Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

CÂU CHUYỆN TÌNH BÁO 66

(ĐC sưu tầm trên NET)

Những nữ điệp viên nổi tiếng thế giới (Kỳ 1)

  • 15:58 ngày 11/03/2015
Nếu được yêu cầu kể tên một nữ điệp viên, có lẽ hầu hết mọi người sẽ nhắc tới Mata Hari nổi tiếng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
    Kỳ 1: Nữ điệp viên vũ công xinh đẹp Mata Hari

    Nữ điệp viên vũ công xinh đẹp Mata Hari. (ảnh: Wikipedia).
    Trong khi phụ nữ không được phép tham gia chiến tranh một cách chính thức ở tất cả các quốc gia thì một sự thực là họ đều có những đóng góp không hề nhỏ trong các cuộc chiến từ cổ đại đến nay. Những điệp viên thì không quan trọng giới tính và thực tế là khi phụ nữ trở thành các điệp viên thì họ ít bị nghi ngờ và phát huy lợi thế nhiều hơn. Có vô số những tài liệu phong phú về hệ thống những điệp viên và công việc tình báo trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Trong đó sự xuất hiện của những nữ gián điệp luôn tạo ra những tình huống thú vị.
    Nếu được yêu cầu kể tên một nữ điệp viên, có lẽ hầu hết mọi người sẽ nhắc tới Mata Hari nổi tiếng trong Chiến tranh thế giới thứ  nhất.
    Tên thật của cô là Margaretha Zelle Geertruida Mc Leod, sinh ra ở Hà Lan nhưng cô được biết đến như một vũ công kỳ lạ ở Ấn Độ. Trong khi có rất ít nghi ngờ về cuộc sống của Mata Hari là một phụ nữ thoát y và một gái điếm hay thực sự là một nữ gián điệp. Nếu một cô gái nổi tiếng như cô là gián điệp thì thực sự khá là lạc lõng nhưng cuối cùng cô đã bị bắt gặp cung cấp thông tin cho nước Pháp.
    Được biết đến là một vũ công thành công nhưng đến năm 1910 khi sự thành công của cô bị các vũ công bắt chước thì các nhà phê bình đã đánh giá rằng hình thức nghệ thuật mà cô đang trình diễn là rẻ tiền và thiếu chuyên nghiệp. Sự nghiệp của Mata Hari ngày càng giảm sút sau năm 1912. Tuy nhiên trong thời gian này, cô dường như trở thành một gái điếm cao cấp, cô được biết đến nhiều hơn với sự khêu gợi của mình. Cô có mối quan hệ với các quan chức quân đội cao cấp, chính trị gia và những người khác ở những vị trí có ảnh hưởng đến nhiều nước.
    Các mối quan hệ với những người đàn ông khiến cô phải thường xuyên qua biên giới quốc tế. Cô được xem như một người phụ nữ có quyến rũ nguy hiểm và có các mối quan hệ bừa bãi.
    Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, Hà Lan là nước trung lập, chính vì vậy mà cô có thể vượt biên sang các nước khác một cách tự do. Năm 1916, cô đi du lịch bằng tàu hơi nước đến Tây Ban Nha, bị bắt và bị thẩm vấn bởi trợ lý Ủy viên phụ trách gián điệp tại New Scotland Yard. Cuối cùng Mata Hari đã được nhận hoạt động tình báo cho Pháp.
    Ngày 13 tháng 2 năm 1917, Mata Hari đã bị bắt trong phòng khách sạn Elysee Palace trên đại lộ Champs Elysees ở Paris. Cô bị xét xử vào ngày 24 tháng 7 và bị cáo buộc làm gián điệp cho Đức, hậu quả là gây ra cái chết của ít nhất 50.000 binh sĩ.

    Mata Hari được gọi là điệp viên hai mang cho cả Đức và Pháp.
    Mata Hari được gọi là điệp viên hai mang cho cả Đức và Pháp.
    Mặc dù tình báo Pháp và Anh nghi ngờ cô làm gián điệp cho Đức nhưng lại không có bằng chứng rõ ràng. Người ta cho rằng đã tìm thấy một loại mực bí mật trong phòng của cô mà buộc tội. Tuy nhiên cô nói đấy là một loại phấn trang điểm của mình. Cô đã nhiều lần viết thư cho lãnh sự Hà Lan tại Paris tuyên bố mình vô tội.
    Những tài liệu của Đức năm 1970 đã chứng minh rằng Mata Hari thực sự là gián điệp của Đức. Vào mùa thu năm 1915, cô đã phục vụ cho Đức. Theo lệnh cô đã được hướng dẫn về nhiệm vụ của mình bởi Roepell trong suốt kỳ nghỉ của mình ở Cologne. Những báo cáo gửi đến đại sứ quán Đức cũng có mã số tên cô H-21.
    Trong tháng 12 năm 1916, người Pháp đã nghi ngờ cô là điệp viên hai mang cho cả Đức và Pháp. Hai tuần sau khi Mata Hari rời Paris đến Madrid, các điệp viên điều tra cô và kết luận cô chính là gián điệp cho Đức. Cô bị xử bắn vào ngày 15 tháng 10 năm 1917.
    Cơ thể của Mata Hari đã không được bất cứ thành viên nào trong gia đình nhận và thi thể cô đã được sử dụng cho nghiên cứu y học. Đầu cô được ướp và lưu giữ tại bảo tàng Anatomy ở Paris nhưng đến năm 2000, các nhà sưu tập phát hiện ra rằng nó đã biến mất không lời giải thích.
    Như vậy, Mata Hari vừa là một vũ nữ tài ba, vừa là một trong những siêu nữ gián điệp hoạt động tình báo trong thời kì chiến tranh lạnh. Tuy bị xử bắn nhưng cô để lại một hình ấn tượng vô cùng sâu đậm trong giới nghệ sĩ cũng như tình báo.

    Những nữ điệp viên xinh đẹp nổi tiếng thế giới (Kỳ 2)

    • 20:34 ngày 13/03/2015
    Thông minh, xinh đẹp... ít ai ngờ rằng y tá Edith Cavell lại là điệp viên giúp đỡ hàng trăm binh lính trốn khỏi sự truy lùng của quân Đức trong thế chiến thứ nhất.
      Kỳ 2: Nữ y tá điệp viên Edith Cavell
      Một trong những điệp viên nổi tiếng từ Thế chiến thứ nhất, Edith Cavell, sinh ra ở Anh và là một y tá giỏi. Cô làm việc tại một trường điều dưỡng ở Bỉ khi chiến tranh nổ ra. Mặc dù bề ngoài không giống như những điệp viên như ta thường nghĩ nhưng cô đã bí mật giúp đỡ những chiến binh từ Anh, Pháp và Bỉ thoát khỏi người Đức.

      Điệp viên Edith Cavell
      Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, cô đã che chở cho các binh sĩ Anh và chuyển họ ra khỏi vùng bị chiếm là Hà Lan. Họ đã được cung cấp những giấy tờ giả của hoàng tử Reginnald de Croy tại lâu đai của ông Bellignies gần Mons. Từ đó, họ được chỉ dẫn để thoát khỏi cuộc chiến từ nhà Cavell. Điều này đã vi phạm luật của quân đội Đức, chính quyền Đức ngày càng nghi ngờ về hành động của y tá này.
      Cuối cùng Edith Cavell bị bắt ngày 3 tháng 8 năm 1915 và bị buộc tối chứa chấp lính Đồng Minh. Cô đã bị Gaston Quien phản bội, người mà sau này bị tòa án Pháp kết tội. Trong thời gian biệt giam 2 năm và 10 tuần, cô đã thừa nhận giúp đỡ 60 lính Anh, 15 lính Pháp và khoảng 100 người Pháp, Bỉ qua biên giới và che chở ở nhà mình. Cô đã ký nhận tội vào một phiên tòa.
      Mặc dù Cavell nên được ân xá vì sự trung thực của mình nhưng tướng von Sauberzweing, thống đốc quân sự Bỉ đã ra lệnh rằng “vì lợi ích Nhà nước” nên thi hành án tử hình Cavell ngay lập tức. Cô được một luật sư Bỉ Sadi Kirschen bảo vệ nhưng cuối cùng  vẫn bị tử hình.
      Đêm trước khi bị xử tử, cô đã nói với Đức cha Stirling Gahan rằng: “Lòng yêu nước là không đủ. Tôi không có hận thù cay đắng với bất cứ ai”. Những lời này được gi trên bức tượng cảu cô ở phố Martin Place, gần quảng trường Trafalgar, London.
      Đã có một cuộc tranh cãi về việc áp dụng quân luật của Đức để tử hình Cavell. Án tử hình liên quan đến hành vi phạm tội không được công cố chính thức cho đến khi một vài giờ cô qua đời.
      Sau cái chết của nữ điệp viên Cavell, có vô số những bài báo, áp phích, tờ rơi và sách công khai đăng những hình ảnh và câu chuyện của cô. Cô đã trở thành một nhân vật mang tính biểu tượng tuyên truyền cho quân đội Anh. Hình ảnh của cô đã giúp tăng tình cảm thuận lợi đối với các nước đồng minh của Hoa Kỳ. Cavell đã trở thành một biểu tượng cho giới tính, nghề nghiệp, phẩm chất anh hùng đối mặt trước những hành động man rợ và đồi bại về đạo đức của Đức.
      Một đài tưởng niệm của cô được xây dựng bên ngoài nhà thời Norwich. Bức tượng bằng đá cẩm thạch có hình Edith Cavell trong bộ đồng phục y tá được dựng bằng cột đá Granit lớn. Hài cốt của cô được đem trở về Anh sau chiến tranh. 2015 để kỉ niệm 100 năm của cô, nhà thờ Norwich đã được trao một khoản tiền lên đến 50,000 bảng Anh để khôi phục lại mộ Cavell.

      Bức tượng bằng đá cẩm thạch có hình Edith Cavell trong bộ đồng phục y tá được dựng bằng cột đá Granit lớn (ảnh: Firstworldwar).

      Những nữ điệp viên nổi tiếng thế giới (Kỳ 3)

      • 22:54 ngày 20/03/2015
      Thông minh, gan dạ và nhanh nhẹn, Nancy Wake với mật danh "Chuột Bạch" đã vô số lần thoát khỏi tay vuốt của tình báo Gestapo...
        Kỳ 3: Nancy Wake – kẻ thù không đội trời chung của Đức Quốc Xã
        Nancy Wake – nữ điệp viên từng được tặng thưởng nhiều huân chương nhất thế giới trong chiến tranh thế giới thứ 2. Cuộc đời nữ điệp viên đã trở thành một câu chuyện trong lịch sử tình báo thế giới.
        Sinh năm 1912 tại New Zealand, Nancy trở thành bảo mẫu chỉ mới 16 tuổi. Kế thừa tài sản 200 bảng Anh của người dì, cô đã sang Châu Âu để sinh sống.
        Thời gian đầu cô trở thành phóng viên báo Daily Mirror, có dịp đến nhiều quốc gia và chứng kiến sự bành trướng của chế độ Đức Quốc Xã. Cô là người đi tiên phong trong cuộc chiến bài xích chống lại người Do Thái.

        Nancy Wake.
        Năm 1935, khi gặp nhà công nghiệp Pháp giàu có Henri Ficca, hai người nảy sinh tình cảm. Bốn năm sau họ tổ chức đám cưới. Song khi Hitler bắt đầu tấn công nước Pháp, Nancy đã bắt đầu cuộc hành trình của mình tới những vùng quân Đức chiếm đóng để cứu sống những tù binh và phi công chiến tranh bị Đức Quốc Xã bắt. Nancy đã dùng tiền của mình để mua xe cứu thương chuyên chở tù binh, thu mua lương thực và vũ khí. Đức cũng bắt đầu để ý đến hành động của cô và chú ý theo dõi. Tuy nhiên bằng sự dũng cảm, gan dạ và thông minh, nhiều lần Nancy đã thoát khỏi những mật vụ Gestapo.
        Đầu năm 1943, cô lui vào hoạt động bí mật, bị Gestapo truy nã với số tiền thưởng lên đến 5 triệu Frang và được đặt biệt danh “Chuột Bạch”. Nhận thấy tình hình ở Pháp quá bất lợi, Nancy quyết định vượt biên sang Tây Ban Nha, rồi tới Anh. Chồng bà cũng hối thúc: “Em phải đi nhanh, càng sớm càng tốt”. Nancy vẫn nhớ câu cuối cùng bà nói với chồng: “Chẳng bao lâu nữa, em sẽ lại về với anh”. Nhưng Nancy không bao giờ có thể gặp lại chồng nữa. Vì khoảng một năm sau khi Nancy trốn đi, Gestapo đã tới bắt chồng bà. Dù bị tra tấn dã man, nhưng Henri quyết không khai nơi lẩn trốn của vợ, cuối cùng bị Gestapo đem đi xử tử.

        Một trong những giấy tờ giả của Nancy.
        Một trong những giấy tờ giả của Nancy.
        Tại Luân Đôn, Nancy gia nhập Cục Hành động Đặc biệt (SOE), tiếp tục sự nghiệp chống phát xít. Khi đó SOE có tổng cộng hơn 500 thành viên, Nancy là một trong số 39 nữ điệp viên ít ỏi của SOE. Sau khi được huấn luyện nghiệp vụ chuyên môn, gồm các thủ đoạn ám sát, sử dụng điện đài, đặt thuốc nổ đánh phá những cơ sở hạ tầng quan trọng…, Nancy được đưa về Pháp.
        Tháng 4/1944, Nancy và một cộng sự khác có mặt ở tỉnh Auvergne thuộc miền trung nước Pháp, phụ trách việc chiêu mộ, tổ chức lực lượng kháng chiến ngầm và xây dựng kho vũ khí bí mật cũng như sự hoạt động của đường dây liên lạc vô tuyến điện giữa người chỉ huy lực lượng kháng chiến Pháp ở Auvergne, Đại úy Henri Tardivat, với Luân Đôn. Dưới sự lãnh đạo của Nancy, lực lượng kháng chiến của Pháp ở Auvergne từ 3.000 quân đã phát triển lên trên 7.000 quân, tạo ra sức ép mạnh mẽ đối với quân Đức. Đồng thời, các kháng chiến quân Pháp ở Auvergne đã tấn công mạnh mẽ vào quân Đức, mục đích là làm tiêu hao binh lực, vũ khí trang bị, giảm sức kháng cự của quân Đức trước khi quân Đồng minh đổ bộ lên Normandie.

        Một sắc đẹp nổi trội hơn người.
        Khi chiến tranh kết thúc, Nancy Wake quay về Anh và tiếp tục làm việc tại bộ phận hải ngoại của SOE cho đến ngày tổ chức tình báo đặc biệt này giải thể. Năm 1948, bà được bổ nhiệm làm chỉ huy bộ phận phản gián của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh. 
        Năm 1962, sau khi tái hôn với John Forward, một sĩ quan quân đội Anh bị Đức Quốc xã bắt giữ làm tù binh, Nancy Wake thôi làm ngành tình báo và cùng chồng quay về Australia sinh sống. Đến năm 1968, bà được bầu làm thị trưởng thành phố cảng PortMacquarie của bang New South Wales.

         Bà đã trở thành nguyên mẫu cho cuốn sách với nhan đề “Nancy Wake: Nữ điệp viên mang mật danh chuột Bạch” nổi tiếng ở Australia.
        Nancy Wake, nữ điệp viên xinh đẹp tài giỏi này đã trở thành nguyên mẫu cho cuốn sách với nhan đề “Nancy Wake: Nữ điệp viên mang mật danh chuột Bạch” nổi tiếng ở Australia. Nancy đã được chính phủ Australia tặng thưởng nhiều huân chương cao quý cho cuộc đời hoạt động tình báo gian khổ, nguy hiểm nhưng đầy vinh quang của mình.

        Sex trong tình báo: một lịch sử lâu đời

        Theo Trí Thức Trẻ | 26/10/2013 - 00:00

        (Genk.vn) - “Ở Mỹ hoặc phương Tây, thỉnh thoảng các ông kêu gọi đàn ông “đứng lên” vì tổ quốc. Ở Nga chỉ có chút khác biệt, chúng tôi bảo các cô gái hãy “nằm xuống” – một viên tướng KGB về hưu nói.

          Môn “khoa học” không được thừa nhận
          Hai quốc gia được cho là áp dụng “mỹ nhân kế” trong tình báo nhiều nhất là Nga và Trung Quốc. Cơ quan tình báo Liên Xô KGB dùng tiếng lóng “chim én” để chỉ phụ nữ và “quạ đen” để chỉ đàn ông được huấn luyện quyến rũ các mục tiêu có thông tin quan trọng.
          Không bình luận về chuyện các điệp viên của mình có dùng sex để đổi thông tin không, nhưng một vài quan chức CIA nói “thỉnh thoảng” nó vẫn xảy ra, và tuy “bẫy mật” không phải là cách tốt nhất để chiêu dụ quan chức nước ngoài nhưng đôi khi “nó giải quyết được một số vấn đề ngắn hạn”.
          Oleg Kalugin, tướng KGB đã về hưu, một lần được hỏi tại sao nhiều điệp viên Nga sử dụng sex trong công việc như vậy, đã trả lời đơn giản: “Ở Mỹ và phương Tây, các ông  kêu gọi đàn ông “đứng lên” vì tổ quốc. Ở Nga có chút khác biệt, chúng tôi kêu gọi các cô gái hãy “nằm xuống””.
          KGB vốn tin rằng người Mỹ là những kẻ cuồng sex theo chủ nghĩa vật chất, vì thế các điệp viên của họ sẽ dễ dàng bị sắc đẹp đưa vào tròng. Không chỉ dùng tình dục cho các nhiệm vụ tức thời, KGB còn xem đó như một phương án dự phòng, nếu một viên chức Mỹ nào đó trở nên quan trọng trong tương lai, họ đã có đủ phương tiện để “thu phục” anh ta.
          Sex trong tình báo: một lịch sử lâu đời
          CIA thì ngược lại, họ rất hạn chế sử dụng chiêu này với các đối thủ nước ngoài. “Thu dụng một cách cưỡng ép thường không có hiệu quả. Chúng tôi thấy tiền và sự tự do vẫn hấp dẫn hơn”, theo lời một cựu điệp viên. Nếu tình cờ CIA biết một điệp viên Xô Viết nào đó có cô bạn gái, họ sẽ thử chiêu dụ cô gái đó như một cầu nối. Một khi đã nắm thóp được anh ta, họ sẽ tìm cách biến anh chàng thành gián điệp cho mình.
          Mật ngọt chết ruồi
          Năm 1955, John Vassall, một viên thư ký đồng tính làm việc cho Cố vấn hải quân của Đại sứ quán Anh tại Matxcơva bị một nhóm “quạ đen” của KGB đưa vào tròng. Sau khi tham gia một bữa tiệc trác táng, John được cho xem những tấm hình của chính mình trong tình trạng không thể tệ hơn. Liên tiếp tám năm sau đó, anh ta buộc phải làm gián điệp cho Nga.
          “Mới xem được 3 tấm hình tôi đã không chịu nổi nữa. Chúng làm tôi phát bệnh. Thì tôi chứ ai, bị chộp trong lúc đang vui sướng …với nhiều gã đàn ông”, báo Telegragh trích dẫn những dòng hồi tưởng của anh chàng không may mắn.
          Cùng khoảng thời gian đó, Bộ phận tình báo hải ngoại của Stasi (Cục an ninh quốc gia Đông Đức) cũng tung ra hàng loạt các “điệp viên Romeo” để quyến rũ các nữ thư ký làm việc cho chính phủ Tây Đức. Khoảng 40 phụ nữ đã bị kết án vì đã tuồn bí mật cho người tình của mình, không hề nhận ra họ là gián điệp nước ngoài.
          “Khi bắt đầu, tôi còn không có khái niệm gì về kết quả nó sẽ mang lại”, Markus “Mischa” Wolf, một trưởng bộ phận gián điệp Stasi, sau đó nói. Điều thú vị là, Markus tin rằng bí mật sẽ được tuôn ra nhiều hơn nếu đó là tình yêu thật sự thay vì chỉ là “tình một đêm”. Một thư ký Tây Đức thậm chí đã  tổ chức hôn lễ với người tình của mình trong một đám cưới giả dàn xếp bởi Stasi. Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến nỗi giới chức NATO phải ra lệnh treo những tấm poster lên tường trong các văn phòng nhắc nhở các cô gái phải “đóng kín trái tim” mình lại.
          Sex trong tình báo: một lịch sử lâu đời
          Gần hơn, tháng 7 năm 2009, một nhân viên ngoại giao của Anh, James Hudson, bị dính vào vụ rùm beng liên quan đến gái mại dâm và buộc phải từ chức. Một đoạn video dài hơn bốn phút ghi cảnh Hudson đang vui vẻ cùng hai cô gái trong một khách sạn thành phố Ekaterinburg bị phát tán khiến London bẽ mặt. Có dư luận cho rằng chính cơ quan FSB (tiền thân là KGB) đã gài bẫy vị quan chức Anh.
          Một trường hợp khác, trong phái đoàn thương mại của Anh đến thăm Trung Quốc năm 2009, một phụ tá cao cấp của Thủ tướng Gordon Brown đã qua đêm với một phụ nữ Trung Quốc quyến rũ tại Thượng Hải. Sáng hôm sau, ông ta hớt hải báo cáo chiếc điện thoại BlackBerry do chính phủ cấp đã “không cánh mà bay”.
          “Một cuộc chuyện trò trên băng ghế đá công viên bỗng nhiên không phải là ý kiến tệ nếu biết rằng một cuộc điện thoại, dù được mã hóa, có để dễ dàng bị GCHQ (một cơ quan tình báo Anh) nghe lén và được giải mã bởi một chuyên gia khai thác dữ liệu của NSA ở Utah ngay sau đó”, Telegragh dẫn lời một nguồn tin trong ngành.
          Nhà báo Nga Inna Svechenovskaya, tác giả của quyển sách “Sex và tình báo Xô Viết” từng nhiều năm đi cóp nhặt những câu chuyện và sự thật đằng sau hoạt động nhạy cảm này của cơ quan tình báo các nước khối Liên Xô. Bà nhận xét rằng không ai hoàn thiện “bẫy mật” thành một nghệ thuật như người Nga nhưng chính họ cũng thừa nhận rằng đó là một thứ vũ khí nguy hiểm – một con dao hai lưỡi. Không hiếm trường hợp điệp viên nảy sinh tình cảm thực sự với “mục tiêu” của mình, và cơ quan tình báo không còn kiểm soát được họ nữa.
          Svechenovskaya có nhắc đến trường hợp hy hữu xảy ra với ông cựu Tổng thống Indonesia Ahmed Sukarno. Vì muốn tìm kiếm ảnh hưởng tại Châu Á, KGB gửi một nhóm các cô gái trẻ đẹp tiếp cận vị nguyên thủ vốn nổi tiếng háo sắc này. Họ làm quen với mục tiêu trên chuyến bay của ông này đến Matxcơva dưới vỏ bọc tiếp viên hàng không. Màn làm tình tập thể tiếp theo diễn ra trong một khách sạn ở Matxcơva bị ghi hình toàn bộ bằng camera bí mật.
          Ngày hôm sau, KGB mời Sukarno đến rạp chiếu phim và cho ông ta xem cuốn băng hình. Trái ngược với phản ứng hoảng sợ mà họ mong đợi, Sukarno cho rằng đó chính là món quà bất ngờ những người bạn Liên Xô tặng và hỏi các nhân viên đang há hốc mồm vì kinh ngạc xem còn bản copy nào không để ông mang về nước làm quà.
          Theo Một Thế Giới

          Chuyện tình của một nhà tình báo

          30/07/2011 07:33 GMT+7
            TT - Ấy là mối tình của nhà tình báo Trịnh Hoài Châu và bác sĩ Đỗ Thị Nga. Suốt 14 năm xa cách, ông hoạt động tình báo giữa lòng địch, bà vào chiến khu làm y tá trong quân y miền Đông, không một dòng tin về nhau.
            Phóng to
            Bữa cơm tối của gia đình ông Trịnh Hoài Châu và bà Đỗ Thị Nga - Ảnh: T.T.D.
            Thế nhưng sợi dây tình cảm luôn vượt qua không gian, thời gian gắn kết hai người để tới ngày hòa bình họ gặp lại nhau và thành chồng thành vợ.
            Tình đầu ngày xuống đường
            Dáng vóc nhỏ nhắn, đôi mắt tinh anh ngời sáng trên khuôn mặt phúc hậu cùng nụ cười rất tươi, dù mái tóc đã bạc trắng nhưng trông nhà tình báo Năm Nhỏ trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 75 của ông. Ngồi trước ông khó ai có thể hình dung được trong con người ấy lại chứa đựng lòng quả cảm, tính mưu trí và một bản lĩnh lớn lao để hoạt động tình báo giữa lòng địch suốt những năm tháng chống Pháp và cuộc chiến chống Mỹ sau này.
            "Khi hẹn ước, chia tay đi làm cách mạng lúc đó chúng tôi mới ở tuổi mười tám đôi mươi. Khi gặp lại, người đã hơn 30 kẻ ở tuổi 40. Sau ngày cưới vợ chồng tôi quý từng giờ từng ngày bên nhau nên chẳng khi nào to tiếng với nhau..."
            Vợ chồng ông bà
            TRỊNH HOÀI CHÂU
            Nhà tình báo Năm Nhỏ thủng thẳng kể ngày ấy hòa cùng phong trào đấu tranh của học sinh Sài Gòn, ông cũng xuống đường biểu tình để chống lại sự cai trị của thực dân Pháp. Trong những ngày tháng sục sôi bãi khóa, xuống đường, đấu tranh ấy chàng thanh niên Châu gặp được người “đồng chí” Đỗ Thị Nga. Tình đầu chớm nở trong cùng “tổ chức”, ngay trong những ngày xuống đường đấu tranh giữa hai người.
            Trong quyển lưu bút tuổi học trò Trịnh Hoài Châu ý nhị viết hai câu thơ ở trang cuối: Trên mặt đất mọc trăm nghìn chiếc lá, Ai tìm chi một chiếc rụng trong yên rồi đưa quyển lưu bút cho “đồng chí” Đỗ Thị Nga. “Khi nhận lại cuốn lưu bút, tôi tràn ngập cảm xúc. Một đêm mất ngủ vẩn vơ suy nghĩ, trước mắt tôi là hai câu thơ mới của Nga Ta một bóng nhòa bên muôn vạn bóng, Mất không vang như lá chết im lìm viết ngay dưới hai câu thơ cũ của tôi tạo thành một bài thơ gợi bao điều suy nghĩ. Và cũng chính bài thơ này là kim chỉ nam trong suốt quá trình hoạt động tình báo của tôi”, nhà tình báo Năm Nhỏ cười, nhớ lại.
            Sau “điệp vụ” lưu bút ấy cả một khoảng thời gian dài hai người không gặp lại vì vụ “bể bạc tổ chức” học sinh đấu tranh Trường Gia Long. Dường như không chịu nổi nỗi nhớ nhung, Trịnh Hoài Châu tìm đến trường mới của Nga học để gặp và thăm dò tình cảm thật của bạn. Ông Châu bộc bạch: “Chúng tôi có tình cảm với nhau. Và lúc đó tôi đã trình bày ý định thoát ly của mình với người yêu”.
            Thế nhưng do tổ chức sắp xếp, Trịnh Hoài Châu không thoát ly vào chiến khu mà chuẩn bị cho quá trình hoạt động tình báo trong bóng tối ngay trong lòng Sài Gòn sau này. Ấy cũng là lúc Trịnh Hoài Châu không còn được gặp lại người yêu Đỗ Thị Nga bởi hoạt động tình báo đơn tuyến giữa Sài Gòn của ông cần giữ bí mật tuyệt đối. Lúc này cô học sinh Đỗ Thị Nga ngày nào cũng trở thành một chiến sĩ cách mạng trong chiến khu tại miền Đông Nam bộ hoạt động trong ngành quân y.
            Tình cuối ngày thống nhất
            Khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền thủ tướng, qua giới thiệu của nhiều tổ chức thân tín, nhà tình báo Năm Nhỏ thâm nhập sâu vào hàng ngũ của địch. Đây cũng là thời kỳ nhà tình báo Năm Nhỏ thật sự bước vào cuộc chiến tình báo - thu thập tin tức đưa ra chiến khu. Ông cũng tham gia và tiếp cận thông tin trực tiếp từ chiến dịch “Bình Định” - chiến dịch dồn dân vào các ấp chiến lược để tách nguồn viện trợ, bao bọc của nhân dân đối với các chiến sĩ cách mạng. Nhiều thông tin của chiến dịch “Bình Định” của địch đã được chiến sĩ tình báo Năm Nhỏ chuyển về căn cứ.
            Vợ chồng nhà tình báo Trịnh Hoài Châu cùng với một số khách mời khác đã tham gia chương trình giao lưu “Những mối tình không thể chia ly” do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ tổ chức hôm 29-7.
            Trong lòng địch, để che đậy tai mắt, ông Châu đôi khi phải trân mình cùng những cuộc ăn chơi của những người lính phía bên kia. Thế nhưng không đánh mất mình bởi hình bóng của người yêu Đỗ Thị Nga luôn trong lòng ông. “Tôi chết sững, mấy tháng mất ăn mất ngủ khi nghe tin người yêu Đỗ Thị Nga đã chết trong một trận càn của địch năm 1973. Tôi lục lại mọi nguồn thông tin tình báo của CIA, thông tin từ các “quan thầy”, giới chức Mỹ và trong lòng nhen nhóm một niềm tin người yêu chưa thể chết. Và niềm tin ấy ngày càng lớn lên trong lòng tôi”, ông Châu nhớ lại thời điểm nghe tin bà Nga đã chết.
            Tương tự, nghe tin người yêu Trịnh Hoài Châu bị địch phát hiện, bắt và giam vào nhà lao Chí Hòa năm 1968, sau đó bị đưa ra pháp trường cát xử tử, bà Nga như muốn ngã gục. “Thế nhưng ngay sau đó linh tính mách bảo cho tôi rằng anh ấy vẫn còn sống”, bác sĩ Nga nhớ lại.
            Trong những ngày bị giam ở nhà lao Chí Hòa chờ ngày ra pháp trường ông nhớ nhất điều gì? - chúng tôi hỏi, nhà tình báo Trịnh Hoài Châu trầm tư: “Tôi nhớ mẹ, nhớ các đồng chí, nhớ người yêu, nhớ những lời dạy của thủ trưởng, những anh em cùng trong tổ chức. Và tôi nhớ những trận đòn tra tấn. Từ năm 1968-1971 tôi trải qua không biết bao nhiêu đòn tra tấn. Quyết không khai báo, tôi cắn răng chịu đòn đến nỗi khi ra khỏi tù răng tôi đã mòn hết hoặc gãy ngang chân”...
            Sau khi ra khỏi trại cải tạo, do bị bại lộ, ông Châu được tổ chức đưa vào khu R (Trung ương Cục miền Nam). Lúc này bà Đỗ Thị Nga cũng đang làm y tá quân y tại đây. “Thế nhưng mãi đến đầu tháng 4-1975 chúng tôi mới gặp lại nhau”, bác sĩ Nga nhớ lại. Ông Trịnh Hoài Châu tủm tỉm cười kể lại bữa đó thông qua một người dì của bà Nga ông mới biết người yêu mình còn sống. “Lúc ấy tôi mừng như muốn lặng đi rồi hồi tỉnh, đến thủ trưởng đơn vị xin xe đi thăm bả luôn. Gặp nhau, bả ôm choàng lấy tôi. Tôi biết là bả còn thương mình”.
            Chờ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, cuộc sống ổn định, sắp xếp công việc ổn thỏa, tháng giêng năm 1976, nhà tình báo Trịnh Hoài Châu và y tá quân y Đỗ Thị Nga chính thức làm lễ cưới tại số nhà 112 Sương Nguyệt Anh, Q.1, TP.HCM ngày nay. Ông Châu hiện nghỉ hưu tại ngôi nhà trên đường Bạch Vân (P.5, Q.5) còn bác sĩ Đỗ Thị Nga hiện là phó chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM. Hạnh phúc của ông bà bây giờ còn là sự trưởng thành của hai cô con gái yêu.
            ĐỨC TUYÊN

            Không có nhận xét nào:

            Đăng nhận xét