Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

VÕ THUẬT TINH HOA 23

(ĐC sưu tầm trên NET)

Nhờ võ thoát chết.

Huỳnh Quyền
Trích “Sổ tay VÕ THUẬT” tháng 12/1994.

Trong làng võ Bến Tre, nói đến ông Ba Châu ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, người ta không những kính trọng ông về đức độ ngay thẳng, tuổi tác cao niên, mà còn khâm phục về võ nghệ cũng như lòng dũng cảm của ông qua một câu chuyện xảy ra cách đây đã lâu.
     

 
Ngày ấy, vào năm 1945, cùng với một số thanh niên trai trẻ yêu nước khác, ông bị bọn lính Nhật bắt bỏ tù, đánh đập, tra tấn hết sức dã man và còn bị kết án tử hình vì tội danh dám theo Việt Minh chống lại “Thiên Hoàng”. Khi đem ra hành quyết trên một chiếc xuồng ba lá đậu giữa sông, chúng trói thúc ké hai tay ông ra sau lưng, một tên cầm súng trường có gắn lưỡi lê đứng phía sau canh giữ, một tên cầm trường kiếm đứng trước mặt ra dấu hiệu bảo ông quỳ xuống.

Trong giây phút tưởng chừng như đầu lìa khỏi cổ này, bất thần ông thét lên một tiếng to như sấm dậy, dùng hết sức bình sinh bứt khỏi dây trói tay, tung ngay liền ngọn “Hổ vĩ cước” chí tử vào bụng tên lính Nhật cầm súng bay rớt xuống sông, tiện đà ông xô hai tay về phía trước theo thế “Song long xuất động” trúng ngực tên cầm kiếm, nhưng trước khi té lật ngửa ra sau, tên Nhật cũng kịp chém vớt lên một đường gươm xé gió trúng sướt qua mặt và tiện đứt lìa ngón tay út phải của ông, tuy máu chảy tuôn xối xả, nhưng ông vẫn còn bình tĩnh không bỏ lỡ cơ hội “ngàn năm một thủa” nhảy ùm xuống sông lặn một hơi qua phía bên kia bờ, bỏ lại đằng sau hai tên lính Nhật la ỏm tỏi đang lây quây dưới nước …

Có thể nói, sự việc ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc chỉ diễn biến trong nháy mắt, nhưng đối với ông đó là những giây phút căng thẳng nhất trong đời mà ông không bao giờ quên. Sau này, khi thành lập võ đường và được các võ sư tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội võ cổ truyền tỉnh Bến Tre, ông có kể lại câu chuyện trên cho một vài môn đồ tâm huyết nghe và nói: “Con người ta sống chết có số, nhưng chỉ trông cậy vào sự may mắn mà không tự tin vào bản thân như trường hợp của thầy, chết là cái chắc !”

Huỳnh Quyền
Bến Tre
Ngũ linh Thiên hộ

 


Võ Duy Dương
Võ Duy Dương sinh trong một gia đình nông dân, cha mất sớm. Lúc nhỏ đã có tiếng là khỏe mạnh và ăn nhiều, bà mẹ tảo tần hôm sớm, nhưng không sao lo đủ cái ăn cho Dương.

Bà rất thương con nhưng buộc lòng phải cho Dương đi chăn trâu mướn cho cho một bá hộ ở trong làng, không lấy tiền công, chỉ nhận đủ gạo để Dương sống qua ngày thôi.

Dương thường tụ họp các bạn để vật lộn, đánh trận giả … làm trò chơi. Một hôm Dương lỡ mạnh tay làm chết một người bạn. Được tin có án mạng, quan phủ sở tại cho lính áp giải Dương về phủ đường xét hỏi. Hai người lính áp vô bắt Dương trói lại. Dương vung tay một cái, hai người té ngửa, bỏ chạy về. Quan phủ giận lắm, sai thêm hai người nữa, nhưng cũng không bắt được. Sau cùng, quan phủ đích thân đến nhà. Dương không trốn tránh mà còn bình tĩnh trình qua sự việc. Quan phủ hỏi bà mẹ về Dương. Bà cho biết từ nhỏ đến giờ, con mình cũng bình thường như bao đứa trẻ khác và cũng không học võ nghệ chi hết.

Quan phủ hết sức kinh ngạc, bảo bà mẹ là sẽ không bắt tội Dương mà còn lo việc bồi thường cho gia đình nạn nhân, với điều kiện là bà phải để cho Dương về làm con nuôi  của quan phủ. Không còn cách nào khác, bà đành phải bằng lòng.

Thế là Dương về ở với quan tri phủ. Quan lo cho ông học văn, còn võ nghệ thì chưa có thầy thích hợp. Dù vậy, khi đi đâu, quan cũng đem theo Dương làm hộ vệ. Một hôm Dương theo quan phủ về kinh đô hầu vua. Trong khi quan bận việc ở trong thành nội, Dương tản bộ ngắm cảnh núi Ngự, sông Hương. Bỗng nghe tiếng trống quân thúc dữ dội và tiếng la hét vang rền ở phía bờ đông, Dương nhanh chân tiến về phía đó. Thì ra, lúc bấy giờ là mùa nước, một bè gỗ quý của vua dứt dây trôi phăng phăng giữa sông. Gần mấy chục lính lực lưỡng kéo lại nhưng bè cứ trôi. Người đi đường đứng lại vừa coi vừa bàn tán. Dương cũng bàn góp:

-                     Tới cả chục người mà kéo bè không dừng lại thì làm sao mà neo nó lại được?

Không ngờ, một viên chánh suất đội đứng cạnh đó nghe được, quay lại sừng sộ:

-                     À, chú bé này giỏi thật! Mi có ngon thì kéo lại một mình cho ta coi; nếu không thì đừng trách ta!

Dương bằng lòng, xắn tay áo lên, nắm lấy dây, xuống tấn. Cái bè từ từ dừng lại, rồi chậm chậm tiến ngược dòng nước … Đến một gốc cây cổ thụ, Dương neo bè lại giữa tiếng cổ vũ của lính tráng và người đi đường.
       

 
Tan chầu, nghe ồn ào, vua và các quan ngự ra xem. Viên suất đội tâu qua mọi việc. Vua cho đòi Dương tới. Thấy vậy, quan phủ lật đật quỳ xuống tâu qua về sức mạnh của Dương. Vua lấy làm lạ chưa tin lắm, ra lệnh cho Dương tới diễn ở võ trường, để thử sức. Tại đây, Dương cử một cái đỉnh đồng nặng mấy trăm kí lô gam đi mười bước rồi để xuống, mặt không hề biến sắc. Sau đó, Dương cử năm trái linh, mỗi trái nặng sáu mươi kilôgam. Hai nách hai trái, hai tay hai trái, miệng ngậm một trái. Vua và các quan hết lòng khen ngợi. Thấy Dương còn nhỏ, vua giữ lại kinh đô để ăn học và luyện tập võ nghệ.

Sau đó ít lâu, Dương theo Nguyễn Tri Phương vào Nam mộ lính đồn điền. Do mộ được một trăm lính đồn điền, Dương được phong làm chánh bát phẩm Thiên Hộ. Vì có thành tích cử được năm trái linh, người ta còn gọi ông là Ngũ Linh Thiên Hộ.

Sau khi Pháp đánh chiếm Gia Định, Đại đồn Chí Hòa thất thủ, Thiên Hộ Dương rút quân về lập căn cứ ở Đồng Tháp Mừời, tiếp tục chống Pháp.

Minh Vũ (sưu tầm).
Vua vật nhau với các tân khoa

 

                   

 
Đời Mạc Đăng Dung, khi khi các tân khoa tiến sĩ võ vào bái mạng, tưởng sắp được vua ban thưởng hoa vàng hoa bạc, ngờ đâu Mạc Đăng Dung cởi phăng áo ra, hỏi các vị tân khoa:

-                     Các khanh có dám vật nhau với ta không? Ai thắng được ta, mới được coi là trúng tuyển!

Các vị tân khoa ngẩn người ra, không dám vào thi đấu.


Thì ra Mạc Đăng Dung vốn xuất thân là đô vật. Hồi còn trẻ tuổi làm nghề chài lưới, có lần ra chơi kinh đô, qua bãi Giảng Võ, thấy các vị đô lực sĩ đang thi đấu võ nghệ cho vua xem. Thấy một vị vật thắng các đấu thủ khác, có vẻ dương dương tự đắc, Mạc Đăng Dung bèn xin phép vào đấu với vị ấy, rốt cuộc Đăng Dung đã thắng. Vua ngạc nhiên, bắt thi các môn khác, môn nào Đăng Dung cũng xuất sắc. Đến môn thi cử tạ, Đăng Dung hai tay xách hai quả tạ hàng trăm cân mà vẫn đi lại thản nhiên, mặt không hề biến sắc. Nhà vua bèn phong cho Đặng Dung chức đứng đầu các đô lực sĩ, rồi thăng lên chức Đô chỉ huy sứ. Sau Đăng Dung có công đánh giặc, dần dần nắm trọn quyền hành trong triều bèn cướp ngôi nhà Lê mà lập ra nhà Mạc.

Vốn có máu hiếu thắng, nên Đăng Dung tuy đã làm vua cũng đòi thi đấu với các quan. Người nào thua đều bị cách chức hay giáng chức!!

Trần Phong (sưu tầm)
Pho kiếm phổ thất truyền.


Thượng Vũ
Trích “Sổ Tay VÕ THUẬT” /1993
             

 
Vào nửa đầu thế kỷ 16, lãnh chúa Oda Nobunaga, người thống trị cả một dãy miền Trung nước Nhật, đã xua quân xâm chiếm cả một vùng rộng lớn hơn, kéo dài đến tận Tokyo, nhân có cuộc xung đột đẫm máu của các đảng phái để trang giành quyền lực. Ông đã là người đầu tiên xây dựng lên lâu đài kỳ vĩ nhất nước Nhật là Azuchi-Jo, với ý định xưng danh bá chủ, mà tòa lâu đài chính là biểu trưng quyền uy. Nhưng giấc mộng của ông không thành do bị giết trong một cuộc chiến đấu sau đó. Những người anh em của ông lên nối ngôi và dẫn đến một cuộc huynh đệ tương tàn đẫm màu nhất trong lịch sử nước Nhật. Câu chuyện về pho kiếm phổ bị thất truyền bắt đầu vào thời ấy …

Huynh đệ tương tàn.

Người lên kế vị Oda Nubunaga là Hideyoshi “cha”. Ông cũng có nhiều tham vọng như người tiền nhiệm của mình, do đó ngoài việc xây dựng pháo đài, ông còn nuôi thật nhiều các kiếm sĩ Samurai. Ngày đêm ở trong pháo đài mới mang tên Fushimi, Hideyoshi và các bộ hạ của mình ráo riết luyện tập để có được một đội quân tinh nhuệ nhất. Và sự cố gắng đó đã không phụ lòng ông. Chẳng mấy chốc cả nước đều nể sợ Hideyoshi, bởi người ta đồn với nhau rằng, những kiếm sĩ dưới tay Hideyoshi là những tay vô địch, với những chiêu thức kiếm pháp kỳ ảo khôn lường.

Lời đồn đại đó quả không sai, khi có cuộc chiến đấu, chính những tay kiếm của Hideyoshi đã đánh bại hầu như tất cả những kẻ kình địch. Chuyện này đã gây nên một luồng sóng tranh luận trong giới lãnh chúa ở các lâu đài khác. Họ cho rằng Hideyoshi chiếm lấy pháo đài Azuchi-Jo đã lấy được pho kiếm phổ đã thất truyền từ lâu đời của dòng họ Oda Nobunaga. Đây là một pho kiếm phổ cực kỳ lợi hại mà từ lâu, người ta chỉ nghe nói chứ chưa hề thấy ai sử dụng những chiêu thức của nó.

Chính vì những lời đồn đại như vậy, nên sau đó, đã xảy ra một cuộc quyết chiến đẫm máu giữa những phe phái khác với những người trong dòng họ của Hideyoshi. Cuộc  huyết chiến đã dẫn đến cái chết của lãnh chúa Hideyoshi “cha”, để rồi sau đó Hideyoshi “con” lên thay. Toyotomi Hideyoshi còn hung hãn hơn cả cha mình. Ông là người có tài điều binh khiển tướng, nên binh đội của ông càng lúc càng mạnh thêm. Tuy nhiên, chính trong thời gian này đã nổ ra cuộc huynh đệ tương tàn lớn nhất. Những anh em trong dòng họ Hideyoshi đã không nhường nhịn nhau, họ cùng nhau tranh chấp với Toyotomi Hideyoshi để chiếm lãnh ngôi vị.

Mỗi người hùng cứ một phương, lập nên những pháo đài tượng trưng quyền lực ở khắp nơi như Okayama, Hiroshima. Kumamoto, Edo, Himeji, Nogoya và Natsumoto.


            

 

Một trong những phe lép vế trong cuộc chiến đẫm máu đó là cánh của Togogawa Legasu.

Năm 1614, sau một thời gian âm thầm chịu nhục, Togogawa Legasu đã kéo binh đội về vây hãm lâu đài Okawa của Toyotomi Hideyoshi để đòi nợ máu. Họ tuy có huyết thống với nhau, nhưng trong cuộc tranh dành quyền lực, họ xem nhau như những kẻ không đội trời chung.

Đi tìm pho kiếm phổ.

Sau một thời gian vây hãm, cuối cùng Legasu đã tiến chiếm pháo đài. Ông ta tàn sát gần như sạch hết những người thuộc cánh Hideyoshi, chỉ còn sót lại một cô công chúa con gái út của Toyotomi Hideyoshi, do núp trong một chuồng ngựa. Nhưng sau đó có tin là chính Legasu đã cố ý để cho công chúa Sen sống sót, với một ý đồ riêng.

Tuy nhiên, ý định của Legasu cũng không thành, vì trong cuộc lửa binh đó, có một trang kiếm sĩ đã cứu được công chúa Sen, trống thoát khỏi lâu đài. Người kiếm sĩ đó là Itasaki Naomori, một trong những bộ hạ của Toyotomi trước kia.
            

 
Trong hoàn cảnh cùng cực đó công chúa Sen đã phải chấp nhận lấy Itasaki làm chồng. Nhưng cũng nào đã được yên, chỉ một ít lâu sau đó, lại đến phiên Itasaki bị giết bởi một kiếm sĩ nhiều thế lực khác tên là Honda Tadatoki, để chiếm đoạt công chúa Sen. Cuộc chiến này không hề vì tình, mà mục đích chính là pho kiếm phổ, nghe nói còn thất lạc đâu đó.

Công chúa Sen đã nhiều lần tìm cách sự sát, nhưng đều không thành, phải căn răng chịu đựng cuộc sống làm vợ hờ của người mình không yêu. Năm 1624, sau khi giết được Legasu, Tadatoki tuyên bố đã thống nhất được các lực lượng, và tự coi như là đại lãnh chúa. Nhưng việc này cũng không thành, vì ngay trong nội bộ của ông cũng còn đang sôi sục việc chống đối tranh giành quyền lực, nhất là việc tranh giành pho kiếm phổ bậc nhất mà các kiếm sĩ đang rất say mê. Do việc đó mà các kiếm sĩ dưới quyền của Tadatoki không khâm phục chủ mình họ âm thầm cấu kết với nhau để tìm cơ hội ra tay.

Việc xâu xé này đã làm tổn hại nhiều sinh mạng. Kể cả công chúa Sen, nghe nói, do không thỏa mãn yêu cầu của Tadatoki về việc chỉ nơi cất giấu pho kiếm phổ Oda, nên cuối cùng, đã bị ông này sát hại. Sau cái chết của công chúa Sen, các đối thủ của Tadatoki cho rằng ông này đã chiếm được pho kiếm phổ và đang âm thầm luyện lấy một mình. Họ đã ngày đêm rình rập chung quanh biệt thất của Tadatoki, vì nghi ông ta đang luyện võ trong đó. Kiếm phổ Oda thuộc phong kiếm, khi luyện đến độ ảo diệu thì mỗi nhát kiếm chém ra, tuy nhẹ nhàng, nhưng uy lực vô song, kiếm phát ra những âm thanh như xé gió, tiếng rít làm hãi hùng địch thủ đến nỗi kiếm chưa chạm vào người mà có kẻ đã chết vì sợ.

Những huyền thoại chung quanh pho kiếm phổ Oda càng ngày càng được thêu dệt thêm, do đó việc tìm kiếm để chiếm đoạt nó càng lúc càng gay gắt và đẫm máu thêm.

Vào một đêm, các kiếm sĩ đã đột nhập được vào biệt thất của Tadatoki, nhưng chẳng tìm thấy bóng dáng ông ta đâu.Trong lúc còn đang tìm kiếm thì những tay kiếm sĩ đó đã bất ngờ bị một số người tấn công. Trở tay không kịp, các kiếm sĩ đột nhập đã bị giết sạch.

Từ đó, Tadatoki lại càng mạnh thêm. Đội kiếm sĩ của ông ta uy dũng chưa từng thấy, và hầu như thống trị cả một miền đất rộng lớn, không ai dám xâm lấn.

Tỏ rõ uy lực.

Vào năm 1637, có cuộc dấy loạn của một nhóm tôn giáo ngoại lai, do ảnh hưởng của tôn giáo du nhập từ nước ngoài vào. Cầm đầu nhóm phiếm loạn là một thiếu niên 16 tuổi, tên Amakusa Shiro. Tuy lực lượng hỗn tạp, nhưng nhờ đông, nên cuộc dấy loạn của Amakusa đã gây tổn thất cho Tadatoki không ít. Đặc biệt, việc làm cho Tadatoki sợ hãi nhất là anh chàng nhóc con Amakusa lại biết sử dụng kiếm pháp Oda một cách tuyệt diệu!

Dò hỏi ra thì mới hay Amakusa chính là cháu của Oda Nobunaga, từ bấy lâu nay trốn chạy để chờ ngày phục hận. Amakusa, tuy theo tôn giáo ngoại lai, nhưng lại được khá đông dân chúng ủng hộ, vì từ lâu họ đã chán ghét sự hà khắc trị vì của Tadatoki. Họ muốn một cuộc đổi thay, mà Amakusa là cứu tinh của họ lúc đó. Anh chàng thiếu niên này do học được kiếm pháp của dòng họ nên đã thu phục được nhiều kiếm sĩ tài ba theo. Do đó cuộc dấy binh của anh ta đã mau chóng thành công. Đến nỗi, chỉ một thời gian sau đó, lực lượng của Amakusa đã chiếm được pháo đài Hara.

Nhóm của Tadatoki phải viện binh từ triều đình đến để giúp tiêu diệt Amakusa Shiro. Cuộc vây hãm pháo đài Hara kéo dài trong vòng 4 tháng. Bên trong lâu đài không còn lương thực, không cả nước uống, vậy mà nhờ thuyết giảng tôn giáo, những thuộc hạ của Amakusa đã chịu dựng được đến cuối cùng. Khi đó cuộc đại tấn công diễn ra, quân bao vây tràn vào giết gần như sạch nhóm phiến loạn, san bằng tòa pháo đài Hara. Riêng Amakusa thì chẳng tìm thấy đâu …

Kiếm phổ lại thất truyền ...

Cuối cùng chẳng ai chiến được cái gọi là niềm mơ ước, tức pho kiếm phổ Oda. Người ta đồn rằng, ngoại trừ hai người là Tadatoki và Amakusa, chẳng còn ai biết pho kiếm phổ ở đâu. Tadatoki đã chết trong lửa binh, còn Amakusa thì biệt tung tích.

Suốt 200 năm sau đó, khi nước Nhật canh tân, mở rộng giao thương với nước ngoài và trong nước thì nạn sứ quân đã hết và đặc biệt là những môn kiếm thuật thất truyền được khôi phục lại … Vậy mà vẫn không thấy bóng dáng của kiếm pháp Oda ở đâu? Phải chăng pho kiếm đó đã vĩnh viễn đi vào quá khứ với những người chủ của nó?

Vào đầu thế kỷ 20, ở một tỉnh miền Bắc nước Nhật, đã có một môn phái kiếm thuật ra đời, gây sự ngạc nhiên cho nhiều người. Kiếm phái này có cái tên hoàn toàn xa lạ, từ nào chưa từng nghe nói: Tuyết Phong Kiếm.

Tên nghe lạ, nhưng các chiêu thức thì ảo diệu khôn lường, mỗi nhát kiếm cũng phát ra tiếng gió rít rợn người, khác nào những cơn bão tuyết! Những người chưởng môn của phái kiếm này không bao giờ chịu tiết lộ nguồn gốc của môn phái mình. Họ cũng tránh các cuộc tranh chấp với người ngoài, họ chỉ dùng kiếm pháp để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của họ là đi săn gấu trắng và chó sói trên các cánh đồng tuyết mênh mông. Họ chỉ cho biết là kiếm pháp của họ chỉ dùng để chống chọi với ác thú vùng băng giá và chống lại những sự xâm lấn từ bên ngoài vào …

Phải chăng pho kiếm phổ Oda từng thất truyền, bây giờ nằm trong tay những người du mục vùng cực Bắc? Có người nghi ngờ như vậy, nhưng làm sao xác minh được khi mà hầu hết những cư dân vùng băng tuyết luôn tránh những cuộc tiếp xúc với người ngoài?

Hãy để thời gian trả lời cho tung tích của một pho kiếm phổ quý bậc nhất đó …

T.V
(theo Kendo Maga).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét