Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

CÓ NHỮNG CON NGƯỜI 5

-Luật chống tham nhũng đưa ra dù "hay mọi nhẽ" bao nhiêu chăng nữa, nhưng không quyết tâm thực hiện triệt để, thì đúng chỉ là "hổ giấy" (tờ giấy làm xấu hổ chính quyền!) mà thôi.
-Muốn dân tin yêu mình thì mình phải hết lòng vì dân, nghĩa là trong chống tham nhũng phải nói được, làm được và ưu tiên bênh vực người "thấp cổ bé họng"!
-Ta đã thắng lợi vẻ vang trên mặt trận ngoại xâm, thì hà cớ gì trên mặt trận chống tham nhũng, cũng được nhân dân đồng lòng ủng hộ i hệt, ta lại thua!?
-Phải chăng cán bộ chính quyền hiện nay không còn tinh thần xả thân vì nước như xưa kia nữa!?
-Hay không muốn thắng vì như thế té ra..."gậy ông đập lưng ông"!...



---------------------------------------------------
 (ĐC sưu tầm trên NET)


Pháp luật chống tham nhũng như “hổ giấy”
 Hội thảo “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản ở Việt Nam” đã được Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức ngày 28-10.
Thiệt hại lớn, thu hồi nhỏ
Theo ông Jairo Acuna Alfaro, cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, nước ta có khá nhiều cơ quan phụ trách về phòng chống tham nhũng như Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính trung ương, Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, Cục Cảnh sát Kinh tế (C48 - Bộ Công an), Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án tham nhũng (Vụ 1B - VKSND Tối cao), các cơ quan đặt trong cơ quan Đảng, Chính phủ... Tuy nhiên, thách thức hiện nay nằm ở hoạt động điều phối, phân định trách nhiệm của các cơ quan này.
Ông Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, cho biết theo báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 của Chính phủ vừa trình trước Quốc hội, thiệt hại trong các vụ án tham nhũng lên tới 6.740 tỉ đồng nhưng mới chỉ thu hồi khoảng 1.500 tỉ đồng. Tài sản bị đánh cắp do tham nhũng đang gây thất thoát nghiêm trọng ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công và quản lý phần vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp.
Bị cáo Dương Chí Dũng được dẫn giải ra phiên tòa trong một vụ án tham nhũng với số tiền lớn nhưng khó thu hồi, xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Ảnh: NGUYỄN QUYẾT
Theo ông Trương Minh Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ 1B - VKSND Tối cao, trong các vụ án tham nhũng đã giải quyết, số tiền và tài sản bị thiệt hại, thất thoát hoặc bị chiếm đoạt rất lớn song tài sản mà các cơ quan chức năng thu hồi được chiếm tỉ lệ hạn chế. Số tiền, tài sản tòa án tuyên phạt các bị cáo phải bồi thường cũng rất lớn nhưng thực tế thu hồi không nhiều và phải thực hiện trong nhiều năm. Ông Mạnh dẫn chứng từ ngày 1-10-2010 tới 30-4-2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định khoảng 17.000 tỉ đồng nhưng thu hồi chỉ khoảng 5.000 tỉ đồng.
“Công tác điều tra, làm rõ việc sử dụng, cất giấu tài sản tham nhũng hoặc che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản tham nhũng còn hạn chế. Nhiều trường hợp tài sản tham nhũng được xác định đã sử dụng vào mục đích kinh doanh, đánh bạc, chi tiêu hết, không thu hồi được. Một số trường hợp người phạm tội cho rằng dù có khai nhận, nộp lại tài sản tham nhũng thì vẫn phải chịu mức án cao nên họ chấp nhận hình phạt, không chịu khai báo, che giấu tài sản tham nhũng để hưởng lợi” - ông Mạnh nêu thực tế.
Ông Jairo Acuna Alfaro cho rằng các cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình điều tra các vụ tham nhũng. Hơn nữa, cơ quan điều tra thiếu quyền lực và năng lực cần thiết để thực hiện hiệu quả các chức năng điều tra chống tham nhũng.
“Nếu sử dụng ngôn ngữ đời thường thì hiện nay, pháp luật phòng chống tham nhũng có thể ví như “hổ không răng”, “hổ giấy” do thiếu nội lực đủ mạnh để thực sự mang tính răn đe và có hiệu quả trong thực tiễn” - ông Jairo Acuna Alfaro ví von.
Nhiều người dân không dám tố giác
Dẫn một thông tin khảo sát cho thấy 89% người dân nói rằng không tố giác hành vi vòi vĩnh hối lộ và chỉ 8% sẵn sàng tố giác, ông Jairo Acuna Alfaro nhận định nhiều khả năng người dân chưa tin vào các cơ quan phòng chống tham nhũng. Khi hỏi tại sao lại không tố giác, trên 50% người cho rằng tố giác không mang lại lợi ích gì. Nguyên nhân tiếp theo là vì sợ bị trù úm, trả thù hoặc thủ tục tố cáo, tố giác quá rườm rà.
Không đồng tình, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ, nhận định không có căn cứ nào xác thực để nói trên 50% người cho rằng tố cáo không mang lại lợi ích gì. Người dân gửi tố cáo tới rất nhiều cơ quan khác nhau và dường như chính sách khuyến khích, khen thưởng chưa thỏa đáng khiến họ ngại tố cáo hơn.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ủng hộ khảo sát của ông Jairo Acuna Alfaro. Vị đại diện này cho biết một cuộc khảo sát của WB  phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiến hành năm 2012 cũng đã đưa ra thông tin cho thấy hơn 50% người dân sợ bị trả thù nên không tố cáo chống tham nhũng. Nguyên nhân tiếp theo là việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được như mong muốn, thiếu khách quan.
“Chuyện khuyến khích khiếu nại, tố cáo qua phần thưởng được người dân lựa chọn ít hơn cả. Điều này cho thấy yếu tố tiền thưởng không quyết định tới việc người dân có khiếu nại, tố cáo không” - đại diện WB nói. Vị này cho biết rất đồng tình với nhận định của ông Trần Đức Lượng về việc Việt Nam có rất nhiều chính sách, “thế giới có gì, Việt Nam có đó” nhưng thực hiện vẫn yếu kém. Các thông điệp được nhắc đi nhắc lại qua rất nhiều hội nghị đối thoại, hội nghị bàn tròn nhưng ít thay đổi. 

Đề xuất tăng phạt tiền, giảm phạt tù
Ông Trương Minh Mạnh cho rằng khi sửa đổi Bộ Luật Hình sự, cần tính toán theo hướng tăng mức hình phạt tiền, giảm hình phạt tù có thời hạn và các hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả nhằm rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, tiết kiệm chi phí tố tụng, tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời, không xử lý hình sự, trả lại tài sản cho người đưa hối lộ nếu họ đã tố giác tội phạm về tham nhũng để khuyến khích phát hiện tội phạm. Ngoài ra, phải sửa đổi quy định về trách nhiệm của viện kiểm sát trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.


Theo THẾ KHA, NLD
Lạm quyền và tham nhũng

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân khiến cuộc chiến chống tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu chủ yếu là gặp nhiều trở ngại từ những viên chức đã lạm dụng quyền lực chính trị để tiến hành những thủ đoạn tham nhũng.  

Nếu định nghĩa lạm quyền là làm những việc vượt quá mức độ, phạm vi và tính chất quyền hạn được quy định của quyền lực, thì tệ nạn lạm quyền ở Việt Nam hiện nay là một hiện tượng phức tạp không thể tóm tắt trong một mệnh đề. Bởi vì ở đây hiện có hai cơ chế quyền lực trộn lẫn vào nhau, một là cơ chế cũ hay nói đúng hơn là tàn dư của thời bao cấp, một là cơ chế mới mà hạt nhân lý thuyết là việc chấp nhận kinh tế thị trường. Tình hình không đồng bộ ấy vừa phản ảnh tình trạng không thống nhất trong thể chế, thiết chế và cơ chế chính trị – hành chính Việt Nam hiện nay, vừa thể hiện khoảng cách giữa bộ máy Nhà nước với đời sống xã hội. Đây là những nguyên nhân pháp quyền và xã hội của tệ nạn lạm quyền hiện tại, những nguyên nhân mà đáng tiếc là không thể xóa bỏ trong một sớm một chiều. Nhưng điều đáng nói là chính vì cái tệ nạn lạm quyền này cứ lan tràn phát triển theo cấp số nhân, nên xã hội Việt Nam mới phải đối đầu với quốc nạn tham nhũng như người ta đang thấy... Có thể nói chưa bao giờ trong xã hội Việt Nam gần như bất cứ ngành nào cấp nào cũng có sự lạm quyền, bất cứ cơ quan nào tổ chức nào cũng có quyền lạm quyền. Tệ nạn lạm quyền không những khiến hình ảnh bộ máy Nhà nước, trong con mắt người dân cứ ngày càng xấu đi, mà còn khiến bản thân bộ máy này không thể vận hành một cách bình thường: không ít người có quyền hạn đã công khai phát biểu rằng mình không thể sử dụng quyền hạn hợp pháp của mình, và lý do dẫn tới kết quả phi lý này không gì khác hơn là ở đầu bên kia có những vụ lạm quyền đang được thực hiện. Dĩ nhiên giữa lạm quyền và tham nhũng còn có một dạng trung gian, đó là việc hối mại quyền lực, song điều cần lưu ý là ở Việt Nam việc lạm quyền đã có truyền thống từ thời bao cấp còn việc hối mại quyền lực chủ yếu chỉ mới xuất hiện trong thời kinh tế thị trường. Cho nên việc kiện toàn bộ máy tổ chức và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật hiện nay phải tập trung vào mục tiêu đảm bảo cơ chế nghiêm minh và dân chủ trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, một cơ chế rất hay ngủ quên trên các văn kiện pháp luật song để đánh thức lại cần rất nhiều thủ tục hay lộ trình pháp lý nhiêu khê... Cần nhắc lại một sự trùng hợp không phải ngẫu nhiên: tất cả các vụ tham nhũng được đưa ra ánh sáng trước nay đều nảy sinh trong tình trạng không nghiêm minh và tiến triển trong hoàn cảnh không dân chủ. Báo chí phản ảnh cảnh sát giao thông, hải quan làm luật nhưng nhiều cá nhân trong cảnh sát giao thông và hải quan vẫn thản nhiên làm luật, và người ta có thể nêu ra vô số ví dụ về việc những người chống tham nhũng bị vùi dập, trả thù. Lạm quyền dung dưỡng tham nhũng, còn tham nhũng kích thích lạm quyền.

 ***

Nhìn từ khía cạnh triết học của vấn đề, quyền lực luôn giúp con người thực hiện chính mình, nên nó chỉ làm người thường mạnh hơn chứ không phải lớn lên như các vĩ nhân, chính điều này đã dẫn tới sự lạm quyền như cách thức thực thi quyền hạn và phương thức tồn tại quyền lực phổ biến ở những kẻ yếu. Nhưng đó không chỉ là một đề tài suy ngẫm, bởi trong cái ly đã khá đầy sự lạm quyền của bộ máy Nhà nước hiện tại, tham nhũng chẳng qua chỉ là những giọt nước sau cùng... 


4 nông dân chống tham nhũng tiếp tục bị trả thù

Gần đây, UBND tỉnh tiếp tục nhận nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của một số công dân xã Vĩnh Thành liên quan đến việc trả thù người tố cáo tham nhũng. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Vĩnh Linh nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương. Hoàn thành và báo cáo ngay kết quả lên UBND tỉnh trước ngày 18/3/2008”.

 Không chỉ chống lại quyết định của Tỉnh Quảng Trị, các cán bộ xã Vĩnh Thành, Vĩnh Linh Quảng trị còn tiếp tục trả thù 4 nông dân chống tham nhũng.
Nhà nông dân Nguyễn Quang Vinh hiện phải dùng đèn dầu vì bị chính quyền cắt điện gần hai tháng nay
Sau khi Tiền phong đăng bài phản ánh chuyện bốn nông dân chống tham nhũng ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị trả thù, ngày  30/1/2008, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng (PCTN) T.Ư có Công văn số 61 chỉ đạo tỉnh Quảng Trị tiến hành xử lý kỷ luật những cán bộ xã Vĩnh Thành có sai phạm trong vụ đền bù giải phóng mặt bằng tỉnh lộ 70, đồng thời có kế hoạch bảo vệ an toàn cho những người tố cáo và có hình thức khen thưởng xứng đáng.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua, vụ việc vẫn chưa được xử lý.
Được biết, sau khi có chỉ đạo của Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN T.Ư, UBND tỉnh Quảng Trị đã gửi 3 công văn yêu cầu UBND huyện Vĩnh Linh nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của T.Ư.
Trong đó, công văn mới nhất do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Phúc (ký ngày 11/3/2008), nêu rõ: “UBND tỉnh đã có các Công văn số 117 và 316 đề nghị UBND huyện Vĩnh Linh xử lý sai phạm sau kiểm tra tại công trình đường 70 xã Vĩnh Thành và thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN T.Ư, nhưng UBND huyện chưa thực hiện báo cáo các kết quả xử lý.
Gần đây, UBND tỉnh tiếp tục nhận nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của một số công dân xã Vĩnh Thành liên quan đến việc trả thù người tố cáo tham nhũng. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Vĩnh Linh nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương. Hoàn thành và báo cáo ngay kết quả lên UBND tỉnh trước ngày 18/3/2008”.
Thế nhưng, cho đến ngày 8/4, cán bộ sai phạm liên quan vụ tham nhũng vẫn chưa bị xử lý; những nông dân tố cáo tham nhũng không những không được khen thưởng kịp thời như T.Ư chỉ đạo mà còn tiếp tục bị trả thù:
Nhà anh Nguyễn Quang Vinh bỗng nhiên bị người của chính quyền cắt điện đã gần 2 tháng, nhà bố mẹ chị Thắm bị người nhà của Phó Chủ tịch xã Vĩnh Thành chửi bới, nhục mạ, xúc phạm nghiêm trọng; thêm một công an viên bảo vệ người tố cáo tham nhũng bị xã ngang nhiên sa thải…

Vĩnh Phúc: Hai vợ chồng chống tham nhũng bị đánh búa tạ vào đầu

Thứ sáu - 26/09/2014 19:54
    Trong lúc đang dọn dẹp khu đất cho con trai mở quán bán vịt quay, hai vợ chồng ông Phùng Văn Bắc và Vũ Thị Kỷ, thôn Gò Chùa, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc bất ngờ bị 5 đối tượng dùng búa tạ, xà beng và một số hung khí đánh phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Hai vợ chồng ông Bắc, bà Kỷ là những người tích cực tham gia  chống tham nhũng đất đai ở xã Quang Yên mà 3 “quan” tham xã này đã bị bắt cách nay hơn 10 tháng, đang chờ ngày xét xử trước pháp luật.


    Ông Phùng Văn Bắc lúc chưa được đi cấp cứu.


    Ông Phùng Văn Bắc, thôn Gò Chùa, xã Quang Yên người tích cực chống tham nhũng bị kẻ gian dùng búa tạ đánh vào đầu nằm bất tỉnh đang được cấp cứu tại BV quân đội 109.

    Theo lời kể của anh Phùng Văn Bảo (con trai của 2  nạn nhân): Bố, mẹ tôi khi tỉnh cho biết khoảng 14h, 26/8/2014, hai ông bà đang dọn dẹp khu đất để thợ xây dựng cho tôi mở quán bán vịt quay thì bất ngờ bị 5 đối tượng đi xe máy đến dùng xà beng và búa tạ đánh bất ngờ, liên tiếp vào đầu, tay. Bọn chúng dùng búa tạ đánh vào gáy khiến bố tôi nằm gục tại chỗ. Mẹ tôi bị bọn chúng dùng búa và xe beng đánh vào đầu, vào tay bị gãy.


    Bà Vũ Thị Kỷ bị đánh khi chưa đi cấp cứu tại BV 109.


    Bà Vũ Thị Kỷ bị hai vợ chồng nhà Tân, Tỉnh dùng búa, xà beng đánh vào đầu, tay khiến tay phải của bà bị gãy.

    Sau khi đánh xong, bọn chúng liền lên xe máy và bỏ chạy. Trong 5 người đánh bố mẹ tôi thì có hai vợ chồng nhà ông bà Tân, Tỉnh ở thôn Lý Nhân, xã Quang Yên cùng với con và các đối tượng khác. Thời gian bọn chúng hành hung bố mẹ tôi diễn ra rất nhanh khoảng 2 phút. Ngay sau khi bị bọn chúng đánh, tôi và người thân trong gia đình đã đưa bố, mẹ xuống Bệnh viện quân đội 109, TP Vĩnh Yên để cấp cứu. Hiện nay sức khỏe của bố mẹ tôi đang trong tình trang hết sức nguy kịch.

    Dân quá bức xúc la ó, ném cát sỏi (vòng tròn đỏ) vào mặt Lương Quang Minh, nguyên Huyện ủy viên huyện Sông Lô, nguyên Chủ tịch UBND xã Quang Yên sau khi CA huyện Sông Lô đọc lệnh bắt giữ, dẫn giải từ tầng 2 trụ sở UBND xã Quang Yên xuống cầu thang tầng một để ra xe đặc chủng đưa về nhà kiểm kê tài sản sáng 13/11/2013
     
    Dẫn giải Hoàng Duy Thành, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Quang Yên từ trụ sở UBND xã về nhà riêng sáng 15/11/2013 để kiểm kê tài sản phục vụ điều tra làm rõ sai phạm

    Nguyên nhân dẫn đến việc hai vợ chồng ông Bắc, bà Kỷ bị đánh là do trước đây có thửa ruộng nằm gần mặt đường 306, đã bị cán bộ xã Quang Yên lén lút bán trái phép cho vợ chồng Tân, Tỉnh cách đây gần chục năm. Trong khi đó, sổ đỏ mảnh đất này vẫn đứng tên ông Kỷ, bà Bắc, dẫn đến tranh chấp.

    Sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Sông Lô có đến hiện trường nhưng các đối tượng đánh trọng thương ông Bắc, bà Kỷ vẫn chưa bị bắt. Dư luận nhân dân xã xã Quảng Yến rất bức xúc đặt câu hỏi: Bằng chứng vợ chồng Tân Tỉnh cùng 3 kẻ khác đánh trọng thương ông Bắc, bà Kỷ phải đi cấp cứu như vậy mà Công an huyện Sông Lô hiện đang bị triệu tập lên trụ sở xã Quang Yên làm việc đến khi Văn hiến phát bài viết này lên mạng vẫn chưa bắt giữ các đối tượng này. Chúng ta hãy đợi xem Công an huyện Sông Lô xử lý vụ đánh người bị trọng thương này?

    Trong khi đó, lãnh đạo xã Quang Yên vẫn thờ ơ, chưa đến thăm hỏi nạn nhân cấp cứu tại Bệnh viện quân đội 109?


    Quả lựu đán ném vào nhà ông Nguyễn Tiến Tăng lúc 2h 30p sáng ngày 7/1/2014.

    Tình hình vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai ở xã Quang Yên đã kéo dài 10 năm nay. Tạp chí điện tử Văn hiến đã phản ánh 21 tin, bài kèm theo nhiều hình ảnh, video minh họa rất cụ thể tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại xã Quang Yên nhưng cấp có thẩm quyền ở đây đều làm ngơ. Trước sự đấu tranh của nhiều người dân ở Quang Yên, ba quan tham gồm nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Quang Yên và một cán bộ địa chính đã bị bắt cách đây hơn 10 tháng, đã gia hạn tạm giam đến lần thứ 3 vẫn chưa được đưa ra xét xử. Những kẻ dính líu đến tham nhũng, tiêu cực đã có những hoạt động trả thù những người tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

    Như Văn hiến đã thông tin, chiều tối ngày 3/9/2013, Nguyễn Văn Hà là Công an viên của xã cùng  Nguyễn Hữu Nghị là chồng của Nguyễn Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Yên có liên quan đến tiêu cực, đã ngang nhiên đánh trọng thương ông Nguyễn Tiến Tăng, là người đầu đơn tố cáo tham nhũng, tiêu cực, phải điều trị ở Bệnh viện quân đội  109 đến nay cấp có thẩm quyền ở xã Quang Yên và huyện Sông Lô vẫn chưa xử lý, nghiêm trị hai tên Hà và Nghị.

    Tiếp sau đó,
    ông Nguyễn Tiến Tăng thôn Đồng Chùa lại bị bọn xấu ném lựu đạn vào nhà Lúc 2 giờ 30 phút sáng ngày 7/1/2014, rất may lựu đạn không nổ. Đến nay, các cơ quan chức năng huyện Sông Lô vào cuộc nhưng vẫn chưa truy bắt được kẻ ném lựu đạn vào nhà ông Nguyễn Tiến Tăng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.




    Ông Nguyễn Tiến Tăng bị đánh thành thương ngày 3/9/2013 nằm điều trị tại BV Quân đội 109.

    Tham nhũng, tiêu cực liên quan đến vi phạm Luật Đất đai ở xã Quang Yên kéo dài không được quan tâm giải quyết dứt điểm đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ngày hôm nay mà những người tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở đây phải gánh chịu. Cấp có thẩm quyền ở huyện Sông Lô và tỉnh Vĩnh Phúc cần sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm tham nhũng, tiêu cực đất đai ở xã Quang Yên, phải truy bắt, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những kẻ đã đánh trọng thương vợ chồng ông Bắc, bà Kỷ chiều ngày hôm nay (26/9) và kẻ ném lựu đạn cũng như đánh trọng thương ông Nguyễn Tiến Tăng những tháng trước đây.

    Văn hiến tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc này tới bạn đọc.


    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét