Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

KIẾP GIANG HỒ 49

(ĐC sưu tầm trên NET)

Đường hoàn lương kỳ lạ của những tướng cướp khét tiếng

    (ĐSPL) - Hành trình hoàn lương của những kẻ tội đồ một thời từng là tướng cướp khét tiếng luôn khó khăn, gian nan và xem ra cũng thật kỳ lạ. 
    Hay nói như Thiếu tá Ngô Văn Quảng, Trưởng công an phường Thuận Phước, phường Thuận Phước, quận Hải Châu (Đà Nẵng) thì “Đóng góp và quyết tâm hoàn lương của một người từng vào tù ra tội này rất đáng trân trọng”.
    Mỹ “Đen” và con đường trở về từ những lầm lỗi.
    Sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo đói, từ nhỏ, Mỹ đã sớm lang thang theo đám ‘anh chị’ ở Đà Nẵng đi cướp giật. Hai lần đi tù, 7 năm trốn truy nã, thế nhưng giờ đây ông Mỹ lại là ‘khắc tinh’ của tội phạm tại Đà Nẵng, giúp công an phá hàng trăm vụ án.
    17 tuổi, Mãi Xuân Mỹ đu tàu vào Sài Gòn ôm mộng làm giàu. Tàu đến ga Bình Thuận,  Mỹ gặp một nhóm thanh niên con đồ và gia nhập băng nhóm bọn chúng. Bắt đầu từ đây, Mỹ sa chân vào vũng lầy phạm tội.
    Đường hoàn lương kỳ lạ của những tướng cướp khét tiếng - Ảnh 1
    Tướng cướp Mỹ "đen" đã giúp phá hàng trăm vụ án
    Cùng với đồng bọn của mình trong vai người bán bánh mỳ, giấu hung khí trong thúng, nhóm của Mỹ là nỗi khiếp sợ với khách đi tàu qua ga Đà Nẵng vào những năm 1980. Khi băng cướp bị triệt phá, Mỹ lĩnh án 5 năm tại trại giam Bình Long, tỉnh Bình Phước.
    Mãn hạn tù, đầu năm 1985 Mỹ về Đà Nẵng làm nghề thợ nề. Rồi Mỹ gặp cô gái gốc Thái Nguyên và nên duyên vợ chồng. Tết năm 1990, đưa vợ con về Đà Nẵng ra mắt họ hàng, cuộc đời của Mỹ tưởng như bước sang trang mới.
    Tuy nhiên, trong lúc cùng đám bạn đánh bài đầu năm, Mỹ xô xát với một người hàng xóm và chém chết anh này. Bị truy nã, Mỹ bỏ trốn, lang thang ở đất Bắc mưu sinh bằng nghề thợ xây.Cuộc sống khó khăn, Mỹ quay lại giang hồ, “kiếm ăn” ở Kỳ Lừa (Lạng Sơn).
    Mỹ chiêu mộ dưới chướng hàng chục đàn em, được giới giang hồ biết đến với biệt danh Mỹ “Đen”. Không bao lâu sau, đại ca gốc Đà thành này bị dân anh chị vùng biên “ghét” vì tranh chấp địa bàn làm ăn. Sau trận huyết chiến giữa đêm, Mỹ bị truy sát buộc phải tháo chạy về Quảng Ninh.
    Gặp người đồng hương đang là giám đốc một công ty xây dựng, qua vài câu chào hỏi Mỹ đã bị “đọc vị” là kẻ giết người đang bị truy nã. “Anh ấy ở gần nhà tôi nên không cách nào chối tội được. Anh ấy khuyên tôi ra đầu thú, hứa nếu cải tạo tốt và sớm ra tù sẽ được nhận vào làm ở công ty”, Mỹ nhớ lại.
    Trả xong án tại trại giam Bình Điền (Thừa Thiên – Huế), Mỹ trở về Đà Nẵng. Với lý lịch nhiều “tì vết”, Mỹ chẳng kiếm được công việc tử tế, ở tuổi tứ tuần, anh ta ra cảng cá làm nghề bốc vác.
    Và từ năm 2000, Mỹ “Đen” trả nợ đời bằng việc tham gia lực lượng dân phòng. Với kinh nghiệm giang hồ, Mỹ nhập vai từ người bán vé số, lượm ve chai… để giúp công an phá hàng trăm vụ án.
    Ngồi thu mình trong quán cà phê mặc cho nắng hắt vào khuôn mặt sạm đen và mái tóc màu muối tiêu, ông Mai Xuân Mỹ, Đội trưởng dân phòng phường Thuận Phước, quận Hải Châu (Đà Nẵng) trầm ngâm nuối tiếc tuổi thanh xuân khi tham gia băng nhóm giang hồ.
    Nữ tướng cướp xinh đẹp "2 tay 2 súng"
    Khoảng 20 năm về trước, vùng đất Nhơn Trạch (phía tây nam của tỉnh Đồng Nai) vốn nổi tiếng là “miền đất hứa” của những băng cướp khảo khấu ở vùng rừng thiêng nước độc, trong đó băng cướp do bà Tám Lũy cầm đầu là hoạt động dữ dội nhất.
    Đường hoàn lương kỳ lạ của những tướng cướp khét tiếng - Ảnh 2
    Nữ tướng cướp Tám Lũy xinh đẹp khét tiếng một thời
    Tám Lũy tên thật là Trần Thị Liễu (còn có tên khác là Trần Thị Tép, sinh năm 1936), từng là một phụ nữ xinh đẹp, con gái rượu của võ sư, tướng cướp Trần Văn Rốp (tức Mười Rốp) ở vùng đất Phú Hữu, Nhơn Trạch vào thời kỳ Pháp thuộc. Không ai ngờ rằng cô gái hiền lành, cần cù năm nào lại có thể trở thành nhân vật của những giai thoại của một dòng họ có đến 4 thế hệ làm nghề trộm cướp.
    Được biết, tay chân, thuộc hạ của bà Tám Lũy là những đứa con ruột và người trong dòng họ với tổng số gần 25 người.
     Để đủ sức uy hiếp nạn nhân và “cạch mặt” lại các băng cướp khác, nữ tướng cướp Tám Lũy chỉ đạo thuộc hạ trang bị dao, lưỡi lê cùng nhiều vũ khí, đạn dược vốn còn sót lại từ thời chiến tranh với tổng cộng cả chục khẩu súng và hàng ngàn viên đạn. Các loại vũ khí này được cất giấu ngay tại sào huyệt ở ấp Bến Đình, giồng Ông Đông.
    Sau ngày 30-4-1975, băng cướp Tám Lũy với hơn 30 năm hoành hành trên các vùng sông nước Đông - Tây Nam bộ đã gieo rắc biết bao tội ác. Lúc cao điểm, băng này có hàng chục đối tượng, hơn 10 súng, tiểu liên các loại, lựu đạn, mã tấu, xuồng máy...
    Chúng dám tấn công cả vào lực lượng công an, dân quân, bắn chết, làm bị thương nhiều CBCS công an, du kích và thường dân vô tội... Qua quá trình đấu tranh gian khổ, kiên trì, lực lượng Công an TPHCM, Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam bộ đã triệt phá băng cướp Tám Lũy. 
    Sau rất nhiều sóng gió do băng cướp Tám Lũy gây ra, giờ đây vùng đất Nhơn Trạch lại trở về với sự bình yên để tập trung vào công cuộc phát triển.
    Đâu đó trong cuộc đời, ở vào cái tuổi xế chiều, nữ tướng cướp lừng lẫy một thuở đang phải sống trong cảnh cô quạnh,  lầm lũi trước những sám hối do tội ác  mình đã gây ra, mà bà gọi đó là nghiệp chướng dù trả cả kiếp này cũng không hết.
    Dũng “tù”: Tướng cướp phá gần 200 vụ án
    Mười bảy tuổi, Dũng đã cầm đầu hàng trăm “lâu la” gây ra nhiều vụ hỗn chiến, nhằm khẳng định bản lĩnh cũng như đánh bóng thương hiệu Dũng “tù”.
    Sau những trận hỗn chiến, Dũng “tù” không chỉ nhận được cái nhìn nể sợ của giới giang hồ nhí mà nhiều tay giang hồ sừng sỏ của Đà Nẵng cũng muốn Dũng về đầu quân dưới trướng của mình.
    Đường hoàn lương kỳ lạ của những tướng cướp khét tiếng - Ảnh 3
    Dũng "tù" tham gia phá gần 200 vụ án
    Dũng “tù” có tên đầy đủ là Võ Tấn Dũng (SN 1978, ngụ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), sinh ra trong một gia đình chỉ có hai chị em, bố mẹ là dân lao động chân tay.
    Từ bé, Dũng đã được nuông chiều như cậu ấm, vì nhà chỉ có duy nhất Dũng là con trai. Nhưng rồi Dũng thiếu đi sự quan tâm của bố mẹ, Dũng bỏ học giữa chừng và trở thành một tay anh chị có tiếng.
    Được sự quan tâm của ban lãnh đạo công an và chính quyền phương Hòa Minh, Dũng “tù” đi học tập cải tạo tại trung tâm giáo dưỡng Hòn Cát (tỉnh Quảng Trị) với thời hạn hai năm.
    Ngày trở về, Dũng “tù” nhận ra được nhiều điều đáng quý trong cuộc sống. Bằng món nghề sửa xe máy học được trong thời gian đi “lao động”, anh mở một tiệm sửa xe. Từ đó, những manh mối về đường dây trộm cắp xe máy Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ được triệt phá.
    Không những vậy, năm 2004, khi đang  hành nghề xe ôm ở khu vực ngã ba Hòa Mỹ (TP.Đà Nẵng), phát hiện kẻ gian đột nhập chùa Quang Minh, anh Dũng “tù” đã trực tiếp đấu tranh với kẻ gian. Lần đó tuy không bắt được kẻ trộm nhưng anh đã giúp chùa Quang Minh giữ lại số cổ vật vô cùng quý báu của mình.
    Nhận thấy sự thay đổi tích cực trong con người anh Dũng “tù”, cơ quan công an phường Hòa Minh nhiều lần khen thưởng động viên, đưa anh vào đội dân phòng của phường, nhưng anh đều từ chối.
    Hai lần nhận quyết định của công an phường Hòa Minh thì hai lần anh trả lại quyết định vì thấy mình chưa xứng đáng. Năm 2008, anh nộp đơn xin gia nhập lực lượng dân phòng của phường, khi nhận thấy mình đủ bản lĩnh để đương đầu với các loại tội phạm.
    Nhờ đó, chưa đầy năm năm tham gia lực lượng dân phòng, anh đã tham gia phá gần 200 vụ cướp lớn bé khác nhau, bắt hàng trăm tên cướp táo tợn, góp phần đưa Hòa Minh từ một phường có tình hình phức tạp nhất TP.Đà Nẵng thành là cờ đầu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc của thành phố.
    Với những việc làm có ích cho xã hội hiện nay, anh Dũng xứng đáng trở thành tấm gương sáng cho những người từng một thời tù tội, khi quay trở về với cuộc sống đời thường.
    Minh Hiền (tổng hợp)

    Hành trình hoàn lương của tướng cướp khét tiếng một thời

    Dân trí Từng là một tướng cướp có “máu mặt” gây ra nhiều vụ trộm cắp, cướp giật tại khu vực Nam Ô, những tưởng anh sẽ chẳng thể quay đầu. Nhưng nhờ lòng bao dung của những người thân, đặc biệt là người vợ rất mực yêu thương, anh đã hoàn lương.

    Anh là Lê Xuân Hiệp (sinh năm 1968), thành viên đội dân phòng cơ động thuộc Công an phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.

    “Tay anh chị” khét tiếng một thời

    Những năm sau giải phóng, khu vực Nam Ô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là một điểm nóng về tình hình an ninh trật tự. Nhiều băng nhóm cướp giật, trộm cắp tài sản lộng hành,  là nỗi khiếp sợ của người dân. Lúc đó cậu thanh niên Lê Xuân Hiệp thất học nghe theo lời rủ rê của những đối tượng xấu thường xuyên gây ra những vụ trộm cắp, cướp giật táo tợn trên địa bàn.

    “Tôi học hết lớp 2 đã phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Sau đó, cha mẹ lần lượt qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Không có sự quan tâm, chỉ bảo từ phía gia đình, tôi gia nhập hội ăn chơi và sau đó gây ra những vụ trộm cắp trên địa bàn để lấy tiền nhậu nhẹt”- anh Hiệp nhớ lại.
     
    Hành trình hoàn lương của tướng cướp khét tiếng một thời
    Cũng trong thời gian này, nhóm “đầu gấu” của Hiệp đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp xe máy, có lúc táo tợn hành sự giữa ban ngày. Ban đêm, băng nhóm của Hiệp lần mò đến từng nhà dân, thấy nhà ai sơ hở là lập tức trộm cắp lấy tiền ăn chơi. Sau những lần trộm cắp, băng nhóm này ra biển Nam Ô nhậu nhẹt, gây gổ hành hung người dân, thanh toán các băng nhóm trộm cắp khác… Với những hành vi trộm cắp, cướp giật, uống rượu gây gổ đánh người, Hiệp đã rơi vào vòng lao lý.

    Năm 2004, Hiệp bị công an bắt và đưa đi cải tạo tại trại tạm giam An Điền (huyện Đại Lộc - Quảng Nam). “Trong những năm sống ở trại cải tạo, phải tự mình lao đông sản xuất mới có thực phẩm để sống, tôi mới hiểu rõ giá trị của sức lao động. Nhớ lại những ngày lang bạt, nay đây mai đó, tụ tập bạn bè làm những việc xấu, tôi mới ngộ ra rằng sống trên đời mà không có mục đích sống, lý tưởng sống thì thật là vô nghĩa. Suy nghĩ nhiều, tôi quyết tâm cải tạo thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội” - Anh Hiệp tâm sự.

    Sau những năm cải tạo tốt, có chuyển biến tích cực, anh được đặc xá trả tự do trước 1 năm. Năm 2008, anh nên duyên với chị Hà Thị Kim Ánh, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.

    Hoàn lương

    Tình yêu với chị Ánh đã cảm hóa anh thật sự trở thành một con người lương thiện. Tiếp xúc với chúng tôi, anh từ tốn, ít nói nhưng rất hay cười. Nói chuyện lần đầu, ít ai biết rằng trước kia anh là một tên cướp khét tiếng ở khu vực này. Lúc mới về địa phương, nhiều người còn tỏ ra e dè, kỳ thị vì những lầm lỡ mà anh đã gây ra cho họ trước đây. Điều đó càng khiến anh quyết tâm thay đổi mình.
     
    Anh Hiệp đi tuần tra đêm, giữ gìn bình yên cuộc sống
    Anh Hiệp đi tuần tra đêm, giữ gìn bình yên cuộc sống

    Hằng ngày, anh Hiệp phụ người vợ làm bánh tráng bán, rồi anh tìm đến những công trường xây dựng xin làm phụ hồ. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh Hiệp đã được gọi vào làm thành viên đội dân phòng cơ động 7661, trực thuộc công an phường Hòa Hiệp Nam, ngày đêm tuần tra gìn giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Cách đây không lâu, đội dân phòng cơ động của anh đã lập chiến công lớn khi đã khống chế được một nhóm trấn lột trên bãi biển Nam Ô.

    “9h tối, nhóm chúng tôi tuần tra trên đường biển Nguyễn Tất Thành, nghe tiếng tri hô của người dân chúng tôi lập tức chạy xe đến hiện trường. Sau đó, chúng tôi phát hiện có một nhóm trấn lột túi xách của người dân nên lập tức dí theo khống chế nhóm cướp giật. Sau khi khống chế được đối tượng chúng tôi liền liên lạc với công an phường và sau đó trả lại đồ bị cướp cho nhân dân.”- anh Hiệp bày tỏ.

    Trung tá Nguyễn Văn Quân- phó trưởng công an phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), cho biết Lê Văn Hiệp là một thành viên tích cực trong đội dân phòng cơ động 7661. Anh Hiệp đã cùng với lực lượng công an quy quét rất nhiều băng nhóm trộm cướp, phối hợp với công an phường bảo vệ an ninh trật tự trong khu dân cư mình sinh sống.

    Hằng đêm, nhóm dân phòng của anh Hiệp lại trắng đêm tuần tra bảo vệ an ninh, trật tự cho từng mái nhà, từng giấc ngủ của người dân được bình yên.

    Hà Thế An

    Hành trình hoàn lương của những đại ca khét tiếng một thời

    Dẫu con đường hoàn lương không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhất là đối với những "dân anh chị", những trùm giang hồ khét tiếng một thời nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, nhờ vòng tay người thân, gia đình và sự cảm thông của xã hội, họ đã trở thành những công dân có ích.

    Đồng Trọng Dũ từng hai lần đi tù đã hoàn lương nhờ điểm tựa gia đình
    Từng hai lần đi tù vì tội cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy và chống người thi hành công vụ, cuộc đời của chàng trai Đồng Trọng Dũ (35 tuổi, trú phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi) đã rẽ sang hướng mới khi hoàn lương làm lại cuộc đời nhờ điểm tựa của gia đình và sự cảm thông, giúp đỡ của xã hội.
    Sinh ra trong gia đình có ba mẹ nhưng không êm ấm trong cuộc sống, Dũ thường xuyên chứng kiến những cuộc cãi vã của ba mẹ làm không khí trong gia đình lúc nào cũng gay gắt. Không ai quan tâm, Dũ bắt đầu thường xuyên cúp học, đi ăn chơi lêu lổng cùng bạn bè.
    Năm lên lớp 9, Dũ bỏ học, bắt đầu sa đọa vào những cuộc vui thâu đêm, suốt sáng, lang bạt khắp nơi. Người Dũ bắt đầu có những hình xăm nhỏ rồi sau đó là cả cơ thể trọn một “màu xanh” mà mới nhìn vào người ta đã nghĩ ngay tới là du côn, đại ca giang hồ. Những cuộc ẩu đã của nhóm Dũ đã gây ra không biết bao nỗi lo sợ cho người dân phường Trần Phú và những nơi nhóm Dũ đi qua.
    Ngày ra tù, chỉ có hai bàn tay trắng, nhìn thấy bạn bè ngày xưa giờ đã có nghề nghiệp ổn định, có vợ con với cuộc sống gia đình êm ấm. Dũ “thèm” cái cuộc sống bình dị và ổn định để làm lại cuộc đời. Thật may mắn khi Dũ gặp được anh Lê Hoàng Tuấn Kiệt (44 tuổi, thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa) là chủ một trạm trung chuyển hàng hóa nhận vào làm việc. Công việc thường ngày của Dũ là bốc xếp hàng hóa, cùng đi giao hàng cho tiểu thương tại chợ.
    Dũ được anh Kiệt nhận vào làm đến nay đã hơn 4 năm với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Khi công việc đã dần ổn định, Dũ đã quen và cưới vợ để cùng chăm lo cuộc sống. Hiện tại, hai vợ chồng đã có đứa con hơn 3 tháng tuổi.
    Dũ tâm sự: “Rất may mắn tôi được anh Kiệt nhận vào cho công việc để làm, dù còn lắm vất vả nhưng chính nhờ tổ ấm gia đình, gánh trên vai trách nhiệm tôi mới thấm thía và có niềm tin hướng tới trong cuộc sống. Những ngày tháng tươi sáng đang ở phía trước, tôi thấy hạnh phúc vì mình đã có điểm tựa gia đình, những người thân bên cạnh giúp đỡ".
    Giờ đây, ở phường Trần Phú, người dân đã không còn biết đến Dũ từng một thời là đại ca giang hồ nữa mà thay vào đó là tấm gương một thanh niên hoàn lương trên con đường làm lại cuộc đời.
    Đại ca “Quạ đen” – Nguyễn Viết Toán giờ trở thành ông chủ của một cơ sở đúc chậu cảnh lớn ăn nên làm ra ở Quảng Trị
    Từ chàng thanh niên chân đất đến đại ca “Quạ đen” là hành trình lầm lỗi của chàng trai Nguyễn Viết Toán (35 tuổi) ở thôn Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Toán được sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo có 4 người con. Gia cảnh bần hàn nên anh em Toán học hết tiểu học phải ở nhà phụ giúp bố mẹ kiếm sống. Năm 16 tuổi, Nguyễn Viết Toán bỏ nhà theo đám bạn lang bạt vào các tỉnh miền Nam tìm kế sinh nhai. Điểm dừng chân đầu tiên của anh là tỉnh Đắc Lắc rồi chuyển sang Nông trường cao su Phú Riềng, thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé (cũ). Dựa vào mối quan hệ, Toán được nhận làm quản lý công nhân trồng cao su. Chăm chỉ, nhanh nhạy trọng công việc, không lâu sau, Toán được cử đi học nghề lái xe rồi chuyển hẳn sang nghề lái xe tải. Cũng chính trên những chặng đường rong ruổi này, Toán có cơ hội va vấp, cọ xát nhiều với những cám dỗ của cuộc đời. Từ đó, bước chân của chàng trai chất phác gốc Quảng Trị rẽ sang một hướng khác.
    Năm 1998, khi công việc đang dần ổn định, Nguyễn Viết Toán đi nghe theo lời rủ rê của đám bạn xấu gia nhập vào băng nhóm chuyên cướp giật "Quạ Đen". Nhóm này quy tập được 12 thanh niên choai, vô công rồi nghề do một người có biệt danh là Hải “lé" cầm đầu. Tuy nhiên, thời đó, tiếng tăm của nhóm này đang rất nhạt nhòa, tiếng nói chưa có trọng lượng trong giới giang hồ. Phải đến khi, Nguyễn Viết Toán giành được cương vị cầm đầu Hải “lé” thì băng “Quạ đen” mới có số má và bắt đầu gây được tiếng vang trong khu vực. Thời điểm đó, cứ nhắc đến băng cướp này mọi người đều toát mồ hô, run sợ. Đi đến đâu, cái tên Toán “Quạ đen” lại trở thành nỗi khiếp đảm của mọi người. Có tiền, tướng cướp cho đàn em ăn chơi hút chích. Khi lương cạn, chúng lại đi lùng sục khắp nơi mọi chốn để cướp của.
    Theo lẽ tự nhiên, tung hoành ngang dọc được khoảng ba năm thì băng nhóm "Quạ Đen" sa lưới công an. Nguyễn Viết Toán và đàn em lần lượt rơi vào vòng lao lý để đền tội cho những gì chúng gây ra. Những tháng ngày trong nhà lao, ăn cơm tù, gã đã nghiệm ra những giá trị của một cuộc sống lương thiện. Giờ đây, hắn cũng khao khát một mái ấm gia đình, có con và được sống trong hạnh phúc. Ước mơ tuy đơn giản nhưng đối với Toán thật xa vời. Sau khi mãn hạn tù, Nguyễn Viết Toán quay lại với nghề thợ xây. Hắn lao đầu vào làm ăn để quên đi những tháng ngày đen tối. Nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực Toán nhanh chóng trở thành ông chủ thầu xây dựng ở Phú Riềng.
    Từ hai bàn tay trắng, Toán đã trở thành ông chủ của một cơ sở đúc chậu cảnh lớn ăn nên làm ra ở Quảng Trị. Toán bảo, nghề làm chậu cảnh đã giúp gã khẳng định mình trên thương trường và tạo điều kiện để gã giúp đỡ những người nghèo khó, những người cùng cảnh ngộ. Đây thực sự là cái kết vẹn toàn của một đại ca từng “chọc nước khuấy trời”.
    Người đàn ông đã từng có một thuở làm nhiều người phải khiếp đảm – Nguyễn Minh Hoàn
    Chắc hẳn người dân Nghệ An vẫn không thể quên cái tên Hoàn "sứt". Hoàn "sứt" tức Nguyễn Minh Hoàn (SN 1971, xã Lý Nhân, huyện Yên Thành, Nghệ An từng trở thành nỗi khiếp sợ của bao nhiêu người và có hai lần ra tù vào tội. Hoàn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại quê lúa Yên Thành. Sau khi ra quân, Hoàn làm bảo kê cho một công ty chuyên sản xuất phân bón giả để có tiền trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho mẹ.
    Đứa con có hiếu trở thành một đại ca khét tiếng từ đó, Hoàn thu phục được nhiều "đàn em". Một ngày cuối năm 1990, một tay “anh chị” ở nơi khác đến tranh giành lãnh địa làm ăn, Hoàn thực hiện “nhiệm vụ” bảo kê của mình.
    Hai bên xảy ra ẩu đả, “Hoàn sứt” đã làm cho đối thủ bị thương nặng phải nhập viện. Hoàn bị công an bắt giam và nhận bản án 9 tháng tù giam về tội “cố ý gây thương tích”.
    Sau khi ra tù, vẫn thói côn đồ không bỏ được, Hoàn sứt lại tiếp tục phạm sai lầm khi chuyển sang kiếm tiền bằng cách làm "bảo kê" tại các bến bãi trong huyện. Với cái “mác” đi tù về gã thu nạp hàng chục đàn em dưới trướng để giải quyết mâu thuẫn với bất cứ ai cần, bất cứ việc gì. Trộm cắp, đâm chém đến mở sòng bài, dắt "gái làng chơi",… tiếng tăm của “Hoàn sứt” thời bấy giờ vang khắp cả mấy huyện quanh vùng đó. Rồi Hoàn cũng phải trả giá cho việc làm của mình. Trong một lần tranh cướp địa bàn, Hoàn bị bắt và nhận bản án 4 năm tù giam.
    Lần vào tù thứ hai thì cũng là lần vợ Hoàn, chị Nguyễn Thị Hiền sinh đứa con thứ hai. Một tay ôm con, một tay chạy chợ khắp nơi, vừa nuôi con, vừa chăm sóc bố mẹ chồng già yếu chị vẫn thăm nuôi chồng vài tháng một lần.
    Thế rồi, cái cảnh vợ Hoàn một tay bồng con, một tay dắt con vào thăm nuôi Hoàn tại trại giam khiến trái tim hắn bắt đầu biết suy nghĩ. Hắn chăm chỉ cải tạo tốt và được ra tù trước thời hạn. Những ngày tháng trong tù, nhìn hai đứa con nheo nhóc gầy gò vì thiếu bàn tay chăm sóc của người cha đã thức tỉnh được con người gã.
    Thời gian một mình chăm con, chăm cha mẹ khiến vợ Hoàn ngày càng tiều tụy, số tiền ít ỏi tích cóp được chị đưa cả cho chồng và bảo anh làm ăn đàng hoàng. Cầm trong tay một triệu đồng, Hoàn chảy nước mắt rồi quyết chí tu nghiệp.
    Nói về vợ mình, Hoàn xúc động chia sẻ: “Chính vợ tui đã đánh thức được cuộc đời của tui trở về với chính tui. Hai lần vào tù, cả hai lần tự vượt cạn một mình. Hai lần vào tù vợ là người quan tâm mình nhất chứ không phải là đám “đệ tử” hàng ngày kế cận bên mình. Ngày ra trại, hạnh phúc bao nhiêu khi đứng ngoài cổng là vợ và hai đứa con đang chờ tui về…”.
    Trở về với lương thiện, Hoàn đã tu chí làm ăn, con đầu của Hoàn là Nguyễn Minh Hòa sau khi tốt nghiệp THPT đã sang Vương quốc Anh du học, hoàn thành chương trình đại học. Con thứ hai Nguyễn Quang Vinh cũng hoàn tất thủ tục, chờ ngày bay để sang CHLB Đức làm việc. Con út Nguyễn Thị An Na đang học cấp 2 ở trường chuyên nổi tiếng.
    Với Hoàn như thế là hạnh phúc lắm rồi, giờ gần như mọi công việc kinh doanh, anh đều giao cả cho vợ quản lý, thuê người làm còn anh chăm lo dạy dỗ con cái...
    Nhiều thanh niên trong địa phương cũng đã nhận ra lầm lỗi từ khi gặp anh.
    Bỏ lại quá khứ đâm thuê chém mướn sau nhiều năm thụ án, với mọi người, anh không còn là “đại ca” nữa mà là một người được nể trọng trong cuộc sống.
    Thanh Ngân

    Hành trình vươn tới chân tu của "Đại ca ánh sáng" thành phố hoa Đà Lạt - Kỳ 1: Gia nhập giang hồ để "rửa hận"

      
    image
    Bất cứ ai về thăm ngôi chùa Định Quang ở thôn Dạ Lê, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đều nhận được sự đón tiếp ân cần, đượm tình thương và lòng mến khách của vị sư trụ trì Chơn Hữu với tên thật Huỳnh Thiện Hữu.
    Sư Chơn Hữu trải lòng với chúng tôi về quá khứ của Thiện Hữu lắm niềm vui, nhiều nước mắt trong quãng đời làm đại ca giang hồ thành phố hoa Đà Lạt hay trùm bảo kê khét tiếng bãi vàng chốn rừng thiêng nước độc, rồi đành "gác kiếm" giã từ cuộc sống hận thù, tìm về cửa Phật hoàn lương, phục thiện, trở thành vị sư đầy lòng nhân ái, bao dung.

    Sau trận đòn "thừa sống thiếu chết" ở chốn tha phương…

    Sinh ra tại Thừa Thiên - Huế, nhưng từ thuở lên 5 (1975), Huỳnh Thiện Hữu đã theo mẹ vào thành phố sương mù Đà Lạt "kiếm kế sinh nhai". Đến vùng đất mới, mẹ Thiện Hữu phải "bán lưng cho trời, bán mặt cho đất" để tạo ra nguồn sống cho gia đình. Đổi lại, người mẹ này luôn có được niềm vui khi nhìn thấy Thiện Hữu học giỏi, hiền lành. Những thành tích cao trong học tập của Thiện Hữu trở thành nguồn động viên tinh thần cho người mẹ đang phải "một nắng hai sương". Lúc bấy giờ, Thiện Hữu đem lại sự kỳ vọng cho gia đình và  nhà trường với hình ảnh một người con ngoan, trò giỏi. Trong quãng đời học tiểu học và THCS, Thiện Hữu là một học trò thường xuyên có mặt trong các kỳ thi học sinh giỏi Văn TP Đà Lạt, được thầy yêu, bạn mến. Những trang văn hay của Thiện Hữu được thầy cô lấy làm mẫu cho các bạn cùng trang lứa học tập, noi theo. Ở trường, Thiện Hữu như một con ong chăm chỉ trong mắt thầy cô, bạn bè. Lúc ở nhà, trong mắt người thân, Thiện Hữu lại như một người nội trợ đích thực, vì cậu luôn tranh thủ thời gian để đỡ đần cho gia đình những công việc mà mình có thể làm được.

    Niềm vui Thiện Hữu đem lại cho gia đình, thầy cô, bạn bè "chẳng tày gang" bởi khi bước vào năm học cuối cấp THCS, mọi người nhận thấy Thiện Hữu học tập lơ là. Đăc biệt, những trò nghịch ngợm đánh nhau, quậy phá… chưa bao giờ xuất hiện nơi cậu học trò này thì nay Thiện Hữu đã "biểu diễn" như "ăn cơm bữa". Thêm vào đó, việc bỏ học ngày một, ngày hai rồi lại ngày ba… Và "tần số" bỏ học của Thiện Hữu cứ dày lên theo thời gian. Cuối cùng, Thiện Hữu đã chấm dứt tuổi học trò của mình khi bắt đầu chuẩn bị chuyển cấp. Thế là hết, tấm gương sáng về học tập của Thiện Hữu trong mắt thầy cô, bạn bè đã bị vỡ. Niềm kỳ vọng của gia đình về Thiện Hữu đang như một viên than hồng bỗng chốc bị một gáo nước lạnh dội xuống.

    Việc cậu học trò Thiện Hữu vốn hiền lành, học giỏi bỗng sinh chứng quậy phá, đánh nhau và nghỉ học "giữa chừng xuân" là bởi: "Một hôm, Thiện Hữu cùng với  bạn bè trong lớp đang chơi đùa với nhau thì một đám du côn, du đãng mang theo "đồ chơi" ở bên ngoài vào đánh đập. Thiện Hữu phải hứng chịu một trận đòn chí mạng "thừa sống thiếu chết". Lúc này, vì cuộc sống tha phương, không có ai giúp đỡ, chia sẻ nên Thiện Hữu uất ức. Trong suy nghĩ nông nổi của tuổi thơ, Thiện Hữu nuôi chí "rửa hận". Từ đó, Thiện Hữu bỏ trường lớp để đi học võ, rồi gia nhập vào băng giang hồ Ánh Sáng khét tiếng ở thành phố Đà Lạt. Một năm sau, Thiện Hữu đã "rửa" được mối hận trước sự chứng kiến của bạn bè trong lớp. Lúc trả xong thù cũng là lúc Thiện Hữu chấm hết tuổi học trò và theo "Ánh Sáng" để tồn tại… Khi ấy Thiện Hữu vừa tròn 16 tuổi" - sư Chơn Hữu nhớ lại.
    Chân dung sư Chơn Hữu
    Từ "Bá vương" phố hoa…

    Sau khi gia nhập vào băng giang hồ Ánh Sáng, với sự mưu trí, giỏi võ nghệ, tài xử lý tình huống kết hợp với bản tính "chơi đẹp, chơi trội" nên chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Thiện Hữu được các thành viên "Ánh Sáng" tôn làm đại ca.

    Khi Thiện Hữu ngồi vào chiếc ghế thống lĩnh băng nhóm, tại "vùng trời bình yên" Đà Lạt, với tài dụng binh của mình, Thiện Hữu dẫn đường chỉ lối cho "Ánh Sáng" luôn giành được phần thắng trong các trận binh đao giáp mặt với những băng nhóm xã hội đen khác để tranh giành địa bàn "làm ăn". Từ đó, băng Ánh Sáng luôn được "kính nể" và "cánh chim đầu đàn" Thiện Hữu ngày càng "nổi như cồn" giữa thành phố mộng mơ Đà Lạt. "Ánh Sáng" trở thành "Bá Vương" trong những phi vụ thanh toán, đòi nợ thuê, đánh mướn và bảo kê các vũ trường… Thời gian này, Thiện Hữu kết thân với Tuấn - một "lãnh chúa" của băng giang hồ khác để khi có phi vụ nào lớn thì hai đàn anh này đứng ra giải quyết. Được sự phối hợp của Tuấn, băng Ánh Sáng như một con hùm ở phố rừng Đà Lạt, mặc sức tung hoành dọc ngang một cõi.
    Để thêm danh tiếng và khẳng định đẳng cấp là một tay đàn anh có hạng, nặng số với đàn em, Thiện Hữu không chỉ thể hiện bản lĩnh của một người có máu mặt trước bàn dân thiên hạ, trước đại ca của các băng giang hồ khác trong việc sát phạt nhau bằng bạo lực, bảo kê và ăn chơi bạt mạng ở vũ trường… mà còn tổ chức đua xe siêu tốc trên những con phố Đà Lạt vốn được mệnh danh hiền hòa, mến khách. Chiếc xe 67 của Thiện Hữu chưa một lần thất bại và đã mang về cho anh ta những khoản tiền lớn.

    Cầm đầu Ánh Sáng được một thời gian, nhận thấy không tương xứng với "năng lực" của mình nên Thiện Hữu tách ra thành lập một băng giang hồ khác mang tên "Ba cây Dừa" với hơn 20 thanh niên hư hỏng. Băng "Ba cây Dừa" hay "Ánh Sáng" mà Thiện Hữu làm đại ca đều kiếm được nhiều tiền từ việc bảo kê, đòi nợ thuê... Song, "của thiên lại trả cho địa", có bao nhiêu tiền đều tống sạch vào chốn vũ trường mà chính mình đang bảo kê với những cuộc nhậu thâu canh. Bạo lực, chơi bời trở thành vòng kim cô siết lấy Thiện Hữu.

    … Đến trùm bảo kê bãi vàng

    Chán cảnh sống ở chốn đô thị lúc thăng, lúc trầm, muốn đổi không gian, Thiện Hữu đã tuyển ra một số thành viên tiêu biểu, có đủ bản lĩnh trong nhóm "Ba cây Dừa" rời Đà Lạt để đến với bãi vàng Tà In thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng để tìm cảm giác mới.

    Đến vùng đất mới Tà In, Thiện Hữu gia nhập vào băng giang hồ Hải Cẩu chuyên bảo kê sòng bài ở Đà Lạt một thời đã tề tựu về đây để "thống trị" bãi vàng. Với giọng trầm lặng, sư Chơn Hữu nhớ lại: "Tại đây, người ta không sống với nhau bằng tình thương. Sự sinh tồn, chân lý và quyền định đoạt, phân chia chiến lợi phẩm ở nơi này chỉ thuộc về kẻ mạnh. Tất cả mọi chuyện đều được giải quyết bằng bạo lực. Súng đạn, đao kiếm, cuốc xẻng… là những "trợ thủ đắc lực" cho các băng đảng thanh trừng, chém giết lẫn nhau để xưng hùng bá vương. Tranh giành, cướp bóc, chiếm đoạt của nhau… tạo thành một khu ô hợp đầy tệ nạn. Suốt ngày này qua tháng khác luôn phải chúng kiến cảnh chém giết, sát phạt, máu đổ".

    Nơi chốn thâm sơn cùng cốc Tà In, chàng trai trẻ Thiện Hữu luôn dùng mưu trí kết hợp với thế mạnh của băng Hải Cẩu nên tất cả các băng giang hồ có mặt ở bãi vàng đều phải nằm đẳng cấp dưới, ngoại trừ băng nhóm Hoàng Nháy. Sư Chơn Hữu kể: "Lúc đầu, vì băng Hoàng Nháy có đến hơn 70 người nên băng Hải Cẩu muốn "vuốt mặt"… đành phải nể "mũi". Chỉ một xung đột trong cuộc nhậu, dẫn đến băng Hải Cẩu với băng Hoàng Nháy đã không đợi trời chung. Nhiều lần Hải Cẩu lên kế hoạch và đột nhập vào lán trại để trừng trị Hoàng Nháy, nhưng bất thành. Sau đó, băng Hải Cẩu như hổ thêm nanh khi thu nạp thêm Việt Lào có "hàng nóng". Một hôm, biết Hoàng Nháy có mặt trong lán trại, Hải cẩu lệnh cho Việt lào đem lựu đạn, súng AK và một số anh em đến tóm gọn Hoàng Nháy. Lần này, Hoàng Nháy đành chịu khuất phục và đầu hàng với điều kiện do Hải Cẩu yêu cầu: Nội trong 2 ngày, Hoàng Nháy phải rút hết quân ra khỏi vùng "tâm điểm" của bãi vàng". Thế là hết đối thủ nên quyền định đoạt, phân chia vùng mỏ khai thác thuộc về băng Hải Cẩu. Từ khi Hoàng Nháy đầu hàng, băng Hải Cẩu thỏa sức tung hoành nơi "trận địa" vàng Tà In. Ở vùng mỏ "tâm điểm" do Hoàng Nháy "nhượng" lại, băng Hải Cẩu đã khai thác được rất nhiều vàng. Khi có phi vụ nào lớn xảy ra, Thiện Hữu với Hải Cẩu trực tiếp giải quyết bằng vũ lực… là xong.

    Suốt 4 năm (1990 -1993) ở bãi vàng Tà In, Thiện Hữu chán dần cảnh sống suốt ngày bạo lực, gươm đao, hận thù… nhưng chưa biết làm sao để rút chân. "Thế rồi, vào những đêm rằm, hơn 20 chàng trai trẻ cùng cảnh sống xã hội đen rủ nhau lên sườn đồi ngắm trăng và Thiện Hữu đã nói lên ý muốn quay về đời sống lương thiện bằng một cái nghề nào đó. Vào một hôm, Thiện Hữu bị một trận sốt rét "thập tử nhất sinh" nằm mê man mấy ngày và được một số người trong băng Hải Cẩu đưa về bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chữa trị. Khỏi bệnh, Thiện Hữu quyết định ở lại Đà Lạt để thực hiện cái ý định kiếm nghề, tạo lập cuộc sống lương dân, không quay lại chốn điêu linh để rồi suốt ngày phải chứng kiến cảnh tàn sát và ngập trong men say" - thầy Chơn Hữu nói. Vậy, cái ước muốn đó của Thiện Hữu có trở thành hiện thực với một con người đã bao năm sống cảnh gươm đao trong giới giang hồ có hạng?. Tất cả cuộc sống của Thiện Hữu khi quay về Đà Lạt, quá trình đấu tranh tâm lý để hoàn lương và trở thành chân tu chuyên làm việc thiện nơi "chôn nhau cắt rốn" Thừa Thiên - Huế ra sao, xin mời độc giả đón đọc ở số báo sau.

    Nguồn: Pháp Luật và Xã Hội

    Hành trình phục thiện của "Đại ca ánh sáng" thành phố hoa Đà Lạt - Kỳ cuối: Nẻo đường trở thành chân tu

           
    image
    Về lại Đà Lạt, Thiện Hữu chọn nhiếp ảnh để hành nghề với ước muốn giã từ được cảnh sống xã hội đen. Song, "bụi" giang hồ cứ đeo bám lấy đời trai Thiện Hữu.
    Vậy, cơ duyên nào để Thiện Hữu giã từ được chốn giang hồ, tìm về cửa Phật hoàn lương và trở thành vị sư giàu lòng nhân ái, chuyên làm việc thiện mà ai nghe đến danh pháp sư Chơn Hữu cũng đầy kính trọng…?

    Tập thơ "đánh thức" lương tri…

    Với ánh mắt xa xăm như đang hướng về người mẹ già ở chốn tha phương Đà Lạt, sư Chơn Hữu lại tiếp tục kể câu chuyện quá khứ: "Vì bị sốt rét nặng nên Thiện Hữu được một số người trong băng giang hồ Hải cẩu đưa về Bệnh viên Đa khoa Lâm Đồng điều trị. Tại đây, trong cơn mê sảng, Thiện Hữu mơ thấy mẹ đi chùa cầu phước cho mình. Tỉnh dậy, Thiện Hữu ngỡ ngàng khi thấy mẹ ngồi bên cạnh, đang ngắm nhìn mình với ánh mắt âu yếm. Lúc này, tình thương, sự hối hận cứ day dứt, cứ chạy dài trong tâm khảm Thiện Hữu. Khỏi bệnh, Thiện Hữu quyết định ở lại Đà Lạt với ước muốn quay trở về cuộc sống lương thiện". Khi chúng tôi hỏi về những yếu tố để trở thành đại ca của một băng giang hồ, nhà sư cho biết: "Để trở thành đại ca không phải đơn giản. Đại ca phải là người có máu lạnh, bản lĩnh, có nhiều sẹo và phải dằn mặt được các đại ca của các băng nhóm khác…".

    Rời bệnh viện trở về nhà, Thiện Hữu đã xin vào Cty Nhiếp ảnh TP Đà Lạt để hành nghề chụp ảnh cho khách du lịch. Nhưng thật oái oăm, sự đời cứ đưa đẩy, "bụi" giang hồ cứ bám lấy chàng trai Thiện Hữu, bắt anh trở thành đại ca trong giới nhiếp ảnh của Đà Lạt. Kể về quãng đời làm nghề nhiếp ảnh, sư Chơn Hữu nhớ lại: "Hồi ấy, tất cả những người chụp ảnh phục vụ khách du lịch ở Cty thấy Thiện Hữu là sợ, họ ngầm tôn mình lên làm đại ca. Hễ có chiếc xe nào chở khách du lịch lên tham tham quan Đà Lạt là mình có quyền được chọn những đoàn khách "xịn" để chụp, không ai dám lên tiếng phản đối. Thời đó, Thiện Hữu cũng kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng rốt cuộc, có bao nhiêu tiền đều rót sạch sành sanh vào chốn ăn chơi trác táng. Tay trắng vẫn hoàn trắng tay".

    "Cứ một tháng 30 ngày chìm trong men rượu, chơi bời… nên thấy cuộc sống nhàm chán quá, cảm thấy bản thân mình chỉ tồn tại chứ không phải sống. Thiện Hữu càng chán chường hơn khi phải chứng kiến cảnh thanh toán nhau trong giới giang hồ. Đặc biệt, được thấy nhãn tiền về kết cục đau thương, bi thảm của một số giang hồ mà trong đó có ba người kết thân với Thiện Hữu là Duy, Tuấn, Tôny. Thế rồi, "giận mình, mình lại thương mình", Thiện Hữu đã bỏ đi lang thang. Soi xét lại những việc mình làm, có lúc giận bản thân quá, Thiện Hữu cắn nát ngón tay trỏ trái của mình" - Sư Chơn Hữu bộc bạch.

    Trong một lần Thiện Hữu đang đi lang thang bỗng đọc được tập thơ "Chèo vỡ sông trăng", rồi tập truyện "Người trồng hoa và chàng tu sĩ" mà tác giả là thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Vốn yêu văn chương, Thiện Hữu đã đọc xong cả hai tác tác phẩm và bắt gặp hình bóng mình trong đó. Lúc ấy, Thiện Hữu mới nhận chân ra rằng: Chỉ có cuộc sống hướng thiện với tấm lòng nhân ái, vị tha mới có được hạnh phúc và đem lại hạnh phúc cho người khác, mới giải phóng được thù hận, lỗi lầm. Để thoát khỏi cuộc sống vô bổ hiện tại, chỉ có cách tìm đến cửa Phật.

    Sau quá trình đấu tranh với bản thân trước bao nhiêu cám dỗ của lối sống giang hồ, cuối cùng vào năm 1999, Thiện Hữu về lại quê hương Thừa Thiên - Huế để tìm đến cửa Phật, khép lại cánh cửa của quãng đời giang hồ mà lúc vừa tròn 16 tuổi mình đã nông nổi mở ra.

    Sư  Chơn Hữu đang tịnh khẩu

    "Thuyền về neo đậu…”

    Rời Đà Lạt về sống ở Thừa Thiên - Huế, Thiện Hữu lại phải chứng kiến cảnh TP Huế khi trận lũ lịch sử vừa đi qua nên càng nhận diện rõ hơn về sự sống, cái chết, hạnh phúc và những nỗi thống khổ của cuộc đời con người.

    Tại quê hương, Thiện Hữu xin vào tu ở chùa Huyền Không Sơn Thượng, một ngôi chùa nằm trên ngọn đồi vắng vẻ, yên tĩnh ở huyện Hương Trà, cách TP Huế khoảng 20km và được thiền sư Minh Đức chấp nhận. Qua 2 năm đầu thử thách, Thiện Hữu làm đầu bếp và quét dọn chùa để tích lũy công quả. Kết thúc 2 năm đó, Thiện Hữu được xuất gia và được gọi là Sa Di (cấp bậc đầu tiên trong Phật giáo). Sau đó, Thiện Hữu được học trường Trung cấp Phật giáo tại TP Huế trong 2 năm, rồi trở về chùa nhận chức Thọ giới Tỳ kheo. Tiếp đến, Tỳ kheo Chơn Hữu được học Phật pháp. Đến năm 2005, Tỳ kheo Chơn Hữu được bổ nhiệm về trụ trì chùa Định Quang, một ngôi chùa được xây dựng từ năm 1950 nhưng đã bỏ hoang từ lâu, mọi cơ sở vật chất dường như sụp nát, hoang tàn. Nhớ về những ngày đầu mới tiếp quản chùa, nhà sư tâm sự: "Đêm đến phải ngủ ở Điện thờ. Còn mọi sinh hoạt vào buổi sáng phải đi nhờ ở chùa khác cách mấy cây số".

    Khi sư Chơn Hữu kể hết câu chuyện quá khứ của chàng trai trẻ Thiện Hữu cũng là lúc chúng tôi nhận ra rằng: Anh chàng Thiện Hữu trước đây không chỉ nổi tiếng bởi máu liều lĩnh, "chơi trội" làm cho giới giang hồ khiếp sợ. Thiện Hữu còn nổi tiếng vì có tài nhiếp ảnh, viết điếu văn. Sư Chơn Hữu nói: "Thời đó, Thiện Hữu có dự một số đám tang của giới giang hồ và chỉ cần khoảng 1 giờ đồng hồ trước khi di quan là đã viết được một bài điếu văn hay. Khi hạ huyệt, đọc lên mọi người đều xúc động nên mỗi khi có đám tang trong khu phố, người ta thường nhờ Thiện Hữu viết điếu văn". Ngoài ra, Thiện Hữu còn có những nghĩa cử nhân đạo làm giới giang hồ khâm phục, nhà sư kể: "Trong một lần chạm trán với băng giang hồ quận 4 TPHCM tại Đà Lạt, để cứu mạng đối thủ, Thiện Hữu đã hứng nhát chém cuối cùng do một "đồng nghiệp" vốn khét tiếng là máu lạnh của băng Ánh Sáng ra tay. Thiện Hữu phải nhập viện cấp cứu". Dấu tích của nghĩa cử nhân đạo lần đó là một vết sẹo vẫn còn trên thân thể sư Chơn Hữu. Phải chăng, nghĩa cử nhân đạo ấy như một ánh dương soi chiếu cho Thiện Hữu "lột xác" để  bước đi trên con đường hiện tại với danh pháp sư Chơn Hữu?!

    Khoác trên mình chiếc áo vàng nhà Phật, sư Chơn Hữu đã nhiều lần trở lại Đà Lạt tìm gặp những người trong giới giang hồ để khuyên bảo họ. Sau khi gặp sư Chơn Hữu, tất cả những chàng trai trước đây cùng Thiện Hữu "vào sinh ra tử" đều từ bỏ gươm đao, trở về với cuộc sống lương thiện.

    Bên tách trà tỏa hương thơm ngát, ôn lại những kỷ niệm trên con đường tu trì của mình, nhà sư nói: "Nhớ nhất là những lần tịnh khẩu (ngồi thiền) với thời gian là 49 ngày ở những nơi thanh vắng. Có lần, được đi tham quan ở Thái Lan, sư lên một cánh rừng để tịnh khẩu mà xung quanh mình toàn là rắn, rết. Cứ ngồi thiền là thấy mình được hòa nhập vào thiên nhiên, thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Mỗi khi soi xét lại bản thân trong lúc tịnh khẩu, sư tự đặt câu hỏi: Tại sao khi đang ở trong giới giang hồ, mình có đến hơn 20 đàn em bảo vệ nhưng vẫn thấy bất an? Rồi tịnh lặng, sư thấy hạnh phúc của cuộc sống nằm ở chỗ "Tâm an" khi mình đem "chân, thiện, mỹ" và tấm lòng nhân ái bao dung để sống với mọi người. Chỉ có hướng thiện mới khai phóng được tâm hồn, xóa bỏ được thù hận".

    Sư Chơn Hữu trong một lần đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai

    Để "cây đời mãi mãi xanh tươi"…

    Bằng việc khất thực và xin sự hỗ trợ, sư Chơn Hữu đã xây dựng lại được cơ sở vật chất khá khang trang tại chùa, với những lớp học tình thương nơi Tuệ học đường đầy ắp tiếng cười của các em học sinh nghèo, của những mảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa. Trong khi chùa còn gặp nhiều khó khăn nhưng khóa học tiếng Anh đầu tiên tại Tuệ học đường đã được sư Chơn Hữu tổ chức và thuê giáo viên giỏi về dạy cho 240 em học trò cũng đã tốt nghiệp sau 18 tháng theo học miễn phí. Kinh phí của khóa học này ngoài đi khất thực ra, sư Chơn Hữu còn trồng hoa lan và triển lãm ảnh để bán lấy tiền trang trải. Hiện tại, sư Chơn Hữu đang trăn trở: "Mặc dù khóa 2 lớp học tình thường đã được khai giảng để dạy ngoại ngữ cho 300 em học sinh, sinh viên nghèo nhưng đang gặp phải khó khăn, vì những người đã hứa hỗ trợ kinh phí cho sư trong khóa học này vẫn chưa thấy hồi âm. Trong lúc đó, tổng chi phí từ thuê giáo viên, mua giáo trình, sách vở và tiền điện nước mỗi tháng đã hết khoảng 7 triệu đồng. Nhưng dù sao đi nữa, sư cũng phải duy trì khóa học".

    Hiện tại, ngoài công việc tu trì, sư Chơn Hữu còn làm nhiều việc thiện như trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn… Thời gian còn lại, sư trồng hoa lan, sáng tác thơ hay tìm đến những cảnh sắc thiên nhiên để chụp ảnh. Kho ảnh của sư được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế tổ chức triển lãm, được đánh giá rất cao về nghệ thuật.

    Sự hoàn lương để mở ra cánh cửa mới cho cuộc đời nơi con người Thiện Hữu là một sự quay về đúng với bản chất "nhân chi sơ tính bản thiện". Những việc nhân ái sư Chơn Hữu đang làm đã trọn vẹn ý nghĩa của danh xưng "Thiện Hữu" ở thuở ấu thơ. Sở dĩ sư Chơn Hữu không ngần ngại kể về quãng đời lạc lối của mình khi nó đã bị triệt tiêu bởi tình thương và lòng bao dung… là để cho những ai đang còn lầm đường hãy mau quay về với đời sống lương thiện. Giờ đây, tiếng cười rộn rã của các em học sinh nghèo nơi Tuệ học đường, niềm vui của những mảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa... là hạnh phúc của chính sư Chơn Hữu - vị cứu tinh mà người dân địa phương thường gọi.
    Nguồn: Pháp Luật và Xã Hội

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét