Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

CA SĨ LÊ DUNG

(ĐC sưu tầm trên NET)

Cái nắm tay cuối cùng với cố NSND Lê Dung

0 Ngọc Hà
ANTĐ Trong hồi ức của Phương Nga, hình ảnh về cố NSND Lê Dung vẫn in đậm trong tâm trí cô từ khi Phương Nga còn là học trò của bà cho đến bây giờ khi đã nối nghiệp bà trở thành “người lái đò” âm nhạc.

Trong trái tim của Phương Nga, cố NSND Lê Dung luôn là người thầy đặc biệt nhất!

Ca sĩ Phương Nga - Bó hoa thấm đẫm tình cô trò


Ca sĩ Phương Nga - giọng ca giành vị trí Quán quân đầu tiên của sân chơi “Sao Mai” (2001) còn nhớ rõ, lúc sinh thời NSND Lê Dung rất yêu hoa, đặc biệt là hoa hồng, bà sống lãng mạn và cũng rất tình cảm. Phương Nga nhớ như in ngày 20-11-1999 cũng là năm đầu tiên cô nhập trường và được là học trò của NSND Lê Dung, biết bà yêu hoa hồng nên cô đã đã miệt mài chọn 50 bông ở một gánh hàng rong, tự tay chọn từng bông rất kỹ và gói giấy báo cẩn thận.

Cầm trên tay bó hoa mà cô học trò mang đến tặng, dù giản dị đơn sơ hơn nhiều bó hoa khác song NSND Lê Dung vui mừng cắm luôn vào lọ hoa đặt trên chiếc đàn piano mà mình yêu quý. Đó cũng là điều làm cô trò nhỏ Phương Nga bất ngờ và xúc động đến rơi nước mắt. Thời gian hơn 1 năm cô trò gắn bó với nhau, có những lúc sau khi học xong, Phương Nga lại ngồi lại để nhổ tóc bạc cho cô, nghe cô tâm sự chuyện gia đình, chuyện vui buồn trong những lần đi biểu diễn… Mùng 2 Tết Âm lịch năm 2000, biết tin cô giáo nhập viện, Phương Nga đã ở liền trong bệnh viện để chăm cô. Trong lòng cô trò nhỏ lúc ấy thầm khấn ông Trời cho cô mình tỉnh lại, nhưng chỉ tiếc rằng điều kỳ diệu đó đã không bao giờ xảy ra.

Món quà tri ân

Có điều cho tới bây giờ mỗi khi nhớ lại Phương Nga vẫn tự nhủ mình may mắn, và nếu không có sự may mắn đó thì có lẽ cô sẽ cảm thấy áy náy suốt cuộc đời còn lại. Đó là sau khi ở viện chăm sóc NSND Lê Dung vài ngày, đến sáng mùng 6 cô định về nghỉ một lát rồi lại vào tiếp nhưng linh tính mách bảo cô ở lại. Và cũng chính trong buổi sáng hôm ấy, NSND Lê Dung vĩnh viễn chia tay cuộc sống khi bàn tay của bà vẫn nằm trong lòng bàn tay Phương Nga.

Kể từ ngày bà mất đến nay đã hơn 10 năm, cứ vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hay ngày giỗ của bà, Phương Nga luôn qua chùa Liên Phái (phố Bạch Mai, Hà Nội) để thắp hương tưởng nhớ người thầy mà mình yêu quý và kính trọng. Phương Nga tâm sự những kỷ niệm về NSND Lê Dung sẽ sống trong trái tim cô và tình cảm với bà sẽ theo cô suốt cả cuộc đời. Còn với cố NSND Lê Dung, dù không trực tiếp nói với Phương Nga nhưng bà luôn coi cô là “hạt giống đỏ” của làng nhạc Việt.

Cũng bởi tình cảm thiêng liêng ấy mà trong album “Ơi cuộc sống mến thương” vừa được cô ra mắt sau 8 năm im hơi lặng tiếng, Phương Nga chọn một ca khúc riêng để tưởng nhớ người thầy đáng kính của mình. Đó là một bài hát từng được cố NSND Lê Dung thể hiện rất thành công - “Biển hát chiều nay”. Phương Nga nhớ lại năm 2011 trong một lần xem chương trình biểu diễn chờ quyết định vịnh Hạ Long có được lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới của nhân loại hay không, bất chợt cô nghe thấy giọng ca của NSND Lê Dung vang lên trong ca khúc này. Tiếng hát của bà được ghi âm lại qua băng và vang lên trên nền sân khấu chỉ có dàn múa phụ họa. Phương Nga ngồi lặng nghe mà nước mắt cứ trào ra. Nghĩ đến bà, ý định làm một điều gì đó để xin lỗi công chúng vì đã “lỗi hẹn” quá lâu càng thôi thúc trong cô. Và cô quyết định bắt tay vào làm sản phẩm âm nhạc này - một album nhạc chính thống nhưng lại phối theo phong cách hiện đại Acoustic. Với Phương Nga thì đây cũng là cách riêng để cô thể hiện tình cảm đặc biệt của mình với NSND Lê Dung. 
 

Phú Quang tẩm xăng đốt đĩa nhạc trước mộ NSND Lê Dung

- Lần đầu tiên nhạc sĩ Phú Quang thổ lộ rằng ông từng tẩm xăng vào một chiếc đĩa nhạc và đốt trước mộ NSND Lê Dung và trong khoảnh khắc ấy khi nhìn tấm ảnh ở bia mộ, tác giả ca khúc "Chiều không em" có cảm giác NSND Lê Dung đang mỉm cười.
 Nhạc sĩ Phú Quang không chỉ nổi tiếng với nhiều tình khúc hay mà ông còn được mệnh danh là "ông hoàng phổ nhạc cho thơ". Và nhà thơ Hồng Thanh Quang là một trong những tác giả có nhiều bài thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc nhất.
Không chỉ ăn ý trong nghệ thuật, ngoài đời thường hai nghệ sĩ cùng tên còn là bạn tâm giao thân thiết có thể chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Nhạc sĩ Phú Quang bảo có nhiều bí mật của nhà thơ Hồng Thanh Quang chỉ ông biết và ngược lại.
Nghe NSND Lê Dung hát "Khúc mùa thu" của nhạc sĩ Phú Quang.

"Có một lần Hồng Thanh Quang rủ tôi đến mộ Lê Dung thắp hương. Trước đó, tôi đã từng đến mộ Lê Dung một mình. Hôm đó tôi vẫn nhớ mình mang theo chiếc đĩa "Mới thôi mà đã một đời" trong đó có một ca khúc do NSND Lê Dung thể hiện.
Điều hết sức ngạc nhiên đó là khi tôi tẩm xăng và đốt chiếc đĩa bên ngôi mộ thì bất giác nhìn vào tấm ảnh ở bia mộ thấy Lê Dung đang cười (thực tế tấm ảnh trên bia mộ NSND Lê Dung không cười). Tôi bảo Quang nhìn ảnh Dung xem có thấy giống tôi không và cũng nhận được câu trả lời giống như tôi. Chúng tôi nhìn nhau giật mình về khoảnh khắc đó" - nhạc sĩ Phú Quang cho biết.
Nhạc sĩ Phú Quang cũng tiết lộ tối 21/10 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, khán giả yêu thơ và nhạc sẽ được thưởng thức những giai điệu rất tình - những khúc mùa thu sâu lắng trong chương trình của ông và nhà thơ Hồng Thanh Quang với chủ đề "Anh không muốn lạc em thêm lần nữa".
Phú Quang, Hồng Thanh Quang, Hồng Nhung, Tấn Minh, Phương Anh,
Nhà thơ Hồng Thanh Quang và nhạc sĩ Phú Quang.
Theo đó, khán giả sẽ được đắm mình trong những giai điệu da diết do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc trên nền thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang như: Romance số 4, Mẹ, Anh không muốn lạc mất em lần nữa, Về lại phố xưa... qua giọng ca của diva Hồng Nhung, ca sĩ Quang Lý, Tấn Minh, Phương Anh...
Những tác phẩm thơ tình của nhà thơ Hồng Thanh Quang sẽ được trình bày bởi NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Anh và chính tác giả. Khán giả cũng sẽ được "vỡ tan" vào Hà Nội với những ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang qua giọng ca của ca sĩ Quang Lý hay tiếng kèn của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn.
Sơn Hà

Lê Dung

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lê Dung
180px
Thông tin nghệ sĩ
Tên khai sinh Đoàn Lê Dung
Sinh 5 tháng 6 năm 1951
Thị xã Hòn Gai, Quảng Ninh
Mất 29 tháng 1, 2001 (49 tuổi)
Hà Nội
Thể loại Nhạc thính phòng, opera, nhạc tiền chiến, nhạc trẻ
Ca khúc tiêu biểu "Sang sông", "Xa khơi", "Dư âm", "Đàn chim Việt", "Mẹ yêu con", "Bạch Long Vĩ đảo quê hương", "Cô gái vót chông", "Bài ca hy vọng", "Từ giọng hát em", "Chiếc lá cuối cùng" (Đoàn Chuẩn)
Nghệ sĩ nhân dân Lê Dung (1951-2001) là một trong những giọng ca lớn của âm nhạc Việt Nam, có giọng soprano. Bà được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân theo quyết định của Chủ tịch nước Việt Nam. Bà thành công trong nhiều thể loại, từ opera, nhạc tiền chiến, nhạc đỏ và cả nhạc trẻ.

Tiểu sử

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung tên thật là Đoàn Lê Dung  . Do thời gian chiến tranh loạn lạc nên bà không được biết chính xác ngày sinh và nơi sinh của mình, về sau bà chọn ngày 5 tháng 6 năm 1951 làm ngày sinh và nơi lớn lên là Quảng Ninh làm nơi sinh.
Bắt đầu sự nghiệp ca hát năm 17 tuổi, bà đầu quân vào Đoàn Văn công Quân khu Tả Ngạn. Năm 1976 Lê Dung về Đoàn ca múa Tổng cục chính trị và theo học thanh nhạc tại Nhạc viện Hà Nội từ 1977.Bà đã theo học với nhiều giảng viên có tài năng và kinh nghiệm như Nhà giáo Ưu tú, nghệ sĩ ưu tú Diệu Thúy và đã có một thời gian thụ giáo Nghệ sĩ nhân dân Thương Huyền. Năm 1982 tốt nghiệp hạng Thủ khoa và từ đó cái tên Lê Dung bắt đầu được công chúng yêu nhạc biết đến. Năm 1984, Lê Dung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Sau đó, năm 1986 Lê Dung theo học cao học thanh nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky, Liên Xô. Đến năm 1990 bà về nước và trở thành nghệ sĩ solo của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Bà cũng là giáo viên thỉnh giảng bậc cao học thanh nhạc của các trường Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minhtrường Nghệ thuật Quân đội. Năm 1991, Lê Dung được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân
Năm 1992 Lê Dung cũng là ca sĩ Việt Nam đầu tiên tự tổ chức một đêm solo âm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội với hơn 20 bài hát thuộc các dòng nhạc bác học, từ những aria trong nhạc kịch nổi tiếng Cô Sao của Đỗ Nhuận tới Thiên Thai của Văn Cao. Lê Dung có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền opera của Việt Nam [cần dẫn nguồn], bà cũng là ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc đỏ[cần dẫn nguồn] và nhạc tiền chiến. Một vài ca khúc nhạc trẻ mới của Phú Quang, Dương Thụ cũng được Lê Dung trình diễn thành công. Phạm Duy lúc còn ở nước ngoài, khi được hỏi về các ca sĩ trong nước đã nhắc tới giọng ca Lê Dung  Và Lê Dung cũng từng ghi âm một số ca khúc của Phạm Duy và các nhạc sĩ ở hải ngoại khác từ khi chúng chưa được phép phổ biến chính thức ở Việt Nam.
Lê Dung mất ngày 29 tháng 1 năm 2001 tức mùng 5 Tết Tân Tỵ, do tai biến mạch máu não.

Cuộc sống riêng

Lê Dung lấy Hồng Thanh Quang trẻ hơn bà 12 tuổi. Hôn nhân của họ kéo dài được 6 năm, sau đó 2 người ly dị.

CD, băng nhạc

  • 10 ca khúc Hồng Đăng, Saigon Audio, 1995
  • 10 tình khúc Lê Khắc Thanh Hoài, Paris, 1995
  • Âm thanh ngày mới
  • Dạ khúc
  • Màu nắng có bao giờ phai đâu
  • Họa mi hót trong mưa
  • Kỉ niệm vàng son 1
  • Kỉ niệm vàng son 2
  • Tiếng hát Lê Dung
  • Tình nghệ sĩ
  • Tiếng thời gian
  • Những tình khúc thính phòng, 2001

Giải thưởng

Và nhiều giải thưởng khác.

NSND Lê Dung: Người trong cõi nhớ

Chủ Nhật, 21/06/2015 10:25:00
Nếu có thể hiện hữu một cõi nhớ của riêng tôi thì Lê Dung là một gương mặt sáng chói hào quang của cõi nhớ đầy nỗi niềm riêng tư ấy. Người đàn bà hát của âm nhạc Việt hiện đại vĩnh biệt cõi sống này đã hàng chục năm, từ 2001, mà vẫn như còn nấn níu ở lại cõi trần này bằng tiếng hát. Một tiếng hát cao vút, trong vắt trong veo, không bợn chút bụi trần, nghe như người từ trên trời cao bay xuống hát cho trần thế, rồi lại vội vã bay trở về trời. Và để lại dương gian những ca khúc lộng lẫy vàng son, khởi nguồn từ giọng hát đẫm tình yêu của một người đàn bà hát có số phận đa đoan nhất trong những người bà hát cuối thế kỷ XX ở Việt Nam…
NSND Lê Dung
Một.
Tôi luôn nhớ Dung, nhớ đến lặng người, nhất là khi nghe ca sĩ thế hệ cùng Dung và cả thế hệ sau Dung nữa, hát những bài mà Dung từng hát lúc sinh thời. Nhưng nhớ nhất vẫn là những kỉ niệm của tình chị em trải dài hàng thập kỉ theo tiếng hát của Dung, khi cả hai chúng tôi cùng lên đường du học Liên Xô giữa những năm 90 của thế kỉ XX, tháng 10, năm Bính Dần 1986. Trước đó, tôi đã biết Dung, hay gặp Dung đến Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có trụ sở cùng 8 hội khác, nằm trong khuôn viên tòa biệt thự cũ của vua Bảo Đại, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. 
Là phóng viên Tạp chí Sân khấu, thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cũng có trụ sở trong cái sân gạch của số nhà 51 danh tiếng ấy, tôi thấy Dung hay ngồi trên chiếc ghế đá trắng trong sân, cười nói rôm rả với vài vị nhạc sĩ, trong đó có nghệ sĩ violon Khắc Huề. Sau khi thành chị em kết nghĩa ở Liên Xô, tôi biết Dung đã phải lòng tiếng đàn của vị nhạc sĩ chơi đàn violon này đến mê man, đắm đuối. Dung thú nhận, hễ chàng nhạc sĩ hào hoa và tài năng ấy kéo cần đàn, vút lên nốt cao, là tâm hồn Dung theo đó mà bay lên tận trời mây. Và hễ cần đàn hạ xuống nốt trầm là tâm hồn Dung rơi ngay xuống địa ngục thăm thẳm và lạnh lẽo. Nghe Dung thổ lộ, tôi đùa nhẹ: Yêu đến thế cơ à? Vậy thì sống làm sao hả Dung? Sống theo tiếng đàn của chàng, chừng nào em còn sống. Em lên bổng xuống trầm, năm chìm bẩy nổi chín cái lênh đênh, cũng vì tiếng đàn violon ấy của chàng. 
Rồi sự cố chia lìa xảy ra,  mãi Dung mới có thể dứt đứt được tiếng đàn ấy khỏi trái tim đa cảm của mình. Dung, sau chuyện tình ngang trái ấy, đã tan nát cả cõi lòng! Giọng rầu rầu, mấy năm sau Dung mới chịu kể tôi nghe chuyện tình buồn thương ấy, trong lần gặp nhau, khi chúng tôi cùng du học ở Liên xô. Dung học thanh nhạc, bậc cao học ở học viện Tchaikovsky tại thủ đô Matxcơva, còn tôi là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ, ngành Lý luận lịch sử sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh  m nhạc Leningrad, đến năm 1992, thành phố mang tên Lênin đã trở về tên cố đô là St. Peterburg. Đó là câu chuyện tâm tình Dung kể cho tôi “để phải quên”, năm1987.
Trước đó, ở Hà Nội, được tiếng là kẻ bặt thiệp, lắm bạn bè, nhưng tôi  đã không hề thích kiểu cách đầy vẻ phóng túng ngang tàng, khinh bạc của Lê Dung, nên khi gặp nhau ở sân 51 Trần Hưng Đạo, tôi chưa bao giờ tìm cách hỏi han, làm quen Dung. Chị Ngọc Minh, ca sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng hợp xướng quốc gia, con gái thứ của NSND Thương Huyền, bác ruột tôi, là chị ruột bố tôi, Văn Hanh. Hai chị em bác tôi, bố tôi đều là ca sĩ của Đoàn Ca nhạc Đài TNVN. 
Chị Minh có hôm thì thầm thân mật bảo tôi: Này, cô em họ của chị, cái Dung nó là người nhà đấy nhé. Bác Huyền đã nhận nó là môn đệ, là con nuôi đấy. Nó mê cách hát dân ca của bác Huyền lắm, nó chăm xuống nhà học bác cách nhả chữ và rung hột của dân ca quan họ Bắc Ninh đấy. Con bé# ham học lắm. Giọng nữ cao (soprano) của nó hiện giờ là nhất bên quân đội, và nhất luôn cả nước đấy. (Hẳn nào thi thoảng tôi thấy Dung diện bộ quân phục sĩ quan, lấp lánh lon thiếu tá trên vai). Tôi vùng vằng: Nó kiêu kì bắc bậc lắm, làm như không biết em là cháu ruột bác Huyền, là vai chị nó, nếu bác đã nhận nó làm con nuôi. Chị là bậc cao nhất, rồi đến em, rồi mới đến phận nó, em út. Đừng có vênh mặt lên với em!
Chị Ngọc Minh biết đã chạm vào cái tính ương như ổi xanh của tôi, lại nhẹ giọng: Bác Huyền bảo, cả hai đứa (tôi và Dung) đều cùng du học ở Liên xô thì phải nhận nhau là chị em kết nghĩa đấy. Bác Huyền thích như thế lắm. Chẳng có lý gì hai đứa đều là con cháu trong nhà, lại đều là những đứa khá cả, mà không nhận nhau. Cùng xa nhà, xa Hà Nội, ở tận nước Nga xa lắc, chị em nhận nhau chỉ có tốt hơn cho cả hai em thôi. Chị nói thật lòng đấy! Tôi đã chịu hẳn cái lý của bác tôi qua cách thuyết phục của bà chị họ tôi, lúc ấy chị Ngọc Minh còn trẻ, từng được hát một vai trong nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, và giọng nữ cao của chị Ngọc Minh khá là sáng giá lúc bấy giờ. Ngẫm nghĩ một hồi, tôi bảo: Khi nào sang Liên Xô, nếu có duyên gặp nhau, em sẽ theo lời bác Huyền và chị dặn. Còn bây giờ thì chưa!
Sau tôi mới hiểu Dung vốn là người nhạy cảm, song cũng thích bông đùa, thi thoảng cũng coi trời… bằng vung. Một hôm ngồi chơi ở hàng nước chè xu vỉa hè Trần Hưng Đạo đầu mùa hạ năm 1985, Dung buột miệng đùa chơi: Vị nào có nhiệm vụ mua vé máy bay cho tôi đi Liên Xô du học thì khỏi mua vé khứ hồi. Tôi sẽ ở lại  Matxcova luôn đấy! Hậu quả tai hại của lời bông đùa ấy, khiến Dung bị hoãn đi Liên xô một năm, đến năm 1986 mới được du học. May mà không bị kỉ luật, phải chịu ở nhà khỏi du học ở Tchaikovsky, nhạc viện mà chỉ riêng việc dạy thanh nhạc cho ca sĩ - sinh viên đã đủ thành danh tiếng đào tạo ca sĩ lớn nhất châu  u. Tài năng toàn cầu của Đặng Thái Sơn và không ít các nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam danh tiếng cũng đã được đào tạo từ nhạc viện số một này của nước Nga Xôviết…
NSND Lê Dung
Hai.
Lê Dung trở thành người đàn bà hát, (gọi theo cách người Nga đã gọi nữ ca sĩ hát tiếng Nga hay nhất của họ là Alla Pugatrova, khi bà thành nhân vật là  chính bà, trong bộ phim cùng tên, và cũng là bộ phim nổi tiếng Liên Xô, ngay từ hai thập niên cuối thế kỷ XX). Song, trong đời riêng, số phận Lê Dung không khéo cũng đa đoan như Alla. Lê Dung yêu hết lòng, ngay thẳng, thành thật và chỉ muốn cưới làm chồng người mình yêu, không hề thích tình trạng lơ lửng con cá vàng như trong ca dao Việt, người con gái đã phải hỏi ỡm ờ, đầy nghi ngại: Trăng lên đỉnh núi trăng tà/ Mình yêu ta thật hay là yêu chơi? Với Dung, yêu là thật và yêu là phải lấy làm chồng, có chăng, chính là bày tỏ thái độ sòng phẳng, kiên quyết, khi thấy người mình yêu còn e ngại: Nhị tình em ở nhất tâm/ Sao anh lại ở với em nhị tình?...
Khi sang Liên Xô, Dung lại bắt đầu cuộc yêu một người đàn ông khác. Sang được nửa năm, tôi có việc phải sang Pragua Tiệp Khắc thăm chồng và em ruột, tôi và Dung tình cờ gặp nhau ở Sứ quán Việt Nam tại Matxcova. Hai người, cho đến lúc ấy mới nhận ra nhau, lập tức thân tình như chị em.Có lẽ vì cả hai đều xa con, xa xứ, và đều đang gặp trục trặc gia đình riêng. Dung hát hay, tính tình vui vẻ, hòa đồng, vồn vã đưa tôi về nhạc viện nơi Dung học và khoe ngay: Chị ơi, em được điểm cao, thầy dạy hát rất khen em hát opera đấy nhé. Tí nữa em đưa chị sang phòng tập, em hát chị nghe cho đỡ nhớ con gái nhé.  Rồi Dung giải thích cho tôi nghe, muốn hát opera thật hay, thì phải luyên tập hàng ngày vô cùng kiên nhẫn. Hết sức tránh hát nhát gừng, nhả chữ từng tiếng một như hát tiếng Việt. Kỹ thuật lấy hơi của opera phải làm sao cho nhả chữ thật dài, lăn tăn như sợi chỉ, xuyên suốt từ đầu đến cuối một trường đoạn hát, và sợi chỉ li ti tinh tế ấy không bao giờ được đứt cả. Chị có thể hiểu không? Có, chị chỉ hiểu khi em giải nghĩa cách hát opera, rồi em hát và tự đệm đàn piano cho em thôi. Em hát nồng nàn tình tứ quá. Đang yêu phải không Dung?Nhìn mắt, nghe giọng em thì biết. Dung thú nhận ngay, thành thật, thẳng thắn, đúng tính cách Dung: Em đang yêu một người. Chỉ hiềm một nỗi anh ấy còn vướng  víu, vẫn chưa giải quyết xong chuyện gia đình. Anh ấy đã ly thân. Phải chờ, chị ạ. Rốt cuộc, Dung đã chẳng chờ được. Rồi cuộc tình tự nhiên mà tan vỡ …
Sau cuộc tình này, khi rời Liên Xô về nước năm 1990, Dung bất ngờ rơi thẳng đứng vào một cuộc tình mới, mà theo Dung quả quyết, đó là tình cuối, với một thi sĩ trẻ hơn Dung gần một con giáp. Lại trở về tính cách rất là Dung: hát hết sức đắm say và yêu cực kì đắm duối, dường như là hai mặt thống nhất trong tính cách người đàn bà sinh ra là để hát và để yêu. 
Và yêu lần nào cũng như lần đầu và cũng như lần cuối. 
Nhưng hình như, cũng chính vì những lẽ đa đoan ấy của đời Dung, mà Dung đã rất cô đơn. Cô đơn trong tiếng hát. Cô đơn trong cả tình yêu.
Tôi từng nghĩ lan man như thế khi cúi đầu ngăn lệ rơi, chầm chậm đi ngang chiếc áo quan gỗ màu sẫm đỏ, nhìn ngắm Lê Dung lần cuối nằm yên lặng đời đời với khuôn mặt còn tươi như vừa mới hát trên sân khấu nhà hát Lớn Hà Nội. Dung nằm yên đấy, khi tiếng hát của Lê Dung đang cao vút, tươi lành, trong vắt, tình tứ phát ra từ đĩa CD đang vang vọng trong lễ tang của chính mình. Không gian lễ tang ngập tràn tiếng hát của Lê Dung, trong những ca khúc đưa tiễn chính mình, người đàn bà hát cô đơn, khinằm xuống đầu năm 2001, đã không thấy một người tình nào có mặt trong tang lễ mình, trọn vẹn từ đầu đến cuối.
Tiếng hát Lê Dung nghe như run rẩy, rợn ngợp trong nỗi buồn tàn thu, hoài cảm như mẹ tha thiết yêu con, như em muốn sống bên anh trọn đời, buồn như thiếu phụ đêm đông đã không có một mái nhà và không có cả chồng…
Thương Dung thế, em gái tôi cô đơn cho đến khi về cõi. Vẫn một mình. Với dung nhan hồng tươi niềm ham sống, niềm khát khao yêu và khát khao hát.
Hôm ấy và lúc ấy, Dung đã chỉ còn lại chính tiếng hát của mình và cái chết. Song, tiếng hát của Lê Dung sẽ còn mãi mãi xanh, mãi mãi ở lại, đầy vấn vương, không thể dứt với cuộc đời này…
Rạng sáng ngày 23-4-2015
Nguyễn Thị Minh Thái
                                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét