải là thám tử nhưng sẽ là người lột trần chân tướng hắn.

Ngày 24.6.1998, Kathleen Grundy 81 tuổi, nguyên thị trưởng thành phố Hyde, một người tuy tuổi cao nhưng rất giàu có, khỏe mạnh và rất năng động trong công việc từ thiện bỗng nhiên đột tử. Tin này làm dân thành phố choáng váng.

Cái chết được phát hiện khi mọi người không thấy bà tới câu lạc bộ Chăm sóc Tuổi già, nơi bà tài trợ việc cung cấp bữa ăn cho người già cơ nhỡ. Lâu nay bà vẫn tới đây rất đều đặn, đúng giờ nên các bạn nghi đã xảy ra chuyện bất thường.

Khi tới nhà, họ thấy bà Grundy nằm trên tràng kỷ, trang phục đàng hoàng và không còn thở nữa. Harold đã tới đây trước đó vài giờ, với lý do “lấy máu bà Grundy để nghiên cứu về hiện tượng lão hóa”. Harold là người cuối cùng trông thấy bà còn sống. Harold xác nhận bà Grundy đã chết. Tin dữ được báo ngay cho Angela Woodruff con gái bà. Cô tới và được bác sĩ Harold cho biết không cần khám nghiệm nữa, vì bác sĩ vừa khám vài giờ trước khi mẹ cô chết.

Sau khi mai táng mẹ, Angela trở về nhà, nhận cú điện thoại của các luật sư báo tin họ có trong tay bản sao di chúc của bà Grundy. Bản thân Angela cũng là luật sư, văn phòng của cô lâu nay vẫn giữ bản chính tờ di chúc của Grundy gửi từ năm 1986. Khi đọc bản sao, cô thấy ngay là văn bản giả mạo, đánh máy cẩu thả, dùng từ không chính xác, đã thế Kathleen Grundy lại ghi “bác sĩ Harold Shipman được thụ hưởng 386.000 bảng Anh của tôi để lại”.

Angela nghi Harold đã giết mẹ cô để chiếm tài sản. Cô tới gặp cảnh sát nói rõ đầu đuôi.
Để thu thập bằng chứng đích xác nhận Kathleen Grundy bị giết hại, cảnh sát được cấp phép khai quật mộ bà cụ, lấy mẫu tóc và quần áo để làm các xét nghiệm. Cảnh sát còn cho rằng phải khám nhà Harold ngay trong khi đang khai quật mộ, như vậy nghi có thể sẽ không kịp hủy hoặc cất giấu các tang vật.

Harold nghe lệnh khám nhà với vẻ mặt trâng tráo, khinh thường. Hắn vẫn tự cho mình là thông minh, sắc sảo hơn người. Cảnh sát thu được nhiều hồ sơ bệnh án, đồ nữ trang. Họ chú trọng tìm tang vật mấu chốt trong vụ án này là chiếc máy chữ đã được dùng để đánh máy bản di chúc. Harold đưa ra chiếc Brother cũ và khai bà Grundy đã đôi ba lần mượn về nhà. Đọc bản báo cáo về nguyên nhân cái chết của bà Grundy do nhà độc học Julie Evans cung cấp, trưởng nhóm điều tra Postle sửng sốt, lượng morphine quá cao trong cơ thể đã làm nạn nhân chết sau khi tiếp nhận ba giờ. 





Từ cái chết của bà cụ Grundy, các điều tra viên đã mở rộng vụ án. Công việc của họ không dễ dàng, vì bao giờ Harold cũng khuyên người nhà không cần khám nghiệm gì nữa vì nguyên nhân tử vong đã rõ ràng và nên thiêu xác. Số đông thân nhân đều không thắc mắc gì khi thấy trên máy tính của Harold ghi đầy đủ diễn biến căn bệnh, cách điều trị, lý do bệnh nhân không qua khỏi. Họ không biết rằng sau khi giết bệnh nhân Harold đều sửa lại bệnh án.

Hắn không biết rằng các thay đổi gian dối hắn đưa vào bệnh án đều được máy tính ghi lại trên ổ đĩa cứng. Cuộc thẩm vấn của chuyên viên máy tinh xung quanh cái chết của một nạn nhân cho thấy Harold tuy vỗ ngực mình thông minh tài giỏi nhưng lại không biết tính năng đó của máy tính.

Ngày 5.10.1999 tòa mở phiên xét xử bị cáo tại thành phố Prston, Lancashire. Theo công tố viên Henriques: “Tất cả các nạn nhân, kể cả những người đã hỏa thiêu và những người đã mai táng đều không cần được điều trị bằng morphine hay diamorphine (tên gọi khác của heroin). Họ đều chết một cách đột ngột khi bác sĩ Harold có mặt trong nhà họ”. Ông bác bỏ khả năng đây là “những cái chết nhẹ nhàng euthanasia” vì không bệnh nhân nào mắc bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối. Ông buộc tội Harold đã giết 15 bệnh nhân vì “muốn thực hiện quyền kiểm soát cái sống và cái chết, không bở lỡ cơ hội khi thấy có dịp thay đổi sự sống của con người theo ý thích quái gở của bị cáo”.

Nhân chứng đầu tiên là Angela con gái bà Kathleen Grundy. Chị khẳng định bà mẹ 81 tuổi đang còn rất khỏe mạnh, vẫn thường đi bộ năm dặm rất nhanh nhẹn. Chị cũng cả quyết bản di chúc để lại tài sản cho Harold là giả mạo. Chị đưa ra cuốn nhật ký của người mẹ trong đó mọi sự kiện quan trọng đều được bà ghi lại tỉ mỉ, chữ rất đẹp.

Về những dấu vân tay trên bản di chúc, bác sĩ John cho biết đó là dấu tay của hai người làm chứng và của Harold, không có dấu tay của bà Grundy, chứng tỏ không phải bà là người viết tờ di chúc này. Chuyên gia về chữ viết Michael Allen khẳng định chữ ký trên di chúc là giả mạo. Sau đó chuyên viên máy tính Ashley lên khai Harold đã sửa các bệnh án ghi trong máy tính, gán cho bệnh nhân những bệnh gây chết người mà họ không hề mắc.
Sau đó nhiều nhân chứng lên khai về những cái chết bất thường của người thân, khi xảy ra đều có mặt bác sĩ Harold. 





Nữ luật sư Davies bào chữa cho Harold luôn mô tả thân chủ của mình thành một vị bác sĩ già đáng kính, tận tâm với người bệnh, có cuộc sống gia đình đầm ấm với người vợ Primrose và bốn đứa con. Luật sư tranh cãi quyết liệt với bên công tố và có lúc đã suýt thắng thế khi chất vấn chuyên viên xét nghiệm về giá trị các test tìm morphine trên cơ thể nạn nhân.

Ý đồ của luật sư rất rõ: nếu chứng minh lượng ma túy vào cơ thể không phải do một lần duy nhất, đoàn bồi thẩm sẽ cho rằng đó là do bệnh nhân đã sử dụng ma túy trong nhiều năm trước khi chết. Ý đồ ấy bị thất bại khi bác sĩ Steven Karch, người Mỹ, rất có uy tín trong ngành độc học lên khai. Bác sĩ Steven trình bày phương pháp ông đã dùng khi làm các test vừa rồi, một kỹ thuật hiện đại mới áp dụng ở Anh một năm gần đây. Các test theo kỹ thuật này tìm chất ma túy trong tóc nạn nhân, kết quả cho thấy trước đó không một nạn nhân nào xài ma túy trong thời gian dài, lượng ma túy trong cơ thể họ đều do một lần đưa vào với lượng rất lớn.

Lúc 16 giờ 43 phút ngày 31.1.2000 trưởng đoàn bồi thẩm tuyên bố đoàn nhất trí kết quả Harold phạm tội giết 15 bệnh nhân và tội giả mạo giấy tờ. Harold bình thản nghe phán quyết của đoàn bồi thẩm. Vợ hắn và bốn đứa con cúi gằm mặt nhìn xuống đất. 

Tháng 3.2001, bà Janet Smith, thẩm phán tòa tối cao dẫn đầu một cuộc điều tra dự tính kéo dài 2 năm. Lúc đầu chính phủ Anh định giữ kín kết quả nhưng thân nhân những người bị hại yêu cầu phải công khai vụ này. Sau một năm điều tra công khai, ủy ban của bà Janet Smith đã nghiên cứu hồ sơ bệnh án của 500 bệnh nhân bị chết trong khi được Harold điều trị. Đây là số bệnh nhân chết từ năm 1978 – 1998. Bản báo cáo dày 2.000 trang cho biết Harold đã giết 215 người, trong số đó gồm 171 nữ và 44 nam, tuổi từ 41 – 93. Nhưng theo hãng thông tấn AP, bà Janet tuyên bố “Con số nạn nhân có thể lớn hơn. Tôi thực sự nghi Harold còn giết 45 người khác nữa nhưng chúng tôi không đủ chứng cứ để khẳng định. Ngoài ra còn khoảng 38 trường hợp không có đủ thông tin để kết luận về nguyên nhân dẫn đến cái chết”. 




Tại sao hắn giết người, giết để làm gì? Câu hỏi cho tới nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng, thuyết phục được mọi người. Harold Shipman vẫn là một sát thủ độc nhất trong thế giới những tên giết người hàng loạt. Ở Mỹ bác sĩ Michael Swango giết bệnh nhân để thỏa mãn thú tính dâm ô và để Dame Janet Smith hưởng cảm giác quyền lực. Y tá Beverley Allitt và Genene Jones trong bệnh viện trẻ nhỏ giết các bệnh nhi để thu hút sự chú ý của mọi người đối với chúng. Bác sĩ Marcel Petiot, bác sĩ HH Holmes giết người vì tiền, bác sĩ Josef Mengele giết vì khuynh hướng chính trị..v..v.. Harold Shipman không giết vì thú tính, vì tiền, vì tư tưởng chính trị. Vậy hắn giết người vì cái gì? Câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.

Lúc đầu Harold bị giam trong nhà tù Durham, tháng 6.2003 được chuyển về nhà tù Wakefield. Ngày 13.1.2004, lúc 6 giờ sáng quản lao phát hiện Harold đã treo cổ chết trong xà lim. Tên bác sĩ giết người hàng loạt 57 tuổi đang thụ án 15 án tù chung thân vì tội giết từ 215 – 260 bệnh nhân trong 23 năm hành nghề chữa bệnh cứu người đã “tự treo cổ bằng khăn trải giường”, theo lời người phát ngôn nhà tù Wakefield tuyên bố với BBC. 

Qua vụ án, công luận nêu lên nhiều câu hỏi và kiến nghị nhiều điều cần cải tiến trong công tác quản lý xã hội. Bà Janet Smith chỉ trích mạnh mẽ một loạt nhân viên Sở cảnh sát Manchester đã cẩu thả , thiếu trách nhiệm và năng lực trong khi điều tra nên đã không cứu được 3 nạn nhân sau cùng của Harold. Sau đó giám đốc cảnh sát Manchester đã xin lỗi gia đình các nạn nhân:

- Chúng tôi nhận đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong cuộc điều tra đầu tiên về các hoạt động của Harold Shipman. Chúng tôi thành thực xin lỗi gia đình ba người phụ nữ cuối cùng bị hung thủ giết chết. Chúng tôi đã cải tiến cách làm việc sau khi có những lời chỉ trích cuộc điều tra nói trên và xin hứa sẽ không để sự việc tái diễn. 





Sau khi giết nạn nhân bao giờ Harold cũng khuyên gia đình họ nên hỏa táng để không còn tang vật kết tội hắn. Vì thế bà Janet Smith kiến nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về thủ tục xin cấp phép hỏa táng, không thể chị cần gia đình đồng ý là đủ.

Harold đã nghiện ma túy từ 1975, nhưng sau này vẫn được phép sử dụng khối lượng ma túy khổng lồ để điều trị cho các bệnh nhân của hắn. Cuộc điều tra cho thấy có lần Harold kê đơn cho một bệnh nhân dùng heroin, qua đó hắn lấy được lượng ma túy đủ để giết chết 360 người. Vì thế bà Janet cho rằng cần có quy tắc chặt chẽ để giám sát việc bác sĩ sử dụng ma túy trong điều trị bệnh.

Trong lịch sử các tội phạm hình sự, Harold không phải là bác sĩ tử thần độc nhất mà còn có một số bác sĩ, y tá, nhân viên, chủ các cơ sở điều trị tư nhân, nhà dưỡng lão cũng phạm tội giết người. Vì thế công luận cho rằng cần có cơ chế kiểm soát những người hành nghề y để triệt tiêu khả năng tái sinh những quái vật tương tự. 

Khi Harold Shipman lần đầu tiên tiếp xúc với máy điện toán, ông ta là người rất không ưa kỹ thuật (technophobic). Nhưng khi miễn cưỡng chấp nhận kỹ thuật mới này, ông ta tự tuyên bố là người rất thành thạo máy điện toán. Điều này phù hợp với nhu cầu để khẳng định uy lực của mình. Nhưng có một điều mà người tự cho mình là một thiên tài điện toán đã không biết là chiếc đĩa cứng (hard- disk) đã giữ lại mọi sự sửa chữa giả dối mà ông ta đã làm với các hồ sơ của bệnh nhân. Trong các cuộc thẩm vấn với Cảnh sát Greater Manchester, Shipman đã cho thấy sự thiếu hiểu biết rất sơ đẳng này.




Trong phiên xử, Shipman một mực nói chẳng bao giờ mang theo chất morphine, do đó ông ta không thể giết chết bất cứ bệnh nhân nào. Nhưng gia đình của bà Molly Dulley (một nạn nhân khác) không đồng ý với lời khẳng định này. Mặc dù Shipman đã không bị buộc tội về cái chết của bà Molly trong phiên xử đầu tiên, ông ta thú nhận đã chích cho bệnh nhân này chất morphine.

Joyce Dudley, con dâu của bà Molly, nhận một cú điện thoại từ bác sĩ Shipman nói rằng “Tôi e mẹ chồng bà chỉ còn sống khoảng một nửa tiếng nữa thôi”. Bà Molly đã chết khi hai vợ chồng người con trai, Jeffrey và Joyce, đến nơi. Bác sĩ Shipman nói với họ bà ta đã chết vì cơn đau tim. Bà Joyce Dudley khai rằng: “Đó là khi mà ông Shipman nói với tôi và Jeff rằng ông ta đã chích cho mẹ chúng tôi chất morphine để giảm đau.” Điều này rõ ràng cho thấy bác sĩ Shipman có mang theo chất morphine. Ông ta làm thế nào tích trữ đủ chất thuốc này để giết chết quá nhiều người sẽ được tiết lộ sau.

Shipman đã kể nhiều câu chuyện nghe rất vô nhân đạo nhưng một số câu chuyện liên hệ đến chất morphine thì rất ngớ ngẩn. Ông ta khai là đã ghi toa 2000 milligrams chất morphine cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt Frank Crompton. Mặc dù ông Crompton không bị đau đớn, Shipman nói ông ta muốn có sẵn chất morphine phòng trường hợp bị đau đớn sau này.

Shipman khai rằng: “Bệnh nhân này nói ông ta không muốn trở thành một người nghiện thuốc. Do đó ông ta đã đập bể các ống morphine này và vứt chúng vào thùng rác. Chúng tôi đã nói chuyện về vấn đề này lần nữa và cuối cùng ông Crompton đồng ý cất giữ chúng trong nhà. Vì vậy tôi đã ghi toa cho ông ta một lần nữa.” Dĩ nhiên, bởi vì bệnh nhân đã chết, rất khó để chứng minh Shipman đã chiếm hữu cả hai liều thuốc morphine này.





Trong một trường hợp khác, các nhân viên của bác sĩ Shipman khai rằng ông ta đã làm họ cảm thấy bối rối bởi các mục ghi thuốc trong sổ sách. Ông ta đưa ra lý do bào chữa cho một số liều morphine bị mất đơn giản là đã đưa cho một bạn đồng nghiệp, người mà trước đây đã cho ông ta mượn để điều trị khẩn cấp các bệnh nhân. 

Nhưng vị bác sĩ này đã đánh giá quá cao sự cả tin của tòa án bằng một câu chuyện hết sức ngớ ngẩn. Shipman nói rằng một liều diamorphine (từ y khoa chỉ chất bạch phiến) đã được ai đó để ở khe cửa phòng làm việc của ông ta, và khi đến làm việc thì ông ta đã nhìn thấy nó nằm trên tấm thảm chùi chân. Luật sư bên nguyên Richard Henriques đã bác bỏ điều vô lý này, ông ta mỉa mai rằng qua một đêm “tấm thảm thần” của bác sĩ Shipman có thể làm hiện ra loại thuốc rất hạn chế này.

Trong hầu hết các trường hợp, Shipman đã có được chất morphine qua các bệnh nhân, những người mà lúc đầu đã chẳng bao giờ cần đến nó, hoặc ông ta đã chiếm hữu những liều thuốc không sử dụng từ các bệnh nhân đã chết. Thám tử Bernard Postles giải thích rằng: “Điều mà ông ta thường làm là ghi toa quá mức cho những cá nhân cần đến thuốc diamorphine, chắc chắn chỉ trong vài ngày trước khi họ chết. Điều kế tiếp mà ông ta làm là đi đến căn nhà này, đề nghị vứt bỏ bất cứ loại thuốc còn dư nào, và lấy chúng đi khỏi.”

Một bệnh nhân đã suýt trở thành một nguồn cung cấp chất morphin cho bác sĩ tử thần này là ông Jim King. Trong năm 1996, ông Jim được chẩn bịnh không chính xác bị mắc bệnh ung thư. Bác sĩ Shipman đã điều trị cho ông ta với các liều lượng morphine rất lớn. Ông Jim kể rằng “ông ấy thường bảo tôi có thể sài bao nhiêu chất morphine tùy ý, dù sao thì tôi đang chết dần.”




Khi bệnh tình của ông Jim trở nên nặng hơn, bác sĩ Shipman được gọi đến. Ông Jim được chẩn bịnh viêm phổi và được bảo phải cần chích thuốc. Bà vợ ông Jim tỏ ra rất ngần ngại, bởi vì bà dì và người cha của ông Jim đã chết sau lần bác sĩ Shipman đến khám bịnh. Bà kể rằng “người bác sĩ này hỏi tôi có muốn chích cho chồng tôi một mũi thuốc không, và tôi trả lời không. Ông ta cứ dai dẳng nói về nó và tôi vẫn nhất định nói không.” Do đó ông King có lẽ đã thoát chết và người bác sĩ này không có thêm được chất morphine. Sau này ông bà King biết được rằng chính Shipman đã giết chết những người thân của họ.

Chánh án Justice Forbes đã mất hai tuần lễ để phân tích kỹ lưỡng các chứng cớ được nghe bởi bồi thẩm đoàn. Ông thúc giục mọi người phải thận trọng, lưu ý rằng không nhân chứng nào thật sự đã nhìn thấy bác sĩ Shipman giết người. Và ông ta cũng thúc giục các thành viên ban hội thẩm sử dụng lương tri để đưa ra quán quyết của họ.

Vào lúc 4:43pm ngày thứ Hai, 31 tháng Giêng, 2000, chủ tịch bồi thẩm đoàn tuyên bố phán quyết của bồi thẩm đoàn: họ nhận thấy Harold Shipman phạm 15 tội giết người và một tội giả mạo chữ ký. Người bác sĩ tử thần đã đứng im và không tỏ bất cứ dấu hiệu của sự xúc cảm nào khi ông ta nghe đọc phán quyết của bồi thẩm đoàn. Trong bộ quần áo mầu đen, bà vợ Primrose của ông Shipman cũng ngồi im lặng. Bốn đứa con của bà ta ngồi bên cạnh cúi mặt xuống khi nghe kết quả này. Tại nơi dành cho công chúng đến dự kiến phiên xử, một số người đã há hốc mồm khi hành động giả mạo văn kiện của Shipman được miêu tả.

Luật sư bên nguyên, ông Nicola Davies đã yêu cầu lời tuyên án đó được thông qua ngay tức khắc. Chánh án Forbes đã thông qua mười lăm bản án tử hình cho các tội giết người và một bản án bốn năm cho hành động giả mạo chữ ký. Cuối cùng mười lăm vụ giết người đã được giải quyết và phiên xử kéo dài 57 ngày đã kết thúc. Tuy nhiên mức độ của vụ giết người hàng loạt này vẫn chưa được biết đến. Cảnh sát Anh tin rằng hành động giết người lu bù của Shipman đã bắt đầu từ lâu, do đó họ thành lập một đường dây điện thoại đặc biệt cho những ai lo ngại người thân và bạn của họ đã chết trong khi được điều trị bởi tay bác sĩ giết người này.




Lý do tại sao đã khiến Harold Shipman giết người có thể chẳng bao giờ biết được, bởi vì kẻ giết người hàng loạt này rất khác thường. Cho tới khi ông ta một mực nói mình vô tội, sự bí ẩn này sẽ vẫn tiếp tục tồn tại. Không có dấu hiệu của sự bạo động, không có dấu hiệu gợi ý tình dục và không động lực rõ ràng nào được biết đến. Những kẻ giết người hàng loạt thường thích đùa nghịch với các nạn nhân của chúng trước khi hành động. Nhưng các nạn nhân của Shipmam dường như đã chết một cách yên bình, và trong môi trường mà họ cảm thấy an toàn và thoải mái tại nhà.

Có rất nhiều giả thuyết trái ngược nhau về động lực đã khiến Harold Shipman trở thành kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất của nước Anh. Một số nhà phân tích tâm lý suy luận ông ta thù ghét những người đàn bà lớn tuổi, viện dẫn các lời bình luận mà Shipman thường đưa ra rằng những người lớn tuổi đang làm cạn kiện hệ thống y tế. Một số người khác thì cho rằng ông ta tái tạo cảnh tượng cái chết của người mẹ, để thỏa mãn nhu cầu thống dâm thầm kín của mình. Theo một số người, sự thật rằng ông ta đã để lại quá nhiều manh mối không thể tẩy xóa được cho thấy Shipman rất muốn bị khám phá và bị ngăn chặn, rằng ông ta đã cố gắng chống lại sự thôi thúc không thể kiểm soát được. Nhưng ý kiến đồng thuận cho rằng ông ta cảm thấy mình hơn hẳn những người khác, và có thể làm bất cứ gì mình muốn mà không sợ bị khám phá.

Cho tới cuối tháng Bẩy, 2002, kẻ giết người hàng loạt tệ hại nhất của nước Anh là Mary Ann Cotton, kẻ đã đầu độc chết khoảng 21 người trong thập niên 1870. Giờ đây thành tích ghê rợn đó đã thuộc về tay Harold Shipman. Một cách chính thức, bác sĩ Harold Shipman đã giết chết ít nhất 215 trong số các bệnh nhân của ông ta 171 phụ nữ và 44 đàn ông trong hạn tuổi từ 41 tới 93. Sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, một bản tường trình dầy hơn 2,000 trang về thời gian 23 năm giết người lu bù của Shipman được đưa ra bởi Chánh án Tòa án Tối Cao Janet Smith. Các hồ sơ của gần 500 bệnh nhân của Shipman, những người đã chết trong khi được ông ta điều trị từ 1978 tới 1998, đã được xem xét tỉ mỉ trong cuộc điều tra này.




Một cuộc điều tra khác, được thực hiện bởi giáo sư Richard Baker thuộc trường đại học University of Leicester, xác định rằng con số tối thiểu các nạn nhân của Shipman là 236 người. Hãng thông tấn Associated Press tường trình: “Chánh án Janet Smith nói rằng con số thật sự có thể cao hơn, có sự ‘ngờ vực rất xác thực’ rằng Shipman đã giết chết thêm 45 người nữa nhưng không đủ chứng cớ để chắc chắn. Trong 38 trường hợp khác, có rất ít dữ kiện để hình thành một ý nghĩ về nguyên nhân gây ra cái chết.”

Dù với chứng cớ rất rõ về sự phạm tội, người bác sĩ 56 tuổi này vẫn một mực nói mình vô tội, tiếp tục che đậy động lực của các hành động giết người. Tương tự những kẻ giết người khác như bác sĩ Michael Swango, một bác sĩ Mỹ đã giết chết các bệnh nhân ở Phi Châu và Hoa Kỳ, Shipman không có dấu hiệu nào cho thấy sở thích tình dục đối với các nạn nhân của ông ta. Thay vì vậy, viên chức điều tra các cái chết bất thường John Pollard suy đoán rằng Shipman “có niềm vui thích khi chứng kiến cái chết xảy ra từ từ và cảm thấy có quyền lực để kiểm soát sự sống và sự chết.”

Phải chăng bác sĩ Shipman là một con quái vật độc nhất như một số người nghĩ? Ngày càng có nhiều chứng cớ cho thấy những người như ông ta không phải là hiếm. Ngụy trang dưới ánh hào quang của sự đứng đắn, một số con quái vật như Shipman đang từ từ bị lột mặt nạ, nhưng chỉ sau khi một số cái chết đã xảy ra. Các “angels of death” này không chỉ là các bác sĩ, nhưng cũng là các y tá, các nhân viên bệnh viện và những chủ nhân của các cơ sở chăm sóc người lớn tuổi và bệnh tật. Bác sĩ Machael Swango đã giết chết các bệnh nhân bởi vì nó mang lại cho ông ta cảm xúc kích động và cảm thấy có sức mạnh khi giết người. Hai y tá Beverley Allitt và Genene Jones giết chết các bệnh nhân trẻ của họ để có được sự chú ý nhiều hơn. Hai bác sĩ Marcel Petiot và H.H Holmer đã giết người vì tiền bạc. Bác sĩ Joser Mengele đã giết người vì niềm tin chính trị, và còn nhiều nữa.




Sáng sớm thứ Ba ngày 13 tháng Giêng, 2004, bác sĩ Harold Shipman, kẻ giết người hàng loạt tệ hại nhất nước Anh, được tìm thấy treo cổ chết trong xà lim lúc 6 giờ sáng. Ông ta rõ ràng đã tự sát trong nhà tù Wakefield, nơi bị giam kể từ tháng Sáu 2003 sau khi bị chuyển đến từ nhà từ Durham. Người đàn ông 57 tuổi này ngồi bóc lịch 15 bản án chung thân liên tiếp cho các tội giết người, và bắt đầu thọ án từ tháng Giêng năm 2000. Người ta ước tính rằng Shipman đã sát hại khoảng 260 người trong suốt 23 năm giết người lu bù.

Cái chết này đã mở ra một cuộc điều tra để biết rõ làm thế nào mà ông ta đã có thể treo cổ trong xà lim, mặc dù các toan tính tự sát không phải là điều bất thường đối với những người bị xử án tù chung thân. Không có chứng cớ nào cho thấy ông ta bị theo dõi có thể tự sát tại nhà tù Wakefield, mặc dù trước đây đã bị theo dõi ở nhà tù Durham. Một phát ngôn nhân từ nhà tù Wakefield nói với BBC News rằng Shipman đã dùng tấm khăn trải giường để tự treo cổ từ các chấn song xà lim.

Trong khi đó tờ The Guardian tường thuật rằng: “Shipman đã có hành vi rất đáng ghét và ngạo mạn đối với các nhân viên nhà tù. Ngay trước lễ Giáng sinh tiêu chuẩn tù khá cao của ông ta đã bị giảm xuống mức thấp nhất. Người tù này bị lấy mất chiếc máy truyền hình trong xà lim và phải mặc đồng phục nhà tù chứ không là quần áo dân sự.” Một số đặc ân đã được cấp lại ngay trước khi ông ta tự sát chết.




Đối với rất nhiều nạn nhân của Shipman, hành động tự sát của ông ta bị xem là một sự hèn nhát: họ không chỉ sẽ chẳng bao giờ biết tại sao người đàn ông này đã giết chết các thân nhân của họ, nhưng ông ta đã tránh được sự trừng phạt: sống suốt cuộc đời còn lại đằng sau các chấn song nhà tù. Ông Danny Mellor, con trai của một trong những nạn nhân của Shipman, đã nói với hãng thông tấn Reuteurs rằng Shipman là một tên hèn nhát. Ông Mellor phát biểu rằng: “Tôi luôn luôn ấp ủ ý nghĩ rằng một ngày nào đó tôi có thể đối chất với ông ta và hỏi lý do tại sao. Giờ đây tôi đã bị cướp mất khả năng đó vĩnh viễn.”

Hơn bất cứ người nào khác, bác sĩ tâm lý Richard Badcock là người hiểu rất rõ những gì đã thúc đẩy Shipman. Bác sĩ Badcock đã nói với tờ Telegraph rằng ông tin tưởng sự chọn lựa nghề nghiệp của Shipman có thể đã bị ảnh hưởng bởi cái chết của người mẹ từ chứng bệnh ung thư khi ông ta 17 tuổi. Bà vợ của Shipman và bốn đứa con đã chẳng bao giờ chấp nhận ông ta có tội. Bà Primrose rất tận tụy với người chồng. Việc chuyển ông ta tới nhà tù Wakefield đã tạo điều kiện thăm nuôi dễ dàng hơn cho gia đình bà ta.
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét