Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

KIẾP GIANG HỒ 50 (Cờ thế)

(ĐC sưu tầm trên NET)

MƯỜI CAO THỦ CỜ TƯỚNG ĐẦU TIÊN TRONG LÀNG CỜ MIỀN NAM VIỆT NAM

    Thứ 7 Tháng 8 22, 2015 3:43 pm
    1- NGUYỄN VĂN NGOAN (1900 – 1966)

    Đầu thế kỷ 20, một danh thủ Cờ Tướng nổi bật ở miền Nam Việt Nam là Nguyễn Văn Ngoan, mà tên thường gọi là Ba Quang. Xuất thân từ tỉnh Vĩnh Long, nhưng theo gia đình lánh nạn ở xứ Gò Công vì dính líu đến tổ chức Thiên Địa Hội, một đảng phái chống nô lệ Pháp thuộc.Ba Quang được mô tả như một chàng nghệ sĩ đa tài. Dẫu đã là một thợ kim hoàn nổi tiếng, nhưng còn là một tài tử đờn ca, thường kết bạn với giới nghệ sĩ cải lương. Đến nỗi khi hai đứa con gái xin đẹp lớn lên, ông cho theo đoàn hát, trở thành hai nghệ sĩ Thanh Loan và Thanh Hương nổi tiếng một thời. Từ khi lên 8, Nguyễn Văn Ngoan đã sớm làm quen với những con cờ, và khi chưa đầy 20, đã là một danh thủ nổi tiếng. Khi thủ đô Sài-gòn tổ chức giải Cờ Tướng lần đầu tiên, lúc 27 tuổi, Nguyễn Văn Ngoan xuất hiện giữa chốn đấu trường, và oanh liệt chiếm giải khôi nguyên 1927. Từ đó tên tuổi vang lừng khắp nước.

    Thời bấy giờ nhiều tay Cờ nổi danh từ Trung quốc thường sang Việt Nam giang hồ kiếm sống, như Chung Trân, Tăng Triển Hồng, Triệu Khôn…Và với tánh tình cởi mở dễ kết bạn, cùng với nhiệt thành, khiêm cung học hỏi từ những danh thủ đó, kỳ nghệ của Ba Quang đạt đến trình độ thượng thừa. Một trong những thế trận từ cuốn Mai Hoa Phổ là chiêu thức “Bình Phong Mã” mà Ba Quang dày công tập luyện, đã trở thành độc chiêu nổi tiếng của ông.

    Dẫu có khi vung tay vào những cuộc đánh cờ độ để ăn tiền, nhưng bản chất đạo đức và tính nhu mì, ưa học hỏi, Nguyễn Văn Ngoan luôn được giới yêu Cờ tôn là người “trọng nghĩa khinh tài”. Trong nhóm ba người kết bạn “Đào Viên” gồm có ông và Hà Quang Bố, Nguyễn Thành Hội, Nguyễn Văn Ngoan được ví là anh cả Lưu Huyền Đức, còn Hà Quang Bố là Quan Vũ và Nguyễn Thành Hội kể là Trương Phi. Cho đến nay, chiêu thức “Bình Phong Mã, khí Mã hãm Xa” vẫn còn được kể là tuyệt chiêu của Ba Quang, Nguyễn Văn Ngoan!


    2- NGUYỄN THÀNH HỘI (1905-1956)

    Nguyễn Thành Hội là một trong hai người em kết nghĩa vườn đào của danh thủ Nguyễn Văn Ngoan. Ông người tỉnh An Giang, nhưng lớn lên ở Tây Ninh. Mặt mày đen đúa, rất nong tính nên người ta thường gọi là Trương Phi. Nhà nghèo, sớm vào đời để kiếm miếng cơm manh áo, nên Nguyễn Thành Hội dùng kỳ nghệ của mình làm kế sinh nhai bằng cách đánh dộ. Ông chu du khắp nơi trên đất nước, gặp gỡ nhiều cao thủ nên danh tiếng vang lừng.

    Vào năm 1933, công ty Mỹ An tại Sài-gòn mở một cuộc tranh tài Cờ Tướng, lấy tên “Vô địch Nam Kỳ”. Nguyễn Thành Hội, lúc đó 28 tuổi, đã ghi danh và đánh bại quần hùng như chẻ tre. Vào chung kết ông gặp Nguyễn Văn Khảm, thắng vẻ vang, đoạt chức vô địch trong tiếng vỗ tay vang dội.

    Dùng cờ như mục tiêu kiếm tiền, một mình nam chinh bắc tiến. Dù là chân trời góc biển, hễ nghe đến ai chơi Cờ giỏi, ông đều lặn lội tìm gặp, thách đấu để thử tài và cũng để kiếm sống qua ngày. Là người miền Nam, nhưng ông đã nhiều phen ra miền Trung, ba lần xông ra đất Bắc, từng gặp gỡ và giao đấu với nhiều người, như danh thủ Nguyễn Thi Hùng, vô địch miền Bắc Đặng Đình Yến v.v…

    Nguyễn Thành Hội theo chủ trương thực dụng, dùng Cờ Tướng làm phương tiện mưu sinh, nên người ta thường nói ông “trọng tiền hơn trọng nghĩa”, hoặc “cầu lợi chẳng cầu danh”. Dầu vậy làng Cờ miền Nam vẫn tôn trọng kỳ nghệ, gọi ông là Giáo Hội, mặc dù ông không phải là một nhà dạy học bao giờ.

    Mùa đông năm 1956, người ta nhận được tin buồn: “Cựu vô địch cờ Tướng Nam Kỳ, sau một cơn bạo bệnh đã vĩnh viễn từ giã làng cờ, để lại bao thương tiếc cho mọi người”.

    Cũng như nhiều tay cờ giang hồ khác, ông tranh giải thì ít mà cáp độ đánh cá thì nhiều vì vậy tư liệu sự nghiệp cờ của ông để lại rất ít. Ông có cùng đệ tử Thái Sanh Bính soạn quyển “Cờ Tướng Việt Nam” hướng dẫn chơi Pháo đầu phá Đơn đề Mã với phương án ăn Mã đội rất lý thú và hiệu quả. Đó là một đóng góp rất đáng trân trọng của một danh thủ tiền bối.



    3- HÀ QUANG BỐ (1907-1949)

    Hà Quang Bố thường được giới hâm mộ Cờ gọi là Giáo Bố. Tự nhận mình là hậu duệ của người Minh Hương. Sinh ra và lớn lên ở Rạch Giá, lập gia đình dời về sinh sống tại Cà Mau. Ông nội và cha đều là những tay chơi Cờ lão luyện. Khi Hà Quang Bố lên 10 đã được cha ông tận tình chỉ dạy kỳ nghệ. Đến năm 15 tuổi đã thành nhà vô địch trẻ tại huyện Long Mỹ, Rạch Giá.
    Năm 1931, lúc 24 tuổi, xin được việc làm kinh lý cho khách sạn tại Sài-gòn. Và đây là khởi điểm cho một danh tiếng lẫy lừng. Ông mang theo một cơn bão nhỏ, thổi vào làng cờ thành phố. Đầu tiên ông đến điểm chơi Cờ ở ga xe lửa Saigon, khiêu khích và đánh bại cao thủ giang hồ Nguyễn Văn Lai. Kế tiếp làm kinh hồn những danh thủ ở Phú Nhuận, Đa-kao, Bình Tây, Xóm Củi. Nghe danh đại cao thủ người Hoa tại Cầu Kiệu là Trần Tựu oai nghi nhiều người nể phục, Hà Quang Bố tìm đến xin thử tài và đã làm cho Trần Tựu gục ngã. Tại đây ông gặp Nguyễn Văn Ngoan, kết nghĩa đệ huynh. Hai người thường rủ nhau đi khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh tìm gặp nhiều cao thủ để thử tài. Nhờ đó mà kỳ nghệ và nội lực đạt đến tột đỉnh. Năm 1935, kiện tướng Trung quốc là Triệu Khôn sang Saigon làm mưa làm gió, không ai đối thủ, nhưng khi gặp Hà Quang Bố đả đành đại bại. Tiếng tăm giáo Bố từ đó lẫy lừng.
    Một giai thoại xảy ra vào năm 1943. Sòng bạc Đại Thế Giới tổ chức một giải Cờ. Phần thưởng giải vô địch là một bức trường rất đẹp. Và giáo Hội (Nguyễn Thành Hội) đã chiếm giải. Khi giải thưởng mới vừa phát xong, trên tay giáo Hội còn cầm bức trướng, thì giáo Bố từ đâu đi tới, đề nghị một trận thư hùng danh dự với điều kiện: nếu giáo Hội thắng, giáo Bố sẽ chung 100 đồng bạc (bây giờ tương đương với khoảng 300 đô Úc). Cón nếu thua, thì giáo Hội phải đưa bức trướng cho giáo Bố giữ. Là người “trọng tiền tài hơn danh dự”, giáo Hội đồng ý ngay. Kết quả, sau hai ván, một thua và một hòa, giáo Hội mất bức trướng về tay Hà Quang Bố.
    Năm 1948, Sài Gòn lại tổ chức giải “vô địch Nam kỳ” và Hà Quang Bố đã đoạt chức vô địch một cách xứng đáng. Năm 1949, khi ông vẫn còn phụ trách kỳ đài thì bệnh lao trở nặng và không lâu sau đó một ngôi sao sáng của làng cờ miền Nam vụt tắt khi tuổi đời mới được 42.

    4- HỨA VĂN HẢI (1918-1944)

    Hứa Văn Hải sinh tại Sa-đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp. Là con của cụ Hứa Văn Nhiệm, có tổ tiên là người Phúc Kiến, gốc Chương Châu bên Trung quốc. Từ nhỏ, Hứa Văn Hải đã tỏ ra thông minh, có trí nhớ lạ kỳ. Năm 15 tuổi bắt đầu làm quen với Cờ cùng một người em là Hứa Văn Tài và một người bạn tên Tạ Khánh Toàn. Chỉ một năm sau, Hải đã đạt đến trình độ kiện tướng.
    Lúc bấy giờ có một cao thủ từ Trung quốc sang Việt Nam. Trong một dịp may, Hứa Văn Hải được gặp. Lúc đó Hải chỉ mới 13-14 tuổi nhưng Triệu Khôn tỏ ra mến mộ một cậu bé có thiên tư, nên tận tình chỉ dạy. Hải đã biểu diễn nhiều chiêu thức thông minh, biến hóa, làm Triệu tiên sinh rất đẹp lòng và nhận Hải làm đệ tử, truyền cho nhiều bài học quí giá. Ngoài cơ may hiếm có nầy, Hải còn là người luôn chịu khó trau giồi, học hỏi qua sách báo, nên công lực càng ngày càng thâm hậu.
    Vào dịp Tết Quí Mùi (1943) tại Gò Công có tổ chức “Giải Vô Địch Kỳ Vương” nhưng chỉ giành riêng cho bốn đại cao thủ gọi là “tứ hùng”: Nguyễn Văn Ngoan, Nguyễn Thành Hội, Hà Quang Bố và Hứa Văn Hải. Kỳ vương Hải đã xuất thần, áp đảo quần hùng, đoạt chức vô địch rất oanh liệt. Cũng vào năm đó, dịp tết Trung Thu, sòng bạc “Đại Thế giới” tổ chức giải vô địch Nam Kỳ. Hứa văn Hải tham dự, đã giành chức quán quân trong niềm cảm phục của mọi người.
    Bên cạnh những dịp tranh tài chính thức, Hải thường ôm bàn cờ đi khắp nơi đánh độ, làm phương tiện sống qua ngày. Hào kiệt Nam Kỳ Lục Tỉnh đều ngưỡng mộ, tôn là bậc kỳ vương, dù tuổi đời của Hải còn rất trẻ. Và vì trình độ cờ quá cao, đánh với ai cũng phải chấp nước, chấp con, bởi đó cần phải lao tâm khổ trí để tìm cách thắng. Từ những trận cờ thâu đêm, thiếu ngủ, ăn uống thất thường, Hải mắc phải bệnh lao, không đủ điều kiện chạy chữa, càng ngày càng nặng. Cuối năm 1944, kỳ vương biết mình không qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, đã trở về quê làng ở Tân Qui và an nghỉ giấc ngàn thu nơi đây ở tuổi đời 26, để lại bao thương tiếc cho làng cờ miền Nam.

    5- PHẠM VĂN NGỌC (1916 – 1950)

    Thủ lãnh nhóm Đồng Tâm
    Danh kỳ Phạm Văn Ngọc sinh năm 1916 (tên thật là Phạm Ngọc Anh), thường được anh em gọi tên thân mật là “anh Tư Ngọc” xuất thân từ Gò-công. Ông là bào huynh của kỳ thủ Phạm Văn Sáng và là thân sinh của nhà cựu vô địch Sài-gòn là Phạm Tấn Hòa. Nhà nghèo, lại mồ côi cha, ông rời trường khi vừa học xong bậc tiểu học, ra đời tìm kiếm mưu sinh. Làm quen với Cờ lúc 14 tuổi, lại may mắn cùng quê và quen biết với danh kỳ Nguyễn Văn Ngoan, được chỉ dạy tận tình nên tài nghệ của ông tiến bộ vượt bực. Hai anh em của ông cùng nhau học hỏi, nghiên cứu thế trận, nên mức độ tiến triển rất nhanh.
    Năm 1938, hai anh em rủ nhau lên Sài-gòn kiếm sống. Thuê căn nhà tại số 86 đường Hàm Nghi mở tiệm hớt tóc và bán nón nĩ, lấy tên là “Tiệm hớt tóc Đồng Tâm”. Đây là bước ngoặc trong sự nghiệp cờ tướng của Phạm Văn Ngọc. Để tạo hấp dẫn cho tiệm tóc, hai người thướng bày cờ tướng cho khách chơi trong lúc chờ đợi, từ đó nhiều tay cờ gần xa đến đây trổ tài, giải trí, càng lúc càng đông. Chẳng bao lâu “Đồng Tâm” nghiễm nhiên trở thành một “câu lạc bộ” Cờ Tướng nổi tiếng của đất Sài thành. Những danh thủ như Nguyễn Văn Ngoan, giáo Hội, giáo Bố, Hứa Văn hải đều thường xuyên xuất hiện. Và cũng nhờ có dịp tu luyện với nhiều tay cự phách mà trình độ Cờ của Phạm Văn Ngọc trở nên vượt trội. Vào tiết Trung thu 1943, sòng bạc Đại thế giới tổ chức giải vô địch Sài-gòn, Hứa Văn Hải giành chức quán quân, và Phạm Văn Ngọc đoạt giài Á quân. Làng cờ lúc bấy giờ rất khâm phục.
    Khi cách mạng tháng 8 xảy ra, Phạm Văn Ngọc gia nhập phong trào Việt Minh và mất trong một trận giao tranh. Con của ông, Phạm Tấn Hòa, sau nầy cũng đã là một nhà vô địch!

    6- PHẠM VĂN SÁNG (1918 – 1992)

    Người đi Cờ nhanh như gió
    Ông là bào đệ của danh thủ Phạm Văn Ngọc, và là thành viên sáng lập của câu lạc bộ “Đồng Tâm” hay còn gọi là nhóm Đồng Tâm. Hai anh em của ông kết thân với Thái Văn Hiệp tạo thành trụ cột của nhóm, nên ba cao thủ nầy được tôn vinh là “Đồng Tâm tam kiệt”. Giữa những năm1954, nhóm Đồng Tâm được xây dựng củng cố lại, ngoài năm Sáng, ba Hiệp còn có thêm các cao thủ Nguyễn Đình Lạc, Phạm Thanh Mai, Lê Văn Mầu và Trần Văn Kỳ, nhằm đối đầu trong nghệ thuật Cờ Tướng với nhóm Tinh Võ gồm Trần Dụ Tham, Trần Mỹ, Tất Kiên Dương, Lê Bỉnh và Kỳ Triển Bàng.
    Anh của ông, Phạm Văn Ngọc, thiên về tấn công ào ạt như vũ bão, Thái Văn Hiêp thiên về phòng thủ chặt chẽ, còn phong cách của Phạm Văn Sáng rất linh hoạt, vừa công vừa thủ, mỗi nước đi luôn tỏ ra đầy sáng tạo. Ông rất thích nghiên cứu cờ thế, vì vậy hầu hết những ván cờ thế lưu truyền nổi tiếng, ông đều nắm rất vững các nước biến, đồng thời phát hiện nhiều chiêu thức mới.
    Mùa xuân năm 1949, hội thể thao Tinh Võ ở Chợ Lớn tổ chức một giải Cờ lấy tên là “Giải vô địch Sài Gòn – Chợ Lớn”, Phạm Văn Sáng ghi tên tham dự và đã oanh liệt chiến thắng các cao thủ, đoạt lấy Cúp vàng danh dự. Chính ông là người có công nuôi dưỡng và dìu dắt Phạm Tấn Hòa nối tiếp truyền thống gia đình đi vào nghệ thuật cờ và đạt đến đỉnh vinh quang. Ông là người khiêm tốn, vui vẻ, hoạt bát nên mọi người trong làng cờ đều quý mến. Ông mất năm 1992, sau một cơn bạo bịnh, thọ 74 tuổi.

    7- THÁI SANH BÍNH (1915 – 1972)

    Đại đệ tử của Giáo Hội
    Danh thủ Thái Sanh Bính dù không có nhiều thành tích nổi danh, nhưng nhiều người biết tiếng vì ông có công đóng góp cho làng Cờ miền Nam trong giai đoạn đầu của sự phát triển.
    Thái Sanh Bính thường được biết đến với tên thường gọi là Bảy Ngài. Xuất thân từ tỉnh Chợ Lớn cũ. Là một người có nhiều năng khiếu từ thuở nhỏ, nên những môn chơi như “Cầm, Kỳ, Thi, Họa” đều biết đến. Năm 20 tuổi, ông đã xưng hùng xưng bá tại huyện Cân Đước bằng tài nghệ Cờ Tướng của mình. Năm 1935, lúc 20 tuổi, ông đã có một trận thư hùng với nhà vô địch tại Tân An là danh thủ Nguyễn Văn Thành, và đã oanh liệt chiến thắng với tỉ số 1 thắng 1 hòa, gây tiếng vang lừng lẫy. Vào năm 1948, ở tuổi 33, danh tiếng lại vang dội khi ông đánh bại vô địch tỉnh Sa-đéc là kỳ thủ Tư Hy. Mùa Xuân năm 1949 Hội Tinh Võ tổ chức một giải Cờ lớn, Thái Sanh Bính hăng hái ghi danh tham dự. Vào giai đoạn đầu ông đã tạo thành tích hạ được cao thủ của tỉnh Gia-định là Nguyễn Đình Lạc, nhưng khi vào vòng trong, ở những ván có tính cách quyết định, ông lại bị cảm, cơ thể và tinh thần mệt mỏi, nên đành chịu thất bại.
    Ông kết thân với một trong những đại danh thủ đương thời là Giáo Hội (Nguyễn Thành Hội). Từ năm 1950 đến khi Giáo Hội qua đời, tình bằng hữu giữa hai người rất gắn bó. Nhưng có một vết đen trong sự nghiệp Cờ của ông, là việc ông liên kết với nhà giáo Phạm Văn Khánh (người thường xuyên tổ chức những giải thi đấu) để sắp xếp kết quả có lợi cho riêng mình, nên mang nhiều tai tiếng.
    Công trạng lớn nhất của danh kỳ Thái Sanh Bính, là cùng với Nguyễn Thành Hội hợp soạn quyển “Việt Nam Tượng Kỳ Phổ”, và cùng cao thủ Lý Anh Mậu xuất bản quyển “Cờ Tướng”, góp phần không nhỏ vào việc đưa làng Cờ miền Nam đến giai đoạn phát triển.
    Người yêu Cờ Thái Sanh Bính mất năm 1972 sau một cơn tai biến mạch máu não, hưởng dương 58 tuổi.

    8- THÁI VĂN HIỆP (1919 -?)

    Lấy thủ làm công, lấy thoái làm tiến
    Danh kỳ Thái Văn Hiệp thường được gọi thân mật là “Thầy Ba Hiệp”, vì ông nhận rất nhiều đệ tử để truyền nghề. Quê quán có lẽ từ Gò Vấp, Gia-định. Khi cửa hiệu hớt tóc Đồng tâm của anh em kỳ thủ Phạm Văn Ngọc và Phạm Văn Sáng mở ra, thì Thái Văn Hiệp thường lui tới đánh Cờ. Lâu ngày họ thành bạn thân và có lần Thầy Ba Hiệp đưa vợ con đến câu lạc bộ nầy tá túc. Và từ đó ông cùng với anh em họ Phạm trở thành nòng cốt của Nhóm Đồng Tâm.
    Là một người rất say mê học hỏi từ sách vở Cờ tướng, dần dà hình thành một lý thuyết ra quân mà ông luôn tuân thủ. Ông tu luyện từ những pho sách cổ, như Ma Hoa Phỏ, Quất Trung Bí, Thạch Dương Di Cục và nghiên cứu những cách xuất quân của những kỳ thủ trong nhóm “tứ đại thiên vương” gồm có Châu Đức Dụ, Chung Trân và Tạ Hiệp Tốn. Từ khi ông có trong tay quyển kỳ phổ “Tượng Hí Câu Huyền” của Châu Đức Dụ biên soạn, ngày đêm nghiền ngẫm rất tâm đắc, công lực tiến triễn rất nhiều, có thể liệt vào hàng các danh thủ đầu đàn của làng Cờ miền Nam.
    Từ cuối thập niên 1960, do tuổi cao, mà cũng có thể vì trình độ Cờ tướng thế giới đang chuyển mình vượt bực, sức Cờ của ông bắt đầu sa sút. Những thế trận mà ông dày công tu luyện không còn sắc bén nữa, lớp người trẻ ào ạt tiến lên, uy hiếp trực tiếp vào vị trí đầu đàn của ông. Nhưng dầu vậy trước sau làng Cờ Sài-gòn vẫn luôn kính trọng và đánh giá cao sự nghiệp đóng góp của ông. Những danh thủ đương đại như Nguyễn Văn Tòng, Mạch Hữu Nghĩa, Trần Ngọc Lâu, Mai Thanh Minh và nhiều người nữa luôn tự nhận mình là đệ tử của “Thầy Ba Hiệp”!

    9- NGUYỄN ĐÌNH LẠC (1925 – 1959)

    Một tay Cờ tài tử
    Danh thủ Nguyễn Đình Lạc nguyên quán thị xã Tân An, nhưng lớn lên và nổi danh tại Bà Chiểu (thuộc tỉnh Gia-định). Ông là một tú tài trước năm 1945, làm nhân viên kế toán cho một công ty thương mại. Là người rất bận rộn với công việc làm ăn, Nguyễn Đình Lạc vẫn luôn yêu mến và giành nhiều thời gian cho việc nghiện cứu Cờ. Thuở còn là học sinh, thường xuất hiện trong chốn giang hồ, bất cứ ai khiêu khích, ông đều sẵn sàng ứng chiến và thường là người chiến thắng. Các danh thủ đàn anh như Phạm Văn Sáng, Thái Văn Hiệp cảm mến kỳ nghệ, mời Nguyễn Đình Lạc tham gia nhóm Đồng Tâm. Từ đó ông thường lui tới với anh em trong nhóm, học tập, trao đổi kinh nghiệm, trình độ Cờ trở nên sâu sắc, công lực ngày càng thâm hậu.
    Ban đầu Nguyễn Đình Lạc theo quan điểm “dĩ nhu thắng cương”, chuyên về thế thủ, nên những trận Cờ kéo dài rất lâu. Nhưng về sau, ông học với “Thầy Năm Sáng”, chịu ảnh hưởng tấn công, dùng Pháo Đầu làm vũ khí chiến lược, những ván Cờ trở nên linh hoạt, kết thúc nhanh và nhiều hứng thú. Năm 1951, ông tham dự Giải Cờ do hãng rượu Martell tổ chức và giành chức quán quân. Từ đó, ông luôn tìm kiếm những danh thủ để “lãnh giáo”. Bất cứ đánh với ai, ông cũng tỏ ra là người đảm lược, thường chiếm thế thượng phong.
    Tuy nhiên, tựu trung Nguyễn Đình Lạc luôn được xem là tay Cờ tài tử. Xem Cờ như một thú giải trí tao nhã, một nghệ thuật cao quý, đáng đam mê, không phải là phương tiện kiếm sống. Làng Cờ ai cũng tỏ ra quí trọng vì tính ông hòa nhã, điềm đạm, nói năng từ tốn, không làm mất lòng ai. Đặc biệt rất chân tình với anh em. Ai hỏi điều gì cũng hết lòng chỉ bảo, không dấu giếm, nên gần gủi với mọi người.
    Năm 1954, vừa mới 29 tuổi, ông có dấu hiệu bệnh lao, buộc phải ngưng đeo đuổi việc chơi Cờ. Vì thế công lực nhiều phần giảm sút. Mùa Thu 1958, sau cuộc đấu giao hữu với kỳ vương Lý Chí Hải, về nhà bệnh càng trầm trọng. Và chỉ một năm sau, ông lặng lẽ giã từ anh em, khi tuổi đời chỉ vừa 34. Thật là một mất mát quá sớm.



    10- LÝ ANH MẬU (1926 – 1977)
    Bạn của nàng tiên nâu
    Lý Anh Mậu là em ruột của nhà văn nổi tiếng Lý Văn Sâm. Xuất thân từ huyện Tân Uyên, thuộc tỉnh Biên Hòa. Thuở còn là thanh niên ông đã được nổi danh là “nhà vô địch Biên Hòa”, và thường được anh em gọi tên thân mật “Lý Anh Mô”. Sau năm 30 tuổi, ông dời về sinh sống tại Bà Chiểu thuộc tỉnh Gia-định, nên thường được xem là cao thủ thành Gia-định.
    Ngày xưa nhà thuốc Võ Văn Vân thường in trong tập quảng cáo những ván Cờ dịch từ sách Quất Trung Bí và Mai Hoa Phổ để làm chiêu câu khách. Và cậu bé Lý Anh Mậu đã theo dõi, học tập từ những trang nầy, sớm lãnh hội những tinh hoa của kỳ nghệ, nhanh chóng trở thành một trang thiếu niên cao cờ. Đến nỗi khắp đất Biên Hòa không ai đương cự nổi. Đầu năm 1944, lúc 18 tuổi, bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân đã đưa Lý Anh Mậu xuống Sài-gòn tìm gặp Hứa Văn Hải để thử tài. Hải rất mến mộ tài năng, đem nhiều tài liệu từ lâu mà mình yêu quí, giao cho Mậu với lòng mong muốn Mậu sẽ trở thành một kỳ thủ thống lãnh làng Cờ. Đây là một việc làm của Hứa Văn Hải mà ai ai cũng kinh ngạc, vì chưa bao giờ Hải làm cho một người nào.
    Năm 1948, Lý Anh Mậu tham dự đánh lôi đài ở sòng bạc Đại Thế Giới và được Hà Quang Bố dạy cho nhiều bài học quí báu. Từ đó giáo Bố rất thương mến, thâu nhận Mậu làm đệ tử, tận tình chỉ dạy. Trước khi qua đời Giáo Bố đã giới thiệu Lý Anh Mậu thay mình làm đài chủ, thủ đài cho sòng bạc Đại Thế Giới mãi đến năm 1954 mới thôi. Trong 5 năm thủ đài đó, Lý Anh Mậu đã rút tỉa nhiều kinh nghiệm, đúc kết nhiều bài học và hình thành quan điểm xem Cờ là một nghệ thuật cao quí, đòi hỏi người chơi một nhân sinh quan tốt đẹp, chiến thắng đối phương là do kỳ nghệ, chứ không phải bằng thủ đoạn tầm thường. Ông đã cố gắng đưa lý luận vào Cờ, mà ông gọi là “kỳ lý”.
    Đáng tiếc, khi được Đại Thế Giới trả lương hậu hĩnh, ông đã sa vào nàng tiên nâu. Á phiện đã làm hư con người, nhiều lần ông đã đi giang hồ kiếm sống và dùng mọc-phin chích cho thỏa cơn ghiền. Cả cuộc đời giành cho Cờ và nàng tiên nâu, không lập gia đình, không con cái. Ông mất vào cuối năm 1978 sau một cơn tai biến mạch máu não, hương dương 53 tuổi. “Bàn Cờ Nhỏ” ông đã thành toại mà “Bàn Cờ Lớn” của cuộc đời ông đã đánh rơi!
    Lý Anh Mậu nhận nhiều học trò, nhưng đóng góp lớn nhất cho hậu thế là hơn 10 quyển sách mà ông đã biên soạn nhằm phát huy nghệ thuật của một môn chơi trí tuệ.

    Sự khác biệt giữa cờ Tướng Việt Nam và Tượng kỳ Trung Hoa

      Trong số các quốc gia có môn cờ Tướng phát triển thì Việt Nam và Trung Hoa là 2 quốc gia nằm trong số đó, với thời gian khoảng trên 1.300 năm, bởi cờ Tướng hình thành ở 2 nước từ thế kỷ 7-8.

      Mặc dù có tới trên 1000 năm Bắc thuộc (từ năm 179TCN-939), cờ Tướng ở Việt Nam và Trung Hoa đã hình thành và phát triển ở thế kỷ 7-8 (trong thời kỳ Bắc thuộc bởi phong kiến phương Bắc xâm chiếm Việt Nam) song vẫn có những sự khác biệt giữa cờ Tướng ở Việt Nam và Tượng kỳ ở Trung Hoa, nhất là ở thời kỳ độc lập tự chủ hoàn toàn của Việt Nam, kể từ khi Ngô Quyền xưng vương vào năm 939.
      1. Sự khác nhau về tên gọi của môn cờ
      Từ cổ xưa cho đến tận bây giờ người Việt Nam vẫn dùng thuật ngữ "Cờ Tướng" để chỉ môn cờ mà ở đó có 32 quân (mỗi bên gồm 16 quân viết bằng chữ Hán với 1 Tướng, 2 Sĩ, 2 Tượng, 2 Xe, 2 Pháo, 2 Mã và 5 Tốt), được bày trên một bàn cờ với 10 đường kẻ ngang và 9 đường kẻ dọc, có cửu cung ở giữa và có dòng sông (được gọi là hà) ngăn đôi ở giữa bàn cờ. Người Việt Nam gọi tên môn cờ này theo tên gọi của quân Tướng là quân quan trọng nhất trên bàn cờ, đó là "Cờ Tướng" (General Chess).
      Cũng môn cờ đó ở Trung Hoa từ xa xưa người ta gọi môn cờ này là "Tượng kỳ" theo nghĩa chữ Hán là cờ hình tượng (không phải vì có quân Tượng trên bàn cờ). Cách gọi này ở Trung Hoa có từ thời trò chơi Chaturanga mới du nhập vào Trung Hoa, khi đó các quân cờ có hình tượng và có độ cao như cờ Vua ngày nay (Hình 1). Sau này khi chuyển đổi thành quân cờ tròn và dẹt, có chữ Hán viết ở trên, người Trung Hoa vẫn giữ nguyên tên gọi là "Tượng kỳ" (Xiangqi).
      Đó là sự khác nhau thứ nhất về tên gọi của môn cờ.
      hinh 1Hình 1: Bộ quân Tượng kỳ thời kỳ quân cờ có hình tượng (Ảnh: Tác giả, 2013).
      2. Sự khác nhau về tên gọi của các quân cờ
      Từ xa xưa ở Việt Nam có 2 loại trò chơi mà quân của chúng gần giống hệt nhau, đó là "Cờ Tướng" và trò chơi bài lá có tên gọi là "Tam cúc".
      Trong bộ bài Tam cúc có 32 quân, gồm 16 quân đỏ và 16 quân đen. Mỗi bên có 1 Tướng, 2 Sĩ, 2 Tượng, 2 Xe, 2 Pháo, 2 Mã và 5 Tốt. Chữ Hán dùng để thể hiện 7 loại quân này giống hệt nhau ở cả 2 bên và chỉ khác nhau về mầu sắc (đỏ và đen)
      hinh02 Hình 2: Bộ bài "Tam cúc" ở Việt Nam có 7 loại quân được viết chữ Hán giống hệt nhau cho cả 2 bên
      (Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt) đỏ và đen (Ảnh: Tác giả, 2013).
      Từ cổ chí kim 7 loại quân cờ trên bàn cờ Tướng Việt Nam vẫn thống nhất với tên của 7 loại lá bài trong bộ Tam cúc Việt Nam là: Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt và cách viết chữ Hán cổ (Tiếng Việt cổ của người Việt Nam bao gồm 3 loại chữ: Hán, Nôm và chữ quốc ngữ) trên 7 loại quân cờ Tướng và trên bộ bài lá Tam cúc là thống nhất hoàn toàn cho cả 2 bên và chỉ phân biệt bằng màu (đỏ và đen, trắng và đen, đỏ và xanh...): Đó là bộ quân cờ Tướng của Việt Nam (Hình 3 và Hình 4).
      cotuong vie hinh03Hình 3: 7 loại quân cờ Tướng trong bộ cờ Tướng của Việt Nam là Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt
      có chữ Hán viết giống hệt nhau cho cả 2 bên và chỉ khác nhau bằng màu sắc (Ảnh: Tác giả, 2013).
      cotuong vie hinh04Hình 4: Bàn cờ treo trong Giải cờ Tướng chợ phiên Hà Nội 1953, với chữ Hán viết trên 7 loại quân cờ ở hai bên giống hệt nhau,
      chỉ khác nhau về màu sắc (Ảnh: Tác giả sưu tầm từ Trịnh Đình Tạo).
      Trong bàn cờ cổ Chaturanga và trong bàn cờ Vua hiện đại, 6 loại quân (Vua, Hoàng Hậu, Xe, Tượng, Mã, Tốt) của 2 bên là giống hệt nhau và chỉ khác nhau về màu sắc (trắng và đen). Đó là cách làm khoa học và công bằng nhất.
      Về tên gọi của quân cờ trong cách ghi biên bản ván cờ Tướng bằng tiếng Việt hiện nay và trước đây, ghi ký hiệu viết tắt thống nhất cho cả 2 bên, được quy ước như sau:
      Tướng = Tg Sĩ = S Xe = X Mã = M Tượng = T Pháo = P Tốt = B
       Trong tiếng Việt có 3 quân cờ mà chữ viết tắt bị trùng nhau, đó là Tướng, Tượng và Tốt. Vì thế Luật cờ Tướng của Việt Nam đã quy định Tướng viết tắt là Tg.
      Có một thời (ở nửa sau của thế kỷ 20) chúng ta đã quy định Tượng viết tắt là V (tức Voi) và Tốt viết tắt là T. Cách quy định này tránh được sự trùng lặp và lại giữ được sự trong sáng của tiếng Việt. Song từ năm 1999, sau khi có Luật cờ Tướng sửa đổi cách ghi biên bản với quân Tượng là T và với quân Tốt là B (tức Binh, âm Hán cũng có nghĩa là người lính, tức Tốt). Ghi theo cách này chúng ta đã vay mượn chữ Hán (tức Trung Hoa hóa) cả 2 từ Tượng và Binh để chỉ tên gọi của quân cờ.
      Trong khi đó quân "Tượng kỳ" (cờ Tượng) của Trung Hoa lại có sự khác nhau trong cả cách viết chữ Hán lẫn mầu sắc của 7 loại quân cờ của 2 bên. Từ nhiều thế kỷ qua đến tận bây giờ ở Trung Hoa tồn tại 2 loại bộ quân Tượng kỳ có cách viết chữ Hán khác nhau.
      Loại thứ nhất, một bên có 7 loại quân là Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Binh (Hình 5, nhóm 7 quân bên dưới), còn bên kia có 7 loại quân là Soái, Sĩ, Tương, Xe, Pháo, Mã, Tốt (Hình 5, nhóm 7 quân bên trên).
      cotuong vie hinh05Hình 5: Sự khác nhau của 7 loại quân cờ ở 2 bên của bộ Tượng kỳ đang được lưu hành ở vùng nói tiếng Quảng Đông
      (phía Đông Nam Trung Hoa, Hồng Kông, Ma Cao) (Ảnh: Tác giả, 2013).
      Như vậy cả 7 loại quân cờ của 2 bên khác nhau hoàn toàn về chữ viết. Loại quân Tượng kỳ này thường được lưu hành ở vùng nói tiếng Quảng Đông, chủ yếu là ở vùng Đông Nam Trung Hoa xưa, Hồng Kông, Ma Cao… Hiện nay một số người Hoa sinh sống ở Việt Nam, có nguồn gốc, quê hương xa xưa từ Quảng Đông, Phúc Kiến thường hay sử dụng loại quân Tượng kỳ này.
      Loại thứ hai, một bên có 7 quân là Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt (Hình 6, 7 quân bên trên), còn bên kia có 7 loại quân là Soái, Sĩ, Tương, Xe, Pháo, Mã, Binh (Hình 6, 7 quân bên dưới). Như vậy 2 bên có 3 loại quân Xe, Pháo, Mã viết chữ Hán giống hệt nhau, song 4 loại quân còn lại có chữ Hán viết khác nhau. Loại quân Tượng kỳ này thường được lưu hành ở khu vực nói tiếng phổ thông Trung Hoa (miền Bắc, Trung và Tây Nam Trung Hoa, là khu vực đa dạng ngôn ngữ được biết đến dưới tên chung là tiếng Quan Thoại; Đài Loan; Đây cũng là 1 trong 4 ngôn ngữ chính thức tại Singapore).
      cotuong vie hinh06Hình 6: Sự khác nhau của 7 loại quân cờ ở 2 bên của bộ Tượng kỳ đang được lưu hành ở vùng nói tiếng phổ thông Trung Hoa
      (phía Bắc, Trung, Tây Nam Trung Hoa, Đài Loan) (Ảnh: Tác giả, 2013).
      Như vậy khi thi đấu cờ Tướng ở Việt Nam mà lại dùng quân của 1 trong 2 loại bộ Tượng kỳ Trung Hoa thì thật là khập khiễng, nhất là khi ghi biên bản ván cờ, chữ viết tắt của 2 bên như nhau (Tướng: Tg, Sĩ: S, Tượng: T, Xe: X, Pháo: P, Mã: M, Tốt: B), trong khi tên quân cờ chữ Hán lại khác nhau, nghĩa dịch sang tiếng Việt cũng khác nhau thì quả là điều bất cập!
      Vậy là ở Việt Nam chỉ có 1 loại bộ quân cờ Tướng truyền thống, với 7 loại quân Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo (bộ thạch), Mã, Tốt được viết bằng chữ Hán, giống nhau cho cả 2 bên, song chỉ khác nhau về màu sắc. Còn ở Trung Hoa có 2 loại bộ quân Tượng kỳ, với 7 loại quân cờ được viết bằng chữ Hán khác nhau cho cả 2 bên, đồng thời cũng khác nhau về mầu sắc. Một loại bộ quân Tượng kỳ thường dùng ở vùng nói tiếng Quảng Đông, loại bộ quân Tượng kỳ còn lại thường dùng ở vùng nói tiếng phổ thông Trung Hoa.
      Đó là sự khác nhau thứ 2, giữa bộ quân cờ Tướng Việt Nam và bộ quân Tượng kỳ Trung Hoa.
      3. Sự khác nhau về cách ghi biên bản ván cờ
      Từ năm 1954 trở về trước, cách ghi biên bản ván cờ Tướng của Việt Nam khác hẳn với cách ghi biên bản ván cờ ngày nay. Trên bàn cờ Tướng Việt Nam xưa, 9 cột dọc được ký hiệu bằng chữ in hoa, thứ tự từ trái qua phải là: A, B, C, D, Đ, E, G, H, I; Còn 10 hàng ngang được ký hiệu bằng số, thứ tự từ dưới (bên đi trước) lên (bên đi sau) là: 10, 9, 8, 7, 6, 5, 4, 3, 2, 1 (xem hình 4 bên trên).
      Hình 4 là ảnh chụp ván cờ của trận chung kết Giải vô địch cờ Tướng chợ phiên Hà Nội 1953, thi đấu tại khu vực Võ sĩ đoàn, đối diện với nhà hàng Thủy Tạ bên bờ hồ Hoàn Kiếm, giữa danh thủ Nguyễn Tấn Thọ (Hà Nội, bên đi trước) và danh thủ Đặng Đình Yến (Hà Nội, bên đi sau, người đã thắng ván cờ này và đoạt giải quán quân 1953). Sau 4 nước đi đầu tiên biên bản ván cờ được ghi (theo 3 cách để có sự so sánh: trước 1955, trước 1999 và từ 1999 đến nay) như sau:
      Bên đi trước: Nguyễn Tấn Thọ (Hà Nội), Bên đi sau: Đặng Đình Yến (Hà Nội)
      Cách ghi biên bản 
      trước năm 1955
      Cách ghi biên bản 
      trước năm 1999
      Cách ghi biên bản 
      từ năm 1999 đến nay
      1. Mg8 (Mã g8)
      ... Mc3 (Mã c3)
      2. Tg6 (Tốt g6)
      ... Tc5 (Tốt c5)
      3. Xi9 (Xe i9)
      ... Mg3 (Mã g3)
      4. Xd9 (Xe d9)
      1. M2+3 (Mã 2 tiến 3)
      ... M2+3 (Mã 2 tiến 3)
      2. T3+1 (Tốt 3 tiến 1)
      ... T3+1 (Tốt 3 tiến 1)
      3. X1+1 (Xe 1 tiến 1)
      … M8+7 (Mã 8 tiến 7)
      4. X1.6 (Xe 1 bình 6)
      1. M2.3 (Mã 2 tiến 3)
      … M2.3 (Mã 2 tiến 3)
      2. B3.1 (Tốt 3 tiến 1)
      … B3.1 (Tốt 3 tiến 1)
      3. X1.1 (Xe 1 tiến 1)
      … M8.7 (Mã 8 tiến 7)
      4. X1-6 ( Xe 1 bình 6)
      Qua cách ghi biên bản ván cờ của 3 thời kỳ khác nhau ta thấy rằng cách ghi biên bản ván cờ Tướng truyền thống của Việt Nam trước năm 1955 là hết sức khoa học: ghi theo tọa độ của điểm mà quân cờ sẽ đi đến mà không cần có thêm các ký hiệu tiến, thoái, bình nữa. Cách ghi biên bản này gần giống với cách ghi biên bản cờ Vua ngày nay.
      Trong khi đó cách ghi biên bản ván Tượng kỳ của Trung Hoa gần giống cách ghi biên bản của Việt Nam từ sau năm 1999. Đó là sự khác nhau thứ 3 về cách ghi biên bản ván cờ giữa cờ Tướng truyền thống của Việt Nam và Tượng kỳ Trung Hoa.
      4. Sự khác nhau về tính phù hợp của 4 binh chủng hợp thành
      Môn chơi thời cổ Chaturanga ở Ấn Độ có nghĩa là 4 binh chủng quân đội thời đó hợp thành: chiến xa, tượng binh, kỵ binh và bộ binh, trong đó 3 loại binh chủng chiến xa, kỵ binh và bộ binh thì rất phổ biến và hầu như quốc gia nào cũng có. Chỉ có tượng binh là binh chủng rất đặc biệt bởi đầu tiên nước đó phải có nhiều voi và sau đó voi phải được huấn luyện để tham gia chiến đấu.
      Voi chiến (tượng binh) là voi được huấn luyện dưới sự chỉ huy của con người để giao chiến. Mục đích chính là tấn công đối phương, dày xéo và phá vỡ hàng ngũ của quân địch. Chúng được sử dụng đầu tiên ở Ấn Độ, sau phép dùng voi chiến lan sang vùng Đông Nam Á và Trung Đông tới tận Địa Trung Hải. Theo sử cũ Hy Lạp cổ đại, quân Ấn Độ đã dùng tượng binh chống trả khi Nữ hoàng Semiramis của Đế quốc Assyria mở cuộc hành chinh đánh sang Ấn Độ. Cyrus Đại Đế của Đế quốc Ba Tư (năm 530 TCN) và Alexandros Đại Đế của Vương quốc Macedonia (năm 326 TCN) cũng gặp phải đoàn tượng binh của Ấn Độ. Thời kỳ cổ đại, văn minh Ấn Độ đề cao giá trị của loài voi trong chiến tranh. Họ ví rằng "Quân đội mà không có tượng binh thật đáng coi thường, khác gì rừng không có sư tử, nước không có vua, hay lòng can đảm mà đánh bằng tay không” (Wikipedia, 2013). Voi chiến còn phát triển mạnh ở Myanmar, Thái Lan...
      Tại Việt Nam, kỹ thuật sử dụng voi chiến đã có từ khá sớm. Các tài liệu Việt Nam và Trung Quốc từng ghi nhận trong cuộc khởi nghĩa ở Mê Linh của Hai Bà Trưng năm 40 (thế kỷ 1 sau Công nguyên) đã sử dụng lực lượng voi chiến đánh lại quân nhà Đông Hán. Rất nhiều hình ảnh ghi nhận Hai Bà chỉ huy trên mình voi (Hình 7). Một hình ảnh tương tự ghi nhận rằng Bà Triệu năm 248 cũng sử dụng voi chiến trong cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô (thời Tam Quốc).
       cotuong vie hinh07Hình 7: Năm 40, Hai Bà Trưng (Việt Nam) đánh đuổi Tô Định (Đông Hán, Trung Hoa)
      (Nguồn: Tranh dân gian Đông Hồ, Bắc Ninh).
      Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, voi chiến được xem là một lực lượng đặc biệt sử dụng trong chiến trận. Do thế phòng thủ trước các triều đại phương Bắc, vốn không có tượng binh, thì ưu thế của phía Việt Nam về lực lượng tượng binh là rõ rệt, chẳng hạn như việc sử dụng tượng binh trong chiến dịch nghĩa quân Lam Sơn ra Bắc hay quân Tây Sơn công phá thành Ngọc Hồi vào ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu, 30/1/1789. Sự phát triển vượt bậc chính là sự kiện vua Quang Trung đã đặt pháo trên lưng voi trong chiến dịch đánh thành Ngọc Hồi làm quân Mãn Thanh phải khiếp sợ. Thực tế là các lực lượng quân sự Việt Nam đã huấn luyện và sử dụng lực lượng voi chiến trong cả nghìn năm lịch sử.
      Khi hình thái chiến tranh hiện đại bắt đầu, voi chiến trở nên lỗi thời trước sức mạnh của đại bác, nhà Nguyễn vẫn tiếp tục huấn luyện lực lượng voi chiến trong đội tượng binh của quân đội nhà Nguyễn. Các cuộc tử chiến giữa voi và hổ nhằm tế thần trong ngày hội và phục vụ nhu cầu giải trí tiêu khiển cho vua, quan lại và người dân vẫn được tổ chức tại Hổ Quyền (kinh thành Huế). Trận đấu voi - hổ cuối cùng được ghi nhận vào năm 1904, dưới triều vua Thành Thái (Hình 8 và 9).
      cotuong vie hinh08Hình 8: Nghi vệ voi chầu của triều đình Huế  (Ảnh: Wikipedia, 2013).
      cotuong vie hinh09Hình 9: Voi được đưa ra sân đấu tại Hổ quyền ở kinh thành Huế (Ảnh: Wikipedia, 2013).

      Ở Trung Hoa, việc sử dụng những con voi chiến tương đối hiếm so với các nơi khác. Những ghi chép sớm nhất về việc sử dụng voi của họ diễn ra vào cuối năm 554 khi nhà Tây Ngụy triển khai hai con voi chiến mặc giáp sắt từ Lĩnh Nam trong trận chiến, điểu khiển bởi những nô lệ Mã Lai, và được trang bị tháp bằng gỗ và những thanh gươm gắn chặt vào cái vòi của chúng. Các con voi đã phải quay đầu bỏ chạy bởi các mũi tên của cung thủ.
      Điều đó cho thấy tại sao khi Chaturanga vào Việt Nam được chuyển đổi thành cờ Tướng dễ được người Việt Nam chấp nhận và phổ biến nhanh chóng không chỉ ở tầng lớp trên mà cả trong quân đội và nhân dân ở tất cả các lễ hội trong mọi vùng đất nước, bởi hình ảnh quân Tượng có liên quan mật thiết đến tượng binh (voi chiến) trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Vì thế trong tiếng Việt người Việt Nam chưa bao giờ gọi quân Tượng là quân Tương (bộ Tượng kỳ của Trung Hoa có quân Tương, 相) và trong bộ cờ Tướng truyền thống của người Việt Nam chỉ có duy nhất một chữ Hán cổ của người Việt gọi là chữ Tượng (象, tức voi). Trong số các quốc gia có môn cờ Tướng phát triển thì Việt Nam và Trung Hoa là 2 quốc gia nằm trong số đó, với thời gian khoảng trên 1.300 năm, bởi cờ Tướng hình thành ở 2 nước từ thế kỷ 7-8.
      Mặc dù có tới trên 1000 năm Bắc thuộc (từ năm 179TCN-939), cờ Tướng ở Việt Nam và Tượng kỳ ở Trung Hoa đã hình thành và phát triển ở thế kỷ 7-8 (trong thời kỳ Bắc thuộc bởi phong kiến phương Bắc xâm chiếm Việt Nam) song vẫn có những sự khác biệt giữa cờ Tướng ở Việt Nam và Tượng kỳ ở Trung Hoa, nhất là ở thời kỳ độc lập tự chủ hoàn toàn của Việt Nam, kể từ khi Ngô Quyền xưng vương vào năm 939.
      Với ý nghĩa đó tác giả đề xuất đưa cờ Tướng và cờ Vua Việt Nam bổ sung vào bản đồ Cờ Thế giới với tên đầy đủ tiếng Việt và tiếng Anh để làng cờ thế giới hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa - lịch sử của cờ Tướng nước ta (Hình 10).
      cotuong vie hinh10Hình 10: Bản đồ phân bố các môn cờ trên thế giới
      (Ảnh: Google, 2013 và tác giả bổ sung phần Việt Nam, 2013).

      Vì sự trong sáng của Tiếng Việt và vì sự giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam trong môn cờ Tướng, mong rằng ngành Thể dục thể thao và Liên đoàn Cờ Việt Nam sớm có những điều chỉnh thích hợp với các bộ quân cờ đang được sử dụng thi đấu và cách ghi biên bản ván cờ bằng tiếng Việt trong các giải đấu phong trào và đỉnh cao ở Việt Nam.
      PGS.TS Lưu Đức Hải

        Không có nhận xét nào:

        Đăng nhận xét