Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

KIẾP GIANG HỒ 105

(ĐC sưu tầm trên NET)

Kỳ 1: Hoàng “lựu đạn” đẩy “nợ đời” cho 2 bà vợ và 5 người con

Hoàng Hương |
Kỳ 1: Hoàng “lựu đạn” đẩy “nợ đời” cho 2 bà vợ và 5 người con

Hoàng “lựu đạn” từng là một kiểm lâm biến chất, gây bao nỗi khiếp sợ ở vùng đất Đồng Nai, Bình Dương và ven TP HCM. Tháng 11-2001, Hoàng bị bắt và kết án 22 năm 6 tháng tù giam. Mặc dù ông trùm giang hồ đang phải thụ án dài hạn nhưng hậu quả mà người thân của Hoàng phải gánh chịu còn nặng nề hơn nhiều.

Hoàng “lựu đạn” có hai đời vợ và 5 người con. Ngoài con trai đầu bị nhiễm thói giang hồ của cha nay cũng phải ngồi bóc lịch trong trại giam thì những người con còn lại cũng phải chịu cơ cực và tủi hổ khi ông trùm bị bắt.
Khoảng một thập niên trở lại đây nổi lên khá nhiều ông trùm hoạt động theo kiểu xã hội đen du nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, dù hoạt động tinh vi đến đâu, các trùm xã hội đen cũng không thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.
Khi còn “huy hoàng” các ông trùm thường sống xa hoa cùng đám đàn em, chiến hữu. Nhưng khi các ông trùm “ngã ngựa” thì hầu hết những người thân của họ phải chịu biết bao khổ cực.
Từ số này, báo PL&XH khởi đăng loạt bài “Số phận người thân của các trùm xã hội đen khét tiếng một thời” như một lời cảnh tỉnh với những người đang ôm mộng trở thành “đại gia” bằng con đường bất chính.
Khổ một đời vì lỡ yêu trùm giang hồ
Trước khi trở thành vợ của Trịnh Xuân Hoàng (tức Hoàng “lựu đạn”), chị Đặng Thị Hoa, SN 1963, trú tại phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, là một “đại tiểu thư”, con ông chủ chuyên kinh doanh dịch vụ xe hơi nổi tiếng giàu có nhất nhì thị xã Dĩ An.
Chị Hoa-người vợ thứ hai của Hoàng “lựu đạn” buồn rầu khi kể lại chuyện xưa. Ảnh: H.Hương
Chị Hoa-người vợ thứ hai của Hoàng “lựu đạn” buồn rầu khi kể lại chuyện xưa. Ảnh: H.Hương
Bản tính cô Hoa khá nhút nhát nên khi bạn bè cùng trang lứa đều có đôi có cặp, chồng con đề huề thì Hoa vẫn còn mắc cỡ chạy trốn ánh mắt của những chàng trai.
Đến gần 30 tuổi vẫn chưa mở lòng với ai nên bạn bè thường trêu đùa là trái tim cô làm bằng sắt bằng đá. Đến khi biết chuyện Hoa yêu cuồng si Hoàng “lựu đạn”- một người đàn ông đã có vợ và nhiều điều tiếng thì tất cả đều ngỡ ngàng.
Trong cuộc gặp gỡ với người viết, chị Hoa e dè kể lại chuyện tình đầy truân chuyên của mình với ông trùm giang hồ. Theo đó, khoảng năm 1989, khi đang theo học ngành kế toán, chị gặp Trịnh Xuân Hoàng trong một lần về nhà anh trai chơi.
Với bản tính nhút nhát nên Hoa chỉ chào hỏi mấy câu xã giao cho phải phép. Nhưng từ cái nhìn đầu tiên, Hoàng đã có tình cảm đặc biệt với chị nên ngày nào cũng viện đủ lí do tìm cách gặp mặt.
Thời gian đầu Hoa không nghĩ ngợi, vẫn vô tư gặp Hoàng như nhiều người bạn của anh. Nhưng rồi cô dần bị chinh phục vì tài ăn nói cộng với sự chiều chuộng của người đàn ông từng trải này.
Tuy nhiên, dù không hề biết Hoàng đã có vợ nhưng vì ngại thừa nhận yêu bạn nên Hoa yêu cầu người yêu giấu chuyện tình cảm của hai đứa. Cha mẹ Hoa sợ con gái “ế” chồng nên cố mai mối hết đám này đến đám nọ nhưng lần nào cũng bị cô nhất quyết từ chối.
Song cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Chị Hoa nhớ lại: “Đến lúc gia đình nói thì tôi mới biết Hoàng đã có gia đình. Không dễ để có tình cảm với một người đàn ông nhưng lại phát hiện người yêu đã có gia đình khiến tôi thật sự suy sụp.
Dù nhiều lần bị cha mẹ ngăn cản nhưng vì “yêu mờ cả mắt” nên tôi vẫn lén lút qua lại với Hoàng. Thế rồi vợ Hoàng cũng đến gặp tôi để “nói chuyện đàn bà với nhau”. Sau lần đó, Hoa ra tối hậu thư cho Hoàng “lựu đạn”:
“Nếu chưa li dị vợ thì đừng nói tới chuyện yêu đương” và cấm cửa người yêu. Chỉ mấy tháng sau, Hoàng “lựu đạn” tìm đến và chìa đơn li hôn trước mặt Hoa.
Tưởng rằng vứt bỏ mọi thứ để đi theo tiếng gọi tình yêu thì sẽ được đền đáp nhưng chị đã nhầm. Dù đã có được Hoa nhưng Hoàng “lựu đạn” vẫn không bỏ thói trăng hoa. Chị kể, thời gian đầu khóc hết nước mắt về tính trăng hoa của chồng.
Nhưng mỗi lần bị vợ căn vặn, Hoàng “lựu đạn” đều làm thinh, chẳng nhận mà cũng chẳng chối. Còn nếu vợ làm ầm lên thì Hoàng bỏ ra ngoài chờ cơn thịnh nộ của vợ qua đi mới về nhà. Nói riết cũng chán, không ngăn cản được chồng, dần chị Hoa cũng đành mặc kệ.
Bên cạnh đó, chị còn khổ tâm hơn bởi cái tiếng làm vợ ông trùm giang hồ, bởi Hoàng “lựu đạn” lại vốn nổi danh khét tiếng khắp vùng miền Đông Nam Bộ nên mọi người đều tin Hoa chấp nhận theo Hoàng tất cả cũng vì tiền.
Hoàng “lựu đạn” “hội ngộ” con trai Tùng “lựu đạn” trong trại giam.     Ảnh: TL.
Con hư hỏng vì nhiễm thói xấu của cha
Trước khi yên phận trong trại giam, Hoàng “lựu đạn” đã kịp “truyền nghề” cho các con tiếp bước giang hồ.
Anh Nguyễn Hoàng L, SN 1960, bạn cũ và cũng là hàng xóm của Hoàng “lựu đạn”, kể: “Cùng với người vợ đầu, Hoàng “lựu đạn” sinh được hai con trai là Trịnh Thanh Tùng (tự Tùng “lựu đạn”, SN 1982) và Trịnh Thế Thiên Tài (SN 1993) và một con gái.
Theo lời những người hàng xóm, Tùng và Tài lúc đầu là những đứa trẻ ngoan, được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng thời gian Hoàng lấy vợ bé, hai đứa trẻ theo cha nên thường xuyên tiếp xúc với đám giang hồ đâm thuê chém mướn, tính cách cũng dần thay đổi.
Anh L còn nhớ như in vụ Tùng “lựu đạn” cầm mã tấu đi chém đối thủ. “Năm đó, nó mới hơn chục tuổi đầu. Một lần xích mích trong quán bida, Tùng bị đối thủ cao lớn gấp đôi đánh vào mặt.
Tức khí, cậu ta chạy sang cửa hàng rèn gần đó lấy hung khí trả thù. Cũng may, lực lượng an ninh kịp thời can thiệp”, anh L nhớ lại. Cứ thế đến năm 20 tuổi, Tùng đã trở thành một kẻ có “số má” trong giới bảo kê, đòi nợ, đâm thuê chém mướn.
Nhờ oai cha, Tùng mở rộng địa bàn hoạt động từ Dĩ An, Thuận An đến TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, có trong tay cả trăm đệ tử. Năm 2012, hắn cùng 50 đàn em trang bị đầy đủ “hàng lạnh” chi viện bạn chí cốt Tùng “gà” trong một vụ hỗn chiến thì bị bắt.
Tranh thủ thời gian chồng “ăn cơm tù”, vợ Tùng cũng ôm con bỏ trốn theo người tình.
Ngày ra tù, chán nản vì vợ bỏ đi, Tùng càng trượt dài vào vòng xoáy tội lỗi. Lần này, hắn không chỉ đâm chém, bảo kê mà còn kiêm luôn nghề buôn ma túy.
Để tiện bề hành động, hắn cặp bồ và sống như vợ chồng với Nguyễn Trà My (quê Cà Mau, tạm trú tại TP Thủ Dầu Một, cũng là một con nghiện).
Để qua mặt CA, Tùng và Trà My dựng lên vỏ bọc về một cặp vợ chồng hạnh phúc.
Mỗi lần đi mua hàng, Tùng chở “vợ” theo sau. Một buổi sáng sớm, nhận tin báo từ quần chúng cho biết “vợ chồng” Tùng vừa đi mua “hàng”, các trinh sát và các "hiệp sĩ" phường Lái Thiêu đã tổ chức để đón lõng cặp đôi.
Khoảng 14g cùng ngày, khi cặp đôi vừa chạy qua cầu sắt Phú Long thuộc địa bàn khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, lực lượng CA đã ập vào bắt giữ.
Giống anh trai, Trịnh Thế Thiên Tài (tự Tài “lựu đạn”, SN 1993) cũng tự đóng sập tương lai của mình khi trượt vào con đường tội lỗi như cha. Từ nhỏ, thay vì dạy dỗ Tài học hành, Hoàng “truyền” cho con đủ mọi ngón nghề trộm cướp.
Năm 2011, Tài cùng nhóm bạn bắt một bé gái vào khách sạn tại phường Phú Hòa hãm hiếp. Sau đó, Tài phải ở tù về tội hiếp dâm trẻ em đến nay vẫn còn bóc lịch trong trại giam.
Khác với hai em, Tr. (con gái cả của Hoàng “lựu đạn”) lại hiền lành và được lòng bà con lối xóm. Vì tiếng xấu của cha, Tr. đành chấp nhậl Hoàng Hươngn lấy một đệ tử của cha làm chồng. Song hạnh phúc đã không đến với cô lâu dài.
Sau đêm nhậu say túy lúy, chồng của Tr. đã ngủ luôn không tỉnh lại. Cô lại ôm con gái nhỏ về sống cùng mẹ. Buồn cảnh gia đình, cách đây 2 năm, 2 mẹ con Tr. đã bán nhà chuyển đi nơi khác ở.
Với nhiều người, bi kịch này cũng chính là hệ lụy mà người thân phải chịu vì tội ác Hoàng “lựu đạn” gây ra trong quá khứ.
Vợ con từng không dám ra đường vì xấu hổ
Hoàng “lựu đạn” có thêm hai đứa con nữa với người vợ thứ hai. Chị Hoa tâm sự, lúc chồng bị bắt, chị và các con phải đón nhận ánh mắt chẳng mấy thiện cảm của mọi người mỗi khi đặt chân ra đường.
Bởi thế chị đã phải gồng mình, cố gắng gấp trăm, gấp nghìn lần những người khác, để che chở cho các con trước búa rìu dư luận.
Rất may, cô út vượt qua mặc cảm, học ĐH và nay đã có cuộc sống ổn định nhưng thi thoảng chị lại thấy con gái khóc khi nghe tin về cha. Từ ngày cha bị bắt, cậu con trai học hành sa sút, học hết lớp 12, cậu ở nhà không chịu đi làm và rất ít khi ra ngoài.
Đến nay, đứa con này vẫn ở nhà phụ mẹ bán cây xăng để sinh sống. Chị Hoa không trách con vì biết rằng, làm sao các con không bị ảnh hưởng khi chính bản thân cũng từng thấy mình như kẻ tội đồ suốt một thời gian dài không dám ra ngoài.

theo Pháp luật Xã hội

Kỳ 2: Theo cha, “thái tử” của trùm giang hồ lĩnh hậu quả

Hồng Châu |
Kỳ 2: Theo cha, “thái tử” của trùm giang hồ lĩnh hậu quả

Ngay từ khi còn nhỏ, Võ Minh Chí (SN 1991) – con trai trùm giang hồ Hiếu “xì – po” đã được bố “dạy”: “Thà con đánh đứa khác bục đầu chứ đừng để nó đụng tới con”.

Bất bình trước cách dạy con phi lý của chồng nhưng chị Văn Thị Tuyết Nhung cũng đành bất lực. Để rồi sau này, chị phải chứng kiến Chí học thói côn đồ của cha và đám đàn em.
Trượt dài trên con đường hư hỏng, đích đến cuối cùng của Chí rồi cũng là song sắt nhà tù, nơi cha hắn đang phải trả giá cho những tội ác.
Đòn thù của con ông trùm
Hiếu “xì - po” từng là kẻ thống lĩnh băng nhóm giang hồ gây ra nỗi hoang mang khắp các tỉnh miền Tây. Thời Hiếu còn tung hoành, thị uy khắp nơi, Chí “thái tử” cũng lợi dụng uy thế của cha, lăm le nối nghiệp.
Trong cuộc trò chuyện với PV, chị Văn Thị Tuyết Nhung (mẹ Chí) thở dài kể: “Chí ngày càng trở nên ngang tàng, đi tới đâu cũng kiếm cớ gây sự. Chỉ vì sợ uy của anh Hiếu, người ta cũng không dám hé răng một lời.
Ở ngoài là vậy, khi về nhà, Chí cũng chỉ nghe lời cha, còn với tôi - đứa con ngỗ ngược này không hề coi  trọng. Mỗi khi mẹ gọi lại nói chuyện phải quấy, Chí chỉ cười đáp lại: “Con chán nghe mấy câu phải trái của mẹ rồi.
Ở cái xứ này, con thách ai dám đụng tới con đó”. Nghe những lời con nói, chị Nhung chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Cho đến khi Chí bị bắt giam, chị Nhung đau đáu: “Từ nhỏ nó đã được anh Hiếu coi như báu vật. Dù con làm sai gì, anh Hiếu cũng bỏ qua hết. Chính vì vậy, nó ngày càng trở nên hư đốn, không coi ai ra gì”.
Theo lời kể của chị Nhung và người thân trong gia đình thì từ bé, Chí được Hiếu dẫn đi khắp nơi, kể cả những lúc “làm ăn” đã khiến đứa trẻ này nhiễm rất nhanh những thói hư tật xấu. Chí tụ tập nhiều thanh niên độ tuổi của hắn làm tay chân.
Do cha Chí là “ông trùm”, bọn đàn em phong luôn hắn là Chí “thái tử”. Hằng ngày, bọn chúng tập hợp nhau lại rồi đến các tụ điểm ăn chơi trong khu vực Chợ Mới - Long Xuyên (An Giang) quậy phá.
Cứ nơi nào không vừa ý, Chí lại về nói dối Hiếu “xì-po” là bị đánh ở đó. Vì cưng con, Hiếu liền cho đàn em tới dằn mặt khiến các chủ quán vô cùng kinh hãi. Kể từ đó, họ đành ngậm bồ hòn để Chí mặc sức gây rối.
Trong một lần, Chí cùng Lưu Thanh Tâm (SN 1994), Lê Hoàng Ảo (SN 1994), Ngô Thanh Quyền, Nguyễn Văn Tình, đến quán cà phê Vườn Kiểng chơi thì bắt gặp Huỳnh Thanh Trường Hận (SN 1991), cùng 3 người bạn đang ngồi uống cà phê.
Nhìn thấy Hận, Chí liền nghĩ tới chuyện khi còn đi học bị người bạn này làm xấu hổ trước lớp. Chính vì vậy Chí đã nói với đám đàn em: “Thằng Hận là bạn học cũ của tao. Hồi đi học, nó làm tao phải nghỉ học, hôm nay tụi mày phải rửa hận cho tao…”.
Thấy nhóm của Chí mặt đằng đằng sát khí tiến tới, Hận biết là có chuyện chẳng lành nên ra hiệu cho cả nhóm ba chân bốn cẳng chạy thục mạng ra ngoài. Nhưng mới tới cổng, Hận đã bị túm lại và hứng chịu màn trút giận của Chí và đám du côn.
Đánh Hận xong, cả nhóm kéo đi nhậu nhưng khi đi được nửa đường, Chí “thái tử” lệnh cho tất cả quay lại tìm Hận. Tới quán Vườn Kiểng, chúng nhóm nhau lại bàn cách đánh Hận một trận nhớ đời nữa mới chịu buông tha.
Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng chia ra mai phục khắp quán. Lúc này, Hận cũng không vừa khi kéo đám bạn trở lại quán. Hai bên giáp mặt, trận ẩu đả xảy ra khiến cả quán náo loạn. Tàn cuộc, Quyền bị nhóm bạn của Hận đánh trọng thương phải đưa vào BV.
Chí “thái tử” bị đánh vỡ mũ bảo hiểm. Hận và bạn mình bị thương nằm lê lết.
Đang cùng đàn em bàn tính làm ăn, Hiếu nhận được tin báo rằng, Chí “ thái tử” bị đánh. Mới nghe tới đó, Hiếu “xì-po” ngay lập tức leo lên xe chạy tới hiện trường.
Khi biết Hận chính là kẻ đánh nhau với con trai, Hiếu dùng chân đá thẳng vào mặt gã trai đang nằm bất tỉnh. Đánh xong, Hiếu quát lớn: “Chúng mày mù hết rồi sao, biết Chí “thái tử” là ai không mà dám đụng tới.
Đám đàn anh của tụi mày nghe tên Hiếu “xì-po” này còn phải sợ huống chi là mấy đứa nhãi nhép như tụi bay…”.
Về tới nhà, Chí không bị bố mắng mà còn khen hắn biết nghe lời vì ngay từ nhỏ, Hiếu xì-po đã dạy hắn rằng, thà con đánh đứa khác bục đầu chứ đừng để nó đụng tới con.
Nhiều lần thấy con hỗn hào ngang tàng với người khác, chị Tuyết Nhung la mắng con thì Hiếu lại tỏ ra bênh vực khiến Chí ngày càng trở nên hống hách.
Chân dung “ông trùm” Hiếu xì- po
Theo cha đưa tay vào còng
Được cha “bảo kê”, Chí càng chẳng coi ai ra gì. Một lần khác, tại quán karaoke Phong Vũ, khi nhóm Chí “thái tử” đụng độ với Lê Quốc Trung (SN 1989) cùng 5 người bạn.
Chí đắc thắng vì nhóm của đối phương chưa đánh đã bỏ chạy. Hiếu được em ruột là Võ Văn Phụng cho hay tin liền ra lệnh trả thù.
Sau đó, đàn em của Hiếu ngay trong đêm đã đến 10 nhà dân để tìm các đối tượng dám “đụng” tới Chí. Gia đình của ông Nguyễn Văn Hai (SN 1945), ông ngoại của Lê Hồng Danh - kẻ dám đối mặt với Chí, bị đàn em của Hiếu xông vào nhà lục soát.
Ông Hai bị lãng tai nhưng biết tiếng băng nhóm của Hiếu “xì-po” nên khóc lóc: “Mấy chú về đi. Sáng mai tôi đưa thằng Danh đến xin lỗi chú Hiếu”. Chúng đưa ra tối hậu thư: “Trong ngày mai, tất cả gia đình có con cháu tham gia đánh Chí “thái tử” phải dẫn đến”.
Sáng hôm sau, tất cả những gia đình bị nhóm của Hiếu viếng thăm đều tới nhà xin tạ tội với bố con hắn.
Khi thấy kẻ đang bị truy tìm xuất hiện tại nhà, Tính “thái sư” ra lệnh: “Anh Hai (tức Hiếu “xì - po”) kêu mày đi vào cổng bằng đầu gối thử gan mày lớn cỡ nào”. Lập tức người thân và kẻ gây hấn với Chí phải cắn răng tuân theo.
Do thấy quá nhiều người tới nhà, chị Nhung vội chạy ra ra khuyên chồng nên bỏ qua mọi chuyện, dù sao, chúng vẫn là trẻ con. Thấy vợ giãi bày hơn thiệt, Hiếu gật gù và đe nẹt rằng từ nay thằng nào thấy con tao liệu mà tránh xa.
Sau đợt ấy, Chí ngày càng trở nên ngang tàng, đi tới đâu hắn cũng kiếm cớ gây sự. Chứng kiến con hư hỏng, chị Nhung chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Rồi ngày Hiếu bị bắt, Chí cũng không tránh khỏi và bản án 2 năm tù giam còn là quá nhẹ so với những gì Chí gây nên.
Chị Văn Thị Tuyết Nhung cho biết, đầu năm 2014, Chí mới được tại ngoại. Tưởng như quãng thời gian hai năm trong nhà giam, Chí sẽ thay đổi để làm lại cuộc đời. Không ngờ mới ra tù hôm trước, hôm sau Chí tụ tập bạn bè chơi bời, gây rối khắp nơi.
Không những vậy, chị Nhung còn cho biết, mới đây Chí tham gia đánh một thanh niên bị thương tật 15 %, đang đợi ngày hầu tòa.
Kỳ tới: Từ một tay chăn vịt thuê, Võ Hoàng Hiếu, SN 1970, trú tại ấp An Thái, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới,  tỉnh An Giang, luôn ước mơ có chút vốn để tự làm ông chủ. Khi đang túng quẫn, hắn được một người bạn rủ đi chơi bài.
Từ đây, cuộc đời Hiếu thay đổi một cách chóng mặt. Máu cờ bạc đã khiến hắn bỏ luôn việc chăn vịt, tối ngày chúi đầu vào các sòng bài và manh nha trở thành một đại ca thứ thiệt.
Hắn chính thức được giới giang hồ vùng Chợ Mới - Long Xuyên nể sợ sau một phi vụ đòi nợ thuê và “xử đẹp” một nhóm giang hồ dám tới quậy phá.
Từ đây, cái tên Hiếu xì-po bắt đầu được biết tới rộng rãi trong giới giang hồ miền Tây cho đến khi bị bắt cùng 40 đồng phạm.
theo Pháp luật Xã hội

Kỳ 3: Nỗi lòng của lão nông không ngăn được con trai kiếm sống bằng đao búa

Hồng Châu |
Kỳ 3: Nỗi lòng của lão nông không ngăn được con trai kiếm sống bằng đao búa

Bước chân vào giang hồ, Hiếu “xìpo” còn lôi kéo cả em trai trở thành cánh tay đắc lực. Không những thế, Hiếu còn dung túng đứa con trai duy nhất trở thành côn đồ, coi trời bằng vung để rồi sau đó tất cả họ đều vướng vòng lao lý.

Ngày Hiếu “xìpo” bị bắt, nhiều người thân trong gia đình vô cùng sửng sốt. Trong mắt họ, Hiếu lâu nay vẫn là gã chăn vịt biết làm ăn chứ không phải kẻ tội phạm “máu lạnh” sống trên mồ hôi, xương máu của người khác.
Nỗi đau của người cha
Sau khi chứng kiến lần lượt con trai và cháu trai vướng vòng lao lý, ông Võ Văn Dừa, SN 1938, cha của Hiếu “xì-po”, không còn biết hi vọng vào điều gì nữa.
Từ trước tới nay, hai đứa con ông vẫn được tiếng hiền lành, không làm mất lòng bất kỳ ai trong ấp nghèo An Thái. Chỉ tới khi Hiếu tra tay vào còng thì người dân nơi đây mới hiểu ra mọi chuyện. Người cha già ấy chỉ biết rơi những dòng lệ đắng cay...
Trở về ấp An Thái, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cuộc sống yên bình đã trở lại sau những ngày tháng dậy sóng bởi băng nhóm của Hiếu “xì-po” tác oai, tác quái.
Mỗi khi nhắc tới hắn, mọi người đều lắc đầu ngao ngán và chưa vơi sợ hãi. Biết bao gia đình đã tan cửa nát nhà, thân mang thương tật, thậm chí còn phải bỏ xứ mà đi chỉ vì đắc tội với anh hai (Hiếu).
Tìm tới căn nhà nhỏ đã chứng kiến “ông trùm” Hiếu lớn lên từng ngày, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một ông lão đang cặm cụi phân loại từng quả sơ ri đợi thương lái tới mua. Thấy người lạ hỏi thăm, ông lão tỏ ra ngại ngần, không muốn gặp.
Sau khi xắn tay giúp ông phân loại hết bao tải sơ ri, chúng tôi được ông chia sẻ: “Ngày xưa gia đình nghèo khó, mỗi lần đi chăn vịt, thằng Hiếu mang theo cả bịch sơ ri ăn thay bữa sáng.
Nó là trai lớn nên phải gánh vác mọi việc trong nhà, khi thì giúp tôi làm ruộng, khi thì đi làm thuê kiếm tiền nuôi dưỡng các em. Chỉ tới khi nó cưới vợ chuyển ra ngoài sống thì mới thay đổi. Đồng tiền đã giết chết con tôi rồi…”.
Hoàn tất công việc, ông tâm sự rông dài hơn về gia đình mình: “Trước nay, suốt ngày tôi chỉ cắm đầu vào mấy công đất, hết việc thì đi hái trái cây giúp người ta. Chưa lúc nào tôi đi ra khỏi xóm này nên không biết con làm gì ngoài đó.
Khi về nhà, nó sống hòa đồng với mọi người, tụi trẻ con rất yêu quý nó. Trước khi nó bị bắt, thi thoảng tôi nghe mọi người nói qua nói lại rằng nó giao du với giới giang hồ, chẳng những vậy còn là người cầm đầu… nhưng làm sao tôi tin được?
Nó học chẳng tới đâu, lại tối ngày chăn vịt, ai chịu đi theo nó chứ? Cho đến ngày CA tới đọc lệnh khám nhà, tôi mới giật mình biết rằng mọi người nói đúng. Có lẽ từ khi ra ở riêng, nó đã thay đổi mà tôi không biết”.
Khi biết chúng tôi tới viếng thăm, bà Nguyễn Thị Biên, SN 1944, mẹ Hiếu, lấy làm vui mừng. Dù chuyện các con đã khiến bà đứt từng đoạn ruột nhưng người mẹ ấy vẫn hết lòng lo lắng. “Hồi nhỏ, khi không biết tới đồng tiền, chúng nó hiền như đất.
Khi lớn lên, chúng ra ngoài học đòi đám bạn. Tôi chỉ giận thằng Hiếu, nó làm chuyện xấu vậy mà còn lôi cả em và con mình vào. Đây là bài học và cái giá phải trả cho những việc chúng gây nên.
Vợ chồng tôi già rồi, không biết có còn đủ sức để đợi đến ngày con được tự do không nữa. Chỉ mong, nó ở trong đó biết tu tỉnh để sau này làm người tốt …”, bà Biên nghẹn ngào.
Nhìn thấy vợ khóc, đôi mắt ông Dừa lại đỏ hoe. Từ khi các con lĩnh án, ngày nào nước mắt người cha già cũng lăn dài trên gò má. Ông khóc vì các con, khóc vì bản thân mình sinh con ra mà không dạy con nên người.
Ông kể, ngày Hiếu bị bắt, thằng Phụng sợ quá trốn biệt tăm. Một hôm, nó bỗng nhiên gọi điện về hỏi thăm tình cảnh gia đình. Nghe tiếng con tôi rất mừng, nhưng sau đó tôi đã khuyên nó nên trở về đầu thú.
Vậy mà nó nhất quyết không nghe, nó bảo rằng, thà con chết chứ không muốn đi ở tù. Sau đó ít lâu, CA cho hay là nó đã bị bắt. “Có lẽ đó cũng là điều tốt cho nó, thà ở tù rồi ra làm lại cuộc đời còn hơn là suốt đời trốn chui, trốn lủi, biết tới khi nào.
Hiếu đang phải trả giá cho sai lầm của cuộc đời mình.     Ảnh: TL
Mong ngày “ông trùm” phục thiện
Dù phải chứng kiến các con vướng vòng lao lý nhưng vợ chồng ông Dừa cũng đang dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Ông muốn mình khỏe mạnh để đón các con trở về sum họp, được nhìn thấy chúng làm việc lương thiện, hiền lành như lúc trước.
Bởi chỉ có quãng thời gian ấy, ông mới thực sự thấy ấm nồng tình cảm gia đình. Ông xót xa: “Có lẽ, thằng Phụng về tôi có thể đón chứ thằng Hiếu chắc khó lắm.
Tôi không còn khỏe mạnh nữa rồi. Dù có chuyện gì, tôi cũng chỉ hy vọng các con không tiếp tục đi vào con đường trước đây nữa…”.
Ông Dừa trò chuyện với người viết.    Ảnh: Hồng Châu
Chỉ vào người phụ nữ đang đi vào cổng, bà Biên nói: “Vợ thằng Hiếu từ ngày chồng bị bắt, nó đổ bệnh, lúc thì tăng huyết áp, khi thì bệnh tim. Thương lắm nhưng cũng không biết làm sao, chỉ giận thằng con tôi mang họa tới làm khổ vợ con”.
Nghe mẹ chồng nhắc tới mình, vợ anh Hiếu chia sẻ: “Ngày anh bị kết án 17 năm, tôi chết lặng bởi không biết có thể đợi anh ấy về được không vì tôi đang mắc rất nhiều bệnh. Mỗi lần tôi đến thăm anh, anh ấy đều tỏ ra vô cùng ân hận.
Điều đó khiến tôi rất vui mừng. Giờ đây, tôi đang chống chọi với bệnh tật và đếm từng ngày chờ chồng ra.
Tuy rất giận anh ấy vì đã khiến cho cả nhà phải tan tác, khiến đứa con trai duy nhất của chúng tôi vướng vòng lao lý nhưng tôi vẫn thật sự rất yêu anh, vẫn mong anh sớm về với gia đình”.
Trời về chiều, tiễn chúng tôi ra cổng, ông Dừa níu lại nói lời cảm ơn vì đã giúp ông cởi bỏ hết nỗi niềm bấy lâu đè nặng trong lòng. “Từ ngày hai thằng con bị bắt, tôi luôn phải sống trong mặc cảm. Đi tới đâu, tôi cũng không dám nhìn mọi người.
Giờ đây, không biết tôi sống nay chết mai thế nào, chỉ hy vọng có đủ sức khỏe để nhìn thấy các con làm lại cuộc đời”.
Giá như lúc này, Hiếu được chứng kiến nỗi đau của các bậc sinh thành và của người vợ thương yêu, chắc sẽ càng thấm thía hơn về cái giá phải trả cho những bước đi sai lầm của cuộc đời mình.
Chính quyền vẫn hết sức quan tâm
Anh Huỳnh Trúc Phước, Phó ấp An Thái, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới cho biết:  “Lúc trước, gia đình ông Dừa là hộ nghèo trong ấp, sau đó các con lớn thì kinh tế dần ổn định.
Sau đó, Hiếu và Phụng bước vào con đường lầm lỗi, kinh tế gia đình nghèo vẫn hoàn nghèo. Dù Hiếu và Phụng đã gây nên nhiều chuyện trái pháp luật nhưng họ đã phải trả giá cho hành động sai trái.
Mong rằng khi trở về, họ có thể trở lại thành những công dân tốt để đóng góp cho xã hội. Giờ mọi chuyện đã qua, ban ấp cũng thường xuyên tới thăm, động viên gia đình ông Dừa mau chóng vượt qua mọi chuyện để hòa nhập với cuộc sống”.
theo Pháp luật Xã hội

Kỳ 4: Dũng “chim xanh” trùm giang hồ khiến cha uất ức đến chết

Khoát Nguyễn |
Kỳ 4: Dũng “chim xanh” trùm giang hồ khiến cha uất ức đến chết

Dũng  “chim xanh” là tên tướng cướp khét tiếng những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ông trùm giang hồ từng cầm đầu một băng cướp tàn bạo, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những người dân lương thiện.

Sau nhiều giai thoại, không ít người đã gọi y là bản sao của tướng cướp cô đơn Điền Khắc Kim. Tuy nhiên, số phận những người thân từng gắn bó với ông trùm Dũng “chim xanh” đang phải sống trong cảnh nghiệt ngã.
Tan nát gia đình
Người trong giang hồ kể lại, Nguyễn Chí Dũng, SN 1966, biệt hiệu Dũng “chim xanh”, vừa có khả năng bắn súng bằng hai tay bách phát bách trúng, vừa có tài dùng dao kiếm “thần sầu”. Dũng được dân giang hồ tôn sùng cũng bởi một thân võ nghệ hơn người.
10 tuổi, hắn vác dao đuổi chém trọng thương đám thanh niên trong ấp chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhặt. Ở võ đường, gã được coi là nhân tài, đệ tử cưng của thầy, có thể nối nghiệp sư phụ xưng hùng xưng bá.
Mù quáng đi theo vị võ sĩ xấu xa, Dũng bỏ ngoài tai mọi lời răn dạy làm người lương thiện của cha mẹ. Ước mơ của Dũng sau này là làm đại ca như ông thầy, phải có đàn em, kẻ hầu người hạ.
Gia đình Dũng đã quyết định đi kinh tế mới về huyện Hớn Quảng (tỉnh Sông Bé cũ), mục đích là giúp Dũng “chim xanh” đoạn tuyệt với cái võ đường chuyên đẻ ra những tên tội phạm.
Vậy nhưng đến vùng đất mới, Dũng cũng không khiến cha mẹ yên tâm. 14 tuổi, Dũng lập băng nhóm, dưới trướng có đến vài chục tên đàn em nhí. Để nuôi quân, Dũng phải đi trộm cắp, cướp giật.
Những việc làm tội lỗi của con trai không qua mắt được ông Duyên (cha ruột Dũng). Dạo ấy mỗi lần Dũng về nhà, ông lại dốc hết tâm can khuyên nhủ. Nhẹ nhàng không được, ông phải dùng đến cả đòn roi.
Nhưng cha càng cố công giáo dục, Dũng lại càng ngang bướng. Sau này vì cha mẹ quản lý gắt gao, hắn bỏ nhà đi biệt tăm, năm thì mười họa mới về thăm mẹ một lần.
Bà Lê Thị Vui, mẹ Dũng, trú tại ấp 1, xã Tân Khai, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước, kể lại: “Ngày Dũng bỏ đi, tôi đã khóc thương và mong con đến sưng đôi mắt. Ông nhà tôi cũng day dứt, hối hận vô cùng.
Ông ấy vẫn tưởng vì mình đánh đập nên Dũng sinh lòng oán hận. Bởi thế nên sau cái đêm mưa gió nó bỏ đi, ông nhà tôi cũng dừng hết công việc, xuôi ngược tìm con”.
Ba năm nặng nề trôi đi, vợ chồng bà Vui thấy dài như một thế kỷ. Còn Dũng thì ngược lại, chẳng hề quan tâm đến nỗi lo lắng của những người thân.
Rời nhà, hắn thấy bản thân chẳng khác nào được “tháo cũi sổ lồng”. Bỏ luôn băng nhóm cướp giật cũ, Dũng mò về võ đường năm xưa tìm sư phụ.
Tại đây, Dũng được thầy dạy cho đủ mánh khóe bước chân vào giang hồ. Biệt tài bắn súng bằng hai tay cũng là “vốn liếng” vị võ sĩ này truyền lại cho gã.
Sau này khi trở về nhà, Dũng từng kể cho bà Vui chuyện được sư phụ lo lót cho làm vận động viên và võ sư taekwondo tại Trung tâm thể dục thể thao quận Tân Bình, TP HCM. Khoảng thời gian này, sư phụ Dũng bị tai nạn giao thông và qua đời.
Từ đó, võ đường và băng nhóm của vị này cũng sớm tan rã. Rời võ đường, Dũng trở về nhà. Lần đầu gặp con sau hơn ba năm, bà Vui như vỡ òa niềm vui vì thấy Dũng cao lớn, vạm vỡ.
Sinh thời, Dũng luôn khiến mẹ phải sống trong nỗi buồn phiền. Chỉ một thời gian ngắn sau ngày trở về và “chém gió” với cha mẹ, Dũng đã sa chân vào con đường tội lỗi, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân lương thiện.
Dũng “chim xanh”- trùm giang hồ khét tiếng một thời. Ảnh: TL
Phụ tình mẹ, Dũng “chim xanh” khiến cha uất ức đến chết
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Nguyễn Chí Dũng chưa bao giờ khiến bà Vui được thanh thản. Gặp người viết, bà Vui tâm sự: “Sinh con ra, tôi cũng mong nó trở thành người tốt, làm điều có ích cho xã hội.
9 đứa con của tôi thì hết 8 đứa biết khắc phục hoàn cảnh, nghe lời cha mẹ. Chỉ duy nhất thằng Dũng, hết bỏ nhà đi bụi rồi lại cướp bóc. Nhiều lần, tôi đã coi nó không phải con mình. Thế nhưng “máu chảy ruột mềm”, tôi vẫn không bỏ được nó”.
Bà nhớ lại, chỉ có một lần duy nhất được vui vẻ, hy vọng khi Dũng trở về khoe đang làm diễn viên và cán bộ tại Trung tâm thể thao quận Tân Bình.
Lần đó, Dũng còn hứa hẹn khi nào công việc ổn định, sẽ mở một võ đường riêng và đón cha mẹ xuống thành phố phụng dưỡng.
Đêm nằm tâm sự với bà Vui, Dũng thủ thỉ: “Từ nhỏ con luôn khiến cha mẹ buồn phiền. Phần đời còn lại của hai người, con sẽ phụng dưỡng, báo đáp công ơn, chuộc hết những lầm lỗi năm xưa”.
Bà Vui kể về đứa con tội lỗi. Ảnh: Khoát Nguyễn
Nhưng rồi những lời hứa hẹn ấy cũng nhanh chóng bị Dũng ném vào hư không. Năm 1985, bà Vui bàng hoàng nhận được tin Dũng bị CQCA bắt vì đột nhập vào một nhà dân ở quận Thủ Đức, TP HCM trộm tài sản.
Thời điểm bị bắt, trên người Dũng còn có một khẩu súng Colt 45 và 7 viên đạn. Lần đầu tiên “xộ khám”, Dũng phải ngồi bóc lịch gần 4 năm. Ở quê nhà biết tin con trai, những hy vọng nhỏ nhoi vừa nhen lên của vợ chồng bà Vui bị dội một gáo nước lạnh.
Cũng vì buồn phiền, ông Nguyễn Chí Duyên (cha Dũng) lâm bệnh nặng. Mỗi lần vợ đến bên giường chăm sóc, ông Duyên lại nghẹn ngào tự trách bản thân. Ông luôn nghĩ chuyện năm xưa Dũng bỏ đi là lỗi của mình.
Mỗi khi khỏe lại, đôi chân không còn run rẩy, ông lại nằng nặc đòi đi tìm đứa con trai ương bướng về nhà.
Nhìn chồng đau bệnh, luôn khắc khoải về Dũng, bà Vui xót xa khuyên: “Mình thương nó nhưng nó lại không chịu hiểu, có đi tìm nữa cũng không thấy. Hai thân già chúng ta phải giữ gìn sức khỏe chứ chẳng trông mong gì được đâu”.
Đến khi Dũng trở về, chưa kịp mừng vui thì cha mẹ hắn phải đón nhận tin xấu. Cú sốc quá lớn khiến ông Duyên không gượng được dậy nữa.
Một chiều muộn đầu tháng 2 (tức sau ngày Dũng “xộ khám” chưa đầy ba tháng), ông Duyên lặng lẽ ra đi, mang theo nỗi buồn chất chứa về đứa con tù tội.
Bà Vui kể, trước khi mất, chồng còn cố nắm lấy tay bà, giọng thều thào: “Tôi đi trước, các con đành nhờ bà vậy. Mấy đứa lấy chồng, lấy vợ, có cuộc sống ổn định rồi thì không nói, nhưng thằng Dũng là đứa khiến tôi không an tâm.
Dũng gây ra tội lỗi gì thì cũng là con của vợ chồng mình. Nó thành ra như vậy lỗi do chúng ta không dưỡng dục đàng hoàng. Tôi đi rồi thì bà nhất định phải kéo nó về nẻo thiện”.
Những nỗi đau chồng chất ập đến khiến bà Vui tưởng chừng không thể trụ vững. Sau một trận ốm liệt giường, bà Vui phải cố gắng lắm mới gượng dậy nổi. Nghĩ đến lời trăng trối của chồng, bà tự hứa sẽ bằng mọi cách kéo Dũng ra khỏi vũng bùn tội lỗi.
Bà Vui nhớ lại: “Lúc đó tôi nhẩm tính thời điểm Dũng mãn hạn tù thì cũng bước sang tuổi 23. Tôi nghĩ hay kiếm cho nó một mối, biết đâu khi lập gia đình Dũng sẽ nền tính lại”.
Nghĩ là làm, bà Vui sang nhà hàng xóm lựa lời ướm hỏi cô gái Nguyễn Thị Hiền. Trong ấp, Hiền nổi tiếng là thiếu nữ thùy mị, nết na. Hai gia đình cũng khá rất thân thiết với nhau. Hàng ngày, Hiền thường sang đỡ đần bà Vui những việc vặt trong nhà.
Nhiều lần tỉ tê tâm sự, bà Vui ngỏ ý muốn cô làm con dâu. Sau khi đoạn tang chồng, bà đã mang trầu cau sang nhà thưa chuyện với mẹ Hiền, ngỏ ý muốn kết tình thông gia.
Khi chấp nhận trầu cau dạm hỏi của bà Vui, mẹ Hiền cũng hy vọng con rể tương lai sẽ thay đổi sau 4 năm “ăn cơm cân, mặc áo số”. Từ đó mỗi lần đi trại thăm Dũng, bà Vui thường kéo cả Hiền theo.
Năm cuối cùng Dũng “chim xanh” thụ án, bà Vui tạo điều kiện cho hai người gặp mặt nhau. Thế nhưng trái với những gì mẹ mong muốn, Dũng một mực từ chối cuộc hôn nhân sắp đặt này. Hiền là người chịu nhiều tổn thương nhất.
Cô vừa đau đớn vì Dũng không chấp nhận tình cảm, vừa ê chề khi ngày cưới đã ấn định còn bị hủy bỏ. Dù vẫn còn tình cảm với Dũng nhưng trước sức ép của người thân, cô đành phải đi tìm hạnh phúc khác.
Năm 1989, khi mới ra tù được 5 tháng, Dũng lại vác khẩu súng carbin đi cướp. CA huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé (cũ, nay là tỉnh Bình Phước và Bình Dương) bắt về hành vi cướp tài sản.
Dũng phải thụ án 24 tháng tù tại trại Bến Lớn, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, khiến bà Vui gần như tuyệt vọng.
theo Pháp luật TPHCM

Kỳ 5: Bi kịch những phận đời gắn bó với tướng cướp xuất quỷ nhập thần Dũng “chim xanh”

Khoát Nguyễn |
Kỳ 5: Bi kịch những phận đời gắn bó với tướng cướp xuất quỷ nhập thần Dũng “chim xanh”
Dũng "chim xanh" trong song sắt của xe đặc chủng ra tòa (Ảnh: Người đưa tin)

Dũng “chim xanh” là tên cướp khét tiếng những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Gã từng cầm đầu một băng cướp tàn bạo, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những người dân lương thiện. Tuy nhiên, số người thân từng gắn bó với ông trùm Dũng “chim xanh” lại đang phải sống trong cảnh nghiệt ngã.

Người thân “vui chẳng tày gang”
Trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2001, Dũng đã gây ra hàng chục vụ cướp. Suốt quãng thời gian đó, Dũng “chim xanh” trở thành nỗi sợ hãi của người dân.
Sau những phi vụ táo tợn, Dũng từng muốn rửa tay gác kiếm. Nhưng vì đồng tiền, vì những cám dỗ, Dũng đã không thể rút chân khỏi vũng bùn tội lỗi.
Nhắc đến Dũng, đứa con gây ra nghiệp chướng cho xã hội, nước mắt bà Lê Thị Vui, mẹ Dũng, trú tại ấp 1, xã Tân Khai, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước, lặng lẽ chảy dài trên gò má khô khốc.
Trong ký ức của người mẹ bất hạnh, khoảng thời gian Dũng cố gắng sống làm người tử tế vẫn còn rất sống động. Bà kể, dạo ấy mỗi lần nghe tin con trai ra tù vào khám, lòng bà lại thấy tan nát. Bà từng có ý định tìm vợ cho Dũng nhưng bị hắn khước từ.
Bỗng dưng một ngày, Dũng dẫn theo cô gái tên Thảo về ra mắt bà Vui. Theo lời Dũng kể thì những ngày lang bạt, hắn làm quen rồi đem lòng yêu Nguyễn Thị Ngọc Thảo. Không lâu sau, Dũng xin phép mẹ cho làm đám cưới.
Bà Vui kể: “Ba lần mai mối trước, tôi vội vàng ép nó cưới bao nhiêu thì giờ lại muốn mọi chuyện chậm lại bấy nhiêu. Lần đầu gặp Thảo, tôi đã không ưng cô gái này. Thằng Dũng khoe bạn gái nó sinh ra trong gia đình cơ bản, được ăn học đàng hoàng.
Nhưng qua cung cách cư xử, ăn mặc của Thảo, tôi không tin nó là con nhà tử tế, lại càng không dám nghĩ nó sẽ trở thành vợ hiền, dâu thảo”. Giữa năm 1993, đám cưới của Dũng “chim xanh” được tổ chức.
Bà Vui cũng chỉ biết hy vọng Thảo và Dũng sẽ sống hạnh phúc. Hơn thế, con trai bà sau khi có vợ sẽ dừng bước giang hồ, làm người tử tế.
Thế nhưng, trên hành trình tội ác của Dũng “chim xanh” sau này, Thảo luôn song hành cùng chồng. Không những không ngăn cản chồng phạm tội, Thảo còn bao che, cổ súy Dũng dấn sâu hơn vào con đường tội lỗi.
Những đồng tiền nhơ nhớp Dũng cướp Thảo mặc sức hưởng thụ. Cũng chính vì cô vợ này, ý định quay đầu làm người lương thiện của Dũng bị phá sản.
Lấy nhau được một năm thì Dũng lên chức bố. Thời gian này, tính nết Dũng thay đổi hoàn toàn. Chẳng những không tụ tập cướp bóc, ông trùm này còn biết quan tâm đến người thân trong gia đình. Thấy Dũng thay đổi, bà Vui vô cùng hạnh phúc.
Bà đinh ninh lời hứa năm xưa với người chồng đã khuất sẽ được thực hiện. Đó cũng là chuỗi ngày tháng, bà cảm thấy lòng thanh thản và vui vẻ.
Nhưng hành trình hòa nhập cộng đồng của một tướng cướp khét tiếng không đơn giản. Dũng bị người dân địa phương, anh em bạn bè xa lánh, nghi kỵ.
Sau cảm giác tự ti, mặc cảm, hắn càng khao khát làm giàu, để chứng minh cho mọi người thấy tính cách giang hồ đã thật sự thay đổi. Tuy nhiên, việc làm ăn của Dũng gặp nhiều thua lỗ, thất bại.
Dũng “chim xanh” trong phiên tòa xét xử.
Người mẹ quyết từ mặt đứa con trai tội lỗi
Việc kinh doanh cây cảnh bị thua lỗ, Dũng không hề chia sẻ với mẹ. Sau khi bị đàn em và vợ lôi kéo, gã âm thầm trở lại con đường trộm cướp, với hy vọng lấy lại những gì đã mất.
Cuối năm 1995, trong một phi vụ trộm xe máy bị phát hiện, Dũng bị CQCA truy nã toàn quốc. Thời gian Dũng sống chui lủi, trốn tránh cơ quan chức năng, người thân trong gia đình phải giấu bà Vui.
Vì tưởng con trai đi làm ăn xa nên Tết năm ấy, bà vẫn gói bánh tét, sắm cành mai rồi âm thầm đợi cửa mong ngóng. Nhưng giao thừa qua rồi suốt ba ngày Tết, hình bóng Dũng vẫn bặt tăm.
Mãi đến cuối tháng 2-1996, Dũng mới bí mật mò về nhà. Nhìn bộ dạng tả tơi của con trai, linh tính mách bảo bà Vui đã có chuyện  không hay. Dẫu vậy, bà vẫn lặng lẽ đi chuẩn bị cho bữa cơm đoàn tụ.
Nhưng chính trong bữa tối hôm ấy, lực lượng CA bất ngờ ập vào. Nghe các đồng chí CA đọc lệnh bắt Dũng, bà buông rơi chén cơm trên tay ngất xỉu.
Lần thứ 3 “xộ khám”, Dũng phải thụ án 18 tháng tù. Sau bao hy vọng rồi thất vọng, người mẹ già lại bắt đầu hành trình thăm nuôi đứa con bất hảo. Để có tiền trang trải nợ nần cho Dũng, bà phải rao bán ngôi nhà hiện đang ở.
Rất may là sau đó, người đến mua trả giá không hợp lý nên ngôi nhà đến giờ vẫn được giữ lại. Khi Dũng mãn hạn tù, bà lại đến tận cổng trại đón con.
Sau ngày ra trại, Dũng không chịu về với mẹ mà đón vợ lên Sài Gòn. Trước khi chia tay, Dũng còn cẩn thận dặn bà Vui: “Mẹ đừng có bán nhà và cũng không phải lo cho con. Căn nhà ấy phải giữ làm chỗ thờ tự cha. Vợ chồng con còn trẻ, còn cơ hội làm lại.
Con sẽ xuống TP làm ăn mấy năm là ổn thôi”. Sau này, bà Vui cũng chỉ tình cờ biết con trai không hề buôn bán mà đã trở thành tướng cướp khét tiếng, kẻ gây ra hàng loạt vụ trọng án trên địa bàn hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước.
“Hôm đó giữa đêm khuya, tôi đang ngủ say thì Dũng về gọi cửa. Đi cùng với nó, tôi thấy một người đàn ông lạ mặt. Biết tôi thắc mắc, Dũng giới thiệu cậu ta tên Đỉnh, là em đi buôn cùng. Vừa vào trong nhà, Dũng vội kéo ngay một cái bao tải giấu lên gác”, bà Vui kể.
Dù rất nghi ngờ, bà vẫn không hỏi mà lặng lẽ ra sau nhà hâm lại cơm cho Dũng và Đỉnh ăn. Đến khi hai gã ngủ say, bà âm thầm trèo lên gác và mở bao tải ra xem xét.
Khi nút thắt bung ra, bà Vui choáng váng khi nhìn thấy khẩu súng cạc bin lạnh ngắt và một bọc đầy ắp tiền, vàng, dây chuyền và giấy tờ. Trong giây phút thẫn thờ, bà buông tay làm rơi khẩu súng xuống đất.
Vừa nghe tiếng động, Dũng giật mình tỉnh dậy lao lên gác nhặt lại khẩu súng rồi phân bua: “Đồ của con sao mẹ động vào làm gì”. Trấn tĩnh lại, bà nghiêm giọng: “Con mang theo súng để làm gì? Chẳng phải con nói với mẹ là con đi buôn thuốc lá sao?”.
Vừa hỏi con, nước mắt bà đã ứa ra. Câu trả lời “tỉnh bơ” sau đó của Dũng: “Cái thời người khôn của khó này, đi buôn con không nuôi được gia đình” khiến bà hiểu ra tất cả.
Khi Dũng cầm tiền dúi vào tay, bà ném thẳng xuống đất và nói dứt khoát: “Tao thà chết đói còn hơn sống bằng những đồng tiền bẩn thỉu này. Mày cút ngay ra khỏi nhà tao. Từ nay, tao coi như không có đứa con này”. Nói ra những lời cay nghiệt ấy, lòng bà như tan nát.
Với bà, hy vọng cuối cùng về con đường hoàn lương của Dũng đã tắt ngấm. Lúc ấy, bà cố tỏ ra cứng rắn, đuổi Dũng đi mà lòng vẫn mong con ở lại. Giá Dũng quỳ ngối xuống van xin bà tha thứ và hứa sẽ từ bỏ con đường bất lương ấy thì bà chắc chắn sẽ rộng lòng.
Không chỉ khiến cha uất ức đến chết, mẹ phải từ mặt, Dũng còn làm liên lụy đến vợ và hai người con khác của bà Vui phải dính vào lao lý vì tội che giấu tội phạm. Chứng kiến người thân vướng vào tù tội, Dũng mới thấy ân hận nhưng đã quá muộn.
Thời gian trôi qua nhanh, thấm thoát 10 năm kể từ ngày Dũng “xanh cỏ”. Khu vườn trong gia đình luôn rợp bóng mát, với những tạo tác bon sai ẩn chứa sau đó nhiều triết lý nhân sinh.
Ngày Dũng ra đi, bà đã trách giận Thảo, nhất quyết không chịu thừa nhận cô con dâu gián tiếp hại chồng. Nhưng thời gian giúp chữa lành vết thương, sợi dây gắn kết từ những đứa trẻ cũng khiến nỗi oán trách phai dần.
Cũng may, những đứa con của Dũng không đi theo vết xe đổ của cha. Đến giờ, chúng  cũng dần trưởng thành và trở thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội.
“Khai tử” băng cướp khét tiếng
Giữa năm 2004, tòa án hai cấp sơ và phúc thẩm TP HCM tuyên phạt Nguyễn Chí Dũng (biệt danh Dũng “chim xanh”) mức án tử hình về các tội: Hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng... 13 đàn em của Dũng bị tuyên phạt mức án từ tù treo đến 12 năm tù giam.
Băng cướp tàn bạo khét tiếng Đông Nam bộ và tướng cướp gan lì, ma mãnh nổi tiếng với nhiều giai thoại chính thức bị khai tử.
theo Pháp luật Xã hội

Kỳ 6: Lưới tình oan trái của người đàn bà gắn thân phận với trùm vay nặng lãi vùng "tam giá"

Trà Trà |
Kỳ 6: Lưới tình oan trái của người đàn bà gắn thân phận với trùm vay nặng lãi vùng "tam giá"

Làm vợ của một ông trùm khét tiếng chuyên cho vay nặng lãi, lại được chồng chiều chuộng nên người phụ nữ này từng chẳng phải nghĩ gì chuyện tiền bạc. Vậy nhưng bất hạnh lớn nhất của chị là ông chồng giang hồ có tính “sát gái”. Tiền bạc không thiếu nhưng người chồng đó chưa bao giờ là của riêng chị.

Tán gái kiểu… ông trùm
Thủa thiếu nữ, chị Đậu Đậu, SN 1973, trú tại Đông Tác, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, vốn là cô gái nổi tiếng xinh đẹp trong vùng.
Nhiều người vẫn vui miệng gọi cô là “Diễm Hương” vì cô có dung nhan khá giống với nữ diễn viên khả ái này. Tốt nghiệp cấp 2 chị nghỉ học ở nhà phụ mẹ buôn bán, vài năm sau xin làm công nhân trong một xí nghiệp may gia công ở gần núi Châu Thới (Bình Dương).
Vẻ đẹp dịu dàng của thôn nữ làm trái tim bao chàng trai loạn nhịp, hàng đêm đám thanh niên trong vùng, công nhân trong xí nghiệp may thường tụ tập đến quán nước nhà “người đẹp” ngồi tán gẫu, nhưng chủ yếu là để ngắm nhìn và hi vọng lọt vào “mắt xanh” của cô chủ quán xinh đẹp.
Thiếu nữ cũng hơn một lần thao thức vì tình yêu với một thầy giáo trường làng và chàng sinh viên y khoa nhưng lại chẳng đến đâu vì những giận hờn vu vơ của tuổi mới lớn.
Theo chị Đậu, đó là những kỷ niệm đẹp song có tiếc nuối cũng chẳng để làm gì, bởi tất cả đã là quá khứ, cũng là do duyên số.
Làm công ty dày dép được 2 năm thì mặt hàng dày dép ế ẩm, các đơn đặt hàng đều bị cắt, công nhân ai muốn chuyển sang nghành may sẽ được đào tạo nghề nhưng phải chờ xây xong nhà xưởng mới có việc làm.
Trong thời gian chờ đợi, Đậu ở nhà giúp mẹ trông coi hàng quán. Đó là duyên phận khiến cô gặp Đặng Hùng Phương, tức trùm giang hồ Sáu Thế-từng nổi tiếng ở vùng “Tam giác đen” (vùng TP HCM -Bình Dương - Đồng Nai).
Sáu Thế hơn cô 7 tuổi, làm chung trong một công ty nhưng khác phân xưởng nên không biết mặt nhau.
Từ lâu đã nghe đồng nghiệp rỉ tai nhau về cô chủ quán xinh đẹp nhưng Sáu Thế cũng thuộc hàng “bạch mã hoàng tử” có hàng chục thiếu nữ vây quanh, ao ước được “nâng khăn sửa túi” nên cũng chẳng bận tâm.
Duyên phận thật sự gắn kết trong một lần hắn ra quán nước nghỉ trưa và giáp mặt gặp Đậu Đậu. Nét đẹp của cô “Diễm Hương” đã hớp hồn hắn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Kể từ đó, đêm nào Sáu Thế cũng “trồng cây si” ở quán nước.
Chị nhớ lại: “Thời đó Sáu trắng, trông bảnh bao như công tử con nhà giàu. Đặc biệt để tóc dài chấm vai rất lãng tử, và dẫu ít nói nhưng lại khiến người khác phải để ý, bị cuốn hút”.
Chỉ vài tháng chăm chỉ đến uống nước, Sáu Thế đã cưa đổ cô thôn nữ xinh đẹp, tất nhiên lúc ấy cô và cả nhà không hề biết Sáu Thế đã có vợ. Một thoáng cười buồn, chị chia sẻ: “Cũng không thể gọi là vợ được vì người đó chưa hề kết hôn với chồng tôi.
Nghe gia đình bên chồng nói cô này yêu anh nên theo về ở không, đuổi hoài không được họ đành mặc kệ luôn. Tới lúc quen tôi, anh phải gọi nhờ gia đình cô ta hai ba lần mới đưa được cô ấy về”.
Gia đình cô biết chuyện cũng ngăn cản song Sáu Thế đã thuyết phục được họ đó chỉ là tin bịa đặt. Sợ người tình đổi ý, nhân lúc cô đi làm, Sáu Thế đưa cha mẹ qua nhà gái đặt lễ và định ngày cưới xin mà không cho người yêu biết.
Việc làm của Sáu Thế không chỉ khiến xua tan mọi hiềm nghi trong lòng nhà gái mà khiến thôn nữ xúc động chấp nhận “làm người đến sau cũng chẳng sao miễn là anh yêu tôi thật lòng”. Một tháng sau hôn lễ được cử hành, lúc ấy cô dâu mới 19 tuổi.
Sáu Thế khi bị bắt.     Ảnh: TL
Chấp nhận cảnh “sống chung với lũ”
Lấy nhau được vài năm thì Sáu Thế chuyển lên TP HCM làm việc. Chồng cô là người ít nói nhưng rất “sát gái”.
Tuy chẳng dấu chuyện mình có vợ con, cũng không tán tỉnh ai nhưng đàn bà con gái cứ nhìn thấy là bám theo mê mệt, khiến chị phải khổ sở vì uất ức, ghen tuông.
Nhưng cuối cùng cô cũng phải “sống chung với lũ” chấp nhận chuyện chồng có bồ bịch bên ngoài với một điều kiện: “Quen ai, yêu ai mặc kệ, nhưng đừng chở chúng nó ngang mặt vợ con, cũng đừng để có con rơi con rớt”.
Thỏa thuận là vậy nhưng không ít lần chị phải chứng kiến cảnh chồng vui vẻ với những cô gái trẻ, lúc đầu còn nặng nhẹ với chồng nhưng riết rồi thành quen, xem đó như chuyện thường tình của thiên hạ, là chuyện của người khác không thèm chấp nhất.
Chị Đậu Đậu .Ảnh: TL
Chị chống chế: “Chẳng trách được chồng vì người ta cứ theo anh thì biết làm sao? Được cái anh hết mực thương yêu vợ con và đặc biệt cưng vợ như cưng trứng mỏng. Hai mươi mấy năm sống chung với nhau nhưng chưa một lần chửi mắng vợ.
Thậm chí đi làm về thấy vợ nằm xem ti vi cơm nước không nấu cũng chẳng trách cứ lấy một lời mà lẳng lặng đi chợ nấu nướng xong thì dọn ra cho cả nhà cùng ăn.
Thói quen đó anh giữ mãi tới tận sau này”. Tưởng rằng chồng chỉ chơi bời theo kiểu “ăn bánh trả tiền” không ngờ dám dấu chị lập “phòng nhì” cách nhà chỉ vài cây số.
Chuyện xảy ra vào bốn năm trước, lúc ấy chị xây nhà thì người chủ thầu lỡ miệng nói về một ngôi nhà khác Sáu Thế cũng giao cho mình thi công. Biết đã lỡ lời nên khi chị gặng hỏi người này chỉ trả lời qua loa rồi đánh trống lảng sang chuyện khác.
Nghi ngờ, chị theo dõi chồng thì choáng váng khi biết không những Sáu Thế xây nhà cho “vợ hai” mà còn có đứa con gái gần 1 tuổi. Không đánh ghen, không la mắng, chị lẳng lặng chạy xe về nhà viết đơn li dị ngồi chờ chồng về.
Hay tin vợ biết chuyện, gã giang hồ chạy ngay về nhà thú tội tất tần tật nhưng nhất quyết không chịu ký đơn. Sau này, kể cả khi vợ đơn phương đưa đơn và tòa cũng đã xử li hôn nhưng hắn vẫn ở chung với “bà cả” cho đến ngày bị bắt.
Chị tâm sự: “Nguyên nhân một phần cũng do tôi, sau hai lần sinh con, sức khỏe giảm sút. Dù rất muốn có đứa con trai nhưng nghĩ cho vợ nên anh không dám ép mà đi tìm con với người khác”.
Thế nên sau khi li dị họ vẫn ở chung nhà, cùng lo cho con cái như ngày xưa, tới khi Sáu Thế bị bắt cũng là chị đi thăm nuôi, lo lắng mọi thứ.
Kể đến đây “bà cả” lấy khăn lau nước mắt bảo: “Phải li dị chồng vì người đàn bà khác, nhưng đến lúc đi thăm nuôi lại phải đưa cả mẹ con “bà hai” đi cho chồng cũ gặp mặt. Có hôm còn tránh mặt để “vợ chồng” họ tâm sự.
Với mình anh chỉ là chồng cũ, nhưng khi anh bị bắt thì mẹ con mình lại chịu nhiều điều tiếng, xấu hổ với bà con lối xóm”.
Chẳng biết lời chị kể có bao nhiêu phần trăm sự thật trong đó. Những người hàng xóm thầm thì, cô Sáu cũng là dân “làm ăn” làm chủ hụi, cho vay nặng lãi… đều có cả, cũng được gọi là người phụ nữ cứng rắn.
Thế nhưng những giọt nước mắt rơi xuống khi chia sẻ chuyện đời tư cũng phần nào hiểu được chị đã sướng hay khổ khi làm vợ một ông trùm cho vay nặng lãi có tiếng.
Chân dung ông trùm cho vay nặng lãi
Sáu Thế  tên thật là Đặng Hùng Vương (45 tuổi, ngụ tại phường Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương). Hắn là kẻ “cầm chịch” toàn bộ hoạt động cho vay nặng lãi ở vùng “Tam giác đen” với hàng chục đàn em máu lạnh.
Tuy chỉ học hết lớp 6 nhưng Sáu Thế hoạt động rất khôn ngoan, dần dần leo lên hàng số má trong khu vực. Băng nhóm của hắn chuyên hoạt động theo kiểu xã hội đen, làm ăn bất chính như đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cầm đồ rồi tìm cách "siết nợ".
Ngoài ra, Sáu Thế còn tổ chức cá độ bóng đá qua mạng internet để "câu" những con bạc có máu đỏ đen. Băng nhóm này bị triệt phá vào đầu giữa năm 2012.
theo Pháp luật TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét